Thứ Ba, 27 tháng 7, 2010

LẼ SỒNG 27.7

27 Tháng Bảy
Ánh Sáng Cho Ðền Thờ

Tại một khu phố cổ của Ấn Ðộ, trên đường cũng như trong nhà thường không có đèn. Giữa những khu phố như thế, thỉnh thoảng người ta thấy mọc lên một ngôi đền Ấn Giáo. Dĩ nhiên, trong những ngôi đền như thế, ánh sáng cũng không bao giờ được đốt lên thường xuyên. Dù vậy, từ trên nóc đền thờ cũng như dọc theo bốn bức tường, người ta thấy có treo những chiếc lồng đèn. Khoảng trống trong những chiếc lồng đèn ấy vừa vặn để cho vào một chiếc đèn dầu. Bình thường, ngôi đền thờ vắng lạnh vì tăm tối. Nhưng, cứ mỗi sáng sớm, khi các tín hữu dùng đèn soi lối để đi qua các khu phố, họ cũng mang chính ngọn đèn ấy và đặt vào trong những chiếc lồng đèn trong đền thờ. Thành ra, khi mỗi tín hữu đặt ngọn đèn của mình vào trong các lồng đèn, thì ngôi đền thờ bỗng sáng rực lên một cách kỳ lạ...

Ngôi đền thờ chỉ sáng lên nhờ chính những ngọn đèn mà các tín hữu mang đến. Ðó có lẽ phải là hình ảnh đích thực của đời sống đạo chúng ta. Chúng ta lãnh nhận đức tin từ một cộng đồng Giáo Hội và đức tin của chúng ta chỉ có thể sống và lớn mạnh trong cộng đồng Giáo Hội mà thôi. Không ai có thể là người tín hữu Kitô mà có thể ở ngoài Giáo Hội.

Cộng đồng giáo xứ nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên trong đức tin thường được biẻu trưng bằng một ngôi thánh đường. Chính nơi đó người tín hữu Kitô gặp gỡ nhau, chính nơi đó, người tín hữu Kitô chia sẻ và củng cố đức tin cho nhau. Ngôi thánh đường sẽ chỉ là một đền thờ lạnh tanh và tăm tối nếu mỗi người tín hữu không mang đến chính ánh sáng của mình. Mỗi người một ít, nhưng chính nhờ sự đóng góp ấy mà ngôi đền thờ trở nên rực sáng và tràn đầy sức sống.

Mỗi một người tín hữu Kitô trong cộng đồng Giáo Hội cũng giống như một ánh đèn chiếu sáng trong tay để làm cho ngôi thánh đường của cộng đồng giáo xứ được sáng lên.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2010

TÔN TRỌNG QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC

VietCatholic News (24 Jul 2010 05:41)

Bất đồng ý kiến là điều tất nhiên phải có, vì người ta thường nói: chín người mười ý. Vậy mà trong thực tế, nhiều người không chịu chấp nhận thực tế nầy, bắt buộc người khác phải thương như mình, phải ghét như mình, phải đồng quan điểm với mình trong mọi chuyện. Nhiều người tự cho rằng ý kiến của mình bao giờ cũng đúng, quan điểm của mình lúc nào cũng tốt nhất; có người còn tuyệt đối hoá quan điểm của mình và không chấp nhận những quan điểm khác, cho dù đó là quan điểm của ai.

Từ chỗ bất đồng quan điểm, người ta tìm đủ cách phỉ báng, lăng mạ hoặc loại trừ những cá nhân hay tổ chức không cùng quan điểm với mình.

CÁI NHÌN PHIẾN DIỆN

Xưa kia ở Ấn-độ có một ông vua đang lúc nhàn rỗi muốn tìm một trò tiêu khiển, nảy ra một sáng kiến hay:

Vua cho mời năm anh mù từ lúc mới sinh đến sân rồng rồi truyền đem vào một con voi lớn. Năm anh mù nầy chưa hề biết voi là gì. Nhà vua ra lệnh cho họ đến sờ voi một lát rồi mô tả lại hình dáng con vật cho vua và triều thần nghe. Ai mô tả đúng sẽ được trọng thưởng.

Lát sau, vua quay lại hỏi người thứ nhất:

- Nhà ngươi hãy mô tả con voi!

Anh này đắc ý tâu:

- Tâu hoàng thượng, voi là một con vật giống y như cột đình (vì anh sờ trúng chân voi).

Anh thứ hai cãi lại:

- Tâu hoàng thượng, không phải thế, con voi có hình thu ngoằn ngoèo như một khúc rễ cây. Chính hạ thần đã tận tay sờ thấy y chang như vậy (vì anh này sờ trúng cái vòi).

Anh thứ ba lên tiếng:

- Đâu phải, voi giống chiếc quạt lớn (anh sờ trúng tai voi).

Anh thứ tư bác lại:

- Tâu đức vua, cả ba anh kia đều sai bét. Chính hạ thần mới là người biết được sự thật. Nó y như một tảng đá lớn, tròn tròn (vì anh này sờ nhằm cái bụng).

Anh thứ năm chen vào:

- Các anh là những người khoác lác và trả lời theo óc tưởng tượng chứ không dựa vào thực tế. Rồi quay qua đức vua, anh tiếp:

- Thưa hoàng thượng, xưa nay hạ thần cứ tưởng voi là một con vật khổng lồ. Nào ngờ, hôm nay, nhờ công đức của hoàng thượng, hạ thần mới biết được sự thật: voi là một con vật nhỏ bé, phe qua phẩy lại như chiếc chổi cùn (anh này lại sờ trúng khúc đuôi).

Thế rồi năm anh đều cho ý kiến mình là tuyệt đối đúng, và người khác là hoàn toàn sai, không ai chấp nhận ý kiến người khác, nên tranh cãi nhau kịch liệt rồi quay ra đấm đá nhau dữ dội, người thì bị gãy răng, kẻ bị dập mũi, lòi mắt… máu me lai láng trông rất thảm hại. Trong khi đó, nhà vua và đám cận thần ôm bụng cười ngặt nghẽo. (Viết theo truyện cổ Ấn- Độ)

Năm người mù tiếp cận con voi từ năm khía cạnh khác nhau nên có năm ý kiến (năm quan điểm) khác nhau. Con người thường tiếp cận thực tại dưới nhiều góc độ khác nhau nên cũng có những quan điểm khác nhau như vậy.

Nhưng điều đáng tiếc là có lắm người cũng giống như năm anh mù trên đây, cho rằng quan điểm của mình, ý kiến của mình, lập trường của mình là tuyệt đối đúng và không chấp nhận những quan điểm khác. Chẳng những không chấp nhận ý kiến đối lập mà người ta còn triệt hạ nó. Thế là tấn kịch bi hài “sờ voi” vẫn tiếp diễn không ngừng.

Nơi một số người, căn bệnh “sờ voi” nầy hầu như trở thành mãn tính và bất trị. Một khi người ta có một ý kiến, một quan điểm nào đó rồi thì không ai có thể giúp họ nhìn theo quan điểm khác được.

ĐỪNG VỘI TIN VÀO LÝ LUẬN

Chúng ta hãy nghe Giáp và Ất tranh luận:

Giáp lý luận: “Ban sáng, mặt trời ở gần trái đất; ban trưa, mặt trời ở xa; vì vào ban sáng ta thấy mặt trời to, ban trưa, ta thấy mặt trời nhỏ."

Giáp lý luận rất đúng. Thế nhưng Ất lại không tán thành. Anh chứng minh ngược lại.

Ất nói: “Không đúng. Ban sáng, mặt trời ở xa, vì ta cảm thấy nóng ít; ban trưa mặt trời ở gần, vì ta cảm thấy nóng nhiều. Càng gần lò lửa thì càng nóng, đúng không."

Hai người đưa ra những luận chứng rất thuyết phục để bảo vệ cho quan điểm của mình, nhưng chẳng có người nào đúng.

Vậy thì đừng vội tin vào lý luận, vì lý luận không nhất thiết đưa người ta đến gần chân lý.

ĐỪNG TUYỆT ĐỐI HOÁ QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH

Đừng bao giờ tuyệt đối hoá quan điểm của mình, tức cho rằng quan điểm của mình là duy nhất đúng; quan điểm của người khác đã xưa, đã lỗi thời, không thích hợp, không đúng. Không ai nắm gọn chân lý trong tay. Như năm người mù sờ voi, mỗi người chỉ đúng về một khía cạnh, về một phương diện. Điều đáng trách là người ta cứ cho rằng mình đúng toàn diện, nên không thể chấp nhận người khác quan điểm cũng đúng (về một khía cạnh nào đó) như mình.

TRƯỚC HẾT, CẦN CHẤP NHẬN QUAN ĐIỂM CỦA NGƯỜI KHÁC

Trong một tập thể, trong một cuộc thảo luận, thường có những quan điểm khác nhau. Đó là điều tất nhiên không tránh được (nhưng đó lại là điều đáng mừng).

Điều đáng tiếc là có nhiều người không bao giờ chấp nhận quan điểm của người khác, phản đối người khác kịch liệt khi họ có quan điểm khác mình hay trái ngược với mình.

Thế là vở tuồng ‘mù sờ voi’ không ngừng tiếp diễn khắp nơi trên thế giới trong nhiều lãnh vực khác nhau suốt chiều dài lịch sử loài người!

Hãy nhớ rằng chân lý thì đa diện trong khi tâm trí con người hạn hẹp. Muốn biết rõ một ngôi nhà, cần quan sát nó từ nhiều điểm nhìn khác nhau; muốn luận tội một phạm nhân, quan toà phải nghe lý lẽ từ hai ba phía; muốn biết rõ một sự thật nào đó, chúng ta cũng cần phải xem xét vấn đề dưới nhiều khía cạnh, nhiều quan điểm khác nhau!

Bởi thế, ta rất cần lắng nghe người khác bày tỏ quan điểm của họ để mở rộng nhận thức của mình.

YÊU THÍCH VÀ TÔN TRỌNG QUAN ĐIỂM KHÁC BIỆT

Nếu anh màu đỏ, tôi cũng là màu đỏ như anh, thì sự kết hợp giữa hai người cũng chỉ là màu đỏ, không có gì mới mẻ. Nếu anh màu đỏ nhưng tôi không đồng màu với anh mà là màu trắng, thì sự phối hợp giữa hai người sẽ phát sinh màu hồng, mới mẻ hơn, dịu dàng hơn.

Nếu anh là nốt nhạc mi, tôi cũng là nốt nhạc mi, người bạn thứ ba cũng là nốt mi, thì sự phối hợp giữa ba người khá buồn tẻ. Nhưng nếu anh là nốt mi, tôi là sol, người bạn thứ ba là đô, thì sự phối hợp giữa ba chúng ta sẽ tạo nên một hợp âm vui tươi, sống động.

Sự phối hợp nhiều quan điểm khác nhau sẽ làm cho các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn; sự phối hợp giữa hai đảng phái đối lập sẽ làm cho đất nước được dân chủ tiến bộ hơn.

ÁNH SÁNG SẼ LOÉ LÊN TỪ NHỮNG Ý TƯỞNG KHÁC BIỆT

“Du choc des idées, jaillit la lumière” (ngạn ngữ Pháp).

“Từ những ý kiến trái nghịch va chạm nhau, ánh sáng sẽ loé lên”. Hai cục đá va chạm mạnh vào nhau, lửa loé lên. Hai ý tưởng trái nghịch va chạm nhau, sẽ làm phát sinh sự thật, phát sinh ánh sáng."

Tôi đưa ra một ý kiến, anh đưa ra một ý kiến trái nghịch tôi, thế rồi cả hai ý kiến được dung hoà và nảy sinh ý kiến thứ ba tốt hơn cả hai ý kiến trước.

Một cuộc thảo luận không có những ý kiến trái nghịch là thảo luận một chiều, nghèo nàn, vô bổ và có thể đưa đến những kết luận sai lầm. Một cuộc thảo luận đa chiều, bao gồm nhiều ý kiến trái nghịch sẽ đem lại một kết luận đúng đắn, một giải pháp tốt.

CẦN CÁI NHÌN TỔNG HỢP

Khi nhìn một đối tượng nào, chúng ta thường chỉ đứng ở một vị trí, một góc độ nào đó để nhìn, nên chúng ta thường chỉ thấy được một mặt, một khía cạnh nào đó của đối tượng mà thôi. Vì thế, cái nhìn của chúng ta thường có tính cách phiến diện, một mặt, một chiều. Trong khi đó, đối tượng ta nhìn thì đa diện, muôn hình muôn vẻ.

Nếu chúng ta chỉ nhìn mặt sau của một ngôi nhà rồi lên tiếng bình phẩm về giá trị của ngôi nhà đó, chúng ta sẽ phạm phải sai lầm tai hại. Cần phải nhìn đủ tứ phía, rồi nhìn từ trên xuống, quan sát bên ngoài, xem xét bên trong… chúng ta mới có thể đưa ra một nhận định xác đáng về giá trị của ngôi nhà đó.

Đứng trước một sự vật, mỗi người có một hướng nhìn khác nhau, nên thấy được những mặt khác nhau. Đứng trước một vấn đề, mỗi người có một quan điểm khác nhau, nên có những nhận định khác nhau.

Vì thế, đừng vội cho rằng quan điểm của mình thì đúng còn quan điểm của bạn thì sai.

Phê bình, công kích người khác khi họ có một hướng nhìn, một quan điểm khác với hướng nhìn, quan điểm của mình thì thật là chủ quan, thiếu sáng suốt và thiếu óc khoa học.

Tốt hơn, sau khi đã quan sát một đối tượng, một vấn đề dưới góc độ này, dưới quan điểm này, chúng ta hãy đứng sang những vị trí khác, những quan điểm khác để nhìn đối tượng theo những chiều hướng khác.

Biết phối hợp những hướng nhìn khác nhau, nhiều ý kiến trái ngược, nhiều quan điểm đối lập… sẽ giúp chúng ta đến gần sự thật hơn và nhất là khỏi phải xung khắc, bất hoà với nhau vì bất đồng quan điểm.

Lm. Inhaxiô Trần Ngà
nguồn : vietcatholic.net

LẼ SỐNG 26.7

26 Tháng Bảy
Vết Sẹo Nơi Bàn Chân

Ông Khấu Chuẩn, người đời nhà Tống, đất Hạ Bì, lúc nhỏ là một cậu bé lêu lổng, ham chơi. Bà mẹ vốn là người nghiêm khắc, nên thường hay quở phạt ông. Tuy nhiên, tính nào vẫn tật ấy, Khấu Chuẩn vẫn không thay đổi. Một hôm, ông trốn học đi chơi, bà mẹ giận quá cầm quả cân ném phải chân ông, máu chảy đầm đìa... Từ đó, ông đã bỏ hẳn tính lêu lổng phóng túng, chỉ lo chuyên cần học tập. Về sau đỗ đạt, ông được bổ làm tể tướng. Mỗi khi sờ đến vết sẹo ở bàn chân, ông khóc nức nở: "Chính vết thương này đã làm ta nên người".

Sống là một cuộc chiến đấu không ngừng. Thương tích dường như là một điều thiết yếu trong cuộc sống. Vấp ngã là điều thường tình trong thân phận con người. Chúng ta không nhìn lại những vết sẹo trong tâm hồn để nuối tiếc quá khứ, nhưng để nhận rõ dấu chỉ của một tình thương bao la cao cả hơn. Phải, Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và tội lỗi của con người. Nói như thánh Phaolô: nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó ân sủng của Chúa càng dồi dào.


Trích sách Lẽ Sống

MỪNG BỔN MẠNG 26.7

Cha Chánh Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Bà Anna Nguyễn Thị Đức
Thư ký Hội Đồng Mục vụ

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG CHA TÂN CHÁNH XỨ

CỘNG ĐOÀN DÂN CHÚA
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT
HÂN HOAN CHÚC MỪNG

BỔN MẠNG

CHA TÂN CHÁNH XỨ
GIOAKIM LÊ HẬU HÁN

Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn ơn cần thiết để Cha chăm sóc đàn chiên mà Chúa đã thương trao ban trong tình yêu thương phục vụ.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
25.7.2010

LẼ SỒNG 25.7

25 Tháng Bảy Hạt
Giống Rơi Xuống Ðất Có Thối Ði...

Giacôbê, vị thánh mà Giáo Hội kính nhớ hôm nay là con ông Giêbêđê và bà Salomê và là anh của thánh Gioan tông đồ. Người ta quen gọi thánh Giacôbê Tiền để phân biệt với thánh Giacôbê, giám mục đầu tiên của Giêrusalem, được gọi là Giacôbê Hậu, kính ngày 03/5 cùng với thánh Philipphê.

Giacôbê và Gioan là hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi sau khi Ngài đã chiêu mộ hai anh em Phêrô và Anrê. Phúc Âm thánh Matthêu thuật lại: Hai anh em ông được Chúa gọi ở bờ hồ Genezareth, trong lúc đang ở trong thuyền vá lưới với cha. Ðược Chúa gọi, hai ông bỏ thuyền và người cha để theo Chúa ngay lập tức. Ðiều này chứng tỏ lòng hăng hái nhiệt thành của hai anh em, nên hai người được Ngài cho biệt hiệu là "con cái của sấm chớp" như chúng ta thấy xảy ra ít là trong hai trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất khi người xứ Samaria ngăn cản không cho Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đi qua lãnh thổ của họ để tiến về Giêrusalem, hai anh em Giacôbê đã hỏi Thầy: "Thưa Thầy, Thầy có bằng lòng để chúng tôi khiến lửa trên trời xuống thiêu hủy họ không?".

Sau đó, trong chuyến đi Giêrusalem lần cuối cùng, cả hai đã đến xin ngồi bên phải và bên trái Thầy, khi Chúa Giêsu sẽ thống trị trong vinh quang. Và khi không hiểu hoàn toàn ý nghĩa câu hỏi của Chúa: "Anh em có uống được chén Ta sẽ uống không?", hai ông đã nhất quyết thưa: "Chúng tôi uống được". Vì thế, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, như các môn đệ khác, Giacôbê cũng can đảm làm chứng những điều mắt thấy tai nghe về Thầy Giêsu, dầu bị cầm tù, đòn vọt, nhưng đã vui mừng vì được đau khổ vì Chúa Giêsu.

Năm 42, vua Hêrôđê, cháu của Hêrôđê cả, người đã âm mưu giết con trẻ Giêsu, đã bách hại một số thủ lĩnh của các tín hữu Kitô, trong số đó có cả thánh Giacôbê, như sách Tông Ðồ Công Vụ ghi: "Cùng thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay bắt bớ và làm khổ mấy người trong Giáo Hội, vua đã truyền chém ông Giacôbê, anh của ông Gioan. Thấy điều này làm vừa lòng người Do Thái, ông lại bắt cả ông Phêrô nữa". Với nguồn tin này, chúng ta biết thánh Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên đã đổ máu đào minh chứng cho niềm tin của mình.

Trong thời nội chiến 1936-1939 tại Tây Ban Nha, các quân phiến loạn đốt nhà thờ, nhà thương, tu viện và giết hại nhiều linh mục cũng như nữ tu. Ngày nọ, một vị linh mục già nua bị phiến quân bắt và bị kết án tử hình. Khi bị trói và dẫn đến trước mặt đội lính hành quyết, cha nói với tên trưởng toán: "Xin anh làm ơn cắt dây trói này, để tôi có thể giơ tay chúc lành cho anh và xin Thiên Chúa cũng tha thứ và chúc lành cho các anh".

Lịch sử ghi nhận đa số các tông đồ đã kết thúc cuộc đời chứng tá cho niềm tin bằng những cái chết đau thương, khởi đầu cho những lớp người chứng tá khác trải qua bao thế hệ. Và cũng như vị linh mục trong câu chuyện trên, hàng trăm, hàng ngàn chứng nhân của niềm tin vẫn còn đang bị giam cầm, tra vấn, đày đọa vì niềm tin. Họ chấp nhận những khổ hình một cách bình thản, không oán hận, trái lại, noi gương Chúa Giêsu, họ sẵn sàng tha thứ cho những ngươi làm khổ họ.

"Hạt giống rơi xuống đất có mục nát và chết đi, mới nảy mầm và phát sinh hoa trái". Không gì minh chứng hùng hồn cho lời tuyên bố này của Chúa Giêsu bằng những cuộc sống chứng tá của các tín hữu Kitô đang chịu đau khổ, giam cầm và tử hình vì niềm tin.

Tử đạo là một ơn gọi đặc biệt, nhưng mọi tín hữu Kitô đều được kêu gọi dâng những ốm đau, bệnh tật, những hy sinh nho nhỏ hằng ngày để cầu cho Nước Cha được trị đến.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CN XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XVII thường niên năm C. Do Cha Tân Chánh Xứ Gio-a-kim Lê Hậu Hán dâng Lễ.
* Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

THÁNH LỄ NHẬN CHỨC CHÁNH XỨ GIÁO XỨ THUẬN PHÁT






* Sáng ngày 24-7-2010, một ngày hội lớn đã diễn tại Giáo Xứ Thuận Phát : Thánh Lễ nhận chức Chánh Xứ Giáo Xứ Thuận Phát của Linh Mục Gioakim Lê Hậu Hán.

7 giờ 30 chuông 1 HĐMVGX, Quý Soeurs, các đoàn thể đã có mặt đông đủ. Một phái đoàn 13 người trong đó : Dòng MTG 2 Soeurs, Hội các BMCG 2người, Hội Legio 2 người, BMV giới trẻ 2 người, BMV thiếu nhi 2 người, Ban giáo lý 2 người và Ông Phó Chủ Tịch HĐMVGX (đối ngoại) làm trưởng đoàn lên đường sang nhà thờ Xóm Chiếu để đón Cha Tân Chánh Xứ Gioakim Lê Hậu Hán.

8 giờ 25 đoàn đón Cha về đến nhà thờ. Đón Cha Tân Chánh Xứ tại cổng nhà thờ có Ông Chủ Tịch HĐMVGX, Soeur Bề Trên Dòng MTG Thuận Phát. Hội các BMCG và ca đoàn Đức Mẹ Lên Trời đứng 2 hàng với băng vải hồng trên tay, đứng phía sau hàng chào là cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Thuận Phát vỗ tay chào đón Cha Tân Chánh Xứ. Nhạc của đội kèn Tây trổi lên làm tăng thêm niềm hân hoan, mừng vui đón Cha Tân Chánh Xứ.

Thánh Lễ đồng tế do Cha quản Hạt và 32 Cha cử hành. Có rất đông giáo dân giáo xứ Xóm Chiếu theo tiễn Cha cùng tham dự Thánh Lễ. Thánh Lễ được diễn ra rất trang trọng với đầy đủ các nghi thức. Phần cuối Lễ Ông Chủ Tịch HĐMVGX thay mặt cộng đoàn cám ơn Cha quản Hạt, Quý Cha đồng tế, Bà Cố ... và chúc mừng Cha Tân Chánh Xứ. Giới trẻ đã dâng lên Cha Chánh Xứ và Cha quản Hạt những bó hoa tươi thắm thể hiện cho tấm lòng quý mến của cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Thuận Phát gởi đến quý Cha. Cha Tân Chánh Xứ phát biểu cám ơn Cha quản Hạt, quý Cha tham dự, khối chính quyền, và các hội đoàn tham dự.


Sau khi kết thúc Thánh Lễ Cha Chánh Xứ đã chụp hình lưu niệm với Quý Cha, Quý Soeurs, Bà Cố và thân nhân, HĐMVGX, và các đoàn thể thuộc giáo xứ Thuận Phát cũng như giáo xứ Xóm Chiếu.

Tiệc Mừng được tổ chức tại sân nhà giáo lý với các tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" rất xuất sắc giúp cho buổi tiệc vui tươi, sinh động hẳn lên.

* Xem hình Thánh Lễ TẠI ĐÂY.


Hữu Toàn.

NGHI THỨC ĐƯA TIỄN VÀ THÁNH LỄ NHẬM CHỨC CHA PHÊRÔ PHẠM VĂN LONG







* Vào lúc 8 giờ 30 ngày 22-7-2010 Giáo Xứ Thuận Phát đã tổ chức Nghi Lễ tiễn Cha Chánh Xứ Phêrô Phạm Văn Long đi nhận nhiệm sở mới tại Giáo Xứ Bình Xuyên, Giáo Hạt Bình An. Nghi Lễ diễn ra thật cảm động, sau khi hát Thánh Ca, đọc kinh, nghe Lời Chúa và bài suy niệm, lần lượt các vị trong HĐMVGX (tân và cựu ) cùng toàn thể cộng đoàn hiện diện tiến lên bắt tay chào tạm biệt Cha Chánh Xứ. Trong giây phút chia tay đầy luyến nhớ, Cha Chánh Xứ và tất cả mọi người đều không cầm được nước mắt.

Sau đó mọi người ra xe theo Cha Chánh Xứ đến nhiệm sở mới và hiệp dâng Thánh Lễ nhận nhiệm sở mới của Cha. Sau Thánh Lễ các vị được mời đã dự tiệc mừng do Giáo Xứ Bình Xuyên tổ chức, mọi người dự tiệc mừng nhưng trong lòng không mấy vui.

Kết thúc tiệc mừng mọi người chia tay Cha Phêrô trong lưu luyến.


* Mời xem hình TẠI ĐÂY.


Hữu Toàn.

VIẾNG BÀ CỐ SOEUR MARIA NGUYỄN THỊ TƯƠI




* Được tin Bà Cố Soeur Maria Nguyễn Thị Tươi được Chúa gọi về lúc 16 giờ ngày 20-7-2010 tại tư gia 204 Thôn Thanh Bình 1, Đức Trọng, Lâm Đồng. 01 giờ 21-7-2010 HĐMVGX Thuận Phát đã tổ chức chuyến xe cùng cộng đoàn đi viếng Bà Cố Têrêsa Bùi Thị Tuyết, thân mẫu Nữ tu Maria Nguyễn Thị Tươi đang phục vụ tại Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Thuận Phát thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp.

* Mời xem hình cộng đoàn Viếng Bà Cố.

Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CN 17 THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 11, 1-13)

Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 24.7

24 Tháng Bảy
Một Lời Thề Hứa

Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu... Việc diễn tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành giữ từ trên 400 năm nay.

Năm 1633, một nạn dịch khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Ðể đề phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng... Chẳng may, một người đào huyệt trong làng đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều người khác trong làng...

Chỉ trong vòng hai tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện, toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần... Năm 1634, nghĩa là một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa. Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200 khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn 10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về Oberammergau...

10 năm một lần: khoảng cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong suốt thời gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng... Vì là một lời thề của tổ tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều... Và vì đây là một buổi trình diễn có tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một cuộc thu hình nào.

Kinh thánh thuật lại rằng trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành... Chúa Giêsu đã ví con rắn đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ công lao cứu sống của Ngài.

Một cách nào đó, mỗi người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá, chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa và tha nhân...



Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 23.7

23 Tháng Bảy
Những Lọ Ðựng Muối Tiêu

Sưu tầm là một giải trí rất phổ thông hiện nay. Người ta sưu tầm tem, nhãn hiệu, lon bia, chai lọ, sách quý... và lâu lâu đem triển lãm.


Tại một nhà thờ nọ tại Chicago bên Hoa Kỳ, trong một cuộc triển lãm các vật sưu tầm, người ta thấy có cả một khu dùng để triển lãm các lọ đựng muối tiêu. Một ông khách nọ vừa bước vào, sau khi mua một cái bánh Hamburger ở cửa vào, đã vội vã đi một vòng quan sát. Khi tới khu triển lãm các lọ đựng muối tiêu, ông mới sực nhớ ra cái Hamburger của mình nhạt quá. Thế là ông đã cầm lấy một lọ muối và xốc nhiều lần. Nhưng xốc đến lọ thứ mười hai mà ông vẫn chưa thấy muối. Ông đành phải trở lại cửa xin người bán hàng cho ít muối và phàn nàn: "Gần hai trăm cái lọ muối thế kia mà không có lấy một hột muối".

Ðó là hình ảnh của cuộc đời Kitô chúng ta. Mang lấy danh hiệu là muối đất, nhưng lắm lúc chúng ta chỉ là những lọ trống không. Muối dùng để ướp đồ ăn cho khỏi ươn thối. Muối dùng để sát trùng, chữa những vết thương. Muối dùng để nêm cho thức ăn được thêm đậm đà...

Trong một xã hội đang thối rữa vì những tệ đoan, người Kitô cần phải là muối để thanh tẩy và đem lại cho cuộc sống thêm đậm đà hương vị. Một lời nói, một hành động của chúng ta, nếu có chút muối của Ðức Tin, Ðức Ái sẽ mang lại cho những người xung quanh niềm vui và sức sống.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 22.7

22 Tháng Bảy
Người Bị Mạo Nhận

Ngoại trừ Mẹ của Chúa Giêsu, trong các Phúc Âm ít có phụ nữ nào được viét đến nhiều và với đầy sự tôn kính bằng thánh nữ Maria Madalena mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay.

Tuy nhiên, người ta có thể gọi Maria Madalena là thánh nữ của sự vu oan vì tuy các Phúc Âm nói đến ba phụ nữ cùng mang tên Maria, nhưng truyền thống trong Giáo hội Tây phương đồng hóa cả ba thành một người phụ nữ duy nhất. Bởi lẽ đó, Maria Madalena cũng được cho là người phụ nữ tội lỗi không được nêu tên trong đoạn 7 của Phúc Âm thánh Luca, người đã bất chợt đem bình dầu thơm xức chân Chúa Giêsu rồi lấy tóc lau và sau đó được Chúa Giêsu tha thứ mọi tội lỗi, vì bà đã yêu mến nhiều.

Ngày nay, người ta phân biệt ba thánh nữ mang cùng một tên Maria, mà từ lâu lịch phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp đã kính riêng rẽ. Ðó là Maria làng Batania, chị bà Martha và ông Lazarô. Rồi người phụ nữ đã được tha nhiều vì yêu mến nhiều và sau cùng là bà Maria Madalena, hoặc Maria làng Madala, người được Chúa chữa khỏi "7 quỷ dữ". Cách nói "7 quỷ dữ" này không thể hiểu là Maria Madalena đã sống một cuộc đời vô luân, nhưng chỉ có nghĩa là bà bị quỷ ám nặng nề.

Ðoạn 8 của Phúc Âm thánh Luca thuật lại hoạt động của thánh nữ Maria Madalena và một ít phụ nữ khác như sau: "Sau đó, Chúa rảo qua các thành, các làng mà rao giảng... Có nhóm Mười Hai đi với Ngài và ít phụ nữ đã được chữa lành khỏi quỷ dữ cùng bệnh hoạn: Maria gọi là người Madala, đã được đuổi khỏi 7 quỷ dữ và Gioanna... cùng nhiều bà khác: Họ đã lấy của cải mình mà trợ giúp Ngài".

Và con đường nối gót theo thầy Giêsu đã dẫn Maria Madalena từ Galilêa đến Giuđêa, cho tới chân thập giá và chính Maria Madalena cũng là người trước tiên tìm đến mộ Thầy, vào sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, để được thấy Chúa Giêsu Phục Sinh và được trao cho nhiệm vụ đi báo cho các tông đồ: "Hãy đi gặp anh em Ta và nói với họ: Ta lên cùng Cha ta và cũng là Cha anh em, Thiên Chúa của ta và Thiên Chúa của anh em".

Theo truyền thống Hy Lạp, sau này Maria Madalena đến sống tại Êphêsô cho đến khi qua đời.

Trải qua nhiều thế kỷ, thánh nữ Maria Madalena bị mạo nhận là người đàn bà tội lỗi. Nhưng thiết nghĩ: Thánh nữ chỉ mỉm cười và xác quyết rằng: "Sự mạo nhận này cũng không có gì là quá đáng, vì chúng ta tất cả là những người tội lỗi, cần thống hối ăn năn và cần ơn tha thứ của Thiên Chúa. Nhưng quan trọng hơn là chúng ta hãy chấp nhận sứ mệnh rao truyền Tin Mừng Phục Sinh qua cuộc sống chứng tá của chúng ta".


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

LẼ SỐNG 21.7

21 Tháng Bảy
Lúa Mì và Hoa Mồng Gà

Hòa Lan là một nước nổi tiếng về hoa. Ở phía bắc Hòa Lan, có những cánh đồng hoa chạy dài tắp tít vượt cả tầm nhãn giới. Nhiều loại hoa sặc sỡ tuyệt đẹp làm say mê khách du lịch. Phía nam của Hòa Lan, trái lại, chỉ có những cánh đồng lúa mì bát ngát và khi lúa chín thì khắp nơi chỉ còn là một màu vàng ối làm nổi bật màu đỏ tím của những bông hoa mồng gà.

Cảnh đó đẹp với thi sĩ và họa sĩ nhưng rất đáng buồn đối với nông gia vì mồng gà càng sặc sỡ thì vụ lúa càng kém. Chẳng có cách nào nhổ hết được những cây mồng gà này mà không làm hư hại lúa, đằng khác hoa mồng gà càng nhiều và càng đẹp thì khách du lịch càng làm hư hại lúa nhiều, mỗi khi họ nhảy xuống ruộng để hái hoa.

Sự chung đụng của lúa mì và hoa mồng gà: đó là bức tranh tuyệt hảo của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng lúa mì để nuôi sống chúng ta, nhưng Người cũng cho hoa mồng gà mọc lên để làm vui mắt chúng ta. Có lúa mì thì cũng có hoa mồng gà. Có nhà nông thì cũng có thi sĩ, họa sĩ.

Thiên Chúa cho nắng mưa hòa nhịp với nhau. Người nông gia không thể đòi hỏi chỉ có mưa cho lúa tốt. Người nghệ sĩ không thể đòi hỏi chỉ có ánh mặt trời... Sống là biết chấp nhận sự đa diện của vũ trụ như một bức tranh tuyệt hảo. Sống là biết lấy đau khổ, mất mát của mình làm hạnh phúc cho người khác.


Trích sách Lẽ Sống