Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 15.02

15 Tháng Hai
Bài Ca Vạn Vật

Một tác giả nọ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ giữa một nhà tí thức bi quan với Thánh Phanxico thành Assisi. Như thường lệ, mỗi lần gặp bất cứ ai, vị sứ giả của Hòa Bình thường cất lên bài ca vạn vật: "Chúc tụng Ðấng Tối cao, Thiên Chúa toàn năng vì anh mặt trời, vì chị mặt đất, vì anh lửa, anh gió, vì chị chết". Nhà trí thức bi quan lắng nghe hết bài ca vạn vật của vị sứ giả Hòa Bình. Nước mắt lăn dài trên gò má của ông. Nhưng đây không phải là những giọt nước mắt của cảm động, mà là của căm tức thì đúng hơn. Không còn kềm hãm được cơn giận của mình nữa, nhà trí thức bi quan trút trên Thánh Phanxico tất cả những sôi sục của ông mà ông cũng cho là của không biết bao nhiêu kẻ vô tội khác trên trần gian. Ông nói với Thánh nhân như sau: "Hỡi người anh em kỳ diệu với cái nhìn đầy ánh sáng. Người anh em ca tụng mặt trời. Người anh em có bao giờ thấy người ta chết vì bị mặt trời thiêu đốt chưa? Người anh em có bao giờ thấy cả một sa mạc nắng cháy khô cằn chưa? Người anh em có thấy người ta chết vì hạn hán không?

Người anh em ca tụng nước. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh lụt lội, màn trời chiếu đất chưa? Người anh em ca tụng Mẹ Ðất. Hẳn người anh em đã biết run sợ khi chứng kiến cảnh động đất: nhà cửa đổ nát, người người bị chôn vùi. Người anh em ca tụng lửa. Người anh em có bao giờ chứng kiến cảnh núi lửa thiêu rụi núi rừng cây cỏ và con người không?

Người anh em ca tụng anh gió. Người anh em có lẽ chưa bao giờ ra giữa khơi để chứng kiến cảnh chới với của những người đi biển khi gặp cuồng phong? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì gió bão? Hằng năm có biết bao nhiêu người chết vì thiên tai?

Nghe tất cả những lời tả oán ấy của người trí thức bi quan, vị sứ giả của Hòa Bình chỉ biết mỉm cười. Ngài gật đầu trả lời: Phải, hỡi người anh em, ta nghe và biết tất cả những gì người anh em mới kể ra. Ta biết rằng tất cả những điều thiện hảo đều có thể trở thành xấu do sự sử dụng không đúng của con người. Ðó là chân lý mà ai trong chúng ta cũng đều có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống mỗi ngày.

Nhưng điều Ta muốn nói: đó là ngay từ những điều xấu, Thiên Chúa có thể biến thành khởi nguồn của những điều tốt đẹp hơn. Trong bài ca của Ta, Ta đã nhắc đến Sự Chết và Tội Lỗi là hai điều xấu xa nhất. Cái chết có thể trở thành nguồn ơn cứu thoát. Tội lỗi cũng có thể trở thành khởi điểm của hồng ân. Thánh Phaolô há đã chẳng nói: "Nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng ban ơn dồi dào hơn". Thiên Chúa không bao giờ thất vọng và đầu hàng trong việc thi ân cả. Tất cả những gì Ta muốn nói lên trong bài ca vạn vật của Ta: đó là mời gọi anh em hãy cố gằng nhìn thấy sự thiện trong mọi sự.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT VI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật VI mùa thường niên năm A
Linh Mục Phêrô Trần Văn Nhân, Chánh xứ giáo xứ Thiên Thần, TGP Sàigòn dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ

Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.


Hữu Toàn.

LẼ SỐNG 14.02

14 Tháng Hai
Hạt Thóc Dâng Tặng Ðức Vua

Có lẽ chúng ta đã có dịp đọc bài thơ sau đây của đại thi hào Tagore: "Có một người hành khất ngồi bên vệ đường. Hôm đó, Ðức Vua sẽ ngự giá đi qua ngôi làng. Người hành khất cố gắng lê lết đến trước cổng làng, lòng nhủ thầm: "Ðây là dịp may duy nhất đời tôi". Từ đằng xa, khi vừa thấy xa giá xuất hiện, anh đã cố gắng đưa tay lên vẫy chào. Có ngờ đâu, trước sự sửng sốt của mọi người, khi xa giá vừa đến trước cổng làng, Ðức Vua đã cho dừng xe lại và chính ông là người đưa tay ra để xin hành khất bố thí.

Người hành khất bèn đưa tay vào trong chiếc bị cũ kỹ nhơ bẩn của mình để kéo ra một hạt thóc. Anh trịnh trọng đặt hạt thóc vào trong tay Ðức Vua. Ðức Vua tiếp nhận món quà từ tay người hành khất và biến đi giữa cát bụi mịt mù.

Chiều đến, khi về tới nhà, người hành khất mới mở chiếc bị của mình ra. Lạ lùng thay, giữa muôn hạt thóc, anh nhận ra một hạt vàng óng ánh. Lúc bấy giờ, người hành khất mới khóc nức nở hối tiếc: "Phải chi ta đã cho Ðức Vua tất cả những gì ta có..."

Thiên Chúa đối xử với chúng ta cũng giống như vị Vua đối xử với người hành khất. Ngài muốn trao ban cho chúng ta tất cả kho báu trên Thiên Ðàng. Qua người Con Một của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Thiên Chúa muốn trao ban cho chúng ta chính Sự Sống của Ngài. Qua Sự Sống chúng ta đã lãnh nhận, qua sự hiện diện của những người anh em chúng ta, qua ngay cả những thất bại và tội lỗi của chúng ta, Thiên Chúa vẫn luôn nhắc đến với từng người chúng ta như một người hành khất. Chúng ta tưởng chúng ta đang chìa tay van xin trước. Kỳ thực, chính Ngài mới là kẻ không ngừng đưa tay ra để xin chúng ta mở rộng đôi tay và quả tim của chúng ta. Tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là như những con người có tự do, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tôn trọng chúng ta. Ngài muốn trao ban tất cả cho chúng ta vì yêu thương. Nhưng cũng chính vì yêu thương, cho nên Ngài không làm cách nào khác hơn là van lơn, kêu mời chúng ta. Ngài chờ đợi nơi chúng ta một cái gật đầu, một hạt thóc nhỏ rút từ trong chiếc bị khốn cùng của chúng ta. Một nghĩa cử nhỏ mọn làm cho người anh em, một chút tin yêu hy vọng giữa bao nhiêu thử thách khó khăn của cuộc sống, một chút khiêm tốn và sám hối sau những lần vấp ngã: đó là những hạt thóc bé nhỏ mà chúng ta có thể trao tặng cho Chúa để từ đó lãnh nhận trở lại tất cả kho tàng Yêu Thương của Ngài.

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 6 MÙA THƯỜNG NIÊN A (Mt 5, 17-37)


LẼ SỐNG 13.02

13 Tháng Hai
Mang Tên Một Vị Thánh

Hiện nay, những người vẽ bản đồ tại Liên Xô đang phải điên đầu vì tên của các thành phố. Khắp nơi trong toàn lãnh thổ, dân chúng yêu cầu hoàn lại tên cũ cho thành phố, tên mà Stalin và những người kế vị của ông đã xóa bỏ. Tại Leningrat chẳng hạn, dân chúng yêu cầu đòi lại đô thị của họ với tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg, nghĩa là đô thị của Thánh Phêrô. Ðây là một trong những đề tài nóng bỏng mà hội đồng thành phố đang đưa ra thảo luận. Trong một chương trình truyền hình địa phương người hướng dẫn chương trình đã tránh dùng tên Lenigrat mà lại gọi tắt là Peter, nghĩa là tên gọi cũ của đô thị. Những người yêu cầu hoàn trả tên cũ lại cho các đô thị nói rằng: cũng như những người có quyền giữ tên cha sinh mẹ đẻ của mình, thì cũng thế, một đô thị cũng phải được quyền giữ tên khai nguyên của nó.

Tại cộng hòa Georgia, trường đại học kỹ thuật Tbilisi đã xóa bỏ tên của Lênin và ngay cả tượng của ông cũng bị đạp đổ. Tại nhiều nơi khác, người ta cũng xóa bỏ tên mới của các đô thị để lấy lại tên cũ vốn đã có từ thời các đô thị này được thiết lập. Gorky sẽ được phục hồi lại như trước kia là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye, Zhadanov sẽ được phuc hồi là Mariupol, nghĩa là đô thị của Ðức Maria.

Mỗi người chúng ta, khi chịu phép rửa cũng đều mang một tên mới. Chúng ta thường gọi đó là tên thánh. Thánh bởi vì đó là tên của một vị Thánh, nhưng thánh bởi vì tất cả chúng ta đều được mời gọi để nên thánh, hay nói như Thánh Phaolô, tất cả chúng ta đều là những người thánh. Thật thế, nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô được tham dự vào chính sự thánh thiện của Thiên Chúa; nhờ Phép Rửa, người tín hữu Kitô trở thành Ðền Thờ thánh thiện của Chúa Thánh Thần.

Ðó là nguồn gốc, là căn tính của người Kitô chúng ta. Mang lấy tên của một vị thánh, người Kitô luôn được nhắc nhở rằng bản chất của họ chính là nên thánh, nguồn gốc của họ chính là sự thánh thiện. Chính vì nguồn gốc ấy, cho nên họ luôn được mời gọi để làm việc thiện, để cầu nguyện, để chịu đựng, để sống tử tế, để sống vui tươi, để sống phục vụ. Nói tóm lại, vì thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, người Kitô luôn được mời gọi để sống như Ðức Kitô, Ðấng qua cái chết và sự Phục Sinh, đã thể hiện chính sự thánh thiện của Thiên Chúa.

Trích sách Lẽ Sống

LẼ SỐNG 12.02

12 Tháng Hai
Những Kho Tàng Quý Giá

Giá trị của những đồ cổ thường gia tăng với thời gian.

Dạo tháng 5 năm 1990, một chiếc xe Rolls Royce do Anh Quốc chế tạo năm 1907 đã được bán đấu giá là 2,860,000 đô la tại bang Florida bên Hoa Kỳ. Ðây là giá bán một chiếc xe cổ cao nhất từ trước tới nay. Chiếc xe này đã từng được gia đình cự phú Rochefeller sử dụng.

Nhưng đáng kể hơn cả vẫn là giá bán một bức tranh của danh họa người Hòa Lan là Vincent Van Gogh. Bức tranh họa lại chân dung của một người bạn thân cuả danh họa là bác sĩ Gachet, được thực hiện năm 1890, tức là cách đây đúng hơn 100 năm. Trong một cuộc đấu giá tại phòng triển lãm ở New York bên Hoa Kỳ, bức tranh đã được bán đấu giá là 82,500,000 đô la. Ðây là giá bán cao nhất từ trước tới nay đối với một tác phẩm nghệ thuật.

Cũng dạo đó, tại Tây Ðức, người ta đã đem bán đấu giá cả những tác phẩm của nhà độc tài Hitler. Một bức tranh sơn nước của ông đã được bán với giá là 6,134 đô la. Ngay cả một ấn bản của tác phẩm Mein Kampf, trong đó Hitler đã vạch ra chương trình hành động gian ác của ông và các cộng sự viên của ông cũng được đem bán đấu giá. Người mua có lẽ không nghĩ đến giá trị nghệ thuật cho bằng muốn giữ làm kỷ niệm di tích có liên quan đến tội ác và một trong những thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nhân loại.

Tất cả những người môn hạ đích thực của Ðức Kitô cũng là những nhà nghệ sĩ mà các tác phẩm đều vượt thời gian. Tác phẩm mà các ngài để lại chính là cả cuộc sống được họa lại theo khuôn mẫu của Ðức Kitô. Những tác phẩm ấy không bao giờ được đem bán đấu giá, bởi vì chúng vô giá. Không có tiền bạc nào có thể mua được công đức và các hy sinh của các Thánh. Người ta chỉ có thể chiêm ngắm bằng đôi mắt của đức tin. Có những cuộc sống xả thân quên mình mà mọi người đều biết đến, có những cuộc sống âm thầm trong gian lao thử thách mà chỉ mình Thiên Chúa mới chân nhận giá trị. Hiển hách hay âm thầm, cuộc đời của những vị thánh là những tác phẩm mà giá trị vẫn luôn tồn tại qua muôn thế hệ.

Mỗi một người Kitô chúng ta, trong cố gắng mô phỏng Ðức Kitô, cũng là những nghệ sĩ cách này hay cách khác đều để lại những tác phẩm cho hậu thế. Chúng ta không để lại tài sản, chúng ta không để lại những tác phẩm nghệ thuật, mà chính là cả cuộc sống của chúng ta. Trong âm thầm theo Chúa, phục vụ tha nhân, chịu đựng vì đức tin, làm chứng tá cho Tin Mừng: chúng ta luôn được mời gọi để lại cho hậu thế kho tàng vô giá nhất: đó là Niềm Tin. Âm thầm hay rực sáng, Niềm Tin đó phải là kho tàng quý giá nhất mà mọi người chúng ta đều được mời gọi để sống, để bồi đắp, để vun trồng và truyền lại cho các thế hệ mai sau.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 11.02

11 Tháng Hai
Ðức Mẹ Lộ Ðức

Buổi sáng ngày 11 tháng 2 năm 1858 tại Lộ Ðức, một thị trấn nhỏ nằm ở miền Nam nước Pháp, trời lạnh như cắt. Cô Bernadette Soubirous cùng với hai người em khác tự nguyện ra phía rừng cạnh bờ sông Gave để nhặt củi. Bernadette vừa lên 15 tuổi. Nhưng cô chưa biết đọc biết viết. Cô vừa mới cắp sách đến trường của các sơ được một thời gian ngắn để học tiếng Pháp, bởi vì trong miền cô đang ở, mọi người đều nói một thứ thổ ngữ khác với tiếng Pháp. Hôm đó là ngày thứ năm, cô được nghỉ học. Mặc dù bệnh suyễn đang hoành hành, nhưng nghĩ đến cảnh nghèo túng của gia đình, nên Bernadette đã xin phép mẹ được đi nhặt củi.

Bình thường theo dọc bờ sông Gave, có rất nhiều cành cây khô. Nhưng suốt buổi sáng thứ năm đó, dường như chị em của Bernadette không nhặt được bao nhiêu. Bernadette mới lần mò tiến về một hang động gần đó mà dân làng có thói quen gọi là Massabielle. Cô đang loay hoay với công việc nhặt củi, thì kìa từ trong hang: một thiếu nữ cực kỳ diễm lệ xuất hiện. Theo lời mô tả của Bernadette, thì người thiếu nữ chỉ trạc độ 16, 17 tuổi. Bernadette tưởng mình như đang mơ. Cô bước thêm bước nữa. Người thiếu nữ cực kỳ diễm lệ đó chỉ mỉm cười.

Trong cơn xúc động bồi hồi, như một cái máy, Bernadette đã lôi tràng hạt từ trong túi áo ra và cô bắt đầu đọc kinh Kính Mừng trong ngôn ngữ quen thuộc của cô. Trong ánh sáng chan hòa giữa mùa đông vẫn còn lạnh đó, người thiếu nữ chỉ mỉm cười. Khi Bernadette vừa lần xong chuỗi Mân Côi, người thiếu nữ làm dấu cho cô tiến lại gần hơn. Nụ cười vẫn chưa tắt trên môi người thiếu nữ. Bernadette say sưa ngắm nhìn và tiếp tục đọc kinh cho đến khi ánh sáng bao trùm người thiếu nữ nhạt dần và tắt hẳn...

Ba ngày sau đó, sau khi đã có những tiếng xì xầm về hiện tượng lạ đó, bà mẹ của Bernadette nghiêm cấm không cho con gái mình trở lại hang Massabielle nữa. Nhưng do một sự thúc đẩy không thể cưỡng bách được, Bernadette đã trở lại chỗ cũ cùng với mấy chị em của cô. Lần này, khi người thiếu nữ mặc áo trắng xuất hiện Bernadette đã mạnh dạn hô lớn: "Nếu người đến từ Thiên Chúa, xin người hãy ở lại". Người thiếu nữ mỉm cười gật đầu. Ðây là lần thứ hai người áo trắng hiện ra với cô. Lần thứ ba cũng xảy ra như thế vào ngày 18 tháng 02 và liên tiếp trong vòng 15 ngày, Bernadette đã được diễm phúc gặp Ðức Maria hiện ra và tỏ lộ cho cô một danh tánh vô cùng kỳ lạ: "Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".

Từ nơi cô quỳ cầu nguyện mỗi khi Ðức Mẹ hiện ra, một dòng suối nhỏ đã vọt lên có sức chữa trị mọi tật bệnh.

Ðó là nguồn gốc của hang Ðức Mẹ Lộ Ðức. Ngày nay, từng giờ từng phút, khách hành hương từ khắp nơi trên thế giới tuôn đến để cầu nguyện và xin ơn. Ðến đó, dù tin hay không tin, mọi người đều cảm thấy có một sức mạnh lạ lùng lôi kéo để đốt lên một ngọn nến và quỳ gối cầu nguyện.

Hiện nay, khắp nơi trên thế giới, đều có những hang Lộ Ðức được thiết kế một cách tương tự để nhắc nhớ biến cố này cũng như kêu gọi lòng tôn sùng Mẫu Tâm.

Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng có một lần mơ ước đến tận nơi để cầu nguyện. Mẹ Maria đã không hiện ra với tất cả mọi người. Phép lạ cũng không hiện ra một cách tỏ tường với tất cả mọi người đến cầu khấn. Ðiều quan trọng không phải là hành hương đến tận nơi Thánh, nhưng chính là sứ điệp mà Mẹ muốn nhắn gửi với chúng ta qua những người được diễm phúc thấy Mẹ hiện ra. Sứ điệp đó vẫn luôn luôn là hy sinh, là phục vụ và nhất là cầu nguyện.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 10.02

10 Tháng Hai
Liều Thuốc Dành Cho Kẻ Chán Ðời

Một người đàn ông chán đời nọ đang đứng nhìn dòng nước từ một chiếc cầu cao. Ông đốt một điếu thuốc cuối cùng trước khi kết liễu cuộc đời.

Ông không còn lối thoát nào khác hơn nữa. Ông đã làm đủ mọi cách để lấp đầy nỗi chán chường trong tâm hồn. Ông đã đi đây đi đó, ông đã tìm lạc thú trong các cuộc vui trác táng, ông đã chạy đến với mọi thứ hơi men và khói thuốc. Nhưng chán chường vẫn cứ chán chường. Ông thử thời vận lần cuối cùng bằng một cuộc hôn nhân, nhưng không có một người đàn bà nào có thể ở bên cạnh ông được vài tháng, bởi vì ông đòi hỏi quá nhiều, nhưng lại không biết nghĩ đến người khác. Ông nhận ra rằng ông đã chán chường mà cũng không ai được hạnh phúc bên cạnh ông. Chỉ có dòng sông may ra mới mang lại cho ông sự thanh thản.

Người đàn ông chưa hút xong điếu thuốc thì có một người hành khất cũng đi qua chiếc cầu. Con người rách rưới đó dừng lại nhìn người đàn ông và chìa tay xin giúp đỡ. Người đàn ông chán chường không ngần ngại rút cả ví tiền và trao cho người hành khất. Ông giải thích rằng bên kia thế giới ông không cần tiền bạc nữa. Người hành khất cầm lấy chiếc ví một lúc rồi trao lại cho khổ chủ. Ông ta nhìn thẳng vào đôi mắt của kẻ chán đời và nói: "Thưa ông, tôi không cần một số tiền lớn như thế. Tuy là một người hành khất, nhưng tôi không là một kẻ hèn nhát. Ông hãy giữ lại tiền của ông và đem qua bên kia thế giới của ông". Nói xong, người hành khất ném cả ví tiền xuống dòng sông rồi lặng lẽ bước đi, bỏ mặc kẻ chán đời tiếp tục gặm nhấm nỗi đắng cay chua xót của ông.

Ðã hút xong điếu thuốc, nhưng kẻ chán đời vẫn muốn chưa kết liễu cuộc đời. Ông nhìn theo người hành khất đang khuất xa dần. Tự nhiên, ông không muốn chết nữa, mà chỉ muốn nhặt lại chiếc ví để trao tặng cho người hành khất. Chưa một lần trong đời, ông biết mở ví trao tặng cho bất cứ người nào. Giờ phút này. ông muốn mở rộng tâm hồn, mở rộng đôi tay để trao tặng và muốn tiếp tục sống. Nghĩ như thế, kẻ chán đời đứng thẳng lên, rời bỏ cây cầu và tiếp tục đuổi theo cho kỳ được người hành khất.

Không gì buồn chán cho bằng sống không có định hướng, không có lẽ sống. Sống mà không biết tại sao mình sống, mình sẽ đi về đâu là điều làm cho con người chán chường và đau khổ nhất.

Ai cũng khao khát hạnh phúc, ai cũng đi tìm hạnh phúc nhưng lắm khi người ta chỉ chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc. Ai cũng biết rằng tiền tài, danh vọng và lạc thú trong cuộc sống tự nó không phải là hạnh phúc và lắm khi chúng cũng không mang lại hạnh phúc cho con người.

Hạnh phúc không phải là một nơi để đi đến, hạnh phúc là một hướng đi. Có đi theo hướng đó, con người mới cảm thấy được hạnh phúc. Vậy hướng đi của chúng ta là gì?

Chúa Giêsu, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống, đã vạch ra cho chúng ta hướng đi ấy. Và hướng đi Ngài đã vạch ra chính là Sống cho tha nhân. Ai càng tích trữ và chiếm giữ cho mình, người đó càng nghèo nàn và khốn khổ. Ai càng đóng kín quả tim và khép chặt bàn tay, người đó sẽ không được nhận lãnh. Hạnh phúc đích thực chính là trao ban, bởi vì như Thánh Phaolô đã ghi lại lời của Chúa Giêsu: "Cho thì có hạnh phúc hơn nhận lãnh".

Cho là liều thuốc chữa trị được căn bệnh trầm trọng nhất trong tâm hồn chúng ta: đó là sự chán sống. Cho cũng là liều thuốc xoa dịu được mọi khổ đau trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang đau khổ vì bị phản bội, vì thất chí, vì bệnh tật hay vì bất cứ một nguyên do nào: chúng ta hãy thử mở rộng tâm hồn để trao ban, để san sẻ. Chúng ta sẽ cảm thấy được xoa dịu trong tâm hồn

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 09.02

09 Tháng Hai
Khi Yêu Trái Ấu Cũng Tròn

Ignacy Paderewski là một chính trị gia kiêm nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Balan. Ông đã từng là chủ tịch Hội Ðồng Nhà Nước năm 1919.

Một hôm, ông đến thăm một người bạn. Do sự yêu cầu của gia đình người bạn, ông đã ngồi vào đàn dương cầm để biểu diễn một vài bản nhạc do chính ông sáng tác. Tiếng đàn vang lên trong cả khu phố. Từ phòng bên cạnh, một người đàn bà đang chăm chú dọn dẹp và sắp đặt lại trật tự trong nhà. Tiếng đàn du dương của nhà nhạc sĩ đại tài, thay vì làm vui tai bà, lại làm cho bà khó chịu. Người đàn bà đã nhắc điện thoại lên yêu cầu người bạn cho nhạc sĩ Paderewski ngưng chơi đàn, vì bà không chịu nổi tiếng ồn ào. Nhưng người bạn của nhà nhạc sĩ mới giải thích: "Thưa bà, người đang chơi đàn chính là nhạc sĩ Paderewski đại tài của chúng ta đó".

Vừa nghe nhắc đến tên của nhạc sĩ, người đàn bà láng giềng khó tính bỗng đổi giọng tức khắc. Những âm thanh trước kia bà nghe như tiếng ồn ào, nay được bà đón nhận như những âm thanh tuyệt mỹ. Người đàn bà bèn gọi điện thoại mời bà con và bạn bè đến thưởng thức những tấu khúc của Paderewski.

Cũng một âm thanh, nhưng có lúc người đàn bà nghe như những tiếng ồn ào khó chịu, có lúc lại được bà đón nhận như khúc nhạc tuyệt mỹ. Ðó cũng là phản ứng thường tình của chúng ta. Khi chúng ta mang sẵn thành kiến đối với người nào đó, thì dường như tất cả những gì người đó nói hay làm đều được chúng ta đón nhận một cách tiêu cực. Yêu nhau thì trái ấu cùng tròn, mà ghét nhau thì cau bảy cũng bổ ra làm mười. Thái độ của chúng ta đối với người khác tùy thuộc ở cái nhìn của chúng ta về người đó. Nếu chúng ta chỉ nhìn người đó bằng lăng kính của thành kiến có sẵn, thì dĩ nhiên, chúng ta không thể yêu thích được bất cứ điều gì người đó nói hay làm.

Chúa Giêsu đã không nhìn người bằng thành kiến. Ngài tiếp đón tất cả mọi người. Ngài làm bạn với mọi người. Ngài ngồi đồng bàn với mọi người. Người biệt phái cũng có thể đến với Ngài. Ngài không nhìn người với những nhãn hiệu, mà chỉ bằng đôi mắt của Yêu Thương. Ngài không lắng nghe bằng những tiếng đồn đãi, bằng những định kiến, mà bằng sự cảm thông. Ngài không đo lường lầm lỗi bằng những thước đo của công lý mà chỉ xử lý bằng sự tha thứ.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 08.02

08 Tháng Hai
Sống Lạc Quan

Năm 1989, một cuộc thi toán quốc tế đã được tổ chức cho các thiếu nhi 13 tuổi thuộc sáu quốc gia trên thế giới. Kết quả cuộc thi đó cho thấy giỏi toán nhất là các em Ðại Hàn, kế đó là các em Tây Ban Nha, Anh Quốc, Ailen, Canada và đội sổ là các thiếu nhi Hoa Kỳ.

Song song với cuộc thi toán ấy, người ta cũng làm một cuộc thăm dò với chính các thiếu nhi cũng thuộc lứa tuổi ấy. Người ta đặt một câu khẳng định như sau: "Tôi là người giỏi toán". Kết quả cuộc thăm dò cho thấy lạc quan nhất là các trẻ em Hoa Kỳ và bi quan nhất lại chính là các em Ðại Hàn. Gần 70% các em Hoa Kỳ tự nhận mình là giỏi toán trong khi đó chỉ có khoảng 20% các em Ðại Hàn tự nhận mình có thực tài.

Qua cuộc thi toán và thăm dò trên đây, người ta thấy rằng có thể các thiếu nhi Hoa Kỳ không phải là những trẻ em giỏi toán, nhưng chúng đã tiếp thu rất kỹ bài học về tính lạc quan do các thầy cô không ngừng giảng dạy tại trường. Nhiều nhà giáo dục người Mỹ muốn chứng minh rằng nghiện ngập, chửa hoang, bỏ học và hầu hết các tệ đoan xã hội khác đều có thể được giảm bớt nếu con người biết sống lạc quan, nghĩa là biết tự nhận và cảm thấy mình là những con người tốt.

Lạc quan là đức tính cơ bản nhất để thành công trong cuộc sống. Có tin tưởng nơi chính mình, có tin đời, có tín nhiệm nơi người khác, người ta mới dám bắt tay vào việc. Ngay cả khi gặp thất bại, thử thách, người lạc quan cũng không lùi bước, bỏ cuộc.

Trong cuộc sống đức tin, lạc quan là một trong những nhân đức quan trọng nhất. Người tín hữu lạc quan là người luôn đặt tất cả tin tưởng nơi Thiên Chúa. Người tín hữu lạc quan là người không bao giờ thất vọng về chính mình. Người tín hữu lạc quan cũng là người không bao giờ thất vọng về người khác.

Ðá tảng để người tín hữu xây dựng sự lạc quan của chính mình là Tình Yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vượt lên trên mọi tính toán, đo lường và sự tưởng tượng của con người, một tình yêu thủy chung.

Tình yêu ấy nói với con người rằng, không có một con người nào đốn mạt, yếu hèn, xấu xa đến nỗi Thiên Chúa đành phải bó tay.

Tình yêu ấy nói với con người rằng, nơi nào có tội lỗi và phản bội càng nhiều, thì nơi đó ân phúc được thi ân dồi dào hơn.

Tình yêu ấy nói với con người rằng, đau khổ, cái chết chưa là tận cùng mà là khởi đầu của vinh quang, của sự sống. Tình yêu ấy mạnh hơn sự chết, tình yêu ấy không bao giờ bỏ cuộc, đầu hàng.


Trích sách Lẽ Sống

Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 07.02

07 Tháng Hai
Một Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi

Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.

Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.

Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.

Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những người bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.

Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.

Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitô hay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?".

Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.

Trích sách Lẽ Sống

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 5 MÙA THƯỜNG NIÊN A (Mt 5, 13-16)

MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
Cá không ăn muối cá ương
“Các con là muối đất”
(Mt 5, 13)

Muối, một hình ảnh rất bình dân mà minh họa cho cả một sứ mệnh quan trọng của Chúa Giêsu trong đời sống tín hữu và của các tín hữu trên hành trình dương thế về Thiên quốc..

Đời sống tín hữu phải là một cuộc đời có sự sống, sự sống thật, trong cái thân xác dễ hư, dễ thối, dễ ương ỉnh nầy. Sự sống thật là sự sống của Thiên Chúa mà mỗi tín hữu đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy. Và đế giữ được sự sống ấy cho đến ngày sau cùng, các tín hữu phải được ướp bằng chính Chúa Kitô. Chính đức tin vào Chúa Kitô, niềm cậy trông nơi Chúa Kitô, và lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô mà mỗi tín hữu được sống trong sự sống của Thiên Chúa. Như vậy, trong khi yêu cầu các môn đệ “các con là muối đất’ thì chính Chúa Giêsu đã là muối ướp chúng ta cho chúng ta khỏi hư thối, giữ cho chúng ta sự sống thật, sự sống đời đời.

Chúa Giêsu ướp chúng ta bằng những hạt muối là lời dạy của Chúa, là chính cuộc sống hiến tế của ngài trong Thánh Thể.

Ngày đầu năm mới, mỗi gia đình nhận được Lộc Xuân là những câu Lời Chúa, không phải là nhận thêm những hạt muối mới để ướp cuộc đời chúng ta luôn tươi, luôn mới, luôn tràn đầy sức sống trong năm mới đó sao? Năm nay, Giáo xứ chúng tôi tổ chức nhận Lộc Xuân ngay lễ Giao Thừa, thay vì lễ minh niên như mọi năm, cũng là điều hợp lý. Sau khi dự thánh lễ Giao Thừa, các gia đình trở về nhà đón giao thừa bằng một giờ kinh gia đình. Và sau giờ kinh gia đình, cha mở Lộc Xuân ra dõng dạc công bố Lời Chúa cho cả gia đình trong cả năm. Mọi người vỗ tay. Út Hữu nhanh miệng: “Chúa lì xì năm mới rồi đó, cha mẹ lì xì cho út đi”. Không để ý đến yêu cầu của út, Cha tiếp tục giải thích Lộc Xuân Lời Chúa một chút và nhắc nhở các con về việc sống Lời Chúa trong năm.

Lời Chúa đó. Muối đó. Muối ướp cho tâm hồn chúng ta khỏi ra ương ỉnh, hư thối. Ngôi Lời đã hóa thân thành nhục thể, và có thể nói, đã hóa thân thành muối cho đời. Nếu tính chất của hạt muối là phải mặn, thì hạt muối Giêsu cũng đã mặn nồng tình yêu của mình với Chúa Cha, với nhân loại, cũng đã mặn một niềm tin tưởng phó thác vào tay Cha, mặn nghĩa mặn tình với những con người cùng khổ, tội lỗi…

Đến lượt chúng ta, khi đã được hạt muối Giêsu ướp mặn, ướp cho tươi mới, chúng ta lại trở nên những hạt muối mới, những hạt muối mặn nồng tình yêu để ướp bao tâm hồn khác sống trong sự sống của Thiên Chúa. Sứ mệnh của Chúa Giêsu được chuyển giao cho chúng ta, để chúng ta duy trì sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta và trên trần gian này cho đến ngày tận thế.

Như vậy, nếu niềm tin của chúng không mặn, đức cậy của chúng ta không mặn, đức Mến Chúa Yêu Người của chúng ta không mặn, không nồng, thì làm sao có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa Giêsu đã giao phó.

Cũng thế, “các con là ánh sáng trần gian”
(Mt 5, 14), một ý tưởng chuyển giao thứ hai của Chúa Giêsu trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, khi ta nhận được ánh sáng của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, cũng là lúc chúng ta phải chiếu sáng như những vì sao ở giữa thế gian: “Sự sáng của các con phải chiếu dọi để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5, 16).

Làm sao chúng ta có ánh sáng, có Tin Mừng hướng về phía ánh sáng, nếu chúng ta đã không khiêm cung nhận lấy ánh sáng từ trời là Chúa Giêsu chiếu dọi và soi dẫn lòng chúng ta.


Nếu bài dạy của Chúa Giêsu trên núi, là hiệp nhất trọn vẹn, là kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu chí thánh chí thiện, kết hợp với Con Thiên Chúa, để được Nước Thiên Chúa, thì chính Nước Thiên Chúa mà mỗi tín hữu đã nhận được, sẽ như ánh sáng muôn đời, sẽ là ánh sáng chiếu soi, ánh sáng làm chứng cho Thiên Hạ biết rằng có một Nước Thiên Chúa đang ngự trị ở trần gian.

Điều Chúa Giêsu cẩn trọng dặn dò chúng ta là “để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”. Tiếc là, cũng có nhiều cái tỏa sáng, mà không tỏa sáng vì danh Chúa Giêsu.

Có người nào đó đã tự phụ quá chăng, khi làm một vì sao, có chức quyền, trong Giáo Hội, trong xã hội … Để mà chi… nếu không phải “để thiên hạ nhìn thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời”.

Không thể gọi là tín hữu Kitô Công giáo, nếu không biết đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Việc “đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người”, thiết tưởng, đến nay đã có nhiều người thi hành, nhưng, đem niềm vui đến cho nhiều người để danh Cha được cả sáng, thì có lẽ, phải cần xem lại.

Ấy vậy, mới hiểu ra, thân phận làm muối của Chúa Giêsu và của chúng ta, là ướp cho đời mặn lên tình yêu, mặn lên lòng trung tín, mặn lên ý nghĩa mở đường và bảo vệ cho công lý cho hòa bình, cho sự thật của Chúa Kitô, của Thiên Chúa. Tuyệt đối, không vì một lý do nào khác. Và thân phận làm ánh sáng của mỗi chúng ta, là một thân phận được chúc phúc, đáng vui mừng. Nhưng đáng được chúc phúc và vui mừng hơn khi ta sẻ chia ánh sáng, tình yêu, chân lý cho người khác.

Cụ thể hơn, sứ mạng rất đặc biệt của thân phận hạt muối, thân phận ngọn đèn giữa bão tố phong ba, được Lời Chúa CN 5 TN A nhắc nhớ mỗi chúng ta: chính chúng ta phải được ướp bằng tình yêu mặn nồng của Chúa Giêsu, và được sống trong niềm vui đại Gia đình Thiên Chúa, qua Lời Tiên Tri Isaia rằng: “chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục”
(Is 58, 7)

Thánh Phaolô khẳng định về sứ mệnh hạt muối, ánh sáng nhờ Chúa Giêsu Kitô: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Ki-tô Giê-su, Ðấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa, Ðấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hóa và cứu chuộc anh em”.
(x Cor 1, 30)

Và vì đã được thánh hóa trong Đức Giêsu Kitô, nên mỗi người nhận lãnh một sứ mạng muối đất, đèn trời như Chúa Giêsu Kitô. Sứ mạng ấy, là ơn gọi đặc biệt trước mắt Thiên Chúa, trong thân phận nhỏ bé tầm thường “ Thưa anh em, khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa. Vì hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá. Vì thế, khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa”
(1Cor 2, 1-5) .

Lời thư thánh Phaolô gửi Corinto, cách nào đó, đã nói lên cho mỗi người niềm vinh dự được là muối đất, là đèn trời cho Nước Thiên Chúa.

Chúng con là muối đất, đèn trời. Là muối đất, chúng con phải được ướp bằng chính muối của Chúa Giêsu, phải có vị mặn của tình yêu như muối thương hiệu Giêsu số một: Tình yêu hy sinh dâng hiến.

Là đèn trời, vì chúng con đã nhận lấy ánh sáng của Tin Mừng, của Chúa Giêsu, ánh sáng xua tan bóng tối tội lỗi, ánh sáng ban bình an, sự sống. Và khi đã mặc lấy ánh sáng, thì ánh sáng ấy phải chiếu giãi cho mọi người, để mọi người biết Nguồn Ánh sáng thật là Chúa Giêsu, mà ngợi khen Cha ở trên trời.

Độ mặn của Muối tình yêu và lòng nhạy cảm của tình thương, Ánh sáng tiếp nhận chân lý của Chúa Giêsu Kitô phải là hành trang trong cuộc sống chứng nhân của các tín hữu vậy. Lạy Chúa, muối của con đã nhạt vì lòng mến Chúa Chúa Giêsu đã bị các thực tại trần thế hấp dẫn cuốn hút. Ánh sáng của chúng con mờ dần đi, vì chúng con không chịu kết hiệp với Chúa, chúng con lìa xa ánh sáng Chúa

Xin cho chúng con biết mến yêu Chúa nồng nàn hơn và nồng nàn yêu Chúa hơn những việc của chúng con làm. A men.

PM. Cao Huy Hoàng
Mùng 1. Tết Tân Mão
(nguồn : thanhlinh.net)


LẼ SỐNG 06.02

06 Tháng Hai
Hướng Về Nagasaki

Nagasaki là một thành phố đã bị trái bom hạt nhân thứ hai tiêu hủy cùng với hàng trăm ngàn sinh linh vào năm 1945. Khoảng 350 năm trước đó, vào tháng 2 năm 1597, 26 vị tử đạo đã bị treo vào thập tự trên một ngọn đồi quay mặt hướng về thành phố Nagasaki. Họ là những linh mục truyền giáo, tu sĩ, giáo dân. Họ là những người thuộc dòng Thánh Phanxico, dòng Tên và thành viên của dòng 3 Phanxico. Họ thuộc loại giai cấp xã hội: là những giáo lý viên, nông dân, y sĩ, những người giúp việc và ở mọi lứa tuổi, nhưng tất cả 26 vị được kết hợp trong cùng với một đức tin và một tình yêu Thiên Chúa và Giáo Hội.

Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật vào những năm 1860, họ ngỡ là sẽ không tìm thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa Giáo nữa. Nhưng sau khi đã thiết lập được vài công đoạn bé nhỏ, các Ngài ngạc nhiên khám phá ra hàng ngàn tín hữu sinh sống quanh thành phố Nagasaki vẫn âm thầm, lén lút giữ vững Ðức Tin mà 26 vị tử đạo đã anh dũng tuyên xưng.

Vào năm 1617, 26 vị này được phong á thánh và cuối cùng được tôn phong hiển thánh vào năm 1862.

"Bản án tử hình của chúng tôi có để lại: những người bị hành quyết này đã đến từ Phi Luật Tân. Nhưng tôi, tôi không đến từ Phi Luật Tân. Tôi là người Nhật chính tông. Lý do tôi bị xử án là vì tôi đã rao giảng đức tin Kitô và thật đúng như vậy, tôi đã rao giảng Tin Mừng này. Tôi cảm tạ Chúa vì tôi được chết vì rao truyền danh Ngài. Tôi tin tưởng là tôi đã rao giảng sự thật và muốn nói với các bạn những lời cuối cùng này: Hãy cầu xin ơn Thiên Chúa giúp các bạn được hạnh phúc. Tôi vâng lời Chúa Giêsu và vâng lệnh Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không hờn ghét họ. Tôi cầu khẩn Thiên Chúa thương xót tất cả các bạn và tôi hy vọng máu tôi sẽ tuôn rơi trên đồng bào tôi như là những giọt mưa giúp phát sinh nhiều hoa trái".

Ðó là lời phát biểu cuối cùng khi đang bị treo trên thập tự của thầy Phaolô Miki, người Nhật thuộc dòng Tên, người được biết đến nhiều nhất trong số 26 vị tử đạo tại Nhật.

Ngày nay, một thời đại mới đã khởi đầu cho Giáo Hội Nhật. Tuy là một thiểu số khiêm nhường, nhưng những người Công Giáo tại Nhật được mọi người kính nể và được hưởng tự do hoàn toàn tiếp tục rao giảng Tin Mừng và Niềm tin Thánh Phaolô Miki đã rao giảng trong cuộc sống của Ngài và trong những giây phút sắp lìa trần.

Ước gì sự xác tin, lòng can đảm và sự sẵn sàng tha thứ của Thánh Miki được tiếp tục sống mãi trong tâm hồn các anh chị em tín hữu Nhật và trong tất cả chúng ta.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2011

LẼ SỐNG 05.02

05 Tháng Hai
Một Cách Tỏ Tình

Du khách viếng thăm hành lang nổi tiếng của nhà thờ chánh tòa Thánh Phaolô ở Luân Ðôn có thể nghe tiếng của người hướng dẫn đang thuật lại lịch sử của nhà thờ truyền đi khắp nơi chung quanh vòm mái tròn to lớn ở chánh điện, nhờ các kiến trúc đặc biệt làm tiếng nói vang dội mang âm thanh đi rất xa. Cũng vì thế, nên nếu áp tai vào tường người ta có thể nghe được những gì một người nói từ phía bên kia của vòm mái tròn, mặc dầu đó chỉ là một giọng nói thì thầm tâm sự.

Cách đây đã lâu, mượn nhà thờ chánh tòa làm nơi hẹn hò, một người hành nghề đóng giày than vãn với người yêu là chàng chưa thể tiến hành lễ cưới ngay bây giờ được. Hiện tại chàng không có cả tiền để mua da và các vật liệu cần thiết để có thể tiếp tục hành nghề, vì thế chàng đang phải thất nghiệp dài dài, đào đâu ra tiền để làm đám cưới. Nghe tin bất lành, ý trung nhân của anh chỉ biết sụt sùi khóc.

Ðang lúc ấy, một người tình cờ đi qua hành lang phia bên kia nghe được câu chuyện thương tâm và những lời cầu nguyện của anh thợ đóng giày. Ông ta quyết định làm một cái gì để giúp đôi trai gái được thành gia thất. Vì thế, khi chàng trai từ giã người bạn gái thất thểu ra về, ông ta cũng tiến bước theo sau để biết chỗ ở của anh ta và lập tức cho người mang đến tặng cho anh một số da. Chàng đóng giày phấn khởi bắt tay vào việc và không bao lâu công việc làm ăn phát đạt tạo đủ điều kiện để anh có thể tiến hành hôn lễ với người yêu. Mãi đến mấy năm sau, hai vợ chồng mới biết vị ân nhân của mình là ông William Gladston, vị thủ tướng Anh quốc lúc bấy giờ.

Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến hai tư tưởng chúng ta có thể đào sâu để củng cố niềm tin Kitô của chúng ta. Ðó là: Thiên Chúa là Cha nhân hậu, Người luôn lắng nghe và sẵn lòng ban cho chúng ta, con cái của Người, mọi ơn lành Người biết là sẽ mang lợi ích thật sự cho chúng ta, như vị thủ tướng Anh quốc nghe những lời tâm sự thì thầm của đôi trai gái trên và ra tay giúp đỡ họ. Vì thế, chúng ta hãy kiên tâm, bền chí trong lúc cầu xin.

Trích sách Lẽ Sống

Thứ Sáu, 4 tháng 2, 2011

THƯ CỦA VỊ ĐẠI DIỆN KHÔNG THƯỜNG TRÚ

Thư của vị Đại diện không thường trú của Toà Thánh gửi ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn

Khâm sứ Toà Thánh ở Inđônêsia






Kính gửi

Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn
Tổng Giám mục Thành phố Hồ Chí Minh
Toà Tổng Giám mục,
180 Nguyễn Đình Chiểu, Q3,
Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Ngày 13-1-2011

Trọng kính Đức Hồng Y,

Hôm nay, nhân dịp công bố việc bổ nhiệm tôi làm Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, tôi vui mừng viết thư này gửi Đức Hồng Y để diễn tả niềm vui sâu xa của tôi đối với sứ vụ mới và khẳng định rằng, tôi coi đây là một vinh dự được đại diện Đức Thánh Cha tại Giáo Hội địa phương trong đất nước tuyệt vời này.

Nhân cơ hội này, tôi muốn nói lên ý muốn và niềm ước mong chân thành được hỗ trợ ngài và Giáo Hội nơi ngài thi hành thừa tác vụ Giám mục. Ngay từ thời điểm này, tôi muốn đoan chắc với ngài rằng, tôi sẵn sàng phục vụ và cộng tác vì ích lợi của Giáo Hội.

Với sự trợ giúp của Chúa, tôi rất hy vọng củng cố mối dây hiểu biết huynh đệ và trợ giúp lẫn nhau giữa Đại diện Toà Thánh và Tổng Giáo phận của Ngài.

Với tư cách Đại diện của Đức Giáo Hoàng, Đấng là trung tâm hiệp nhất trong Giáo Hội, tôi sẽ hết sức vui mừng góp phần vun trồng ý thức hiệp thông giữa Đấng kế vị Thánh Phêrô và Đức Hồng Y, là mục tử mà Chúa Thánh Thần đã chỉ định để hướng dẫn Giáo Hội địa phương ở đây. Đồng thời, tôi hy vọng là khí cụ hiệp thông giữa các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Hội Thánh, cũng như giữa đồng bào Việt Nam.

Xin gửi đến ngài lời cầu chúc cầu nguyện tốt đẹp nhất và lòng kính trọng chân thành.

Leopoldo Girelli
Khâm sứ Toà Thánh
(nguồn : WGPSG)