HAI TRAN
Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012
TRANG XÂY DỰNG
Kính thưa quý độc giả khắp nơi và quý cộng đoàn.
Để kịp thời thông tin đến quý vị và cộng đoàn về tiến trình xây dựng nhà thờ mới. Kể từ hôm nay Thứ Ba ngày 06.3.2012, trang tin điện tử Giáo Xứ Thuận Phát mở thêm trang chuyên đề XÂY DỰNG. Rất mong quý độc giả và cộng đoàn cùng hiệp thông với Giáo Xứ Thuận Phát trong lời cầu nguyện xin Chúa cho công việc xây dựng Nhà Chúa tại Giáo Xứ Thuận Phát gặp được nhiều thuận lợi, an toàn và nhanh chóng hoàn thành.
Xin chân thành cám ơn quý độc giả và quý cộng đoàn.
thuanphat's blog
Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012
VIDEO THÁNH LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG THÁNH ĐƯỜNG GIÁO XỨ THUẬN PHÁT NGÀY 03-03-2012
Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Dựng Thánh Đường Giáo Xứ Thuận Phát do Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Saigon chủ tế và hơn 40 linh mục trong và ngoài Giáo Phận đồng tế diễn ra lúc 9 giờ 30 ngày 03.3.2012.
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần cuối.
Phần cuối.
Hữu Toàn.
Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2012
LỄ ĐẶT VIÊN ĐÁ ĐẦU TIÊN XÂY DỰNG NHÀ THỜ MỚI
Gx Thuận Phát : Lễ đặt viên đá đầu tiên
Ví như CHÚA chẳng xây nhà,
Thợ nề vất vả cũng là uổng công (Tv 127:1)
Thợ nề vất vả cũng là uổng công (Tv 127:1)
Mô hình nhà thờ mới |
TGP SAIGON – Gx Thuận Phát (còn gọi là nhà thờ Antôn) tọa lạc tại 253 Trần Xuân Soạn, P. Tân Kiểng, Q. 7, thuộc Giáo hạt Xóm Chiếu, TGP Saigon, được thành lập năm 1961, LM quản xứ tiên khởi là Antôn Đỗ Minh Độ. LM quản xứ hiện nay là Gioakim Lê Hậu Hán (sn 1969), cha sở thứ 4 của giáo xứ.
Nhà thờ được xây mới năm 1965, trùng tu nhà thờ năm 2000, nhưng số giáo dân và di dân ngày càng đông, nhà thờ không đủ đáp ứng nhu cầu phụng vụ. Do đó, được phép của giáo quyền, 9g30 sáng thứ Bảy, 3-3-2012, ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn đã chủ tế thánh lễ và nghi thức đặt viên đá đầu tiên – theo cách nói đời thường là “động thổ”.
Cùng đồng tế với ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn có hơn 40 linh mục trong và ngoài TGP Saigon. Có khoảng 1.000 người tham dự. Trong số quan khách có các vị đại diện của ban tôn giáo chính phủ, các vị đại diện của Tin Lành và Phật giáo.
ĐHY G.B. Phạm Minh Mẫn chia sẻ: “Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tôi mấy điều: (1) Thiên Chúa là sự sống, Thiên Chúa là tình yêu. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống, thì Ngài cũng ban cho chúng ta tình yêu. Đó là hạt giống. (2) Chúng ta phải làm sao? Chúng ta phải tìm đến tận gốc rễ yêu thương là Thiên Chúa. Chúa dạy chúng ta cách mến Chúa và yêu người, chúng ta phải thực hành tình yêu thương đó. Vì thiếu yêu thương mà thế giới có chiến tranh, có đổ máu. Chúng ta cần có ơn của Chúa Thánh Thần thì chúng ta mới có thể yêu thương nhau. Tạ ơn Chúa làm cho Gx Thuận Phát tiến triển. Xin Chúa luôn đồng hành, mở lòng chúng ta để chúng ta có thể đón nhận ty Chúa và chia sẻ yêu thương với mọi người”.
Phần nghi thức đặt viên đá đầu tiên, 3 mẹ con vị ân nhân cầm “viên đá nền tảng”, tiếp theo là các đại diện các gia đình trong xứ cầm viên đá có ghi tên gia trưởng. Như vậy, gia đình nào cũng được “ghi danh” trên bảng tri ân của giáo xứ khi nào nhà thờ hoàn thành.
Mọi người thuộc Gx Thuận Phát vui mừng phấn khởi không chỉ vì sắp sửa có ngôi nhà thờ mới, mà họ còn được tận hưởng một niềm vui thánh đức khác là giáo xứ đang còn dư âm mừng Năm Thánh 50 năm thành lập giáo xứ (1961-2011). Có một “nét mới” ở Gx Thuận Phát là chung quanh nhà thờ có những câu Kinh thánh được ghi trên các rèm của các mái che di động như: “Có thì nói có, không thì nói không” (Gc 5:12), “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:3), “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8),…
Những câu Kinh thánh ngắn gọn nhưng chắc hẳn có tác dụng tốt, vì hằng ngày giáo dân nhìn thấy sẽ dần dần thấm sâu vào tiềm thức để có thể phát sinh hành động.
Xây dựng nhà thờ là việc là rất tốn kém cả vật chất và thời gian, cần nhiều người hợp tác về nhân lực và tài chính. Thật may mắn cho Gx Thuận Phát khi có một vị ân nhân đặc biệt đã tình nguyện “nâng” cả ngôi thánh đường sắp xây dựng mới hoàn toàn này. Vị ân nhân đó là bà quả phụ Micae Bùi Văn Sáu, nhũ danh Luxia Nguyễn Thị Thanh.
Được biết tổng chi phí xây dựng nhà thờ mới là 32 tỷ đồng. Giáo dân Gx Thuận Phát vui vẻ “khoe” rằng: “Quả thật, đó là Hồng ân Thiên Chúa, vì Chúa đã gởi một vị ân nhân đến cho chúng tôi”.
Nhà thờ là nơi thánh, là Thánh đường, là Nhà Chúa, vì chính Thiên Chúa đã xác định: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56:7). Cầu mong cho việc xây dựng Nhà Chúa của Gx Thuận Phát được tốt đẹp “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi Ơn Chúa” (Kinh Sáng Soi).
PHÁI ĐOÀN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO XỨ THUẬN PHÁT 29-02-2012
Sau khi kết thúc Cuộc họp Vòng 3 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam–Vatican diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 tháng Hai 2012, Phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh đã vào Thành Phố HCM thăm Giáo Phận Saigon.
Vào lúc 20g00 ngày 29-02-2012 phái đoàn gồm có Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh; Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương thuộc Bộ Truyền Giáo đã được Đức Hồng Y Gioan Bt. Phạm Minh Mẫn Tổng Giám Mục TGP. Saigon hướng dẫn đến thăm Giáo xứ Thuận Phát, Quận 7.
AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT II MÙA CHAY NĂM B
Audio Thánh Lễ Chúa Nhật II mùa Chay năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng )
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Cuối Lễ có Chầu Mình Thánh Chúa ( Chúa Nhật đầu tháng )
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.
Hữu Toàn.
LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY B (Mc 9, 2-10)
NHÌN VÀO MẶT TỐT
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Khi Chúa Giê-su tỏ cho các môn đệ biết Người phải lên Giê-ru-sa-lem để chịu khổ hình và chịu chết, các môn đệ cảm thấy rúng động tâm hồn!
Không lẽ cuộc đời của Thầy Giê-su lại kết thúc bi đát đến thế ư?
Đã bao lần họ mơ tưởng đến một tương lai huy hoàng khi được ngồi bên tả, bên hữu vua Giê-su trong vương quốc vinh hiển của Người; lẽ nào giấc mộng vàng đó lại sớm tan thành mây khói? Nếu Chúa Giê-su mà còn phải chịu số phận oan nghiệt như thế thì số phận các ông rồi sẽ ra như thế nào đây?
Không chấp nhận viễn ảnh đen tối ấy, ông Phê-rô kéo riêng Chúa Giê-su ra và lên tiếng trách móc, tìm cách can gián để Người đừng đón nhận sứ mạng đau thương ấy (Mc 8, 32).
Để củng cố tinh thần các môn đệ đang sa sút trước tin chẳng lành vừa loan báo, “sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông … tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.”
Bấy giờ tinh thần ba môn đệ hết sức phấn chấn. “Ông Phê-rô thưa với Chúa Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”
“Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”
Thế là nhờ chứng kiến sự vinh hiển của Chúa Giê-su trong giờ phút vinh quang của Người trên núi cao, ít nữa có môn đệ Gioan vững bước theo Chúa Giê-su đến cùng trên đường khổ nạn.
Đời người có mặt tối và mặt sáng, có mặt tốt và mặt xấu, có mặt phải và mặt trái, có lúc phấn khởi vui tươi cũng có những lúc ủ dột ưu sầu.
Cuộc đời Chúa Giê-su cũng có mặt sáng mặt tối. Mặt tối là đêm vườn Dầu đau thương ảm đạm; mặt sáng là cuộc biến hình sáng láng trên núi cao. Nếu các môn đệ chỉ nhìn thấy mặt đen tối, mặt u ám của đêm vườn Dầu, lúc Chúa Giê-su bộc lộ nhân tính hèn yếu của mình, tỏ ra kinh khiếp hãi hùng trước cuộc khổ nạn sắp tới đến nỗi phải đổ mồ hôi máu và phải van lơn cầu khẩn với Chúa Cha xin cho khỏi uống chén đắng (Lc 22, 41-44)… mà không thấy được mặt sáng của Người trên núi cao thì các ông sẽ ngã lòng thất vọng. Và biết đâu, các vị đào tẩu hết, lấy ai làm nhân chứng cho biến cố phục sinh! Lấy ai loan báo Tin Mừng cứu độ?
Vì thế, Chúa Giê-su cho các ông thấy mặt sáng của Người trước, qua việc tỏ cho các ông thấy dung mạo sáng láng vinh hiển của Người, tỏ cho họ thấy Người là “Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha” để động viên tinh thần các ông khỏi sa sút, thất vọng trong đêm vườn Dầu sắp đến.
Ngôi nhà nào cũng có mặt trước mặt sau. Nếu người ta chỉ nhìn mặt sau tồi tàn của ngôi nhà mà không nhìn mặt tiền hoành tráng của nó, người ta sẽ thất vọng vì nó.
Tấm huy chương nào cũng có mặt trái mặt phải. Nếu chỉ biết mặt trái sần sùi của tấm huy chương mà không để mắt đến mặt phải vinh hạnh của nó, thì người ta sẽ xem thường nó.
Hoa hồng rất đẹp và kiêu sa nhưng cũng đầy gai. Nếu người ta chỉ chú trọng đến những gai nhọn của hoa hồng mà không để ý đến sắc hương tuyệt vời của nó thì hoa hồng chẳng còn gì hấp dẫn.
Đối với người anh em chung quanh cũng thế. Mỗi người đều có mặt sáng và mặt tối, mặt tốt và mặt xấu. Không ai hoàn toàn tốt, chẳng ai hoàn toàn xấu. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào mặt đen tối của một con người, mà quên đi mặt sáng của họ; nhìn vào nhược điểm mà quên đi ưu điểm, thì chúng ta sẽ rất thất vọng về người đó.
Sự kiện Chúa Giê-su tỏ cho ba môn đệ thân tín cảm nhận thời khắc vinh hiển của Người trên núi cao để chuẩn bị tinh thần các ông đương đầu với thời khắc đen tối của Người trong đêm vườn Dầu và đêm khổ nạn, là bài học cho chúng ta trong tương quan với người khác.
Nhờ ngắm nhìn cụm hoa hồng rực rỡ kiêu sa và thưởng thức hương thơm dịu dàng của nó, người ta quên đi những gai nhọn đáng phàn nàn của nó.
Ước gì chúng ta cũng biết nhìn vào điểm sáng, điểm tốt, vào ưu điểm của người khác để dễ dàng cảm thông với những mặt trái, mặt xấu của họ.
Nhờ đó, chúng ta cảm thấy những người quanh dễ thương hơn; tương quan của ta với người khác được cải thiện tốt hơn và đời sống giữa chúng ta với nhau sẽ hạnh phúc hơn.
(tinmung.net)
Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012
PHÁI ĐOÀN TOÀ THÁNH THĂM GIÁO HỘI VIỆT NAM
Phái đoàn Tòa Thánh thăm Giáo Hội Việt Nam
WHĐ (02.03.2012) – Nhân dịp đến Việt Nam tham dự Cuộc họp Vòng 3 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam–Vatican diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 tháng Hai 2012, Phái đoàn ngoại giao Tòa Thánh – gồm Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng ngoại giao Tòa Thánh; Đức ông Phanxicô Xaviê Cao Minh Dung thuộc Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh và Đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương thuộc Bộ Truyền Giáo – đã đến thăm một số cơ sở Giáo Hội Công giáo tại Tổng giáo phận Hà Nội và giáo tỉnh Sài Gòn.
Sau khi kết thúc cuộc họp với Phái đoàn Việt Nam, chiều thứ Ba 28 tháng Hai, Phái đoàn Tòa Thánh cùng với Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli – Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam – đã đến thăm Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội.
Đúng 17g00, Phái đoàn tới Đại chủng viện trong sự tiếp đón nồng hậu của Đức cha giám đốc Laurensô, quý cha và các chủng sinh thuộc các lớp thần I, thần II, thần III. Sau khi hướng dẫn Phái đoàn đến viếng Mình Thánh Chúa tại Nguyện đường cùng với gia đình Đại chủng viện, cha Giám học Phêrô Đặng Xuân Thành ngỏ lời chào mừng Phái đoàn.
Tiếp theo, trong bài chia sẻ, Đức ông Ettore Balestrero nói về việc đào tạo các ứng sinh linh mục tại chủng viện. Ngài nhắn nhủ các chủng sinh cố gắng tu luyện, học tập để nên đồng hình dạng với Đức Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành. Ngài cũng khuyến khích mọi người noi gương Mẹ Maria, cầu xin Mẹ huấn luyện mỗi người biết yêu sự khó nghèo, sống nghèo như Chúa Giêsu, để phục vụ và đem Tin Mừng đến cho anh em mình, như lời Đức Giêsu dạy: “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”. Sau cùng, ngài chúc mọi người Mùa Chay thánh thiện, và mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn Cuộc viếng thăm của Phái đoàn kết thúc trong tâm tình tạ ơn với bài hát “Tán tụng hồng ân”.
Trưa thứ Tư 29 tháng Hai, Phái đoàn Tòa Thánh đã đáp máy bay vào Thành Phố Hồ Chí Minh. Phái đoàn đã đến gặp Đức hồng y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn tại Tòa Tổng Giám mục TP.HCM và dùng cơm trưa tại đây. Vào buổi chiều, Phái đoàn được Đức hồng y hướng dẫn đi thăm một số cơ sở của TGP.TPHCM.
Trước hết, lúc 16g10, Phái đoàn đến Vương cung Thánh đường Sài Gòn. Đức ông Ettore Balestrero đã nói lên niềm phấn khởi được đến thăm ngôi nhà thờ đặc biệt này, nơi đã nuôi dưỡng niềm tin của tín hữu thành phố và cũng là nơi mà trước đây cha mẹ của ngài đã từng được tham dự phụng vụ.
16g45, khi đến thăm Tu viện Thánh Phaolô thành Chartres, Phái đoàn đã rất cảm động ngắm nhìn ngôi nhà nguyện là công trình của ông Nguyễn Trường Tộ, và tham quan ngôi nhà truyền thống rất độc đáo của Tu viện.
17g20, Phái đoàn tiếp xúc với cộng đoàn nữ tu Dòng Kín tại Tu viện Cát Minh Sài Gòn. Vị Thứ trưởng Tòa Thánh rất vui được chiêm ngắm “lá phổi” của Giáo Hội Việt Nam và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đào tạo tại đây.
17g50, Phái đoàn đến thăm Đại chủng viện Thánh Giuse, thăm Nhà Truyền Thống Giáo phận, và gặp gỡ các linh mục ở Trung tâm Mục vụ, chia sẻ mối ưu tư về việc giáo dục đức tin trước những thách đố của thời đại.
18g30, khi được chào đón tại nhà cơm chủng viện, Đức ông thứ trưởng đã khuyên các chủng sinh hãy nhận Đức Kitô và Thánh giá Chúa như là niềm vui đích thực của đời mình.
20g00, Phái đoàn đến Nhà thờ Thuận Phát, tại đây, Đức ông Balestrero nhắc nhở mọi người hãy luôn là chứng nhân của niềm tin và tình thương trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
20g35, khi đến thăm trường Sao Việt, Phái đoàn hân hoan lắng nghe những nỗ lực rất đặc biệt của Ban Giám hiệu trong công tác giáo dục.
21g15, đi ngang qua mảnh đất của nhà thờ An Phú, Phú Mỹ Hưng, Phái đoàn đã dâng lời cầu nguyện cho công trình xây dựng ngôi nhà thờ này được sớm hoàn tất.
Lúc 21g30 Phái đoàn đã đến thăm Trường Mầm Non Mỹ Phước cùng với ngôi nhà nguyện nhỏ bé ấm cúng tại đây, kết thúc một ngày thật bận rộn.
Sáng thứ Năm 01 tháng Ba, sau khi dâng lễ tại ngôi nhà nguyện cổ xưa nhất của Thành phố nằm trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục, Phái đoàn đã lên đường đi thăm Tòa Giám mục và Chủng viện Xuân Lộc.
Khoảng 10g00, Phái đoàn tới Tòa Giám mục Xuân Lộc.
Mầu nhiệm hiệp thông thể hiện thật rõ nét khi đón tiếp Phái đoàn Tòa Thánh tại hội trường. Đức ông Thứ trưởng đã bày tỏ cảm xúc trước tâm tình nồng hậu và đặc biệt tâm tình thảo kính hiệp thông trọn vẹn của người tín hữu Việt Nam với Đức Thánh Cha và Hội Thánh toàn cầu. Ngài đề cập đến đặc tính phổ quát của Đức Thánh Cha. Khi Đức Thánh cha ban huấn từ tại Rôma cũng là dành cho toàn thế giới và khi ngài ngỏ lời cảm thông thương mến cho Hội Thánh tại châu Phi thì cũng là cho Hội Thánh tại Xuân Lộc. Đức ông tiếp tục chia sẻ suy tư tâm huyết của Ngài về mầu nhiệm Hội Thánh, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là những chi thể. Dù ở đâu hay làm gì, trong ơn gọi bậc sống của mình, chúng ta biểu lộ vẻ đẹp và sức sống của Chúa. Càng nhiều chi thể thánh thiện, càng biểu lộ tình yêu cao cả của Thiên Chúa và hấp dẫn anh em chưa nhận biết Thiên Chúa về cùng Người và bước vào Hội thánh.
Sau đó, Phái đoàn đã sang thăm Đại chủng viện. Sau khi viếng Thánh Thể, Phái đoàn gặp gỡ thân tình với các chủng sinh và tu sinh. Một đại diện chủng sinh và tu sinh phát biểu chào mừng Phái đoàn Tòa Thánh, bày tỏ niềm vui như đang được sống trong vòng tay yêu thương của Đức Thánh Cha và cảm nhận niềm khích lệ to lớn cho đời dâng hiến của mình.
Phái đoàn Tòa Thánh đã dùng cơm trưa tại Tòa Giám mục Xuân Lộc và về lại TP.HCM trong buổi chiều cùng ngày.
Lúc 16g00, Phái đoàn gặp gỡ các Giám mục của Giáo tỉnh Sài Gòn tại Tòa Tổng Giám mục TGP.TPHCM. Sau bữa cơm chiều, Phái đoàn đã rời Tòa Tổng Giám mục lúc 18g30 để ra sân bay Tân Sơn Nhất trở về Rôma.
(WHĐ)
Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012
THÁNG KÍNH THÁNH GIUSE
Tháng 3 : Tháng kính Thánh Giuse
Ý chung: Cầu cho nữ giới. Xin Chúa cho thế giới nhận biết sự đóng góp của phụ nữ trong việc phát triển xã hội.
Ý truyền giáo: Cầu cho các Kitô hữu bị bách hại. Xin Chúa Thánh Thần ban sức chịu đựng cho những người bị phân biệt đối xử, bị ngược đãi, hoặc phải chết vì Danh Chúa Kitô, nhất là ở Á châu.
Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo dành riêng tháng Ba để tôn kính Đức Thánh Giuse, Phu quân của Đức Trinh nữ Maria và Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Đặc biệt là những người cha nên phát triển lòng sùng kính Đức Thánh Giuse, vì chính Đức Thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn để chăm sóc Chúa Con. Các kinh nguyện nên kết hợp với lời cầu xin cùng Đức Thánh Giuse, đặc biệt trong tháng Ba này.
Kinh cầu này đã được Thánh GH Piô X (1903-1914) phê chuẩn, cho thấy lòng sùng kính Đức Thánh Giuse được phát triển từ thế kỷ XX. Có nhiều phép lạ và nhiều danh xưng dành cho Đức Thánh Giuse, điều đó nhắc chúng ta rằng Dưỡng phụ của Chúa Giêsu là mẫu gương hoàn hảo về đời sống Kitô giáo. Như các kinh cầu khác, Kinh cầu Ông Thánh Giuse được làm ra để đọc chung, nhưng vẫn có thể đọc riêng. Trong đó dùng nhiều tôn danh và nói đến nhiều nhân đức của vị thánh “không nói, làm nhiều” này.
Chân phước GH Gioan XXIII (1958-1963) cũng yêu mến Đức Thánh Giuse và đã soạn một kinh dâng những người lao động cho ngài, vì ngài là một người lao động bằng nghề thợ mộc, tuy nghèo nhưng chân chính. Vì thế, ngài là thánh bổn mạng của giới lao động và là Đấng bảo trợ những vụ khó khăn, đặc biệt là bầu cử cho chúng ta trong cơn hấp hối. Là người “chống mũi chịu sào” đưa Thánh Gia vượt qua mọi giông tố cuộc đời, ngài còn là mẫu gương về đức khiết tịnh – Nhánh Huệ Nước Trời.
Chúng ta không biết nhiều về ngài. Có lẽ ngài quá khiêm nhường, không hề nói gì, sử sách cũng không ghi chép gì nhiều về ngài. Chúng ta chỉ có thể thấy “bóng dáng” ngài trong Phúc âm: Phu quân của Đức Trinh nữ Maria và Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Kinh thánh tôn vinh ngài là “người công chính”, và Giáo hội đã hướng về ngài để xin ngài bảo trợ. Trong Tông thư Quamquam Pluries(Về lòng sùng kính Đức Thánh Giuse)năm 1889,ĐGH Leo XIII giải thích lý do chúng ta đặt niềm tín thác vào Đức Thánh Giuse:
“Khi trao Đức Mẹ cho Đức Thánh Giuse để làm Hiền thê, Thiên Chúa không chỉ đặt ngài làm bạn đời của Đức Mẹ, mà còn làm nhân chứng cho sự trinh khiết của Đức Mẹ, bảo vệ danh dự của Đức Mẹ, đồng thời thể hiện nhân đức trong hệ lụy hôn nhân và tham dự vào phẩm giá tuyệt vời của Đức Mẹ. Đức Thánh Giuse quan tâm chăm sóc mọi nhu cầu của gia đình tại Nadarét và bảo vệ gia đình ấy, ngày nay ngài sẽ phủ áo choàng bảo vệ của ngài để bảo vệ Giáo hội của Chúa Giêsu”.
Một trăm năm sau, ĐGH Gioan Phaolô II đã tiếp bước vị tiền nhiệm bằng cách công bố Tông huấn Redemptoris Custos (Người Chăm Nom Đấng Cứu Thế) vào ngày 15-8-1989, với hy vọng rằng mọi người có thể phát triển lòng sùng kính Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ. Ngài bảo trợ nhiều người, nhiều thứ. Ngài bảo trợ những người hấp hối vì Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã ở bên ngài khi ngài hấp hối. Ngài cũng là bổn mạng các gia trưởng, các thợ thuyền, và những người hoạt động vì công bình xã hội. Nhiều dòng tu cũng tôn ngài làm Đấng bảo trợ đời sống tu trì.
Giáo hội khuyến khích chúng ta sùng kính Đức Thánh Giuse vì ngài là mẫu gương anh dũng trong việc thực hành các nhân đức. Đọc Phúc âm chúng ta có thể thấy đức tin, đức cậy và đức ái của ngài trong những hoàn cảnh khó khăn. Ngài cẩn trọng khi chăm sóc vợ con, ngài tỏ ra có tài lãnh đạo khi bảo vệ và giúp đỡ vợ con. Ngài đạo đức, tinh tế và chân thật. Ngài công chính khi đối xử với Thiên Chúa và con người, đồng thời nổi bật về sức chịu đựng và can đảm, đặc biệt về đức khiết tịnh. Ngài còn bảo vệ và bênh vực nhân đức của Đức Mẹ khi còn đang thời gian đính hôn và khi sống đời hôn nhân. Cả hai đều khấn giữ đồng trinh vì Chúa, đám chìm trong tình yêu Thiên Chúa. Thời gian trôi qua, Giáo hội minh định rằng Đức Thánh Giuse không chỉ là thánh nhân đối với một số người mà ngài còn giúp đỡ mọi người (Cuốn St. Joseph: a Theological Introduction của Michael D. Griffin, Dòng kín Camêlô). Từ cuối thế kỷ XIX, người ta còn có cách sùng kính ngài bằng phong trào đạo đức là Bảy Ngày Thứ Tư.
Lễ trọng mừng Đức Thánh Giuse (19-3) rơi vào Mùa Chay, khi Giáo hội tập trung vào việc chuẩn bị kính nhớ Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô. Phụng vụ muốn mọi người nhận biết tầm quan trọng của ý nghĩa Mùa Chay, do đó việc sùng kính Đức Thánh Giuse trong tháng Ba nhằm khuyến khích mọi người noi gương sống thánh thiện của ngài nhiều hơn theo tinh thần Mùa Chay.
Tháng Ba nhắc nhở chúng ta điều quan trọng:“Hãy đến cùng Giuse – Ite ad Joseph” (St 41:55). Thánh nữ Têrêsa Avila (Tiến sĩ Giáo hội) cũng nhắc nhở: “Tôi xin Đức Thánh Giuse cái gì cũng được. Ai không tin, hãy thử mà xem”.
Lạy Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết kính yêu ông bà và cha mẹ như Chúa Giêsu đã sống hiếu thảo với Đức Mẹ và Đức Thánh Giuse, xin giúp chúng con biết noi gương Đức Thánh Giuse là can đảm sống ngay chính trong mọi hoàn cảnh và không ngừng canh tân đời sống. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(gpphanthiet.com)
THÔNG CÁO CHUNG VỀ HỌP VÒNG 3 VIỆT NAM - TOÀ THÁNH
Thông cáo chung của Phái đoàn Việt Nam và Phái đoàn Tòa Thánh
về Cuộc họp Vòng 3 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh
Họp vòng 3 Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Tòa Thánh –- Ảnh: TTXVN |
WHĐ (29.02.2012) / VATICAN RADIO – Các giới chức của Tòa Thánh và của chính phủ Việt Nam đã kết thúc cuộc họp hai ngày vào thứ Ba 28-02-2012. Tại cuộc họp, Tòa Thánh bày tỏ mong muốn tăng cường và mở rộng vai trò và sứ vụ của mình để củng cố mối dây liên kết giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, cũng như mong muốn phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh.. Kết thúc cuộc họp, hai bên nhận định rằng quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh đã đạt được những phát triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ.
Sau đây là toàn văn Thông cáo chung:
Thông cáo chung về Cuộc họp Vòng 3
của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh
(Hà Nội, 27-28 tháng Hai 2012)
Như đã thỏa thuận tại cuộc họp Vòng 2 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh tại Vatican (tháng Sáu 2010), cuộc họp Vòng 3 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh đã diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 và 28 tháng Hai 2012. Hai vị đồng chủ trì cuộc họp là Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Việt Nam, và Đức ông Ettore Balestrero, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Tòa Thánh.
Hai bên đã xem xét những vấn đề quốc tế, thông báo cho nhau về tình hình mỗi bên, điểm lại những tiến bộ trong quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh từ sau cuộc họp Vòng 2 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh, và thảo luận về những vấn đề liên quan tới Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.
Phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh rằng Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng và tôn giáo của người dân; khuyến khích Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam tham gia tích cực và thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, kinh tế và xã hội hiện nay.
Về phần mình, Phái đoàn Tòa Thánh ghi nhận những quan điểm đó và bày tỏ sự trân trọng mối quan tâm của chính quyền đối với hoạt động của Giáo Hội Công giáo, đặc biệt trong việc cử hành Năm Thánh 2010, và trong các cuộc viếng thăm mục vụ của vị Đại diện không thường trú, Tổng giám mục Leopoldo Girelli.
Tòa Thánh bày tỏ mong muốn tăng cường và mở rộng vai trò và sứ vụ của mình để củng cố mối dây liên kết giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, cũng như mong muốn phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh.
Cả hai bên đã đồng ý tạo điều kiện cho Tổng giám mục Girelli thi hành tốt hơn sứ vụ của mình.
Ngoài ra, cả hai bên đã nhắc lại giáo huấn của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI về việc sống Phúc Âm giữa dân tộc, và những lập trường của ngài về việc là một người Công giáo tốt và là một công dân tốt; nhấn mạnh cần tiếp tục có sự hợp tác giữa Giáo Hội Công giáo và chính quyền, để thực thi những giáo huấn ấy một cách cụ thể và thiết thực trong mọi hoạt động.
Hai bên nhận định rằng quan hệ Việt Nam – Tòa Thánh đã đạt được những phát triển tích cực dựa trên căn bản thiện chí và đối thoại xây dựng, cũng như tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ.
Cuộc họp đã diễn ra trong bầu khí thân mật, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau.
Hai bên đã thỏa thuận cuộc họp Vòng 4 của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Tòa Thánh sẽ tiến hành tại Vatican. Thời gian của cuộc họp sẽ được ấn định qua các kênh ngoại giao.
Nhân dịp viếng thăm Việt Nam, Phái đoàn Tòa Thánh đã đến thăm xã giao Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thanh Xuân, thăm Bệnh viện Nhi quốc gia, nơi đang hợp tác với Bệnh viện Bambino Gesù (Chúa Hài Đồng Giêsu) của Tòa Thánh tại Roma, cũng như một số cơ sở Công giáo tại Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, và giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai.
(WHĐ)
Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)