Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM KỲ I.2013 #3

Nhật ký Hội nghị Thường niên kỳ I-2013 
Hội đồng Giám mục Việt Nam (1–5/4/2013) [3]
Ngày thứ hai 

WHĐ (04.04.2013) – Ngày hội nghị thứ hai tiến triển tốt đẹp, bắt đầu với đề tài cần xác định một ngày để quyên góp cho Quỹ dự phòng cứu trợ khẩn cấp và cho việc trùng tu và bảo trì các công trình tại Thánh Địa Giêrusalem. Cả hai việc đều cần thiết và rất ý nghĩa: một đàng bác ái cần phải được biểu lộ ra bằng hành động chia sẻ trước một tình cảnh hoạn nạn, đàng khác là nghĩa vụ của mỗi giáo hội địa phương thế giới đối với Thánh Địa, cái nôi của đức tin, nơi Đức Kitô Con Thiên Chúa sinh ra và sống. Tuy nhiên, phải đến phiên họp ban chiều các Đức cha mới đi đến quyết định thống nhất cuối cùng: chọn ngày thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm để quyên góp đồng thời cho cả hai công trình trên.

Sau đó, các Đức cha trao đổi về vấn đề đào tạo nhân sự chuyên môn cho linh mục, tu sĩ, giáo dân Việt Nam. Vấn đề là trước đây mỗi giáo phận, hay dòng tu đều tự lo, nay cần được các giám mục quan tâm chung ở tầm nhìn cao hơn. Có thể vấn đề này cần được Hội đồng Giám mục tìm hiểu và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa.

Kế đến, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân giám mục Lạng Sơn – Cao Bằng trình bày chương trình mừng kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận, dự định vào ngày 21.11.2013, ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình. Ngài nói lên lời tạ ơn vì giáo phận dần dần phát triển nhanh hơn nhiều năm qua, tuy nhiên cũng cần nhiều trợ giúp về cả tinh thần lẫn vật chất từ các giáo phận khác. Nhân đó, các Đức cha ba giáo phận Hưng Hóa, Lạng Sơn và Bắc Ninh lần lượt nêu ý kiến chung về việc thành lập một giáo phận truyền giáo mới trong tương lai có thể tách-hợp một phần từ ba giáo phận trên. Các giám mục rất quan tâm đến vấn đề này và góp ý sôi nổi, đi đến chỗ tìm hiểu và xác định tiến trình hợp thức cụ thể.

Buổi chiều, Hội nghị nghe Đức cha Chủ tịch trình bày tóm tắt những điều kiện cần thiết về mặt mục vụ để thành lập một giáo phận mới, về dự liệu điều kiện nhân sự và tài chánh. Rồi một lần nữa về vấn đề sau cùng là quy chế của Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas. Sau đó, các giám mục góp ý về tính cách quan trọng của các phương tiện truyền thông và việc dấn thân chủ động hơn nữa của Giáo hội tại Việt Nam trong lãnh vực này để loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên cũng cần tiến hành thận trọng và luôn với một nhiệt tâm loan báo Tin Mừng.

Cuối ngày, Đức cha chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng trình bày về các Hội Giáo hoàng Truyền giáo, cũng như yêu cầu của Tòa Thánh về việc tổ chức và gây tinh thần và ý thức truyền giáo nơi mọi tín hữu, kể cả thiếu nhi.

Ngày làm việc được tiến hành trong tinh thần của lời thánh Phêrô nói với người què ăn xin trước cửa Đền Thờ: “Vàng bạc thì tôi không có, nhưng có điều này tôi cho anh: nhân danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, hãy đứng dậy mà đi” (Cv 3,6).
 
(WHĐ)

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM KỲ I.2013 #2

Nhật ký Hội nghị Thường niên kỳ I-2013 
Hội đồng Giám mục Việt Nam (1–5/4/2013) [2] 
Ngày thứ nhất 

WHĐ (03.4.2013) – Khởi đầu buổi sáng ngày Hội nghị đầu tiên, như thông lệ, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN mời Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô, phát biểu đôi lời chia sẻ về Đức tân Giáo hoàng và những điểm nhấn trong đường hướng của vị mục tử chung của toàn thể Hội thánh Công giáo. Con đường đối thoại chân thành và ôn hòa với thế giới trong đó Hội thánh Chúa Kitô hiện diện và sống vẫn luôn là con đường cơ bản để loan báo Tin Mừng cứu độ. Cũng như Đức Giêsu Kitô đến để làm chứng cho Sự thật, đã chấp nhận chịu nạn, chết và rồi phục sinh, hai ngàn năm qua Hội thánh cũng được Chúa Thánh Thần dẫn đưa vào Sự thật qua đối thoại với thế giới, dẫu có bị chống báng hay bắt bớ. Vị Đại diện Đức Thánh Cha điểm lại tình hình mới của Giáo hội trong thế giới cũng như sự tiến triển của cuộc đối thoại thời gian qua giữa Tòa Thánh với chính phủ Việt Nam. Ngài cũng nhìn nhận Giáo hội Việt Nam đã thể hiện sự đồng hành cùng dân tộc, để xây dựng và làm chứng cho chân lý Tin mừng Tình thương và Giải thoát. Ngài còn khuyến khích các giáo phận, sau khi viếng thăm nhiều nơi ở vùng sâu và xa vừa qua, hỗ trợ nhau hơn nữa trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Sau đó, các giám mục trong HĐGMVN tiếp tục trao đổi và chia sẻ với nhau chủ đề sống mầu nhiệm hiệp thông, cụ thể là, qua cách đồng hành cùng dân tộc trong bối cảnh xã hội ngày nay, qua sự quan tâm và liên đới với nhau mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc loan báo Tin mừng. Có thể nói chân lý và sự bình an của Đấng Phục sinh tiếp tục được ban xuống trên các giám mục đang dự Hội nghị.

Tiếp theo, Đức hồng y Gioan Baotixita tường trình về chuyến đi bầu giáo hoàng mới: theo lời Đức hồng y, xem ra Đức tân Giáo hoàng Phanxicô quan tâm cách riêng đến Giáo hội Việt Nam. Rồi kế đến là chia sẻ của các Đức cha Chủ tịch Ủy ban Loan báo Tin Mừng và Ủy ban Văn hóa về Hội nghị toàn thể Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần XIII vừa qua về đề tài Tân Phúc âm hóa. Theo lời kể của Đức cha Giuse giáo phận Phát Diệm đã tham dự Thượng Hội đồng, các nghị phụ Thượng Hội đồng lần này đặc biệt nhấn mạnh đến việc khởi đầu lại công cuộc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ phải đi từ sự gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô, đó là điều kiện tiên quyết, từ đó mới có nhiệt huyết mới để loan báo Tin Mừng cũng như duyệt lại và đổi mới các cách thức, phương pháp loan báo Tin Mừng ngày nay.

Buổi chiều, vào đầu giờ, các Đức cha tiếp tục cho ý kiến về tổ chức công cuộc Tân Phúc âm hóa này bắt đầu như thế nào từ trách nhiệm của HĐGM; xem ra Ủy ban Loan báo Tin Mừng thuộc HĐGMVN sẽ đảm nhận thêm mối quan tâm mới này. Kế đến Đức cha Nha Trang tường trình về tiến trình án phong chân phước cho Tôi tớ Chúa là Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, mà sắp tới đây việc điều tra cấp giáo phận sẽ cử hành nghi thức bế mạc vào tháng 7 năm nay.

Sau đó, Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin giới thiệu và xin các Đức cha góp ý cho sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạng hỏi-thưa. Cuối cùng, Đức cha Đà Lạt trình bày kế hoạch thành lập Đại chủng viện giáo phận Đà Lạt và được tất cả các Đức cha ủng hộ.

Buổi tối, các Đức cha họp riêng theo ba giáo tỉnh. Một ngày làm việc kết thúc tốt đẹp.
 
(WHĐ)

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM KỲ 1.2013 #1

Nhật ký Hội nghị Thường niên kỳ I-2013 
Hội đồng Giám mục Việt Nam (1–5/4/2013) [1] 
Khai mạc

WHĐ (02.4.2013) – Thời tiết ở Vũng Tàu nắng nóng, hơi oi bức, báo hiệu mùa Xuân đang chuyển mình sang hè. Từ 4 giờ chiều thứ Hai 01 tháng Tư 2013, đầu tuần bát nhật Phục sinh, các giám mục Việt Nam lần lượt tụ về Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu của giáo phận Bà Rịa để họp Hội nghị thường niên kỳ I như hằng năm.


Tại phòng ăn của nhà nghỉ Đền Thánh, đông đủ các Đức cha gặp nhau (vắng Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục giáo phận Đà Nẵng, không thể đến dự vì lý do sức khỏe) và bắt tay nhau chào mừng trong niềm vui Chúa Phục sinh.
Sau cơm chiều, các Đức cha tham dự giờ chầu Thánh Thể và kinh tối lúc 20g30 để cầu nguyện khai mạc Hội nghị.
Sau đó, lúc 21g00, tại phòng hội ngay bên cạnh nhà nguyện, có sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli đại diện Đức Thánh Cha, Hội nghị khai mạc với lời chào mừng của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN Phêrô Nguyễn Văn Nhơn gửi đến các Đức cha và Đức Tổng giám mục. Thật ý nghĩa khi Hội nghị khai mạc vào những ngày đầu tuần Bát nhật Phục sinh. Hội nghị tin tưởng Đấng Phục sinh hiện diện sẽ ban Thần Khí của Người xuống trên các Đức cha tham dự để giúp các ngài thêm khôn ngoan, sáng suốt trao đổi, chia sẻ, bàn thảo và quyết định hầu đem nhiều lợi ích cho Dân Chúa. Đức cha Chủ tịch nhắc đến sự kiện Quan Phòng hạnh phúc: Chúa đã ban một vị mục tử mới cho toàn Dân Chúa là Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 13.03.2013 vừa qua, và cũng tình cờ đó lại là ngày sinh nhật thứ 60 của Đức TGM Leopoldo. Một điều thú vị nữa, Đức cha chủ tịch HĐGM nói những lời chúc mừng ấy vào đúng ngày sinh nhật thứ 75 của ngài, ngày 01 tháng Tư. Đức cha Chủ tịch HĐGM cũng chúc mừng các Đức giám mục mới được bổ nhiệm trong thời gian qua: Đức tân Tổng giám mục Huế Phanxicô Xaviê, Đức cha Tôma Giám mục phó Bùi Chu, đặc biệt mới nhất là Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc mà lễ tấn phong sẽ cử hành vào sáng thứ sáu 05.04 tại Xuân Lộc.

Sau đó, Đức cha Cosma Tổng thư ký phác họa chương trình nghị sự lần này, gồm các đề tài như:

Đức hồng y Gioan Baotixita chia sẻ chuyến hành hương về Rôma cùng với các hồng y tham dự Mật tuyển viện bầu tân Giáo hoàng; báo cáo chia sẻ của hai Đức cha tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hóa vào tháng 10.2012 vừa qua; về vang âm của Đại hội FABC tại Xuân Lộc – TP.HCM tháng 11.2012; về lịch sử 100 năm truyền giáo giáo phận Lạng Sơn; góp ý cho ý kiến xin thiết lập một hoặc hai giáo phận mới tại Việt Nam; góp ý về công trình Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, về Học viện Thần học, Đại chủng viện Đà Lạt; và một số vấn đề thông tin và xin ý kiến của HĐGM từ các Ủy ban thuộc HĐGM...

Buổi khai mạc kết thúc với tâm tình vui vẻ, đơn sơ, và mọi người về phòng nghỉ đêm.
(WHĐ)

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

LỜI CHÚA ĐÊM CANH THỨC VƯỢT QUA MỪNG CHÚA PHỤC SINH NĂM C (Lc 24, 1-12)


ĐỨC GIÁO HOÀNG RỬA CHÂN CHO CÁC BẠN TRẺ PHẠM PHÁP : "ĐỪNG ĐỂ AI LẤY CẮP NIỀM HY VỌNG CỦA BẠN"

Đức Thánh Cha rửa chân cho các trẻ vị thành niên phạm pháp

"HỠI CÁC BẠN TRẺ, ĐỪNG ĐỂ AI LẤY CẮP NIỀM HY VỌNG CỦA BẠN" Đó là câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ với những trẻ phạm nhân.


“Hãy nhìn vào cử chỉ rửa chân để thấy sự trìu mến của Chúa Giê Su”, Đức Thánh Cha đã nói như thế trong bài giảng để giải thích cho các bạn trẻ hiểu ý nghĩa nổi bật của sự “phục vụ” và tình yêu trong nghi thức rửa chân vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Rồi đến lúc chia tay, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh với các bạn trẻ rằng” Các con đừng để ai đánh cắp niềm hy vọng”.

Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh còn gọi là “Thánh Lễ Tiệc Ly” vào thứ Năm, ngày 28/3/2013 với các phạm nhân trẻ tuổi trong nhà nguyện của trại giam giữ trẻ vị thành niên Casal del Marmo, phía bắc của Rome.

Thánh lễ được đồng hành bởi những bài thánh ca và tiếng guitar của những phạm nhân và các thiện nguyện viên. Vào cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã rước Mình Thánh Chúa ra bàn thờ trong thinh lặng. Sau đó Ngài có cuộc gặp gỡ với các bạn trẻ trong phòng tập thể dục. Cùng đi với Ngài có vị Giám Quản, Đức Hồng Y Agostino Vallini. Các bài thánh thư trong thánh lễ được đọc bởi một trẻ phạm nhân, một nhà giáo dục và cha Nicolo Ciccolini, một trong những linh mục phục vụ nhà tù.

Trong nghi thức của phụng vụ hôm nay, Đức Thánh Cha đã rửa chân cho 10 em trai và 2 cô gái trẻ, thay cho 12 tông đồ mà Chúa Giêsu đã rửa chân khi xưa, trước hôm Ngài chịu nạn.

Viện chăm sóc này có 35 bé trai và 11 cô gái từ khoảng 14 đến 21 tuổi và đem lại cho họ cơ hội hướng nghiệp và tái hòa nhập. Chỉ có 8 trong số họ là người Ý, những người khác đến từ Bắc Phi và các quốc gia Slavic, và Roma. Không phải tất cả họ đều là những người Công Giáo và Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của hành động của mình trong một bài giảng rất ngắn gọn và rất mạnh mẽ.

Sự trìu mến của Đức Giê Su

Trọng tâm của bài giảng là "Hãy nhìn vào cử chỉ này (rửa chân) để thấy sự trìu mến của Đức Giêsu”

Đây là lần đầu tiên từ nhiều thế hệ qua, Đức Thánh Cha đã không cử hành Thứ Năm Tuần Thánh tại Latran - theo phong tục của Giám Mục thành Rome - cũng không ở đền thánh Phêrô. Cũng theo truyền thống, Giáo Hoàng thường rửa chân cho các linh mục trong giáo phận của mình. Nhưng năm 2007, Đức Thánh Cha Benedicto XVI đã rửa chân cho 12 giáo dân.

Đức Thánh Cha đã nói với người trẻ bằng cả nhiệt huyết trong trái tim mình, Ngài rửa chân, lau chân, và hôn chân của họ, chính Ngài, đã quỳ xuống bằng hai đầu gối trước họ: trong đó có 2 cô gái trẻ và những người Hồi Giáo. Ngài cũng ôm hôn họ khi trao chúc bình an và chính Ngài cho rước lễ tất cả mọi người trong nhà nguyện.

“Thật cảm động biết bao, Đức Thánh Cha đã nói trong bài giảng với tất cả trái tim mình: Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Phê rô không hiểu gì cả. Và ông đã từ chối. Nhưng Chúa Giêsu giải thích cho ông. Giêsu, Thiên Chúa, đã làm điều đó. Và Chúa lại giải thích cho tất cả các môn đệ: “Các con có hiểu điều thầy vừa mới làm cho các con? Các con gọi thầy là Thầy, là Chúa, và các con đã gọi đúng lắm, vì đúng là thầy như thế. Vậy nếu, thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các con, các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nên mẫu gương để các con cũng làm như thầy”.

Sau đó Đức Thánh Cha phân tích đoạn Lời Chúa như sau: “Đó là mẫu gương của Chúa Giêsu: chính Ngài, Ngài là quan trọng nhất, và Ngài rửa chân, bởi vì giữa chúng ta, ai là người cao trọng hơn hết phải là người phục vụ người phục vụ người khác, và đó có phải là dấu chỉ, là tượng trưng, phải hay không?

Tôi đến để phục vụ bạn đây

“Rửa chân có nghĩa là: “tôi phục vụ cho bạn đây”. Và chúng ta cũng vậy, giữa chúng ta, chúng ta không phải rửa chân cho nhau mỗi ngày sao? Nhưng điều này có ý nghĩa gì? Chúng ta cần phải giúp đỡ lẫn nhau? Đôi khi chúng ta có chút bực bội người này người khác... Và này! Hãy bỏ chúng đi. Bỏ đi. Và nếu có ai đó xin ta chút ân huệ gì, hãy làm ngay điều đó”.

“Hãy giúp đỡ nhau” Đức Thánh Cha nhắc lại: Đó chính là điều Chúa Giêsu dạy ta, và là điều mà tôi đã làm. Và tôi đã làm điều này bằng cả trái tim tôi, bởi vì đó là nhiệm vụ của tôi là linh mục và giám mục, tôi phải trở nên người phục vụ các bạn. Đó là một nhiệm vụ đến từ trái tim tôi, và tôi yêu mến nó. Tôi yêu mến điều đó và tôi yêu mến bởi vì Thiên Chúa đã dạy tôi làm như vậy. Các bạn cũng vậy, hãy giúp đỡ chúng tôi, hãy luôn giúp đỡ nhau, người này người kia và bằng cách giúp đỡ nhau, chúng ta làm cho nhau điều tốt lành”.

Đức Thánh Cha kết luận: “Giờ đây, chúng ta sẽ làm, nghi thức rửa chân, và hãy suy nghĩ về nó. Ước gì mỗi người trong chúng ta suy nghĩ rằng: tôi, thật sự, tôi có sẵn sàng giúp đỡ người khác không? Suy nghĩ chỉ điều đó thôi, và suy nghĩ rằng dấu chỉ này là sự trìu mến mà Giêsu đã làm, bởi vì Giêsu chỉ đến để làm điều đó, để phục vụ và giúp đỡ chúng ta”.

Đừng để bị đánh cắp.

Bà Paola Severino, bộ trưởng bộ Công Lý Italia, sau đó đã nói: «Tôi đã thấy tràn trề tình yêu trong cái nhìn của bạn. Tràn đầy niềm hứng khởi phục vụ». Nhiều người trẻ đã khóc vì xúc động.

Đức Thánh Cha nói thêm vài lời với người trẻ và những người có trách nhiệm để cảm ơn và thêm vào: “Đừng để ai lấy cắp niềm hy vọng. Hãy tiến lên luôn luôn với niềm hy vọng, luôn luôn với niềm hy vọng!”

Mỗi người nhận một quả trứng Phục Sinh và một ổ bánh hình chim bồ câu, ở Ý “Chim bồ câu” là biểu tượng của lễ Phục Sinh. Phần mình, Đức Thánh Cha cũng nhận món quà là một bàn quỳ và một cây thánh giá gỗ do chính các bạn trẻ làm tại phân xưởng của họ.

Lm Mic Nguyễn Khắc Minh
(VietCatholic News) 

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

VIDEO PHÓNG SỰ ĐẶC BIỆT THỨ NĂM TUẦN THÁNH TẠI VATICAN VÀ GIÊRUSALEM - ĐỨC GIÁO HOÀNG HÔN CHÂN CÁC TÙ NHÂN

ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ CHỦ SỰ LỄ DẦU ĐẦU TIÊN TẠI VATICAN

VATICAN. ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ làm phép dầu sáng thứ 5 Tuần Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô. Ngài mời gọi các vị tư tế hãy trở nên những mục tử tận tụy với đoàn chiên Chúa, tìm đến với dân, rao giảng Tin Mừng cho dân đi vào thực tại cuộc sống thường nhật của họ.

ĐTC đã đồng tế thánh lễ lúc 9 giờ rưỡi sáng với khoảng 1.600 vị gồm các Hồng Y, Giám Mục, các LM triều và dòng, trước sự hiện diện của lối 8 ngàn tín hữu.

Trước khi thánh lễ bắt đầu, các vị tư tế đã cùng với các tín hữu hiện diện đã hát kinh Giờ Ba.

Ngoài các vị Phó tế giúp lễ, còn có 12 phó tế đảm nhận việc mang 6 bình dầu lên gần bàn thờ, trong đó có một Phó tế Việt Nam là thầy Giuse Nguyễn Văn Điệp, thuộc giáo phận Thanh Hóa và đang học tại Trường Truyền Giáo. Dầu được ĐTC làm phép do một hợp tác xã nông nghiệp ở Tây ban nha tặng.

Bài giảng của ĐTC

Trong bài giảng sau bài Tin Mừng, ĐTC đã diễn giảng về nghĩa việc xức dầu cho các tư tế, gồm các GM và Linh Mục. Ngài nói:

”Anh chị em thân mến,

”Tôi vui mừng cử hành Lễ Dầu đầu tiên trong tư cách là GM Roma. Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, đặc biệt là các tư tế, ngày hôm nay, giống như tôi, anh em tưởng niệm ngày thụ phong.

Các bài đọc nói với chúng ta về ”Những người được xức dầu”: Vị Tôi Tớ của Jahvê trong sách ngôn sứ Isaia, vua Đavít và Đức Giêsu Chúa chúng ta. Ba vị đều có chung điểm này là việc xức dầu mà các ngài nhận lãnh là để xức dầu cho dân tộc trung thành của Thiên Chúa mà các vị phục vụ; việc xức dầu các vị nhận được là cho người nghèo, các tù nhân, những người bị áp bức... Một hình ảnh rất đẹp nói lên sứ mạng của việc chịu xức dầu là ”để phục vụ”, đó là hình ảnh thánh vịnh: ”Như dầu quí giá được đổ trên đầu, chảy xuống râu, râu của Aaron, chảy xuống vạt áo của ông” (Tv 133,2). Hình ảnh dầu chảy lan, chảy xuống râu ông Aaron cho đến vạt áo thánh của ông là hình ảnh xức dầu tư tế, qua người chịu xức dầu, đi tới tận bờ cõi vũ trụ được tượng trưng qua phẩm phục.

Phẩm phục thánh của vị Thượng Tế thật phong phú về biểu tượng, và một trong những biểu tượng ấy là: tên của con cái Israel được ghi khắc trên những viên đá trang điểm vai áo efod, xuất xứ chiếc áo lễ của chúng ta ngày nay: 6 tên trên viên đá bên vai phải và 6 tên trên viên đá ở vai trái (Xc Xh 28,6-14). Trên viên đá đeo ngực cũng ghi tên 12 chi tộc Israel (Xc Xh 28,21). Điều này có nghĩa là vị tư tế hành lễ, mang trên vai dân được ủy thác cho mình và mang tên của họ được ghi khắc trong tim. Khi chúng ta mặc chiếc áo lễ khiêm hạ, có lẽ chúng ta cảm thấy trên vai và trong tâm hồn gánh nặng và khuôn mặt của các tín hữu chúng ta, các thánh và các vị tử đạo của chúng ta.”

ĐTC nhận xét rằng:

”Vẻ đẹp của những gì thuộc phụng vụ không phải chỉ là một sự trang điểm hoặc là một sở thích đối với các phẩm phục, nhưng chúng nói lên sự hiện diện của vinh quang Chúa chúng ta, chiếu tỏa rạng ngời trên dân tộc sinh động và được an ủi của Ngài. Từ vẻ đẹp đó chúng ta nhìn sang hoạt động. Dầu quí giá được xức trên đầu của ông Aaron không phải chỉ mang hương thơm cho con người của ông mà thôi, nhưng còn tản ra và chảy tới mọi khu vực bên lề. Chúa sẽ nói rõ ràng với ông: việc ông được xức dầu là để phục vụ người nghèo, các tù nhân, bệnh nhân và những người sầu muộn, lẻ loi. Việc xức dầu không phải để cho bản thân chúng ta được thơm tho, và càng không phải để chúng ta giữ riêng nó trong một cái bình, vì làm như thế dầu sẽ bị ôi. . và trái tim trở nên cay đắng.

“Người ta nhận ra vị tư tế tốt lành qua cách thức vị ấy xức dầu cho dân như thế nào. Khi các tín hữu chúng ta được xức bằng dầu hoan lạc thì ta nhận thấy ngay điều đó, chẳng hạn khi họ giã từ thánh lễ với với khuôn mặt của người đã nhận Tin Vui. Các tín hữu của chúng ta đã vui mừng đón nhận Phúc Âm được rao giảng với việc xức dầu, họ hài lòng khi Tin Mừng mà chúng ta loan báo đi vào đời sống hằng ngày của họ, khi bài giảng đó chảy xuống như dầu của ông Aaron, tới tận vạt áo của các thực tại, khi nó soi sáng cho những hoàn cảnh cùng cực, ”những vùng ngoại ô” nơi tín hữu phải đương đầu với sự xâm lăng của những kẻ muốn phá hoại đức tin của họ. Các tín hữu cảm ơn chúng ta vì họ cảm thấy chúng ta đã cầu nguyện với những thực tại của đời sống hằng ngày, những cơ cực và vui mừng, những lo âu và hy vọng của họ. Và khi họ cảm thấy rằng dầu thơm của Đấng được xức dầu, của Chúa Kitô, đi tới họ qua chúng ta, họ được khích lệ phó thác cho chúng ta tất cả những gì họ muốn dâng lên Chúa: ”Thưa cha, xin cầu nguyện cho con, vì con bị vấn đề này”, ”xin cha chúc lành cho con”, ”xin cha cầu nguyện cho con”, đó là dấu chỉ sự xức dầu đi tới tận các viền áo choàng, vì được biến thành lời khẩn nguyện. Khi chúng ta ở trong quan hệ này với Thiên Chúa và với dân Ngài, và ơn thánh chuyển qua chúng ta, thì khi ấy chúng ta là những tư tế, là những người trung gian giữa Thiên Chúa và loài người.

”Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta phải luôn luôn khơi dậy ơn thánh và phân định trong mỗi lời thỉnh cầu, đôi khi không thích hợp, có khi hoàn toàn là vật chất, và thậm chí là tầm thường, - nhưng nó chỉ có vẻ bên ngoài như thế-, ước muốn của các tín hữu chúng ta, họ mong nhận được sự xức dầu, vì họ biết rằng chúng ta có dầu ấy. Đoán biết và cảm thấy được, giống như Chúa, nỗi lo âu đầy hy vọng của người đàn bà bị hoại huyết khi bà chạm đến viền áo choàng của Ngài. Giai thoại ấy trong cuộc đời của Chúa Giêsu, ở giữa dân chúng bao quanh tứ phía -, tượng trưng tất cả vẻ đẹp của Aaron mặc phẩm phục tư tế với dầu chảy xuống y phục của ông. Đó là một vẻ đẹp thầm kín chỉ chiếu tỏ trước những đôi mắt đầy đức tin của người phụ nữ đang bị băng huyết. Chính các môn đệ, - tuy là tư tế tương lai-, nhưng không thấy được, không hiểu được: nơi ngoại biên của cuộc sống, họ chỉ thấy sự hời hợt của đám đông chen lấn tứ phía đến độ làm nghẹt Chúa Giêsu (Xc Lc 8,42). Trái lại, Chúa cảm thấy sức mạnh của việc xức dầu thần linh đi đến tận viền áo của Ngài.

Tiếp tục bài giảng trong Lễ Dầu, tại Đền thờ Thánh Phêrô, ĐTC nói:

”Chính như thế chúng ta cần đi ra ngoài để cảm nghiệm sự xức dầu của chúng ta, năng lực và hiệu năng cứu độ của việc xức dầu: ”ở những nơi ngoài lề”, những nơi có đau khổ, có máu đổ, có tình trạng mù lòa mong được thấy, có những tù nhân của bao nhiêu chủ nhân xấu xa. Không phải trong sự tự kinh nghiệm hoặc trong sự tự nhìn vào nội tâm được lập đi lập lại mà chúng ta gặp Chúa: những lớp học dạy tự lực trong cuộc sống có thể là hữu ích, nhưng cuộc sống đi từ lớp này tới lớp khác, từ phương pháp này đến phương pháp khác, sẽ làm cho chúng ta trở thành những người duy tự do và duy lý (pelagini), coi nhẹ quyền năng của ơn thánh vốn tác động và tăng trưởng theo mức độ, theo đó, trong niềm tin, chúng ta ra ngoài để trao ban Tin Mừng cho bản thân và tha nhân, trao ban một chút dầu của chúng ta cho những người không có gì cả.

”Tư tế nào ít ra khỏi mình, xức dầu một cách bủn xỉn, - tôi không nói là ”không bao giờ”, vì, cám ơn Chúa, các tín hữu của chúng ta ”lấy trộm” sự xức dầu, thì tư tế ấy sẽ mất đi điều tốt lành nhất trong các tín hữu của dân chúng ta, sẽ mất đi khả năng khơi dậy phần sâu xa nhất trong tâm hồn tư tế của mình. Ai không ra khỏi mình, thì thay vì là một người trung gian, dần dần họ trở thành một người môi giới, một người quản trị. Tất cả chúng ta đều biết sự khác biệt này: người môi giới và người quản trị đã được đồng lương của họ rồi và vì họ không phải trả giá bằng chính bản thân và con tim của họ, nên họ không nhận được lời cám ơn với lòng quí mến, nảy sinh từ con tim. Từ đó nảy sinh sự bất mãn của một số tư tế, rốt cuộc họ trở thành người buồn sầu và bị biến thành một thứ những người sưu tập đồ cổ hoặc những đồ mới, thay vì trở thành những mục tử với ”hương đoàn chiên của mình”, mục tử ở giữa đoàn chiên của mình, và là những người đánh cá người.

”Quả thực, cái gọi là cuộc khủng hoảng căn tính linh mục đang đe dọa tất cả chúng ta và tháp nhập vào cuộc khủng hoảng văn minh; nhưng nếu chúng ta biết vượt thắng làn sóng ấy, chúng ta có thể ra khơi nhân danh Chúa và thả lưới. Điều tốt là chính thực tại thúc đẩy chúng ta đi tới tình trạng chúng ta hiện nay nhờ ơn thánh, thực tại ấy xuất hiện như ơn thánh thuần túy, trong biển trần thế hiện nay, trong đó điều đáng kể là sự xức dầ, chứ không phải là chức năng, và lưới thả xuống chỉ được đầy cá nhân danh Đấng mà chúng ta phó thác, đó là Chúa Giêsu.”

Và ĐTC kết luận rằng:

”Các tín hữu thân mến, anh chị em hãy gần gũi các tư tế của mình với lòng quí mến và cầu nguyện để các vị luôn là những mục tử theo con tim của Chúa.

”Các tư tế thân mến, xin Thiên Chúa Chúa đổi mới trong chúng ta Thần trí Thánh Thiện nhờ đó chúng ta được xức dầu, xin Chúa đổi mới sự xức dầu trong tâm hồn chúng ta để sự xức dầu ấy đi tới tất cả mọi người, cả ở ”các nơi ngoại ô nữa”, nơi mà các tín hữu chúng ta đang mong đợi hơn cả và quí chuộng. Dân chúng ta cảm thấy chúng ta là môn đệ của Chúa, cảm thấy chúng ta mang phẩm phục có tên của họ, và chúng ta không tìm kiếm căn tính khác, có thể nhận được qua những lời nói và hoạt động của chúng ta dầu hoan lạc mà Chúa Giêsu, Đấn gđã được xức dầu, đã đến để mang cho chúng ta. Amen

Làm phép dầu

Sau bài giảng của ĐTC, các HY, GM và LM hiện diện đã cử hành nghi thức lập lại những lời đã hứa khi chịu chức linh mục.

Tiếp đến, ĐTC đã làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh hiến (Crisma). Nghi thức này cũng nhấn mạnh mầu nhiệm Giáo Hội như bí tích phổ quát của Chúa Kitô, thánh hóa mọi thực tại và hoàn cảnh của cuộc sống. Vì thế, ngoài dầu thánh hiến, còn có nghi thức làm phép dầu dự tòng cho những người chiến đấu để chiến thắng ác thần, hầu lãnh nhận những nghĩa vụ từ bí tích rửa tội, và sau cùng dầu bệnh nhân, để xức cho những người ở trong tình trạng bệnh tật đang thể hiện nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Kitô. Và thế là từ Dầu, hương thơm tốt lành của Chúa Kitô toả lan cho mọi chi thể của Giáo Hội và lan ra thế giới. Lời cầu nguyện này của Chúa Giêsu xuất hiện 2 lần dưới hình thức hơi được thay đổi. Chúng ta phải nghe cả hai lần với tất cả sự chú ý, để bắt đầu hiểu ít là được phần nào điều cao cả đang được diễn ra. ”Xin Cha thánh hiến họ trong sự thật”, rồi Chúa Giêsu nói thêm: 'Lời Cha là sự thật”. Vì vậy, các môn đệ được lôi kéo vào trong nội tâm của Thiên Chúa nhờ sự chìm đắm trong Lời Chúa. Có thể nói, Lời Chúa là sự thanh tẩy làm cho các môn đệ được thanh sạch, là quyền năng sáng tạo biến đổi các môn đệ trong Thiên Chúa.

LM Trần Đức Anh OP
(VietCatholic News)

DÒNG MÊN THÁNH GIÁ NHA TRANG : 21 KHẤN SINH LẦN ĐẦU

Ngày19/03/2013, vào lúc 5g30 tại Nguyện Đường của hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh, Giám mục Giáo Phận Nha Trang đã chủ tế Thánh lễ và cử hành nghi thức tiên khấn Dòng cho các chị em thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang. 


 
Công đồng Vat. II đã coi đời thánh hiến của các tu sĩ là phương thế kết hiệp một cách đặc biệt với Giáo hội và với Mầu nhiệm Giáo hội, do đó đời thánh hiến luôn nỗ lực đem lại lợi ích cho Giáo hội (x. LG 44). Việc mưu cầu đó được thể hiện bằng cách “bắt chước cách chính xác hơn và thực hiện liên tục trong Giáo hội nếp sống Con Thiên Chúa đã nhận khi Ngừơi xuống thế để thi hành Thánh ý Chúa Cha và cũng là nếp sống Ngừơi đã đề ra cho các môn đệ theo Người” (LG 44).

Hôm nay, Hội Dòng được diễm phúc đón nhận 21 chị em gia nhập hội Dòng qua lời tiên khấn.

Chúng ta cùng cầu nguyện các tân khấn sinh được luôn trung thành bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí các chị.

Danh sách các tân khấn sinh:

01. Anna Nguyễn Quỳnh Hạ
02. Têrêxa Phan Thị Thu Hằng
03. Têrêxa Võ Thị Như Hiệp
04. Maria Trần Thị Hiển
05. Lucia Nguyễn Thị Thu Hoài
06. Maria Nguyễn Thị Kim Lài
07. Anna Nguyễn Thị Loan
08. Mad Võ Nữ Hoàng My
09. Maria Huỳnh Thị Kim Mỹ
10. Maria Cù Thị Nga
11. Maria Phạm Thị Ngà
12. Maria Nguyễn Thị Nhi
13. Têrêxa Phạm Thị Tuyết Nhung
14. Maria Nguyễn Thị Phương
15. Anna Nguyễn Thị Quỳnh
16. Anna Nguyễn Thị Sáu
17. Têrêxa Hà Thị Tâm
18. Têrêxa Phạm Thị Thắm
19. Maria Trần Thị Thiện
20. Maria Nguyễn Thị Hồng Trang
21. Matta Nguyễn Loan Ý Vi
(giaophannhatrang.org)