Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

THÁNH LỄ MỪNG BỔN MẠNG TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI VINH SƠN VÀ GIÁO HỌ THÁNH VINH SƠN





18g30 ngày Thứ Ba 27.9.2011 tại Nhà Nguyện Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn, cộng đoàn Mỹ Phước (Phú Mỹ Hưng) Cha Chánh Xứ đã dâng Thánh Lễ Kính Thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục, Đấng sáng lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, Bổn Mạng Tu Hội và Giáo Họ Thánh Vinhsơn. Ban thường vụ HĐMVGX Thuận Phát, Hội Các Bà Bác Ái Mẫu Tâm, cộng đoàn giáo họ Thánh Vinhsơn và đông đảo khách mời đã đến tham dự Thánh Lễ.

Trước Thánh Lễ Quý Soeurs Dòng cộng đoàn Mỹ Phước đã phục vụ trình chiếu, giới thiệu tiểu sử và cùng cộng đoàn ôn lại cuộc đời Thánh Vinhsơn Phaolô.

Đặc biệt trong Thánh Lễ, sau bài giảng Cha Chánh Xứ đã cử hành nghi thức trao Ủy Nhiệm Thư của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Giáo Phận cho các vị trong Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Vinhsơn, tân thành viên HĐMVGX Thuận Phát. Sau khi nhận Ủy Nhiệm Thư, các vị đã Tuyên Hứa trước bàn thờ với sự chứng kiến của Cha Chánh Xứ và cộng đoàn. Kết thúc nghi thức trao Uỷ Nhiệm Thư là một tràng pháo tay vang rền thay cho lời chúc mừng.

Thánh lễ tiếp tục, Quý Soeurs đã tổ chức nghi thức Dâng Lễ Vật với tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa và Kính nhớ Thánh Vinhsơn.

Cuối Thánh Lễ, Soeur Bề Trên cộng đoàn Nữ Tử Bác Ái Vinhsơn Mỹ Phước  gởi lời cám ơn Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và cộng đoàn giáo xứ đã đến tham dự Thánh Lễ cầu nguyện cho Tu Hội nói chung và cách riêng là cho quý Soeurs trong cộng đoàn, đồng thời mời Cha và mọi người sau Thánh Lễ dùng cơm gia đình với Quý Soeurs nhân ngày vui, mừng kính Cha Thánh Tổ Phụ Tu Hội. Cha Chánh Xứ cũng có lời cám ơn Quý Soeurs, vì bác ái nên đã tạo điều kiện thuận lợi để cộng đoàn giáo họ Thánh Vinh Sơn được tham dự Thánh Lễ tại Nhà Nguyện của Cộng Đoàn, cám ơn các vị BĐH giáo họ Thánh Vinhsơn đã quảng đại hy sinh công sức, thời gian để giúp Cha Chánh Xứ trong các công việc mục vụ giáo họ và giáo xứ.

Sau Thánh Lễ Cha Chánh Xứ chụp hình lưu niệm với BĐH giáo họ Thánh Vinhsơn và ban thường vụ HĐMVGX.

Bữa cơm gia đình được Quý Soeurs tổ chức kiểu tự chọn (buffet) rất vui, với chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn.

Sau khi Cha Chánh Xứ thánh hóa bữa ăn, ông Chủ tịch HĐMVGX đã có đôi lời chúc mừng Quý Soeurs, và cộng đoàn giáo họ Thánh Vinhsơn được nhiều sức khỏe và Tràn Đầy Ơn Chúa để tiếp tục phục vụ cho mọi người theo gương Thánh Vinhsơn Phaolô.

Mời xem thêm hình Thánh Lễ TẠI ĐÂY 

Hữu Toàn.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

TANG LỄ ĐỨC CỐ GIÁM MỤC GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC (tt)

  • Các phái đoàn kính viếng Đức Cố Giám Mục Giuse 

(gpbanmethuot.vn)

TANG LỄ ĐỨC CỐ GIÁM MỤC GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC

  • Hình ảnh Nghi thức Khâm liệm và Lễ kính viếng Đức Cố Giám Mục Giuse của Giáo hạt Daklak 1 - Sáng ngày 24.9.2011.

  • Hình ảnh Lễ kính viếng Đức Cố Giám Mục Giuse của Giáo hạt Daklak 2 - Chiều ngày 24.9.2011
  

  • Hình ảnh Lễ kính viếng Đức Cố Giám Mục Giuse của các Cộng đoàn, Dòng tu và Họ Đạo Cao Đài ngày 25. 9.2011

Mời xem hình 

(gpbanmethuot.vn)

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

MỪNG BỔN MẠNG TU HỘI NỮ TỬ BÁC ÁI VINH SƠN VÀ ĐỌC KINH TỐI TẠI NHÀ BÀ TRƯỞNG GIÁO HỌ THÁNH VINH SƠN



Tối ngày 24-9-2011(18g30) HĐMVGX Thuận Phát do ông Chủ tịch HĐMVGX dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Bổn Mạng Tu Hội Nữ Bác Ái Vinh Sơn, cộng đoàn Mỹ Phước (Phú Mỹ Hưng) nhân dịp Mừng Kính Bổn Mạng Tu Hội (27-9 Thánh Vinh Sơn Phaolô). Ông Chủ tịch đại diện đoàn chúc mừng quý Soeurs và trao quà lưu niệm. Sơ Phụ Trách cộng đoàn gởi lời cám ơn Cha Chánh Xứ, HĐMVGX và chúc mọi người được nhiều sức khỏe để tiếp tục tốt công việc phục vụ cộng đoàn.

19 giờ 30 cùng ngày, Cha Chánh Xứ, quý Soeurs cộng đoàn Mỹ Phước, HĐMVGX và cộng đoàn giáo xứ đã đến chúc mừng Bổn Mạng Giáo Họ Thánh Vinhsơn và dâng giờ kinh cầu nguyện cho giáo họ tại nhà bà Maira Bùi Ngọc Mỹ, Trưởng giáo họ Thánh Vinh Sơn. Trước giờ kinh ông Chủ tịch có đôi lời thăm hỏi và chúc mừng Bổn Mạng cộng đoàn giáo họ.

Kết thúc giờ kinh bà Trưởng Giáo Họ nói lời cám ơn Cha Chánh xứ, quý Soeurs, HĐMVGX và mọi người đã dành thời gian đến đọc kinh cầu nguyện cho gia đình cũng như cho giáo họ. Tiếp đến Cha Chánh xứ giới thiệu các thành viên trong HĐMVGX để mọi người được biết, trong đó có 3 thành viên mới trong Ban Chấp Hành Giáo Họ Thánh Vinhsơn. Đó là:
  1. Bà Maria Bùi Ngọc Mỹ, Trưởng BĐH Giáo Họ Thánh Vinhsơn. 
  2. Bà Têrêsa Lý Phạm Minh Bạch, Phó BĐH Giáo Họ Thánh Vinhsơn.
  3. Ông Phaolô Vũ Bảo Quốc, Phó BĐH Giáo Họ Thánh Vinhsơn. 
Sau đó bà Trưởng Giáo Họ đã mời Cha Chánh xứ, quý Soeurs, HĐMVGX và mọi người dùng nước chung vui, chia sẻ tâm tình cùng nhau.





 
XEM THÊM HÌNH Ở ĐÂY.

Hữu Toàn.

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXVI thường niên năm A.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN A (Mt 21, 28-32)




AI LÊN THIÊN ĐÀNG TRƯỚC AI ?

Cách đây đúng 3 năm, sau thánh lễ Chúa Nhật 26 Thường Niên năm A, tôi uống cà phê trước Nhà Thờ Đ.T., nghe mấy ông sồn sồn vừa uống cà phê vừa nói chuyện to: 

- Làm có môt giờ cũng lãnh một đồng ! Bực bội tuần trước chưa nguôi. Tuần này, thêm bực vì đám ăn chặn của dân, đám sống bằng vốn tự có lại có vé ưu tiên vào Thiên Đàng trước ! Bực thiệt !

- Có gì mà bực ?
 
- Ông là thánh sao mà không bực ? Hai hạng này đang thịnh. Một bên là lấy tiền của dân mà mua lạc thú, bên bán cái nghìn vàng ! Ông coi đó, ả ở đầu xóm kìa, hôm thì kẹp ông xe ôm, hôm thì kẹp chàng em-xi giọng mái, đêm thì với một chú CA Huyện, đêm khác với vài tên thuế vụ, vài cậu cầu lông, lâu lâu lại một anh CA Sàigòn bảnh tỏn đi xe con ra rước ả du hí vài ngày… không lẽ tụi nó lên thiên đàng trước tui và ông sao ?
 
- Cả nước nầy ai mà không biết, chuyện công khai mà ! Nhưng họ lên thiên đàng trước tui và ông thì mừng cho họ chớ. Còn tui và ông sợ có lên được không chớ đừng nói chuyện lên trước lên sau !”
 
Vấn đề vẫn như chưa giải quyết. Có anh ngồi bên cạnh lên tiếng:

- Mấy ông học ở đâu cái thói “cắt xén” vậy. Phải nghe cho hết nguyên câu nói của Chúa Giêsu, rồi có ý kiến gì thì ý kiến chứ. Nguyên câu nói là: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài" ( Mt 21, 31 – 32 )
 
Như thế, Chúa Giêsu không hề bảo “cứ ăn chặn của dân đi, cứ làm đĩ điếm đi, rồi sẽ được vào Thiên Đàng”, nhưng Ngài có ý nói đến việc “sám hối và tin vào Ngài” để được vào Thiên Đàng, để được cứu rỗi. Có anh thu thuế Mátthêu nghe lời Chúa kêu gọi, Dakêu biến đổi nhờ gặp Chúa, có chị Maria thành Magđala từng hành nghề buôn phấn bán hương đã dừng bước giang hồ, có anh ăn trộm bên phải Thập Giá Chúa Giêsu tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa… là những điển hình cho việc “sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Còn chúng ta, phàm ai là Kitô Hữu Công Giáo cũng đã biết tiêu chuẩn vào Thiên Đàng “sám hối và tin vào Tin Mừng” này rồi, nhưng có sám hối hay chưa và có tin hay không mới là điều quan trọng.

Dụ ngôn “hai người con” và câu nói khó nghe này Chúa Giêsu cố ý nói với các Thượng Tế và các Kỳ Mục là những người tự phụ, cố chấp, không sám hối, không chấp nhận Tin Mừng, không chấp nhận biến đổi đời sống theo Tin Mừng. 

Và hôm nay, Ngài cũng đang nói với chúng ta, những Kitô Hữu Công Giáo thích “nổi tiếng đạo đức, làm bộ đạo đức” hơn là “đạo đức”, thích “biết Lời, biết luật” hơn là “giữ luật, giữ Lời”, thích giảng giải và đòi buộc người khác giữ luật mà mình lại không giữ, thích xem thường người khác và không chấp nhận ai xem thường mình. Nói chung là, chúng ta đang sống dối trá với bản thân mình, với mọi người và đáng sợ nhất là dối trá với cả chính Thiên Chúa. 

Dối trá vì chúng ta là những người nói mà không làm, hoặc nói một đàng, làm một nẻo… Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta hãy “làm”, là hãy “sám hối và tin vào Tin Mừng”, như người con thứ nhất, “Con không muốn đi đâu”, nhưng sau đó, nó hối hận nên lại đi”.

Hối hận, hay sám hối là khiêm tốn nhận ra mình đã không vâng lời Cha, không bỏ ý riêng mình mà làm theo ý Cha, đã lỡ từ chối lời mời gọi của Cha, và nay, nhất quyết thực hành theo ý của Cha.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu, là khiêm tốn tự hạ đến mức tận cùng mới có thể thực hiện được ý muốn của Thiên Chúa (x. Pl 2, 5 - 8 ).

Vâng, phải thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, mới được vào Nước Trời. Chúa Giêsu cũng đã từng nói với các người Pharisêu: “Không phải những ai nói: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời đâu, nhưng chính là thi ‎hành ý muốn của Cha tôi” ( Mt 7, 21 ).

Thực hành ý muốn của Thiên Chúa là bỏ đường gian ác mà về nẻo công chính của Thiên Chúa như tiên tri Edêkien loan tin: “Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết” (Ed 18, 27-28 ).
  Có những tội nhân công khai, bị lên án công khai, bị xem thường công khai, nay đã trở về công khai, trở về trong niềm hân hoan tận đáy lòng:

Đến thăm nhà dưỡng thai của Sr. T.M., tôi được nghe một em gái 21 tuổi, tâm sự: “Nhà con ở Sóc Trăng. Tía má nợ triền miên vì chỉ có một công ruộng. Con đang đi làm công ty may ở Sóng Thần, tháng gần hai triệu. Tháng nào cũng nhịn đủ thứ mà cũng chỉ gửi về cho má được có một triệu. Mấy bạn con bảo làm thêm. Ban đầu e ngại, nhưng thấy có nhiều tiền… Mỗi tháng gửi về cho má được gần chục triệu. Hai năm, con đã phá thai ba lần. Tía má đã trả hết nợ rồi, thì con cũng vừa nhận được cái bầu thứ tư nầy đây. Con không dám phá nữa. Có tội chết ! Con giữ lại cháu để sau này có mẹ có con. May mà có mấy bạn nó chỉ ra đây với Sơ T.M. xin ăn !”
 
Có những tội nhân “chưa công khai” vẫn đang thao thao bất tuyệt về luật Chúa, luật Giáo Hội. Trong số đó, có cả tôi, cả bạn đấy chứ ? Vâng, tôi vẫn nghĩ thời nay, Thượng Tế và Kỳ Mục không những còn, mà còn nhiều nữa là khác...

Có nhiều Hội Đoàn Công Giáo quá nghiêng về thành tích con số hội viên, nghiêng về thành tích những sinh hoạt đậm tính hình thức, mà thiếu chuẩn bị, huấn luyện cho hội viên về các đức tính nhân bản, nhân bản Kitô giáo, về đời sống nội tâm kết hiệp với Chúa và tuân hành lề luật Chúa. Từ đó, Hội Đoàn nào cũng có mục đích là giúp người ta nên thánh, bỗng, Hội Đoàn trở thành cái áo đẹp, chức vụ trong Hội thành ra cái lọng che, mối tương quan mật thiết với các cha, với Giáo Xứ, Giáo Phận  trở thành thành trì kiên cố cho một cuộc sống bê bối, giả dối, lừa đảo, không làm theo ý Cha trên Trời… Thiết tưởng tôi không nói quá, bởi vì, những điều trông thấy còn đau lòng hơn.

Thử nhìn lại, mỗi năm ít là một lần, Hội Đoàn nào cũng tổ chức ngày Đại Hội thật hoành tráng, có thuyết trình, có đố vui Giáo Lý, có Hội Thảo, có Thánh Lễ Đồng Tế, có dâng hoa, có múa, có văn nghệ, có tiệc tùng… Còn phải có một bài viết đăng trên mạng với đầy đủ hình ảnh nữa mới tốt. Ai cũng vui mừng năm nay tổ chức hoành tráng. Tổ chức hoành tráng như thế là thành công… Mỗi năm một lần, rồi thôi. Hẹn ngày nầy năm tới, hoành tráng hơn… Sinh hoạt thường kỳ hằng tháng hằng tuần thì thưa thớt. Đời sống nội tâm và nhân bản hằng ngày của Hội Viên không là quan trọng ! 

Sống chung với một xã hội gian dối, tại sao chúng ta không thể nêu gương đời sống chứng nhân cho họ về một cuộc thay đổi tận căn từ dối trá ra thật thà, từ gian ác ra công chính… mà ngược lại, mình lại bị tiêm nhiễm sự dối trá của họ, lại đưa sự dối trá ấy vào ngay trong cách sống đạo hôm nay, trong tương quan với người, và cả với Thiên Chúa. Nói mà không làm. Nói có đạo mà không có đạo. Nói Công Giáo mà không Công Giáo… đang là cuộc sống của chúng ta. Thật là vô lý, mà là điều vô lý có thật !

Tạ ơn Lời Chúa hôm nay cho chúng ta có cơ hội nhìn lại cách sống đạo thật đau lòng nhưng không phải trầm kha vô phương cứu chữa. Hãy tin vào Lời Chúa sẽ biến đổi cuộc đời ta và thế gian này, như Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã khẳng định trong buổi đọc Kinh Truyền Tin chung với 2.000 tín hữu và du khách hành hương trưa Chúa Nhật 18 tháng 9 năm 2011 vừa qua trong sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo:

“Tin Mừng đã và đang biến đổi thế giới như một dòng sông tưới gội một cánh đồng mênh mông. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu đã làm người nơi Ðức Giêsu và với hiến tế của Người, Ngài đã cứu chuộc nhân loại khỏi nô lệ sự dữ bằng cách trao ban cho nó một niềm hy vọng đáng tin cậy”.
 
Lạy Chúa, chúng con là những Kitô Hữu cứng lòng, chỉ nói mà không làm, chưa chịu sám hối, chưa chịu tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu. Xin cho mỗi chúng con lắng nghe tiếng Lòng Thương Xót Chúa đang tha thiết: “Ước chi  hôm nay các bạn nghe tiếng Người, các bạn đừng cứng lòng nữa”, và  biết phục thiện đời sống chúng con cách sớm nhất, là sống đúng thánh ý Cha trên Trời. Amen.
 
PM. CAO HUY HOÀNG 21.9.2011
(thanhlinh.net) 

HÌNH ẢNH NHỮNG GIÂY PHÚT CUỐI ĐỜI CỦA ĐỨC CỐ GIÁM MỤC GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC


Mời xem hình TẠI ĐÂY
(gpbanmethuot.vn)

ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC QUA ĐỜI

TÒA GIÁM MỤC BANMÊTHUỘT
104 Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột
ĐĂK LĂK – VIỆT NAM


CÁO PHÓ
 
Trong đức tin vào Chúa Kitô tử nạn và phục sinh
Tòa Giám mục Banmêthuột vô cùng thương tiếc kính báo:


Đức Cha Giuse TRỊNH CHÍNH TRỰC
Nguyên Giám mục Giáo phận Banmêthuột

Đã an nghỉ trong Chúa 
lúc 09g55, thứ sáu ngày 23 tháng 09 năm 2011
(Nhằm ngày 26 tháng 8 Tân Mão)
Tại Tòa Giám Mục Banmêthuột
 
Hưởng thọ  86 tuổi
57 năm linh mục (1954-2011)
30 năm Giám mục (1981-2011)

Nghi thức khâm liệm : 08g00, thứ bảy ngày 24 tháng 9 năm 2011
Tại Tòa Giám Mục Banmêthuột

Lễ viếng : Từ 08g00 đến 22g00, ngày 24 đến ngày 26 tháng 9 năm 2011
Tại Nhà Nguyện Tòa Giám Mục Banmêthuột:

- Thứ bảy, ngày 24/09 :
• Sáng từ 8g00 đến 11g00 : Giáo hạt Đăk Lăk I
• Chiều từ 13g00 đến 17g00 : Giáo hạt Đăk Lăk II

- Chúa nhật, ngày 25/09 :
• Sáng 8g00 đến 11g00 : các Cộng đoàn Dòng tu và các Giáo xứ
• Chiều 13g00 đến 17g00 : các Đoàn thể tự nguyện

- Thứ hai, ngày 26/09 :
• Sáng 8g00 đến 11g00 : Giáo hạt Quảng Đức
• Chiều 13g00 đến 17g00 : Giáo hạt Phước Long

Thánh lễ an táng : 08g00 thứ ba, ngày 27 tháng 9 năm 2011
Tại Nhà Nguyện Tòa Giám Mục Banmêthuột
Do Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự.

An táng trong khuôn viên Tòa Giám Mục Banmêthuột
Xin hiệp ý cầu nguyện cho Đức Cố Giám Mục Giuse.

NB:
- Xin miễn vòng hoa và trướng
- Xin Quý Cha Giáo phận Banmêthuột dâng 03 (ba) Thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cha Cố Giuse.

Văn phòng Tòa Giám Mục kính báo


TIỂU SỬ 
ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC

Sinh ngày : 25.10.1925, tại Giáo xứ Bút Đông, Hà Nội
Thuộc xã Trác Bút, huyện Duy Tiên, Hà Nam

1939 – 1945 : Học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội.
1945 – 1948 : Giúp xứ Hoàng Nguyên, Hà Nội.
1948 – 1954 : Học Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội.
Thụ phong Linh mục : 31.5.1954 tại Hà Nội
do Đức Giám mục Giuse Maria Trịnh Như Khuê
Tấn phong Giám mục : 15.8.1981 tại Banmêthuột
do Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai

Đã phục vụ :

1954 – 1955 : Phục vụ Cô nhi viện Têrêxa tại Hà Nội và Banmêthuột
1955 – 1959 : Phó xứ Thánh Tâm Banmêthuột
1960 – 1967 : Quản xứ Châu Sơn Banmêthuột
1967 – 1990 : Tổng Đại diện Giáo phận Banmêthuột
1967 – 1972 : Quản xứ Thánh Tâm (Chính tòa Banmêthuột)
1972 – 1983 : Giám đốc Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh Banmêthuột
1981 – 1990 : Giám mục phó Giáo phận Banmêthuột
1990 – 2000 : Giám mục Chính tòa Giáo phận Banmêthuột
Từ 2000 : Hưu tại Tòa Giám mục Banmêthuột. 

Được Chúa gọi về lúc 09g55, thứ sáu ngày 23 tháng 09 năm 2011
(Nhằm ngày 26 tháng 8 Tân Mão)


(nguồn : gpbanmethuot.vn)

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXV TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXV thường niên năm A.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN A (Mt 20, 1-16a)



VƯỜN NHO CỦA CHÚA

 

 Ơn cứu rỗi cho mọi người


Niềm vui, niềm vinh dự, và là hồng ân lớn lao của mỗi Kitô Hữu Công Giáo là được kêu gọi vào Vườn Nho của Chúa. 

-Vui vì Vườn Nho ấy là Giáo Hội Công Giáo Thánh Thiện. Trong vườn nho ấy có đông đảo con người trần thế này đang cùng chung một niềm tin, một niềm cậy trông hy vọng và một tình mến huynh đệ sum vầy.

-Vinh dự vì chính Chúa Giêsu là Thân Nho, các tín hữu được tháp nhập vào Thân Nho duy nhất ấy để trở nên những ngành nho, nhành nho, nhánh nho, cành nho sống bằng chính nhựa sống của Thân Nho.

-Và hồng ân lớn lao vì nhờ sống sức sống của Thân Nho Giêsu mà mỗi tín hữu đón nhận sự sống của Thiên Chúa, sự sống vĩnh hằng, sự sống vô biên.

Thiên Chúa không dừng lại, không giới hạn số người vào Vườn Nho của Người, vì Người muốn Giáo Hội của Người là Giáo Hội dành cho nhân loại, Vườn Nho của Người đón nhận tất cả nhân loại để tất cả được nhận lãnh ơn cứu rỗi. Vì thế, Thiên Chúa luôn mong chờ, kêu gọi mọi người “vào Vườn Nho” Chúa, không kể thời gian nào, không kể dân tộc nào, không kể đảng phái chính trị nào, cũng không kể giàu sang hay nghèo khó, trí thức hay thất học. Sáng trưa chiều tối của một ngày đời, của một đời người, hay của một đời thế gian này, tiếng Người vẫn đang thiết tha mời gọi vào Vườn Nho của Người:

“Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta". 
 
Dấu chỉ “vào Vườn Nho”, dấu chỉ được tháp nhập vào Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Người là lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Người vào trước, kẻ vào sau, người được rửa tội hồi lọt lòng mẹ, người được rửa tội lúc hai ba mươi, nhưng cũng có người đến năm bảy mươi hoặc được rửa tội vài ngày vài giờ trước khi xuôi tay nhắm mắt lìa đời…. Và hiện tại, cũng còn có biết bao người chưa vào Vườn Nho Chúa. Trong số đó, có cả những người không những không đáp lại lời mời gọi mà còn cả gan phá hoại, cả gan tách rời Thân Nho để thành lập một “Giáo Hội” theo cách của xã hội phàm trần.

Nhưng, dù lòng người có thế nào đi nữa, thì mỗi tín hữu Công Giáo vẫn vững tin rằng Giáo Hội Công Giáo của Chúa Giêsu mãi mãi bền vững. Đó là Đức tin của chúng ta. Và Giáo Hội luôn là Giáo Hội dành cho Nhân Loại, vì Thiên Chúa vẫn đang thiết tha kiên trì mời gọi mọi người vào Vườn Nho, cho đến lúc không còn ai trên trần gian này cưỡng lại nổi lời mời gọi của Người:

“Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ”. Is 55, 6-7
 
Cộng tác với Chúa 
 
Hiểu được ý định của Chúa là cứu rỗi tất cả nhân loại, hiểu được đường lối Chúa là “nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng” (Tv 144,8), và tin tưởng vào Chúa “công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm”(Tv144,17), mỗi tín hữu cần cộng tác với Chúa để Vườn Nho Chúa mỗi ngày một thêm đông. 

+Cộng tác bằng cách loại trừ lòng ganh tỵ hơn thua như những người làm vườn nho từ sáng sớm phàn nàn:  "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao"? Bởi lòng ganh tỵ, nhất là ganh tỵ về những ơn huệ của Chúa ban cho người khác, cách nào đó, nói lên một đức tin kém cỏi, một đức ái hẹp hòi, và một đức cậy trông mang đầy tính thực dụng hay trục lợi. Hơn nữa, lòng ganh tỵ là rào cản chính mình và nhiều người khác tiến đến sự hoàn hảo của con cái Thiên Chúa. 

Lòng ganh tỵ nguy hiểm nhất là lòng ganh tỵ mang tính cộng đoàn. 

- Sao ta không vui mừng khi có đông đảo người lớn, đông đảo các gia đình, đông đảo những người bần cùng lãnh nhận các Bí Tích Khai tâm Kitô Giáo, mà lại cho là đạo cơm đạo gạo, đạo viện trợ, đạo từ thiện?

- Sao ta không vui mừng khi thấy một nhóm truyền giáo của các linh mục Dòng nào đó đang bội thu nơi cao nguyên, đang được mùa ở miền Tây sông nước? 

- Sao ta không thể ca tụng kỳ công của Chúa khi sử dụng những giáo dân là hội viên Legio quê mùa ít học đã len vào mọi ngõ ngách của cuộc đời để mang lại bao linh hồn cho Chúa? 

- Sao không thể tạ ơn Chúa mà còn chê trách những nỗ lực của một Nữ Tu hay của một nhóm giáo dân đang hết tâm huyết cho công cuộc bảo vệ sự sống, đang lê la đầu đường xó chợ với những con người cùng khốn nhất để mang cho họ tin vui, đem cho họ niềm an ủi của Thiên Chúa, giúp họ biết đường lối Chúa mà giữ lại sự sống của các thai nhi, mà tránh tội giết người?

- Sao chỉ nghĩ đến thành tích lễ hội của cộng đoàn ta, mà quên đi hoặc phủ nhận những cố gắng thiêng liêng của những cộng đoàn âm thầm làm chứng cho Vườn Nho Chúa nơi những xứ đạo xa xôi nghèo xơ nghèo xác?
…..
+ Cộng tác bằng cách yêu thương và quảng đại đón nhận những người vào Vườn Nho Chúa. Lòng yêu thương và quảng đại là mặc lấy tâm tình của Thiên Chúa, của Chúa Giêsu,
- hòa nhã, tôn trọng, lịch sự,
- bất chấp mọi gian khó, sỉ nhục
- gạt bỏ mọi kỳ thị, đố kỵ, thành kiến, cách ngăn, phân biệt,
- đơn giản hóa những thủ tục hình thức, để mở lòng ra mà đón nhận, mà tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có thể vào làm vườn nho Chúa cách hân hoan nhất. 

Đã có biết bao nhiêu đố kỵ vô bổ. Đã có bao nhiêu câu nệ vô bổ. Và cũng đã có bao nhiêu ngăn cản rất chủ quan làm cho khoảng cách của giáo lương, khoảng của Chúa Kitô và nhân loại càng lúc càng xa ra, càng cách biệt. Đó là lỗi của chúng ta.
….
+Cộng tác bằng cách sống đời sống công giáo gương mẫu, tạo điều kiện tốt nhất để những anh em tân tòng sớm hòa nhập với cộng đoàn dân Chúa trong tình yêu mến tin tưởng.

Một số người tân tòng đã bất ngờ nản lòng nản chí khi thấy những gương mù gương xấu của những người đạo dòng, đạo gốc, và nhất là của những bậc vị vọng, của những người đáng lý ra phải làm gương sống đạo chuẩn mực nhất.

Một số khác lơ là bê trễ đời sống kết hiệp với Chúa Giêsu và các bí tích vì ánh mắt phân biệt cũ mới, vì lời chê trách về vốn liếng giáo lý, vì cách đối xử trịch thượng của những người chỉ có tiếng là đạo dòng.

Một số khác sau khi vào Vườn Nho Chúa, đã bị cộng đoàn bỏ rơi, hầu như không ai quan tâm tới, không hội nhập được với cộng đoàn và càng lúc càng xa cách.

Lòng quảng đại yêu thương của Chúa đang mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà xây dựng một Giáo Hội huynh đệ thiêng liêng ngay trong bối cảnh sống gần gũi nhất, xây dựng một cộng đoàn cơ bản của Chúa Kitô.

……
Ông Năm C, ở Gx NL (XL) 35 tuổi Đảng. Vợ ung thư gan. Bà muốn theo đạo. Nhưng nếu bà theo đạo thì vợ chồng phải được phép chuẩn hôn nhân. Ông C xin theo luôn. Ông đến nhà thờ học đạo. Về dạy lại cho vợ. Hôm vợ ngặt mình. Vợ chồng ông đã được lãnh một lúc các Bí tích tại nhà: Rửa tội, Thêm sức, Hôn Phối, Thánh Thể. Công lớn nhờ Legio. Nay, Bà đã qua đời, ông lại là một hội viên Legio đắc lực.

Chị Linh 52 tuổi,ở GX HĐ, xin phép chồng con cho chị đơn phương xin học đạo và được rửa tội năm ngoái. Chị được ơn trở lại nhờ nỗ lực và gương sáng của mấy hội viên Lòng Thương Xót Chúa. Năm nay, chị bịnh nặng. Tâm hồn chị thanh thản bình an. Sau giờ đọc kinh cầu nguyện cho chị, có người nhắc lại câu lời Chúa “Kẻ sau hết sẽ nên trước hết”.

Tôi đang viết bài này, được tin vui: Ông Hai Sơn, 4g chiều nay được rửa tội tại nhà thờ GX Ngọc Lâm. Vợ Ông Sơn đã chết chưa giáp năm. Khi vợ còn sống, ông muốn theo đạo mà chưa được vì tình trạng của vợ đang rối. Vợ ông được ơn lạ của Đức Mẹ 38 Kỳ Đồng Sài gòn. Và ông đã hứa vợ “Tôi cũng theo Chúa, để còn gặp lại bà trong cõi sống”.

Còn biết bao nhiêu tin vui, vì ngày nào, giờ nào, cũng có người vào làm Vườn Nho Chúa, nhờ ơn Chúa, và cũng có sự cộng tác của nhiều người.

Lạy Chúa, chúc con chúc tụng Chúa luôn “nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng. Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm”.

Xin cho chúng con biết vui mừng, vinh dự và tri ân hồng ân Chúa dã thương mời gọi chúng con vào Vườn Nho Chúa, đồng thời, biết cộng tác với Chúa để ngày thêm đông người vào làm Vườn Nho Chúa, vào hưởng lòng Thương Xót Chúa. A men       
       
PM. Cao Huy Hoàng 15-9-2011

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXIV TN NĂM A

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXIV thường niên năm A.
Cha giáo Gioan Bt. Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
 Mời bấm VÀO ĐÂY để nghe.

Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A (Mt 18, 21-35)




BÀI HỌC THA THỨ

Có một bác nông dân đã quá khổ sở vì sự thiếu trách nhiệm của những người hàng xóm. Mặc dù nhà không nuôi gà nhưng gà hàng xóm lại bới nát và phá hoại hoa màu của bác. Vốn bản tính hiền lành luôn “dĩ hòa vi quý”, không muốn ăn miếng trả miếng như thói thường người đời. Bác đã nhiều lần van xin láng giềng vui lòng nhốt gà lại. Nhưng chẳng ai chú ý đến lời yêu cầu của bác. Bầy gà cứ thản nhiên sang vườn bác bới móc tìm mồi. Thế rồi, một buổi sáng đẹp trời, Bác ra chợ mua một ít trứng gà để vào một cái giỏ, rồi cứ vài ngày lại đưa sang cho những người láng giềng và giải thích rằng đó là trứng mà bầy gà của họ đã đẻ trong vườn của bác. Bác làm như thế liên tiếp ba lần. Quả thực kết quả đã diễn ra rất nhanh chóng. Chỉ trong một tuần lễ, người láng giềng nào cũng tự động rào dậu thật kỹ để giữ cho gà của mình không sang đẻ ở nhà bác nông dân nữa.

Vâng, Bác nông dân chỉ mất tiền mua ít trứng gà mà bác đã tránh được một cuộc tranh chấp vô ích có thể làm sứt mẻ tình hàng xóm. Cuộc sống chung là vậy, nếu biết nhịn nhục và kiên nhẫn một chút là ta có thể tìm ra nhiều giải pháp tốt nhất để gìn giữ sự hòa thuận, êm đềm cho gia đình, cho xóm làng chúng ta.

Trong cuộc sống chung đụng thường phải có va chạm với nhau. Chén bát để bên nhau, vô tình vẫn có những va chạm bể nát ra huống chi con người. Hôm nay Chúa muốn chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau không phải là để cho qua chuyện hay nhịn đi cho xong, mà tha thứ cho nhau, là điều kiện để chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. Vì chưng, tất cả chúng ta đều là con nợ của Chúa. Chúng ta nợ Chúa sự sống, nợ Chúa ân tình. Đã nhiều lần chúng ta khất lần khất lượt với Chúa, van xin Chúa hãy tha thứ, cứu giúp mình tai qua nạn khỏi sẽ trả nợ Chúa, sẽ dành vốn sống của mình để làm theo ý Chúa, để phụng thờ Chúa. Hứa đó rồi quên đó. Quyết tâm rồi lại thất hứa. Thế mà Chúa vẫn yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Dụ ngôn người cha nhân lành là một bằng chứng về lòng bao dung của Chúa. Người cha đã không cần hỏi mày dùng số vốn của tao làm gì? Bây giờ còn bao nhiêu? Chỉ cần thấy người con quay về là người cha đã quên hết quá khứ lỗi lầm của người con.

Hôm nay Chúa Giêsu nói với chúng ta: anh em đã lãnh nhận sự tha thứ của Chúa, thì cũng hãy tha thứ cho nhau. Không phải là một lần hay chỉ “quá tam ba bận” mà là tha thứ mãi mãi. Như vậy, tha thứ đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên nhẫn để cho người xúc phạm đến ta có cơ hội, có thời giờ sửa đổi và làm lại cuộc đời. Đừng như ông quan độc ác kia đã đối xử quá khắt khe với những con nợ của mình. Ông đòi tính sổ với các con nợ và đòi cho đến đồng bạc cuối cùng. Đó cũng là cách đối xử chung của con người hôm nay. Người ta đòi công lý phải được báo thù. Người ta đòi mắt đền mắt răng đền răng. Người ta khó chấp nhận một sự bao dung tha thứ đối với kẻ thù của mình.

Mahatma Gandhi, người đã giải phóng Ấn Ðộ khỏi ách nô lệ của người Anh bằng cuộc tranh đấu bất bạo động, đã bị một thanh niên Ấn Giáo hạ sát, chỉ vì anh ta không thể chấp nhận được sự kiện Gandhi lại yêu thương và tha thứ cho người Hồi Giáo.
 
Khi loan báo tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, Chúa Giêsu đã không loại trừ một hạng người nào. Ðược sai đến trước tiên cho người Do thái, Chúa Giêsu cũng đi đến với cả nhân loại. Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng khoan dung của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người, và muốn qui tụ mọi người vào trong gia đình của Ngài. Cả cuộc đời của Ngài là một chuỗi dài sự tha thứ. Ngài đã tha thứ cho lầm lỗi của người phụ nữ ngoại tình. Ngài đã tha thứ việc làm của Giakêu. Ngài đã tha thứ quá khứ tội lỗi của người trộm lành. Ngài đã đi đến tận cùng của sự tha thứ, là tha thứ cho kẻ làm nhục và giết hại Ngài.

Là con cái của Cha yêu thương và khoan dung, nguyên tắc sống của chúng ta cũng phải là yêu thương và khoan dung. Giữa một thế giới mà sự thù hận luôn đòi loại trừ nhau bằng khủng bố, bằng súng đạn, người Kitô hữu phải thể hiện cho người ta thấy lòng bao dung và tha thứ vẫn còn tồn tại trên trần gian. Vì Chúa chúng ta vẫn có thể làm điều ấy. Vì chúng ta vẫn có thể tha thứ cho nhau. Tha thứ để được sự bình an tâm hồn. Vì nếu không tha thứ thì “oán báo oán, oán lại chập chùng”. Tha thứ cho nhau để được nên nghĩa tử và là môn đệ chính danh của Chúa, vì người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy là “hãy yêu thương nhau”. Một tình yêu đích thực luôn bao hàm sự bao dung và tha thứ vì “Yêu nhau củ ấu cũng tròn – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”.

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn can đảm tha thứ cho nhau, luôn can đảm quên đi mọi hận thù, oán ghét, ghen tương để sống trong vòng tay thân ái giữa người với người và trong tình yêu tha thứ thẳm sâu của Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ duy Tuyền
(nguồn : thanhlinh.net)

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

KHOAN ĐỊA CHẤT




08g00 sáng Thứ Hai 05.9.2011, nhà thầu thiết kế đã tiến hành khoan thăm dò địa chất để thực hiện bản vẽ kết cấu xây dựng nhà thờ mới. Dự kiến sẽ khoan 02 mũi, mỗi mũi khoan sâu hơn 50m và kết thúc vào cuối tuần này.

Thuanphat's blog