DỌN ĐƯỜNG
Lại sắp đến Noel rồi. Các cửa hàng Giáng Sinh sáng sủa hẳn lên, rực rỡ ánh đèn, chan hoà màu sắc và cũng đã có nhiều thánh đường, nhiều giáo xứ làm những hang đá thật hoành tráng... Thêm một lần nữa được nghe tiếng hô trong sa mạc : "Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3,3). Câu văn này được diễn rõ hơn trong bài Tin Mừng cùng chủ đề của thánh Luca "Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, mọi núi đồi phải bạt cho thấp, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3, 5). Nói cho vui thì đối với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học ngày nay, việc lấp thung lũng, bạt núi đồi, san lồi lõm, nắn cho ngay những khúc quanh co, chỉ là chuyện nhỏ, và Chúa sẽ đến bằng vệ tinh liên lục địa siêu thanh trên những con đường siêu tốc, thì ngại gì núi đồi thung lũng lồi lõm. Nói là nói vậy, chớ còn ở VN thì đừng vội tin tưởng vào những đường cao tốc hay siêu tốc, bởi ổ gà, ổ voi, thậm chí hồ ao trên những con đường ấy vẫn còn nhan nhản, trong thành phố thì lô cốt, bẫy tử thần cũng không thiếu. Và cũng chính điều này đã nhắc nhở rằng cái con đường tâm linh của con người đã làm nên những con đường xiêu tốc (xin nhấn mạnh : xiêu tốc) ấy, khiến cuộc đời trở nên khốn khổ khốn nạn. Chẳng cần phải suy nghĩ gì thêm, cũng hiểu ngay lời dạy của thánh Gioan Tẩy Giả hoàn toàn không nhắm vào thiên nhiên, mà nhắm vào thực trạng sâu thẳm cùa lòng người.
Khi gia đình sắp có một vị khách tới thăm, chắc chắn gia chủ phải cho quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ đạc, xếp đặt ngăn nắp mọi thứ để đón tiếp, và vị khách đó càng quan trọng, thì sự chuẩn bị chào đón càng chu đáo hơn. Đặt giả thử vị khách đó là một vua chúa, thì không những chỉ một gia đình, mà cả làng, thậm chí cả huyện, tỉnh, phải tất bật, lo toan đủ thứ để chuẩn bị đón vị con trời (thiên tử) giá lâm. Đó là chuyện đón một người trần mắt thịt mà còn như thế, huống hồ đây lại là một Đấng Thiên sai, Con Trời và là Ông Trời (Thiên Chúa) thật sự. Đón Chúa đến nếu chỉ nghe những câu như vừa dẫn và nhất là thấy hình ảnh “Đám đông lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa; ông nói với họ: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy ? … Cái rìu đã đặt sẵn gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 7-10), thì tưởng chừng như một việc làm quá to tát, quá nặng nhọc, khó lòng thực hiện được. Tuy nhiên, nếu đọc thêm và đọc kỹ bài Tin Mừng cùng chủ đề của thánh Luca, thì sẽ thấy cũng đơn giản thôi, và chắc chắn sẽ làm được. Vâng, "Đám đông hỏi ông rằng: "Chúng tôi phải làm gì đây ?" Ông trả lời : "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông : "Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? " Ông bảo họ: "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Binh lính cũng hỏi ông : "Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? " Ông bảo họ "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." (Lc 3, 10-14). Quả thật, Chúa không đòi hỏi những gì quá sức của con người, nhưng dù là không vượt quá sức của con người, thì cũng vẫn có thể không thực hiện nổi, nếu anh không có một ý chí hướng thiện, một tấm lòng quảng đại, một niềm tin vững vàng vào mục đích nhắm tới của công việc, cùng với một quyết tâm thực hiện.
Đúng như vậy, "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông" (Nguyễn Bá Học). Cứ kể lời dạy của thánh Gioan Tẩy Giả cũng đơn giản thật : "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy." (ibid), đâu đã đến nỗi chỉ có một áo, hoặc chỉ có một chén cơm, mà phải nhường hết cho anh em, còn mình thì cởi trần, nhịn đói. Mà thậm chí, đến như kẻ thù đã đoạt áo ngoài thì cũng sẵn sàng nhường luôn áo trong cho nó ("Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong" – Lc 6, 29), hoặc như bà goá sẵn sàng dâng cúng vào đền thờ 2 đồng tiền kẽm cuối cùng của mình ("... còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình" – Lc 21, 4). Ấy mới là biết dọn đường cho Chúa đến. Vâng, hãy mạnh dạn nhìn thẳng vào lòng mình, lấp cho đầy những thung lũng tị hiềm, bạt cho thấp mọi núi đồi kiêu căng, uốn cho ngay khúc quanh co hiểm ác, san cho phẳng những lồi lõm bất minh; tắt một lời, hãy sửa lối đi tâm hồn cho ngay thẳng, công chính. Có như vậy mới xứng đáng theo chân thánh Gioan Tiền Hô mà gióng lên "tiếng hô trong sa mạc", tiếng hô trong hoang mạc cuộc đời.
Nói và diễn cho hết ý thì dài dòng văn tự, nhưng rút gọn lại chỉ cần nhấn mạnh điều mà ĐTC Gioan Phao-lô II trong suốt triều đại của ngài, đã đề ra và kêu mời tín hữu thực hiện, đó là "canh tân và sám hối". Để thực sự dọn dẹp con đường tâm linh cho ngay thẳng đón Cứu Chúa, thì cần phải đổi mới con người và ăn năn về những sai phạm thiếu sót của mình. Muốn đổi mới con người, cuộc đời của mình, cần phải đổi mới cả phương cách dọn dep, tẩy uế con đường tâm linh để dọn đường đón chờ Chúa đến. Nói khác hơn, muốn đổi mới, cần phải biết nhìn lại mình mà sám hối và đổi mới luôn cả tư duy và hành động sám hối. Sám hối không phải là ngoẹo đầu méo miệng, đấm ngực thật mạnh, day tay vào mắt cho đỏ lên và chảy nước mắt ra; sám hối cũng không phải là hô khẩu hiệu, kêu gọi người khác ăn năn khóc lóc; mà phải là toàn tâm toàn ý đối diện với con người thực của mình, bóc trần mình ra trước thánh nhan Chúa để cầu xin được thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót, đồng thời cầu nguyện cho mình có đủ dũng khí và kiên tâm như một Gioan Tẩy Giả đã sám hối trong sa mạc rồi làm phép rửa và kêu gọi mọi người sám hối để ”... dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mt 3, 3).
Sẽ có thật nhiều câu hỏi được đặt ra : "Anh có thực sự tin rằng Đấng Cứu Thế đã đến, đang đến và sẽ đến với anh, với cả nhân loại không ? Với những hiện tượng thiên nhiên và nhân sinh như hiện nay, anh có tin rằng Nước Chúa đã đến gần không ? Anh có tin rằng ‘những sợi tóc trên đầu anh đã được đếm cả rồi’, hay nói khác hơn, anh có tin rằng Chúa thấu suốt mọi điều tới tận chân tơ kẽ tóc con người của anh không ? Nếu anh tin, thì đừng quanh co che giấu nữa, mà hãy sám hối, sám hối và canh tân cuộc đời của anh để chờ đón Chúa đến. Cụ thể nhất, nếu anh thực lòng tin, thì đừng chần chờ nữa, mà hãy hành động, bởi ‘Đức tin không có hành động là đức tin chết’ (Gc 2, 17)". Vâng, hãy tỉnh thức và sẵn sàng hành động dọn đường chờ đón Chúa quang lâm. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.