Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 03.12

Cha Chánh Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG

Ông PHANXICÔ XAVIÊ
TRẦN NGỌC MINH
Phó Giáo Khu 4

LẼ SỐNG 03.12

03 Tháng Mười Hai
Giác Ngộ

"Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?"... Lời thách thức này của Tin Mừng đã khiến cho một vị giáo sư trẻ tuổi bỏ tương lai đầy hứa hẹn, bỏ tất cả để chỉ còn đeo đuổi một mục đích duy nhất trong cuộc đời: sự sống đời đời của chính mình và của đồng loại.

Vị giáo sư trẻ tuổi đó chính là Thánh Phanxicô Xaviê, bổn mạng của các xứ truyền giáo, mà hôm nay Giáo Hội kính nhớ... Chưa tròn 25 tuổi, Phanxicô đã nổi tiếng như một giáo sư triết học tài ba tại đại học Paris. Giữa lúc danh vọng đang đến, Phanxicô Xaviê đã nhận được những lời thách thức trên đây từ người bạn thân Inhaxiô Loyola.

Không còn chống cưỡng lại với lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã đến Montmartre để cùng với Inhaxiô sống đời khó nghèo, khuyết tịnh và phục vụ tông đồ, theo những chỉ dẫn của Ðức Thánh Cha.

Năm 1537, nghĩa là 3 năm sau khi đã tuyên khấn, Phanxicô lãnh chức linh mục. Từ Italia, ngài sang Lisboa của Bồ Ðào Nha để lên đường đi truyền giáo tại Ấn Ðộ. Trong 10 năm ngắn ngủi, Phanxicô Xaviê đả rảo bước đi khắp nơi để đem Tin Mừng đến cho dân tộc Nhật Bản, Mã Lai và Ấn Ðộ. Cuộc sống của ngài là một chia sẻ cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ nhất... Chưa đạt được giấc mơ đặt chân đến Trung Hoa và Việt Nam, thánh nhân đã qua đời trong kiệt sức, tại một hải đảo cách Hồng Kông 100 cây số. Bị những người lái buôn Bồ Ðào Nha bỏ rơi trên bãi cát, thánh nhân đã qua đời trong sự trơ trụi nghèo nàn.

Danh vọng, tiền tài, ngay cả sức khỏe... tất cả đều được đốt cháy để tìm được niềm vui đích thực cho tâm hồn và mang niềm vui đó đến với mọi người: đó là sứ điệp mà thánh Phanxicô Xaviê đã để lại cho tất cả chúng ta...

"Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột"... Có lẽ người ta thường dùng câu nói trên đây không những để nói lên tính cách tương đới của đau khổ, mà còn để nói lên ngay cả sự tương đới của hạnh phúc.

Sau những tháng năm ăn độn, ăn rau, những người nghèo có thể hớn hở reo vui khi được bữa cơm trắng với chút thịt cá. Sau những tháng năm tù đày, một người vừa mới được phóng thích sẽ reo hò sung sướng khi được đi lại tự do, khi được thở không khí trong lành...

Những người giàu có, ngày nào cũng yến tiệc linh đình sẽ thèm khát đôi chút cá kho, mắm cà của người nghèo khổ... Những đứa trẻ giàu có ở đô thị có lẽ sẽ thèm khát những giây phút được cưỡi trâu hay tắm ao của những chú bé nghèo ở nhà quê...

Tựu trung, vấn đề cơ bản nhất của con người vẫn là đi tìm hạnh phúc. Và cuối cùng, sau những miệt mài tìm kiếm, ai cũng nhận thấy rằng mình sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu trên trần gian này. Kẻ đứng ở núi này sẽ luôn nhìn sang núi nọ...

Chúa Giêsu đã đề ra cho chúng ta một bí quyết của hạnh Phúc: Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất và ai mất mạng sống mình vì Ta sẽ gặp lại... Chỉ có một niềm vui đích thực đó là sống trọn vẹn cho Chúa. Chỉ có một điều quan trọng nhất trong cuộc sống: đó là lắng nghe Lời Chúa.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 02.12

02 Tháng Mười Hai
Mòn Mỏi Ðợi Trông

Ngày kia, một hoàng đế nọ tập trung lại tất cả các nghệ sĩ trong mọi lãnh thổ của đế quốc, để tổ chức một cuộc thi đua. Ðề tài của cuộc thi đua là: mô tả dung mạo của hoàng đế...

Các nghệ sĩ Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương qúy giá. Các nghệ sĩ người Armêni mang đến một thứ đất sét mà chỉ có họ mới biết được giá trị của nó. Những người Ai Cập thì mang đến đủ thứ dụng cụ và một khối cẩm thạch qúy giá.

Sau cùng, người ta thấy xuất hiện một phái đoàn Hy Lạp. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì họ chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng...

Người ta giam các nghệ sĩ vào trong các khu nội cấm trong cung điện. Khi thời hạn ấn định đã đến, hoàng đế cho trưng bày tất cả các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ông trầm trồ ca ngợi bức chân dung của chính mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Sang đến các pho tượng của người Ai Cập và các mô hình của người Armêni, ông càng tỏ ra thán phục hơn.

Sau cùng, khi đến gian hàng của người Hy Lạp, ông chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch của phòng khách, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy nguyên khuôn mặt của mình hiện ra từng nét... Và dĩ nhiên, phái đoàn đã đoạt giải chính là những người Hy Lạp, bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được chính khuôn mặt của mình.

Họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô: đó là mục đích của Giáo Hội. Và nói như danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo: "Ðể tạc một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gọt bỏ".

Muốn họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, Giáo hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình bằng cách gọt bỏ, đục đẽo tất cả những gì còn sần sùi, thừa thãi...

Mùa Vọng là mùa của mong đợi... Hai chữ mong đợi trong ngôn ngữ Việt Nam thường được đi kèm với hai chữ khác: mòn mỏi. Mong đợi nào cũng làm cho con người ta mòn mỏi. Nhưng chính sự hao mòn đó càng làm cho giây phút gặp nhau thêm đậm đà, thắm thiết hơn.

Mùa Vọng là trường dạy chúng ta mong đợi. Ðức Kitô đến với chúng ta qua từng biến cố, từng phút giây trong cuộc sống. Ngài chỉ đựơc nhận diện, Ngài chỉ được họa lên nguyên hình nếu chúng ta chấp nhận đánh bóng bức tường thành rong rêu hoặc sần sùi của con người chúng ta. Càng mòn mỏi, càng được gọt đẽo, chúng ta càng thấy được Ðức Kitô và càng họa lại được Ðức Kitô cho người khác...

Thật ra, không phải chúng ta là người họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, mà chính Ngài đến với chúng ta với những đường nét mà chỉ có Ngài mới biết đích thực là của Ngài. Bổn phận của người Kitô chính là chấp nhận cho Ðức Kitô dùng con người của mình để nhìn thấy khuôn mặt của Ngài. Phiến đá cẩm thạch của con người chúng ta càng bóng láng, khuôn mặt của Ðức Kitô càng hiện rõ...

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 01.12

01 Tháng Mười Hai
Mang Nặng Ðẻ Ðau

Trong tờ thông tin liên lạc của một giáo xứ nọ, người ta đọc thấy ở trang bìa của số ra tháng 12 như sau: Mùa Vọng là mùa của thai nghén...

Có lẽ chỉ có những người đàn bà đã hơn một lần kinh qua thời kỳ thai nghén và sinh nở mới có thể giúp chúng ta hiểu được thế nào là 9 tháng 10 ngày mang nặng đẻ đau... Trong 9 tháng 10 ngày, ngoài những nôn mửa không ngừng, người đàn bà mang thai thường phải trải qua nhiều tâm trạng khác nhau của vui buồn lẫn lộn...

Vui vì sự sống và niềm hi vọng đang lớn dần trong tâm hồn và thể xác của mình, người đàn bà mang thai cũng lo sợ vì những bất ngờ không lường trước được. Những đột biến trong người cũng khiến cho người đàn bà mang thai cảm nhận được sự mỏng dòn, yếu đuối của con người. Tất cả mọi cử động, chế độ dinh dưỡng đều được cân nhắc cẩn thận để không phương hại đến bào thai... Có nên tiếp tục đi nhanh như trước kia không? Có được hút một điếu thuốc như trước không? Có nên dùng càfê không? Có nên dùng một chút bia rượu không? Có nên thức khuya không?... Tất cả đều được cân nhắc từng li từng tí.

Bào thai càng lớn dần, niềm vui và nỗi lo lắng cũng tăng thêm... Và khi đến ngày nở nhụy khai hoa, như chúa Giêsu đã nhận xét, niềm vui của người đàn bà khỏa lấp được tất cả những chờ đợi trong khi mang thai và những đớn đau trong khi sinh con.

Sự chào đời của hài nhi không những mang lại niềm vui, nhưng cũng đảo lộn cuộc sống trong gia đình. Ðứa bé đã trở thành trung tâm của cuộc sống gia đình. Giờ giấc thay đổi, nhịp sống cũng thay đổi. Và có lẽ cái nhìn cũng đổi mới với mọi người trong nhà.

Mùa Vọng là mùa của thai nghén... Do tiếng "Thưa, xin vâng!" đáp trả của Ðức Tin, chúng ta cũng cưu mang chính Chúa. Như người đàn bà có thể cảm nhận được sự tăng trưởng của bào thai, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự hiển diện mỗi lúc một thêm thân mật và gần gũi của Chúa trong tâm hồn chúng ta.

Cũng như người đàn bà mang thai có thể nhận ra sự mỏng dòn yếu đuối của mình, với sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn, chúng ta cũng cảm nhận sâu sắc hơn những bất toàn, khiếm khuyết và tội lỗi của chúng ta. Ý thức ấy càng mời gọi chúng ta bước đi trong từng cố gắng vươn cao hơn. Cũng như người đàn bà mang thai cân nhắc từng đường đi nước bước, từng cách ăn mặc đi đứng, người cưu mang Chúa cũng tập trung tất cả suy tư, hành động, cư xử của mình vào chính Chúa. Lẽ sống là động lực của người có niềm tin chính là Chúa... Bào thai càng lớn lên thì sự quên mình của người mẹ càng gia tăng. Người cưu mang Chúa cũng thế. Thánh Gioan Tẩy Giả đã diễn tả đúng đòi hỏi ấy khi Ngài nói về chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại"... Càng quên mình, người tín hữu Kitô càng cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn. Ðó là định luật của đời sống Ðức Tin. Chính khi quên mình, người Kitô cảm nhận được sự hiện diện của Chúa và càng gặp được chính mình...

Mùa Vọng là mùa của thai nghén: chúng ta hãy chuẩn bị cho Chúa Giêsu một máng cỏ trong tâm hồn chúng ta. Cũng như người đàn bà quên mình vì không biết bao nhiêu chuẩn bị cho con, chúng ta cũng hãy hưởng trọn cuộc sống của chúng ta về với Chúa Giêsu. Hãy để cho Ngài lớn lên bằng những nhỏ lại của chúng ta: nhỏ lại trong tham vọng, nhỏ lại trong những ước muốn bất chính, nhỏ lại trong những đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ, nhỏ lại trong muôn vàn những đớn hèn, nhỏ nhặt trong cuộc sống... Và rồi, với Chúa ngự trị trong ta, tình mến sẽ lớn mãi trong trái tim.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 30.11

30 Tháng Mười Một
Bảo Chứng Của Trường Sinh Bất Tử

Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.

Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2.800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.

Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.

Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:

- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".

- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".

- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".

Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.

Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.

Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về Nhà Cha. Năm phụng vụ đã kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 29.11

29 Tháng Mười Một
Cái Dũng Của Thánh Nhân

Thánh Clêmentê Hofbauer, nổi tiếng là một người nóng tính.

Ngài được cử làm bề trên một cô nhi viện. Một hôm trong nhà không còn lương thực, Clêmentê đã phải đích thân đi xin ăn. Ngài vào nhà một người giàu có đang tổ chức một sòng bạc. Người chủ nhà vừa gặp cơn đen lại vừa bị người hành khất quấy rầy. Ông không kiềm nổi cơn bực bội nên đã nhổ tung nước bọt vào mặt thánh nhân. Bình thường có lẽ Clêmentê đã có phản ứng mạnh. Nhưng vốn luyện tập nhẫn nại, nên ngài đã đứng lên lau mặt rồi vui vẻ nói với người đã phỉ nhổ mình: "Ðó là qùa ông dành cho tôi, xin cảm ơn ông. Thế còn qùa của các trẻ mồ côi đâu?". Bị đánh động bởi cử chỉ điềm nhiên vui vẻ của thánh nhân, người chủ nhà đành phải lấy tiền trao cho ngài để giúp đỡ các em mồ côi.

Cái dũng của thánh nhân chính là biết dùng sự thinh lặng, nhẫn nhục để biến cải tâm hồn con người. Cổ nhân thường nói: "Một câu nhịn bằng chín câu lành". Không có sức mạnh nào có thể thắng nổi sự bất bạo động. Bởi vì, khí giới dù có tối tân và có sức đe dọa đến đâu cũng không thể thuyết phục được tâm hồn con người. Chỉ có lòng tha thứ mới có thể bẻ gãy được thứ vũ khí ác hại nhất là hận thù.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :

Ông Cố GIUSE MARIA
CAO VĂN RĨNH
Sinh năm 1933

Thân phụ Nữ tu Maria Cao Thị Kim Hoàng
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Thuận Phát
thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp


đã an nghỉ trong Chúa lúc 18 giờ 00,
ngày Thứ Bảy 27.11.2010,
tại tư gia : 194/6 Phù Dũng, Phú Bình,
Tân Phú, Đồng Nai.
hưởng thọ 77 tuổi.

Nghi thức tẩn liệm, nhập quan
lúc 17giờ 00 ngày Chúa Nhật 28.11.2010.

Thánh lễ an táng tại Nhà thờ Giáo Xứ Bình Lâm,
Giáo Hạt Phương Lâm, Giáo Phận Xuân Lộc,
lúc 06giờ00, ngày Thứ Ba 30.11.2010.

Sau đó an táng tại nghĩa trang Giáo xứ Bình Lâm.

Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Ông Cố GIUSE MARIA sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo



SỨ ĐIỆP CỦA ĐẠI HỘI DÂN CHÚA VIỆT NAM 2010

1. Trong Năm Thánh 2010 nhân kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã triệu tập Đại hội Dân Chúa, từ ngày 21 đến 25 tháng 11 năm 2010, tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Tp.HCM. Hiện diện tại đại hội, có 32 giám mục, 300 đại biểu linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc 26 giáo phận và các dòng tu trên cả nước. Đại hội hân hạnh đón tiếp các vị đại diện đến từ các Giáo hội Canada, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, và đại diện các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam hải ngoại.

Từ khắp mọi miền đất nước quy tụ về đây như anh chị em dưới một mái nhà, đây chính là thời điểm của ân sủng và kinh nghiệm quý báu Chúa ban cho Hội Thánh tại Việt Nam. Xin dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân cao quý này. Đồng thời, ý thức rằng trong suốt thời gian đại hội, được anh chị em tín hữu Công Giáo tại Việt Nam cũng như hải ngoại luôn đồng hành trong lời cầu nguyện và qua những ý kiến đóng góp cho đại hội, xin gửi đến mọi người lời cảm ơn chân thành nhất.

2. Đại hội Dân Chúa được khai mạc trọng thể vào ngày lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ, 21.11.2010, tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sàigòn với sự tham dự đông đảo của anh chị em tín hữu. Cử hành lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ để khai mạc đại hội giúp chúng tôi xác tín hơn vào sứ mạng của Hội Thánh. Chúa Kitô đã thiết lập Nước Thiên Chúa là “vương quốc của sự thật và sự sống, vương quốc thánh thiện và toàn phúc, vương quốc công chính, yêu thương và an bình[1]. Hội Thánh Chúa Kitô có mặt trong lịch sử nhân loại với sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa trong quyền năng của Thánh Thần. Cũng thế, Hội Thánh Chúa Kitô tại Việt Nam có sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô, góp phần kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước này.

3. Sứ mạng đó đòi hỏi Hội Thánh phải đổi mới không ngừng để thực sự là Hội Thánh Chúa Kitô giữa lòng quê hương Việt Nam. Chúng tôi xác tín rằng Hội Thánh tại Việt Nam không phát xuất từ sáng kiến và nỗ lực của con người nhưng hoàn toàn phát xuất từ Thiên Chúa, sống nhờ Ngài và hướng tới Ngài[2]. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng nhất vẫn là củng cố, canh tân, đào sâu mối hiệp thông của mỗi người tín hữu cũng như của mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể phải thực sự trở thành tâm điểm trong đời sống Hội Thánh tại Việt Nam. Để được như thế, cử hành Thánh Thể cần được nối dài bằng cầu nguyện và suy niệm Lời Chúa, đào sâu chân lý đức tin. Ước mong rằng trong những năm sắp tới, Hội Thánh tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa bằng những phương thế khác nhau, để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, kim chỉ nam và ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của các tín hữu.

4. Đại hội cũng xác tín rằng để thực sự là Hội Thánh của Chúa Kitô nhập thể và nhập thế, Hội Thánh tại Việt Nam phải nhập thể vào văn hóa và lịch sử của dân tộc mình. Trong hơn 4 thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, Hội Thánh đã góp phần không nhỏ vào đời sống và sự phát triển của đất nước. Chính những người Công Giáo đầu tiên đã tạo ra chữ quốc ngữ mà mọi người Việt Nam hiện đang sử dụng. Các trường Công Giáo đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Cũng chính người Công Giáo đã đem những giá trị nhân văn thấm vào đời sống xã hội như tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, sự bình đẳng, tình bác ái, tinh thần phục vụ, hi sinh. Tiếp nối công trình của cha ông, Hội Thánh ngày nay cũng phải dấn thân vào việc xây dựng đất nước về mọi mặt : văn hóa xã hội, cũng như kinh tế chính trị, vì ý thức rằng : “ Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo, không những là một tình cảm tự nhiên phải có, mà còn là một đòi hỏi của Phúc âm[3]. Khi dấn thân xây dựng xã hội trần thế, Hội thánh “không hề muốn thay thế Chính Quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, Hội thánh có thể góp phần mình vào đời sống của Đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân[4]. Đó cũng là lời chứng cho mọi người thấy vẻ đẹp đích thực của Tin Mừng như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắn nhủ tất cả chúng ta, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân : “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng người Công Giáo tốt cũng là người công dân tốt[5].

5. Hội Thánh tại Việt Nam còn phải canh tân chính mình qua nỗ lực xây dựng Hội Thánh như một gia đình, trong đó mọi người hiệp thông với nhau như anh chị em một nhà, bình đẳng với nhau trên nền tảng ơn gọi làm người và làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm dù được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội Thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người như Chúa Giêsu đã thiết tha cầu nguyện : ”Xin cho họ nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong Chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con(Ga 17,21). Trong những ngày đại hội, chúng tôi cảm nghiệm được bầu khí hiệp thông huynh đệ này khi mọi thành phần Dân Chúa sống chung với nhau như anh chị em trong một gia đình, cùng lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và suy tư về Hội Thánh qua các bài thuyết trình, tham luận và hội thảo, với thao thức xây dựng Hội Thánh như lòng Chúa mong muốn. Sự hiện diện của đại diện các Giáo Hội chị em lại mở rộng hơn nữa chân trời hiệp thông trong Hội Thánh Chúa Kitô. Ước mong bầu khí huynh đệ này được trải rộng và thấm sâu vào đời sống Hội Thánh tại Việt Nam ở mọi cấp độ, trong mỗi gia đình, mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi giáo phận.

Để bày tỏ khuôn mặt Hội Thánh như một gia đình, đại hội kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa hợp tác chặt chẽ với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương. Xin anh chị em giáo dân tích cực tham gia vào đời sống và sứ mạng của Hội Thánh bằng những khả năng chuyên môn Chúa ban cho mình. Các gia đình Công Giáo được mời gọi giữ vững và củng cố ơn gọi hôn nhân Kitô Giáo, xây dựng gia đình như Hội Thánh tại gia, cái nôi của sự sống, mái ấm của tình thương và ngôi trường đầu tiên đào tạo con người toàn diện. Đối với các bạn trẻ, xin các bạn nhiệt thành tham gia vào những sinh hoạt của Hội Thánh để đem sức sống và sự tươi trẻ cho đời sống Hội Thánh. Gia đình và giáo xứ phải quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục các đức tính nhân bản cho thiếu nhi, để sau này trở nên những con người hữu ích cho xã hội và Hội Thánh. Ước mong các tu sĩ thực sự trở nên dấu chỉ và chứng nhân sống động của tình yêu vô điều kiện mà Thiên Chúa dành cho con người, nhất là những người bé mọn trong xã hội. Đại hội nhấn mạnh vai trò của các giám mục và linh mục trong Hội Thánh. Công cuộc canh tân Hội Thánh cần được bắt đầu từ hàng linh mục, vì thế ước mong các giám mục và linh mục Việt Nam không chỉ là người quản trị giỏi nhưng trước hết là người của Chúa và là những mục tử nhân lành, biết gắn bó với Chúa Giêsu trong cầu nguyện để có thể phục vụ cộng đoàn theo gương Thầy chí thánh, biết tôn trọng và phát huy vai trò người giáo dân trong tinh thần đối thoại và cộng tác.

6. Để thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trong hoàn cảnh ngày nay, Hội Thánh phải là chất xúc tác của nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước Việt Nam. Trong hai thập niên vừa qua, cùng với sự phát triển kinh tế, có nhiều điều đáng lo ngại cho tiền đồ của dân tộc. Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết”. Xác tín rằng Tin Mừng là “men của tự do và tiến bộ, nguồn của tình huynh đệ, của khoan dung và hòa bình[6], nên hơn ai hết, người Công Giáo Việt Nam có sứ mạng kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương trên đất nước này, đồng thời sẵn sàng đối thoại chân thành và cộng tác lành mạnh với mọi người thiện chí, không phân biệt tôn giáo hay chính kiến, nhằm phục vụ sự phát triển toàn diện của mọi người trong xã hội[7], nhất là những người nghèo khổ và bị bỏ rơi. Trong tinh thần đó, chúng tôi đề nghị Chính quyền Việt Nam mở rộng cánh cửa cho các tôn giáo tham gia vào việc giáo dục học đường và y tế cộng đồng, vì ích lợi của người dân và của cả dân tộc.

7. Đối chiếu với sứ mạng cao cả đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu : “Anh em phải là muối cho đời, ánh sáng cho trần gian(Mt 5,13.14), chúng tôi nhìn nhận mình còn nhiều lỗi lầm thiếu sót, vì thế khiêm tốn xin Chúa và anh chị em trong cũng như ngoài Hội Thánh tha thứ cho. Hội Thánh cũng nhớ đến biết bao khổ đau, bất công, bách hại đã phải chịu trong suốt chiều dài lịch sử của mình, không phải để nuôi dưỡng oán thù nhưng để tha thứ và cầu nguyện cho những người đã bách hại Hội Thánh, theo gương Chúa Kitô là Đấng đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong sự khó nghèo và bị bách hại[8]. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vừa là gương mẫu vừa là động lực thúc đẩy Hội Thánh thi hành sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô trên quê hương đất nước mình.

8. Đại hội Dân Chúa Việt Nam kết thúc nhưng lại mở ra cho những bước chân hi vọng, niềm hi vọng được khơi nguồn và hoàn tất nơi Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Tất cả những ý kiến của đại hội sẽ được đúc kết thành những đề nghị, là chất liệu chính của văn kiện hậu đại hội, nhằm đưa ra những định hướng và kế hoạch mục vụ của Hội Thánh Việt Nam trong những năm sắp tới. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến (Kh 22,20). Đây vừa là lời cầu xin vừa diễn tả niềm khao khát và hi vọng của đại hội. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người chúng con và biến đổi chúng con thành môn đệ đích thực của Chúa. Xin Chúa ngự đến trong mỗi gia đình Công Giáo, để gia đình trở thành cộng đoàn thờ phượng Chúa, hiệp nhất yêu thương nhau và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Xin Chúa ngự đến và hiệp nhất tất cả chúng con trong cùng một sứ mạng yêu thương và phục vụ, quyết tâm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, để dung nhan Chúa bừng sáng trên quê hương Việt Nam chúng con. Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.

Làm tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Tp. HCM,
Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2010

Đại Hội Dân Chúa

(nguồn : daihoidanchua.net)



[1] Kinh Tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua.

[2] Xem Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2010. Cũng xem Tài Liệu Làm Việc, số 2.

[3] Thư chung 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

[4] Bênêđictô XVI, Huấn từ dành cho Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịp Ad Limina 2009.

[5] Như trên.

[6] Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2010.

[7] Bênêđictô XVI, Thông điệp Bác Ái trong Chân Lý, số 4-6.

[8] Hiến chế tín lý về Giáo Hội Ánh Sáng Muôn Dân, số 8.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A (Mt 24, 37-44)


SỐNG TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG


Một năm Phụng Vụ lại đến. Thời gian cứ thế trôi đều theo nhịp dường như chẳng có gì mới dưới trần gian này. Đông qua, xuân đến, hạ đi, thu lại về. Hết mùa thường niên, đoàn tín hữu Kitô bước vào mùa Vọng, mùa Giáng Sinh. Tuy nhiên vẫn có đó cái gì mới lạ khi ta bước vào một điểm mốc của thời gian, cho dù đó chỉ là sản phẩm có tính quy ước của con người. Bắt đầu một chu kỳ mới, được gọi là năm dựa trên vòng xoay của vũ trụ nói chung, của thái dương hệ mặt trời và trái đất chúng ta nói riêng hay khởi đầu một chu kỳ lịch sử ơn Cứu Độ theo niên lịch Phụng vụ Kitô giáo, hẳn nhiên vẫn tiềm tàng một khao khát, ước mơ, hy vọng nào đó. Chắc chắn đó là những hy vọng, mơ ước về nhiều điều tốt đẹp, có thể là hợp lý, phải đạo, cũng có thể là không và không thể loại trừ những ước vọng cao cả.

Bước vào một chu kỳ mới của niên lịch Phụng vụ, Hội Thánh mẹ, trong năm Phụng vụ năm A này có vẻ hơi lạ thường khi mời gọi chúng ta hướng cái nhìn đến ngày chung cục của thế giới, của đời người chúng ta. Bài Tin Mừng theo thánh Matthêu tường thuật những lời cảnh báo của Chúa Giêsu về tính bất ngờ, đột ngột của cái ngày chung cục ấy. Đồng thời Người kêu gọi các khán thính giả lúc bấy giờ cũng như chúng ta hôm nay rằng hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Quy luật tự nhiên giúp ta thêm xác tín rằng sự gì khi đã có khởi đầu thì hẳn có lúc kết thúc.

Vòng đời “thành, trụ, hoại, không” của nhiều vật, nhiều loài hữu hình trước mắt chúng ta là một dấu chứng cho sự kết thúc của vạn vật nói chung và của đời người chúng ta nói riêng. Tuy nhiên điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là tính bất ngờ. Hình ảnh cơn lụt đại hồng thủy thời Noe hay hình ảnh hai người đàn ông đang làm ruộng, hai người đàn bà đang xay bột, thì một người bị đem đi, một người bị để lại, tất thảy đều muốn mô tả sự bất ngờ. Khi nói đến sự bất ngờ người ta thường nói đến hệ quả của nó là sự mất mát, sự thiệt hại hơn là sự may mắn hay là được lợi, cho dù thỉnh thoảng nhiều sự may mắn có xảy đến cách bất ngờ như chuyện trúng số độc đắc. Để tránh những hệ quả xấu, di hại cho hạnh phúc chúng ta đời này, nhất là cho hạnh phúc vĩnh cửu mai sau, Chúa Giêsu lặp đi lặp lại là hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Vậy thế nào là thái độ biết sẵn sàng và tỉnh thức? Hội Thánh, qua bài đọc thứ nhất trích Sách Tiên Tri Isaia và bài đọc thứ hai trích thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Roma, muốn trình bày hai phương thế sống tỉnh thức sẵn sàng, xét theo phương diện tiêu cực và tích cực.


1. Sống tỉnh thức sẵn sàng theo phương diện tiêu cực : Hãy loại bỏ những việc làm đen tối. Hãy dứt khoát với việc chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương. Không chiều theo tính tự nhiên mà thỏa mãn các dục vọng bất chính, đê hèn. Những hành vi bất chính, những thái độ bất xứng, những việc làm ám muội thường là những thái độ, hành vi, việc làm mà ta ít dám thể hiện công khai và thường không muốn cho ai hay, ai biết, ngoại trừ người đồng lõa, người tòng phạm. Để sống tỉnh thức sẵn sàng theo nghĩa này thì xin hãy nhớ rằng không có sự gì mà sẽ không bị tỏ lộ. Chúng ta có thể che giấu một người nhiều lần. Chúng ta cũng có thể che giấu nhiều người một vài lần. Nhưng chúng ta khó mà che giấu mọi người nhiều lần. Nhất là chúng ta không thể nào che giấu được Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn tâm can con người, từng người và mọi người
(x.Tv 139) Để sống sẵn sàng tỉnh thức theo ý hướng này không gì hơn hãy minh bạch hóa các việc làm của ta. Một người không ngần ngại công khai hóa các lời nói, tâm tư và hành động của mình thì sẽ tránh được nhiều sai sót, lỗi lầm. Và nếu có lỡ lầm hay sai sót thì cũng sẽ dễ có cơ hội khắc phục, sửa sai nhờ tha nhân góp ý, nhận định, phê bình.

2. Sống tỉnh thức sẵn sàng theo phương diện tích cực: Lấy gươm đao rèn thành cuốc thành cày; lấy giáo mác đúc thành liềm, lưỡi hái. Một động thái tích cực thật tuyệt vời. Đó là quay ngược 180 độ các xu hướng xấu xa, các việc làm ám muội, các hành vi gian ác. Một ngày kia, người ta hỏi văn hào Bernard Shaw, một văn hào rất thông minh và dí dỏm trong lối ứng xử: Nhờ đâu, và bằng cách nào ngài có được những câu ứng xử vừa thông minh vừa dí dỏm như thế? Có gì đâu. Tôi cứ tưởng tượng ra một câu nói thật ngu ngốc và nhạt nhẽo, rồi tôi tìm cách nói ngược lại.

Ai trong chúng ta lại không có những điểm yếu, những nghiêng chiều bất chính, những thói quen không tốt, chẳng hay, nếu chưa muốn nói là xấu xa? Ai trong chúng ta lại không có những tội lỗi mà nếu công khai ra thì thật ngượng ngùng? Ai trong chúng ta lại không có những lầm lỗi hay tái phạm nhiều lần, khó chữa, khó chừa? Cứ vạch rõ chúng ra rồi hãy làm điều ngược lại. Giả như tôi có tật xấu hay bủn xỉn, keo kiệt về tiền bạc thì ước gì tôi tích cực tập chia sẻ cho tha nhân cách cụ thể bằng những đồng tiền rút từ hầu bao của tôi.

Kinh “Cải tội bảy mối, có bảy đức” chúng ta dường như thuộc nằm lòng. Kinh ấy có ra không phải là để chỉ đọc trong các ngày Chúa Nhật và Lễ trọng mà là để chúng ta sống. Có thể nói một cách chắc chắn rằng những ai sống nội dung kinh “Cải tội bảy mối…” là đang thật sự tỉnh thức và sẵn sàng.

Người đang sẵn sàng và tỉnh thức thì không có gì là đột ngột hay bất ngờ mà là luôn trong tư thế chuẩn bị và đón chờ. Người biết đón chờ trong tư thế chuẩn bị thì hẳn sẽ gặp nhiều may lành khi giờ Chúa đến. Nói đến giờ Chúa gọi thì có thể có người cho là còn xa. Nhưng chắc chắn người biết chuẩn bị và đón chờ thì sẽ gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong dịp kỷ niệm Chúa Kitô đến thế gian lần thứ nhất là Đại Lễ mừng Chúa Giáng Sinh.


Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Thuận Hiếu – Ban Mê Thuột

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM A

* Audio Thánh Lễ Chúa Nhật I mùa Vọng năm A.
Cha Gioan. B Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.


Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 28.11

28 Tháng Mười Một
Bà Vợ Của Socrate

Nhà hiền triết Hy Lạp Socrate chẳng may có một người vợ khó tính như chằn tinh. Nhưng ông đã chịu đựng tất cả những dở chứng của bà một cách kỳ diệu? Một ngày nọ, ông đang đàm đạo với các môn sinh ngay trước cửa nhà, bà vợ bắt đầu dùng một lời lẽ thô tục để rủa sả ông. Nhưng ông vẫn một mực điềm nhiên như không nghe biết gì. Bà vợ không cầm nổi cơn giận, đã múc một gáo nước tạt vào người ông. Nhà hiền triết cũng không để lộ một phản ứng. Mãi một lúc sau, ông mới bỗng đùa với đám môn sinh: "Sau cơn sấm sét thì lại có mưa dông".

Thánh Basiliô khuyên dạy như sau: "Ðừng ăn miếng trả miếng". Kẻ chiến thắng trong một cuộc chiến phi lý là người bất hạnh nhất, bởi vì người đó sẽ mang theo tất cả phần lỗi? Hãy để cho kẻ thù ta là thầy dạy ta. Ðừng bắt chước điều ta ghét bỏ. Ðừng trở nên gương soi cho một kẻ đang giận dữ bằng cách phản chiếu chính khuôn mặt giận dữ của người đó.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA


Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Ban Điều Hành Giáo Khu 3
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Bà MARIA NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC
Sinh ngày 02 tháng 02 năm 1947 tại Nam Định

Cư ngụ tại : 37 đường 9M Cư Xá Ngân Hàng
P.Tân Thuận Tây, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Khu 3 – Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 22g25 ngày Thứ Năm 25.11.2010
(Nhằm ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần)

Hưởng thọ 64 tuổi


CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Sáu 26.11. 2010

  • 10g00 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan
Thứ Bảy 27.11.2010
  • 18g15 : Thánh Lễ Cầu Hồn tại tư gia
Thứ Hai 29.11.2010
  • 05g10 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến Đan Viện Thiên Bình, Long Thành, Đồng Nai dâng Thánh Lễ An Táng.
Sau đó an táng tại nghĩa trang của Đan Viện.

Thuận Phát, ngày 26 tháng 11 năm 2010
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
Ban Điều Hành GK 3
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

LẼ SỐNG 27.11

27 Tháng Mười Một
Tiếng Vọng Rừng Sâu

Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ, giận mẹ nhưng không thể xúc phạm một cách trực tiếp, cậu chạy đến một thung lũng cạnh một khu rừng rậm. Cậu lấy hết sức mình và thét lên: "Tôi ghét người". Cậu ngạc nhiên vô cùng vì từ khu rừng có tiếng vọng lại: "Tôi ghét người". Cậu hoảng hốt quay về với mẹ và khóc nức nở. Cậu không thể hiểu được từ trong rừng đã có người thù ghét cậu.

Người mẹ nắm tay đưa cậu trở lại khu rừng và bảo cậu hãy hét lên: "Tôi yêu người". Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì cũng có người nói vọng lại: "Tôi yêu người". Lúc đó người mẹ mới giải thích cho cậu như sau: "Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì, con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì người đó gặt bão. Nếu con thù ghét người, thì người cũng sẽ thù ghét con. Nếu con yêu thương người, thì người cũng sẽ yêu thương con".

Hận thù lúc nào cũng kéo theo hận thù, bạo động lúc nào cũng sinh ra bạo động. Chỉ có tình yêu mới làm phát sinh tình yêu. Bạo động và hận thù không thể là phương thế để cải tạo xã hội. Chỉ có tình yêu đích thực mới cải đổi được lòng người. Bạn hãy sống cao thượng. Bạn hãy lấy tình yêu để đáp trả lại hận thù. Tiếng vọng cao đẹp nhất của một nghĩa cử yêu thương lúc nào cũng là tiếng vọng của bình an tự trong đáy tâm hồn chúng ta.


Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 26.11

26 Tháng Mười Một
Vui Với Người Vui, Khóc Với Kẻ Khóc

Cha Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus, chuyên giúp những người không nhà không cửa tìm được nơi cư ngụ và tự lực cánh sinh từ việc chế biến những đồ phế thải, đã ôn lại một trong những kỷ niện mà ngài cho là ý nghĩa nhất trong cuộc đời như sau: Gia đình tôi gồm có tất cả 8 anh chị em. Một ngày thứ năm nọ, chúng tôi muốn tập trung lại với nhau để đi đến thăm một gia đình bà con của chúng tôi. Nhưng cha mẹ tôi đã phạt tôi bằng cách bắt tôi phải ở nhà. Buổi chiều hôm đó, các anh em tôi trở về, ai cũng nói huyên thuyên vì một ngày được chơi đùa thỏa thích. Thái độ đó càng làm tôi bực tức thêm. Không kềm hãm được sự ghen tức, tôi đã nói với một người anh như sau:" Không có tôi thì kể như cuộc chơi cũng không có ý nghĩa gì". Tôi trút hết cả giận dữ cũng như sự kiêu hãnh của tôi và bỏ đi nơi khác.

Ba tôi đang đau liệt trong phòng của ông. Tình cờ nghe được lời phát biểu ngạo mạn của tôi, ông cho gọi tôi vào? Lúc đó tôi mới hiểu được sai trái của tôi cũng như nỗi khổ tâm của cha tôi. Nhưng cha tôi đã không la rày tôi. Ông chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi:" Con không biết rằng con vừa nói một lời lẽ xấu xa ư ? Con nghĩ rằng chỉ có con là người quan trọng nhất sao? Tại sao con không bằng lòng khi những người khác được sung sướng?"

Lúc đó tôi mới hiểu rằng ba tôi đau khổ trong thân xác đã đành, nhưng ông còn đau khổ gấp bội trong tinh thần vì tính xấu xa của tôi.

Tôi không bao giờ quên được câu chuyện trên đây? Và có lẽ đây là câu chuyện đánh dấu cả cuộc đời còn lại của tôi.

Ba nguyên tắc cơ bản hướng dẫn đời sống của các cộng đồng Emmaus do cha Pierre sáng lập, trước hết đó là lao động. Các thành phần của cộng đồng Emmaus không chấp nhận bất cứ một sự dâng cúng nào. Tay làm hàm nhai, mỗi người trong cộng đồng đều ý thức về giá trị của việc làm và sự đóng góp của mình.

Nguyên tắc thứ hai đó là đời sống cộng đoàn. Tất cả mọi tiền của kiếm được đều bỏ vào quỹ chung của cộng đoàn. Từ 30 năm nay, tất cả tiền của thu tích được đều được chi dùng cho đời sống của cộng đồng cũng như được bố thí cho những người nghèo khổ túng thiếu hơn.

Nguyên tắc thứ ba là phục vụ. Ðây là nguyên tắc tổng hợp mọi nguyên tắc khác của đời sống cộng đoàn. Phục vụ có nghĩa là sống cho người khác, lấy đau khổ của người khác làm chính đau khổ của mình, lấy niềm vui của người khác làm chính niềm vui của mình.

Có lẽ nguyên tắc cơ bản mà cha Pierre đang áp dụng trong các cộng đoàn Emmaus của ngài chính là bài học mà ngài tiếp thu được từ thân phụ của mình: "Con không bằng lòng khi thấy những người khác được hạnh phúc ư?".

Nguyên tắc trên đây cũng là lời khuyên mà thánh Phaolô thường nhắn nhủ các tín hữu của ngài: "Vui với người vui, khóc với kẻ khóc".

Dù sống trong địa vị nào trong xã hội, dù sống dưới hình thức gia đình nào, độc thân hay có đôi bạn, mọi người đều được mời gọi để sống chung với những người xung quanh. Nguyên tắc đơn sơ và cơ bản nhất trong cuộc sống chung vẫn là:" Lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của chính mình, lấy niềm đau của người khác làm nỗi khổ của chính mình".


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 25.11

25 Tháng Mười Một
Không Qúa Muộn Ðể Nên Thánh

Người Nhựt Bản có kể một câu chuyện như sau:

Zenkai là một thanh niên con của một hiệp sĩ Samourai. Anh được tuyển vào phục dịch cho một viên chức cao cấp trong triều đình. Không mấy chốc, Zenkai đem lòng say mê người vợ của chủ mình. Anh lập mưu giết người chủ và đem người đàn bà trốn sang một vùng đất lạ.

Anh tưởng có thể ăn đời ở kiếp với người đàn bà. Nhưng không mấy chốc, người đàn bà đã để lộ nguyên hình của một con người ích kỷ, đê tiện. Zenkai đành bỏ người đàn bà và ra đi đến một vùng đất khác, ở đó anh sống qua ngày bằng nghề hành khất.

Trong cảnh bần cùng khốn khổ, Zenkai đã bắt đầu hồi tâm để nhớ lại những hành động tội lỗi của mình. Anh quyết định làm một việc thiện để đền bù cho quá khứ nhơ nhớp của mình.

Anh đi về một vùng núi hiểm trở, nơi mà nhiều người đã bỏ mình vì khí hậu khắc nghiệt cũng như vì công việc nặng nhọc. Zenkai đem hết sức lực của mình để khai phá một con đường xuyên qua vùng núi ấy.

Ban ngày đi khất thực, ban đêm đào đường xuyên qua núi. Zenkai cặm cụi làm công việc ấy ròng rã trong 30 năm trời.

Hai năm trước khi Zenkai hoàn thành công trình của mình, thì người con của viên chức triều đình mà anh đã sát hại trước kia bỗng tìm ra tung tích của anh. Người thanh niên thề sẽ giết Zenkai để trả thù cho cha mình. Biết trước mình không thoát khỏi án phạt vì tội ác mình đã gây ra mấy chục năm trước, Zenkai phủ phục dưới chân người thanh niên và van xin:

"Tôi xin sẵn sàng chịu chết. Nhưng cậu hãy cho phép tôi được hoàn thành công việc tôi đang làm dở. Khi mọi sự đã hoàn tất, cậu hãy giết tôi".

Người thanh niên ở lại để chờ cho đến ngày trả được mối thù cho cha. Nhưng trong khi chờ đợi, không biết làm gì, người thanh niên đành phải bắt tay vào việc đào đường với Zenkai mà vẫn nuôi chí báo thù cha.

Nhưng chỉ một năm sau cùng làm việc với kẻ đã giết cha mình, người thanh niên cảm thấy mọi ý muốn báo thù đều tan biến trong anh. Thay vào đó, anh lại thấy dậy lên trong lòng sự cảm phục và thương mến đối với sự nhẫn nhục, chịu đựng của Zenkai. Con đường đã được hoàn thành trước dự định. Giờ đây dân chúng có thể qua lại vùng núi hiểm trở một cách dễ dàng. Giữ đúng lời hứa, Zenkai đến phủ phục trước mặt người thanh niên để chấp nhận sự trừng phạt. Nhưng người thanh niên vừa đỡ Zenkai dậy vừa nói trong tiếng khóc:

"Làm sao tôi có thể chém đầu được thầy của tôi?"

Câu chuyện trên đây hẳn hàm chứa được nhiều bài học. Ngạn ngữ Latinh thường nói:" Sai lầm, vấp ngã là chuyện thường tình của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là bản chất của ma quỉ". Nét đẹp quí phái nhất nơi lòng người đó là còn biết hồi tâm, còn biết nhận ra lỗi lầm và từ đó quyết tâm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong câu chuyện trên đây hẳn phải là hình ảnh của sự phục thiện mà Thiên Chúa vẫn luôn khơi dậy trong lòng người.

Nhưng bài học đáng chú ý hơn trong câu chuyện trên đây có lẽ là: tình liên đới xóa tan được hận thù trong lòng người. Người thanh niên đã khám phá ra giá trị ấy khi bắt tay làm việc với Zenkai, con người mà trước đó anh đã quyết tâm tiêu diệt cho bằng được. Quả thực, tình liên đới, sự đồng lao cộng khổ, sự hiện diện bên nhau có sức tiêu diệt được hận thù trong lòng người.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

LẼ SỐNG 24.11

24 Tháng Mười Một
Ðây Bài Ca Nghìn Trùng

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, từ dạo Ðức Giêsu gục đầu tắt thở trên thập giá, cuộc sống và cái chết của Ngài đã trở nên một bài ca nghìn trùng, một bản tình ca muôn thuở nói lên mối tình Thiên Chúa yêu thương nhân loại, được thể hiện qua cái chết tự ý thực tình của Ngài để sống trọn từng chữ lời mình tuyên bố:

"Không có Tình Yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng, bài ca muôn thuở của một cuộc đời sống cho tình yêu và một cái chết, chết cho cuộc tình. Vì thế, cuộc sống khó nghèo, khiêm tốn, lam lũ để dấn thân rao giảng Tin Mừng và cứu nhân độ thế của Ðức Giêsu phải kết thúc bằng cái chết tang thương, tất tưởi, cái chết đầy đau đớn, tủi nhục trên thập giá, để ngàn đời hai bàn tay bị đinh đâm thâu qua không thể nào nắm lại được nữa, nhưng muôn thuở một bàn tay luôn xòe ra như muốn nói: "Vâng, Con hoàn toàn yêu mến và vâng phục thánh ý Cha", và bàn tay kia luôn mở rộng như muốn nói: "Vâng, Ta chọn tình thương yêu và sẵn sàng phục vụ mọi người cho đến khi đổ giọt máu cuối cùng".

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, bài ca nghìn trùng của cuộc sống dấn thân phục vụ được kết thúc trên thập giá để từ dạo ấy thập giá là biểu tượng cho một quy luật muôn thuở của Tin Mừng do Ðức Giêsu rao giảng: "Nếu hạt lúa gieo xuống đất không mục nát đi, nó cứ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó mục nát đi, nó sinh ra được nhiều hạt khác".

Ðây bài ca nghìn trùng! Vâng, đúng thế, đây bài ca tình thương muôn thuở được sướng lên để chờ đợi những câu đáp trả. Ngày hôm nay, nhân ngày lễ mừng thánh Andrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo, chúng ta hãy hân hoan dâng lên Thiên Chúa cuộc sống và cái chết vì đức tin, vì tình yêu của các bậc đàn anh, đàn chị, của chúng ta như những câu đáp lại điệp khúc bản tình ca của Chúa Giêsu: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".

Một điểm son nổi bật nhất trong những thành tích vẻ vang chứng tỏ niềm tin sắt đá được các thánh tử đạo Việt Nam ghi vào những trang sử của Giáo Hội là: Lòng tôn kính thập giá.

Không hiểu vì lý do gì mà các vua quan Việt Nam thời đó đã dùng thập giá làm phương tiện để thách đố niềm tin của các vị tử đạo. Họ gọi đó là "Quá khóa" để dùng thập giá vạch ranh giới giữa cái sống và cái chết. Nhưng trăm ngàn hình khổ đã không làm cho các vị anh hùng đức tin Việt Nam tự ý bước qua thập giá, dấu hiệu của Ðấng đã rao giảng và đã thực hiện lời mình xác quyết: "Không có tình yêu nào lớn hơn mối tình của người chết cho bạn hữu mình".

Không bước qua thập giá để chứng tỏ mình không chối bỏ đạo, không chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, không chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với mình dù phải chịu tan xương nát thịt, dù phải chịu kìm kẹp, giam cầm, dù phải chịu voi dày ngựa xéo, dù phải chịu đầu rơi máu đổ, các vị tử đạo Việt nam đã nêu gương đáp lại tình yêu của Ðấng chết treo trên thập giá để:

- Nợ máu, các ngài đã trả bằng máu.

- Nợ tình, các ngài đã trả bằng tình.

- Nợ mạng sống, các ngài đã trả bằng những cái đứnng lặng im, không qua khóa, nhưng cái đứng bất động này là những cử chỉ hùng hồn dẫn các ngài đến cái chết vì một niềm tin, chết cho một cuộc tình như Ðức Giêsu đã nêu gương.


Trích sách Lẽ Sống