Tại một số nhà quàn hiện nay ở Tây Phương, người ta có những quày bày
bán các sản phẩm trang sức, như bông tai, dây chuyền, lắc đeo tay, nhẫn
và cả vòng đeo chìa khóa nữa trong đó có chứa một chút di hài người quá
cố (tro) đã được hỏa táng. Một công ty trực tuyến đã quảng cáo các sản
phẩm này như sau: “Cùng với con số hoả táng mỗi ngày một gia tăng trong
các năm gần đây, ta thấy xuất hiện hàng loạt giải pháp để lưu giữ các di
hài hỏa táng và duy trì ký ức về các thân nhân quá vãng. Trong số các
giải pháp này, đồ trang sức hỏa táng mau chóng trở thành một chọn lựa ưa
thích của thân nhân còn sống; những người này muốn tỏ lòng tôn kính các
thân nhân quá vãng và muốn giữ họ gần trái tim mình mãi mãi”.
Đau
buồn vì mất người thân là điều ai trong chúng ta cũng từng trải qua; cả
ước muốn tưởng nhớ và mãi mãi gần gũi những người thân đã ra khỏi cuộc
đời này cũng thế. Giáo Hội nhìn nhận sự kiện này, không những trong nghi
lễ an táng mà cả trong thừa tác vụ đến với những người đau buồn nữa,
nhất là vào tháng Mười Một hàng năm. Bắt đầu với việc cử hành Lễ Các
Linh Hồn vào ngày 2 tháng Mười Một, và tiếp tục trong suốt tháng Mười
Một, Giáo Hội mời gọi mọi người chúng ta hướng lòng mình vào việc tưởng
niệm và cầu nguyện cho tất cả những ai đã qua đời.
Ấy thế nhưng,
trong khi Giáo Hội khuyến khích ta cầu nguyện và tưởng niệm các người
thân đã qua đời, thì phải nói gì về khuynh hướng mang di hài người quá
cố trong các đồ trang sức? Hay về tập quán giữ hũ tro người quá cố tại
nhà, hay trải tro của họ lên những nơi như biển, công viên hay vườn
tược? Để trả lời các câu hỏi này, linh mục Koopman, giáo sư thần học
luân lý tại Chủng Viện St Mary
(http://www.catholicuniversebulletin.org/THEOLOGY13/theology1.php), đã
vắn tắt trình bày một số điểm về lịch sử việc hoả táng trong Giáo Hội
cũng như ý nghĩa thần học của sự chết.
Hỏa táng là việc thông
thường trong thế giới cổ thời, đầu thời đại Kitô Giáo, nhất là trong Đế
Quốc Rôma. Tuy nhiên, mô phỏng truyền thống Do Thái Giáo, các Kitô hữu
tiên khởi đã không chọn hoả táng thân xác người quá cố, mà là chôn cất
họ. Lý do một phần vì trong truyền thống ta, thân xác đóng vai trò rất
quan trọng. Ai cũng biết tâm điểm đức tin ta là mầu nhiệm nhập thể vĩ
đại: Thiên Chúa trở nên xác phàm trong con người Chúa Giêsu. Không hề vô
nghĩa hay vô giá trị, thân xác ta có tầm quan trọng và phẩm giá cao
quí: điều này không phải chỉ đúng với Chúa Kitô, mà đúng cho mọi người
chúng ta. Như Thánh Phaolô vốn nhấn mạnh, thân xác ta chính là đền thờ
Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, thực tại phục sinh càng làm nổi bật sự quan
trọng của thân xác. Vào buổi sáng Phục Sinh, Chúa Kitô không hiện ra với
các môn đệ như bóng ma: đúng hơn, việc sống lại từ cõi chết của Người
là một thực tại thân xác. Người ăn thực phẩm với các môn đệ, Người bảo
Thánh Tôma đặt tay vào các vết thương của Người. Và việc phục sinh của
Người là việc phục sinh của thân xác thế nào, thì việc ta hiện hữu trên
thiên đàng cũng là một hiện hữu của thân xác như thế. Như ta tuyên xưng
mỗi Chúa Nhật trong kinh tin kính, đức tin của ta vào sự phục sinh của
người chết lúc tận thế là thế này: mọi người chết sẽ được tái hợp với
thân xác vinh hiển của họ. Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo thì dạy
ta rằng: “ ‘Sự phục sinh xác thịt’ (Nguyên văn Kinh Tin Kính Của Các
Tông Đồ nói thế) không chỉ có nghĩa: linh hồn bất tử của ta sống mãi sau
khi chết, mà còn có nghĩa: cả ‘thân xác hay chết’ của ta cũng được phục
sinh nữa”.
Chính vì tín điều này, Giáo Hội đã chống đối việc
hỏa táng trong một thời gian. Việc chống đối này không hẳn nhằm vào
chính hành vi hỏa táng cho bằng nhằm vào hệ luận bác bỏ thực tại phục
sinh thân xác của nó. Trong thế kỷ 20, khi việc hỏa táng trở nên phổ
thông hơn và vì người ta không còn coi việc hỏa táng như một bác bỏ việc
phục sinh người chết nữa, nên Giáo Hội đã hủy bỏ lệnh cấm hoả táng vào
năm 1963 (chính thức được qui định trong bộ Giáo Luật 1983) và cho phép
người Công Giáo được chính thức hỏa táng.
Tuy nhiên, dù cho phép
hỏa táng, Giáo Hội vẫn cảnh giác chống lại các tình huống trong đó di
hài hoả táng không được tôn kính cách xứng đáng. Như Nghi Thức vốn dạy
“di hài hoả táng phải được tôn kính như ta tôn kính thân xác vốn là xuất
xứ của chúng”. Việc tôn kính này bao gồm việc chôn cất (burial) đàng
hoàng. Nghi thức dạy tiếp: “di hài hỏa táng phải được chôn trong mộ
huyệt hay đặt tại một lăng mộ (mausoleum) hay một nơi chuyên để đặt các
hũ tro này (columbarium). Tập quán trải di hài hỏa táng trên biển, trên
không hay trên đất hoặc giữ di hài hỏa táng tại nhà một thân nhân hay
bằng hữu của người quá cố không phải là sắp xếp tôn kính mà Giáo Hội đòi
hỏi”. Bởi thế, việc tôn kính thân xác chính là lý do phía sau việc Giáo
Hội chống đối các tập tục vừa kể, trong đó có việc đặt di hài hoả táng
trong đồ trang sức. Thân xác ta, và di hài thân xác ta, không phải chỉ
là đồ vật hay hàng hóa; đúng hơn, chúng có phẩm giá buộc ta phải tôn
kính.
Điểm cuối cùng cần lưu ý: trong khi Giáo Hội nhấn mạnh
rằng chôn cất đàng hoàng là thực hành duy nhất duy trì được phẩm giá
thân xác và lòng tôn kính đối với nó, ta thấy việc ấy còn có những lý do
sâu xa và thiêng liêng hơn. Vì trong truyền thống của ta, không những
người Công Giáo chôn cất người chết, mà họ còn có thói quen trở lại nơi
chôn cất để dâng lời cầu nguyện cho người chết nữa, coi nó như nơi
thánh. Thói quen này vẫn còn tiếp diễn tại mọi nghĩa trang Công Giáo
khắp các giáo phận trên thế giới ngày nay. Trở lại nơi người thân yêu
của ta được chôn cất một cách xứng đáng luôn mang tới cho người Công
Giáo chúng ta không những sự chữa lành các đau buồn mà còn làm tươi mới
lại niềm cậy trông của ta vào sự phục sinh thân xác nữa.
Vũ Văn An
(VietCatholic News)