Chuyện tình yêu đôi lứa ngày mới xây mơ dệt mộng biết bao là sắc màu xinh đẹp. Những hẹn hò trước lễ thành hôn, những nũng nịu hồn nhiên, những chiều chuộng rất nhân từ, những cho nhau không hề giữ lại, không hề tiếc nuối…tưởng như là hạnh phúc! Đôi tim hồng rạng rỡ. Mạch sống căng tràn sức xuân. Tưởng như thế là thời gian chuẩn bị đã xong, đã đủ. Rồi cuối cùng, quyết định đến với nhau nên nghĩa vợ chồng. Hôn nhân tự nhiên đẹp theo một khuôn định tự nhiên của Đấng Tạo Hóa, mà đôi khi con người không khám phá ra nổi. Đã vậy, còn mơ hồ định nghĩa tình yêu như một chuyện tự nhiên mà không cần đến sự can thiệp kỳ diệu của Thiên Chúa. Vì thế, chuyện đến với nhau và để bỏ nhau cũng bỗng dưng cho là chuyện tự nhiên bình thường.
Ki-tô hữu Công Giáo khi bước vào đời sống hôn nhân cũng không thiếu những ước mơ hạnh phúc lãng mạn của thuở ban đầu yêu nhau say đắm. Nhưng hẳn phải khác hơn người không tin Thiên Chúa ở nhiều điểm:
-thứ nhất là tin mọi biến cố trong đời đều có sự can thiệp của Thiên Chúa,
-thứ hai là phải học hiểu thấu đáo về ý nghĩa của Hôn Nhân Công Giáo, đặc biệt là ý nghĩa Đơn Hôn và Vĩnh Hôn: một vợ một chồng và suốt đời trung tín. Bởi Chúa Giê-su đã nâng hôn nhân tự nhiên lên hàng Bí Tích khi Ngài nói rõ: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”.
-Và thứ ba: phải sống niềm tin ấy trong đời hôn nhân bằng sự chung thủy sâu xa và chân thành.
Thiên Chúa đã Liên Kết:
Khi chuẩn bị bước vào hôn nhân, Kitô Hữu hẳn phải biết kết hiệp với Chúa và xin ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn để tình yêu đôi lứa được thánh hóa nên tình yêu vợ chồng trong cuộc hôn nhân thánh thiện. Nhờ ơn Bí tích, đôi vợ chồng dần dần khám phá ra những chiều kích kỳ diệu mới mẻ trong hôn nhân.
Có người chưa hiểu thấu ý Chúa khi mới thành hôn, nhưng qua thời gian, họ đã ngộ ra: “Ngày ấy tôi tưởng tôi chọn em. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu: Chúa đã can thiệp vào con người, vào ý muốn tôi, không phải tự sức riêng tôi. Và tôi cảm tạ Chúa vì tôi đã lấy em, không phải người khác. Nếu là một người khác, chắc gì họ đã chịu đựng được tôi cho đến hôm nay”. Và ngược lại, người vợ cũng phải hiểu được thấu đáo điều đó và đừng đứng núi này mà trông núi nọ.
Sự ràng buộc của Hôn Nhân Công Giáo, của Bí tích hệ tại ở việc Thiên Chúa muốn thi thố tình thương của Ngài qua việc kết hiệp ấy. Đã có không ít người tuyên bố: “Nếu cho phép tôi chọn lần thứ hai, tôi sẽ không chọn anh ấy nữa. Nhưng vì chỉ được chọn có một lần và muôn đời không đổi, nên tôi mới hiểu ra tôi “phải làm thế nào” “phải cộng tác với ơn Chúa thế nào” để người ấy chính là người tuyệt vời nhất của đời tôi, và để tôi nhìn nhận”.
Con người vẫn là loài kiêu ngạo trên đời, và cả trong tình yêu cũng không thiếu cốt cách kiêu ngạo ấy. Không biết thế nào là tình yêu mà vẫn cho rằng mình yêu người ta nhất, và vì yêu ngạo, không nhận ra tình yêu của người khác dành cho mình. Sự ngu đần về tình yêu không phải nơi người ngu chữ ít học, mà là nơi người ngu vì coi cái tôi của mình to lớn hơn cả trời cả đất.
Vậy thì, việc “tôi phải làm thế nào”, “phải cộng tác thế nào” ấy là tôi phải học bài tình yêu hiền lành và khiêm nhượng. Chỉ khi tôi hiền lành và khiêm nhượng, thì:
-một là tôi mới thấy người ấy đáng yêu,
-hai là mới có sức làm cho người ấy thay đổi con người từ đáng ghét đến đáng yêu,
-và ba là, mới chứng minh cho người ấy rằng tôi yêu người ấy.
Công việc của người tin, hiểu điều “Thiên Chúa đã liên kết” là cộng tác với ơn Chúa làm cho điều đã liên kết trở nên thành toàn, bền vững.
“Không được phân ly”
Vậy, khi xác nhận được điều “Thiên Chúa đã liên kết”, hẳn phải giữ điều Chúa dạy “không được phân ly”.
Có thể nói các trường hợp ly dị đều bắt nguồn từ chỗ không những chối bỏ việc “Thiên Chúa liên kết” mà còn cho rằng việc liên kết với nhau là do chính mình. Vì thế họ nghĩ đơn giản rằng đã yêu nhau được thì cũng có quyền bỏ nhau khi không còn yêu nhau nữa. Đó là cách yêu và cách bỏ của những người không tin có Thiên Chúa. Những người Công Giáo thời nay cũng bắt chước như vậy. Họ cũng đang chối bỏ Thiên Chúa.
Người Do Thái ngày xưa có hai chủ trương: một là không sống với nhau được nữa thì cứ ly dị, hai là nếu người vợ ngoại tình thì người chồng được ly dị. Nhưng Chúa Giê-su đã khẳng định “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly”.
Thời nay, nạn ly dị tràn lan. Ai dám đổ thừa cho người không tin Thiên Chúa làm gương xấu cho người tin Thiên Chúa, nhưng thiết tưởng các Ki-tô hữu phải tự đấm ngực mình về tội bất trung với người bạn đời, cũng đồng nghĩa với tội bất trung với Thiên Chúa. Ly dị thì chỉ có hai người mà hậu quả của ly dị thì ảnh hưởng tới không biết bao nhiêu người! Trước hết là con cái mồ côi cha mẹ khi cha mẹ hãy còn sống, rồi đến những chuyện tình lần thứ hai, thứ ba, thứ năm thứ bảy của người đã ly dị, kể cả chuyện tái hôn bất hợp pháp, lần này sang lần nọ. Cuộc sống không phút bình yên cho ai cả!
May mắn thay, khi đã ly dị, còn có người biết sám hối và ngộ ra mình đã thưa nhau ra tòa vì nhiều lý do vặt vãnh, nhưng còn nhiều lý do sâu xa hơn:
-Ngày chưa cưới nhau thì “Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con lấy được người con yêu”. Cưới được rồi, chẳng thấy có phút kinh nguyện mà thưa với Chúa ‘Con quỳ lạy Chúa trên trời, sao cho con yêu được người con đã lấy”.
-Nhớ xưa, khi còn là con nít, được nhận nhiều hơn cho đi. Nay lớn rồi, phải cho đi nhiều hơn nhận lại, mới chứng minh được là mình đã trưởng thành, đã lớn. Lòng ích kỷ của mình chỉ thích nhận hơn là cho đi.
Hai người lấy nhau nên vợ thành chồng không còn là con nít với nhau nữa. Họ cùng là người lớn. Nhưng trong tình yêu, bỗng dưng cả hai sẽ có khi là con nít để nhận, là người lớn để trao. Lẽ công bằng trao và nhận. Con nít của lòng đơn sơ khiêm nhượng, và người lớn của lòng quảng đại bao dung.
-Sách Talmud Do Thái có đoạn : “Xin đừng làm phụ nữ khóc, vì Thượng Đế đang đếm từng giọt lệ của nàng. Hãy nhớ, nàng không đi ra từ đôi chân hay từ cái đầu của chàng. Nàng đã đi ra từ cạnh sườn của Chàng. Bởi thế, nàng được bình an dưới cánh tay ấp ủ của chàng và nàng hạnh phúc gối lên ngực chàng bên trái tim nồng ấm”.
À thì ra, tình yêu của chúng tôi đã thiếu sự “tôn trọng nhau suốt đời” như lời đã hứa.
Và còn bao nhiêu lý do sâu xa nữa…, nhưng một lý do cốt lõi của nạn ly dị vẫn là: Từ chối sự hiện của Chúa trong đời mình và trong đời nhau.
Lạy Chúa, chỉ vì chúng con không mời Chúa đến và ở lại trong lòng chúng con, trong nhà chúng con, nên gia đình chúng con trở nên một địa ngục trần gian quá kinh khủng. Từ nay, xin cho chúng con biết giữ Chúa ở trong lòng mỗi chúng con, trong nhà chúng con, để sự hiện diện của Chúa kiện toàn hạnh phúc hôn nhân và hạnh phúc trong mái ấm gia đình của chúng con. A men.
PM. Cao Huy Hoàng, 05-10-2012
(tinmung.net)