Thứ Ba, 7 tháng 9, 2010

NGÀY HỘI THÁNH NHẠC GP.SAIGON

Ban Mục vụ Thánh Nhạc: Ngày Hội Thánh Nhạc
T7, 21/08/2010 - 15:15
Tòa Tổng giám mục TGP.TP.HCM
Ban Mục vụ Thánh nhạc & Giới Nghệ sĩ CG
6 Bis Tôn Đức Thắng – Q1 – TP.HCM
ĐT: (08) 3910 5692 – 39106280
Email: banthanhnhacsg@gmail.com

THÔNG BÁO
NGÀY HỘI THÁNH NHẠC
NĂM THÁNH 2010

ngày 11-9-2010
tại Trung Tâm Mục Vụ
Tổng Giáo
phận TP.HCM

Theo lịch cử hành Năm Thánh 2010 của HĐGMVN, và để mừng kỷ niệm thiết lập 2 Giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong (9-9-2010),

Ban Mục vụ Thánh Nhạc và Ban đại diện giới nghệ sĩ công giáo của Tổng giáo phận TP.HCM sẽ tổ chức NGÀY HỘI THÁNH NHẠC cho các Ca đoàn, Ca sĩ và Nghệ sĩ công giáo của giáo phận.

từ 16g00 đến 21g00, thứ Bảy, 11-9-2010,
tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận số 6 Bis Tôn Đức Thắng, Quận 1, Tp. HCM.

Ngày Hội này nhằm mục đích giúp tất cả Anh Chị Em Ca đoàn, Ca sĩ và Nghệ sĩ công giáo biết luôn “NÂNG TÂM HỒN LÊN” (Sursum Corda) để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa các tâm hồn” bằng lời ca tiếng hát; và cử hành cũng như sống Năm Thánh 2010; đồng thời cũng là dịp để các Ca đoàn và Giới Nghệ sĩ nối kết huynh đệ với nhau hầu cùng nhau tham gia xây dựng Giáo Hội Mầu Nhiệm-Hiệp Thông và Sứ Vụ thành NGÔI NHÀ CỦA CHÚA & MỌI NGƯỜI.

Vì thế, trân trọng kính mời quý anh chị em trong các ca đoàn, các anh chị em ca sĩ, nghệ sĩ công giáo thành phố đến tham dự đông đủ.

Để ghi tên, các ca đoàn liên hệ với đại diện của Nhóm Liên Lạc Ca trưởng giáo hạt;
các ca sĩ và nghệ sĩ liên lạc với linh mục đặc trách;
hoặc trực tiếp với Văn phòng Thánh Nhạc từ 14g00 đến 18g00 mỗi ngày (trừ Chủ Nhật).

Sự hiện diện của quý Anh Chị Em là niềm vui và là sự khích lệ lớn lao cho Gia đình Giáo phận và là món quà thiêng liêng hướng về Đại Hội Dân Chúa sắp tới.

Trân trọng thông báo.


Tp. HCM, ngày 20 tháng 8 năm 2010
Trưởng ban Mục vụ Thánh nhạc
và Đặc trách Giới Ca sĩ, Nghệ sĩ công giáo
Lm Rôcô Nguyễn Duy
(nguồn : tgpsaigon.net)

LẼ SỐNG 07.9

07 Tháng Chín
Ðâu Là Hạnh Phúc Ðích Thực

Seiji Katagire, một phi công Nhật Bản, đang trên cần lái của chiếc phản lực cơ DC 8 của hãng hàng không dân sự với 174 hành khách trên tàu. Ðang lúc anh chuẩn bị đáp xuống phi trường Ðông Kinh, thì anh bỗng nghe được những âm thanh khủng khiếp báo hiệu một sự chết chóc rùng rợn. Do phản ứng tự nhiên, anh đã kéo giật cần lái, khiến cho chiếc máy bay đâm nhào xuống đất gây tử thương cho 24 hành khách và hàng trăm người bị thương.

Khi cuộc điều tra về tai nạn kết thúc thì anh được gửi ngay đến bệnh viện tâm thần. Các bác sĩ về khoa thần kinh học cho rằng những tiếng kêu gào khủng khiếp mà viên phi công đã nghe được, xuất hiện ngay trong cơn ác mộng giữa lúc tỉnh táo của anh và đó chính là nguyên nhân gây ra tai nạn... Theo các bác sĩ tâm thần, ác mộng xảy ra trong tình trạng nửa tỉnh nửa mơ là dấu hiệu báo trước một cơn khủng hoảng tinh thần.

Theo những con số chính xác được tiết lộ từ các bệnh viện thần kinh tại Nhật Bản, thì con số người mắc bệnh mất trí và thác loạn thần kinh đã gia tăng theo tỷ lệ thuận với sự phát triển khoa học kỹ thuật và kinh tế tại quốc gia này... Người Nhật Bản nổi tiếng là người cần cù siêng năng nhất thế giới. Từ em bé mới tập tễnh cắp sách đến trường với một vị bộ trưởng trong chính phủ, tất cả mọi người đều lấy sự bon chen và lấy sự phấn đấu làm phương châm của cuộc sống... Sự cố gắng đó vừa đưa nước Nhật đến chỗ phồn thịnh cũng vừa xô đẩy người dân đến tình trạng căng thẳng không ngừng. Một chút lơ đễnh có thể đưa đến thất bại, một chút sơ sót có thể đưa đến chỗ mất công ăn việc làm... Tự ái cá nhân và tự ái dân tộc khiến người Nhật không chịu đựng được sự thất bại. Một lần thi trượt có thể xô ngã không biết bao nhiêu học sinh Nhật đến chỗ tự vận.

Nhật Bản là quốc gia được coi là mạnh nhất Á Châu và là nước một trong những kỹ thuật cao nhất thế giới. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu sự giàu có phồn thịnh đó có đem lại cho con người hạnh phúc hay không?

Hạnh phúc là một cái gì vô cùng tương đối... Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột.

Chúng ta hãy thử so sánh niềm vui của các trẻ em thuộc hai xã hội khác nhau. Trong một gia đình mà cơm trắng được coi như một thứ xa xỉ phẩm, thì chắc chắn một ổ bánh mì tây sẽ tạo cho các em bé trong gia đình nghèo một niềm vui gấp nghìn lần niềm vui của những em bé suốt đời sống trên nhung lụa và ăn toàn cao lương mỹ vị.

Một chiếc áo mới mỗi năm chỉ được mặc một lần của em bé nhà nghèo có lẽ sẽ làm cho em bé đó vui hơn tất cả những em bé suốt đời chỉ biết có lụa là gấm vóc.

Của cải vật chất là một điều kiện cần thiết để cho con người được sống xứng với phẩm giá con người. Những phương tiện kỹ thuật giúp con người phát triển nhiều hơn trong nhân cách. Sự sung túc về vật chất phải đem lại sự phát triển nhân bản và tinh thần. Có hiểu hơn để nên người nhiều hơn: đó là khẩu hiệu người ta thường đề ra để kêu gọi giúp đỡ các nước kém mở mang... Tuy nhiên, tự nó, của cải vật chất, sự giàu có, những phương tiện văn minh tiến bộ không phải là cùng đích của con người.

Người Kitô luôn thức tỉnh để đánh giá đúng những phương tiện vật chất họ đang sử dụng hay đang tìm cách để đắc thủ. Sự chạy đua với những phương tiện vật chất không nên làm họ mờ mắt, bán đứng lương tâm của mình.

Hạnh phúc duy nhất và đích thực trong cuộc sống của người Kitô phải là chính Chúa. Có được hạnh phúc đó trong tâm hồn, chúng ta sẽ đánh giá đúng mức của cải vật chất và đồng thời sẽ tìm được hạnh phúc ngay trong những điều kiện thiếu thốn nhất của cuộc sống.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

LẼ SỐNG 06.9

06 Tháng Chín
Không Mong Ðền Ðáp

Trên đường đi hành hương đến La Mecque, thủ đô của Hồi Giáo, một tín đồ đã cải trang thành một người hành khất.

Anh gặp một người thợ hớt tóc đang săn sóc cho một người giàu có. Nhưng lạ lùng thay, khi anh vừa mở miệng ra xin người thợ cắt tóc, cạo râu cho mình, thì người thợ này liền bỏ người giàu ngồi đó và tức khắc đến phục vụ cho anh. Và đáng phục hơn nữa là người thợ này đã không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào, trái lại ông còn cho anh ít tiền để hộ thân.

Cảm động vì lòng tốt của người thợ hớt tóc, người tín đồ quyết định sẽ tặng cho ông tất cả số tiền anh đã xin được trong ngày.

Và ngày hôm đó, người tín đồ cải trang thành người ăn xin đã nhận được một túi vàng do một người khách hành hương giàu có trao tặng. Như đã hứa với lòng mình, người tín đồ quay trở lại tìm người thợ hớt tóc và trao tất cả gói vàng cho ông ta.

Nhưng, ngoài sự tưởng tượng của người tín đồ, người thợ hớt tóc vừa thấy cử chỉ của người hành khất đã nghiêm sắc mặt nói: "Xin lỗi, ông cho mình là người đạo đức ư? Ông không cảm thấy xấu hổ để trả công cho một nghĩa cử yêu thương sao?".

Thì ra, người thợ hớt tóc đã không cạo râu cho một người hành khất để được trả công. Ông chỉ làm cử chỉ đó với tất cả yêu thương dành cho một người khốn khổ và ông nghĩ rằng mình làm như thế để được đền đáp.

Ngạn ngữ tiếng Latinh thường nói: tôi cho bạn, để bạn cho lại... Hoặc như người Việt Nam chúng ta thường nói: có qua có lại mới toại lòng ta.

Người ta dùng câu ngạn ngữ này để diễn tả những đòi hỏi công bằng giữa con người với nhau. Tôi cho bạn để bạn cho lại. Tôi làm cho bạn để hy vọng bạn sẽ đền đáp lại... Trên bình diện xã hội và nhân bản, ý thức được sự qua lại này đã là một điều đáng kể trong các mối tương quan giữa người với người.

Tuy nhiên, chúng ta không thể áp dụng một thứ công bình như thế vào mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa.

Thiên Chúa không thi ân giáng phúc để chúng ta biết ơn, hay đền đáp lại. Thiên Chúa cũng không căn cứ trên tài năng của từng người để ban phát ân huệ của Ngài. Thiên Chúa không dùng cán cân công lý thông thường của loài người. Công lý của Ngài là công lý của tình thương. Người thợ của giờ thứ nhất không lãnh hơn người thợ thứ hai vào giờ cuối cùng...

Nếu Thiên Chúa không thi ân giáng phúc tùy theo công nghiệp và tài năng của con người, thì con người cũng không thể nại đến công lao của mình để đòi hỏi một sự trả công tương xứng... Sau một công lao vất vả, có lẽ chúng ta chỉ có thể thốt lên: Lạy Chúa, chúng con chỉ là những người đầy tớ vô dụng. Lắm khi chúng ta vẫn còn đeo đuổi sự công bằng cộng trừ nhân chia của chúng ta đối với Chúa. Tôi sẽ đọc bao nhiêu kinh để xin được ân này, ơn nọ. Tôi sẽ làm bao nhiêu hy sinh để cầu cho được một ơn đặc biệt... Lý luận như thế trong các việc lành phúc đức, chúng ta dễ dàng rơi vào một thứ biệt phái mới nhằm đề cao công nghiệp riêng của chúng ta mà quên rằng: tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng đã và sẽ lãnh nhận được đều xuất từ Tình Yêu vô vị lợi của Chúa.

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CN XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXIII thường niên năm C.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.


Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN C (Lc 14, 25-33)

GIẢ VỜ YÊU

Hằng năm, các Giáo Xứ ở Việt Nam có thêm những người được lãnh các Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo, để trở nên con cái Chúa, con cái Hội Thánh. Họ bước theo Chúa Giêsu, yêu mến Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu hoàn tất cuộc lữ hành trần gian của mình để cùng Ngài tiến vào Thiên Quốc. Đó là một tín hiệu vui mừng.

Họ đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, từ việc học hỏi đến việc cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa để múc lấy sức mạnh thần linh mà đi đến quyết định quan trọng một lần cho cả đời: Quyết định theo Chúa. Họ cũng đã tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Họ đã quyết tâm từ bỏ ma quỷ và những quyến rũ bất chính của nó. Họ đã bắt đầu sống đời sống Kitô hữu cùng với những người đã đi trước.

Theo cái nhìn của Giáo Hội thì tất cả đều đã được ơn đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, bằng cách này hay bằng cách khác, trường hợp này hay trường hợp nọ. Và dù thế nào đi nữa, tất cả chúng ta đều phải xác nhận rằng Đức Tin là một ơn huệ nhưng-không của Thiên Chúa hơn là một khả năng của lý trí.

Giáo Hội củng cố Đức Tin của các tín hữu bằng việc giảng dạy, chia sẻ Lời Chúa, huấn giáo và bằng đời sống chứng tá của các tín hữu khác để giúp nhau chu toàn lề luật Chúa và từ bỏ ma quỷ, tội lỗi.

Lời Chúa hôm nay bổ sung vào luật từ bỏ dành cho tất cả tín hữu, không phân biệt Tân Tòng hay Đạo Dòng, không phân biệt Giáo Dân hay Giáo Sĩ, cũng không phân biệt Nam Bắc, Âu Á, dân tộc, trình độ... “Ai theo tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14, 26 – 27).

Lời này làm cho nhiều lương dân hiểu lầm rằng Chúa dạy bỏ ông bỏ bà mà theo Chúa, nhưng thật ra Chúa muốn dạy rằng phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự. Theo Chúa là yêu mến Chúa hết linh hồn hết trí khôn, theo Chúa là để Chúa tác động hoàn toàn vào tấm lòng, vào nghĩ suy, vào lời nói, vào cử chỉ hành động. Và khi đã hoàn toàn thuộc về Chúa thì tất cả các việc khác mới trở nên giá trị cho phần rỗi.

Thật tuyệt vời thay niềm tin và niềm vui của các Kitô hữu khi chu toàn luật từ bỏ để hoàn toàn sống cho Thiên Chúa, và để cho Thiên Chúa tác động hoàn toàn vào cuộc sống của mình.

Đó là lý tưởng của người tín hữu, lý tưởng được từ bỏ hoàn toàn để thuộc về Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu đã từ bỏ và thuộc về Cha: "Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ… và bằng lòng trút bỏ mạng sống, chấp nhận chết trên cây thập tự"… Thế nên Người đã được Chúa Cha tôn vinh trên các tầng trời và đặt làm Chúa Tể mọi loài” (xem Philip 2, 6 – 11) Nhìn vào thực tế hành trình Đức Tin, các Kitô hữu đang sống giữa một thế gian gian dối nhiều hơn thành thật, bóng tối nhiều hơn ánh sáng, gương xấu dễ nhiễm hơn gương tốt và gặp nhiều khó khăn nhất ở những nơi Sự Dữ hoành hành công khai thách thức Thiên Chúa, hoặc không muốn nhận biết Thiên Chúa, hoặc muốn tẩy chay Thiên Chúa ra khỏi lòng người.

Ở nơi đó, người ta giả vờ yêu nhau để khỏi mang tiếng là cô độc, để thỏa mãn những cơn khát của dục vọng, để trục lợi người mình yêu, để thực hiện một ý đồ… và còn với trăm ngàn mục đích khác… mà người mình yêu không hề biết. Giả vờ yêu mà cứ tưởng như thật.

Người ta có thể giả vờ yêu quê hương đất nước, giả vờ theo một đảng phái, giả vờ phụng sự cho một chủ thuyết để được thẩm định là trung với đảng, hiếu với dân mà cả đảng cả dân không thể biết được trong lòng họ đang là một tình yêu dối lừa. Giả vờ mà cứ tưởng như thật.

Ở đó, người ta còn giả vờ yêu sự thật, giả vờ quí chuộng hòa bình, giả vờ tôn trọng tự do, giả vờ làm việc thiện theo cách giả nhân giả nghĩa, giả vờ nhân danh sự sống độc lập tự do hạnh phúc...

Tất cả đều là giả vờ, không có gì là thành thật.

Liệu các tín hữu của Chúa có bị cuốn hút theo cách của thời đại giả vờ nguy hiểm ấy trong đời sống Đức Tin không ? Ai có thể đang giả vờ yêu Chúa, giả vờ theo Chúa được không ?

Thiên Chúa biết mọi sự kín nhiệm trong lòng ta. Thiên Chúa biết lòng bạn, lòng tôi dành cho Ngài bao nhiêu trong buồng tim chật hẹp, bao nhiêu trong khối óc hỗn độn những toan tính, và mạch máu của ta làm nghẽn mạch tình yêu của Ngài bao nhiêu lần trong ngày. Ngài biết rõ. Ai có thể giả vờ yêu Chúa, theo Chúa ? Mỗi người khi chân thành đặt mình trước mặt Chúa, tin nhận Ngài là Đấng thông biết mọi sự trong lòng ta, trong suy nghĩ tốt lành, trong ý định lương thiện cũng như trong cả những âm mưu thủ đoạn gian ác, sẽ nhận ra mình có đang giả vờ yêu Chúa, giả vờ theo Chúa không. Và sẽ nhận ra điều nguy hiểm tiếp theo: người giả vờ yêu Chúa thì hãy coi chừng, chính họ cũng đang giả vờ yêu anh em. Vì với Chúa mà ta không thành thật được, thì đối với anh em có nghĩa lý gì.

Chuyện giới trẻ thời nay sống Đạo cũng có nhiều tích cực lắm, đáng hoan nghênh lắm. Họ cũng yêu Chúa, yêu người, nhưng tình yêu ấy thực sự là tình yêu chân chính chưa, cả đối với Chúa và cả với người mình yêu ? Con số khiêm tốn “376 người trẻ ghi danh đoan hứa khiết tịnh trước và trong hôn nhân” qua gần một năm phát động phong trào tại Dòng Chúa Cứu Thế đang nói cho chúng ta rằng:

Có thể còn nhiều người trẻ chưa thực sự muốn từ bỏ những cuốn hút mà thời đại giả vờ yêu đang cổ xúy. Và như vậy, họ cũng đang giả vờ theo Chúa vì không muốn mất mình, không muốn để những tác động thánh thiện của Chúa hướng dẫn.

Hình như phong trào Ghi Danh Đoan Hứa Khiết Tịnh là sáng kiến riêng lẻ của DCCT. Cho nên, không được các Giáo Phận, các Giáo Xứ tiếp sức, vận động. Hoặc nếu có, cũng chỉ là hiếm họa như trường hợp sốt sắng của cha Phaolo Hoàng Kim Tốt tổ chức trại hè học hỏi về Đoan Hứa Khiết Tịnh cho Giới Trẻ Liên Xứ ở Giáo Xứ Ma Lâm ngày 28 và 29 tháng 8 vừa qua. (xin vào xem
)

Tại sao không phải là vài ngàn như “10 ngàn thanh niên thiếu nữ đã họp mặt ở Tổng Giáo Phận Quito, Ecuador, vào tháng trước và hứa sẽ giữ Khiết Tịnh cho đến khi lập gia đình và Bảo Vệ Sự Sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”. (xin vào xem
)

Chúng ta thờ ơ, hay giả vờ không biết phong trào này, để khỏi phải bận tâm lo nghĩ đến một thế hệ những người theo Chúa mà không cần phải từ bỏ những gì làm mất phẩm giá con cái của Thiên Chúa, hay nói cách khác, ta lại dửng dưng để cho một thế hệ “giả vờ yêu Chúa, giả vờ yêu người” sẽ ra đời.

Trên đây mới chỉ là một điển hình, trong thực tế đời sống người Công Giáo Việt Nam hôm nay có quá nhiều cách giả vờ nguy hiểm. Câu trả lời dành cho mỗi người.

Thêm vào đó, việc từ bỏ không chỉ nhằm một lần đoan hứa, mà còn là việc cả đời, và trải qua từng phút giây.

Tôi bỗng nhớ đến chuyện từ bỏ của anh chàng nghiện rượu. Anh ta đã mạnh dạn xưng tội nghiện rượu và các tội khác gây ra do rượu. Cha hỏi anh giốc lòng chừa thế nào. Anh trả lời, đi ngang qua quán rượu, con sẽ chạy luôn, không ghé vào la cà như lúc trước... Trên đường về, anh ta đã chạy được qua ba quán rượu, đến quán thứ tư, anh thầm nghĩ, thế là mình cũng khá đấy chứ. Thôi, ta vào đây mà thưởng cho mình một xị. Một xị thôi.

Thế đấy, chuyện từ bỏ trên bước đường theo Chúa cũng không dễ dàng chút nào. Đôi khi bạn và tôi lại chủ quan là chúng ta đang sống thật hạnh phúc trong tình yêu Chúa. Và tưởng rằng quá khứ tội lỗi của đời mình không làm gì được chúng ta. Không, thiết tưởng chúng ta đang lầm đấy, hoặc chúng ta đang bị vướng vào bẫy của ma quỷ. Vì những quá khứ sẽ gợi lại cho chúng ta luyến tiếc cuộc sống buông thả khỏe khắn, thoải mái hơn là cuộc sống hy sinh từ bỏ. Và lúc ấy, ta lại “giả vờ yêu Chúa” còn nguy hiểm hơn ngày trước.

Trong khi chúng ta băn khoăn vì sức bành trướng của những chủ nghĩa giả vờ có thể làm ta chúng ta tiêm nhiễm cách sống dối lừa với Thiên Chúa và anh em, sách Khôn Ngoan giúp chúng ta: “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi Thần Khí Thánh. Chính vì thế mà đường lối người phàm được sửa lại cho thẳng, cũng vì thế, mà con người được dạy cho biết những điều đẹp lòng Ngài, và nhờ Đức Khôn Ngoan mà được cứu độ” (Kn 9, 17 – 18).

Xin được Ơn Khôn Ngoan và noi gương Khôn Ngoan của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ chân thành đặt mình trước mặt Thiên Chúa, Đấng thông biết mọi sự, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút giây, để đoan hứa hoàn toàn thuộc về Chúa mọi tâm tư ý nghĩ, cả cử chỉ hành động cũng chính là lúc chúng ta thực sự buông bỏ mọi bận vướng của cuộc đời để theo Chúa, để yêu Chúa thực sự, không phải giả vờ yêu, giả vờ theo nữa.

Lạy Cha, xin giúp con đẩy xa sự giả vờ, lòng gian dối. Xin cho chúng con thực sự theo Chúa, thật tình yêu mến Chúa, và hoàn toàn thuộc về Chúa từng phút giây. Xin Cha cho con quên luôn quá khứ đời con, vì con đang sống hạnh phúc trong Cha. Con tin rằng, với Cha, và trong Cha, con không còn quá khứ, không còn tội lỗi, con chỉ còn đựơc đắm mình trong tình yêu và hạnh phúc mà thôi. Amen.

PM. CAO HUY HOÀNG, 2.9.2010
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 05.9

05 Tháng Chín
Bỏ Mọi Sự Ðể Theo Chúa

"Bỏ tất cả mọi sự để theo Chúa", lời kêu gọi này của Chúa Giêsu có thể thực hiện được trong xã hội dư dật ngày nay không? Như một dụ ngôn trong Phúc Âm, chúng ta hãy lắng nghe câu chuyện sau đây của tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng cúng tất cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba Tây và sinh sống tại đó như một người dân nghèo.

"Khi còn ở bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của một cha dòng Phanxico. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại ngoại ô Milano... Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo nơi tôi.

Một hôm thầy Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người nghèo... Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây... Mỗi lần phát thức ăn cho người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy... Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi".

Sau khi tốt nghiệp đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước nghèo trên thế giới. Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây, Macello đã trở về với quyết định bán hết tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ người nghèo. Với tài sản do gia đình để lại, Macello đã xây cất một bệnh viện với 120 giường và được trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.

Macello đã giải thích về việc làm của mình như sau: "Người ta nói với tôi rằng tốt hơn hãy giúp những người nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang đau khổ, bất cứ họ đang ở đâu... Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người, thụ động và cam chịu số phận, đã biết cởi mở".

Sự trưởng thành của Giáo Hội được thể hiện qua ý thức mỗi lúc một sâu sắc của người giáo dân về vai trò của mình. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng Giáo Hội là chuyện của các giám mục, linh mục. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng nên thánh là chuyện của vị giáo hoàng, các giám mục, linh mục và tu sĩ... Không ai chiếm giữ độc quyền để nên thánh một mình. Nên thánh là ơn gọi chung cho tất cả mọi người đã chịu Phép Rửa... Do đó, tất cả những lời khuyên trong Phúc Âm đều có giá trị cho tất cả mọi người theo Chúa Kitô. "Hãy về bán hết mọi sự, phân phát cho người nghèo khó và trở lại với Ta". Mệnh lệnh này không chỉ ngỏ với một số thành phần ưu tuyển trong dân Chúa, nhưng là lệnh truyền cho tất cả mọi người.

Chúng ta không được sống trong một xã hội dư dật. Nghèo đói là một sự dữ mà Thiên Chúa không bao giờ muốn cho con người rơi vào. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghèo đói cơm bánh, còn có một sự nghèo đói còn đáng khiếp sợ hơn, đó là: nghèo đói tình thương... Có biết bao người đang chờ một ít cơm thừa cá cặn từ bàn ăn của chúng ta? Có biết bao nhiêu người đang mong mỏi một nghĩa cử yêu thương của chúng ta?

Thế giới cần được biến đổi không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng bằng chính tình thương mà con người biết san sẻ với nhau. Sự san sẻ đó là: dù sống trong xã hội nào, dù trải qua hoàn cảnh nào, mọi người Kitô chúng ta đều có thể và phải làm được. Và đó cũng là bí quyết duy nhất để giúp chúng ta nên thánh.

Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 04.9

04 Tháng Chín
Người Ta Sao, Tôi Vậy!

Theo khuynh hướng tự nhiên, có lẽ ai trong chúng ta cũng thích dựa theo đám đông để hành động. Chúng ta thử quan sát trong sự đi lại trong các thành phố. Cũng như xe cộ, khách bộ hành cũng phải tuân theo đèn xanh, đèn đỏ. Những buổi chiều khi tan sở, người ta thường thấy các xe cộ nối đuôi nhau ở các ngã tư. Ðối lại với một chuỗi dài của những xe cộ, người ta cũng thấy lố nhố cả một đoàn người đang chờ đèn xanh để qua đường.

Quan sát cho kỹ, thỉnh thoảng người ta thấy một điều rất buồn cười, nhưng cũng rất bình thường: nếu có một người trong đám bộ hành này, vội vàng vì công việc hoặc không đủ kiên nhẫn, đã lợi dụng lúc vắng xe để băng qua đường bất chấp đèn đỏ, thì lúc đó, một số người trong đám đứng đợi cũng sẽ làm theo, nghĩa là cũng sẽ băng qua đường ngay giữa lúc đèn còn đỏ... Những người đi theo này có lẽ không nhìn thấy những dấu hiệu của luật lệ đi đường, mà chỉ làm theo người khác. Ðối với những người này, dấu hiệu để băng qua đường này không phải là đèn xanh, mà là gương của người khác.

Trong cuộc sống hằng ngày cũng thế, nhiều người trong chúng ta có lẽ không hành động, không cư xử theo những dấu hiệu, theo những chỉ dẫn của chân lý, mà có lẽ theo gương kẻ khác nhiều hơn. Người ta làm sao, tôi làm vậy! Ðó là lý luận thông thường của chúng ta. Như thế người vượt đèn đỏ để băng qua đường chỉ làm một hành động cá nhân cho riêng mình, mà còn trở thành dấu hiệu để cho không biết bao nhiêu người làm theo.

Không ai có thể tự phụ sống cho riêng mình mà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến người khác. Bằng lời nói hay hành động, tất cả mọi hành xử của chúng ta đều gây một chấn động nào đó với người khác. Một cách nào đó, chúng ta không sống như một hòn đảo, mà là một dấu hiệu đối với người khác.

Riêng với những môn đệ của Ðức Kitô, thì vai trò dấu hiệu ấy càng hiển nhiên hơn. Thật thế, Chúa Giêsu đã quả quyết: "Các con là muối đất, các con là ánh sáng thế gian".

Ước gì cuộc sống chứng tá của bác ái, của nhẫn nhục, của tha thứ, của quảng đại, của phục vụ và của sự cần kiệm liêm chính mà người Kitô luôn phải thể hiện, có sức trở thành dấu hiệu của chân lý, của Sự Sống. Và để trở thành dấu hiệu cho người khác, người Kitô cần phải luôn hướng nhìn về Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Sống theo Ngài, cư xử như Ngài, người Kitô cũng sẽ lôi cuốn nhiều người đến với Ngài.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

LẼ SỐNG 03.9

03 Tháng Chín
Ði Một Ngày Ðàng, Học Một Sàng Khôn

Cách đây không lâu, một cặp thanh niên người Pháp đã đến Phi Luật Tân bằng chiếc xe đạp riêng của họ. Nước Phi là quốc gia thứ 31 họ dùng xe đạp để đi tham quan. Trong vòng 7 năm qua, họ đã không ngừng di chuyển một cách thích thú trên hầu hết các nước và đã học hỏi nhiều kinh nghiệm khác nhau. Họ đã bỏ ra 3 năm để đạp từ Pháp xuyên qua đến Thái Lan. Họ dành một năm làm việc trong các trại tị nạn dọc biên giới Thái, chín tháng để đi xuyên qua Trung Hoa Lục Ðịa, sáu tháng để tham quan Nhật Bản, Ðại Hàn và Ðài Loan.

Người con gái tên là Claude đã giải thích mục đích của cuộc mạo hiểm như sau: "Kể từ thời của Marco Polo, con người không ngừng đi thám hiểm thế giới với nhiều lý do và với nhiều phương tiện khác nhau. Trong thời đại du hành vũ trụ này, việc đi vòng quanh thế giới bằng phương tiện thô hiển như xe đạp vẫn không ngừng thu hút nhiều người... Mạo hiểm như thế để giúp thay đổi cuộc sống của chúng tôi, để cùng trải qua một kinh nghiệm quá lớn lao".

Cuộc mạo hiểm nào cũng thích thú và nguy hiểm. Claude kể lại rằng tại Thái Lan, họ đã bị hai tên cướp chận đường toan hành hung. Tại Trung Ðông, họ đã chứng kiến cảnh chết chóc hằng ngày. Và nhất là tại Ấn Ðộ, sau khi đã trải qua vài tuần lễ tại một vài trại cùi, họ đã ghi lại trong các sổ ghi niệm của các trung tâm này như sau: "Sau khi đã đến đây, chúng tôi cảm thấy không còn gì để than phiền trong cuộc sống này nữa".

Có lẽ đó là kinh nghiệm lớn lao nhất mà những người trẻ này đã cảm nhận được trong cuộc sống. Chạm chán với bao nguy hiểm, sờ được từng nỗi đau khổ, cảm nghiệm được niềm vui của từng dân tộc khác nhau... Tất cả những kinh nghiệm ấy cho họ thấy rằng: người ta có thể vượt qua được tất cả mọi hàng rào ngăn cách để đến với nhau và nơi nào con người cảm thấy mình đang sống trong gia đình, thì đó là nhà của họ, là quê hương của họ.

Ðời là một chuyến đi... Không những đi một ngày đàng, học một sàng khôn, mà đi để tiến gần đến mục đích của cuộc sống.

Tổ phụ Abraham đã được Chúa gọi để bỏ quê hương, bỏ tất cả mọi sự và lên đường đến một nơi vô định. Dân Do Thái đã được Chúa mời gọi rời bỏ Ai Cập để tiến về đất hứa.

Ra đi là chết trong lòng một ít. Cuộc ra đi nào cũng đòi hỏi con người phải dứt khoát, có khi phải từ bỏ những gì mình yêu thích nhất trong cuộc đời. Abraham đã từ bỏ quê hương. Có gì quý giá và thân yêu bằng nơi chôn nhau cắt rún... Tiên tri Êlisê đã phải giết bò và dùng cày để nướng thịt bò trước khi lên đường theo tiên tri Elia... Các môn đệ của Chúa Giêsu đã bỏ nghề nghiệp, vợ con, tất cả mọi sự để lưu lạc nay đây mai đó với Chúa Giêsu. Cuộc ra đi nào cũng là một mất mát... Nhưng có mất mát mới tìm lại được những gì quý hóa hơn.

Giáo Hội đã được định nghĩa như dân Chúa trên đường lữ thứ trần gian hướng về Thiên Quốc. Mỗi người Kitô được mời gọi để tham dự vào cuộc lữ hành này.

Họ không trẩy đi cô độc một mình. Nhưng bên cạnh họ, từng đoàn người tiến bước trong hân hoan. Người ta không tiến bước trong buồn bã bởi vì đích điểm đang chờ đợi họ là cả một khung trời của an vui, hạnh phúc...

Cuộc lữ hành nào cũng đầy cam go. Nhưng người Kitô không tiến bước với đôi tay trơ trọi. Hành trang của họ chính là Sức Sống mà Ðức Kitô hằng thông ban cho họ. Cũng giống như người Do Thái trên đường trở về đất hứa luôn được nuôi dưỡng bằng manna và được hướng dẫn bởi cột lửa giữa đêm thâu, người Kitô cũng tiến bước bằng sức mạnh của Chúa Kitô.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

LẼ SỐNG 02.9

02 Tháng Chín
Khuôn Mặt Giuđa

Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu chuyện danh họa Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội.

Leonardo đang miệt mài trong bức tranh "Bữa Ăn Cuối Cùng" của Chúa Giêsu với các môn đệ. Tất cả các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện nguyên hình trên khung vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa, danh họa Leonardo da Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một người nào làm mẫu cho con người phản bội này... Ông đã phải đi dạo khắp nơi để tìm một khuôn mặt xấu xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời tìm kiếm, cuối cùng ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong khu xóm lầy lội, nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có đầy đủ những đường nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi đã giải thích về bức tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng vẽ của ông để bắt tay vào công việc.

Người được chọn làm người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họa hồi lâu. Cuối cùng, ông đốt lên một ngọn đuốc sáng vào gương mặt của ông... Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bởi vì người đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu... Cũng khuôn mặt đó, nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy những đường nét của Chúa Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của Giuđa.

Chúng ta thường nói: khi yêu thì trái ấu cũng tròn... Trong một lá thư tình nào đó, có lẽ hai người yêu nhau sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất trời như vô nghĩa... Tình yêu có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp nơi người mình yêu.

Tin và yêu là hai động tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không thể là ngôn ngữ của khoa học. Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời gian dài tìm kiếm, lý luận. Con người chỉ đến với Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến tin tưởng và phó thác.

Tomas đã đến với Chúa Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một nhà khoa học: "Nếu tôi không xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sườn của Ngài... Tôi không tin". Thái độ này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong công cuộc nghiên cứu khoa học, người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng, thí nghiệm rồi đi đến kết luận... Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình yêu. Không ai quan sát một người nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến một kết luận: yêu hay không yêu. Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý luận và tìm tòi của chúng ta...

Trong đức tin cũng thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta đi vào tình yêu của Ngài.

Tình yêu đó mời gọi chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực của chúng ta. Tình yêu đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, trong ánh mắt của con người cũng như trong muôn màu sắc của thiên nhiên. Tình yêu đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu xí của Giuđa những đường nét yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cho chúng ta tìm thấy nơi niềm vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình yêu ấy cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong những giờ phút trống rỗng vô nghĩa của cuộc sống.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 2 tháng 9, 2010

LẼ SỐNG 01.9

01 Tháng Chín
Bờ Dậu Trước Ngõ

Có một chàng thanh niên chán sống nơi thôn dã, đã bỏ nhà trốn lên thành thị... Ở đó, chàng đã ăn chơi trác táng... Kiếp sống xa đọa đã đưa đẩy chàng đến chỗ thân tàn ma dại. Trong nỗi cùng cực, chàng bắt đầu hồi tâm và nhớ lại nếp sống ấm êm trong gia đình.

Chàng quyết định trở về. Nhưng trên đường về, nghĩ mình quá bất xứng không biết cha mẹ có tha thứ không, nên chàng đã rẽ lối đi nơi khác. Ở đó, chàng viết thư về cho cha mẹ và thú nhận tội lỗi. Chàng cũng ngỏ ý. Nếu cha mẹ bằng lòng thì hãy lấy chiếc áo bông treo trước cửa nhà.

Mẹ chàng đã làm gì? Bà không những treo một chiếc áo bông mà lấy tất cả áo trong nhà ra treo kín cả dậu trước ngõ.

Thiên Chúa cũng đối xử với chúng ta như thế. Phiêu lưu trong tội lỗi, chúng ta chỉ cảm thấy chán chường thất vọng, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta từng giây từng phút. Tình Yêu của Ngài vượt lên trên mọi tính toán, đo lường của chúng ta. Ngài thi ân cho chúng ta hơn cả sự mong đợi và cầu xin của chúng ta. Người con hoang trong Tin Mừng chỉ xin được đối xử như một người làm công trong nhà, nhưng người cha đã phục hồi anh trong tước vị làm con. Ông đã xỏ nhẫn cho anh, mặc áo mới cho anh, và sai mở tiệc ăn mừng.

Phải, Thiên Chúa yêu thương và tha thứ hơn cả sự chờ mong của chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2010

THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG GIỚI TRẺ GIÁO XỨ THUẬN PHÁT 29-8-2010





Chúa Nhật 29-8-2010
Thánh lễ Mừng Bổn Mạng Giới Trẻ Giáo Xứ Thuận Phát (Thánh Augustinô) được cử hành lúc 19 giờ do Cha Chánh Xứ dâng Lễ. Thánh Lễ được cử hành rất trọng thể với những nghi thức dâng lễ vật, nghi thức sai đi.

Sau Thánh Lễ Ban điều hành Giới Trẻ Giáo Xứ đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi nhân ngày Mừng Bổn Mạng như ca hát, game show, ảo thuật.

Một đại diện Giới Trẻ đã nói lời cám ơn Cha Chánh Xứ, HĐMVGX, Quý Soeurs đã luôn quan tâm chăm sóc, giúp đỡ, tạo điều kiện để Giới Trẻ Giáo Xứ hoạt động ngày càng tốt hơn, giúp các bạn trẻ có được môi trường sinh hoạt lành mạnh, giúp nhau phát triển và mặt Đức Tin.

Sau cùng là tiệc nhẹ đầy ấp tiếng cười.

Ca đoàn Giới Trẻ hát Lễ.

Mời xem HÌNH THÁNH LỄ.


Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 31.8

31 Tháng Tám
Ốc Ðảo Hòa Bình

Cách Giêrusalem khoảng 30 cây số, một số người Do Thái và Ả Rập đã tình nguyện sống chung với nhau trong một ngôi làng mà người Do Thái gọi là Nevé Shalom, còn người Ả Rập thì gọi là Wahat as Salam: cả hai tiếng đều có nghĩa là "Ốc đảo hòa bình".

Năm 1978, khi mới thành lập, ngôi làng Hòa Bình này chỉ có một gia đình. Một năm sau, con số đó lên đến năm và hiện nay, có tất cả 15 gia đình vừa Do Thái vừa Ả Rập chung sống với nhau. Tổng cộng dân số của ngôi làng Hòa Bình này hiện nay là 70 người. Tất cả đều đeo đuổi một mục đích chung là minh chứng rằng người Do Thái và người Ả Rập có thể sống chung với nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Người sáng lập ngôi làng này là cha Bruno Hussar, một linh mục Công Giáo năm nay 78 tuổi. Cha ngài là một người Pháp gốc Do Thái và mẹ ngài là một người Hungary cũng gốc Do Thái. Cả hai đều là những người Do Thái khổ đạo. Năm lên 22 tuổi, ngài đã trở lại Công Giáo và xin tu trong viện Ðaminh. Cha Bruno Hussar tuyên bố với tất cả xác tín như sau: "Trong Kinh Thánh người ta đọc được lời này: Dân Ta sống trong một ốc đảo hòa bình. Cố gắng cảm thông là điều có thể làm cho những người Do Thái và Ả Rập xích lại gần nhau, cũng như chính những người Kitô có thể đến gần với những người Hồi Giáo và vô thần".

Ước vọng của các phụ huynh của 33 trẻ em sinh ra trong ngôi làng Hòa Bình này là thấy chúng được giáo dục chung với nhau. Do đó, họ đã cho xây một vườn trẻ chung, một trường mẫu giáo chung, một trường tiểu học chung, nơi đó các trẻ em Do Thái và Ả Rập đều có thể nói một lúc hai thứ tiếng. Một người cộng tác viên của cha Bruno cho biết như sau: "Ngay từ lúc nhỏ, các trẻ em đã có thể làm quen với hai nền văn hóa một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là các em sẽ đánh mất nền văn hóa của mình, trái lại càng ý thức về nguồn gốc của mình cũng như càng tôn trọng người khác".

Ðể bảo tồn văn hóa của mình, các gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này cũng xây nhà theo sở thích của họ. Nhưng những căn nhà này không thuộc quyền sở hữu của họ. Tất cả đều chọn lựa sống một cuộc sống gần như tập thể: tuy trình độ khác nhau, nhưng tất cả mọi người đều đồng ý một mức lương giống nhau. Mỗi ngày, mọi dân cư trong ngôi làng này dùng điểm tâm và ăn trưa chung với nhau.

Người phụ tá của cha Bruno Hussar nói rằng: "Ngồi đồng bàn để nói chuyện với nhau thay vì giữ những thành kiến riêng, điều đó giúp thay đổi thái độ rất nhiều".

Cũng như trong tinh thần đó, từ 10 năm qua, 15 gia đình trong ngôi làng Hòa Bình này đã tổ chức được rất nhiều cuộc gặp gỡ cho giới trẻ Do Thái và Ả Rập. Người ta cũng đã nghĩ đến một nhà cầu nguyện chung, chung không những cho người Do Thái và Ả Rập, mà còn chung cho những người không tín ngưỡng nữa...

Thà đốt lên một ngọn nến hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối... Những người dân cư trong ngôi làng Hòa Bình trên đây, hẳn đã thấy được vết dầu loang của Hòa Bình mà họ đã tung ra. Một ánh lửa được đốt lên sẽ không bao giờ tàn lụi một cách vô ích. Nó sẽ lan ra và khơi dậy những ngọn lửa mới.
Tình yêu là điều có thể có giữa con người. Hòa bình là điều mà con người có thể xây dựng nếu con người biết tin tưởng nhau, biết chấp nhận nhau, biết tôn trọng sự khác biệt của nhau...

Trong phạm vi nhỏ bé của một tổ, của một khu phố, của một xóm làng, liệu những người Kitô chúng ta có thể xây dựng được một ngôi làng Hòa Bình với nhau không?...


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

LẼ SỐNG 30.8

30 Tháng Tám
Ban Phát Không Ngừng

Trong một câu chuyện ngắn, văn hào Tolstoi của Nga đã ghi lại mẩu đối thoại của 3 người khách bộ hành như sau:

Mệt mỏi vì đường xa, ba người bộ hành đã dừng lại nghỉ chân bên một dòng suối trong vắt. Trong những giây phút thoải mái bên cạnh dòng suối, mỗi người mới phát biểu về lợi ích của nó.

Người thứ nhất lên tiếng: "Còn gì sung sướng bằng gặp được một dòng suối mát bên vệ đường! Nước suối trong vắt không những làm cho chúng ta được tươi mát, nhưng còn mời gọi chúng ta sống thành thật với nhau".

Người bộ hành thứ hai góp ý: "Dòng suối chảy như không ngừng muốn nói với tôi: Hỡi loài ngơừi, hãy làm việc! Hãy làm việc không ngừng để làm cho thế giới được tốt đẹp hơn".

Người bộ hành thứ ba, sau một phút trầm ngâm, mới thốt lên: "Những gì các bạn vừa phát biểu đều đúng cả. Nhưng còn có một điều quan trọng hơn nữa mà tôi muốn chia sẻ cho các bạn. Các bạn hãy nhìn kìa, dòng suối này chảy không ngừng. Nó ban phát không ngừng, nó ban phát cho tất cả mọi người mà không đòi hỏi một sự đáp trả nào... Mỗi người chúng ta hãy sống cao thượng như thế".

Sự sống đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta chính là Thần Khí của Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức sống của Ngài, Tình Yêu của Ngài, mà không đòi hỏi một điều kiện nào nơi chúng ta.

Thiên Chúa chỉ muốn thông ban, Thiên Chúa chỉ muốn san sẻ và Ngài chờ đợi chúng ta cũng sống như thế. Nguồn suối đang châu lưu trong tâm hồn chúng ta, nhờ đó chúng ta được sống một cách tươi mát, luôn mời gọi chúng ta cũng hãy ban phát không ngừng.

Thánh Thần là ân ban của Thiên Chúa... Người Kitô nhận lãnh Thánh Thần cũng hãy trở thành ân ban của Thiên Chúa cho người khác. Càng trao ban, càng phân phát, người Kitô càng tìm gặp lại chính mình.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

LẼ SỐNG 29.8

29 Tháng Tám
Cái Chết Của Một Tiên Tri

Qua lệnh truyền của một bạo chúa, một chiếc gươm gieo, một chiếc đầu rơi trong ngục tối. Ðó là những diễn tiến đã kết thúc cuộc đời của thánh Gioan Tẩy Giả, một biến cố mà Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng niệm hôm nay.

Chúng ta đã thấy một lời thề thiếu khôn ngoan, một quan niệm thiển cận về danh dự của một bạo chúa cũng như lòng hận thù của một hoàng hậu lăng loàn đã đưa Gioan Tẩy Giả vào cái chết. Nhưng đây là cái chết đã nâng ngài lên cao trên đài danh vọng, danh vọng của các vị tiên tri đích thực, vì Gioan cũng bị đau khổ, giam cầm và chết vì lời mình rao giảng.

Gioan Tẩy Giả cũng đã tự ví mình là "tiếng kêu trong sa mạc: Hãy dọn đường lối cho ngay thẳng" và ngài đã đóng trọn vai trò này qua việc tích cực rao giảng và làm Phép Rửa thống hối. Tích cực vì ngài đã dám vạch mặt chỉ tên những vấp phạm của tất cả mọi người, không nể nang, không khiếp sợ, kể cả những tội lỗi của các vua chúa là những người nắm toàn quyền sanh sát thời bấy giờ, cụ thể là tội loạn luân của vua Hêrôđê và hoàng hậu Hêrôđiađê.

Qua đó, Gioan Tẩy Giả đã sống để nói lên sự thật và đã chết để bảo vệ sự thật: sự thật về hiện tình của xã hội, sự thật về thực trạng của từng cá nhân và sự thật về chính mình. Gioan tuyên bố rõ ràng ngài không phải là Ðấng Cứu Thế, nhưng chỉ là người được kêu gọi để đóng vai trò Tiền Hô chuẩn bị cho ngày Ðấng Cứu Tinh sẽ đến.

Mọi Kitô hữu chúng ta cũng được kêu mời để đáp lại tiếng gọi. Và mặc dù không ai có thể tái diễn vai trò của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng mọi Kitô hữu phải tiếp diễn sứ mệnh của ngài trong mọi hoàn cảnh mình đang sống. Ðó là sứ mệnh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN NĂM C

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXII thường niên năm C.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.