Thứ Năm, 8 tháng 12, 2011

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH GẶP GỠ TU SĨ VÀ CHỦNG SINH GP.VINH

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli 
gặp gỡ Tu sĩ và Chủng sinh giáo phận Vinh



GPVO - Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ tại Giáo phận Vinh, chiều ngày 06/12/2011, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, đã đến thăm và nói chuyện với các Tu sĩ và Chủng sinh giáo phận.

Gặp gỡ Tu sĩ: "Khó khăn thử thách như là phần tất yếu của đời sống Giáo Hội" 
Buổi gặp gỡ nói chuyện với Tu sĩ các Hội dòng diễn ra tại Nhà thờ chính tòa Xã Đoài, vào hồi 15 giờ 30. Cùng đi với Đức TGM Leopoldo Girelli có Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cha Andrea Spengne, thư ký của Đức TGM, cha Agostino Nguyễn Văn Dụ, cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết, cha Tổng đại diện Phêrô Nguyễn Văn Viên, cha thư ký Tòa giám mục Phêrô Nguyễn Văn Hương. Đón tiếp Đức TGM cùng phái đoàn có cha Phaolô Bùi Đình Cao, đặc trách Liên tu sĩ; Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm, tuyên úy Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh; Cha Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng, tuyên úy Hội Dòng Thừa sai Bác ái; cha FX. Võ Thanh Tâm, quản hạt Xã Đoài.
Trong lời chào mừng Đức TGM Đại diện Tòa Thánh, Cha đặc trách liên tu sĩ đã trình bày lược sử hình thành và phát triển của các Hội dòng cũng như những thuận lợi, khó khăn trong hoàn cảnh hiện tại.
(GPVO)

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI


Ngày 08.12

Một trong những lễ đẹp lòng trái tim Mẹ Maria nhất, chắc chắn là lễ vô nhiễm nguyên tội. Thánh lễ này nhằm tôn kính đặc ân riêng cho mẹ là đã được thụ thai trong lòng thánh Anna một cách tinh tuyền không vương tì ố. Thiên Chúa đã giữ gìn Mẹ khỏi tội tổ tông, tội mà vì mọi người chúng ta khi sinh ra đều vướng mắc vì thuộc dòng giống Adam. Đức Maria, do một đặc ân duy nhất, từ lúc hình thai, vẫn luôn tinh tuyền xinh đẹp trước mặt Chúa. Bởi vậy, do ơn thánh và do cuộc sống, Mẹ luôn là đối tượng đẹp mắt Chúa, theo như lời thánh kinh đã được quy về Mẹ: - Mẹ tuyệt mỹ, không hề vương vấn tội tình.

Người ta có thể tự hỏi, làm sao lại có đặc ân này ? Để trả lời cho trường hợp đặc biệt này, chúng ta chạy đến ơn phúc của Chúa Giêsu Kitô. Ơn cứu chuộc của Chúa Kitô đã có sức mạnh toàn năng để cứu nhân loại khỏi tội nguyên tổ, cũng đã giữ gìn cho Mẹ khỏi tội tổ tông. Chắc chắn đây là một phép lạ, nhưng phép lạ này không lạ lùng hơn các điều kỳ diệu trong cuộc đời Đức Mẹ. Hơn nữa, các dặc ân khác Đức Mẹ thụ hưởng mà chúng ta chấp nhận sễ dàng, đều là hiệu quả của ơn vô nhiễm nguyên tội và giả thuyết ơn huệ này, nếu chối bỏ ơn Vô Nhiễm nguyên tội, mỗi biến cố trong cuộc đời Đức Maria đều giả thiết một phép lạ mới, nhưng với ơn vô nhiễm nguyên tội, mọi điều đều có thể giải thích được dễ dàng, vì không vương mắc tội nguyên, Mẹ Maria vượt qua tất cả những gì là hiệu quả và hình phạt do tội gây nên, như tình tư dục, thống khổ và tan rữa sau khi chết. Con người không mắc tội nguyên tổ là một bí ẩn không thể giải thích nổi. Đức Maria, nếu mắc tội nguyên tổ lại còn là một bí ẩn khó giải thích hơn nữa.

Niềm tin vào sự vô nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria là một niềm tin không thễ thay đổi. Các nhà thần học đã chứng minh điều đó, các giáo phụ giảng dạy, các nhà giảng thuyết phổ biến... nhưng thời đại của chúng ta được thấy sự vinh quang cao cả này trở thành tín điều trong đức tin Kitô giáo, ngày 8 tháng 12 năm 1854, trước sự hiện diện của 54 hồng y, 42 Đức Tổng giám mục và 92 Đức Giám mục cùng đoàn người đông đảo, vị đại diện Chúa Kitô đã tuyên bố tín điều từ bao thế kỷ đợi trông. Chúng ta kể ra một vài lý do khiến Giáo hội công bố tín điều : Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội.
  1. Chúa Giêsu Kitô, vì sự thánh thiện của Ngài, phải được sinh ra bởi người mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội. Đấng thấy cả tì vết nơi các thiên thần, lại chịu sinh ra từ một thân thể bị nhơ nhớp vì tội lỗi được sao ? Thân xác của Chúa Kitô là xác thân bởi Mẹ Maria. Vậy nếu Mẹ Maria thụ thai trong tội, hẳn Ngài đã thông truyền cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa Giêsu một xác thể bị nhơ uế vì tội lỗi. Quả là một điều ô nhục cho Chúa !
  2. Vinh quang của Chúa Giêsu phải giữ cho Mẹ Người khỏi vết nhơ tội nguyên. Mục đích của Chúa Con khi xuống trần gian này là để hủy diệt sự uy quyền của quỉ dữ và tội lỗi. Người đã thắng ma quỉ khi nhờ phép rửa tội, đưa các Kitô hữu ra hỏi vòng tội lỗi, thanh tẩy các tội nhân nhờ phép giải tội. Người đã thắng ma quỉ cả trước khi Người sinh ra, như khi thánh hóa từ lòng mẹ tiên tri Giêrêmia, thánh Gioan tẩy giả, thánh Giuse bạn Đức Trinh Nữ.
Nhưng những chiến thắng này chưa hoàn toàn. Còn một lúc mà quyền lực hỏa ngục khoe khoang rằng: có thể làm cho ơn thánh bị vô hiệu, đó là lúc thụ thai. Vậy sự chiến thắng sẽ hoàn hảo nếu Mẹ Maria được ơn vô nhiễm nguyên tội, đặc ân này thể hiện lời hứa đã được loan báo từ trước: - Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa giòng giống ngươi và dòng giống nó. Dòng giống nó sẽ đạp nát đầu ngươi, còn ngươi sẽ táp lại gót chân" (St 3,15).

Niềm tin vào ơn vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria đã được chính Đức Mẹ chứng thực. Năm 1858, nghĩa là chỉ bốn năm sau ngày tuyên bố tín điều, Mẹ đã hiện ra tại Lộ Đức và tuyên bố : - Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai.

Việc mừng trọng thể lễ Đức Trinh nữ Maria Vô nhiễm nguyên tội vào mùa vọng có một ý nghĩa đặc biệt, như mừng "cuộc chuẩn bị căn bản cho Đấng Cứu thế xuất hiện, vầng đông sáng tươi của một Hội Thánh không tì vết" (Marialis Cultus 3)

Tác giả Hạnh Tích Các Thánh 
 
(dunglac.org)

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN VINH (4)

Đức TGM Leopoldo Girelli cử hành Lễ đại trào 
tại TT Hành hương - Đền Thánh Antôn Trại Gáo


 

GPVO (06.12.2011) - Trong suốt lộ trình viếng thăm mục vụ tại Giáo phận Vinh bắt đầu từ chiều ngày 3.12.2011, Đức TGM Leopoldo Girelli đã đặt chân tới nhiều giáo hạt, giáo xứ trên địa bàn Nghệ - Tĩnh - Bình: giáo xứ Thanh Dạ (hạt Thuận Nghĩa), giáo hạt Nguồn Son, giáo hạt Hướng Phương, giáo hạt Văn Hạnh. Sáng hôm nay, ngày 6.12.2011, vị Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam đã cùng phái đoàn đặt chân đến Trung tâm hành hương - Đền Thánh Antôn Trại Gáo (giáo xứ Mỹ Yên) và cử hành Thánh lễ đại trào tại đây.

Đồng tế với ngài có Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Đức Cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, Lm Andrea Spengne - thư ký của Đức TGM, Lm Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Lm Phêrô Nguyễn Văn Viên – Tổng Đại diện, Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương – Chánh văn phòng, quý cha hạt cùng gần 150 Linh mục trong giáo phận trước sự hiện diện đông đảo của quý chủng sinh, tu sĩ và hàng ngàn giáo dân.

Trại Gáo vẫn luôn là điểm đến của niềm tin, của những cuộc hội ngộ mang nhiều ý nghĩa. Trong ngày đặc biệt hôm nay, sự hiện diện của vị Khâm Sứ Tòa Thánh đã quy tụ trên 10.000 giáo dân khắp nơi trong giáo phận nhà cầm trên tay lá cờ vàng trắng đến để được lắng nghe, chia sẻ và bày tỏ lòng yêu mến đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thông qua vị đại diện của ngài, đồng thời để diễn tả tâm tình hiệp nhất và lòng trung thành sắt son đối với Tòa Thánh. Bầu khí gần gũi thấm đượm tình cha con đã để lại nhiều ấn tượng đối với Đức TGM cũng như mọi tín hữu tại giáo phận nhà. Cuộc hội ngộ tuy ngắn ngủi nhưng đã làm thỏa mãn hàng chục ngàn con tim của giáo phận đang hướng về vị đại diện Chúa Kitô trong niềm vui sướng, mến yêu và tri ân.

(GPVO)

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN VINH (3)

Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli 
thăm Quảng Bình và Hà Tĩnh
 


GPVO - Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm mục vụ Giáo phận Vinh, chiều ngày 04/12/2011, Đức TGM Leopoldo Girelli cùng phái đoàn đã tới thăm, dâng Thánh lễ và gặp gỡ giáo dân tại 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Cuộc viếng thăm tại 2 tỉnh kết thúc với Thánh lễ trọng thể tại Giáo xứ Văn Hạnh và cuộc gặp đại diện giáo dân.

Những tình cảm nồng hậu, những tràng pháo tay giòn giã, nồng nhiệt dạt dào trong hàng vạn con tim vui tươi khó tả cùng với không khí nhộn nhịp chưa từng có là những điều chúng tôi muốn diễn tả chuyến viếng thăm và làm việc tại hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh của phái đoàn Tòa Thánh trong hai ngày 4-5/12 vừa qua.

Xem chi tiết >>

Xem video >>

Mời xem Video Thánh Lễ tại Giáo hạt Văn Hạnh>>

(GPVO)

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN VINH (2)

Đức TGM Leopoldo Girelli 
cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài


GPVO - Sáng ngày 04/12/2011, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli - Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, sau khi đặt chân tới Giáo phận Vinh chiều ngày 03/12, đã cử hành Thánh lễ Chúa nhật II Mùa Vọng tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài. Đồng tế với ngài có Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Lm Andrea Spengne - thư ký của ngài, Lm Agostino Nguyễn Văn Dụ, Lm Phêrô Nguyễn Văn Viên - Tổng Đại diện, Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương - Chánh văn phòng TGM, Lm Phêrô Trần Văn Thanh - Giám đốc Tiền Chủng viện, quý Cha quản hạt cùng quý Cha trong giáo phận trước sự hiện diện đông đảo của quý chủng sinh, tu sĩ, hội sinh viên Công giáo đang học tập tại Thành phố Vinh và hàng ngàn giáo dân.

Trước khi Thánh lễ bắt đầu, Lm Fx. Võ Thanh Tâm - quản hạt Xã Đoài thay mặt cộng đoàn nói lên lời tri ân cùng những lời chúc mừng tới Đức Tổng Giám mục vì sự hiện diện của ngài trên mảnh đất giáo phận nói chung và tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài nói riêng. Đây quả là một sự kiện mang ý nghĩa đặc biệt khi các tín hữu giáo phận nhà được gặp gỡ vị đại diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.

(GPVO)

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC ĐẠI DIỆN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO PHẬN VINH (1)

Đức TGM Leopoldo Girelli 
bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ Giáo phận Vinh

 
GPVO – Từ chiều ngày 3 đến ngày 6 tháng 12 năm 2011, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam, tới thăm mục vụ Giáo phận Vinh. Theo chương trình, ngoài Nhà thờ Chính toà Xã Đoài, Đức TGM còn thăm và dâng thánh lễ tại các giáo xứ Hướng Phương (Quảng Bình), giáo xứ Văn Hạnh (Hà Tĩnh), Trung tâm hành hương Trại Gáo (Nghệ An) và có các cuộc gặp gỡ giáo dân, linh mục đoàn, tu sĩ và chủng sinh giáo phận.
Ngày 13-01-2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm Đức TGM Leopoldo Girelli làm Đại diện Toà Thánh không thường trú tại Việt Nam. Đây là một tin vui cho Giáo Hội Việt Nam. Từ đó đến nay, Đức TGM đã thực hiện nhiều chuyến viếng thăm mục vụ các giáo phận miền Bắc, Trung, Nam. Giáo phận Vinh là điểm viếng thăm cuối cùng của Đức TGM trong 26 giáo phận tại Việt Nam...

(nguồn : giaophanvinh.net)

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II mùa Vọng năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Cuối Thánh Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng ).
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG B (Mc 1, 1-8)



NGƯỜI DỌN ĐƯỜNG TÂM HỒN

Lm. Nguyễn minh Hùng
Mỗi lần chuẩn bị cho xa giá của nhà vua đi qua một nơi nào đó, thường có một người lính cầm loa phóng thanh đi trước hô to để dọn đường. Khi nghe tiếng loa báo hiệu như thế, dân chúng sẽ thu dọn mọi thứ rác rến bừa bãi, thu dọn những gì bị coi là không đẹp mắt, làm cho con đường sạch đón vua đi qua.

Cũng thế, mỗi lần có một phái đoàn quan trọng của chính phủ đi trên đường phố, thường có xe cảnh sát và đoàn xe mô tô đi trước, làm nhiệm vụ bảo vệ và dọn đường để chuẩn bị cho xe của phái đoàn cấp cao đi qua.

Nhiệm vụ của thánh Gioan Tẩy giả vừa giống như thế, nhưng cũng vừa không giống như thế. Giống là vì thánh Gioan cũng được gọi là người dọn đường. Không giống là vì nhiệm vụ của thánh Gioan quan trọng hơn, cao cả hơn: Thánh Gioan không dọn đường đi như những người dọn đường cho vua chúa, nhưng là Dọn Đường Tâm Hồn.

Dọn đường cho chính Thiên Chúa đi vào tâm hồn con người. Người dọn đường tâm hồn nhắn gởi đến mọi người lời kêu gọi thống thiết: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng".

Cùng với lời kêu gọi dọn đường cho Chúa là rao giảng phép rửa sám hối để đem mọi người trở về với lòng ăn năn tội nhằm xin ơn tha thứ. Hóa ra dọn đường cho Chúa ngự vào tâm hồn, không có gì khác hơn, nhưng chính là hoán cải đời sống và thú nhận tội lỗi để được ơn tha thứ. Chỉ có tâm hồn trong sạch, một tâm hồn hoàn toàn không vướng mắc tội lỗi mới xứng đáng cho Chúa ngự vào.

Dù lời mời gọi của thánh Gioan Tẩy giả: "Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng" đã có từ rất lâu, nhưng vẫn rất phù hợp với mọi người hôm nay. Vì ở đâu có tội lỗi, ở đó rất cần ơn ăn năn sám hối. Bạn và tôi có tội. Cách duy nhất để dọn đường và sửa đường đón Chúa ngự vào tâm hồn là ăn năn sám hối.


(tinmung.net)

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

THƯ NGỎ CỦA CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN SAIGON 2011

Thư ngỏ của Công nghị TGP.TPHCM 2011


WGPSG -- Sau Thánh lễ khai mạc vào chiều Chúa nhật 20-11 cùng 5 ngày làm việc của các đại biểu (từ thứ hai 21-11 đến thứ sáu 25-11-2011), Công Nghị Giáo Phận TP.HCM đã bế mạc cách trọng thể trong Thánh lễ phong chức linh mục cử hành vào lúc 8g30 sáng thứ bảy 26-11-2011 tại Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn.
Vào cuối Thánh lễ bế mạc, Thư Ngỏ của Công nghị Tổng Giáo phận TP. HCM 2011 đã được long trọng công bố. 

Thư Ngỏ đã được soạn theo một lược đồ gồm 8 điểm:
1. Công nghị và bối cảnh
2. Chuẩn bị và diễn tiến
3. Ba chủ đề
4. Hiệp thông với Chúa
5. Hiệp thông với nhau
6. Thi hành sứ vụ
7. Các lãnh vực đời sống xã hội
8. Các đề nghị, niềm tri ân và ước nguyện.
  
THƯ NGỎ CỦA CÔNG NGHỊ TỔNG GIÁO PHẬN TP. HCM 2011

ĐỔI MỚI ĐỂ HIỆP THÔNG 
VÀ CHU TOÀN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG
"Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, 
và phải mặc lấy con người mới."
                                                                                                                      (Ep 4, 23-24)

Kính thưa cộng đoàn Dân Chúa Tổng Giáo phận Thành phố HCM,

1. Theo lời kêu gọi của Đức Hồng y Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, và Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm, chúng tôi, 178 đại biểu gồm 51 linh mục giáo phận, 15 linh mục tu sĩ, 29 tu sĩ, 83 giáo dân, đã họp Công Nghị Giáo Phận từ ngày 20 đến 26 tháng 11 năm 2011 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận.

Cách đây đúng một năm, Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn Giáo Hội tại Việt Nam cử hành Đại Hội Dân Chúa (21-25/11/2010). Chúng tôi tin rằng cũng một Thánh Thần ấy đã thúc đẩy các mục tử của chúng ta quyết định triệu tập Công Nghị Giáo Phận ngay sau khi Đại Hội này kết thúc, để tạo cơ hội cho mọi người tham gia công cuộc xây đắp gia đình giáo phận, theo định hướng Giáo Hội mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ, theo đường lối của Tin Mừng, nhằm loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho mọi người.

2. Để chuẩn bị cho Công Nghị, từ nhiều tháng qua, cộng đoàn Dân Chúa trong các giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và đoàn thể tông đồ đã cầu nguyện, thảo luận, chọn lựa các ý kiến và đề cử đại biểu tham gia Công Nghị.

Công nghị đã khai mạc với thánh lễ mừng Chúa Kitô là Vua vũ trụ, Đấng đã đến khai mở và dẫn chúng ta vào "Vương quốc của Sự thật và Tình yêu, Công chính và Bình an".

Mỗi ngày, trong năm buổi sáng, dưới sự chủ tọa của Đức Hồng y hay của Đức cha Phụ tá, sau khi cùng nhau dâng thánh lễ hay đọc giờ Kinh Sáng, chúng tôi lắng nghe các bài tham luận, rồi họp tổ thảo luận và chia sẻ kết quả cho nhau trong giờ đúc kết.

Công nghị bế mạc với thánh lễ phong chức linh mục cho ba phó tế như biểu tượng của hồng ân được sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

3. Xác tín rằng, Giáo Hội là Gia Đình của Thiên Chúa Ba Ngôi do Chúa Kitô thiết lập, chúng ta được mời gọi đi chung với nhau để xây đắp mối hiệp thông hiếu thảo với Ba Ngôi Thiên Chúa, xây đắp mối hiệp thông hợp nhất trong gia đình Giáo Hội, mở rộng mối hiệp thông đồng cảm chia sẻ trong gia đình nhân loại. Vì thế, mọi thành phần trong giáo phận được kêu gọi đổi mới để hiệp thông và chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng.

4. Trong ngày thứ nhất của Công Nghị, chúng tôi khám phá lại con đường đầu tiên dẫn chúng ta đi sâu vào mối hiệp thông với Thiên Chúa là Lời Chúa và các Bí Tích. Tuy nhiên, trong thực tế, chúng ta chưa quan tâm đủ đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu. Vì thế, cần đem Lời Chúa vào cuộc sống bằng việc lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ sức sống của Lời ấy cho nhau trong thánh lễ của giáo xứ, trong giờ kinh tối gia đình, trong các giờ giáo lý và trong các nhóm nhỏ. Lời Chúa được đón nhận trong tâm thế cầu nguyện, dưới ánh sáng của Thánh Thần Chân lý, có sức mạnh đổi mới con tim, chính là chủ lực của sự hiệp nhất.

5. Qua ngày thứ hai, chúng tôi quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng sự hiệp thông trong gia đình cũng như giáo xứ, trong cộng đoàn dòng tu cũng như trong gia đình giáo phận. Muốn được như thế, cần đổi mới các tương quan giữa giám mục và linh mục, giữa linh mục với nhau, giữa linh mục với tu sĩ và giáo dân, và giữa giáo dân với nhau, trong gia đình cũng như giáo xứ. Theo tinh thần Phúc Âm, những mối tương quan này, cần được vun đắp bằng tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau, đồng cảm và tinh thần đồng trách nhiệm.

Chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy sự hiệp thông trong các hội đồng mục vụ giáo xứ, giữa các giới và đoàn thể, cũng như giữa các ban mục vụ trong giáo phận.

Tác động hiệp thông và hiệp nhất để thi hành sứ vụ của các ban mục vụ và các giáo xứ sẽ rất phong phú nếu có được sự nối kết trong đối thoại và hợp tác, trong một kế hoạch chung hằng năm của giáo phận, cũng là nền cho mọi kế hoạch khác của giáo xứ và dòng tu.

6. Như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: "Hiệp thông là chìa khóa để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng", vì thế, trong ngày thứ ba và thứ tư, Công Nghị đã tập trung vào việc thi hành sứ vụ, được cụ thể hóa bằng việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

Chúng tôi xác tín rằng: ngày nay "việc loan báo Tin Mừng phần lớn tùy thuộc nơi giáo hội tại gia" (Tông huấn Gia đình, số 65). Gia đình là cộng đoàn sự sống và tình yêu đã được Thiên Chúa sáng tạo khi liên kết người nam với người nữ thành tế bào căn bản của xã hội và Giáo Hội. Vì thế, cần cấp bách có kế hoạch chăm sóc mục vụ cho mọi gia đình, nhất là các gia đình trẻ và gia đình tân tòng, hôn nhân khác đạo, các gia đình di dân, để sự hiệp thông ngày càng lớn mạnh giữa người nam và người nữ, giữa cha mẹ và con cái cũng như giữa các thế hệ với nhau.

7. Chúng tôi vui mừng khi chứng kiến sự lớn mạnh của các giới cũng như các đoàn thể giáo dân hiện nay đã có mặt trong nhiều lãnh vực đời sống xã hội. Công cuộc loan báo Tin Mừng ngày nay đòi hỏi người Kitô hữu phải có mặt trên mọi nẻo đường cuộc sống, để trở thành tiếng nói của những người không tiếng nói, trái tim và bàn tay của Thiên Chúa chăm sóc mọi người, cách riêng là những người chưa được yêu thương. Vì thế, cần đưa giáo huấn xã hội của Giáo Hội đến với mọi thành phần Dân Chúa để soi sáng và chỉ đường cho linh mục, tu sĩ và giáo dân thấy được các dấu chỉ thời đại, tích cực dấn thân cho công lý và hòa bình, xây dựng và bảo vệ môi trường sống tự nhiên và tinh thần đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, tích cực có mặt trong môi trường giáo dục và y tế, kinh tế và xã hội, truyền thông và văn hóa.

8. Tất cả các ý kiến của Công Nghị đã được ban thư ký tổng hợp thành những đề nghị và đệ trình Đức Hồng y Tổng Giám mục, để ngài cứu xét và đưa ra những quyết định hậu Công Nghị.

Chúng tôi tin rằng, Thiên Chúa sẽ hoàn tất mọi việc Ngài đã khởi sự trong Công Nghị này. Và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Công Nghị sẽ đem lại sức sống mới cho đời sống giáo phận, nếu chúng ta luôn hiệp thông với Thánh Thần và Giáo Hội, với nhau và với mọi người. Chúng ta hãy hân hoan ngợi khen Thiên Chúa "đã làm cho giáo phận bao việc kỳ diệu" mặc dầu chúng ta yếu kém và còn nhiều thiếu sót.

Chúng tôi chân thành cám ơn sự tích cực đóng góp ý kiến, hiệp thông cầu nguyện và hy sinh của cộng đoàn Dân Chúa trong toàn giáo phận từ nhiều tháng qua, đặc biệt trước và trong Công Nghị.

Nguyện xin Mẹ Maria giúp chúng ta "Xin Vâng" trước lời Thiên Chúa kêu gọi và "Xin Dâng" trước mọi thử thách của cuộc đời. Nguyện xin các thánh Tử Đạo Việt Nam cho chúng ta được can đảm làm chứng cho Tin Mừng tình thương và sự sống, trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Làm tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP. HCM, ngày 26.11.2011

Đã thông qua,                                                                
TM Ban Tổ Chức                                                            
GM Phêrô NGUYỄN VĂN KHẢM 

Trưởng ban Thư Ký
LM Phêrô NGUYỄN VĂN HIỀN

(WGPS)

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN (6)


Nhật ký Công nghị 26.11.2011 


Ngày Bế Mạc Công Nghị Giáo Phận


Công Nghị Giáo Phận TP.HCM đã bế mạc với một Thánh lễ truyền chức linh mục, được long trọng cử hành vào lúc 8g30 sáng thứ bảy 26.11.2011 tại Vương Cung Thánh Đường Sàigòn. Ba tiến chức hôm nay gồm có: hai Thầy thuộc Đại Chủng viện thánh Giuse là Giuse Nguyễn văn Khiêm và Martinô Bùi Huy Hòa; cùng với một Thầy thuộc Tu Đoàn Nhà Chúa là Đaminh Trần Quang Khải.

Khởi sự Thánh lễ, tiến lên từ cuối Nhà thờ là đoàn đồng tế, với 6 đại diện tu sĩ nam nữ, 6 đại diện giáo dân cùng Thánh giá nến cao dẫn đầu. Ðức Hồng y Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn chủ tế thánh lễ.


(WGPS)

THÁNH LỄ BẾ MẠC CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN

Thánh Lễ Bế Mạc Công Nghị Giáo Phận 2011 
và Phong chức Linh mục


Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã chủ tế Thánh lễ Bế Mạc Công Nghị Giáo Phận 2011 và Phong chức Linh mục tại Nhà Thờ Chánh Tòa Sài Gòn vào lúc 8 giờ 30 thứ Bảy 26/11/2011. Đồng tế với ngài có Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm và gần 200 linh mục, cùng với sự tham dự của các đại biểu Công nghị Giáo phận, các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh, thân nhân thân hữu của 3 tiến chức, và đông đảo giáo dân.

Khởi sự Thánh lễ, một đoàn rước - cung nghinh Sách Thánh - tiến lên từ cuối Nhà thờ. Lên tới cung thánh, trong lời nói đầu Thánh lễ, ĐHY đã mời gọi cộng đoàn tạ ơn Chúa và xin ơn đổi mới.

Sau phần Phụng Vụ Lời Chúa, nghi thức Phong Chức Linh Mục được cử hành.

Xem chi tiết >>

Xem hình ảnh thánh lễ >>

(WGPS)

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật I mùa Vọng năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 1 MÙA VỌNG B (Mc 13, 33-37)


Mời xem videoclip >>

KHAO KHÁT CHÚA


Mở đầu Mùa Vọng, Chúa Giêsu tha thiết kêu gọi chúng ta hãy “tỉnh thức và cầu nguyện”. "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc nào chủ về” (x.Mc 13, 33-37)

Mỗi người đang có một ước mơ, một khát vọng trong lòng. Có thể, không ai hiểu ai. Nhưng không ai sống mà không khát vọng. Đời người là một Mùa Vọng. Chỉ tiếc là, có những khát vọng làm cho con người ra ra hư đốn.

Chẳng hạn:
  • Có ai ngờ được người đang có quyền có tiền lại đang khát chia nhau một phần lợi lộc béo bở nếu cùng nhau toa rập bán được một lô đất ăn cắp. Họ bất chấp công lý, đạo đức, luật pháp, miễn là thỏa cơn khát quyền lực, cơn khát tài sản!
  •  Có ai ngờ được người đang có nhà cao cửa rộng, xe hơi bóng loáng lại khát đổi nhà đổi xe cho sang trọng hơn giữa những người vô gia cư, bất hạnh, què quặt… đang lê la cuộc đời trước mắt mình, dưới chân mình.
Hôm nay, được mời đi chơi với các đại gia, nhìn thấy người ta quá giàu có, sang trọng, tiêu xài thoải mái, vui chơi thỏa thích, em tôi nhắn về cho tôi tin nầy: “Khi người ta quá đầy đủ, còn nhớ đến Thiên Chúa nữa không?” Lặng đi mấy phút, tôi tạ ơn Chúa vì em đang nhớ đến Chúa giữa cuộc du lịch, giữa khu du lịch ĐN ồn ào, sôi động. Tôi trả lời: “Em lầm rồi, họ chưa đầy đủ đâu. Còn khát lắm. Ai biết?”.

  •  Có ai ngờ được người đang có một cuộc sống thiêng thánh lại khát những điều mê muội thấp hèn. Trong đó, có tôi, có bạn, có tất cả những Kitô hữu, không kể thành phần nào, vẫn không tránh khỏi nghiêng chiều về những thực tại thấp hèn, phù du, chóng vánh.
Tin mừng khai mạc Mùa Vọng nhắc nhớ cho chúng ta về khát vọng chính đáng nhất trong cuộc đời: Khát Chúa ngự trị trong căn nhà tâm hồn bé nhỏ, vì chỉ có Chúa mới làm cho chúng ta thỏa cơn khát vô biên.

“Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi an bình” (Tv 61)

Thánh Augustin : “Chúa là khát vọng của lòng tôi, tôi sẽ khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Chúa”.

Có thể nói đoạn sách của Isaia và Thánh Vịnh 79, đáp ca hôm nay đã để cho chúng ta mẫu gương Khát Chúa rất quí giá:

Dân Chúa tha thiết kêu xin: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống” (Is. 63) để phục hồi những gì đã tàn hoang, “xin Chúa thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình” (x. TV 79).

Khát vọng của Dân Chúa là một khát vọng chính đáng, một khát vọng thánh thiện: khát vọng Chúa nhìn xem, bảo vệ, củng cố công trình Ngài đã thiết lập: “vườn nho” Giáo Hội mà Chúa đã ươm trồng, “nhà cửa” linh hồn, thân xác, đức tin mà Chúa đã để lại cho chúng ta quản lý trông nom.

Như vậy,
  • Khát vọng chính đáng của chúng ta là khát vọng Chúa phục hồi con người chúng ta để sống đúng với danh nghĩa, với tư cách là con cái của Ngài mà chúng ta đã vì những khát vọng bất chính mà đánh mất.
  • Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng Chúa đến ngự giữa tâm hồn, giữa gia đình chúng ta, cộng đoàn chúng ta, để Ngài can thiệp vào đời sống chúng ta: nhìn xem, bảo vệ, củng cố Giáo Hội cơ bản của Ngài.
  •   Khát vọng chính đáng ấy, thiết tưởng,  không phải là khát vọng đối đầu thành công với thế lực gian tà của ma quỷ, nhưng là khát vọng làm chứng cho công lý cho sự thật, thức tỉnh những con người mê muội, cải tạo những con người bị ma quỷ giáo dục sớm nhận ra uy quyền của Thiên Chúa.
  • Khát vọng chính đáng ấy không phải là khát vọng Chúa sẽ ra tay đàn áp những người đàn áp, Chúa sẽ phỉ nhổ nhục mạ những người phỉ nhổ nhục mạ, Chúa sẽ xử luật rừng với người chơi luật rừng… nhưng là để Chúa phục hồi lại nhân phẩm tồi tệ của những con người kia cũng là con cái của Chúa, kẻo uổng công trình Chúa cứu chuộc.  
  • Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng nên công chính cho mình và cho mọi người, cho xã hội, cho đất nước, cho cả những người đang chìm ngập trong bất công, gian tà, bạo lực.
  • Khát vọng chính đáng ấy là khát vọng tỉnh thức trước những nguy cơ làm cho chúng ta xa cách Chúa, tỉnh thức trước nguy cơ Satan hóa bản thân, gia đình, đất nước chúng ta.
Để thực hiện được khát vọng chính đáng, “Khát Vọng Chúa”, khát vọng nên công chính, Thánh Phaolô kêu gọi chúng ta: dừng chân ngay những hành vi ám muội, bất chính; xóa bất công xây bình an trong lòng; mặc lấy khí giới ban sự sống; và sống công minh như giữa ban ngày. (x.Rm 13,1-14). Bởi vì, chúng ta đã và đang có những khát vọng bất chính rồi ra dững dưng ơ hờ trước lời kêu gào thống thiết với khát vọng chính đáng của dân Chúa khắp nơi nơi.

Biết không phải dễ dàng mà chúng ta buông bỏ những khát vọng bất chính, biết đôi khi khát vọng bất chính lại len lấn ẩn tàng ngay trong những hành vi tưởng như là công chính, cho nên, Thánh Phaolô lại khuyên chúng ta hãy dùng nguồn trợ lực quí giá là ân sủng của Thiên Chúa và yên tâm, kiên vững kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô: “Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến”. (1 Cr 1, 3-8)

Thiết nghĩ, khao khát Chúa, mỏi mòn khao khát Chúa, tuyệt đối khao khát Chúa, khát vọng nên công chính, khát khao hết hiệp với Chúa Giêsu, là biết tỉnh thức và cầu nguyện vậy.

Cụ Chu, người xướng kinh trong nhà thờ ở Gx tôi đã yếu liệt bỏ ăn bỏ thuốc cả tuần nay. Anh em đến thăm cụ và đọc kinh xin ơn chết lành. Sau giờ kinh, chuyện trò với cụ. Cụ vui vẻ nói “Xin Chúa đến rồi, mà mấy hôm nay Chúa bận quá. Để từ từ Chúa sắp xếp. Chờ thôi. Chắc thứ sáu”. Thiết nghĩ, cụ đã làm gương cho chúng tôi về việc tỉnh thức, cầu nguyện và sẵn sàng đón Chúa đến.

Lạy Chúa, xin cho chúng con tỉnh thức trước những nguy cơ xa cách Chúa và luôn biết khát khao kết hiệp với Chúa từng phút giây trong cuộc đời, để Chúa làm chủ mọi  ý tưởng, lời nói, việc làm của chúng con.

Nguyện xin Vị Tôi Tớ Chúa Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, Người đã luôn tỉnh thức cầu nguyện trong tù, phù hộ cho chúng con.  Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 24.11.2011


(thanhlinh.net)

NHẬT KÝ CÔNG NGHỊ GIÁO PHẬN (5)

Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (1)



 Ngày làm việc thứ năm: Phần 1

Sáng thứ Năm 25-11-2011, các tham dự viên của Công Nghị Giáo Phận tụ họp khá sớm để nộp Bản biểu quyết các đề nghị. Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền điều phối ngày làm việc.

Sau phần khởi động, toàn thể các tham dự viên Công Nghị Giáo Phận cùng cử hành giờ Kinh Sáng. Khác với những ngày làm việc trước, ngày cuối của Công Nghị Giáo Phận không tập trung ở những suy tư trên đầu óc, nhưng là lúc lắng nghe những cảm xúc của con tim. Chủ tọa đoàn hôm nay gồm có 5 vị: Đức Hồng Y và 4 vị Đại diện. Linh mục điều phối cho rằng có thể dùng 3 chữ T - Thẳng thắn, Thân thiện và Tình Thương - để mô tả bốn ngày làm việc vừa qua. Hôm nay các tham dự viên sẽ có cơ hội chia sẻ chân thành những cảm nhận của mình.

Nhật ký Công nghị Giáo phận 25.11.2011 (2)

 
Ngày làm việc thứ năm: Phần 2

Sau khi giải lao, các đại biểu đã trở lại Hội trường lúc 10g30. Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền giới thiệu một linh mục Giáo Phận Huế, đến tham dự công nghị với tư cách là quan sát viên. Đại diện Giáo Phận Huế diễn tả niềm vui được quan sát Công Nghị Giáo Phận Sài Gòn và ước mong có một Công Nghị cho tất cả các Linh mục vì thấy có nhiều vấn đề cần nêu lên.
Cha Giuse Đặng chí Lĩnh đại diện Ban thư ký đúc kết 4 ngày làm việc

• Ngày thứ nhất: Công Nghị đã nhấn mạnh về Lời Chúa trong đời sống cá nhân của người Kitô hữu, trong gia đình, cộng đoàn, trong giờ kinh tối, trong Phụng vụ, bài giảng của Linh mục, trong các hội đòan và dung giảng dạy Giáo lý cho các thành phần… Kế đến là tầm quan trọng của các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải như nền tảng của GH. Để thực hiện, tại gia đình là vai trò cha mẹ trong việc giáo dục đức tin cho con cái, không khoán trắng cho giáo xứ. Tại giáo xứ, cha sở lo tổ chức huấn luyện, giảng dạy, tổ chức các khóa học. Tại Giáo Phận, có chương trình chung giúp người khác học hiểu Lời Chúa… Cần thống nhất phương hướng hành động giữa các ban, cần liên kết hành động, đưa Lời Chúa vào đời sống. Lời Chúa chính là phương thế giúp mọi thành phần dân Chúa nối kết với nhau, vượt qua lối sống đạo theo thói quen.


(WGPS)

CÔNG NGHI GIÁO PHẬN SAIGON 2011 (6)

Công nghị Giáo phận TP.HCM ngày 25.11.2011: Bản tin 6


Ngày làm việc cuối cùng của Công nghị Giáo phận Tp.HCM đã diễn ra vào sáng nay, thứ Sáu 25/11/2011. Đúng 8g, các đại biểu đã có mặt đầy đủ tại hội trường GB Phạm Minh Mẫn thuộc Trung tâm Mục vụ, cùng nhau đọc Phụng vụ Kinh sáng.

Mở đầu buổi hội thảo, Lm Phêrô Nguyễn Văn Hiền hướng dẫn chương trình, giới thiệu chủ tọa đoàn gồm: Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Lm Phanxicô Xaviê Lê Văn Nhạc - đại diện giới Linh mục, Lm Tôma Phùng Bá Luận - đại diện giời Tu sĩ, Lm Giuse Đỗ Xuân Vinh - đại diện khối chuyên viên, và Chị Maria Trần Thị Nhan - đại diện khối giáo dân. Tiếp đến, Lm Phêrô đã đọc những ý kiến gửi đến Công nghị qua đường dây nóng.

Mời xem chi tiết >>

Mời xem hình ảnh >>

(WGPS)