Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

HÌNH ẢNH XÂY DỰNG NHÀ THỜ MỚI - DI DỜI TƯỢNG THÁNH ANTÔN.


13 giờ 30 ngày thứ bảy 24-3-2012 đã tổ chức di dời Tượng Thánh Antôn trên nóc nhà thờ xuống và chuyển vào Cung Thánh ( tạm thời ). Được biết sau khi xây dựng chân đài tại khu vực nhà thờ tạm xong, sẽ đặt Tượng Thánh Antôn ngay trước nhà thờ tạm.

Hữu Toàn.

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 31

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI THỨ 31

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

MỪNG BỔN MẠNG GIÁO HỌ THÁNH GIUSE 19.3.2012


Thứ Hai 19.3.2012, Mừng Kính Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria. Tại Giáo xứ Thuận Phát là ngày cử hành Năm Thánh 50 Năm thành lập Giáo xứ, Mừng Bổn Mạng và cầu nguyện cho Giáo Họ Thánh Giuse, một trong 8 Giáo họ của Giáo xứ. Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Giuse đã phối hợp cùng với HĐMV.GX tổ chức Mừng Năm Thánh và Bổn Mạng Giáo họ rất long trọng và sốt sắng.

- 17g20 chương trình được bắt đầu bằng cuộc Rước Kiệu cung nghinh Thánh Giuse chung quanh nhà thờ do Cha Chánh xứ chủ sự, trước khi hiệp dâng Thánh Lễ.

Trong Thánh Lễ, Giáo họ Thánh Giuse đã tổ chức Dâng Lễ Vật với tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa, qua lời cầu bàu của Thánh Cả, đã thương ban cho Giáo xứ, cách riêng là cho cộng đoàn Giáo họ được luôn mạnh khoẻ và bình an trong suốt năm qua.

Cuối Thánh Lễ Cha Chánh Xứ ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo họ Thánh Giuse, Quý Sơ Dòng MTG, (Dòng nhận Thánh Giuse làm Quan Thầy) các ông, các anh và các cháu đã nhận Thánh Giuse làm Quan Thầy. Sau lời chúc mừng của Cha Chánh xứ là một tràng pháo tay thật giòn của cả cộng đoàn hiện diện.

Kết thúc Thánh Lễ, Cha Chánh xứ chụp hình lưu niệm với cộng đoàn giáo họ Thánh Giuse. 

- 19g30, được sự giúp đỡ của Sơ Bề trên và Quý Sơ cộng đoàn Mến Thánh Giá Thuận Phát, đông đảo giáo dân của Giáo họ Thánh Giuse và các giáo họ khác đã cùng với Cha Chánh xứ dâng giờ kinh Kính Thánh Giuse tại Đài Thánh Giuse trong khuôn viên tu viện (tu viện toạ lạc trên địa bàn Giáo họ Thánh Giuse).

Hữu Toàn.

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

THÁNH GIUSE 19.3

19 Tháng 3
THÁNH GIUSE
BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA

Thánh Giuse - Bóng thái sơn
Jos Tạ duy Tuyền
Một người phú hộ giàu có nọ, khi đến tuổi già yếu, biết mình đã gần đất xa trời, ông liền gọi những người mắc nợ đến để yêu cầu thanh toán nợ nần. Ông phán bảo những con nợ rằng: nếu các ngươi không thể trả nợ cho ta ở đời này thì các ngươi phải cam kết thề hứa một cách trọng thể là sẽ hoàn trả các món nợ của các ngươi ở kiếp sau, ta sẽ đốt hết các tờ khế ước mà các ngươi đã ký kết với ta. Nghe vậy, người thứ nhất mắc nợ ông 10 lượng vàng đến qùy gối thưa:

- Thưa ông, trong kiếp sau con hứa trả nợ cho ông bằng cách làm con ngựa để ông cưỡi lên và con sẽ đưa ông đi bất cứ nơi nào ông muốn.

Người thứ hai mắc nợ ông 100 lượng vàng cũng đến qùy gối và thưa:

- Thưa ông, trong kiếp sau con xin chấp nhận làm trâu kéo cày, kéo xe chở đồ cho ông để hoàn trả món nợ đời này.

Người phú hộ ưng nhận lời hứa của hai người này và bằng lòng đốt tờ khế ước xóa nợ cho họ.

Sau cùng, người thứ ba với món nợ cũng rất khổng lồ là 1000 lượng vàng cũng đến qùy gối trước mặt ông và thưa:

- Thưa ông, để hoàn trả món nợ khổng lồ của con với ông từ trước đến nay, kiếp sau con sẽ làm cha của ông.

Nghe vậy, người phú hộ tức giận, ông truyền đem roi sắt đến đánh cho một trận nhừ tử vì tội vô lễ và bất kính, nhưng người này bình tĩnh giơ tay ngăn cản người phú hộ và xin được phân trần sự việc. Ông nói:

- Thưa ông, con vốn biết món nợ của con lớn lao lắm, cho dù kiếp sau con có làm thân trâu ngựa cũng không đủ trả nợ cho ông, nhưng con sẵn sàng làm cha của ông, vì chắc hẳn ông cũng quá rõ trách nhiệm nặng nề của cha mẹ đối với con cái mình. Con sẽ làm việc ngày đêm để lo cơm ăn áo mặc cho ông. Con sẽ che chở cho ông như cha mẹ che chở đứa con thơ và chăm sóc ông những khi ông đau ốm cho tới tuổi già, con sẽ không ngại bao gian khó hy sinh nào, cho dù có phải hy sinh tính mạng để ông được no ấm và không thiếu thốn gì, và khi chết, con sẽ để lại cho ông tất cả gia tài mà con đã thu tích được với sức lao động và mồ hôi nước mắt của con. Ông thử nghĩ xem đó có phải là cách đẹp nhất để con trả món nợ khổng lồ kia cho ông sao?

Người giàu có lim dim đôi mắt trầm tư lắng nghe. Một lúc sau ông gật gù mỉm cười rồi đứng dậy đốt bỏ khế ước, tha món nợ khổng lồ của hắn như đã tha cho hai người trước.

Câu chuyện trên đây phản ánh phần nào về tình yêu và trách nhiệm của người cha trong gia đình. Khi con còn thơ "cha là con ngựa con cỡi con chơi", và khi con đã khôn lớn cha là chỗ dựa vững chắc cho con niềm tin, nghị lực dấn thân vào đời. Tình cha thật ấm áp, thật thân thương trìu mến. Tình cha là một tình yêu không thể thiếu cho con cái sự tự tin, tính ngay thẳng để bước đi trong cuộc đời như lời bài hát "Tình cha" đã diễn tả:

Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương
Ngọt ngào như dòng nước tuôn đầu nguồn
Suốt đời vì con gian nan,
Ân tình đậm sâu bao nhiêu, Cha hỡi Cha già dấu yêu

Và con nhớ mãi những ngày tháng qua
Kỷ niệm năm nào khó phai trong lòng
Nhớ hoài tuổi thơ bên Cha, gian khổ ngày đêm chăm lo
Mong muốn con được lớn khôn

Còn nhớ những ngày ấy, những đêm trường giá lạnh
Và Cha nằm ôm con sưởi ấm những canh dài
Nhè nhẹ hôn con và Cha khẽ nói: Này con yêu ơi...
Con hãy nhớ.. hãy nhớ... lời Cha sống cho nên người

và con hãy chớ bao giờ dối gian
Nghèo thì cho sạch rách sao cho thơm!
Những lời của Cha năm xưa
Con nguyện ghi sâu trong tim
Cha hỡi Cha già dấu yêu...

Vâng, chấp nhận trở nên người cha, người mẹ của ai là như tự gánh lấy cho mình một món nợ khổng lồ mà chỉ có thể hoàn trả đầy đủ bằng tình thương mà thôi. Thật vậy, tình thương của người cha là tình thương không tiền bạc nào có thể mua được. Nó là thứ tình thương chân thật và sâu xa, là phản ánh tình thương bao la của Thiên Chúa với nhân loại. Cho đi cách nhưng không và không mong được đền ơn báo đáp.

Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội tôn vinh một người cha trong gia đình là Cha Thánh Giuse. Ngài đã trở thành mẫu gương cho tấm lòng của một người cha luôn dấn thân cách dứt khoát, không nề quản gian nan để bảo vệ gia đình và giúp gia đình vượt qua những sóng gió nghi nan. Ngài luôn bình tâm trước mọi biến cố thăng trầm của dòng đời. Ngài luôn can trường để vượt qua mọi gian nan khốn khó. Ngài không chùn bước trước khó khăn và nhất là luôn đón nhận thánh ý Chúa với niềm tin yêu phó thác và cậy trông.

Nhìn vào cuộc đời của Ngài, có lẽ Ngài là một người cha đầy bôn ba, đầy vất vả. Ngài đã phải dẫn dắt gia đình đi qua biết bao sóng gió nguy nan ùa tới như muốn nhận chìm gia đình. Sự khốn khó nguy nan đã khởi sự từ ngày Con Thiên Chúa hạ sinh. Thánh Giuse đã phải đối phó với biết bao cực nhọc. Từ việc bôn ba tìm kiếm quán trọ cho mẹ con hài nhi. Rồi đưa vợ con trốn chạy sang Ai Cập. Nơi đất khách quê người Ngài đã phải vật lộn với miếng cơm manh áo từng ngày cho gia đình. Thế nhưng, Ngài đã vượt qua tất cả. Ngài vẫn mãi mãi là chỗ dựa vững chắc cho gia đình thánh gia. Ngài đã chu toàn bổn phận một gia trưởng trong gia đình đầy khó khăn, với những sóng gió tư bề. Vì thế, cuộc đời của Ngài thực sự là một mẫu gương cho các người cha. Một người cha không sợ nghi nan, không thoái thác trách nhiệm nhưng luôn là điểm tựa cho gia đình được yên vui và hạnh phúc.

Và có lẽ, cuộc đời hôm nay vẫn rất cần những con người như Cha Thánh Giuse. Một người cha để bảo vệ gia đình khỏi những sự tấn công của tục hoá đang làm băng hoại luân lý gia đình và xã hội. Một người cha có trách nhiệm để mang lại cho vợ con điểm tựa của cuộc sống. Một người cha dám quên đi hạnh phúc riêng của mình để mang lại an cư lạc nghiệp cho gia đình. Một người cha biết tuân phục thánh ý Chúa để nêu gương sống đạo cho con cái. Một người Cha dám chấp nhận mọi đắng cay, cực khổ để mong mỏi đàn con có được cơm no áo ấm và được che chở như trong câu ca dao:

"Còn Cha gót đỏ như son
Ðến khi Cha mất, gót con dính bùn"

Ước mong cho các người cha trong giáo xứ chúng ta luôn biết noi gương thánh Giuse để trở thành chỗ dựa cho đàn con. Ước gì tình thương và tấm lòng của mọi người làm cha đểu được con cái tôn vinh:

Cha là núi cả trên cao
Cho con sỏi đá đi vào trần gian
Cha là nghiêm khắc vô vàn
Cho con chân cứng đá mềm trường chinh

Chính tình cha vững bền như thế mà đạo làm con luôn dạy phải khắc ghi trong lòng:

"Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Amen

(tinmung.net)
 

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 28


40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI THỨ 28

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM B

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật IV mùa Chay năm B.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 27

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY B (Ga 3, 14-21)



YÊU CHÚA

Sưu tầm
Chúa Giêsu dùng hình ảnh con rắn đồng để ám chỉ về cái chết cứu chuộc của Ngài. Con rắn đồng là gì? Đây là một câu chuyện thời xưa được Chúa nhắc lại, khi dân Do Thái lang thang trong sa mạc trên đường về Đất Hứa, họ đã nhiều lần kêu trách Chúa, họ nói rằng: tại sao lại đưa họ vào sa mạc để họ phải khổ như thế này? Số người Do Thái lúc đầu ra khỏi Ai Cập khoảng hơn hai triệu người, con số không phải nhỏ bé, họ được Chúa ban manna ăn mỗi ngày, nhưng rồi họ cũng chán ngán, họ phàn nàn: chẳng có gì vui, chẳng có gì ngon, chỉ có mỗi manna chán ngắt. Khi họ kêu trách Chúa như vậy tức là họ bày tỏ một tấm lòng hết tin tưởng, họ muốn quay trở về với kiếp nô lệ để được ăn củ hành củ tỏi, họ đã mất niềm tin vào Chúa. Có lần Chúa đã cho rắn lửa xuất hiện khắp nơi và cắn chết nhiều người, khi đó họ mới nhớ ra tội mình bội tín, bất trung với Chúa, họ ăn năn và cầu cứu với ông Môsê xin Chúa tha thứ. Chúa động lòng thương bảo ông Môsê làm một con rắn bằng đồng treo lên cây cao, để bất cứ ai bị rắn lửa cắn, nhìn lên con rắn đồng này thì được cứu sống.

Thật ra con rắn đồng kia chỉ là một thứ kim loại vô tri vô giác, tự nó không có khả năng hay quyền hành gì để cứu giúp người ta lúc ấy, yếu tố cứu giúp người ta chính là đức tin. Việc nhìn vào con rắn đồng kia là biểu hiệu một lòng tin vào Thiên Chúa, niềm tin từ bên trong phát ra bên ngoài bằng cái nhìn, nhờ đức tin mà Chúa đã cứu họ. Và đó là ý nghĩa của câu Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Ngày xưa, Môsê treo con rắn đồng thế nào thì Con Người sẽ bị treo lên như thế, để nhờ đó những ai tin nhận sẽ được cứu rỗi”. Nói vậy là Chúa có ý ám chỉ cái chết của Ngài, Ngài sẽ chết cách nào, Ngài sẽ bị treo lên thập giá để chuộc tội cho nhân loại.

Nói rõ hơn, ngày xưa, dân Do Thái muốn được khỏi bệnh rắn cắn thì nhìn lên rắn đồng, còn ngày nay, chúng ta muốn khỏi bị trầm luân, hư mất đời đời thì chúng ta cần tin vào Chúa Giêsu, nhận cái chết chuộc tội của Ngài, để Ngài đem hạnh phúc trường sinh cho. Nói như vậy là để chúng ta ý thức tình trạng tội lỗi của mình, nếu chúng ta không biết mình là người có tội, là người phải cần tới Chúa, thì cái chết của Chúa cũng giống như bao nhiêu cái chết khác, không liên quan gì đến mình, hay cùng lắm chúng ta coi cái chết của Ngài cũng như cái chết của một vị anh hùng, nếu như vậy thì cái chết của Chúa sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến chúng ta, thái độ đó cũng chẳng khác gì thái độ của những người Do Thái xưa kia nhìn lên rắn đồng với cặp mắt nghệ thuật, nên vẫn bị chết. Chúng ta phải ý thức rằng tất cả chúng ta đều là những tội nhân, bị rớt xuống vực thẳm, không thể tự cứu nổi mình, chứ đừng nói cứu người khác, vậy cần phải có một người ở trên, ở ngoài cứu vớt chúng ta, đó là Chúa Giêsu, Chúa cứu chúng ta bằng cách chết thay cho chúng ta, nếu chúng ta tin nhận như thế là chúng ta đã bắt đầu đi vào con đường cứu độ của Chúa.

Như vậy bài học Chúa Giêsu dạy đã quá rõ ràng, đó là chúng ta phải tin vào Chúa thì mới được cứu rỗi. Nói tới niềm tin chúng ta thấy sống trên trần gian này bất cứ ai cũng có niềm tin, lòng tin hay đức tin. Con người ta sống không thể nào thiếu vắng điều này, chúng ta không tin điều này thì tin điều khác, không tin người này thì tin người khác, chúng ta tin nhau, cha mẹ tin con cái, con cái tin cha mẹ, vợ chồng, bạn bè, trường học, trao đổi xã hội… đều lấy lòng tin làm căn bản. Từ một em bé đến trường, em có tin cô giáo dạy học được, em mới đi học, cuộc sống chúng ta trao đổi hàng quà, đồng tiền, công thợ… đều đặt vào lòng tin tưởng nhau, nếu không tin tưởng nhau chúng ta không thể nào gặp gỡ và nói chuyện với nhau được. Nói khác đi, chúng ta có gần gũi nhau hay không, thương yêu nhau hay không, điều đó cũng tùy thuộc vào lòng tin, chính lòng tin tạo nên hy vọng, tình yêu, một gia đình cùng một lòng tin “tát bể đông cũng cạn”. Như vậy, tin là chuyện bình thường trong cuộc sống, từ đó chúng ta dễ hiểu lòng tin trong lãnh vực tôn giáo, đối với chúng ta, đó là đức tin.

Cũng thế và hơn thế, Thiên Chúa chỉ đòi hỏi chúng ta phải có một đức tin sắt son vào Ngài, có bấy nhiêu thôi, nếu chúng ta không tin Ngài thì tin ai? Tin vào mình chăng? Tin vào tài trí, hy vọng vào chính mình, vào đời mình chăng? Làm như vậy là gánh vàng đem đổ sông Ngô, là xây nhà trên cát. Chúng ta tin Chúa, chắc chắn rồi, chúng ta tin lời Chúa, cũng chắc chắn rồi, nhưng trước hết và trên hết, chúng ta phải tin Chúa thương yêu chúng ta. Chúng ta tin Chúa là Cha rất gần gũi con cái, đùm bọc, che chở, quan phòng, rất toàn năng, đó là bấy nhiêu của lòng tin. Từ lòng tin đó chúng ta bắt đầu yêu Chúa. Chúng ta tin nên chúng ta yêu, hay yêu rồi tin cũng thế, chỉ biết rằng lòng tin nâng đỡ tình yêu, và tình yêu nâng đỡ lòng tin, có tin mới yêu, cũng như có yêu mới tin.

Chúng ta đang sống trong Mùa Chay, chúng ta đã đi được một nửa đường của Mùa Chay. Mùa Chay kêu gọi chúng ta ăn năn sám hối, sửa đổi đời sống. Chúng ta là những người tội lỗi, chúng ta tin Chúa yêu chúng ta hơn những người trần gian yêu chúng ta nhất, nên chắc chắn Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta khi chúng ta xin lỗi Ngài. Vậy để biểu lộ lòng chúng ta tin yêu Chúa, chúng ta hãy ăn năn sám hối.

(tinmung.net)

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

THƯ CÁM ƠN ĐỨC HỒNG Y TỔNG GIÁM MỤC GIÁO PHẬN SAIGON

Thư cám ơn Đức Hồng Y của Đức Ông Ettore Balestrero

WGPSG -- Trở về Roma sau chuyến viếng thăm và làm việc tại Việt Nam vào cuối tháng 2-2012, Đức Ông Ettore Balestrero (Thứ trưởng đặc trách Quan hệ với các Quốc gia) gửi thư cảm ơn Đức Hồng Y đã tiếp đón Phái đoàn Tòa Thánh thật nồng hậu. Dưới đây là nội dung lá thư:

Vatican, ngày 13 tháng 3 năm 2012

Trọng kính Đức Hồng y,

Phái đoàn Tòa Thánh đã về tới Rôma sáng ngày 2 tháng 3 như đã định trước, mang theo những hình ảnh sống động đáng nhớ của Tổng Giáo phận của ngài.

Chúng tôi thực rất hạnh phúc được dâng Thánh lễ trong Nhà nguyện - là ngôi nhà cổ kính nhất thành phố - và đã có thể viếng Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà, thăm Đại Chủng viện, Đan viện Cát Minh, Cộng đoàn nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres, giáo xứ Thuận Phát và những cơ sở Công giáo khác nữa. Thêm vào đó, nhờ sự tổ chức tốt đẹp của ngài, phái đoàn đã rất vui được gặp gỡ các giám mục của giáo tỉnh Sài Gòn.

Cùng với các thành viên khác của phái đoàn Tòa Thánh, tôi muốn bày tỏ niềm tri ân sâu sắc của tôi vì sự tiếp đón nồng hậu và sự quan tâm thật tế nhị của ngài đối với chúng tôi trong thời gian chúng tôi lưu lại TP.HCM. Tôi cũng xin ngài vui lòng chuyển đạt lời cám ơn chân thành của chúng tôi đến Đức Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm và những cộng sự viên thân thiết của ngài tại Tòa Tổng Giám mục.

Tôi cầu xin Chúa Ba Ngôi chí thánh, nhờ lời khẩn cầu của Đức Mẹ La Vang, ban cho ngài tràn đầy ân sủng thiêng liêng, đặc biệt cho công việc mục vụ và truyền giáo của ngài. Ước gì, nhờ thừa tác vụ của ngài, cộng đoàn Dân Chúa - được giao phó cho ngài - cũng có thể nhận được tràn đầy phước lành như thế.

Thưa Đức Hồng y, xin ngài nhận nơi đây những tình cảm thân thiết nhất trong Thiên Chúa và những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi vào những ngày cận kề lễ Phục Sinh.

Đức Ông Ettore Balestrero
Thứ trưởng đặc trách Quan hệ với các Quốc gia

(WGPSG)

THẾ GIỚI NHÌN TỪ VATICAN 08.3 - 15.3.2012

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

THU DỌN, DI DỜI ĐỒ ĐẠC, THÁO DỠ NHÀ GIÁO LÝ, VĂN PHÒNG GIÁO XỨ


Từ sáng Thứ Ba 13.3.2012 HĐMVGX và cộng đoàn đã bắt đầu tiến hành công việc thu dọn, di dời đồ đạc, tháo dỡ đèn quạt và nguồn điện khu vực Văn Phòng Giáo Xứ, Nhà Giáo Lý, Phòng Vĩnh Hằng... để giao vườn không nhà trống cho đơn vị thi công tháo dỡ, chuẩn bị mặt bằng để ép cọc thử tải thi công nền móng nhà thờ mới. 

Hôm nay Thứ Sáu 16.3.2012 đơn vị thi công đã đào lỗ đóng cừ để làm móng dựng nhà thờ tạm trước khi tháo dỡ nhà thờ cũ.


Hữu Toàn.

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI 26

40 BÀI SUY NIỆM MÙA CHAY - BÀI THỨ 26