Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG THÁNH MẪU TÀPAO

VIDEO GIỚI THIỆU TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG
THÁNH MẪU TÀPAO - GIÁO PHẬN PHAN THIẾT


(gpphanthiet.com)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 11 MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM B (Mc 4, 26-34)



VIỆC LỚN VIỆC NHỎ

Từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội, đâu đâu cũng có những việc lớn việc nhỏ. Ai cũng thích làm việc lớn hơn là những việc nhỏ mặc dù ai cũng hiểu việc nhỏ đã không làm nổi thì đừng mong làm chuyện lớn hơn.

Nếu không có người mẹ với gánh chè xôi nho nhỏ kia, xe cháo lòng dân dã kia… nếu không có sự chắt chiu trân trọng từng đồng tiền nhỏ lẻ kia, hẳn đã không thể mọc lên một căn nhà tươm tất tương đối là mái ấm hoàn mỹ cho gia đình.

Nếu không có người cha đã rong ruổi bán từng cái bong bóng nho nhỏ, từng que cà rem nho nhỏ những năm khó khăn gian khổ kia, hẳn là không thể có những mảnh bằng đại học của con cái hôm nay.

Nếu không có những tiếng ru êm ái, những lời kinh thì thầm, những dặn dò dịu ngọt, những sửa dạy nhẹ nhàng, những nhẫn nhịn chân thành, những hy sinh đơn sơ, những gương sáng đạo đức nho nhỏ của cha mẹ, hẳn đã không thể có những đứa con ngoan ngoãn biết thờ phượng Chúa, biết yêu thương người, biết quí trọng việc làm, biết làm lành lánh dữ, biết quan tâm sẻ chia, và nhất là biết ưa chuộng việc nhỏ, yêu mến đức khiêm nhường.

Nếu không có những việc nhỏ… hẳn không thể kết tinh được những thành quả lớn hơn: một người con của Chúa, một Linh Mục, một Nữ Tu, một người tài đức, một người hữu ích cho xã hội, cho Hội Thánh.

Trong công cuộc truyền giáo cũng vậy, ai cũng thích làm chuyện lớn lao, chuyện nổi danh cho ra ông kia bà nọ, và thường vẫn chê chối những việc nhỏ hơn, chê bai những người làm việc nhỏ, thậm chí còn dè bỉu coi thường những người có khả năng to nhưng đã tận tụy làm những việc nhỏ, những đóng góp nhỏ.

Tưởng cũng nên nhắc đến việc ngay cả những người sống đời tận hiến, khi lãnh nhận bài sai phục vụ đoàn chiên của Chúa cũng đã có người phàn nàn trách móc bề trên ngay trong lễ nhận xứ rằng: “Trâu to mà sai cày ruộng nhỏ”… Bỗng trở thành câu nói “nổi tiếng” truyền đi hết nơi này đến nơi kia !

Hội Thánh lớn lên từ hạt cải bé nhỏ, từ tấm lòng khiêm nhượng: Hạt cải bé nhỏ của Đức Giêsu - Tấm lòng khiêm nhượng của Đức Giêsu - Hạt cải khiêm nhượng của những người theo gương Chúa Giêsu.

Nếu không có những đồng tiền của bà góa ở khắp năm châu, những đồng tiền nhỏ của những người hy sinh lớn, chắc gì xây nổi một Thánh Đường, một phòng Giáo Lý, hay một công trình nào đó cho Thiên Chúa.

Nếu không có những lời nguyện âm thầm của những người bệnh hoạn tật nguyền, những lời cầu nguyện nho nhỏ của những người đau khổ, thiếu thốn, đói nghèo ở khắp năm châu thì chắc gì bạn đã được bình yên, được sức khỏe, được thành đạt công việc phục vụ Chúa, phục vụ gia đình bạn, Giáo Xứ bạn và cả Hội Thánh nữa.

Thiết tưởng, mỗi chúng ta nên sống tâm tình này: “Tôi sống nhờ lời cầu nguyện nho nhỏ, nhờ lời kinh rất âm thầm của những người đau khổ mà tôi chưa hề biết tên, biết mặt”.

Và từ suy gẫm ấy, mỗi chúng ta cũng phải trở thành người nhỏ bé khiêm nhu tận hiến cho Chúa từng việc nhỏ với lòng yêu mến đơn sơ chân thành và khiêm tốn vì “tất cả cho vinh danh Thiên Chúa”.

Ở một vài Giáo Xứ, khi có nhiều sinh hoạt các đoàn thể khác nhau, thường có những cái nhìn so sánh phân biệt đoàn thể này giá trị hơn đoàn thể kia, hội này to hơn hội nọ. Thực đáng buồn cho những cái nhìn phân biệt ấy. Tôi vẫn để ý tới những kinh nguyện âm thầm, những bước chân lặng lẽ của những chiến sĩ của Mẹ trong Hội Legio. Họ không làm gì nổi bật cả, cũng không được phép huyênh hoang điều gì cả, càng không được phép tiết lộ công việc của họ với người không liên quan… thế mà, có những mùa gặt Đức Tin bội thu từ những việc nho nhỏ ấy, từ một hội đoàn vẫn thường bị anh em xem thường. Có người còn nặng lời cho rằng hội ấy dành cho người bình dân, thấp bé, ít học. Thật đáng trách cho những người xem mình là lớn lao, thích làm việc to, việc nổi, mà chưa chắc đã sinh ích lợi gì cho mình và cho Hội Thánh.

Hoặc gần đây, cũng có một vài cái nhìn không mấy thiện cảm dành cho những hội viên Lòng Chúa Thương Xót vì cho rằng đó là việc đạo đức của những cụ già, của những người bệnh tật đau yếu, của những người tội lỗi… nhưng thực ra, chính họ đang khẩn cầu lòng Chúa thương xót cho họ, cho mỗi chúng ta và cho toàn thế giới.

Còn có những người không chỉ bé nhỏ mà còn vô danh tiểu tốt đang âm thầm làm hạt cải của Thiên Chúa ở khắp nơi giữa chợ đời. Họ vẫn chịu nhiều khinh miệt. Họ không được viếng thăm, cũng chẳng được tiếp rước linh đình nhưng họ đang là bạn chí thân của những người đau khổ, xấu số, bất hạnh. Họ không sinh hoạt đoàn thể nào cả, vì chẳng có thời gian bỏ cái quang gánh thúng bưng, nhưng họ đang sống tốt lành trước mặt Chúa, để Đức Tin trưởng thành và gương sống công bình bác ái của họ nên lời chứng cho Thiên Chúa.

Hạt cải người đi gieo trồng với lòng tín thác vào quyền năng Chúa sẽ được Thiên Chúa cho mọc lên và phát triển.

Việc nhỏ mà chúng ta thực hiện cho danh Chúa cả sáng thì chắc hẳn Thiên Chúa sẽ làm cho nên lớn lao trong công cuộc của Ngài.

Chị Marie Paul NTL, năm ấy, vì những thất bại trong cuộc đời, trong chuyện gia đình đã âm thầm tìm ra hải đảo để sinh sống. Chị đã thấy một hải đảo thiếu vắng Tin Mừng. Chị đã nguyện làm một hạt cải trong thánh ý của Thiên Chúa. Sau hơn 15 năm làm hạt cải âm thầm trên hải đảo, Chúa đã cất đi sự tủi hổ, cất đi sự thất bại của cuộc đời chị và đã làm cho hạt cải của chị lớn lên thành một cộng đoàn Giáo Họ Hải Đảo Phú Quý như hôm nay: 157 Giáo Dân trên tổng số 27 ngàn dân hải đảo, một ngôi Thánh Đường sắp mọc lên. Và chúng ta có quyền hy vọng 157 hạt cải mới kia sẽ được Thiên Chúa cho vươn lên thành một cộng đoàn lớn, một công trình cứu rỗi.

Chúa đã làm nên bao việc lạ lùng trước mắt chúng ta, bắt đầu từ sự khiêm tốn của chúng ta.

Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con biết rằng ‘quí chuộng và thực hiện việc nhỏ cho vinh danh Thiên Chúa thì có giá trị hơn là quí chuộng và thực hiện những việc lớn lao cho vinh danh mình’. Xin ban cho chúng con lòng khiêm tốn tín thác và chấp nhận để Chúa tác động trong mỗi việc của chúng con. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

(thanhlinh.net)

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN NĂM B 17-6-2012

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XI thường niên năm B 17-6-2012.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2012

HÌNH ẢNH THÁNH LỄ CHIỀU NGÀY 13-6-2012 - CẦU CHO CÁC CA ĐOÀN GX THUẬN PHÁT.



Hữu Toàn.

HÀNH HƯƠNG VỀ BÊN MẸ TÀPAO 13.6.2012

HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ TÀPAO 13.6.2012


Sáng ngày 13.6.2012, Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao rợp trong màu trắng của hơn 4000 thiếu nhi quy tụ về tham dự Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể GP Phan Thiết lần thứ XII. Cộng đoàn hành hương trong tâm tình Mừng kính lễ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ còn chung lời với 17 Tân Linh Mục GP Phan Thiết (thụ phong ngày 24.5.2012) tạ ơn Thiên Chúa. 

Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế thánh lễ và chia sẻ về đề tài “Trách vụ làm cha mẹ”:
TRÁCH VỤ LÀM CHA MẸ

CN 3/6 vừa qua, Đại Hội Gia Đình Thế Giới lần thứ 7 ở Milanô đã kết thúc trọng thể tại công viên Bresso, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, 60 hồng y, 250 giám mục, khoảng 1.000 linh mục, và hơn 1 triệu tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong bài giảng, sau khi nhắc lại mối tương quan giữa “gia đình, việc làm và lễ nghỉ”, như chủ đề của Đại Hội, Đức Thánh Cha đã để lại lời kêu gọi dành cho các bậc làm cha mẹ và những thế hệ làm con cái. Cha mẹ hãy ân cần chăm sóc, quan tâm giáo dục và nêu gương sáng cho con cái; còn con cái, trong tư cách là con hãy thảo kính cha mẹ và trong tư cách là anh chị em hãy gắn bó yêu thương nhau. Hôm nay dịp hành hương tháng sáu, cử hành lễ Trái Tim Đức Mẹ, với bài Phúc Âm “Đức Mẹ tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh”, cũng là dịp Đại hội Thiếu Nhi Thánh Thể giáo phận Phan Thiết lần thứ XII, đồng thời có sự hiện diện tạ ơn của 17 tân linh mục năm 2012, thật sốt dẻo để chia sẻ với cộng đoàn về trách vụ của bậc phụ huynh. Trách vụ ấy thật cao cả nhưng cũng thật nặng nề, có thể đúc kết lại bằng mấy chữ “lo” tiêu biểu:
(gpphanthiet.com)

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

VIDEO THÁNH LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH GIÁO XỨ, MỪNG BỔN MẠNG GIÁO XỨ VÀ BAN BÍ TÍCH THÊM SỨC CHO 33 EM THIẾU NHI TRONG GIÁO XỨ NGÀY 11-6-2012


HÌNH ẢNH THÁNH LỄ BẾ MẠC NĂM THÁNH GIÁO XỨ, MỪNG BỔN MẠNG GIÁO XỨ VÀ BAN PHÉP BÍ TÍCH THÊM SỨC CHO 33 EM THIẾU NHI TRONG GIÁO XỨ 11-6-2012

Chiều ngày 11-6-2012 Giáo xứ Thuận Phát hân hoan chào đón Đức Cha Phêrô, Giám Mục phụ tá Tổng Giáo Phận TP.HCM đến thăm giáo xứ. Đức Cha đã dâng Thánh Lễ đồng tế bế mạc Năm Thánh giáo xứ, Mừng Bổn Mạng giáo xứ ( Thánh Antôn ) và Ban Bí Tích Thêm Sức cho 33 em thiếu nhi trong giáo xứ.


Hữu Toàn.

HÌNH ẢNH CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG MỚI NHÀ THỜ THUẬN PHÁT TÍNH ĐẾN NGÀY 10-6-2012

Hình ảnh thi công .


Sau thời gian tính toán từ kết quả tử tải và những yếu tố thực tế để quyết định việc thi công nền móng nhà thờ, sáng Thứ Năm 07.6.2012 nhà thầu đã tiến hành thi công ép cọc đại trà. Được biết độ sâu cọc móng hiện nay được nâng lên 40m (trước đây thiết kế 38m) một vài chỗ sẽ phải đóng sâu 42 - 43m. Dự kiến thời gian ép cọc sẽ hoàn thành sau 45 - 50 ngày.

Hữu Toàn.

MỪNG BỔN MẠNG GIÁO XỨ

13.6.2012
HÂN HOAN MỪNG LỄ 
THÁNH ANTÔN PAĐÔVA, 
LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH


BỔN MẠNG GIÁO XỨ
BỔN MẠNG VÀ NGÀY TRUYỀN THỐNG CÁC CA ĐOÀN
GIÁO XỨ THUẬN PHÁT

THÁNH ANTÔN PAĐÔVA

Ngày 13 tháng 6
Thánh Antôn Pađua

Vị thánh rất được ưa chuộng này sinh tại nước Bồ Đào Nha năm 1195. Người ta đặt tên cho thánh nhân là “Phécđinăng.” Thánh nhân được hấp thụ một nền giáo dục tuyệt vời nơi các thầy dòng thánh Augustinô; và sau đó, thánh nhân đã gia nhập hội dòng này.

Lúc hai mươi lăm tuổi, cuộc sống của Phécđinăng lại chuyển sang một hướng đi kỳ thú. Ngài nghe biết có mấy tu sĩ dòng Phanxicô đã được phúc tử đạo bởi những người Mor ở Môrôcô. Các tu sĩ này là thánh Bêra và các bạn tử đạo. Chúng ta đã cử hành thánh lễ kính các ngài ngày 16 tháng Giêng. Từ lúc ấy trở đi, Phécđinăng cảm thấy một ham ước mãnh liệt muốn được tử đạo vì Chúa Kitô. Rồi ngài gia nhập dòng Phanxicô. Hội dòng này mới được thiết lập. Chính thánh Phanxicô Assisiô sáng lập dòng vẫn còn sống. Phécđinăng đổi tên là Antôn. Ngài tới Phi châu rao giảng cho người Mor. Nhưng chẳng bao lâu, thánh Antôn đã lâm bệnh rất nặng đến nỗi phải trở về nước Ý. Chẳng ai trong hội dòng mới của Antôn nhận biết được Antôn tài giỏi lỗi lạc đến chừng nào! Họ không biết Antôn đã được giáo dục và học hành đến đâu! Antôn không bao giờ tự nói về mình! Vì vậy các bề trên dòng Phanxicô đã bổ nhiệm ngài tới một đan viện âm thầm ở Ý. Nơi đó, Antôn làm công việc rửa chén dĩa xoong chảo. Rồi một ngày kia, Antôn đã giảng một bài thật hay cho một nhóm đông các linh mục nghe. Từ đó trở đi, suốt chín năm cho tới lúc qua đời, thánh Antôn đã thuyết giảng khắp nơi trong nước Ý. Người ta hâm mộ Antôn đến nỗi đã thường đóng các cửa tiệm của họ để đến nghe thánh nhân thuyết giảng.

Thánh Antôn Pađua hay được người ta cầu khấn trong những cơn bạo bệnh thể xác cũng như khủng hoảng tinh thần. Qua sự cầu thay nguyện giúp của thánh nhân, nhiều phép lạ đã xảy ra. Rất đông người đã nhận được các ơn lành nhờ sự bầu cử của ngài. Đó là lý do tại sao người ta hay gọi Antôn Pađua là “đấng hay làm phép lạ.” Người ta thường trình bày bức tượng thánh Antôn Pađua đang bồng ẵm Chúa Hài Nhi Giêsu bởi vì Chúa Hài Nhi Giêsu đã hiện ra với ngài. Những bức hình khác trình bày thánh nhân đang ôm một cuốn sách Kinh Thánh. Điều này cho thấy thánh Antôn Pađua rất thành thạo, yêu mến và năng rao giảng lời Chúa. Thật sự, thánh Antôn Pađua rất thông giỏi, đặc biệt về khoa Kinh Thánh, đến nỗi ngài được đức thánh cha Piô XII tôn phong là “Tiến sĩ Tin Mừng” hay còn gọi là “Tiến sĩ Kinh Thánh.”

Thánh Antôn Pađua qua đời tại Axêla gần thành phố Pađua, nước Ý, vào ngày 13 tháng Sáu năm 1231 khi mới được ba mươi sáu tuổi. Một năm sau, Antôn Pađua được đức thánh cha Grêgôriô IX tôn phong hiển thánh.

Đôi lúc chúng ta mong muốn mọi người nhận biết những việc tốt lành chúng ta làm hoặc chúng ta biết cách làm. Có thể chúng ta sẽ không luôn luôn nhận được nhiều sự chú ý. Đó là những lúc chúng ta nên cầu xin thánh Antôn Pađua dạy cho chúng ta biết tự hài lòng với chính mình. Chúng ta hãy nài xin thánh nhân giúp chúng ta đừng để tâm vào những cái chúng ta có thể nhận được nhưng hãy nhắm vào những cái chúng ta có thể trao ban trong đời sống này.
 
(tinmung.net)

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

R.I.P

XIN CẦU CHO LINH HỒN
MARIA
 

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, 
Ban Điều Hành Giáo Họ Thánh Giuse
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Chị MARIA NGUYỄN THỊ HẰNG
Sinh năm 1977 tại Trà Vinh

 Cư ngụ tại : 62/53/1 đường Lâm Văn Bền 
P.Tân Kiểng, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Thánh Giuse - Giáo xứ Thuận Phát


Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 01g35 ngày Chúa Nhật 10.6.2012

(Nhằm ngày 21 tháng 4 nhuận năm Nhâm Thìn)

 

Hưởng dương 36 tuổi
 

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Chúa Nhật 10.6.2012

  • 14g00 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan. 
Thứ Ba 12.6.2012
  • 04g15 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát

Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM

Thuận Phát, ngày 10 tháng 6 năm 2012
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Thánh Giuse
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM B - MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KYTÔ

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật X thường niên năm B. Mình và Máu Thánh Chúa Kytô.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ NĂM B (Mc 14, 12-16.22-26)



“HÃY CẦM LẤY MÀ ĂN”


Tôi may mắn được đọc trang nhật ký của một bạn trẻ vừa mới ra trường sau 5 năm đại học, ở nhà trọ cùng với ba đứa em cũng là sinh viên, nhật ký có đoạn:

“Cha ơi, cha không còn sức làm kinh tế như hồi trai trẻ xuống ruộng lên rừng, nhưng bây giờ, thời gian của cha vẫn kín việc và việc. Những việc ấy, theo cách nói của cha là việc “vô lương” nghĩa là không có lương. Thỉnh thoảng, có người thơm thảo cho cha một chút gọi là “thù lao” không đáng kể. Hôm qua, sau mấy ngày công việc xa, trên đường về, cha ghé lại Sàigòn, thăm chị em và đưa cho con hai triệu rưỡi. “Hãy cầm lấy mà lo tiền nhà, tiền điện nước tháng nầy nghe con. Cha mới nhận bì thư được ba triệu. Còn năm trăm đem về cho mẹ và út”. Mỗi lần cha ghé vào thăm là mỗi lần chị em con được nghe “hãy cầm lấy… ít đồng”. Con đã hỏi cha: “Sao cha không đổi cách nói khác đi, lúc nào cũng nghe “hãy cầm lấy”. Em con, bé P, sinh viên năm hai, đi họp nhóm Sống Lời Chúa ở Nhà Thờ Xóm Thuốc về, nó phát hiện ra điều gì hay hay lạ lạ, nói: “Em biết cha mình rồi. Cha thích câu “Hãy cầm lấy mà ăn” của Chúa Giêsu”. Giờ con mới hiểu ra, cha mẹ là tấm bánh bẻ ra nuôi chúng con ăn học. Con cảm ơn cha mẹ”.

Tôi bỗng dưng vui vì đoạn nhật ký cho tôi liên tưởng đến Thánh Lễ giữa cuộc đời của những Giáo Dân không làm Linh Mục Thừa Tác. Họ không cầm lấy bánh, không cầm lấy chén rượu mà đọc lời chúc tụng hay truyền phép cho bánh rượu trở nên Mình Máu Chúa Giêsu, nhưng họ cầm chính mạng sống mình mà tế lễ mỗi ngày trên khắp nẻo đường dương thế.

Từ rất sớm, khi thành phố còn ngủ giấc bình yên, thì có những người đã “cầm chiếc bánh đời mình” từ ven ô lên phố chợ: Một xe rau, một thồ cây trái, một giỏ hàng đủ loại. Muộn hơn tí, có người đẩy chiếc xe cháo lòng, xe hủ tíu, người đạp xe bánh giò bánh chưng, người đạp xe bắp luộc, người quảy gánh bún giò, người quảy gánh chè xôi nước… để kiếm cho con cái ăn, cái mặc, cái chữ… Họ “dâng lễ” từ sáng sớm đến mịt tối. Khi phố đã lên đèn, vẫn còn nghe tiếng rao chè xôi cuối ngày ế ẩm. Cả khi thành phố chìm vào giấc ngủ, vẫn còn kia tiếng gõ xe hủ tíu khuya khoắt mỏi mòn ! Họ “dâng lễ đời mình” cho con cái họ được sống.

Nói là họ dâng lễ, họ tế lễ đời mình có hàm hồ quá chăng ? Vâng, có thể là như thế. Vì rằng, ai cũng tất tả kiếm cái ăn cho mình, cho gia đình, cho con cái, nhưng ý thức “việc đánh đổi đời mình lấy cái ăn cho con như là một Thánh Lễ”, thì hẳn là hiếm hoi !

Biết bao cha mẹ không dám nói “hãy cầm lấy mà ăn”, sợ lộng ngôn vô phép, nhưng họ đã tận hiến đời mình cho con từ thuở thanh xuân cho đến thời tàn tạ. Biết bao người không dám nói “hãy cầm lấy mà ăn”, nhưng âm thầm mục nát đi cho cây lúa đời con từ xanh non đến ngày kết muôn bông hạt vàng. Biết bao người không dám nói “hãy cầm lấy mà ăn”, nhưng đã hy sinh cả cuộc đời mình để người khác được sống. Mỗi người đều như đang cử hành Hy Lễ đời mình ngay trong nhà mình, ngay trên đường đời.

Cách đây hơn 37 năm, hẳn là Linh Mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung (nay là Giám Đốc Chủng Viện Nicolas Phan Thiết) đã suy tư thấu đáo về Thánh Lễ trong cuộc đời của mỗi tín hữu, khi viết ca từ thật thâm thúy trong bài ca dâng lễ và Linh Mục Giacôbê Ánh Đăng đã phổ nhạc: “Trên đĩa thánh cuộc đời, Chúa ơi, con xin dâng tấm bánh này cuộc sống. Trong chén thánh cuộc đời Chúa ơi, con xin dâng hết hy sinh trong đời” (bài Thánh Ca “Trên Đĩa Thánh”).

Nhân lễ Mình Máu Thánh Chúa, cùng với Lời Chúa "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta" (Mc 14, 22), ước gì, mỗi người làm cha mẹ cũng sẽ trao cho con “tấm bánh đời mình” với ý nghĩa tế hiến chính cuộc đời mình làm nên cuộc đời con cái. Và ngược lại, con cái cũng sẽ ý thức rằng chúng ta đang sống nhờ chính thịt máu của cha mẹ.

Ước được như vậy, là ước mọi người cụ thể sống mầu nhiệm Thánh Thể ngay trong nhà mình.

Gia đình sống được nhờ rước lấy Thánh Thể Chúa Giêsu, để Mình Máu Thánh Chúa Giêsu hình thành nơi mỗi người một nhân cách mới: nhân cách tận hiến cho nhau để tất cả cùng nhau được sống.

Gia đình sẽ trở nên bàn thờ sống động vì nhờ kết hiệp với Lễ Tế Chúa Giêsu mà những đau khổ, những hy sinh trong đời, sẽ trở thành lễ dâng ý nghĩa và đẹp lòng Thiên Chúa. “Trên đĩa thánh cuộc đời, Chúa ơi, con xin dâng tấm bánh này cuộc sống. Trong chén thánh cuộc đời Chúa ơi, con xin dâng hết hy sinh trong đời”.

Gia đình sẽ trở nên bàn tiệc Thánh Thể khi mỗi người trao cho nhau những nỗ lực của mình để cho nhau được sống và sống an bình hạnh phúc.

Như vậy, Lời Chúa truyền dạy “Hãy cầm lấy mà ăn” và việc Chúa hy sinh dâng hiến đang thực sự diễn ra mỗi ngày ngay trong gia đình chúng ta.

Xa hơn tí nữa, nếu đã có một gia đình sống mầu nhiệm Thánh Thể với việc cử hành Thánh Lễ trong gia đình, thì thiết nghĩ, với vốn liếng tận hiến quí giá ấy, mỗi người sẽ không ngần ngại bẻ tấm bánh đời mình ra cho các gia đình khác nữa, cho lối xóm, cho những người chung quanh, cho mọi người.

Một gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, hay gặp chuyện bất trắc ập đến, các gia đình khác xúm lại giúp đỡ sẻ chia. Nhưng giá trị của việc sẻ chia ấy hẳn phải dựa trên ý nghĩa hơn là tiền bạc, dựa trên phẩm hơn là lượng. Tôi vẫn tin rằng mỗi việc bác ái của chúng ta, nếu được thực hiện với ý nghĩa “bẻ bánh”, nhờ động lực tình yêu Thánh Thể thôi thúc, thì hẳn là một việc có giá trị trước mặt Chúa lắm. Từ Thánh Lễ trong gia đình đến Thánh Lễ trong làng xóm, hẳn cũng không khác nhau khi mỗi chúng ta đã được Thánh Thể Chúa Giêsu hình thành một nhân cách mới: nhân cách tận hiến cho nhau để tất cả cùng nhau được sống.

Xin tri ân những hy sinh của cha mẹ, không chỉ vì trách nhiệm với con cái, mà còn vì cha mẹ đang muốn con cái “hãy cầm lấy cuộc đời cha mẹ mà ăn, mà sống”.

Xin tri ân những hy sinh của mọi người, không chỉ vì tình làng nghĩa xóm, mà còn vì ý thức sống mầu nhiệm Thánh Thể giữa đời: “Hãy cầm lấy mà ăn”.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tri ân Chúa Giêsu Thánh Thể, đấng duy nhất chỉ ra cho con người con đường hạnh phúc: con đường tận hiến cho nhau, con đường hy sinh mạng sống cho nhau, con đường chết đời mình đi để người mình yêu được sống và sống dồi dào. Xin cho chúng con cũng biết bẻ tấm bánh đời mình ra cho mọi người. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng, 2.6.2012 
(tinmung.net)

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

GIÁO PHẬN BẮC NINH PHONG CHỨC LINH MỤC

Giáo phận Bắc Ninh: Thánh Lễ Phong Chức 06 Tân Linh Mục



Vào lúc 8 giờ sáng thứ Sáu, ngày 08.06.2012, tại Nhà thờ Chính toà Bắc Ninh (số 537 đường Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh), Tòa Giám Mục Bắc Ninh hân hoan chào mừng 115 linh mục đồng tế với Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Giáo phận Bắc Ninh, là quý cha trong linh mục đoàn giáo phận Bắc Ninh, quý tân linh mục các giáo phận Lạng Sơn, Hải Phòng, Bùi Chu, Phát Diệm, Thái Bình và Hưng Hóa; quý cha Bề trên Dòng Đồng Công, Dòng Đaminh, Dòng Don Bosco, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội nhưng thiếu vắng quý cha cùng với quý thầy Phó tế của Tổng Giáo phận Hà Nội vì các ngài đang trong tuần Thường huấn (4-8.6.2012) và tĩnh tâm (3-8.6.2012).

Cùng đến hiệp dâng Thánh lễ Phong chức Linh mục hôm nay có hơn 200 tu sĩ nam nữ và khoảng 3.000 giáo dân, quý vị đại biểu, ân nhân, thân nhân của sáu thầy Phó Tế được Đức cha Cosma truyền chức Linh mục. Quý thầy Phó tế khóa X niên học 2004 – 2011 của Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội và một thầy tu Dòng Đồng Công, đã được Văn phòng Tòa Giám mục Bắc Ninh thông báo (có kèm danh sách) gửi tới quý cha xứ trong giáo phận từ ngày 10.5.2012, đó là:
 
Thuỳ Chi
(giaophanbacninh.org)