Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C 17-11-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXXIII thường niên năm C 17-11-2013.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C - KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (Mt 10, 17-22)


TRUYỀN GIÁO NGÀY NAY

Làm sao tin Chúa mà vẫn không mất lòng mến Đức Phật?

Reeng... reeng... reeng...!!!“Alô! Tôi là... xin nghe!” “Ồ, chào cậu, mình là Bản đây. Chiều mai rảnh không, mời ông bạn đi ăn cơm với gia đình mình nhé. Có chuyện rất cần bạn chia sẻ tâm tình”. Tôi coi lịch và thấy không có gì cản trở, nên nhận lời. “Mai mình sẽ đến vào lúc 18h nha”.

Đó là một cú điện thoại của một người bạn thân gọi đến từ Đồng Nai. Vợ chồng anh chị ở ngoài bắc, nhưng vào trong nam lập nghiệp làm ăn.

Đúng hẹn, tôi đến nhà anh bạn lúc 18h ngày hôm sau. Gặp tôi, vợ chồng anh bạn đon đả, tay bắt mặt mừng, mời tôi vào nhà uống nước. Sự thân thiện của anh chị vốn là bản chất đã có từ lâu. Tôi thấy quý anh chị và các cháu vì tính hồn nhiên, chân thành của họ. Ngồi một chút, anh nói với tôi:

“Bản có vợ chồng thằng bạn cũng thân lắm, nhưng chỉ tội hơi buồn vì vợ nó là đạo Công Giáo, còn chồng lại theo đạo Phật. Ngày chúng nó lấy nhau làm phép chuẩn thôi . Khi ấy, hai bên ai cũng đồng ý, nhưng khi có con rồi, các cháu cũng chuẩn bị đến tuổi đi học, nên 2 vợ chồng thấy lo. Lo là vì sau này không biết giáo dục các cháu theo tôn giáo nào! dựa vào giáo lý Đức Phật hay Chúa Giêsu để định hướng cho chúng nó, nên mỗi khi đụng đến vấn đề này, là vợ chồng cãi nhau. Mình là bạn thân với chúng nó, Bản thấy thế, nên cũng buồn. Lát nữa mình có mời vợ chồng nó đi ăn cùng, thấy thuận tiện, muốn thầy chia sẻ với vợ chồng nó một chút để làm sao cho chúng nó dung hòa, nếu không Bản nghi đổ vỡ lắm!”.

Nhìn đồng hồ, tôi thấy 19h rồi, và thế là tôi cùng vợ chồng anh Bản chạy đến nơi chúng tôi sẽ ăn tối cùng nhau.

Vừa mới dựng xe xong, quay sang thì thấy vợ chồng anh đó cũng tới. Chúng tôi vào bàn ăn, và công việc đầu tiên là phần làm quen. Anh Bản lần lượt giới thiệu tôi với mọi người và ngược lại. Qua giới thiệu, chúng tôi tỏ vẻ thân thiện với nhau ngay từ giây phút ban đầu.

Sau đó, chúng tôi cùng nhau ăn cơm, và đến khoảng giữa bữa, vợ của anh bạn, chị Tuyết, chị là người Công Giáo, lấy anh Bình là người Phật Giáo. Vì biết tôi là thầy tu, nên chị chủ động gợi chuyện: “Thưa thầy, con rất muốn chồng con phải theo đạo Công Giáo! Nhưng anh không chịu và ngược lại, anh cũng bắt con theo Phật Giáo! Thầy nghĩ sao và cho chúng con lời khuyên”. Tôi hỏi lại chị: “Tại sao chị yêu cầu anh phải theo đạo Chúa?”. Chị trả lời: “Tại vì gia đình con theo Chúa từ nhiều đời nay rồi, với lại con thấy Chúa tốt lành quá, bỏ Ngài, con thấy có tội... và nhất là con sợ mất linh hồn lắm thầy ạ!”. Tôi quay sang hỏi anh: “Anh Bình! Anh có muốn theo Chúa không?”. Anh trả lời: “Con làm sao theo được! Nhà con sùng Phật nhất làng đó! Bác bên bố và cậu bên mẹ là Hòa Thượng trụ trì những chùa lớn ở ngoài bắc. Còn em trai của con là sư thầy, đang trụ trì một chùa bên quận 8, gia đình con như thế, làm sao con có thể bỏ Đức Phật để đi theo Chúa được”. Nghe đến đây, tôi đáp lời: “Anh ạ, tôi không bảo anh bỏ Đức Phật và đi theo Chúa đâu, chị đây cũng vậy thôi, nhưng có khi chị diễn tả hơi chân thành và đơn sơ, nên anh hiểu chưa đúng đấy thôi”. Lúc đó, anh hỏi lại tôi: “Vậy theo thầy, con phải hiểu và làm thế nào?”. Tôi nói: “Trước tiên, tôi thấy Đức Phật là một đấng rất đáng kính. Ngài đã dám chấp nhận từ bỏ con đường giàu sang nhung lụa chốn triều đình, và đã nhất quyết bỏ lại tất cả khi đã giác ngộ ra chân lý ‘đời là bể khổ’ và ngài đã tìm ra con đường để giải thoát. Con đường ấy được thể hiện trong triết lý ‘Tứ diệu đế’, ‘Thập nhị nhân duyên’ và ‘Bát chính đạo’. Qua đó, ngài cũng mời gọi mọi người đi theo con đường mà ngài đã tìm ra để đạt được hạnh phúc. Đức Phật thật tốt. Tuy nhiên, khi được học trò hỏi: ‘Thưa thầy, Chân Lý ở đâu?’ Ngài đã không tự nhận mình là Chân Lý, nhưng âm thầm chỉ tay lên Trời. Như vậy, ta hiểu, Đức Phật không tự coi mình là Chân Lý, mà Ngài đã chỉ lên Trời, Chân Lý ở trên đó! Ngài đóng vai trò là người dẫn đường để đưa người ta đến gần Ông Trời, gặp được Ông Trời và được ở với Ông Trời là Chân Lý tuyệt đối. Vì thế, với người Công Giáo, chúng tôi rất mến Đức Phật, bởi vì ngài cũng như chúng tôi là tin Ông Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa. Tuy có nhiều cách gọi khác nhau, nhưng những tước hiệu đó, bên chúng tôi gọi Ngài qua một tên chung là Thiên Chúa”. Nghe đến đây anh tỏ vẻ đắc trí. Nhưng anh hỏi tiếp: “Bây giờ làm thế nào để con theo Chúa mà không bỏ Đức Phật? Bởi vì con thương và thấy tội Đức Phật quá. Con cũng thấy có một số người khi đã tin theo một tôn giáo khác, thì ngay lập tức, họ quay lưng lại với Đức Phật! Thậm chí, họ coi Đức Phật rất tầm thường, nếu không muốn nói là báng bổ ngài. Nếu mà thầy bắt con cũng như họ là con nhất quyết không theo đạo Chúa đâu!” Tôi bảo anh: “Anh theo Chúa thì đúng rồi, bởi vì Chúa là Đấng dựng nên trời đất, muôn vật, muôn loài, trong đó có loài người và cũng có cả Đức Phật luôn. Anh theo Chúa thì được cả Chúa và cũng có luôn Đức Phật. Nhưng anh phải hiểu là Chúa thì chúng ta tôn thờ Ngài, bởi vì nhờ Ngài, thì mọi sự mới hiện hữu trên trần gian này. Còn Đức Phật thì chúng ta tôn kính ngài như các bậc hiền nhân, như các thánh bên Công Giáo! Được chứ?”. Đến đây, tôi nhận thấy anh Bình tỏ vẻ hài lòng và thuận theo cách giải thích của tôi và có thiện cảm với đạo Công Giáo. Tôi nói thêm: “Nếu anh theo đạo Chúa, mà anh quay lưng với Đức Phật thì không thể được”.

Đến đây, tôi nhớ lại trong buổi học về môn đối thoại liên tôn, cha giáo nói: “Anh em khi đến chùa, mình vẫn có thể thắp hương vái Đức Phật để tỏ lòng tôn kính ngài, vì điều này không ảnh hưởng gì đến niềm tin của ta, nhưng lại còn thể hiện nét đẹp rất nhân văn. Tuy nhiên, nếu vì hành vi thắp hương của ta cho Đức Phật mà gây hiểu lầm nơi những người chung quanh và ta ngầm hiểu là họ nghĩ đây là hành vi tôn thờ Đức Phật thì không nên, vì chúng ta được phép tôn kính ngài chứ thờ là thờ một Thiên Chúa mà thôi”.

Rồi trong đầu tôi cũng hiện lên câu chuyện của cha Piô Ngô Phúc Hậu, một nhà truyền giáo nổi tiếng và rất thành công tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khi ấy, ngài cũng gặp phải trường hợp gần giống như vậy, đó là một bà cụ xin theo đạo Công Giáo, bà theo đạo Chúa vì thấy ông cha nói về Chúa hay quá, nhưng khi Rửa Tội xong, bà cứ buồn và thấy thương Đức Phật! Lúc đó bà hỏi cha Piô: “Cha ơi, tôi theo đạo Phật từ nhỏ. Tôi thương Đức Phật quá. Bây giờ tôi theo Chúa, cha cho tôi giữ bàn thờ Đức Phật nha!” Cha Hậu đang trầm ngâm, thấy vậy, bà tiếp lời: “Đức Phật tốt lắm ông cha ạ. Tôi thương ngài lắm”. Sau đó cha Hậu đánh liều bảo bà: “Bà cứ thương Đức Phật đi. Tôi cũng thương ngài nữa, nhưng mà Chúa thì để trong lòng kiếng, chỗ quan trọng, còn Đức Phật là hiền nhân thì để ở kế bên Chúa, thấp hơn Chúa, bà chịu không?”. Bà vui mừng và sẵn sàng đón nhận đề nghị của Cha Hậu. Hôm sau, cha Hậu lên trình Đức Cha về sự việc này, Đức Cha nói: “Được lắm! Cha có sáng kiến hay” . Cứ thế, dần dần người dân Miền Tây theo đạo Công Giáo khá đông, và ngày nay, họ sống hài hòa giữa các tôn giáo với nhau trong lối hiểu, trong cách nói, và trong việc tham gia những công ích chung .

Thực vậy, Đức Kitô đã chết cho mọi người. Vì thế, “...ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần hằng ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua theo một cách thức mà chỉ duy một mình Thiên Chúa biết” (Gs 22e). Thần Khí sẽ đưa tất cả về với Đức Kitô, vì thế, mọi người đều có khả năng hướng về Đức Kitô . Quả thật, các đạo dẫn đến Đường là Đức Kitô, qua “luật ghi khắc trong lương tâm” (x. Rm 2, 15) cần phải được mọi người tôn trọng.

Mong thay ngày nay, với người Công Giáo, chúng ta cần có cái nhìn đối thoại hơn với Đạo Phật cũng như với các tôn giáo khác, cần hiểu đạo Phật và giáo lý của ngài, ta sẽ dễ dàng có một cái bắt tay thân thiện để cùng nhau thăng tiến đời sống tâm linh cho con người.

Tinh thần này cũng được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam định hướng qua thư chung 2003, trong đó có đoạn viết: “Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn. Việc thăm viếng các thành viên tôn giáo bạn và nhất là thăm viếng các gia đình cũng như cá nhân ngoài Công Giáo là trình bày Phúc Âm một cách cụ thể. Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi gặp hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống động giúp anh chị em ngoài Công Giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn. Trao đổi với người ngoài Công Giáo về một đề tài chung. Từ đó, chúng ta nhận ra trong thời đại ngày nay, việc đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ dẫn đến thông cảm, hiểu biết và tôn trọng nhau hơn” .

Có được cái nhìn như thế, thì còn đâu trong tâm tưởng một thái độ kỳ thị, coi thường và quay lưng lại với nhau nữa.

Thật mong thay!

Saigon, kỷ niệm lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, 17.11.2013

Nguyễn Ngọc Phú Đa

(VietCatholic News)

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI VỀ HOẢ TÁNG

Tại một số nhà quàn hiện nay ở Tây Phương, người ta có những quày bày bán các sản phẩm trang sức, như bông tai, dây chuyền, lắc đeo tay, nhẫn và cả vòng đeo chìa khóa nữa trong đó có chứa một chút di hài người quá cố (tro) đã được hỏa táng. Một công ty trực tuyến đã quảng cáo các sản phẩm này như sau: “Cùng với con số hoả táng mỗi ngày một gia tăng trong các năm gần đây, ta thấy xuất hiện hàng loạt giải pháp để lưu giữ các di hài hỏa táng và duy trì ký ức về các thân nhân quá vãng. Trong số các giải pháp này, đồ trang sức hỏa táng mau chóng trở thành một chọn lựa ưa thích của thân nhân còn sống; những người này muốn tỏ lòng tôn kính các thân nhân quá vãng và muốn giữ họ gần trái tim mình mãi mãi”.

Đau buồn vì mất người thân là điều ai trong chúng ta cũng từng trải qua; cả ước muốn tưởng nhớ và mãi mãi gần gũi những người thân đã ra khỏi cuộc đời này cũng thế. Giáo Hội nhìn nhận sự kiện này, không những trong nghi lễ an táng mà cả trong thừa tác vụ đến với những người đau buồn nữa, nhất là vào tháng Mười Một hàng năm. Bắt đầu với việc cử hành Lễ Các Linh Hồn vào ngày 2 tháng Mười Một, và tiếp tục trong suốt tháng Mười Một, Giáo Hội mời gọi mọi người chúng ta hướng lòng mình vào việc tưởng niệm và cầu nguyện cho tất cả những ai đã qua đời.

Ấy thế nhưng, trong khi Giáo Hội khuyến khích ta cầu nguyện và tưởng niệm các người thân đã qua đời, thì phải nói gì về khuynh hướng mang di hài người quá cố trong các đồ trang sức? Hay về tập quán giữ hũ tro người quá cố tại nhà, hay trải tro của họ lên những nơi như biển, công viên hay vườn tược? Để trả lời các câu hỏi này, linh mục Koopman, giáo sư thần học luân lý tại Chủng Viện St Mary (http://www.catholicuniversebulletin.org/THEOLOGY13/theology1.php), đã vắn tắt trình bày một số điểm về lịch sử việc hoả táng trong Giáo Hội cũng như ý nghĩa thần học của sự chết.

Hỏa táng là việc thông thường trong thế giới cổ thời, đầu thời đại Kitô Giáo, nhất là trong Đế Quốc Rôma. Tuy nhiên, mô phỏng truyền thống Do Thái Giáo, các Kitô hữu tiên khởi đã không chọn hoả táng thân xác người quá cố, mà là chôn cất họ. Lý do một phần vì trong truyền thống ta, thân xác đóng vai trò rất quan trọng. Ai cũng biết tâm điểm đức tin ta là mầu nhiệm nhập thể vĩ đại: Thiên Chúa trở nên xác phàm trong con người Chúa Giêsu. Không hề vô nghĩa hay vô giá trị, thân xác ta có tầm quan trọng và phẩm giá cao quí: điều này không phải chỉ đúng với Chúa Kitô, mà đúng cho mọi người chúng ta. Như Thánh Phaolô vốn nhấn mạnh, thân xác ta chính là đền thờ Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, thực tại phục sinh càng làm nổi bật sự quan trọng của thân xác. Vào buổi sáng Phục Sinh, Chúa Kitô không hiện ra với các môn đệ như bóng ma: đúng hơn, việc sống lại từ cõi chết của Người là một thực tại thân xác. Người ăn thực phẩm với các môn đệ, Người bảo Thánh Tôma đặt tay vào các vết thương của Người. Và việc phục sinh của Người là việc phục sinh của thân xác thế nào, thì việc ta hiện hữu trên thiên đàng cũng là một hiện hữu của thân xác như thế. Như ta tuyên xưng mỗi Chúa Nhật trong kinh tin kính, đức tin của ta vào sự phục sinh của người chết lúc tận thế là thế này: mọi người chết sẽ được tái hợp với thân xác vinh hiển của họ. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo thì dạy ta rằng: “ ‘Sự phục sinh xác thịt’ (Nguyên văn Kinh Tin Kính Của Các Tông Đồ nói thế) không chỉ có nghĩa: linh hồn bất tử của ta sống mãi sau khi chết, mà còn có nghĩa: cả ‘thân xác hay chết’ của ta cũng được phục sinh nữa”.

Chính vì tín điều này, Giáo Hội đã chống đối việc hỏa táng trong một thời gian. Việc chống đối này không hẳn nhằm vào chính hành vi hỏa táng cho bằng nhằm vào hệ luận bác bỏ thực tại phục sinh thân xác của nó. Trong thế kỷ 20, khi việc hỏa táng trở nên phổ thông hơn và vì người ta không còn coi việc hỏa táng như một bác bỏ việc phục sinh người chết nữa, nên Giáo Hội đã hủy bỏ lệnh cấm hoả táng vào năm 1963 (chính thức được qui định trong bộ Giáo Luật 1983) và cho phép người Công Giáo được chính thức hỏa táng.

Tuy nhiên, dù cho phép hỏa táng, Giáo Hội vẫn cảnh giác chống lại các tình huống trong đó di hài hoả táng không được tôn kính cách xứng đáng. Như Nghi Thức vốn dạy “di hài hoả táng phải được tôn kính như ta tôn kính thân xác vốn là xuất xứ của chúng”. Việc tôn kính này bao gồm việc chôn cất (burial) đàng hoàng. Nghi thức dạy tiếp: “di hài hỏa táng phải được chôn trong mộ huyệt hay đặt tại một lăng mộ (mausoleum) hay một nơi chuyên để đặt các hũ tro này (columbarium). Tập quán trải di hài hỏa táng trên biển, trên không hay trên đất hoặc giữ di hài hỏa táng tại nhà một thân nhân hay bằng hữu của người quá cố không phải là sắp xếp tôn kính mà Giáo Hội đòi hỏi”. Bởi thế, việc tôn kính thân xác chính là lý do phía sau việc Giáo Hội chống đối các tập tục vừa kể, trong đó có việc đặt di hài hoả táng trong đồ trang sức. Thân xác ta, và di hài thân xác ta, không phải chỉ là đồ vật hay hàng hóa; đúng hơn, chúng có phẩm giá buộc ta phải tôn kính.

Điểm cuối cùng cần lưu ý: trong khi Giáo Hội nhấn mạnh rằng chôn cất đàng hoàng là thực hành duy nhất duy trì được phẩm giá thân xác và lòng tôn kính đối với nó, ta thấy việc ấy còn có những lý do sâu xa và thiêng liêng hơn. Vì trong truyền thống của ta, không những người Công Giáo chôn cất người chết, mà họ còn có thói quen trở lại nơi chôn cất để dâng lời cầu nguyện cho người chết nữa, coi nó như nơi thánh. Thói quen này vẫn còn tiếp diễn tại mọi nghĩa trang Công Giáo khắp các giáo phận trên thế giới ngày nay. Trở lại nơi người thân yêu của ta được chôn cất một cách xứng đáng luôn mang tới cho người Công Giáo chúng ta không những sự chữa lành các đau buồn mà còn làm tươi mới lại niềm cậy trông của ta vào sự phục sinh thân xác nữa. 

Vũ Văn An
(VietCatholic News)

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

NGƯỜI CÔNG GIÁO PHILIPPINES ĐỐI DIỆN VỚI THẢM HOẠ HAIYAN

Trong những ngày qua, trên các diễn đàn mạng, nhiều cư dân mạng Việt Nam đã bày tỏ niềm cảm thông và lòng biết ơn đối với đất nước Philippines. Họ không ngần ngại gọi Philippines là “người anh chịu thương chịu khó”, quanh năm gồng mình chống đỡ bớt bão tố cho đất nước Việt Nam. Nếu không có Philippines ngoài Biển Đông thì Việt Nam sẽ phải hứng chịu toàn bộ sức mạnh của các cơn bão Thái Bình Dương. Quả không sai chút nào!

Trong một lần nói chuyện với một người anh em linh mục đang học bên Philippines, tôi thắc mắc: Tại sao đất nước Philippines quanh năm phải chịu nhiều bão tố thiên tai như thế?

Ngài bảo rằng nguyên nhân khiến cho đất nước Philippines phải hứng chịu thiên tai triền miên là do vị trí địa lý đặc thù của Philipines, một đất nước với gần 7000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau trải dài trên vành đai lửa của Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho người dân Philippines một điểm tựa chính là niềm tin tôn giáo. Chẳng phải Ngài đã ban tặng cho đất nước Philippines một tỉ lệ 83% dân số là Kitô giáo còn gì!

Càng ngẫm nghĩ, tôi càng thấy đúng, và tôi thầm tạ ơn Chúa về điều này. Quả vậy, quanh năm dìm mình trong bão lũ thiên tai: hết sóng thần, đến động đất; hết động đất, đến lụt lội; hết lụt lội lại đến cuồng phong… Người dân Philippines dường như không ngước đầu lên được. Có điều kỳ lạ là họ vẫn luôn lạc quan tin tưởng, không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ than trời trách đất. Đúng như lời của Đức Ông Jose Clemente Ignasio, người đứng đầu Cơ Quan Quản Lý Thiên Tai của Tổng Giáo Phận Manila, nói với đài CNA: “Mặc dù thiên tai liên miên, nhưng người Philippines vẫn luôn tìm kiếm Thiên Chúa và coi việc đó như một phần của cuộc sống. Trong đau thương, họ vẫn không oán trách Thiên Chúa; trái lại họ khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa nâng đỡ và kêu xin Giáo Hội trợ giúp tinh thần” (CNA/EWTN News).

Thật tuyệt vời! Niềm tin tôn giáo cho họ niềm xác tín rằng trái đất này, thế giới này là giới hạn, là bất toàn, rằng đời sống con người nơi trần gian này cũng chỉ là tạm bợ, vô thường và chóng qua. Nước Trời phải là địa chỉ thường trú mà con người phải hướng tới. Chính niềm xác tín ấy đã cho người dân Philippines có thêm sức mạnh để đương đầu với những nghịch cảnh thương đau của cuộc đời.

Đức Tổng Giám Mục giáo phận Cebu, Jose Palma, phát biểu trước báo giới: “Không có cơn cuồng phong hay bão lũ nào có thể làm suy giảm được sức mạnh tinh thần của con dân Philippines. Chúng cũng không thể dập tắt được niềm hy vọng của chúng tôi” (CNA/EWTN News).

Giáo Hội vừa là chỗ dựa vừa là niềm an ủi cho người dân Philippines, đặc biệt trong những ngày qua. Cảm động biết bao khi nhìn hình ảnh các nhà thờ Công Giáo nêm cứng đoàn người trú bão, và rồi khi cơn bão đi qua, những nơi đó lại trở thành “nhà thương”, “nhà tế bần”, thậm chí là “nhà xác” cho những người dân đang gặp tai ương hoạn nạn. Các giáo xứ sẵn sàng mở cửa nhà thờ 24/24. Nhà thờ giờ đây tạm thời không còn là nơi diễn ra các cử hành phụng tự nữa, mà là nơi cưu mang và cứu chữa “những Giêsu” đang hoá thân nơi những người anh em bất hạnh. “Những Giêsu ấy” đang cần có nơi để băng bó các vết thương, cần có nơi để trú tạm qua đêm, và cần có nơi để lấy lại bình tâm sau cơn ác mộng do siêu bão Haiyan gây ra.

Nhìn những hình ành trên đây, tôi bỗng nhớ lại lời Chúa Giêsu nói với các luật sĩ và Biệt phái nệ luật: “Đavít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ cùng ăn. Thứ bánh này chỉ có Tư tế mới được ăn mà thôi” (Lc 6,3-4).

Trong hình, ta thấy đám đông những người tị nạn bão lụt chiếm lĩnh cả Cung Thánh, áo quần treo phơi ngay trên khung cửa sổ nhà thờ, thậm chí nấu ăn và rửa ráy ngay trên lối đi giữa nhà thờ. Không sao hết! Cùng với Giáo Hội, họ đang “dâng” những Thánh lễ đẹp nhất và sống động nhất trong cuộc đời mình! Thật ấm lòng khi Giáo Hội luôn bên họ và đồng hành với họ, nhất là trong những lúc đau thương nhất.

Giáo Hội nên như thế và Giáo Hội phải như thế!

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
(VietCatholic News) 

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM C 10-11-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXXII thường niên năm C 10-11-2013.
Cha phó Giuse dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

R.I.P PHANXICÔ XAVIÊ QUÁCH ANH HÀO

XIN CẦU CHO LINH HỒN
PHANXICÔ XAVIÊ 

Trong niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ,
Ban Điều Hành Giáo Họ Đức Mẹ Lên Trời
Giáo xứ Thuận Phát và gia đình trân trọng báo tin :


Ông PHANXICÔ XAVIÊ
QUÁCH ANH HÀO
Sinh năm 1933 tại Saigon

Cư ngụ tại : 18J đường 3J (CXNH)
P.Tân Thuận Tây, Quận 7, Tp.HCM
Thuộc Giáo Họ Đức Mẹ Lên Trời - Giáo xứ Thuận Phát

Đã an nghỉ trong Chúa
lúc 19g30 Chúa Nhật ngày 03.11.2013
(Nhằm ngày 01 tháng Mười năm Quý Tỵ)


Hưởng thọ 81 tuổi

 CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ

Thứ Hai 04.11.2013
  • 10g00 : Nghi Thức Phát Tang - Tẩn Liệm - Nhập Quan.
Thứ Tư 06.11.2013
  • 18g30 : Thánh Lễ Cầu Hồn cử hành tại tư gia.
Thứ Năm 07.11.2013
  • 04g15 : Nghi Thức Động Quan và di quan đến nhà thờ. 
  • 05g00 : Thánh Lễ An Táng cử hành tại nhà thờ Thuận Phát.
Sau đó di quan đi hoả táng
tại Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM.


Thuận Phát, ngày 04 tháng 11 năm 2013
Kính báo
Hội Đồng Mục Vụ
BĐH Giáo Họ Đức Mẹ Lên Trời
Gx.THUẬN PHÁT
và Gia Đình

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C 03-11-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXXI thường niên năm C 03-11-2013.
Cha Chánh Xứ dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.