Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 18.12

18 Tháng Mười Hai
Cái Nhìn Của Một Tướng Lãnh

Ðại tướng Marbot, trong tập ký sự, có kể lại một hôm, khi còn là thiếu úy, vua Nã Phá Luân sai ông làm một việc cực kỳ nguy hiểm. Ðó là giữa đêm khuya, luồn qua bọn lính tuần tiễu đối phương, bắt một người lính Áo đứng canh bên kia bờ sông Danube, tra khảo để xem tình thế của địch quân. Sau bao nhiêu cố gắng không thể tưởng tượng được, toán quân của thiếu úy vượt qua được khúc sông và bắt được ba người lính Áo. Sau khi đã hoàn thành công tác, họ đẩy thuyền ra xa, chèo về. Bỗng dòng nước cuốn mạnh đẩy một gốc cây lớn xô mạnh vào thuyền. Tiếng động đó đã báo động bọn lính tuần tiễu Áo. Họ vùng lên bắn xối xả.

Trong cơn nguy biến cùng cực ấy, viên thiếu úy bỗng nhìn thấy một ánh lửa tỏa ra từ sườn núi chỗ đóng quân bên kia bờ. Viên thiếu úy đã hiểu rằng, Nã Phá Luân đã theo dõi cuộc xô xát và đang chăm chú nhìn từ cửa sổ của ông.

Ðôi mắt phượng hoàng của Nã Phá Luân đã xé tan bóng tối để gửi đến cho những người lính trẻ sự cổ vũ khuyến khích. Viên thiếu úy có cảm tưởng như nhà vua đã quên hết cả một đạo binh để chỉ nhìn về phía anh. Sự chăm chú theo dõi của nhà vua đã đem lại cho những người lính trẻ sự phấn khởi để giúp họ vượt qua được khó khăn và trở về an toàn.

Một cái nhìn của một vị tướng lãnh đã có sức nâng đỡ người lính chiến giữa trận địa như thế, cũng vậy, Chúa cũng đã chăm chú theo dõi và nhìn mỗi người chúng ta như thể chỉ có mỗi người chúng ta là đáng được chú ý. Thiên Chúa không chăm sóc chúng ta như chăm sóc một đàn cừu trong đó mỗi con vật chỉ là một con số. Thiên Chúa yêu thương chúng ta bằng một tình yêu biệt loại. Người gọi tên từng người trong chúng ta. Người đối xử với chúng ta như thể chỉ có ta là người duy nhất hiện hữu trên trần gian này.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 17.12

17 Tháng Mười Hai
Ðôi Vai Của Người Cha

Tháng 11 năm 1958, ngay chính ngày đăng quang, khi nói chuyện với khách hành hương, Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 đã kể lại một giai thoại trong cuộc đời của ngài như sau:

"Khi tôi lên 7, một hôm cha tôi đưa tôi đến một làng bên cạnh, nơi đang tổ chức một buổi lễ của Công Giáo tiến hành trong giáo phận. Phải đi bộ nhiều cây số, tôi cảm thấy mệt mỏi. Cha tôi đã phải đặt tôi trên vai của người. Ðến nơi, tôi cảm thấy thất vọng, bởi vì dân chúng qúa đông, mà tôi thì bé nhỏ. Mất hút trong chợ người, tôi không thể nhìn đoàn người đang diễn hành... Thế là một lần nữa, cha tôi lại bồng tôi trên vai của người. Từ trên cao, tôi có thể xem thấy tất cả mọi sự".

Và vị Giáo Hoàng được mệnh danh "nhân lành" đã kết luận như sau: "70 năm qua, nhưng tôi vẫn còn ghi nhớ trong tâm trí tôi cử chỉ của cha tôi. Nó đã trở thành một biểu trưng kỳ diệu. Ngày nay, mỗi khi mệt mỏi, mỗi khi tôi không còn thấy gì nữa, tôi nài xin vị Cha trên trời nâng tôi lên đôi cánh của Người".

Chỉ từ trên đỉnh cao, chúng ta mới có thể thấy rõ mọi sự. Chính Chúa là đỉnh cao của chúng ta. Nơi Người, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa của cuộc sống... Những lúc chán sống, những lúc hầu như không còn thấy gì nữa, chúng ta hãy chạy đến với Người.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 16.12

16 Tháng Mười Hai
Hơi Ấm Của Tình Người

Một vị linh đạo Ấn Giáo và các môn sinh ngồi quây quần bên một bếp lửa hồng. Sức nóng của than hồng và hơi nóng của từng người làm cho căn phòng ấm hẳn ra... Nhưng bỗng chốc, vị linh đạo già run lập cập, môi ông bập bẹ không nói ra lời. Các môn sinh lo lắng cho sức khỏe của thầy: "Thưa thầy, chắc thầy yếu trong người, chúng con xin phép được cho thêm củi vào lò sưởi".

Trong cơn thổn thức, vị linh đạo già cố gắng nói từng tiếng: "Lửa và sức nóng trong căn phòng này quá đủ cho ta... Ta cảm thấy lạnh là bởi vì bên ngoài có một người hành khất đang run lập cập".

Quả thật, đúng như lời của vị thầy, các môn sinh đã mở cửa nhìn ra ngoài, và họ đã tìm thấy một người hành khất đang rét run vì đói và lạnh... Họ đưa người đó vào trong căn phòng, săn sóc cho anh và từ giây phút ấy, vị linh đạo già cũng trút bớt được nỗi rét run của mình.

Câu chuyện được trích từ kho tàng khôn ngoan của người Ấn Ðộ trên đây có lẽ gợi lại cho chúng ta lời của thánh Giacôbê tông đồ: "Ðức Tin không có việc làm là một Ðức Tin chết". Vị linh đạo già trên đây đã cảm thấy rét run là bởi vì sự ấm áp của thầy trò đang có với nhau chưa được chia sẻ cho người khác. Ông chỉ cảm thấy thật sự ấm lòng, khi hơi ấm của sự quây quần ấy được san sẻ cho người khác.

Vị linh đạo này là hình ảnh của đời sống Ðức Tin của chúng ta. Dù có sốt sắng bao nhiêu trong việc cầu nguyện, trong các nghi thức phụng tự, nếu tâm hồn chúng ta không được nuôi dưỡng bằng lòng mến đối với tha nhân, thì hơi ấm của lòng đạo đức nơi chúng ta chỉ là một thứ hơi ấm giả hiệu... Một Ðức Tin nhiệt thành, một Ðức Tin có hơi ấm thật sự cần phải được nuôi dướng bằng lòn mến.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 15.12

15 Tháng Mười Hai
Xin Một Chút Ánh Sáng

Triết gia Diogène nổi tiếng là người hạnh phúc nhất trên đời, thế nhưng cuộc sống của ông lại rất đơn sơ nghèo nàn. Ông sống trong một cái thùng, ngày ngày nằm đọc sách nhờ ánh sáng qua lỗ hỏng ở vách thùng. Cơ nghiệp của ông vỏn vẹn chỉ có một cái bát gỗ dùng để múc nước sông mà uống. Thế nhưng, một hôm ra sông để lấy nước, ông thấy có một em bé chăn cừu dùng hai tay để vục nước mà uống. Thế là ông ném cái bát đi và từ đó chỉ dùng tay mà uống nước.

Vua Hy Lạp nghe biết ông là người hạnh phúc nhất đời bèn tìm đến tận nơi để thăm. Thấy ông đang nằm đọc sách, nhà vua lại gần để hỏi xem ông có cần gì không. Diogène không trả lời. Nhà vua hỏi vặn nhiều lần, ông điềm tĩnh trả lời như sau: "Hạ thần chỉ xin bệ hạ một điều và chỉ một điều mà thôi: xin bệ hạ tránh ra để hạ thần có đủ ánh sáng mà đọc sách". Diogène đã đuổi khéo nhà vua vì sợ bị sa vào tròng danh lợi mà mất cái niềm vui thảnh thơi trong cuộc đời thanh bần đơn sơ.

Ai trong chúng ta cũng muốn giàu có. Thế nhưng giàu có không hẳn đem lại hạnh phúc thật sự cho chúng ta. Chỉ có những ai có tinh thần nghèo khó, chỉ có những ai không coi tiền của như cứu cánh của cuộc đời, những người đó mới thực sự có hạnh phúc.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 14.12

14 Tháng Mười Hai
Cánh Tay Của Người Ganh Tị Và Tham Lam

Câu chuyện có tính cách ngụ ngôn sau đây đã xảy ra tại thế kỷ thứ 16 tại Ấn Ðộ. Trong triều đình có hai viên sĩ quan nổi tiếng vì những đam mê của mình. Một người thì ganh tị, một người thì tham lam.

Ðể chữa trị những tính xấu ấy, vua cho triệu tập hai viên sĩ quan vào giữa triều đình. Vua thông báo sẽ tưởng thưởng hai viên sĩ quan vì những phục vụ của họ trong thời gian qua. Họ có thể xin gì được nấy, tuy nhiên, người mở miệng xin đầu tiên chỉ được những gì mình muốn, còn người thứ hai sẽ được gấp đôi.

Cả hai viên sĩ quan đều đứng thinh lặng trước mặt mọi người. Người tham lam nghĩ trong lòng: nếu tôi nói trước, tôi sẽ được ít hơn người kia. Còn người ganh tị thì lý luận: thà tôi không được gì còn hơn là mở miệng nói trước để tên kia được gấp đôi... Cứ thế, cả hai đều suy nghĩ trong lòng và không ai muốn lên tiếng trước. Cuối cùng, vua mới quyết định yêu cầu người ganh tị nói trước. Người này lại tiếp tục suy nghĩ: thà không được gì còn hơn để tên tham lam kia được gấp đôi. Nghĩ như thế, hắn mới dõng dạc tuyên bố: "Tôi xin được chặt đứt một cánh tay...". Hắn cảm thấy sung sướng với ý nghĩ là người tham lam sẽ bị chặt hai cánh tay.

Lắm khi chúng ta không hài lòng về cái mình có và chúng ta cũng không sung sướng khi người khác gặp nhiều may mắn hơn chúng ta. Không bằng lòng về chính mình, chúng ta không được hạnh phúc, mà bất mãn về người khác, chúng ta lại càng đau khổ hơn.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 13.12

13 Tháng Mười Hai
Danh Hiệu Của Ánh Sáng

Không những ở Việt Nam, nhưng trên toàn thế giới, nhiều thánh nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia, như nữ tu Lucia, một trong ba trẻ đã được thấy Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima.

Những người thiếu nữ mang tên Lucia này không khỏi thất vọng khi tìm hiểu về đời sống và sự nghiệp của thánh nhân. Vì những sách cũ đã viết tiểu sử của các thánh nhân đã ghi lại nhiều câu chuyện về thánh Lucia, để rồi các tác giả viết về đời sống của các thánh nhân thời đại chúng ta lại phê bình những câu chuyện ấy không có tính cách lịch sử. Chúng ta chỉ có thể tóm lại những chứng tích lịch sử để viết về cuộc đời, nhất là cái chết vì niềm tin của thánh Lucia như sau:

Một chàng thanh niên không Công Giáo thất vọng vì không được Lucia đáp trả lại tình yêu của mình đã tố cáo với nhà cầm quyền: Lucia là người Công Giáo. Và nàng đã bị xử tử vào năm 304 tại thành Syracuse vùng Sicilia, mạn Nam nước Italia. Di tích lịch sử thứ hai là tên Lucia được ghi trong danh sách những thánh tử đạo trong lời nguyện thánh lễ Roma, nay là lời nguyện Thánh Thể thứ nhất trong phụng vụ mới.

Những di tích bên lề cũng nên nói đến là nhiều địa danh, nhiều làng mạc, thành phố bên Âu Châu mang tên nàng, cũng như có những bằng chứng lịch sử về sự tôn kính nàng từ trước thế kỷ thứ 5.

Chữ "Lucia" có nghĩa là ánh sáng. Và gương can đảm chết vì lòng tin của nàng vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tâm hồn những người đang bị thử thách và đau khổ vì lòng tin, cũng như làm rạng rỡ những khuôn mặt của những thiếu nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia.

Muốn hiểu sự can đảm của thánh Lucia Giáo Hội mừng kính hôm nay với tước hiệu đồng trinh, tử đạo, chúng ta có thể tưởng tượng một thiếu nữ Công Giáo sống giữa những người không Công Giáo vào thời kỳ tôn giáo này bị bách hại. Ðể sống trọn niềm tin Công Giáo, nàng cũng gặp nhiều khó khăn như đại đa số những tín hữu Kitô trong thời đại chúng ta phải sống chung với những người vô thần, không tin tưởng.

Lạ lùng hơn là niềm tin của Lucia. Nàng tin vào một người sáng lập tôn giáo với thân thế và sự nghiệp không mấy được rõ ràng ở một nước thuộc địa xa xôi với thủ đô Jerusalem bị quân đội Roma phá hủy cách đó 200 năm. Trước khi truyền đạo, ông này làm nghề thợ mộc và sau một thời giảng đạo ngắn ngủi, ông bị quân lính Roma đóng đinh vào thập tự, một hình phạt dành cho dân thuộc địa phạm những trọng tội sát nhân hay nổi loạn. Nay Lucia tin tưởng với tất cả tâm hồn là ông ấy đã Phục Sinh, như một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa đã chấp nhận những gì ông truyền dạy và đã làm.

Ðể biểu lộ lòng tin của mình, Lucia đã thề hứa giữ sự trinh khiết, không lập gia đình.

Lucia lập lời hứa đó vì nàng biết đến gương anh dũng của những người chết vì đạo trong các hí trường tại Roma hay những nơi khác và nhất là để giữ lòng trung tín với ông Giêsu làng Nagiareth, đã bị chết treo trên thập giá, nhưng đối với niềm tin của nàng là Ðấng Cứu Thế, Con Một Thiên Chúa.


Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2010

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật III mùa Vọng năm A
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.


Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A (Mt 11, 2-11)


THẦY CÓ PHẢI LÀ ĐẤNG PHẢI ĐẾN ?

Tuần trước, chúng ta còn nhớ, chúng ta thấy một hình ảnh của Gioan thật tuyệt vời nơi dòng sông Gioan. Gioan mạnh mẽ loan báo Đấng Thiên Sai và là một người tự do hoàn toàn. Thế nhưng hôm nay Gioan lại ở trong tù. Vì sao vậy ? Vì Gioan đã dám tố cáo Vua Hêrôđê. Đang là một ngôn sứ và là một ngôn sứ lớn nhưng giờ đây lại hỏi rằng Đức Giêsu có phải là Đấng Thiên Sai, Đấng phải đến hay không ? Đang khi làm chủ bản thân mình, muốn làm gì thì cũng làm được và còn làm phép rửa cho Chúa Giêsu nhưng nay lại phải nhờ các môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu. Mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu, về Chúa Giêsu nhưng lại chất vấn : Thầy là ai ? Thầy có phải là Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải đợi người nào khác ?

Hoàn cảnh mà chúng ta thấy về Gioan hôm nay phải chăng là dấu chỉ kết thúc cuộc đời của vị ngôn sứ này. Cuộc đời của Gioan nay sang một trang sử mới. Những gì mà Gioan tuyên bố nay thành hiện thực : Đức Giêsu phải lớn lên, còn ông phải nhỏ đi. Đức Giêsu phải nổi bật lên, còn ông phải lu mờ đi, phải lui vào trong hậu trường
(Ga 3, 30). Khi Gioan loan báo Chúa Giêsu xuất hiện nghĩa là cùng lúc ấy người mang tên Tiền Hô phải rút êm.

Ở trong hoàn cảnh bi đát, kề cận với cái chết, Gioan đã một lần nữa xác định cho các môn đệ, cho mọi người về “Đấng phải đến”. Trong hoàn cảnh không còn gì để mất, trong hoàn cảnh kề cận với cái chết, hoàn cảnh bị thế gian loại trừ ông muốn loan báo về niềm tin của ông, về tương lai, về sự sống vĩnh cửu của ông.

Muốn tận tai nghe Chúa Giêsu tuyên bố về mình nên Gioan đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu
(Ga 1, 37-40).

Các môn đệ đã từng được nghe Gioan tuyên bố về Đấng Thiên Sai, Đấng Thẩm Phán sẽ đén sau ông. Đấng ấy sẽ lấy lửa không hề tắt mà thiêu huỷ những người tội lỗi mà không biết hoán cải. Các môn đệ đã tin tưởng rằng Đấng ấy là Đấng mà nhân loại đợi trông, Đấng mang lại và hoàn tất niềm hy vọng của các môn đệ.

Đáng tiếc thay trong thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Đấng Thiên Sai ấy lại đến trong thế gian này một cách âm thầm, xử sự một cách tế nhị và hết sức khiêm tốn. Cung cách của Đấng Thiên Sai hoàn toàn ngược lại với những gì mà Gioan đã loan báo. Câu hỏi của Gioan cũng đúng thôi vì sao Đấng ấy lại loan bao cho những ai đi theo Ngài phải đón nhận thập giá, đón nhận khổ đau, đón nhận cái chết. Tại sao Ngài là Vua trên các vua, là vị Thẩm phán chí công mà phải chấp nhận nhượng bộ cho mọi thù địch thế gian. Đấng mà muôn dân mong đợi lại đến trong thân phận khiêm hạ như vậy thì có phải thật là Đấng muôn dân mong đợi hay cũng chỉ là một Đấng trung gian như Gioan mà thôi.

Đáp lại những vấn nạn của các môn đệ Gioan đặt ra, Chúa Giêsu không diễn giải, không giải thích theo những vấn nạn nhưng câu trả lời ấy làm cho người ta phải suy nghĩ. Chúa Giêsu đưa con người ta đến sự sống, ơn cứu độ.

Chúa Giêsu là như vậy, Chúa Giêsu không được hiểu dưới cái nhìn, dưới sự giải thích của người đời. Chúa Giêsu được nói trước qua dòng lịch sử, đặc biệt nơi các ngôn sứ, qua các hành động, sự hiện diện của Ngài.

Câu trả lời của Chúa Giêsu một cách nào đó đã minh nhiên công nhận Ngài chính là Đấng Thiên Sai, Đấng phải đến. Ngài đến để hoàn thành ơn cứu độ như lời đã hứa, hoàn tất những gì mà các ngôn sứ đã loan báo chứ không còn phải đợi ai khác nữa. Qua Chúa Giêsu, trong Chúa Giêsu nhưng người mù được thấy, què được đi, phong hủi được chữa lành, điếc được nghe, chết sống lại và đặc biệt hơn nữa là người nghèo được loan báo Tin Mừng.

Với cách nói như vậy, với những hành động hết sức thực tế như vậy Chúa Giêsu chính là người hoàn tất công trình cứu độ. Ngài sẽ khải hoàn trong vương quốc của Ngài. Ngài không chỉ là người mở đường, dẫn đường nhưng chính là con đường dẫn người ta vào vương quốc của Ngài.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Hãy đến mà xem”. Không phải là lời khích bác, lời phô trương nhưng muốn mời gọi, muốn chứng minh về tính hiện thực của mình cùng với tất cả nhũng việc Ngài làm cho con người. Đây là một lời mời gọi hết sức chân thành để rồi những người nghe có thể nghe theo hay không nghe tuỳ vào thái độ của họ.

Từ thời nguyên tổ, từ thời cha ông, người ta vẫn mong và vẫn chờ một Đấng Cứu Độ trần gian đến giải thoát con người khỏi những cơ cực của cuộc sống. Và từ đó, họ quan niệm hết sức lệch lạc về Đấng Cứu Độ. Họ tự vẽ ra cho họ một Đấng Cứu Độ trần gian như thế này như thế kia. Họ vẽ ra Đấng Cứu Độ theo thiên kiến của họ. Họ tìm đủ mọi cách để phản kháng Chúa Giêsu. Họ làm nũng làm nịu như trẻ con. Được mời dự tiệc cưới họ làm bộ sầu não, được mời dự tang lễ thì họ không mặc lễ phục tang. Họ như những trẻ em hết sức ngoan cố trước lời mời gọi của Chúa Giêsu. Gioan đến không ăn không uống như người bình thường thì họ chê Gioan là nghiêm khắc, kham khổ. Chúa Giêsu đến đồng bàn với những con người tội lỗi thì họ khinh chê bảo là ông này ham ăn ham uống… Chúa Giêsu sống bình ân thì họ chê trách. Có những lần những lúc môn đệ tức muốn thiêu đốt quân thù bằng lửa từ trời xuống nhưng Chúa Giêsu lại cư xử hết sức nhân hậu.

Rõ ràng, với cách cư xử như thế, Chúa Giêsu bỗng nhiên trở thành cớ vấp phạm như lời Chúa Giêsu nói : “Phúc thay người nào không mất niềm tin vào tôi”. Câu nói hết sức tuyệt vời.

Nhìn lại cuộc đời, cách sống lối nghĩ của Gioan. Khi nhìn lại Gioan, chúng ta cũng sẽ tự vấn như Gioan với Chúa Giêsu vậy.

Gioan đi mở đường cho Đấng Cứu Độ trần gian, loan Tin Mừng Cứu Độ nhưng lại bị cầm tù. Gioan sống công chính thì bị những người bất chính chà đạp và tống ngục, cuối cùng bị giết.

Tưởng chừng Chúa Giêsu đến sẽ làm cho cuộc đời mình khá hơn nhưng hình như thực tế nó còn tệ hơn thì phải. Bằng chứng sống động là Gioan ở trong tù và đủ mọi chất vấn.

Tâm tư, tình cảm, niềm tin của Gioan phải chăng cũng là tâm tư, tình cảm, niềm tin của mỗi người chúng ta. Chúng ta, nhiều lần nhiều lúc cũng sống công chính, cũng nói lên sự thật, nói lên công lý giữa trần gian này nhưng rồi khi nói lên chúng ta bị thiệt thòi. Khi ấy chúng ta cũng xôn xao, chúng ta cũng dao động như Gioan vậy.

Đứng trước cảnh bi thương của Gioan, Gioan cũng như chúng ta được mời gọi lựa chọn. Hoặc là can đảm minh chứng về một Thiên Chúa giữa trần gian này hoặc là thoả hiệp với thế gian. Gioan ở trong tù chắc chắn còn thời gian để “ăn năn sám hối”. Nếu như Gioan rút lại lời tố cáo, nếu như Gioan “ăn năn sám hối” thì chắc chắn cái chết sẽ chậm đến với Gioan hơn. Gioan sẽ không phải chết và thậm chí còn được đặt lên làm ông này bà nọ trong triều của vua nữa. Cuối cùng, Gioan đã chấp nhận cái chết và cái chết nhục nhã, cái chết bi thương. Thậm chỉ các môn đệ chỉ được đến để lấy xác ông chứ không biết cái đầu đem đi đâu vì cái đầu ấy đã đáp ứng đòi hỏi của kẻ ác.

Chúng ta thấy có những lúc xôn xao, có những lúc dao động ấy nhưng khi nghe Chúa Giêsu đáp trả qua các môn đệ Gioan lại tiếp tục sống niềm tin của mình. Chấp nhận cái chết rũ tù và cái chết nhục bị chém đầu để tuyên xưng những gì mà mình loan báo.
Để có niềm tin như ấy, Gioan đã gắn kết cuộc đời của ông vào Chúa. Ông cũng chẳng hay ho gì nhưng có lẽ ông đã sống niềm tin nhờ vào niềm tin của cha ông là Zacaria và mẹ ông là Êlizabeth cũng như các ngôn sứ để lại.

Hôm nay, Chúa Nhật III của Mùa Vọng, Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật của niềm vui. Chúa đã gần đến. Thật sự Chúa đã đến rồi qua lời của các ngôn sứ, đặc biệt qua lời của Isaia vừa loan báo :

Những gì Isaia loan báo cũng chỉ là hình ảnh của cuộc giải thoát đích thực mà Chúa Giêsu ban cho con người. Khi ấy “mắt người mù xem thấy, tai người điếc nghe được. Khi ấy kẻ què nhảy nhót như nai, người câm sẽ reo hò”.

Niềm vui mà Isaia loan báo nay đã đến rồi. Đó chính là Đấng Cứu Độ trần gian mang tên đã đến, đã mang ơn cứu độ đến rồi. Phần còn lại là của con người, con người có vui mừng để đón nhận hay khước từ đó là chuyện của con người.

Ngày hôm nay, chúng ta thấy quá nhiều điều bi đát đang xảy đến cho gia đình, cho cộng đoàn. Đấng Cứu Độ trần gian đã đến và ở lại trong các gia đình, các cộng đoàn nhưng rồi nhiều người vẫn chạy quanh quanh đi tìm những cái gì khác không phải là tìm Đấng Cứu Độ để rồi vẫn hỏi, vẫn thắc mắc như Gioan : Thầy có phải là Đấng phải đến hay không ?

Xin Chúa ban thêm niềm tin cho chúng ta để chúng ta xác tín rằng Chúa đã đến và rồi chúng ta bắt chước như Gioan, can đảm làm chứng cho Chúa giữa cuộc đời này dẫu rằng bao nhiêu khó khăn còn vây bủa cuộc đời chúng ta.

Anmai, CSsR
(nguồn : thanhlinh.net)

LẼ SỐNG 12.12

12 Tháng Mười Hai
Thế Giới Sẽ Hết Nghèo Ðói

Mẹ Têrêxa thành Cacutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 đã kể lại câu chuyện sau đây: ngày nọ, có một thiếu phụ và 8 đứa con dại đến gõ cửa xin gạo. Từ nhiều ngày qua, bà và các con của bà không có được một hạt cơm trong bao tử. Mẹ Têrêxa đã trao cho bà một túi gạo. Người đàn bà nhận gạo, cám ơn và chia ra làm hai phần... Ngạc nhiên về cử chỉ ấy, Mẹ Têrêxa hỏi bà tại sao lại phân làm hai. Người đàn bà nghèo khổ ấy trả lời: "Tôi dành lại một phần cho gia đình người Hồi Giáo bên cạnh nhà, vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì để ăn".

Mẹ Têrêxa kết luận như sau: Thế giới này sẽ hết nghèo đói nếu người ta biết chia sẻ cho nhau. Càng giàu có, chúng ta càng muốn tích lũy thêm, nhưng càng nghèo khổ, chúng ta càng dễ chia sẻ hơn.

Nghèo không là một điều xấu, giàu cũng không là một cái tội. Xấu hay không, tội hay không đó là lòng tham lam và ích kỷ của con người mà thôi. Giá trị và danh dự của con người tùy thuộc ở lòng quảng đại của mình.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 11.12

11 Tháng Mười Hai
Tiếng Khóc Của Sa Mạc

Một mẩu chuyện của người Phi Châu kể lại rằng: một người Ả Rập sống ở sa mạc có thói quen nằm sát xuống đất, úp tai trên cát từng giờ lâu. Có người hỏi tại sao làm thế, anh ta giải thích như sau: "Tôi nghe sa mạc khóc vì nó rất muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi".

Sa mạc mong mỏi được trở thành ngôi vườn, cũng thế tâm hồn con người luôn hướng về điều thiện. Khoảng cách giữa sa mạc và ngôi vườn xinh tươi đó là nước non, điều kiện thời tiết và nhất là công lao của con người. Không có sự chăm sóc của con người, sa mạc vẫn tiếp tục là bãi cát khô cằn. Cõi lòng con người sẽ mãi mãi là một sa mạc cằn cỗi nếu nó không được vun xới và tưới bằng cố gắng, phấn đấu, hy sinh và tình yêu. Phải tốn biết bao là kiên nhẫn, biết bao chống đỡ, biết bao nghị lực, biết bao mồ hôi... để biến sa mạc của tâm hồn thành một khu vườn tươi tốt... Sa mạc tâm hồn của chúng ta sẽ khóc mãi nếu chúng ta không ra tay cày xới và vun trồng mỗi ngày.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 10.12

10 Tháng Mười Hai
Quyền Con Người

Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người... Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ.

Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội... đều được hưởng mọi quyền lợi và tự do, được công bố trong bản tuyên ngôn.

Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.

Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.

Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản của con người. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình giả tạo mà thôi.

Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất cả phẩm giá của con người.

Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người kém may mắn, cùng khổ nhất.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người nghèo. Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: "Ðó là người nghèo". Bởi vì, theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ nói: "Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm những điều lớn lao cho họ".

Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng ta. Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

LẼ SỐNG 09.12

09 Tháng Mười Hai
Thế Nào Là Cầu Nguyện?

Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ... Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc.

Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng. Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: "Thưa cha bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều". Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: "Có lẽ con có lý... Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện".

Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: "Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?". Cha bề trên mỉm cười đáp: "Các thầy đã ăn cả rồi". "Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?", người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: "Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa".

Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng những giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí... Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.

Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.

Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ... Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày.

Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện.

Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

HIỆP THÔNG

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng Đoàn
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Thuận Phát vừa được tin :


Bà Cố ANNA NGUYỄN THỊ MẠNH
Sinh năm 1935

Thân mẫu Nữ tu Maria Nguyễn Thị Vui
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Thuận Phát
thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp


đã an nghỉ trong Chúa lúc 01 giờ 00,
ngày Thứ Tư 08.12.2010,
tại tư gia : Giáo xứ An Hoà, Giáo hạt Đức Trọng, Lâm Đồng
hưởng thọ 75 tuổi.

Nghi thức tẩn liệm, nhập quan
lúc 06giờ 00 ngày Thứ Năm 09.12.2010.

Thánh lễ an táng tại Nhà thờ Giáo Xứ An Hoà,
Giáo Hạt Đức Trọng, Giáo Phận Đà Lạt,
lúc 05giờ00, ngày Thứ Sáu 10.12.2010.

Sau đó an táng tại nghĩa trang Giáo xứ An Hoà.

Xin Quý Cha, Quý Tu Sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Bà Cố ANNA sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát
Kính Báo


HÌNH ẢNH RƯỚC KIỆU
ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
8-12-2010








*17 giờ 30 ngày 08-12-2010 Trước giờ Lễ, Giáo Xứ Thuận Phát đã tổ chức Rước Kiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội nhân ngày Lễ Kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và cũng là ngày Bổn Mạng của Hội Legio GX Thuận Phát.

HÌNH ẢNH RƯỚC KIỆU.

Hữu Toàn.

CHÚC MỪNG BỔN MẠNG 08.12

Cha Chánh Xứ và Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

HÂN HOAN CHÚC MỪNG
BỔN MẠNG


Bà MARIA VŨ THỊ THANH THUỶ
Trưởng Giáo Khu 4


LẼ SỐNG 08.12

08 Tháng Mười Hai
Thiên Chúa Vẫn Tiếp Tục Yêu Thương

Ðời người, có lẽ ai cũng có một lần trải qua một biến cố lớn trong lịch sử thế giới hay dân tộc...

Một ít cụ già hiện còn sống sót có lẽ đã trải qua cuộc đại chiến thứ nhất. Nhiều người đã có thể chứng kiến những tàn phá khốc liệt của thời đệ nhị thế chiến, cộng với nạn đói kinh hoàng ở Miền Bắc Việt Nam năm 1945. Và đa số chúng ta đã trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến không biết bao nhiêu đổi thay, bao nhiêu cuộc chiến trong nước cũng như tại các nước khác trong những năm gần đây... Thêm vào đó, còn có biết bao nhiêu thiên tai và tai nạn khủng khiếp đã xảy ra cho con người.

Chiến tranh và sự sa đọa của con người có lẽ mang lại cho chúng ta cái cảm tưởng rằng sự dữ, tội ác đã lan tràn khắp cả mặt đất; thế giới ngày nay không còn biết đến Thiên Chúa nữa. Cùng với tất cả một đoàn người mà Ðức cố Giáo Hoàng Gioan 23 gọi là "các tiên tri chuyên loan báo thảm họa", có lẽ chúng ta chỉ nhìn vào thế giới bằng đôi mắt của bi quan, thất vọng, chúng ta chỉ nhìn thấy thảm họa, tang tóc... để rồi loan báo ngày tận cùng của thế giới như kề bên.

Thế giới có tội lỗi đó, thế giới có tang thương đó, thế giới có nhiều thảm họa đó, nhưng chúng ta đừng quên rằng chương trình của Thiên Chúa đang được thực hiện dọc theo chiều dài của lịch sử nhân loại. Giữa hai cực: một bên là sự sa ngã ở khởi đầu lịch sử và một bên là ngày tận cùng của thế giới, đã có cuộc nhập thể làm người của Con Thiên Chúa: Ngài đã làm người ngay giữa lòng của một nhân loại tội lỗi của thời đại Ngài...

Thế giới của chúng ta đầy dẫy tội lỗi, Thiên Chúa vẫn yêu thương thế giới ấy. Thay vì chỉ nhìn thấy hận thù, bạo động và sa đọa dưới mọi hình thức, chúng ta hãy cố đọc được những dấu chỉ của thời đại để thấy rằng Thiên Chúa vẫn luôn có mặt trong lịch sử con người, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.

Mừng lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, hôm nay Giáo Hội cũng muốn lập lại với chúng ta chân lý ấy: Thiên Chúa đã yêu thương con người và không có gì Thiên Chúa không làm được. Thiên Chúa đã tạo dựng Mẹ và gìn giữ Mẹ khỏi mọi tỳ vết của tội lỗi. Mẹ là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, Mẹ là bình minh của nhân loại mới, một nhân loại được Thiên Chúa cứu chuộc và ban cho sức mạnh để vươn lên không ngừng.

Chúng ta hãy chiêm ngắm Mẹ với tất cả niềm cậy trông và lạc quan ấy. Qua Mẹ, Thiên Chúa muốn tỏ bày tình yêu không hề lay chuyển của Ngài cho nhân loại và qua Mẹ, Ngài cũng muốn chúng ta bước đi trong vâng phục và yêu mến, cậy trông.

Thân phận yếu hèn của chúng ta được dệt bằng những vấp ngã và chỗi dậy không ngừng. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ không tỳ vết để chúng ta không ngừng ngước mắt nhìn lên. Chúa ban cho chúng ta một người Mẹ luôn "Thưa, xin vâng!" giữa muôn ngàn đớn đau thử thách, để chúng ta tiếp tục chỗi dậy sau những lần vấp ngã.

Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ. Mẹ luôn có đó để giúp chúng ta khỏi vấp ngã và nếu chúng ta có vấp ngã, Mẹ sẽ đỡ chúng ta dậy và giúp chúng ta tiếp tục "Thưa, xin vâng!" với Chúa để chúng ta bước đi theo Chúa Giêsu...


Trích sách Lẽ Sống