Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010
Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2010
THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG GIÁO KHU 6 VÀ CA ĐOÀN TÊRÊSA
Chiều ngày 01-10-2010 vào lúc 17g15 Giáo Xứ Thuận Phát đã long trọng cử hành cuộc rước tượng Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Bổn Mạng Giáo Khu 6 và Ca đoàn Têrêsa. Sau khi Cha Chánh Xứ xông hương kiệu Thánh Nữ Têrêsa, cộng đoàn tiến hành cuộc rước Tượng Thánh Nữ chung quanh nhà thờ. Rất đông giáo dân tham gia cuộc rước.
Đầu Lễ Cha Chánh Xứ mời gọi cộng đoàn cùng hợp ý cầu nguyện cho quý bà, cô bác, chị em và các cháu nhận Thánh Nữ Têrêsa làm bổn mạng, cầu nguyện cách riêng cho cộng đoàn giáo khu 6 cũng như ca đoàn Têrêsa. Trong Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng, ban điều hành giáo khu 6 đã tổ chức nghi thức dâng Lễ vật làm tăng thêm tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa đã gìn giữ và ban nhiều Ơn lành hồn xác cho toàn thể dân Chúa trong giáo khu 6 cũng như trong giáo xứ. Cuối Lễ Cha Chánh Xứ đã dành ít phút để cộng đoàn Chầu Mình Thánh Chúa. Sau Thánh Lễ cộng đoàn giáo khu 6 chụp hình lưu niệm với Cha Chánh Xứ.
19 giờ 30 cùng ngày Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và cộng đoàn giáo xứ đã đến nhà Ông Trùm giáo khu 6 để tham dự giờ kinh Kính Thánh Têrêsa theo như truyền thống giáo xứ. Sau giờ kinh Ông trùm giáo khu đã nói lời cám ơn Cha Chánh Xứ và cộng đoàn đã tham dự giờ kinh và mời mọi người dùng trà nước chung vui với giáo khu.
Đầu Lễ Cha Chánh Xứ mời gọi cộng đoàn cùng hợp ý cầu nguyện cho quý bà, cô bác, chị em và các cháu nhận Thánh Nữ Têrêsa làm bổn mạng, cầu nguyện cách riêng cho cộng đoàn giáo khu 6 cũng như ca đoàn Têrêsa. Trong Thánh Lễ Mừng Bổn Mạng, ban điều hành giáo khu 6 đã tổ chức nghi thức dâng Lễ vật làm tăng thêm tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa đã gìn giữ và ban nhiều Ơn lành hồn xác cho toàn thể dân Chúa trong giáo khu 6 cũng như trong giáo xứ. Cuối Lễ Cha Chánh Xứ đã dành ít phút để cộng đoàn Chầu Mình Thánh Chúa. Sau Thánh Lễ cộng đoàn giáo khu 6 chụp hình lưu niệm với Cha Chánh Xứ.
19 giờ 30 cùng ngày Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và cộng đoàn giáo xứ đã đến nhà Ông Trùm giáo khu 6 để tham dự giờ kinh Kính Thánh Têrêsa theo như truyền thống giáo xứ. Sau giờ kinh Ông trùm giáo khu đã nói lời cám ơn Cha Chánh Xứ và cộng đoàn đã tham dự giờ kinh và mời mọi người dùng trà nước chung vui với giáo khu.
Mời xem thêm hình TẠI ĐÂY.
Hữu Toàn.
Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010
CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 01.10
CHÚC MỪNG BỔN MẠNG GIÁO KHU 6
LẼ SỐNG 30.9
30 Tháng Chín
Tình Thương Ðáp Trả Hận Thù
Bà Coretta King, vợ của cố mục sư Martin Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi ký của bà như sau:
Martin ra trước cửa nhà. Một cách nào đó, đây là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời của anh.
Trước đó vài hôm, một quả bom đã được quăng vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại. Ðây là thử thách đầu tiên nặng nề nhất mà anh phải chịu đựng. Ðồng thời nó cũng là trắc nghiệm để xem anh có thể sống nguyên tắc Kitô và thuyết bạo động mà anh hằng rao giảng không. Anh xuất hiện một cách bình thản trước đám đông người da đen đang sôi sục hận thù.
Khi anh vừa giơ tay lên làm hiệu thì mọi tiếng động bỗng như dừng lại. Anh đã chiếm lĩnh được tâm hồn mọi người, từ những người đứng tuổi đến các bạn trẻ bốc đồng nhất, từ các cảnh sát viên cho đến những người sợ hãi đang đứng nép bên các bậc thang trước cổng nhà.
Với một giọng nói bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ mọi người như sau:
"Vợ tôi và con gái tôi vẫn bình an. Tôi xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí giới. Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng bạo động. Chúng ta phải yêu thương những người da trắng anh em của chúng ta, dù họ có làm gì cho chúng ta đi nữa. Chúng ta phải làm cho họ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ thật sự. Chúng ta phải sống như thế đó: nghĩa là lấy tình thương đáp trả hận thù".
Lời kêu gọi trên đây của mục sư Luther King và cái chết của ông là một bản sao trung thành nhất của Tin Mừng: đó là Tin Mừng của Ðấng yêu thương và yêu thương cho đến chết trên thập giá...
Vào tù ra khám, bị đòn vọt, trải qua trăm nghìn gian lao khốn khổ do những người không tiếp nhận Tin Mừng gây ra, thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu Roma như sau:
"Hãy chúc lành cho kẻ bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻ vui, hãy khóc với kẻ khóc. Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ mình, chuộng phần yếu kém... Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt mọi người, hãy cố quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi người... Anh em thân mến, hãy sống an hòa với hết thảy mọi người. Ðừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ".
Ước gì những lời khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao tiếp và gặp gỡ của chúng ta với mọi người.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010
LẼ SỐNG 29.9
29 Tháng Chín
Người Ăn Cắp Cừu
Tại một miền quê bên Mỹ, vào thời kỳ lập quốc, có hai anh em nhà kia bị bắt quả tang đang ăn cắp cừu. Dân trong làng đã mở tòa án nhân dân để trừng phạt.
Sau khi nghị án, mọi người đã đồng thanh cho khắc trên trán của tội nhân hai chữ viết tắt S.T có nghĩa là "Người ăn cắp cừu".
Một trong hai người ăn trộm không chịu nổi sự sỉ nhục đã trốn sang một vùng đất khác để chôn chặt dĩ vãng của mình. Nhưng anh không thể xóa nhòa được hai chữ viết tắt trên trán của mình. Bất cứ một người lạ mặt nào cũng đều tra hỏi anh về ý nghĩa của hai chữ ấy. Lại một lần nữa, không chịu nổi sự nhục nhã, anh đã rời bỏ nơi cư ngụ mới để tiếp tục lang thang và cuối cùng mòn mỏi trong cay đắng, anh đã bỏ mình nơi đất khách quê người.
Nếu người anh của mình đã bị sự nhục nhã gặm nhấm đến độ phải trốn suốt cả đời mình, thì người em lại tự nói với mình: "Tôi không thể bỏ trốn chỉ vì ăn cắp mấy con cừu. Tôi phải ở lại đây và tôi phải tạo lại sự tin cẩn nơi những người xung quanh và nơi chính tôi".
Với quyết tâm đó, anh đã trở lại trong xứ của mình. Và không mấy chốc, anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như danh thơm của một người thanh liêm chính trực.
Nhưng cho dù năm tháng có qua đi, hai chữ S.T vẫn còn ghi đậm trên vầng trán của anh... Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa của hai chữ viết tắt ấy. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: "Tôi không nhớ rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của người đó, tôi nghĩ rằng hai chữ viết ấy có nghĩa là thánh thiện".
Một thi sĩ người Ấn Ðộ đã gửi tặng cho Ðài Phát Thanh Chân Lý những vần thơ sau đây:
"Hãy tin nơi bạn, vì bạn là hình ảnh của Thiên Chúa.
Hãy tin ở công việc của bạn vì một công việc chính trực là một lời cầu nguyện.
Hãy tin ở ngày hôm nay vì mỗi phút chứa đựng một dịp may để phụng sự Chúa.
Hãy tin ở những người xung quanh của bạn vì bạn hữu là điều quan trọng cho một cuộc sống hạnh phúc.
Hãy tin ở hiện tại vì hôm qua đã qua đi và ngày mai sẽ không bao giờ đến.
Hãy tin ở lòng thương của Chúa vì Ngài tha thứ cho bạn. Và bạn hãy tha thứ cho chính mình".
Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta và Ngài mời gọi chính chúng ta cũng đừng thất vọng về chính mình. Mỗi một may mắn là một dịp để chúng ta dâng lời cảm tạ và chúc tụng Chúa. Mỗi một thất bại và đau khổ là khởi đầu của một nguồn ơn dồi dào hơn. Mỗi một vấp phạm là bàn đạp để chúng ta vươn cao hơn. Bởi vì trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010
LẼ SỐNG 28.9
Trích sách Lẽ Sống28 Tháng Chín
Con Vật Ðầu Ðàn
Một khách lữ hành đi về những vùng núi xứ Tô Cách Lan, một hôm dừng chân lại bên cạnh một đàn cừu. Bỗng ông ta chú ý đến một con cừu đang được người mục tử chăm sóc một cách đặc biệt. Con vật nằm dài trên mặt đất. Chủ nó vừa vuốt ve vừa nói chuyện với nó một cách dịu dàng, trong lúc tay vẫn không ngừng băng bó một chân của nó. Người khách bộ hành lại gần và hỏi xem cho biết việc gì. Thoạt tiên, người chăn chiên tỏ vẻ khó chịu vì phải trả lời. Nhưng sau đó vẻ thân mật của người bộ hành đã làm cho anh vững lòng, vì thế anh ta không ngần ngại giải thích:
"Con cừu này có những đức tính tuyệt hảo của một người hướng đạo. Khi còn lành mạnh, nó luôn dẫn đầu đàn cừu, biết cách làm cho những con vật khác vâng lời nó và theo nó. Khổ thay vì quá tự tin nên nó không theo lệnh của tôi và dẫn đàn cừu theo sở thích riêng của nó. Tôi đã tìm đủ mọi cách để thay vào chỗ của nó một con đầu đàn khác nhưng vô hiệu, vì hễ con nào có vẻ như muốn thay nó đều bị nó đánh và xua đuổi. Tình trạng của đàn cừu do đó trở nên nguy ngập. Tôi buộc lòng phải áp dụng một phương pháp khá đau đớn".
Nói đến đây người chăn chiên ngừng lại như bị cảm xúc mạnh. Anh giải thích tiếp như sau: "Tôi đành phải bẻ gãy chân nó. Kể từ lúc đó, con vật bị thương nên hoàn toàn tùy thuộc vào tôi. Mỗi buổi sáng, tôi vác nó lên vai ra đồng cỏ. Và buổi chiều về tôi lại vác nó trên vai đem về. Nó không thể tự mình đi ăn cỏ được. Vì thế, từ một tháng nay, nó ăn giữa lòng bàn tay của tôi. Những săn sóc liên tục của tôi đã tạo nên giữa tôi và nó một sự liên hệ vô cùng mật thiết. Bây giờ có lẽ nó hiểu rằng sau khi đã làm cho nó bị thương, tôi đã tìm đủ mọi cách để làm giảm bớt sự đau đớn của nó. Về phần tôi, tôi cũng biết rằng sẽ không tìm được trong tất cả đàn cừu một con cừu biết vâng lời tôi hơn nó. Trong vài ngày nữa, khi nó khỏe mạnh, tôi sẽ phục hồi nó lại trong địa vị cũ của nó".
Hình ảnh trên đây gợi lại phần nào Tình Yêu của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta. Cựu ước đã không ngần ngại so sánh Thiên Chúa với một người mục tử. Người mục tử săn sóc từng con chiên, người mục tử uốn nắn từng con chiên, người mục tử sửa trị từng con chiên... Nhưng tất cả chỉ vì sự yêu thương đàn chiên của mình.
Thiên Chúa có thực sự yêu thương chúng ta không? Ðó là câu hỏi mà chúng ta có quyền đặt ra trong những mò mẫm tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta. Cuộc sống xem chừng như không diễn ra một cách xuôi chảy cho từng người. Chúng ta không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn. Ðau khổ, thất bại như những bóng mờ lúc nào cũng chực sẵn để ập phủ trên chúng ta... Chiến tranh, chết chóc, bệnh tật, tai ương đã trở thành như tất yếu đối với chúng ta. Một Thiên Chúa nhân từ, một Thiên Chúa quan phòng, một Thiên Chúa quyền năng lẽ nào lại để cho đau khổ đè bẹp con người?... Bí ẩn của đau khổ luôn gợi lên trong chúng ta những thắc mắc về Tình Yêu của Thiên Chúa.
Người Kitô chúng ta chỉ có thể tìm thấy câu trả lời trong Mầu Nhiệm Thập Giá của Ðức Kitô. Thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. Và Người Con Một đó đã yêu đến nỗi đã tự phó nộp mình và chết trên thập giá.
Tình Yêu của Thiên Chúa gắn liền với Thập Giá của Ðức Kitô. Ðau khổ đã trở thành ánh sáng chiếu rọi vào Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người. Nói như thế không có nghĩa là Thiên Chúa muốn con người phải chịu đau khổ, Thiên Chúa cũng không tạo ra đau khổ để sửa trị con người. Nhưng qua đau khổ, Thiên Chúa như muốn hé mở cho con người thấy Ngài là Ðá Tảng, là nơi nương tựa duy nhất của con người.
Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010
CHÚC MỪNG VÀ CHÚC MỪNG
Sau thánh lễ chiều Chúa Nhật 26.9.2010 - lúc 18g30 - Đoàn đại diện Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát do ông Phaolô Lưu Quang Sự, chủ tịch HĐMV, làm trưởng đoàn đã đến Cộng đoàn Mến Thánh Giá Thuận Phát chúc mừng Bổn Mạng Bà Bề Trên Cộng Đoàn nhân dịp Lễ Kính Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ, Tiến Sĩ Hội Thánh vào ngày Thứ Sáu 01.10.2010 sắp tới.
Sau đó, đoàn đã đến Cộng Đoàn Mỹ Phước, Phú Mỹ Hưng, Nam Saigon chúc mừng Bổn Mạng Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinhsơn - cách riêng là Quý Sơ Cộng Đoàn Mỹ Phước - nhân ngày Lễ Thánh Vinhsơn Phaolô, Đấng sáng lập và cũng là Thánh Bổn Mạng của tu hội vào ngày Thứ Hai 27.9.2010.
LẼ SỐNG 27.9
27 Tháng Chín
Tuyên Úy Của Tù Nhân
Hôm nay là ngày kính nhớ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ 17, linh mục Vinh Sơn được cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị trói vào những cột chèo lớn trên các thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất nóng nảy, hiếu thắng, cục mịch... cộng với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh mục tuyên úy đã bị tiêm nhiễm trong suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã được một nữ bá tước ra mời làm trưởng nhóm của một số linh mục đang phục vụ như những thừa sai giữa giới nghèo trong khắp nước Pháp... Cha Vinh Sơn đã chấp thuận lời đề nghị.
Một khúc quanh lịch sử không những bắt đầu với cha mà còn cho cả Giáo Hội nữa: các linh mục dòng thánh Vinh Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi là các cha Lazaristes đã ra đời từ đó. Ngoài ba nhân đức thông thường mà các tu sĩ phải khấn giữ, họ còn cam kết phục vụ hoàn toàn cho giới nghèo.
Thời gian sau, với sự cộng tác của chị Louise de Marillac, cha Vinh Sơn đã thiết lập dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là phục vụ người nghèo... Cha Vinh Sơn đã định nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của họ là nhà thương, nhà nguyện của họ là nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là các ngả đường phố xá.
Chúc thư và cũng là tinh thần của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được chứa đựng trong các lá thư của ngài. Chúng ta hãy đọc qua một đoạn sau đây: "Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi sự... Cha van xin con, hãy tín thác nơi Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao khát".
Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng con số không: Ngài nghèo đến nỗi không có nơi gối đầu. Thế nhưng ngày nay, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta nghĩ ngay đến quốc gia Vatican, với một bảo tàng viện phong phú nhất, với những vương cung thánh đường lộng lẫy, với những cuộc biểu dương rầm rộ. Người ta cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục đồ sộ.
Các vị sáng lập dòng cũng thường bắt đầu với con số không. Nhưng ngày nay, có ai chối cãi được rằng những cơ sở lớn mà người ta thường thấy trong các đô thị lại thuộc về các hội dòng.
Giáo Hội và cách riêng các hội dòng có phục vụ người nghèo và có thuộc về người nghèo không?... Có lẽ, nhiều hội dòng mà mục đích nguyên thủy là phục vụ người nghèo và sống nghèo, cần phải đấm ngực tự thú rằng mình đã quá đi xa tinh thần của Ðấng sáng lập... Sống nghèo trước hết đó là sống tín thác vào Chúa quan phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi vượt và cũng là mẫu số chung của các vị thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu của Chúa.
Chúa kêu mời chúng ta chớ có lo lắng thái quá về ngày mai. Càng lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự tham lam và càng thiếu lòng tin tưởng vào Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo lường bằng chính sự phó thác vào Chúa.
Trích sách Lẽ Sống
Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010
AUDIO THÁNH LỄ CN XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM C
LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN C (Lc 16, 19-31)
CHO THÌ CÓ PHÚC
Có một cậu bé thuộc dòng dõi quí tộc đang đi dạo với người giám hộ dọc theo một bờ ruộng, bên cạnh đó, một người tá điền đang cày ruộng cho cha cậu. Người tá điền cởi đôi ủng để trên bờ ruộng, cậu bé tinh nghịch muốn dấu đôi ủng ấy để chọc giận người nông dân, nhưng người giám hộ nói với cậu rằng: "Con chớ làm cho người tá điền nghèo khổ này buồn phiền, hãy làm cho ông ta vui lên thì tốt hơn. Ta khuyên con hãy bỏ tiền vào mỗi chiếc ủng, chúng ta sẽ núp ở đằng sau, và xem thử ông ta sẽ làm gì?"
Cậu bé đã làm như lời dạy của thầy mình. Chờ cho người nông dân không để ý, cậu đã mon men đến gần đôi ủng và bỏ vào mỗi chiếc một đồng bạc.
Một lát sau, người nông dân đã trở lại với đôi ủng của mình. Vừa khám phá ra tiền trong đó ông đã vội qùy xuống và ngước mắt lên trời để cảm tạ Chúa đã cứu giúp ông trong lúc túng cực. Ông cũng xin Chúa chúc lành và trả công cho vị ân nhân vô danh.
Nhìn được tất cả những gì người nông dân đã cầu nguyện, cậu bé cảm động muốn khóc. Đó là ngày đầu tiên cậu cảm thấy hạnh phúc nhất đời mình.
Vâng, có ai đó nói rằng : “Cho thì có phúc hơn nhận lãnh”. Phúc đức được tích luỹ nhờ trao ban. Trao ban càng nhiều, phúc đức càng dầy. Thế nên, người có phúc là người biết cho đi. Người có phúc là người giầu lòng quảng đại, biết chia sẻ cho người cùng khốn. Cậu bé con nhà quyền qúy một lần biết cho đi, cậu mới hiểu được đâu là hạnh phúc của sự trao ban. Cậu đang ở thế giới của những kẻ quyền qúy, những kẻ sống trong nhung lụa nên cậu đâu hiểu được cái khổ đau của cuộc đời “bán lưng cho trời” nơi giai cấp nông dân nghèo hèn. Cậu càng không cảm nghiệm được niềm vui khi kiếm được một đồng tiền ít ỏi do công khó mình làm ra. Có lẽ, lần đầu tiên cậu chiêm ngưỡng khuôn mặt rạng ngời của người nông dân khi nhận được đồng tiền bố thí. Lần đâu tiên cậu mới hiểu được giá trị của sự trao ban. Có trao ban mới có hạnh phúc. Có trao ban mới tích lũy được phúc đức cho đời này và đời sau. Và như thế, cuộc đời vô phúc là cuộc đời không có sự trao ban. Kẻ vô phúc thường ích kỷ tham lam. Kẻ vô phúc chỉ biết nghĩ cho mình và sống cho mình. Kẻ vô phúc không có cơ hội nhận lãnh niềm vui của sự trao ban. Kẻ vô phúc sống không có hậu, vì không biết tích lũy phúc đức cho cuộc đời bằng hành vi bác ái yêu thương.
Bài phúc âm hôm nay nói về hai cảnh đời khác nhau. Người phú hộ và anh Ladaro nghèo khó. Người phú hộ hạnh phúc đời này nhưng bất hạnh đời sau. Ladaro nghèo khó thì ngược lại, anh phải chịu biết bao cay đắng trong cuộc đời ô trọc thiếu vắng tình người này, nhưng anh lại được hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Cuộc đời của họ tuy cùng chung một thời gian và không gian, nhưng xem ra họ lại qúa cách biệt với nhau. Kẻ ăn không hết, người tìm không ra. Người sống trong nhung lụa, kẻ đói rách bần cùng. Bài phúc âm không đả phá về sự giầu sang, và cũng không khuyến khích sống nghèo đói. Bài Phúc âm chỉ nói đến trách nhiệm liên đới với anh em. Giầu có không phải là tội. Cái tội của người phú hộ là dửng dưng với mảnh đời bất hạnh của đồng loại. Phúc âm không nói đến việc ông xua đuổi người nghèo khó trước cửa nhà ông, nhưng chắc chắn ông phải đi qua cuộc đời của họ với thái độ bàng quang lạnh lùng. Người nghèo đói nằm ở trước cửa nhà ông, nhưng ông đã làm lơ khi đi ra đi vào. Ông đã không áy láy lương tâm và cũng không một chút chạnh lòng thương đối với bất hạnh của tha nhân. Tội của ông là sự dửng dưng, coi như không có sự hiện diện của Lazarô. Một sự mù quáng đến thiếu trách nhiệm liên đới với tha nhân. Ông có nhiều cơ hội để làm việc lành phúc đức, thế mà ông đã bỏ lỡ cơ hội mua lấy phúc đức đời sau.
Song le, Ladarô không phải vì nghèo mà lên thiên đàng, điều quan yếu là anh không thất vọng về cuộc đời. Anh không oán trời oán đất. Anh vẫn bình thản với cuộc sống vốn dĩ đầy khó khăn đối với anh. Cho dù anh đã bị đẩy xuống đến tột cùng, làm bạn với những con chó, anh cũng vui lòng chấp nhận thân phận mình. Chính vì thái độ chấp nhận đó mà anh đã được đền bù xứng đáng, anh được giải thoát khỏi khổ đau đời này và an hưởng hạnh phúc đời đời trong hạnh phúc thiên đàng.
Người xưa có câu: “Phú nhân bất nhân - Bần bất nghĩa”. Giầu có hay khinh người, và nghèo khó thiếu tử tế. Xem ra giầu nghèo đều khó mà vào nước thiên đàng nếu không biết vượt qua những trở ngại trong phận số đời mình. Vì thế mà cha ông ta đã từng khuyên con cháu mình “đói cho sạch rách cho thơm”, và “không ai giầu có ba đời”, thế nên cần phải biết sống có đức, để đề phòng khi sa cơ thất thế vẫn còn có nhiều người hỗ trợ và giúp đỡ mình.
Là người kytô hữu phải biết thể hiện đức ái trong đời sống hằng ngày của mình. Dù giầu hay nghèo mỗi người đều phải biết sống vì người khác, và cho người khác. Dù sang hay hèn vẫn phải toả lan đức ái trong cuộc sống của mình. Đức ái mà như thánh Phaolô tông đồ đã nói: “Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc. Đức ái tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả”. Đức ái sẽ giúp chúng ta sống tốt với anh em và đảm bảo cho hạnh phúc Nước Trời mai sau. Đức ái sẽ là nhịp cầu để ta đến với tha nhân và tiến vào bến bờ hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Và như thế, ở đời sau, Chúa sẽ thưởng phạt chúng ta tùy theo mức độ thể hiện đức ái trong cuộc đời hôm nay. Amen
Lm.Jos Tạ duy Tuyền
(nguồn : thanhlinh.net)
LẼ SỐNG 26.9
26 Tháng Chín
Xin Ðược Ðánh Giày
Một linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân đã kể lại kinh nghiệm như sau:
Một hôm, ngài được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện vì đã giết người bạn gái của mình. Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh Chúa.
Sau khi đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm suy nghĩ như muốn nói một điều gì rất quan trọng. Cuối cùng, với tất cả cố gắng của một người biết mình sắp sửa lìa cõi đời này, anh ta mới thốt lên với tất cả chân thành:
"Thưa cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích ngoài một điều duy nhất: đó là đánh giày.. Xin cha cho con được phép đánh bóng đôi giày của cha. Như thế, con hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của con trên Thiên Ðàng".
Và không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục... Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu trên đầu, trên chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài. "Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha thứ, bởi vì con đã yêu nhiều".
Theo quan niệm công bình và thưởng phạt của chúng ta, kẻ có tội ắt phải đền tội. Tòa án của loài người thường cân lường tội trạng của người có tội để tìm ra một hình phạt cân xứng.
Chúng ta không thể áp dụng một thứ cán cân như thế vào trong mối tương quan giữa tội lỗi của chúng ta với sự công thẳng của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có một trái cân duy nhất: đó là lòng nhân từ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn phủ lấp tất cả tội lỗi của chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.
Do đó, khi nói đến ăn chay đền tội, chúng ta không thể cân lường tội lỗi của chúng ta để rồi tìm ra một lượng đền tội cho cân xứng. Có hy sinh nào tương xứng được với tội trạng của chúng ta? Có án phạt nào cân xứng với sự xúc phạm của chúng ta?
Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta điều gì khác hơn bằng chính Tình Yêu của chúng ta. Với tình yêu, thì dù một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành một lễ dâng đẹp lòng Chúa. Những gì chúng ta dâng lên Chúa, không phải là của cải chúng ta có, những bố thí chúng ta làm cho người khác, những khổ chế chúng ta tự áp đặt cho bản thân... mà chính là lòng yêu mến của chúng ta.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010
LẼ SỐNG 25.9
25 Tháng Chín
"Con Người Bất Hạnh Nhất Trần Gian"
Cuộc đời của nhạc sĩ Beethoven, ngay cả khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, cũng không phải là một cuộc đời hạnh phúc. Tất cả những người viết tiểu sử của nhạc sĩ đều ghi nhận rằng ông đã qua một thời tuổi thơ khốn khổ. Cha ông đã xem kỳ tài âm nhạc của ông như một cơ hội để làm tiền. Thần đồng âm nhạc đã phải ngồi vào đàn Piano từ sáng tới chiều, đến độ ông đâm chán cả âm nhạc. Chỉ có mẹ ông mới là nguồn an ủi duy nhất của ông trong lúc tuổi thơ, nhưng bà đã mất năm ông mới 17 tuổi.
Năm 28 tuổi, Beethoven bắt đầu bị điếc. Ông cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Và tai họa đã tiếp diễn cho đến cuối đời ông.
Tuy nhiên, con người "bất hạnh nhất trần gian ấy" như ông thường nói về mình đã sáng tác những dòng nhạc bất hủ nhất ở cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19.
Kho tàng ẩn dấu trong ta chỉ có thể được khám phá và đem ra thi thố với thế giới nếu ta biết chiến đấu. Ðiều đó đòi hỏi những năm tháng dài, tuy nhiên, trở ngại cuối cùng mà ta có thể vượt qua sẽ làm ló rạng kho tàng ẩn dấu trong ta. Thánh Basiliô đã nói: vĩ nhân không phải là người chỉ đọ sức với những điều cả thể, nhưng chính là biết làm cho những việc tầm thường trở thành cao cả bằng chính sức mạnh của mình.
Trích sách Lẽ Sống
Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010
LẼ SỐNG 24.9
Trích sách Lẽ Sống24 Tháng Chín
Hãy Có Ánh Sáng
Năm 1963, trên màn ảnh truyền hình, dân chúng Hoa Kỳ đang hồi hộp theo dõi hai phi hành gia Armstrong và Aldrin đặt chân xuống mặt trăng, thì tại Houston thuộc tiểu bang Texas, một cậu thanh niên tên là Thomas Franklin Caraway bị đưa lên ghế điện vì tội cướp của, giết người... Cậu vừa lên 18 tuổi.
Trước đó, trong thời gian chờ đợi bị xử tử, cậu đã đọc và nghiền ngẫm quyển kinh thánh mà một người nào đó đã tặng cậu. Khi một ký giả hỏi cậu thích đoạn nào nhất, cậu giở lại trang đầu quyển kinh thánh và đọc đoạn: "Hãy có ánh sáng và tức thì ánh sáng đã có". Cậu lặp đi lặp lại: "Và đã có ánh sáng. Ngày càng trôi qua, tôi càng nghĩ đến điều đó. Tất cả ý nghĩa của cuộc sống nằm ở đó: ánh sáng đã che chở chúng ta khỏi những đêm dài tăm tối".
Giữa bốn bức tường đen tối của nhà tù, Tình Yêu của Thiên Chúa đã đánh động được Thomas. Không có sự dữ nào mà Thiên Chúa không thể biến thành sự thiện... Thiên Chúa quyền năng không bao giờ mong muốn và tạo nên sự dữ cho con người, nhưng Tình Yêu của Người mãnh liệt đến nỗi có thể biến sự dữ thành một cơ may phúc lộc cho con người.
Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010
LẼ SỐNG 23.9
23 Tháng Chín
Cậu Bé Ðau Liệt Trong Bức Tranh
Một trong những bức tranh bất hủ của danh họa Rafaello, người Italia, hiện đang được cất giữ trong bảo tàng viện Vatican: đó là bức họa Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabôrê.
Trong bức tranh, người ta thấy có ba tầng. Ở tầng cao nhất của bức tranh là khuôn mặt và toàn thân Chúa Giêsu trong cảnh chiếu sáng rực rỡ giữa các tầng mây. Ở tầng dưới của bức tranh và kề sát với Chúa Giêsu là ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong tình trạng ngây ngất trước sự biến dạng rực rỡ của Chúa Giêsu. Và ở tầng thấp nhất của bức tranh, người ta thấy một nhóm môn đệ và một gia đình đang quây quanh một em bé đang đau liệt: tất cả đều chìm ngập trong một khung cảnh ảm đạm, mờ ảo.
Có lẽ danh họa Rafaello đã cố gắng giải thích cho chúng ta về sứ điệp của bài Tin Mừng tường thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng và là Ðấng cứu chữa con người. Ðứa bé đau liệt trong bức tranh là chính mỗi người trong chúng ta, là toàn thể nhân loại đang chịu đựng vì không biết bao nhiêu bệnh tật trong thân xác lẫn tâm hồn. Trong đám môn đệ đang quây quanh cậu bé đau liệt, Rafaello đã làm nổi bật hai cử chỉ: cử chỉ của một người môn đệ đang trỏ tay chỉ về cậu bé và cử chỉ của một người môn đệ khác đang chỉ tay về Chúa Giêsu...
Phải chăng Rafaello đã không muốn đánh thức ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan đang say sưa chiêm ngưỡng Thánh nhan rực rỡ của Chúa Giêsu mà quên đi cảnh nhân loại đang quằn quại trong đau thương khốn khổ?
Trong đời sống đạo, chúng ta dễ rơi vào hai thái cực: hoặc chỉ chăm chú cầu nguyện mà không đếm xỉa gì đến lòng bác ái đối với tha nhân, hoặc ngược lại, xem hành động bác ái là một lời cầu nguyện mà không màng đến đời sống nội tâm.
Nơi Chúa Giêsu, cầu nguyện đưa đến hoạt động và hoạt động dẫn đến cầu nguyện. Mỗi một gặp gỡ của Ngài với tha nhân cũng là một lời cầu nguyện và mỗi một lời cầu nguyện của Ngài cũng ôm trọn lấy tất cả những ai mà Ngài đã hoặc sẽ gặp gỡ.
Chúng ta hãy chiêm ngắm mẫu gương của Chúa Giêsu... Cả cuộc đời của chúng ta phải là một lời nguyện dâng lên Thiên Chúa, chứ không chỉ có những lời kinh mà chúng ta đọc ngoài môi mép.
Người ta không lên xe để ở mãi trên đó... Một môn sinh không đến thụ giáo để ở mãi bên cạnh thầy mình... Cũng thế, chúng ta không leo lên núi cao để ở lại mãi trên đó. Sau cơn ngây ngất của ba vị tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan trên núi Tacôbê, Chúa Giêsu đã kêu gọi các ngài hãy trở lại với thực tế: đó là thực tế của những cuộc gặp gỡ, đương đầu và cuối cùng là cái chết.
Từ đỉnh cao của sự cầu nguyện, từ bốn bức tường của nhà thờ, từ cung thánh của những giây phút ngất ngây trong sự kết hiệp, chúng ta hãy quay lại với cuộc sống, nơi đó có những nghĩa vụ để thi hành, nơi đó có những con người để gặp gỡ và yêu thương.
Trích sách Lẽ Sống
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)