Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

LẼ SỐNG 22.4

22 Tháng Tư
Món Quà Của Con Cáo

Một câu chuyện giả tưởng thuật lại như sau:

Khi Chúa giáng sinh, các thú vật đều tới mừng Chúa. Mỗi con đều dâng Chúa chút quà: Chị bò cái dâng sữa. Cậu khỉ biếu Chúa mấy trái nho. Chú sóc nâu bé nhỏ tình nguyện ở lại làm đồ chơi cho Chúa. Chúa Hài Ðồng vui vẻ nhận tất cả.

Ðang lúc các thú vật quây quần bên Chúa thì chàng cáo xuất hiện. Các thú vật đều ghét cáo, vì hắn ta gian manh quỷ quyệt... Chúng chặn không cho cáo đến gần Chúa và tự hỏi: Không biết cáo định âm mưu gì.

Cáo nói: Tôi đến dâng lễ vật cho Chúa. Nhưng chẳng thấy cáo mang theo lễ vật nào. Chúa ra hiệu cho cáo vào. Quỳ bên Chúa Hài Ðồng chàng cáo thì thầm dâng lên Chúa long quỷ quyệt của mình.

Thú vật đều bỡ ngỡ: Dâng gì kì cục vậy! Trái lai cáo ta vui cười hớn hở, còn Chúa đặt hai tay trên đầu cáo tỏ dấu ưng thuận chúc lành. Xưa nay cáo sung sướng nhờ sự quỷ quyệt của mình, bây giờ dâng cho Chúa rồi, nó sẽ phải kiếm ăn cực nhọc với tấm lòng lương thiện. Chàng cáo đã dâng nhiều hơn hết mọi con vật.

Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện "Người phụ nữ ngoại tình" trong Tin Mừng: Một khi đã phạm tội, bà bị những người xung quanh kết án có thể gọi là "chung thân". Hình như bà bị xã hội khắc vào má hai chữ "ngoại tình" không thể nào tẩy xóa được. Giống như chú cáo trong câu chuyện trên: Ðã gian manh quỷ quyệt thì mọi thú đều không thể tưởng tượng cáo có thể thay đổi.

Nhưng với sự xuất hiện và hoạt động của Chúa Giêsu, mọi đổi thay đều có thể xảy ra. Con cáo có thể bỏ tính manh mum xảo trá để làm ăn lương thiện. Qua bao thế hệ, câu nói của Chúa Giêsu: "Tôi cũng thế, tôi không kết tội chị. Vậy chị hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa" đã giúp đổi đen thành trắng nhiều cuộc đời.

Chúng ta hãy tập đừng vội xét đoán và nhất là đừng bao giờ kết án ai. Trái lại hãy cho nhau những cơ hội mới để mọi người có thể canh tân cuộc sống.

Tiếp đến, hãy tận tình giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, những kẻ đang vấp ngã: Hãy giơ cánh tay thân thiện kéo họ ra khỏi những vũng bùn nhơ, thay vì đi nói xấu hay xét đoán và kết án họ.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 21 tháng 4, 2010

LẼ SỐNG 21.4

21 Tháng Tư
Món Quà Sinh Nhật

Một bác nông phu tên là Donningos sinh sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ, trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10 chạy theo căn dặn: "Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho con cha nhé!". Người cha vốn rất vui tính và thương con nở nụ cười tươi, gật gù dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.

Sau một ngày lao động mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua cánh rừng gần đấy gom một mớ củi. Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con. Bác bỏ vội bó củi bên đường, tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gành đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm tổ. Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào, nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim đâm. Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra. Chưa định thần thì một con rắn đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ghê rợn chực tiếp tục tấn công. Ðó là con rắn nổi tiếng được dân địa phương gọi là "uturu des sétao". Nổi tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữa.

Bác nông phu vội rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh. May cho bác, nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên. Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa bàn tay. Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng phụ chiếc tay còn lại xiết chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú chim làm quà sinh nhật cho con.

Bạn có tin câu chuyện có thực này không? Nếu bạn không tin thì làm sao bạn tin được một sự thật khác còn to lớn hơn: Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người, nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Người.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2010

LẼ SỐNG 20.4

20 Tháng Tư
Hãy Thắp Lên Một Que Diêm

Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại vận động trường Los Angeles bên Hoa Kỳ. Ðang diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: "Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này".

Ðèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: "Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: Ðã thấy!". Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên những tiếng kêu: "Ðã thấy!".

Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: "Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy".

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: "Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!". Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.

Ông John Keller kết luận: "Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta".

Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, đàn áp và bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.

Ngoài ra, hòa bình không chỉ được xây dựng trong những văn phòng của các nhà lãnh đạo. Hòa bình không chỉ được xây dựng qua những cuộc họp, qua những buổi thảo luận, mặc cả của các nhà chính trị. Mọi người chúng ta phải trở thành những người thợ xây dựng hòa bình. Bởi lẽ nguồn gốc của hòa bình xuất phát từ phẩm chất của các mối liên lạc giữa người với người.

Người biết yêu mến là người thợ xây dựng hòa bình. Kẻ biết giúp đỡ là kẻ xây đắp hòa bình. Những ai biết tha thứ, những ai biết phục vụ tha nhân, những ai biết luôn khước từ hận thù, bạo lực là những người thợ xây dựng hòa bình. Những ai biết chia sớt của cải mình cho người túng thiếu hơn, những ai có lòng nhân từ, có lòng khoan dung và thông cảm đều là những kẻ giúp cho hòa bình nảy nở giữa loài người.

Tóm lại, cách thức tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm cho thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm đối với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và sự dữ.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010

LẼ SỐNG 19.4

19 Tháng Tư
Trò
Chơi Hòa Bình

Một ngày kia, trên con đường đi bách bộ ngang qua một sân chơi, ông Marschak, một nhà văn Liên Xô, dừng lại quan sát các trẻ em vừa lên sáu, lên bảy đang chơi đùa với nhau trên sân cỏ.

Thấy chúng chơi trò gì là lạ, ông cất tiếng hỏi: "Này các em, các em đang chơi trò gì đó?". Bọn trẻ nhôn nhao trả lời: "Các em chơi trò đánh nhau".

Nghe thế, ông Marschak hơi cau mày. Rồi ra dấu cho các em đến gần, ông ôn tồn giải thích: "Tại sao các em chỉ chơi trò đánh nhau mãi. Các em biết chứ, đánh nhau hay chiến tranh có gì đẹp đẽ đâu. Các em hãy chơi trò chơi hòa bình xem nào".

Ông vừa dứt lời, một em bé reo lên: "Phải rồi, tụi mình thử chơi trò hòa bình một lần xem sao". Rồi cả bọn kéo nhau chạy ra sân, chụm đầu nhau bàn tán. thấy chúng chấp nhận ý kiến của mình, nhà văn Marschak tỏ vẻ hài lòng, mỉm cười tiếp tục cất bước. Nhưng không được bao lâu, ông nghe có tiếng chân chạy theo. Và chưa kịp quay lại, ông nghe một giọng trẻ em hỏi: "Ông ơi, trò chơi hòa bình làm sao? Chúng cháu không biết".

Vâng, làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình khi chúng chỉ thấy người lớn "chơi trò chiến tranh". Khi chúng thấy các anh lớn lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự trong lúc đất nước không còn một bóng quân thù.

Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi mỗi ngày chúng thấy trên truyền hình, trên các mặt báo hình ảnh của những người lớn bắn giết nhau, thủ tiêu nhau, ám sát nhau.

Làm sao bọn trẻ có thể chơi trò chơi hòa bình, khi trong chính gia đình chúng thấy anh chị, thậm chí đôi khi cả cha mẹ chúng lớn tiếng cãi vã, mắng chửi nhau. Có khi họ dùng cả tay chân để thay lời nói. Trong thức tế, bầu khí người lớn tạo ra để cho các trẻ em lớn lên không phải là bầu khí hòa bình.

Ðến bao giờ thế giới của người lớn mới hiểu và thực tâm tìm phương thế giải quyết sự mâu thuẫn: là hằng ngày thế giới của người lớn bỏ ra cả tỷ Mỹ kim cho việc nghiên cứu và trang bị về vũ khí.

Trong khi đó, trên thế giới có 800 triệu người sống dưới mức tối thiểu cần thiết cho con người, nghĩa là họ đang bị đe dọa chết đói. Có 600 triệu người trên thế giới đang bị mù chữ. Chỉ có 4 trong số 10 trẻ em được cắp sách đến trường tiểu học trong hơn ba năm. Và cứ 10 đứa trẻ sinh ra trong cảnh cơ hàn thì 2 trẻ bị chết trong năm đầu tiên.

Vâng, thế giới người lớn phải bắt đầu loại bỏ chiến tranh và xây dựng hòa bình, nếu họ muốn trẻ con cũng noi gươ
ng chơi trò chơi ấy.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III PHỤC SINH-NĂM C (Ga 21, 1-19)



LẼ SỐNG 18.4

18 Tháng Tư
Ðôi Tay Cầu Nguyện

Albrecht Durer là một họa sĩ và điêu khắc gia nổi tiếng của nước Ðức vào thế kỷ thứ 16. Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông đó là bức tranh "Ðôi tay cầu nguyện".

Sự tích của họa phẩm này như sau: Thuở hàn vi, Durer kết nghĩa với một người bạn chí thân. Cả hai đã thề thốt là sẽ giúp nhau trở thành họa sĩ. Ðể thực hiện ước nguyện đó, người bạn của Durer đã chấp nhận làm thuê làm mướn đủ cách để kiếm tiền cho Durer ăn học thành tài. Theo thỏa thuận, sau khi đã thành công, Durer cũng sẽ dùng tiền bạc của mình để giúp cho người bạn ăn học cho đến khi thành đạt.

Thế nhưng khi Durer đã thành tài, danh tiếng của anh bắt đầu lên, thì đôi tay của người bạn cũng đã ra chai cứng vì lam lũ vất vả, khiến anh không thể nào cầm cọ để học vẽ nữa. Một ngày nọ, tình cờ bắt gặp đôi tay của người bạn đang chắp lại trong tư thế cầu nguyện, Durer nghĩ thầm: "Ta sẽ không bao giờ hồi phục lại được năng khiếu cho đôi bàn tay này nữa, nhưng ít ra ta có thể chứng minh tình yêu và lòng biết ơn của ta bằng cách họa lại đôi bàn tay đang cầu nguyện này. Ta muốn ca tụng đôi bàn tay thanh cao và tấm lòng quảng đại vị tha của một người bạn".

Thế là kể từ hôm đó, Durer đã để hết tâm trí vào việc thực hiện bức tranh đó. Ðó không phải chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng là tất cả tình yêu và lòng biết ơn mà ông muốn nói lên với một người bạn. Bức tranh đã trở thành bất hủ, nhưng càng bất hủ hơn nữa đó là tấm lòng vàng của người bạn và tâm tình tri ân của nhà họa sĩ.

Phúc Âm kể lại cuộc gặp gỡ cảm động giữa Chúa Giêsu và một người đàn bà mà mọi người đang nhìn bằng một con mắt khinh bỉ, bởi vì bà ta bị xếp vào loại người tội lỗi... Bất chấp mọi dòm ngó và xì xào, người đàn bà đã tiến đến bên Chúa Giêsu, đập vỡ một bình dầu thơm, đổ trên chân Chúa Giêsu và dùng tóc lau chân Ngài.

Nhiều người xì xào, tỏ vẻ khó chịu. Chúa Giêsu đã lên tiếng biện minh cho người đàn bà và Ngài đã tiên đoán: nơi nào Tin Mừng được loan báo thì nơi đó cử chỉ của người đàn bà được nhắc tới. Qua lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng: tất cả mọi nghĩa cử, dù là một hành vi nhỏ bé đến đâu và làm cho mọi người nhỏ mọn đến đâu, cũng được ghi nhớ muôn đời.

Tiền của có thể qua đi, danh vọng có thể mai một, nhưng những việc làm bác ái luôn có giá trị vĩnh cửu. Thánh Phaolô đã nói: trong ba nhân đức Tin, Cậy, Mến, chỉ có Ðức Mến là tồn tại đến muôn đời.

Cuộc đời của mỗi người Kitô chúng ta cũng giống như một bức tranh cần được hoàn thành. Mỗi một nghĩa cử chúng ta làm cho người khác là một đường nét chúng ta thêm vào cho bức tranh. Khuôn mặt của chúng ta có thể khô cằn, hoặc rướm máu vì những cày xéo của những thử thách, khó khăn. Đôi tay của chúng ta có thể khô cứng vì những quảng đại, quên mình. Tuy nhiên, những đường nét bác ái sẽ làm cho khuôn mặt ấy trở thành bất tử...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2010

LẼ SỐNG 17.4

17 Tháng Tư
Sờ Ðược Ðức Kitô

Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã có lần kể lại như sau:
Một hôm, có một cô thiếu nữ đã tìm đến Ấn Ðộ để xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi.

Chúng tôi có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, cũng đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Do đó, tôi đã nói với thiếu nữ đó như sau:

"Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ. Con đã thấy Ngài sờ đến Thánh Thể với chăm chú và yêu thương là dường nào. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà Hấp Hối, bởi vì con sẽ thấy Chúa Giêsu trong suốt ba tiếng đồng hồ". Tôi mới hỏi lại sự thể đã diễn ra như thế nào, cô ta đáp như sau: "Con vừa đến nhà Hấp Hối thì người ta mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối... Con đã đến và đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô".

Có lẽ chúng ta nên tự vấn: chúng ta có tin rằng, tất cả mọi cuộc gặp gỡ với tha nhân đều là một cuộc gặp gỡ với Chúa không? Ðức tin của chúng ta có được diễn đạt qua cuộc sống hằng ngày không? Thánh lễ mà chúng ta tham dự mỗi ngày có được tiếp tục trong cuộc sống hằng ngày không?

Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô, bởi vì Kitô giáo thiết yếu là một sức sống. Người Kitô đến bàn tiệc Thánh Thể để tiếp nhận sự sống và năng lực cho mọi hoạt động của mình.

Là trung tâm của cuộc sống, Thánh Thể được cử hành với đầy đủ ý nghĩa nếu việc cử hành đó gắn liền với cuộc sống. Cắt đứt liên lạc với cuộc sống, tất cả mọi cử hành chỉ còn là những động tác lãng mạn, viển vông.

Do đó, người Kitô sẽ mang đến bàn thờ tất cả cuộc sống của mình và múc lấy từ bàn thờ sức sống mới cho cuộc sống của họ. Hay nói cách khác, Thánh thể là một thu gọn của cuộc sống hằng ngày và cuộc sống hằng ngày là một tiếp nối của Thánh Thể. Ðức Kitô không những chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh Thể và gặp gỡ Ngài trong lúc cử hành, Ngài còn muốn chúng ta gặp gỡ với Ngài qua tất cả mọi sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống.

Bàn thờ trong giáo đường và bàn thờ của cuộc sống phải là một. Ðức tin của chúng ta không chỉ thể hiện trong nhà thờ, nhưng còn phải được tuyên xưng giữa phố chợ. Từng giây từng phút của chúng ta phải trở thành một cuộc gặp gỡ với Chúa. Từng cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người hèn kém nhất, phải là một gặp gỡ với Ðức Kitô.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2010

LẼ SỐNG 16.4

16 Tháng Tư
Không Quyền Lực Nào

"Ðức Tin không thể bị bóp nghẹt bởi bất cứ quyền lực nào!". Ðó là lời tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ George Bush trong buôi tiễn biệt Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II (19.9.1987) nhân dịp Ngài viếng thăm Hoa Kỳ. Trong bài diễn văn từ giã Ðức Thánh Cha, phó tổng thống Hoa Kỳ nói rằng Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục làm việc tại Liên Xô sau hơn 60 năm tuyên truyền cho chủ thuyết vô thần.

Ông George Bush kể lại cho Ðức Thánh Cha như sau: "Trong nghi lễ an táng tổng bí thư Breznev tại Mascơva, một lễ nghi với nhiều lính tráng và hoa tím, nhưng không có Ðức Tin và Lời Chúa, tôi theo dõi bà quả phụ đang tiến đến quan tài để nói lời từ biệt... Kìa, có Chúa làm chứng cho tôi, giữa sự lạnh cóng của một chế độ độc tài, bà Breznev chăm chú nhìn người chồng, rồi cúi nhẹ xuống và làm dấu thánh giá trên ngực của người chết...".

Ông Bush cũng kể lại rằng ông đã gặp Mao Trạch Ðông trước khi ông này qua đời. Chủ tịch họ Mao đã tâm sự với ông như sau: "Tôi sắp sửa về Trời, tôi đã nhận được lời mời gọi của Chúa".

Ðưa ra hai sự kiện trên đây, ông Bush kết luận: Không có quyền lực nào, không có luật pháp nào có thể quét sạch những gì đã ăn rễ sâu trong lòng người...

Lời phát biểu trên đây của ông George Bush có lẽ phải làm cho chúng ta phấn khởi. Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta. Chính những nơi mà chúng ta tưởng Ngài đã bị gạt bỏ hoàn toàn, chính những lúc mà chúng ta tưởng như Ngài không có mặt, thì Ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Bởi vì Thiên Chúa không thể là Thiên Chúa nếu Ngài không yêu thương con người.

Chúng ta tiếp nhận sự sống từ chính Chúa, như trái đất nhận lãnh ánh sáng từ mặt trời. Thiếu ánh sáng mặt trời thì không thể có sự sống trên trái đất. Cũng thế, không có Chúa thì không thể có sự sống... Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta, bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Ngài yêu thương tất cả mọi người, ngay cả những kẻ chối bỏ hoặc thù ghét Ngài.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2010

PHẢN ĐỐI THẦY GIÁO TUYÊN

Cực lực phản đối giáo viên trong lớp học tát tai và kéo đứt dây Tượng Thánh Giá ra khỏi cổ của một học sinh

VietCatholic News (13 Apr 2010 15:27)
Cực lực phản đối Giáo viên Ngô Văn Tuyên, trong lớp học, tát tai một em học sinh công giáo và kéo đứt dây Tượng Thánh Giá ra khỏi cổ em...

Thứ ba, 13 Tháng 4 2010 16:11. Chúng tôi cực lực phản đối Giáo viên Ngô Văn Tuyên, trường cấp 2 An Bằng - Vinh An, Thừa Thiên Huế, tát tai một em học sinh Công Giáo và kéo đứt dây Tượng Thánh Giá ra khỏi cổ em...

Em Phaolô Lê Tiến Quốc, học sinh trường cấp 2 An Bằng - Vinh An, đi học, bị thầy giáo Ngô Văn Tuyên - Giảng viên Môn Giáo Dục Công Dân, không cho mang tượng Thánh Giá vào lớp học.

Sáng ngày thứ hai, 12.04.2010, tại lớp 75 vào tiết 2, Thầy Ngô Văn Tuyên đứng lớp, tổ chức thi học kỳ II môn Giáo Dục Công Dân. Thầy gọi em học sinh Lê Tiến Quốc lên trước lớp, ra lệnh em cởi bỏ dây và tượng Thánh Giá khỏi cổ. Em thưa: “Chúa của em thì em đeo". Thầy liền xách tai tát vào mặt em và nắm cây Thánh Giá kéo đứt dây đeo khỏi cổ em. Thầy còn lôi em đến phòng phòng Hội Đồng trưởng để xử lý.
Thầy nắm Cây Thánh Giá kéo đứt dây đeo khỏi cổ em...

Lúc 13g30 ngày thứ hai, 12.04.2010, cha mẹ em Lê Tiến Quốc, là ông Lê Văn An và Bà Phạm Thị Hương, cùng ông Lê văn Duyệt, đến phòng Hội Đồng gặp gỡ Thầy Tuyên và trao đổi vấn đề.

Sau hơn một giờ tìm hiểu sự thật, cha mẹ em Quốc yêu cầu Thầy Tuyên công khai nói rõ cho lớp 75 về cách cư xử của Thầy đúng sai như thế nào. Thầy không bằng lòng và nói nếu muốn, cứ đến gặp Thầy Hiệu Trưởng.

Và sáng thứ ba này, ngày 13-04-2010, hai ông chủ tịch và phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ An Bằng đã trình văn thư của Linh mục Quản xứ An Bằng, Cha Phêrô Nguyễn Hữu Giải, với thầy hiệu trưởng.

Chúng tôi, những người Công Giáo, cực lực phản đối thái độ không thể chấp nhận được của Giáo viên Ngô Văn Tuyên này.

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang,
Trưởng Ban Truyền Thông TGP Huế


LẼ SỐNG 15.4

15 Tháng Tư
Hoàng Tử Tí Hon

Trong một chuyện ngắn mang tựa đề "Hoàng tử tí hon", văn hào Pháp Saint Exupery có kể lại chuyện như sau: Máy bay trục trặc, ông đã phải đáp xuống giữa sa mạc Sahara. Sáng hôm sau, khi thức dậy, ông thấy có một cậu bé luẩn quẩn bên cạnh mình. Cậu bé cứ nài nỉ ông vẽ cho cậu một con cừu.

Viên phi công đành phải chiều theo ý của cậu bé. Nhưng con cừu đầu tiên ông vẽ được lại là một con cừu già nua. Không vừa ý, ông lại tiếp tục vẽ. Nhưng kết quả chỉ là một con cừu bệnh hoạn. Không biết cách nào làm vừa lòng cậu bé, ông mới vẽ một cái hộp với nhiều lỗ xung quanh và nói với cậu: "Con cừu đang ở trong cái hộp này bé ạ".

Viên phi công ngạc nhiên vô cùng, bởi vì ông vừa giải thích thì cậu đã reo lên: "Ðây chính là điều mà cháu đang chờ đợi... Xem kìa, con cừu đang ngủ". Nhờ một cái hộp như thế, cậu bé tha hồ tưởng tượng theo ý thích của nó. Nó còn tin rằng cái hộp này quả thực là hữu ích vì con cừu mà nó chưa bao giờ thấy vẫn có nơi trú ngụ.

Trong cuộc sống của chúng ta, có lẽ cũng có nhiều điều tương tự xảy ra như thế. Ngay trong Giáo Hội của chúng ta, cũng xảy ra nhiều điều như thế.

Có lẽ lắm khi chúng ta cũng xin Chúa Giêsu hãy vẽ cho chúng ta một Giáo Hội, và Ngài đã chiều theo ý của chúng ta. Ngài đã vẽ cho chúng ta một Giáo Hội. Ngài đã để lại cho chúng ta nhiều yếu tố về Giáo Hội của Ngài. Giáo Hội ấy chẳng khác nào một bức tranh mà các màu sắc được phân tán rải rác khắp nơi... Nơi đây, Ngài bảo rằng Giáo Hội của Ngài là Ánh Sáng muôn dân. Nơi khác nữa, Ngài lại loan báo rằng Giáo Hội đó như một cây vĩ đại có thể dùng làm chỗ cho chim trời đến đậu.

Dĩ nhiên ai trong chúng ta ai cũng biết rằng Giáo Hội không phải là Ðức Giáo Hoàng, Giáo Hội không phải là tòa thánh Vatican. Giáo Hội lại càng không phải là một vị giám mục hay các linh mục... Giáo Hội của Ðức Kitô là một thực tại gồm những con người, nhưng lại vượt lên trên những con người.

Bổn phận của mỗi người Kitô chính là vẽ lại khuôn mặt của Giáo Hội. Giáo Hội đó có thực sự là Giáo Hội của Ðức Kitô hay không, Giáo Hội đó có thực sự là Giáo Hội của người nghèo hay không là tùy thuộc ở những nét điểm tô mà chúng ta dành cho Giáo Hội.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

ĐẠI HỘI SUY TÔN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TẠI LONG BEACH

Đại hội Suy Tôn Lòng Thương Xót Chúa kỳ 10 tổ chức ngày 11-4-2010 tại Long Beach, California, USA. Do Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn chủ tế.
* ĐÂY LÀ lịch buổi lễ.
* ĐÂY LÀ " phóng sự " ngắn bằng hình.


Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 14.4

14 tháng Tư
Xuống Ðường

Thông thường, hai chữ "Xuống Ðường" gợi lên cho chúng ta hình ảnh của những chống đối, biểu tình, đôi khi mang tính cách bạo động trong đường phố. Nhưng cũng có những trường hợp người ta "xuống đường" là để gặp gỡ, cảm thông với người khác, nhất là những người không nhà không cửa, những người sống bên lề đường, những người bị đẩy ra bên lề xã hội cách này hay cách khác: Ðó là trường hợp "xuống đường" của một số giáo dân giáo xứ Saint Leu Gilles thuộc quận 16 của thủ đô Paris Pháp quốc.

Từ 8 năm qua, một số giáo dân thuộc xứ trên đây đã tụ họp lại để thành lập một hiệp hội có tên là "Giải phóng kẻ bị giam cầm". Thật ra đây không phải là một chương trình xã hội quy tụ các nhà giáo, các cán sự xã hội để săn sóc cho những người đầu đường xó chợ, mà chỉ là một nhóm nhỏ gồm những tín hữu chỉ muốn xuống đường, ra khỏi bốn bức tường nhà thờ, hoặc mái ấm gia đình để đến gặp gỡ, trò chuyện với những người đứng đường như các cô gái điếm, những người nghiện ngập. Mục đích duy nhất của những gặp gỡ này chính là thiết lập tình thân hữu với những người mà ai cũng ghét bỏ.

Một thanh niên thường xuyên đến gặp gỡ với những cô gái điếm ở đường Saint Denis đã giải thích như sau: "Trước mặt Chúa, chúng ta cũng như những cô gái điếm đứng đường, nhưng chúng ta biết rằng Chúa yêu thương chúng ta bên kia tất cả những hành động đĩ diếm của chúng ta. Các cô gái điếm đánh động lương tâm đang ngủ yên của chúng ta. Họ mời gọi chúng ta hãy tự đặt vào trong cái nhìn của Chúa và đừng bao giờ kết án ai."

Mục đích của những người xuống đường trên đây không hẳn là thuyết phục những người lầm đường lạc lối, ăn năn hối cải và quay về với chính lộ. Tất cả cố gắng của họ chỉ là nói với các cô gái điếm, những người nghiện ngập, những kẻ lang thang đầu đường xó chợ rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Ðể bày tỏ sứ điệp ấy, những người làm công tác tông đồ này chỉ có mỗi một động tác là lắng nghe, hỏi han với tất cả yêu thương và cảm thông.

Nếu có một thứ hoán cải, thì chính những người trong xã hội phải là những người đầu tiên hoán cải: hoán cải trong thái độ sống đối với người khác, hoán cải trong cái nhìn đối với người khác. Chúa Giêsu đã từng nói: Các cô gái điếm sẽ vào Nước Chúa trước các ngươi. Phải chăng, khi xuống đường đến với người khác, những người bị bỏ rơi trong xã hội, chính chúng ta không là những người cải hóa cho Tin Mừng?


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2010

PHÂN ƯU

PHÂN ƯU

Giáo Xứ THUẬN PHÁT TGP. SAIGON nhận được tin :

Bà Cố ANNA NGÔ THỊ NGAY
Sinh ngày 24.12.1924 tại Hà Tây (Hà Nội)
là thân mẫu Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền
Phó Giám Đốc Học Viện Mục Vụ TGP.Saigon


đã được Chúa thương gọi về lúc 07g30 ngày Chúa Nhật 11.4.2010 tại tư gia, 575/16B Cách Mạng Tháng 8, Phường 15, Quận 10. Hưởng thọ 87 tuổi.

Nghi thức Tẩn Liệm - Nhập Quan lúc 07g30 Thứ Hai 12.4.2010

Thánh lễ An Táng sẽ cử hành lúc 08g30 ngày Thứ Tư 14.4.2010 tại Nhà Thờ Hoà Hưng, Giáo Hạt Phú Thọ, GP.Saigon. Sau đó hoả táng tại Bình Hưng Hoà, Quận Bình Tân, TP.HCM.


Xin được chia sẻ nỗi niềm bùi ngùi, thương nhớ Bà Cố Anna cùng Cha Phêrô và tang quyến. Nguyện xin Chúa sớm đón nhận linh hồn Bà Cố Anna về hưởng Nhan Thánh Chúa.


Lm. Phêrô Phạm Văn Long, Chánh Xứ
Hội Đồng Mục Vụ
Các Đoàn Thể, Các Nhóm Tông Đồ
và Cộng Đoàn Dân Chúa
Giáo Xứ Thuận Phát
TGP. Saigon

LẼ SỐNG 13.4

13 Tháng Tư
Emmaus

Nói đến những người không nhà không cửa, người ta thường nhắc đến cha Henri Groués quen được gọi tắt là cha Pierre, người đã sáng lập cộng đoàn Emmaus nhằm giúp những người bần cùng tự tay xây dựng cuộc sống của họ.

Phong trào cộng
đoàn Emmaus khởi sự bằng một căn nhà đổ nát ở vòng đai của thành phố Paris vào hồi đệ nhị thế chiến. Những người khách đầu tiên của tổ ấm này là các thanh thiếu niên bụi đời, những người không nhà không cửa, hoặc các tù nhân vừa được phóng thích.

Câu nói đầu tiên của cha Pierre với những người mới đặt chân đến cộng
đoàn là : "Bạn không được may mắn, nhưng tôi cần bạn để giúp đỡ những người khác...". Dù khổ sở đến đâu, ai cũng muốn người khác nhìn nhận giá trị của mình, ai cũng muốn trở thành hữu ích cho người khác. Ðó là niềm tin mà cha Pierre luôn khơi dậy nơi những người đã mất tất cả hy vọng.

Cha Pierre đặt tên Emmaus cho cộng
đoàn của Ngài là để nhớ lại câu chuyện của hai người môn đệ Chúa Giêsu trong buổi chiều Phục Sinh. Cũng như hai người môn đệ này, giữa lúc họ tưởng như mất tất cả, Chúa Giêsu đã hiện đến mang lại niềm tin cho họ. Cũng thế, cha Pierre và những người bạn đầu tiên của Ngài đã tìm gặp được hứng khởi, niềm tin yêu giữa những mất mát ê chề của cuộc sống.

Tạo lại niềm hy vọng vào cuộc sống đó là khẩu lệnh của cha Pierre, và xây dựng lại niềm hy vọng đó từ những đổ nát, mất mát. Chính vì thế mà cộng
đoàn Emmaus chủ trương đi thu nhặt lại các đồ phế thải, các vật dụng cũ kỹ để chế biến và bán lại, như một sản phẩm cho chính tay mình làm nên.

Hiện nay phong trào đã có mặt tại 50 quốc gia trên thế giới với khoảng 290 cộng
đoàn. Tất cả mọi người trong cộng đoàn đều sống với niềm hy vọng từ những đổ nát và mất mát trong cuộc sống.

Tin Mừng của Thánh Luca thuật lại rằng, buổi chiều hôm đó, có hai người môn đệ của Chúa Giêsu lên đường đi Emmaus, trở về làng cũ của họ.

Cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mộng công hầu khanh tướng, hết giấc mơ của một nước Israel thịnh vượng, hết mọi hy vọng. Trở về làng cũ tức là trở về với thất vọng ê chề. Nhưng cũng chính lúc đó, Chúa Giêsu đã hiện ra với họ, cái chết mang một ý nghĩa mới, mất mát đã trở thành khởi đầu của lợi lộc, thất bại trở thành khởi điểm của thành công, buồn phiền đã biến thành vui mừng hân hoan... Ánh sáng Phục Sinh của Chúa Giêsu đã mặc cho mọi biến cố của cuộc sống một ý nghĩa mới. Tin tưởng lạc quan đã trở thành nhân đức cơ bản của đời Kitô.

Ở bất cứ nơi đâu và ở bất cứ thời đại nào, sau một lần đổ nát, người ta thường hát lên điệp khúc: Hãy xây dựng lại từ đổ nát!

Ðó là niềm tin mà hơn bất cứ lúc nào chúng ta cần phải bám lấy... Bạn đang sầu khổ vì những mất mát ê chề trong cuộc sống ư? Bạn đang quằn quại trong đau khổ của thể xác và tinh thần ư? Bạn đang cảm thấy mình ở dưới vực thẳm của tội lỗi ư?

Chúa Giêsu của thành Emmaus đang nói với bạn: đừng thất vọng, Ngài đang đồng hành với bạn, và với Ngài, bạn có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 12 tháng 4, 2010

LẼ SỐNG 12.4

12 Tháng Tư
Ra Ði Là Chết Trong Lòng Một Ít

Phật giáo Trung Hoa rất nhớ ơn và hãnh diện vì có thiền sư là Ðường Tam Tạng. Ông là người đã có công vượt núi trèo non để đi Tây Trúc thỉnh Kinh đem về phổ biến cho dân gian.

Truyện Tây Du Ký đã ghi lại cuộc ra đi đầy gian nan của thầy Tam Tạng. Nhưng những gian nan thử thách xảy đến cho thiền sư họ Ðường không phải chỉ là gai góc hiểm trở của đoạn đường dài, mà chính là những tật xấu mà ba người môn đệ thân tín nhất của thầy là hiện thân. Tôn ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, ba cái tên này chính là ba nết xấu mà thiền sư họ Ðường cũng như bao người khác phải vượt qua để đạt chính quả. Ba nết xấu đó là: lòng kiêu căng, lòng ham vật dục và tính lười biếng.

Ra đi là chết trong lòng một ít... Thiền sư họ Ðường có lẽ đã phải chiến đấu và hao mòn vì những tham sân si trong lòng thầy.

Tin Mừng cũng nhắc đến một cuộc ra đi: đó là cuộc ra đi của Chúa Giêsu. Ngài rời bỏ quê hương để đi Galilêa. Galilêa chỉ cách Nagiarét vài chục cây số... Nhưng với Chúa Giêsu cuộc trẩy đi này bao hàm một cuộc lột xác và từ bỏ trọn vẹn. Ngài từ bỏ tất cả để vào sa mạc. Ra đi có nghĩa là ra khỏi chính mình và không quay nhìn lại phía sau. Ra đi tức là chấp nhận chết đi trong lòng một ít.

Thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu, mặc dù chưa một lần ra khỏi bốn bức tường của tu viện, đã được Giáo Hội chọn làm quan thầy các xứ truyền giáo.

Một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng khao khát được mang Tin Mừng của Chúa đến một nơi xa lạ... Ước mơ ấy có thể làm cho chúng ta quên đi thực tại của không biết bao nhiêu người thiếu thốn lương thực cho thể xác cũng như tinh thần.

Ra đi loan báo Tin Mừng, trước tiên chính là ra khỏi con người của chúng ta. Ra khỏi con người của thiển cận, ích kỷ của chúng ta để mặc lấy một cái nhìn nhậy cảm hơn trước sự hiện diện của tha nhân.


Trích sách Lẽ Sống