Dân Hai Lúa chúng tôi thường không thích nói chuyện cõi trên. Chuyện thường nhật của Hai Lúa là đồng ruộng, thuốc sâu, thuốc rầy, gạo nàng tiên, gạo tám thơm hay trâu bò, cày bừa… Má tôi có đời sống đạo đức thực tiển hơn nên bà thường hay nhắc nhở chúng tôi là: Làm chuyện đó hay nói chuyện đó có ích gì cho phần rỗi linh hồn hay không?
Chuyện cõi trên là chuyện xa xôi, đồng nghĩa với chuyện trên mây. Như trong những ngày nầy người ta bàn tán xôn xao về việc đức đương kim Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI thoái vị và đoán xem ai sẽ là Đức Giáo Hoàng tương lai? Đúng là chuyện cõi trên, xa xôi và không ích gì cho phần rỗi linh hồn mình? Chắc chắn nhiều bậc trí thức sẽ phản đối, vì theo họ đó là chuyện sống đạo của người Công Giáo có hiểu biết, có trách nhiệm với Giáo Hội và có ích cho phần rỗi linh hồn. Thôi thì mỗi người một lập trường, một hướng sống đạo, miễn sao ngày sau gặp nhau ở cõi trên là được.
Tôi cũng bị lây chuyện trí thức cõi trên nầy. Hàng ngày sống trong nhà chung, gần với nhiều người ở cõi trên và sắp về cõi trên. Nên tôi cũng hay bàn những chuyện không ích lợi gì cho phần rỗi linh hồn của tôi. Giả dụ như chuyện Đức Giáo Hoàng tương lai là người nước nào? Có hy vọng sẽ có một Giáo Hoàng người Mỹ không?
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo dài hơn 2000 năm, tôi thấy liệt kê tất cả tên 265 Giáo Hoàng tính từ Thánh Phêrô, được coi là Giáo Hoàng tiên khởi cho đến Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI vừa từ nhiệm. Đúng ra chỉ nên tính 263 vị thôi vì Đức Giáo Hoàng Bênêdictô IX làm Giáo Hoàng tới ba lần: Lần đầu từ năm 1032-1045. Lần thứ hai chỉ trong năm 1045 và lần thứ ba từ 1047-1048. Trong số nầy có 206 vị người Ý; 15 vị người Pháp; 13 vị người Hy Lạp; 8 vị người Đức… vị chi là 242 vị… Thiểu số còn lại, tức 23 vị, chia cho mỗi nước 1 vài vị như 5 vị người Syria, 3 vị người Phi Châu, 3 vị người Tây Ban Nha, hai vị người Gallia (Cực Nam của Nước Pháp) … Không thấy một vị nào từ Bắc Mỹ, Nam Mỹ hay Á Châu bao giờ. Tại sao?
Tại vì Hồng y đoàn đa số là người Ý. Bằng chứng là hiện tại tổng số Hồng y còn sống trên toàn thế giới là 207 vị, trong số nầy có 49 vị là người Ý. Hiện tại Công nghị Hồng Y gồm 117 vị, tức những vị còn trong hạn tuổi 80, có thể bầu Giáo Hoàng, trong số nầy có 29 vị người Ý(Báo chí nói chỉ có 25, nhưng tôi đếm từng tên được 29) Như vậy Hồng Y người Ý trong hạn tuổi được bầu Giáo Hoàng vẫn chiếm 34%. Đang khi đó, Hồng Y người Mỹ có tất cả 21 vị, nhưng chỉ có 10 vị trong hạn tuổi được bầu Giáo Hoàng. Tỷ lệ 11.7% thôi.
Tin giờ chót, tính đến hôm nay, ngày 27 tháng 2.2013 chỉ còn 115 Hồng Y sẽ vào Công Nghị bầu Giáo Hoàng. Hồng Y Julius Riyadi Darmaatmadja, 78 tuổi, Tổng Giám Mục về hưu của Jakarta tuyên bố không đi Rôma, vì nhãn quan quá kém. Hồng Y Keith O’Brien, Anh Quốc từ chối đi Rôma bầu tân Giáo Hoàng. Trong số 115 vị Hồng y vào Công Nghị bầu Giáo Hoàang có 60 Hồng Y Châu Âu; 19 Hồng Y Châu Mỹ Latinh; 14 Hồng y Bắc Mỹ; 11 Hồng Y Phi Châu và 1 Hồng Y thuộc Châu Đại Dương, tức Australia, Hồng Y George Pell, Hồng Y Tổng Giám Mục Sydney. Nếu bình thường hay vẫn giữ truyền thống lâu đời trong Giáo Hội, thì vị Tân Giáo Hoàng cũng sẽ đến từ Âu Châu. Vì có những 60 Hồng Y trong công nghị là người Âu Châu.
Như vậy không có nhiều Giáo Hoàng ở các nước ngoài nước Ý, vì Hồng Y đoàn phần nhiều là người Ý. Cũng không có Giáo Hoàng từ các châu khác vì số Hồng Y Âu Châu bao giờ cũng chiếm đa số, như lần nầy, số Hồng Y Âu Châu chiếm hơn phân nửa tổng số cử tri, tức 60/115. Như vậy trong Giáo Hội cũng có sự không công bằng hay kỳ thị chăng? Giáo Hội trần thế chắc chắn khó thoát khỏi vấn đề nầy. Ít nhiều cũng có! Ai cũng thấy vậy, nên mới cầu cho Chúa Thánh Thần đến “sửa lại mọi sự trong ngoài” là vậy. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề cõi trên tôi đang nói.
Chuyện cõi trên là: Có hy vọng gì để có một Giáo Hoàng người Mỹ hay ít là người Bắc Mỹ như nhiều người mong ước không? Hiện tại báo chí trên thế giới đang nêu danh 10 hồng Y có hy vọng được bầu làm Giáo Hoàng, trong số nầy có hai Hồng Y từ Bắc Mỹ Châu: Hồng Y Timothy Dolan, Hồng Y Tổng Giám Mục New York và Hồng Y Marc Ouellet, nguyên tổng Giám Mục Quebec và hiện đang là Bộ Trưởng Bộ Giám Mục.
Ngày 12.2.2013 khi báo chí phao tin rằng: Hồng Y Timothy Dolan rất có thể được chọn làm Giáo Hoàng. Hồng Y Dolan đặt vấn đề rằng: Giáo Hội Công Giáo thật sự có cần Giáo Hoàng phải là người Mỹ không? Ngài trả lời: Không cần. Tuy nhiên, dư luận và báo chí cho rằng Hồng Y Timothy Dolan nói thế vì Ngài sẽ không có phiếu trong việc chọn tân Giáo Hoàng. Lý do: Ngài đã quyết định trả cho vài linh mục $20,000, để họ đồng ý từ bỏ đời sống linh mục hơn là phải đưa ra toà án dân sự vì tội ấu dâm, Ngài sẽ phải trả nhiều tiền hơn.
Cũng hôm nay, ngày 27.2.2013 tư vấn của Đức Giáo Hoàng, Đức Ông Anthony Figueredo cũng trả lời phỏng vấn xem có hy vọng có một Giáo Hoàng người Mỹ không? Ngài trả lời: Rất hy vọng! Thật ra, không khó để nói “rất hy vọng!” vì qui chế bầu Giáo Hoàng luôn cho mọi nam giới đã rửa tội công giáo và có đời sống đạo đức tốt đều có thể được bầu làm Giáo Hoàng. Điều nầy đã được đề cập trong Tông Hiến UNIVERSI DOMINICI GREGIS, số 83, 88, 89, và 90 được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 22.2.1996. Tuy nhiên lịch sử cho thấy là Đức Giáo Hoàng Urbanô VI năm 1378 là vị Giáo Hoàng sau cùng được chọn ngoài Hồng Y Đoàn. Cũng như Đức Giáo Hoàng Leo X, năm 1513 khi được chọn, Ngài chưa là linh mục.
Người ta cũng đề cập đến tỷ lệ người Công Giáo ở các Châu Lục để nuôi hy vọng là sẽ có một Giáo Hoàng ngoài Âu Châu. Tổng số Công Giáo trên toàn thế giới là một tỉ 200 triệu. Trong số nầy, Châu Mỹ Latinh có 483 triệu tức 41.3%; Âu Châu có 227 triệu, chiếm 23.7%; Phi Châu có 177 triệu, chiếm 15.2%; Á Châu có 137 triệu, chiếm 11.7%; Bắc Mỹ Châu có 85 triệu, chiếm 7.3% và Châu Đại Dương có 9 triệu, chiếm 0.8%. Thống kê cho thấy rằng: Số người Công Giáo cũng như số giáo sĩ Công Giáo ở Âu Châu càng ngày càng giảm. Đang khi đó, số tăng đáng kể ở Phi Châu và Á Châu. Cũng có những nhà bình luận nhiều lạc quan cho rằng: Không hy vọng có lại Giáo Hoàng người Ý, vì đại đa số Hồng Y người Ý, nhất là trong 10 vị mới được chọn dù là người Ý, nhưng rất ít vị là Tổng Giám Mục, đại đa số chỉ là viên chức Vatican thôi. Phẩm vị hồng y như là một tưởng thưởng cho công khó phục vụ Giáo triều Roma của các Ngài. Đây cũng là một giải thích đầy an ủi và mang hy vọng. Có người tiên đoán lạc quan rằng: Trong tương lai, nếu Hồng Y được chọn theo dân số Công Giáo thì sẽ có Giáo Hoàng từ Bắc Mỹ hay từ Châu Mỹ Latinh hay từ Phi Châu và Á Châu. Nhưng trên thực tế, việc chọn Hồng Y là quyền dành riêng cho Giáo Hoàng. Trong hai Giáo Hoàng vừa qua, Gioan Phaolô II và Bênêdictô XVI số Hồng Y người Ý và Âu Châu vẫn đông, dù có tăng số Hồng Y các nước.
Kinh nghiệm của Hai Lúa trong sinh hoạt Giáo Hội:
Hiện tại chúng ta có ba Giám Mục người Việt Nam ở Mỹ, Canada và Úc. Lý do: dân số Công Giáo Việt Nam đông ở những nơi có Giám Mục phụ tá người Việt Nam nói trên. Điều nầy không sai. Tuy nhiên, chúng ta phải nói là: Nhờ những Đấng có quyền nhận ra số đông người Việt Nam hay nhận ra nhu cầu cần một Giám Mục không là dân bản xứ. Những Đấng có quyền nầy phải thật sự đạo đức và nhìn thấy ích lợi cho Giáo Hội, cho đoàn chiên Chúa hơn là chuyện hẹp hòi địa phương. Ai cũng phải thầm khen và thán phục là các Ngài thức thời, tức thấy cần phải thay đổi và những người nầy dù không là Mỹ, không là Canada, không là Úc nhưng có khả năng làm Giám Mục không thua Mỹ, Canada hay Úc.
Giáo Hội Mẹ Việt Nam trong lịch sử cũng phải gánh chịu thương đau vì việc kém thức thời nầy hay không muốn thức thời nầy. Các thừa sai sang Việt Nam truyền đạo từ năm 1533. Đạo Công Giáo phát triển mạnh, dân số Công Giáo tăng nhanh, người tử vì đạo đếm không xuể.. nhưng mãi đến ngày 11.6.1933 mới có Giám Mục Việt Nam tiên khởi, Đức Cha GB. Nguyễn bá Tòng. Rồi mãi đến 24.11.1960 mới thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam, các Giáo Phận ở Việt Nam từ hiệu toà mới thành chánh toà. Suốt 400 năm Giáo Hội Việt Nam như một em bé bú nhờ sữa mẹ là Giáo Hội Pháp hay Âu Châu…Suốt 400 năm, người ta không nghĩ là người Việt Nam biết làm Giám Mục hay có khả năng làm Giám Mục. Nên cần phải duy trì Giám Mục người Pháp cũng như cần duy Giáo Hội VN là một xứ truyền giáo lệ thuộc Toà Thánh hoàn toàn.
Đức Giáo Hoàng Bênêdictô rất thức thời. Ngài thoái vị, một hành động thật “thiên thời, địa lợi và nhân hoà”. Ngài thật dũng cảm nhận rằng mình không còn đáp ứng với sự thay đổi quá nhanh chóng của thế giới. Ngài thật sự yêu mến Giáo Hội và muốn phúc lợi cho Giáo Hội với vị tân Giáo Hoàng. Rất có thể và rất có hy vọng về một Giáo Hoàng đến từ Bắc Mỹ hay từ Châu Mỹ Latinh hay từ Phi Châu hay từ Á Châu thay vì Âu Châu….. nếu 115 Hồng Y trong Công Nghị bầu Giáo Hoàng biết thức thời và biết nhận ra rằng: Không phải chỉ người Ý hay người Âu châu mới biết làm Giáo Hoàng, nhưng nhiều người da đen, da vàng hay da ngâm ngâm.. rất có khả năng cáng đáng vai trò Giáo Hoàng. Xin hãy thức thời, hãy mở mắt mà nhận rằng: nhiều linh mục, nhiều Giám Mục, nhiều tu sĩ nam nữ và nhiều chuyên viên kinh tế chính trị không sinh ra và lớn lên từ Âu Châu, nhưng có khả năng làm việc hơn cả người Âu Châu.
Chữ Hán, ngôn ngữ tượng hình và chuyên chở ý nghĩa rất hay. Chữ NHÂN là hình một con người dứng dạng chân và giang tay. NHÂN là người đầu đội trời và chân đạp đất. NHÂN là người hướng về cõi trên, nhưng chạm đất, và có cảm nghiệm thực sự cuộc sống ở cõi trần. Xin Chúa Thánh Thần ban cho có nhiều NHÂN trong công nghị Hồng Y sẽ diễn ra trong ít ngày gần đây. Amen
Hai Lúa.
(VietCatholic News)