Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 09.5

09 Tháng Năm
Hòn Ðá Ném Ði

Văn hào Nga Leon Tonstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn khổ.

Người hành khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi".

Ði đâu, người hành khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu mang sự báo thù.

Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch nỗi nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta".

Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất mà Kitô Giáo đã cống hiến cho con người.

Trao ban tiền của, trao ban thì giờ, trao ban chính mạng sống mình là điềuxem ra dễ làm hơn trao ban lòng tha thứ. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình. Của lễ hy sinh trên thập giá của Chúa Giêsu đã nên trọn khi Ngài thưa với Chúa Cha: "Lạy Cha, xin tha thứ cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm".

Tha thứ là của lễ đẹp lòng Chúa nhất, bởi vì qua đó, con người được nên giống Thiên Chúa hơn cả. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta là Thiên Chúa tha thứ và tha thứ không ngừng. Và chỉ có một Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy mới có thể đòi hỏi con người phải tha thứ không ngừng...

Tha thứ là nét cao đẹp nhất của lòng người, bởi vì càng tha thứ, con người càng nên giống Thiên Chúa.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH - NĂM C (Ga 14, 23-29)

LẼ SỐNG 08.5

08 Tháng Năm
Chữ Thập Ðỏ

Buổi sáng ngày 24/6/1859, Henri Dunant, một thương gia trẻ tuổi người Thụy Sĩ, thức giấc với nhiều bận tâm. Từ mấy ngày nay, anh đang trọ tại một lữ quán nghèo thuộc miền Castiglione delle Stiviere bên Italia. Anh đến Italia với một công tác rất táo bạo, đó là gặp cho kỳ được Hoàng Ðế Napoleon đệ tam của nước Pháp để xin cấp cho anh giấy phép được thiết lập một số nhà máy xay lúa tại Algerie, lúc bấy giờ đang là thuộc địa nước Pháp...

Từ trong quán trọ nhìn ra, anh thấy từng đoàn binh sĩ Pháp di chuyển về cánh đồng Solferino... Và những gì phải xảy ra đã xảy ra... 300 ngàn con người từ hai phía đã giáp chiến. Tiếng súng nổ, tiếng người la hét giãy giụa. Khi màn đêm xuống, tiếng súng thưa dần, người ta chỉ còn nghe thấy tiêng rên la của các thương binh từ hai phía... Giờ phút này Henri Dunant không còn nghĩ gì đến dự án thiết lập các nhà máy xay lúa tại Algerie nữa. Thay vào đó, nỗi oán ghét chiến tranh và sự cảm thông với các thương binh mỗi lúc một xâm chiếm tâm hồn anh, nhất là khi người ta bắt đầu di chuyển các thương binh vào các làng mạc...

Một người lính Pháp vừa lê lết vừa xin nước uống. Nguyên một bàn chân đã bị cắt đi khỏi thân thể. Dunant dìu anh vào quán trọ. Cùng với các y sĩ của các phe đang tham chiến, Henri Dunant đã động viên tất cả dân làng để mang thực phẩm và thuốc men đến cho các thương binh, bất kể họ thuộc bên nào.

Trong những ngày ấy, thay cho dự án kinh doanh, Henri Dunant đã dành thời giờ để viết lại hồi ký về trận Solferino. Anh mô tả lại tất cả những gì anh đã chứng kiến và kêu gọi tất cả những người thiện chí trên thế giới hãy giúp anh để chấm dứt thảm cảnh ấy. Không mấy chốc, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được gửi đến các Chính Phủ trên thế giới. Ngay tức khắc, một tổ chức nhân đạo tại Génève đã thỏa thuận trợ giúp cho công tác của Dunant. Anh đi khắp các thủ đô Âu Châu để thuyết phục các nhà cầm quyền ký vào một quy ước nhìn nhận quyền bất khả xâm phạm của các thương binh, các y tá và tất cả những ai phục vụ trong ngành quân y...

Ngày 26/10/1963, đại diện của 16 nước đã gặp nhau tại Génève. Tổ chức do Henri Dunant khai sinh được chính thức chào đời ngày hôm đó. Người ta gọi tổ chức này là Hội Chữ Thập Ðỏ, do biểu tượng của một chữ thập đỏ in trên nền trắng... Dấu hiệu này đã được treo trên các lều, các nhà cửa thuộc về phong trào này... Ðó là món quà lớn nhất mà Henri Dunant đã tặng cho nhân loại.

Trong tập hồi ký trận Solferino, Henri Dunant đã ghi lại như sau: Có nhiều binh sĩ Áo dưới quyền chỉ huy của Hoàng Ðế Prancois Joseph bị bắt làm tù binh. Henri Dunant đã săn sóc họ tận tình. Thấy thế, một bà cụ già trong làng đã phản đối vì cho rằng người Áo là kẻ thù. Henri Dunant đã nói với bà cụ già như sau: "Trong sự đau khổ, không còn khác biệt giữa bạn và thù nữa.. Tất cả chúng ta đều là anh em với nhau".

Nhìn mọi người như anh em của mình, một cái nhìn như thế hẳn phải xuất phát từ một niềm tin rất sâu sắc...

Năm 1901, lần đầu tiên, giải thưởng Nobel hòa bình đã được trao tặng và người được danh dự ấy chính là vị sáng lập ra Hội Chữ Thập Ðỏ. Mười năm sau, con người đã trao tặng cho thế giới một món quà cao quý như thế đã qua đời trong một bệnh viện dành cho những người hành khất nghèo nàn bên Thụy Sĩ. Gia tài của ông để lại là vài cuốn sách, năm ba lá thư và một di chúc thiêng liêng như sau: "Hoặc tôi là một môn đệ của Ðức Kitô giống như các tín hữu của những thế kỷ đầu hoặc tôi không là gì hết".

Ðặc biệt của các tín hữu sơ khai và cũng là lý tưởng của Henri Dunant chính là lòng mến, lòng mến đã biến họ nhận ra mọi người như là anh em, con cùng một Cha trên Trời... Mỗi người Kitô chúng ta cũng có thể lập lại lời di chúc của vị sáng lập Hội Chữ Thập Ðỏ: "Hoặc tôi tôn trọng và yêu thương tha nhân hoặc tôi không là gì hết".


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

THƯ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC ĐÀ NẴNG

Thư ĐGM GP Đà Nẵng gửi Cộng Đồng Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu.

VietCatholic News (06 May 2010 14:27)
THƯ MỤC TỬ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG
Số 4/2010

Kính gửi Cộng Đồng Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu.

Anh Chị Em thân mến!

Trong thời gian gần đây, chúng ta được nghe nhiều câu chuyện thương tâm diễn ra đó đây, những xô xát giữa dân chúng với lực lượng an ninh của chính quyền. Nước mắt và cả máu đã đổ ra ngay trong thời bình. Thật đau đớn, xót xa… Lần này, sự việc lại xảy ra ngay trên địa bàn Giáo phận Đà Nẵng của chúng ta, tại Giáo xứ Cồn Dầu, với hình ảnh làm đau lòng mọi người, trong cuộc cũng như ngoài cuộc. Lễ nghi an táng vốn rất thiêng liêng đối với người Việt Nam, thế mà quan tài của một bà cụ 93 tuổi trở thành đối tượng tranh chấp, xâu xé, hành hung, bắt bớ… Ai trong chúng ta cũng thổn thức và mủi lòng cho người chết cũng như cho người sống.

Trong 48 giờ qua, thông tin từ Giáo xứ Cồn Dầu chắc chắn đã lan rộng đến nhiều người bằng nhiều phương tiện khác nhau. Chúng tôi đã cố gắng phối kiểm thông tin khách quan từ nhiều phía, gặp gỡ chính quyền Thành phố, thăm viếng Giáo xứ Cồn Dầu, nhất là gia đình Cụ Bà Maria Tân mới qua đời, và với tâm tình mục tử, xin gửi đến Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo phận, cách riêng cùng Anh Chị Em giáo dân Cồn Dầu và những người quan tâm bức thư này, như một thông tin và chia sẻ.

Tình hình tại Cồn Dầu vốn căng thẳng đặc biệt từ đầu năm đến nay, khi Thành phố quyết tâm thực hiện dự án Khu sinh thái Hòa Xuân, thuộc Quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, bên kia bờ sông Hàn về hướng Nam, ngăn đôi thành phố. Chính quyền Thành phố thu hồi ruộng đất, di dời và qui hoạch lại dân cư của 5 thôn thuần nông trong phường để thực hiện dự án này. Nhưng dự án đã gặp sự chống đối mạnh mẽ của đa số người dân thôn Cồn Dầu, một Giáo xứ công giáo gần như toàn tòng, không đồng thuận với chính sách giải tỏa đền bù, mà họ cho rằng làm đảo lộn cuộc sống vốn bình yên và chịu nhiều thiệt thòi mất mát. Cũng trong dự án này, chính quyền địa phương đã phát lệnh cấm không cho chôn xác tươi trong khu vực dự án, cấp đất nơi khác để di dời tất cả mọi nghĩa trang trong khu vực.

Câu chuyện thương tâm xảy ra trong dịp đám tang của Bà Maria Tân, 93 tuổi, là giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu. Bà Cụ qua đời vào sáng sớm ngày 01/5/2010 và đến sáng ngày 04/5/2010 thì được an táng. Từ bao đời nay, người giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu khi qua đời, đều được an táng tại nghĩa địa riêng của Giáo xứ, được chăm chút rất công phu kỹ lưỡng, cách nhà thờ xứ khoảng 1.000 mét, cũng nằm trong khu vực dự án này. Đa số giáo dân Cồn Dầu quyết tâm bảo vệ nghĩa địa, và động viên gia đình cứ chôn xác bà cụ tại đây. Theo lời kể của Cha Quản xứ Emmanuel Nguyễn Tấn Lục, khi thấy không khí bất ổn và có thể gây xô xát căng thẳng, Ngài đã nhiều lần đề nghị gia đình và mọi người chọn phương án khác và nơi khác để an táng bà cụ. Ngài đề nghị, sau Thánh Lễ an táng, có thể đưa bà ra nghĩa trang “viếng tiên tổ” rồi đưa đi chôn nơi khác, cũng hợp tình hợp lý và thuận đường.

Sáng Thứ Ba, Cha Quản xứ dâng Thánh Lễ an táng cho Bà Cụ lúc 5g00 sáng tại Nhà thờ Cồn Dầu, rồi đi tĩnh tâm tại Tòa Giám mục. Ngài tin tưởng rằng, chính gia đình sẽ quyết định chôn cất bà cụ cách nào bảo đảm nhất, vì không ai muốn nguời thân của mình gặp rắc rối trong khi an táng, nhất là việc đào huyệt tại nghĩa trang Giáo xứ cũng không thể thực hiện được vì sự ngăn trở bằng mọi cách của chính quyền. Ngài an tâm vắng nhà và tin rằng mọi việc sẽ ổn thỏa. Tòa Giám mục cũng được Ngài báo cáo như thế, nên an tâm tổ chức ngày tĩnh tâm cho các linh mục.

Nhưng sự việc sau đó đã không diễn ra như mọi người tin tưởng. Sau Thánh Lễ, khi trên 500 giáo dân đã cùng gia đình đưa quan tài bà cụ ra nghĩa trang, ca kinh và hàng lối trật tự theo đúng lễ nghi tôn giáo, đã gặp ngay sự ngăn cản hùng hậu của các lực lượng an ninh Thành phố chực sẵn, không cho đoàn người và quan tài tiếp cận khu nghĩa trang. Tòa Giám mục hay tin, nhưng cũng được biết thêm rằng mọi việc diễn ra trong trật tự, nên vẫn tin rằng sau khi “viếng tổ tiên” trong chốc lát, dân chúng sẽ giải tán và gia đình đưa quan tài bà cụ đi chôn nơi khác, hoặc hỏa thiêu tại lò thiêu mới của Thành phố như đã được đề nghị. Nhưng mãi đến trưa, Ông Trưởng Ban Tôn giáo và Ông Phó Chủ tịch Mặt Trận Thành phố có đến thông tin cho Tòa Giám mục về tình trạng án binh kéo dài, nắng nôi và mệt mỏi, không ai còn nhẫn nại được nữa, dù dân chúng phần đông đã giải tán, nhưng còn một số người vẫn vây lấy quan tài và quyết tâm chôn bà cụ tại đây. Tòa Giám mục đã đề nghị phía chính quyền dù thế nào cũng phải tiếp tục nhẫn nại với dân chúng và khuyến cáo không được dùng vũ lực với người dân, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhưng đến 13g30 chiều, mọi sự không còn kiểm soát được nữa, đôi bên “hỗn chiến”, khi lực lượng an ninh đặc nhiệm của Thành phố đã dùng vũ lực mạnh nhất để trấn áp dân chúng, chiếm lấy quan tài, đưa lên xe đem đi, và bố ráp đánh đập không nương tay tất cả những ai có mặt trong khu vực. Nhiều người bị giải lên xe chở đi. Số người bị bắt giữ lên tới 59 người. Vụ việc diễn ra chớp nhoáng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Riêng gia đình bà cụ, đã tập trung đến khu hỏa thiêu ở xã Hòa Sơn, quận Hòa Vang, để làm các thủ tục hành chánh và nghi thức tôn giáo trước khi thiêu xác bà.

Ngay tối hôm ấy, Tòa Giám mục đã liên lạc điện thoại với Ông Chủ Tịch UBND Thành phố, phản đối chính quyền đã thiếu nhẫn nại và sử dụng bạo lực với dân chúng, và đề nghị trả những người dân bị bắt giữ về gia đình. Sáng hôm sau, chúng tôi đã gặp Ông Chủ Tịch HĐND kiêm Bí thư Thành phố trong khuôn khổ một buổi họp, cũng đã bày tỏ thái độ phản đối việc dùng bạo lực đối với người dân, và đề nghị trả những người bị bắt về gia đình của họ.

Buổi chiều, chúng tôi đã trực tiếp đến thăm Giáo xứ Cồn Dầu, lắng nghe ý kiến của Cha Quản xứ và một số người dân, viếng thăm gia đình bà cụ Maria Tân. Mọi người dường như đang run rấy, thổn thức, và cũng hối tiếc, nhất là gia đình, vì không nghe theo lời khuyên của Cha Quản xứ, đã để vụ việc quá đáng tiếc xảy ra. Họ cũng cho biết, những người bị bắt đang bị ngược đãi, xin Tòa Giám mục can thiệp cho họ về. Được biết, trong số những người bị bắt giữ, mới chỉ có một số ít trường hợp được trở về gia đình, và ngành an ninh đang tiếp tục lùng bắt thêm một số người mà qua phim ảnh, họ cho rằng đã có hành vi manh động “chống lại lực lượng an ninh đang thi hành nhiệm vụ”.

Sáng nay, Tòa Giám mục tiếp tục liên lạc với Chính quyền và đề nghị được đến thăm những người đang bị giam giữ. Chính quyền cho biết hầu hết đã về nhà trong đêm hôm qua, số còn lại đang làm việc, sẽ được trả về trong ngày hôm nay. Tin mới nhận được, số còn bị giam giữ là 20 người. Chúng tôi đang tiếp tục liên lạc để có thể thăm viếng họ khi được phép.

Chúng tôi đã đến kính viếng hài cốt, cầu kinh và thắp nhang cho Bà cụ Maria Tân. Nhìn hủ tro tàn bất động để trên bàn thờ cạnh di ảnh phúc hậu của bà, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần phải có một sự thay đổi thật sâu rộng trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay, mới có thể cải thiện mối quan hệ giữa người với người, giữa người dân với chính quyền, giữa đạo và đời, tạo hướng đi vững chắc cho các thế hệ tương lai.

Qua biến cố này, cầu nguyện và suy gẫm nhiều, tôi xin gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng, cách riêng giáo dân Cồn Dầu và những người thành tâm thiện chí một đôi tâm tình.

1. Trong cuộc đấu tranh cho công lý và công bằng xã hội, Anh Chị Em giáo dân đừng nghĩ rằng các mục tử không đứng về phía mình. Các Ngài có cách thế riêng do vị trí, ơn gọi, sứ vụ và đặc sủng của các Ngài. Người mục tử có lúc đi trước, có khi đi sau, thậm chí có những hoàn cảnh phải đi giữa đàn chiên, tùy sự an nguy của đàn chiên đến từ đâu. Hãy kính trọng và lắng nghe tiếng nói của các mục tử ! Hãy biết “tôn sư trọng đạo” đúng mức như bài học vỡ lòng của mọi người dân Việt.

2. Không được nhân danh tôn giáo để đấu tranh bạo động xảy ra dưới bất cứ hình thức nào, dù mục đích của cuộc đấu tranh là chính đáng. Đây không phải chỉ là những điều cấm kỵ đối với tôn giáo, mà còn là lời cảnh báo cho những ai mưu toan lạm dụng tôn giáo để giải quyết những tranh chấp hơn thua cho gia đình, phe nhóm hay đảng phái mình.

3. Riêng đối với người Công giáo, Chúa Giêsu là tấm gương sáng ngời và Tin Mừng của Ngài vẫn là đuốc sáng cho muôn thế hệ. Bất bạo động, nhập thế, ôn hòa, đối thoại là con đường cứu độ mà Chúa Giêsu đã chọn lựa và đã hoàn tất cách vinh quang. Chúa đã ra lệnh cho các tông đồ trước tình thế căng thẳng nhất tại Vườn Cây Dầu, khi người Do Thái xông vào bắt Ngài: “Hãy xỏ gươm vào vỏ. Ai dùng gươm, sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Khi bị cật vấn về mối tương quan giữa đạo và đời, Ngài đã dạy các môn đệ: “ Của Xê-da hãy trả cho Xê-da, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21). Chúng tôi mời gọi nhà cầm quyền Việt Nam hôm nay, hãy cùng chúng tôi chiêm nghiệm những lời này.

4. Sứ mệnh của Giáo Hội là truyền giáo. “Hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ Thầy” (Mt 28,19). Đây phải là tiêu chí hàng đầu mang tính quyết định cho mọi hành động của người Kitô hữu. Phải có lợi cho việc truyền giáo. Phải làm cho Tin Mừng Đức Kitô được rao giảng trong mọi hoàn cảnh thuận nghịch. Phải trả lại cho Giáo Hội gương mặt trong sáng phản ảnh gương mặt Đức Kitô, người mục tử nhân lành. Hãy làm cho người khác, dẫu khi nhìn chúng ta trong những hoàn cảnh thảm thương nhất, vẫn phải thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39b). Như thế, không phải chỉ là chuyện không bang giao hay bang giao sớm muộn giữa Nhà Nước Việt Nam với Tòa Thánh Vatican, nhưng là “Danh Cha Cả Sáng, Nước Cha Trị Đến”. Chưa ai thống kê, nhưng chắc chắn có hàng trăm đảng viên Cộng sản khắp nơi cho đến hôm nay, đã được rửa tội bằng nước hay bằng lửa trên chính quê hương này.

5. Và sau hết, “Hãy cầu nguyện luôn không ngừng” (1Tx 5,17). Đừng quên sức mạnh của lời cầu nguyện. Khi không cảm nhận được sức mạnh của lời cầu nguyện, chúng ta dễ dàng có khuynh hướng tìm sử dụng hoặc dựa vào những thế lực hay vũ lực, như những người không có niềm tin, không biết cầu nguyện. Lời cầu nguyện mà chúng ta không thể quên trong hoàn cảnh hôm nay, là khẩn thiết cầu xin “Chúa Thánh Thần hãy đến canh tân và đổi mới mặt đất này”.

Thưa Anh Chị Em,

Những tâm tình trên đây của chúng tôi để cùng Anh Chị Em hướng về phía trước, nhưng chúng ta không được phép dửng dưng với những thao thức và cả nỗi đau của Anh Chị Em Cồn Dầu trong những ngày này, nhất là những người bị bắt bớ, bị đánh đập, dù bất cứ vì lý do gì. Chúng ta yêu cầu chính quyền Thành phố trả tự do cho những người bị giam giữ vì liên quan đến biến cố. Tất cả chúng ta trong tình hiệp thông, cùng đồng cảm với những trăn trở của họ, đừng để nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm hồn và cuộc sống của họ, đừng để họ mất nhuệ khí tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình họ trong tương lai.

Chúng ta cũng yêu cầu chính quyền Thành phố phải quan tâm xem xét những nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những người nghèo, những người yếu đuối nhất trong xã hội. Giáo Hội luôn đồng hành với người nghèo, không phải chỉ qua một vài công tác nhân đạo từ thiện, nhưng là bảo vệ và tìm cách giúp cho đời sống của họ được thăng tiến.

Chúng ta có hối tiếc bao nhiêu thì biến cố cũng đã xảy ra. Chúng ta phải trả giá quá đắt. Nhưng đây cũng là bài học cho tất cả chúng ta và cả nhà cầm quyền, vì không có kẻ thắng người thua trong “cuộc chiến” này. Trong đại gia đình Dân tộc Việt Nam hôm nay, chỉ có cùng thua hay cùng thắng mà thôi. Chỉ có tình thương mới giải quyết được những bất đồng, và lòng nhân ái mới có thể lấp đầy những hố sâu chia rẽ.

Hướng về ngày Đại Hội Hành Hương kỷ niệm 125 năm Đức Mẹ Trà Kiệu vào cuối Tháng Hoa này, chúng ta cùng hiệp ý hiệp lòng cầu xin với Mẹ như lời kinh cầu Đức Bà chúng ta vẫn thường đọc: “Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành – Xin Cầu Cho Chúng Con”.

Đà Nẵng, ngày 06 tháng 5 Năm Thánh 2010
+ Giuse Châu Ngọc Tri
Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng

LẼ SỐNG 07.5

07 Tháng Năm
Truyền Giáo

Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã bất thần đặt một câu hỏi như sau: "Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"

Câu hỏi ấy như một luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa chưa?". Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra để thấy được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.

Ngày hôm sau, anh tìm đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.

Ngày nọ, giữa lúc đang đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van rên rỉ của một người Hồi Giáo.

Charles de Foucauld nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng sao?

Nghĩ thế, anh bèn quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.

Những năm cuối cùng, Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang cầu nguyện... Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã hội... Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một cái gì cho Chúa.

Có những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có những nhà truyền giáo hùng hồn giao giảng như các tông đồ, nhưng cũng có những nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như Charles de Foucauld.

Âm thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng hồn hơn bao giờ hết.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 06.5

06 Tháng Năm
Khác Biệt Giữa Ngày Và Ðêm

Một vị đạo sĩ Ấn Giáo nọ hỏi các đệ tử của ông như sau: "Làm thế nào để biết được đêm đã tàn và ngày bắt đầu?"

Một người đệ tử trả lời như sau: "Khi ta trông thấy một con thú từ đằng xa và ta có thể nói: đó là con bò hay con ngựa".

Câu trả lời trên đây đã không làm cho nhà đạo sĩ ưng ý chút nào... Người đệ tử thứ hai mới lên tiếng nói: "Khi ta thấy một cây lớn từ đằng xa và ta có thể nói nó là cây xoài hay cây mít".

Vị đạo sĩ cũng lắc đầu không đồng ý. Khi các đệ tử nhao nhao muốn biết câu giải đáp, ông mới ôn tồn nói như sau: "Khi ta nhìn vào gương mặt của bất cứ người nào và nhận ra người anh em của ta trong người đó thì đó là lúc đêm tàn và ngày mới bắt đầu. Nếu ta không phân biệt được như thế, thì cho dù đêm có tàn, ngày có bắt đầu, tất cả mọi sự không có gì thay đổi".

Ngày 25 tháng 12, lễ Thần Mặt Trời của dân ngoại đã được Giáo Hội chọn làm ngày sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu quả thực là Mặt Trời Công Chính. Ngài xuất hiện để báo hiệu Ðêm đã tàn và Ngày Mới bắt đầu.

Nhân loại đã chìm ngập trong đêm tối của tội lỗi, đêm tối của trốn chạy khỏi Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau giữa người với người. Chúa Giêsu đã đến để xóa tan đêm tối ấy và khai mở ngày mới trong đó người nhận ra người, người trở về với Thiên Chúa. Quả thực, chỉ trong Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm con người mới được sáng tỏ. Trong đêm tối âm u của khước từ Thiên Chúa và chối bỏ lẫn nhau, con người đã không biết mình là ai, mình sẽ đi về đâu. Trong ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô, con người nhận dạng được chính mình cũng như nhìn thấy người anh em của mình.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi mọi người cũng như phẩm giá vô cùng cao quý của người đó.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó là nhìn thấy niềm vui, nỗi khổ, sự bất hạnh và ngay cả lỗi lầm của người đó như của chính mình.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó chính là sẵn sàng tha thứ cho người đó ngay cả khi người đó xúc phạm đến ta và không muốn nhìn mặt ta.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là không thất vọng về khả năng hướng thiện của người đó.

Nhận ra người anh em nơi một người nào đó cũng có nghĩa là muốn nói với người đó rằng, cách này hay cách khác, ta cần người đó để được sống xứng với ơn gọi làm người hơn.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 05.5

05 Tháng Năm
Nhà Thờ Cho Người Da Màu

Trong quyển tự thuật, Mahatma Gandhi, cha đẻ của chủ trương tranh đấu bất bạo động và là người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách thống trị của người Anh, đã kể lại rằng: Trong những ngày còn làm sinh viên, ông đã đi lại khá nhiều tại Nam Phi. Ông đã say mê đọc kinh thánh và vô cùng cảm kích về bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Chính Tám Mối Phúc Thực đã gợi hứng cho chủ trương tranh đấu bất bạo động của ông.

Mahatta Gandhi xác tín rằng Kitô giáo là giải pháp cho mối ung nhọt phân chia giai cấp đang đục khoét xã hội Ấn từ bao thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến chuyện gia nhập vào Giáo Hội. Thế nhưng, ngày nọ, khi đến nhà thờ để dự lễ và đón nhận một vài lời chỉ dẫn, ông đã thất vọng: Ông vừa vào đến cửa nhà thờ thì những người da trắng chận ông lại và nói với ông rằng nếu ông muốn tham dự thánh lễ thì hãy tìm đến một nhà thờ dành riêng cho người da màu. Mahatma Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và ông đã không bao giờ trở lại bất cứ nhà thờ nào nữa.

Câu chuyện trên đây của Mahatma Gandhi đáng cho chúng ta suy nghĩ: vô tình hay hữu ý, ai trong chúng ta cũng có thể là một chướng ngại vật ngăn cản nhiều người muốn tìm đến với Giáo Hội. Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần của Tin Mừng, đều có thể là một cách xua đuổi người khác ra khỏi nhà thờ.

Không ai là một hòn đảo. Chân lý này đúng cho những tương quan giữngười với người mà còn có giá trị hơn nữa trong tương quan của niềm tin. Không có một hành động nào của người Kitô hữu mà không ảnh hưởng đến người khác. Trong mầu nhiệm của sự thông hiệp, chúng ta biết rằng tất cả mọi chi thể của Ðức Kitô đều liên kết khăng khít với nhau đến độ sức mạnh của người này là nơi nương tựa cho người khác, sự yếu đuối và tội lỗi của người này có thể làm tổn thương đến người khác... Trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Ðức Kitô, tất cả mọi chi thể đều liên đới với nhau, tất cả mọi người đều có trách nhiệm đối với nhau...

Không ai là một hòn đảo. Chân lý này cũng đúng cho tương quan của người tín hữu đối với người ngoài Giáo Hội. Mỗi người tín hữu đều phải là trung gian nhờ đó con người tìm đến với giáo Hội. Nói cho cùng, người tín hữu không sống cho mình mà sống cho tha nhân. Thật thế, có lẽ không ai trong chúng ta có thể vào Thiên Ðàng nếu chúng ta chưa giúp cho một người nào đó cũng vào Thiên Ðàng với chúng ta. Ðó chính là luận lý của Tin Mừng: Khi mất đi bản thân vì tha nhân, chúng ta mới tìm gặp lại chính mình.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 04.5

04 Tháng Năm
Xin Chúa Tha Thứ Cho Tôi

Sau thời cách mạng Pháp, trước cửa một nhà thờ tại Paris, người ta thường thấy một người hành khất với một dáng vẻ lạ thường. Xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên vòng cổ của người ăn xin một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Người khách quen thuộc nhất của người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục thường đến dâng thánh lễ tại nhà thờ này. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ, ông không quên hỏi han và giúp đỡ người hành khất.

Ngày nọ, vị linh mục trẻ không còn thấy người ăn xin lảng vảng trước cửa nhà thờ nữa. Lần mò hỏi thăm, vị linh mục đã tìm đến thăm người hành khất đang trong cơn rét run vì bệnh tật và đói ăn. Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục, ông ta đã kể lại cuộc đời của mình như sau:

"Khi cách mạng vừa bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giàu có. Hai vợ chồng chủ tôi là những người đạo đức, giàu lòng thương người. Thế nhưng tôi đã phản bội họ. Quân cách mạng tìm cách bắt họ. Hai vợ chồng và hai đứa con của họ đã bị bắt giữ và kết án tử hình. Chỉ còn người con trai duy nhất là thoát khỏi".

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu, nhưng ông đã cố gắng giữ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của người hành khất: "Tôi nhìn họ leo lên đoạn đầu đài và thản nhiên theo dõi cảnh người ta chém đầu họ. Tôi quả thực là một quái vật khát máu... Từ đó, tôi không thể nào có sự bình an trong tâm hồn. Tôi bắt đầu đi lang thang khắp các ngả đường để quên tội ác của mình. Tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ trong túi áo này đây. Cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường là của người chồng, còn chiếc thánh giá bằng vàng tôi đeo trên cổ đây là của người vợ... Xin Chúa tha thứ cho tôi".

Vừa nghe xong những dòng tâm sự và cũng là lời tự thú của người hành khất, vị linh mục trẻ đã quỳ gối xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, ông đã nói như sau: "Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình. Ðại diện cho gia đình và với tư cách là một linh mục, tôi tha thứ cho ông nhân danh Cha và Con và Thánh Thần...".

Câu chuyện tha thứ trên đây là một trong những mẩu chuyện đã và đang xảy ra ở mọi thời đại và mọi nơi. Giữa sa mạc cằn cỗi của lòng người, Thiên Chúa vẫn còn cho mọc lên những hoa trái của yêu thương, tha thứ. Tha thứ là vẻ đẹp thanh tú cao sang nhất của lòng người...

Sự hiện diện của bà Muzeyen Agca tại Roma dạo tháng 02.1987 nhắc lại cho chúng ta một biến cố vô cùng đau thương, nhưng cũng gợi lại một nghĩa cử vô cùng cao quý của vị Cha chung. Ngày 13.5.1981, giữa lúc hàng ngàn người đang chen chúc tại công trường thánh Phêrô để chờ đón Ðức Gioan Phaolô II, thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ đám đông đã làm cho mọi người như đứng tim. Ðức Thánh Cha đã gục ngã trên chiếc xe Jeep mui trần, máu me vọt lên tung toé. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một vị Giáo Hoàng bị mưu sát.

Ali Agca, thủ phạm chính của vụ mưu sát, đã bị bắt giữ ngay sau đó. Người thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ này đã bị giam giữ tại nhà tù Rebibbia ở Roma. Biến cố đẫm máu trên đây đã ghi đậm sự thù hận đang sôi sục trong lòng người... Nhưng thế giới không chỉ được nung náu bằng lò lửa của hận thù. Thiên Chúa đã tạo dựng con người để yêu mến và tha thứ...

Năm 1984, một biến cố khác đã làm chấn động dư luận thế giới: Ðức Gioan Phaolô II đã đích thân đến nhà giam Rebibbia để nói chuyện với Ali Agca và tha thứ cho anh. Không ai biết hai bên đã trao đổi những gì, nhưng ai cũng cảm động trước cảnh tượng kẻ sát nhân và người bị mưu sát đã bắt tay nhau và trao cho nhau ánh mắt của tha thứ, của hòa giải...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 03.5

03 Tháng Năm
Ði Về Ðâu?

Tiền tài danh vọng không làm cho con người hạnh phúc... Ðó là điều mà người ta thường nói khi bàn về cái chết của cô đào Marilin Monroe cách đây hơn hai chục năm... Nay, người ta cũng lặp lại điều đó với nữ danh ca Dalida, người Pháp gốc Ai Cập... Dalida đã tự vận vào hôm 03.5.1987 tại nhà riêng của cô ở Montmartre, Paris, lúc cô 54 tuổi.

Sinh năm 1933 tai Le Caire với tên thật là Yolande Gigliotti, đã trở nên một ca sĩ nổi tiếng và được hâm mộ trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam, nhờ giọng ca đầy truyền cảm của cô. Những người thuộc thế hệ 50 và 60 không thể quên những bài "Bambino", "Gigi l'amorose"... do cô trình diễn. Danh vọng đã không đủ để thỏa mãn cô. Ngày 27.02.1967, cô đã thử một lần tự tử, rồi được cứu sống.

Tự tử cũng là một thể hiện nỗi khao khát khôn cùng trong lòng người: đó là khao khát hạnh phúc. Khi cuộc đời này không còn là một đáp trả cho nỗi khao khát ấy, nhiều người đã tự mình tìm đến cái chết như một giải thoát.

Khủng hoảng trầm trọng nhất của xã hội ngày nay phải chăng không là khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống. Con người sinh ra để làm gì? Con người sẽ đi về đâu? Sau cái chết những gì đang thực sự chờ đợi con người... Ðó là những câu hỏi lớn mà con người ngày nay, khi đứng trước những mâu thuẫn trong cuộc sống, không ngừng đặt ra cho mình.

Con người bởi đâu mà ra, con người sẽ đi về đâu? Ðó là ý nghĩa và giá trị của cuộc sống? Ðó là những câu hỏi mà chúng ta không ngừng tự đặt ra cho mình.

Chúng ta hãy cảm tạ Chúa, bởi vì, nhờ Ðức Tin, chúng ta tìm được ánh sáng cho những câu hỏi ấy.

Trước ngưỡng cửa của năm 2000, nhân loại đang mỗi lúc phải đương đầu với những thách đố lớn của cuộc sống. Người Kitô được trang bị bởi Ðức Tin đang nằm giữa một vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Ánh sáng Ðức Tin, cần phải được chiếu sáng trong cuộc sống của người Kitô để nhờ đó, những người xung quanh cũng tìm ra được ý nghĩa và giá trị cũng như hướng đi đích thực của cuộc sống.


Trích sách Lẽ Sống

MỪNG BỔN MẠNG 03.5


Cha Chánh Xứ và Hội Đồng Mục Vụ

Giáo Xứ Thuận Phát

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Ô.Giacôbê Huỳnh Văn Phước, Trưởng Giáo Khu 5
và các Ông, các Anh, các Em, các Cháu
nhận Thánh Giacôbê là Bổn Mạng

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2010

LẼ SỐNG 02.5

2 Tháng Năm
Ðức Mẹ Guadalupe

Dạo tháng 5.1990, Ðức Gioan Phaolô II đã tôn phong chân phước cho một người thổ dân Mehico tên là Juan Diego, người được Ðức Mẹ hiện ra tại Guadalupe...

Juan Diego là một người thổ dân nghèo sống với người cậu tại làng Telpetlao thuộc ngoại ô thủ đô Mehico vào khoảng thế kỷ 16. Một buổi sáng thứ bảy nọ, trên đường đi đến thánh đường để dự thánh lễ, Juan Diego bỗng nghe có tiếng hát du dương từ trên một ngọn đồi. Anh tiến lại gần và thấy một thiếu nữ xinh đẹp tự xưng là Trinh Nữ Maria. Ðức Mẹ nói với người thổ dân nghèo như sau: "Ta muốn có một đền thờ được dựng lên tại đây để Ta dùng tình thương, niềm cảm thông, sự giúp đỡ và bảo vệ của Ta mà bày tỏ Thiên Chúa cho loài người. Con hãy đi gặp vị giám mục Mehico và nói với Ngài rằng Ta sai con đến gặp Ngài để bày tỏ ý muốn của Ta. Con hãy tin tưởng rằng Ta sẽ biết ơn con và ân thưởng cho con. Ta sẽ làm cho con được giàu có và tôn vinh con".

Juan đến gặp vị giám mục, nhưng anh ta buồn bã trở về làng, vì giám mục không tin lời của anh. Ðức Mẹ lại hiện ra cho anh một lần nữa và cũng sai anh mang một sứ điệp như thế đến cho vị giám mục. Nhưng lần thứ hai, dù cho anh có van nài khóc lóc, vị giám mục vẫn một mực không tin. Vị giám mục nói với người thổ dân nghèo rằng: "Nếu Ðức Mẹ thực sự muốn điều đó thì xin Ngài hãy bày tỏ một dấu lạ". Và ngài bí mật cho người theo dõi. Lần thứ ba, Ðức Mẹ lại hiện ra cho Juan Diego, nhưng Ngài bảo anh: "Hãy trở lại vào ngày mai và Ngài sẽ cho vị giám mục một dấu lạ".

Ngày hôm sau, Juan Diego không thể đến điểm hẹn với Ðức Mẹ được vì anh còn phải đi tìm thầy thuốc cho người cậu đang mắc bệnh. Nhưng khi đi qua ngọn đồi, Juan vẫn được Ðức Mẹ hiện ra. Ngài bảo đảm với anh rằng người cậu của anh sẽ được lành bệnh và thay vì để Juan tiếp tục lên đường đi Mehico để tìm thầy thuốc, Ðức Mẹ đã sai anh đến nơi Ngài hiện ra cho anh lần đầu tiên. Tại đây, Ngài sẽ cho anh những cánh hoa thật đẹp và dấu lạ để mang đến cho vị giám mục... Lúc bấy giờ đang là mùa đông và ngọn đồi nơi Juan được Ðức Mẹ hiện ra thường chỉ có những cây cỏ của sa mạc như các loại gai và xương rồng. Thế nhưng, hôm đó, hoa bỗng nở rộ trong sa mạc. Juan hái lấy dâng cho Ðức Mẹ, Ðức Mẹ sờ đến những cánh hoa và bảo anh lấy chiếc áo choàng để đựng hoa mang đến cho vị giám mục...

Khi Juan vừa mở chiếc áo choàng ra để lấy hoa cho vị giám mục xem thì lạ lùng thay, hình ảnh Ðức Mẹ đã được in trên chiếc áo của anh... Tin ở lời Ðức Mẹ, vị giám mục đã tức tốc lên đường đến làng Ðức Mẹ đã hiện ra cho anh Juan. Ngài nhận thấy người cậu của anh đã được lành bệnh. Các cuộc lành bệnh lạ lùng đã diễn ra từ đó... Một đền thánh dâng kính Ðức Mẹ đã được xây cất để rồi cuối cùng trở thành Vương Cung Thánh Đường Guadalupe như chúng ta vẫn quen gọi.

Trong thánh lễ tôn phong chân phước cho Juan Diego tại đền thánh Guadalupe ngay buổi chiều chủ nhật khi vừa đến Mehico, Ðức Gioan Phaolô II đã kêu gọi người dân Mehico hâm nóng lại tinh thần truyền giáo. Truyền giáo theo đúng nghĩa là được sai đi để mang sứ điệp đến cho người khác. Cũng giống như tất cả những ai được diễm phúc gặp Ðức Mẹ, chân phước Juan Diego đã được sai đi... Phải vất vả nhiều lần và dĩ nhiên, với sự giúp đỡ của Ðức mẹ, Juan Diego mới có thể thuyết phục được vị giám mục...

Người Kitô, từ bản chất là người được sai đi và sứ điệp của họ chính là sứ điệp của yêu thương... Cùng với những cánh hoa dâng tiến Mẹ trong tháng Năm này, chúng ta được mời gọi để mang những cánh hoa yêu thương đến cho mọi người. Tình thương, sự giúp đỡ của Mẹ dành cho chúng ta cũng phải được chúng ta diễn đạt, cao rao qua cuộc sống dạt dào Tình Mến đối với mọi người.


Trích sách Lẽ Sống

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V PHỤC SINH-NĂM C (Ga 13, 31-33.37-35)

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010

PHONG CHỨC LINH MỤC

Thông báo về việc phong chức linh mục vào ngày 11.6.2010

Toà Tổng Giám Mục TGP.TPHCM
T3, 27/04/2010 - 15:20

WGPSG -- Dưới đây là thư của Toà Tổng Giám mục TGP.TPHCM gửi cho các linh mục chính xứ trong TGP.TPHCM về việc phong chức linh mục vào ngày 11.6.2010:

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 4 năm 2010
Kính gởi : Quý Linh mục chánh xứ Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh

Theo đề nghị của Ban Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse, Đức Hồng Y đã quyết định trao tác vụ Linh mục cho 3 đại chủng sinh theo danh sách dưới đây vào lúc 8 giờ 30 ngày 11.6.2010 Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày thánh hoá Linh mục, bế mạc Năm Linh mục, tại Nhà thờ Chánh Toà, 1 quảng trường công xã Paris, phường Bến Nghé, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Giuse Hoàng Đình Hải - Gx.Lộc Hưng - Giáo hạt Chí Hoà

2. Phanxicô Xaviê Trần Minh Hiếu - Gx.Bình An - Giáo hạt Bình An

3. Bartôlômêô Nguyễn Hoàng Tú - Gx.Bình Hoà - Giáo hạt Gia Định

Vậy, xin cha vui lòng rao cho anh chị em giáo dân biết để cầu nguyện, và nếu ai biết các tiến chức có điều gì ngăn trở, xin người ấy báo cho Toà Tổng Giám Mục, hoặc báo cho Ban Giám Đốc Đại chủng viện Thánh Giuse, hoặc báo cho chính cha trước ngày nói trên. Xin chân thành cám ơn và kính chào cha.

TL Đức Hồng y Tổng Giám mục
Lm Chánh Văn Phòng
Inhaxiô HỒ VĂN XUÂN

(nguồn : tgp-tphcm.net)

LẼ SỐNG 01.5

1 Tháng Năm
Giuse Trong Xóm Nhỏ Ðiêu Tàn

"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn giữa hai thập niên 40 - 50.

Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...

Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...

Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.

Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trỗi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...

Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...

Trích sách Lẽ Sống

LỄ TẠ ƠN ĐÓN ĐỨC TGM PHÓ HÀ NỘI

Thông Báo Về Thánh Lễ Tạ Ơn Chào Đón Đức Tân Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn

VietCatholic News (30 Apr 2010 22:25)

Thông Báo Về Thánh Lễ Tạ Ơn Chào Đón Đức Tân Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn


VĂN PHÒNG
TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
40 Phố Nhà Chung – Hà Nội

Ngày 29 tháng 4 năm 2010

Kính gửi: Các quí Cha,
Tu sĩ, Chủng sinh
và anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo Phận Hà Nội

Văn Phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội kính mời anh chị em đến tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn chào đón Đức Tân Tổng Giám Mục Phó Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, do Đức Tổng Giám Mục Giuse chủ sự, vào lúc 10:00 giờ sáng thứ Sáu ngày 7 tháng 5 năm 2010, tại nhà thờ Chính Tòa.

Để thánh lễ được trang nghiêm, trật tự và sốt sáng, xin anh chị em không mang những gì không cần thiết cho thánh lễ và tránh mọi thái độ, cử chỉ, hay lời nói có thể ảnh hưởng đến bầu khí thánh thiêng của phụng vụ.

Sau cùng, xin anh chị em hãy gia tăng cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục Giuse, Đức Tân Tổng Giám Mục Phó Phêrô, Đức Giám Mục Phụ Tá Lôrensô, và cho sự bình an hợp nhất trong Tổng Giáo Phận.

Xin kính chúc anh chị em đầy tràn bình an của Chúa Kitô Phục Sinh!

TM. Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội

Lm. Alphongsô Phạm Hùng
Chánh Văn Phòng