Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

GIÁO PHẬN XUÂN LỘC KHAI MẠC NĂM THÁNH 50 NĂM THÀNH LẬP

THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH KIM KHÁNH 
TẠI GIÁO PHẬN XUÂN LỘC 
 
(WGPXL : 05-10-2014) - Sáng ngày 04-10-2014, tại nhà thờ Chính Tòa Xuân lộc, Đức Cha Đaminh, Giám mục Giáo phận Xuân lộc đã long trọng chủ sự thánh lễ Khai mạc Năm Thánh Kim Khánh Giáo phận Xuân lộc. Cùng đồng tế có Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ, Nguyên Giám mục giáo phận Phú Cường, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Phụ Tá Xuân Lộc, Đức Cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Giám mục giáo phận Bùi Chu, Đức Ông Vinhsơn Tổng Đại diện và hơn 300 linh mục.

Hiện diện trong thánh lễ còn có đông đảo Quí Bề trên, quí tu sĩ, chủng sinh, quí chức BHG, Ban trị sự các giới, các đoàn thể trong giáo phận xuân lộc và mọi thành phần dân Chúa.

Nghi thức khai mạc được cử hành tại tiền sảnh nhà thờ Chính Tòa Xuân Lộc. Với ánh nắng ban mai rực rỡ, mọi người đều vui mừng phấn khởi chờ đón một năm Hồng ân Thiên Chúa sắp tuôn đổ trên giáo phận.

Mở đầu nghi thức, Đức Cha Chính Đaminh làm phép 2 lá cờ Tòa Thánh. Lá cờ thứ nhất có diện tích 100m2 là bội số của 50. Tượng trưng cho 50 năm hồng ân Kim khánh giáo phận, lá cờ này được kéo lên tung bay trên tháp Nhà thờ Chính Tòa, biểu trưng cho một Năm Hồng ân được khai mở. Lá cờ thứ 2 có diện tích 500m2 cũng là bội số của 50, lá cờ này sẽ được kéo lên tung bay trên bầu trời Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi vào thánh lễ kết thúc Năm Thánh, tượng trưng cho lời cảm tạ và tri ân tình yêu Thiên Chúa.
 
 
Sau khi Đức Cha Chính làm phép lá cờ thứ nhất, Ngài đã ra lệnh cho lá cờ bay lên, toàn thể cộng đoàn vui mừng vỗ tay cùng với nhạc kèn và 5000 trái bong bóng bay lên rợp trời, diễn tả niềm vui mừng bước vào mùa hồng ân.

 
Tiếp đó, Đức Cha làm dấu khai mạc và dẫn vào ý nghĩa của Năm Thánh, Ngài nói : Anh chị em thân mến, Chúng ta họp nhau nơi ngôi Nhà Thờ Mẹ của Giáo Phận để Khai mạc Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo Phận. Chúng ta cảm tạ Chúa đã thương ban cho chúng ta hồng ân Đức Tin, và cách riêng, suốt 50 năm qua, Chúa đã hiệp nhất chúng ta trong gia đình Giáo Phận Xuân Lộc, đã chăm sóc, dẫn dắt chúng ta bằng một tình yêu hết sức nhiệm mầu.

Năm Thánh mừng Kim Khánh Giáo Phận là thời gian đặc biệt/ để chúng ta chúc tụng về tình yêu lạ lùng Chúa dành cho chúng ta.

Chúa Cha đã sáng tạo muôn loài và đã sai Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến trần gian, để khai mở cho nhân loại kỷ nguyên mới: kỷ nguyên cứu độ.

Trong mầu nhiệm nhập thể, Đức Kitô đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài hiện diện giữa dòng thời gian để thánh hóa thời gian. Ngài đến để hòa giải nhân loại với Thiên Chúa và cho chúng ta được thông dự vào sự sống vĩnh cửu của Ngài.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết tận dụng thời gian hồng phúc này, để canh tân đời sống đức tin trong nỗ lực hòa giải với Chúa và với tha nhân, đồng thời cộng tác với Chúa Giêsu để mang lại sự tự do cho mọi người, góp phần làm cho Giáo Phận chúng ta ngày càng trở nên dấu chỉ của tình yêu Chúa giữa cộng đồng nhân loại.
 

Sau lời mời gọi của Đức Cha, Đức Ông Vinhsơn đọc Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao về việc Tòa Thánh chấp thuận cho Giáo Phận Xuân Lộc cử hành Năm Thánh và Đức Cha chính thức công bố khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận Xuân Lộc : Tôi, Đaminh Nguyễn Chu Trinh, do thẩm quyền tối cao của Mẹ Hội Thánh, được đặt làm Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc, nhân danh Đức Thánh Cha Phanxicô và với quyền được trao, tôi CÔNG BỐ KHAI MẠC NĂM THÁNH trong Giáo Phận, bắt đầu từ hôm nay, ngày 04 tháng 10 năm 2014 đến cuối tháng 10 năm 2015.
 
 
(giaophanxuanloc.net)

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGOẠI THƯỜNG VỀ GIA ĐÌNH #4

Thượng Hội Đồng: 
Bài Disceptationem Relatio Ante - báo cáo trước các cuộc thảo luận

THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGOẠI THƯỜNG VỀ GIA ĐÌNH #3

Video: Phiên họp đầu tiên Thượng Hội Đồng về Gia Đình


(VietCatholic Network)

THƯ MỤC TỬ SỐ 2 - THÁNG 10/2014


THƯ MỤC TỬ SỐ 2 - THÁNG 10/2014
TRÀNG HẠT MÂN CÔI
TRƯỜNG HỌC TIN CẬY MẾN

Kính gởi anh em linh mục,
các nam nữ tu sĩ, chủng sinh,
và toàn thể anh chị em giáo dân.

Anh chị em thân mến,

1. Chúng ta bước vào tháng Mân Côi, rất quan trọng đối lòng đạo đức bình dân trong Giáo hội Chúa Kitô tại Việt Nam. Tôi muốn nhân cơ hội này ngỏ lời với anh chị em về ý nghĩa sâu xa và đặc tính thực tế của việc lần hạt Mân Côi. Với ước mong từ nay về sau, anh chị sẽ thực hành tốt hơn việc đạo đức được ưa chuộng và rất hữu ích cho đời sống đạo của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là những tín hữu Kitô, những người tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Niềm tin ấy là một hồng ân, không phải ai cũng có, mà chỉ những người được Chúa ban cho và mở lòng đón nhận. Là một hồng ân rất lớn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta, như lời sứ thần Gabriel chào Đức Mẹ: “Mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng!” (Lc 1,28). Hay lời của bà Elisabeth nói với Mẹ: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

Đức tin ấy được ban cho ta nhờ Chúa Thánh Thần, vì chính Thánh Thần khơi dậy đức tin nơi chúng ta như lời thư 1 Côrintô: “Không ai có thế nói Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (lCr 12,3). Chúa Thánh Thần không chỉ khơi dậy đức tin nơi chúng ta một lần duy nhất, rồi bỏ đó, nhưng Ngài không ngừng khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của chúng ta bằng nhiều cách thức khác nhau.

2. Một trong những cách mà Ngài ưa thích là tràng hạt mân côi của Mẹ Maria, vì đó là cách mà người tín hữu dễ thực hành để cộng tác với ơn Chúa. Nhờ cách này mà những mầu nhiệm chính trong Đạo của Chúa Giêsu được khơi dậy trong lòng chúng ta để chúng ta tin, những nét chính yếu của cuộc đời và con người Chúa Giêsu được giới thiệu để chúng ta chiêm ngắm cùng với Mẹ Maria. Nhờ tràng hạt mân côi, đức tin không những được khơi dậy, mà còn ‘được củng cố’ vững bền nơi tâm hồn chúng ta. Các mầu nhiệm đức tin được tuần tự nhắc lại ở mỗi đầu chục kinh kính mừng, sẽ thấm dần vào tâm hồn nhờ các kinh kính mừng như những nốt nhạc đệm linh thiêng đưa các mầu nhiệm của Chúa Giêsu vào trong tâm trí chúng ta.

Các mầu nhiệm ấy là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được thu gọn, là nội dung tóm tắt của Lời Chúa, có kèm theo ánh sáng và sức mạnh của tác giả là Chúa Thánh Thần, sẽ nuôi dưỡng đức tin của chúng ta cách tốt đẹp và sâu xa nhất. Sau khi đã hướng chúng ta đến chiêm ngắm mầu nhiệm, Giáo hội còn dạy cách thực hành đức tin, gợi ý cho chúng ta cầu xin những điều hết sức đơn sơ nhưng cơ bản, như “xin ơn khiêm nhường, yêu người, khó nghèo”. Cuối cùng chúng ta cũng đươc Chúa Thánh Thần thúc giục truyền bá đức tin, cùng với Mẹ Maria và các Kitô hữu khác, loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô cho mọi người.

3. Tràng hạt mân côi của Mẹ Maria không những là trường học đức tin, mà còn là trường học lòng mến. Mặc dù bên ngoài có vẻ như hướng về Mẹ Maria, thực sự việc lần hạt mân côi hướng lòng chúng ta đến với Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Cùng với Mẹ Maria, chúng ta dâng trái tim và lòng trí chúng ta cho Chúa Giêsu, ước ao chiêm ngắm và kết hợp với Người. Kinh nghiệm cho ta thấy rằng vừa cầm xâu chuỗi và bắt đầu lần hạt, ta đã được “thêm lòng yêu mến Chúa” rồi. Cầm tràng hạt mà lòng ta nghĩ tới Chúa và gắn bó với Chúa, thì đã đạt mục tiêu của đời sống Kitô hữu. Có gì tuyệt diệu bằng!

Chúng ta nên biết rằng giới răn thứ nhất “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn” (Mt 22,37) là điều quan trọng nhất trong Kitô giáo và cũng là điều khó nhất. Mẹ Maria là người đã đạt đến tuyệt đỉnh của tình yêu sẽ giúp ta, chỉ cách cho ta. Có ai yêu mến Chúa bằng Mẹ Maria? Lòng mến Chúa của chúng ta làm cho Đức Mẹ vui sướng. Mẹ cầu xin cùng Chúa Thánh Thần cho ta. Và chỉ có Chúa Thánh Thần, Đấng vừa là Tình yêu của Thiên Chúa, vừa là ‘ơn thông hiệp’, mới có thể gắn bó chúng ta với Chúa Giêsu, để chúng ta cùng với Chúa Giêsu gắn bó với Chúa Cha trên trời.

Tràng hạt mân côi còn là trường học đức ái dành cho tha nhân. Chính tràng hạt mân côi sẽ giúp chúng ta noi gương bác ái của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, giúp ta đạt ước nguyện sâu xa của Kitô hữu biểu lộ trong kinh hoà bình của thánh Phanxicô: đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

4. Lần hạt mân côi đều đặn cũng là một cách nuôi dưỡng niềm hy vọng Kitô giáo. Chúng ta tập trông cậy vào Chúa, tập tin tưởng vào Chúa nhờ thường xuyên tiếp xúc với Chúa. Tràng hạt mân côi của Mẹ Maria sẽ giúp chúng ta kiên trì, và như lời Chúa nói, "ai kiên nhẫn đến cùng sẽ được cứu rỗi”, được giải thoát khỏi ách nô lệ ma quỷ, thế gian và xác thịt, đạt tới sự sống viên mãn đời đời trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Cầm tràng hạt mà lòng hướng về Mẹ Maria, tâm hồn của chúng ta sẽ được bình an, vì Mẹ là ‘Nữ Vương ban sự bình an’, Mẹ sẽ giúp cho chúng ta phó thác mọi sự vào trong tay Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Kinh mân côi vừa là kinh nguyện của người nhỏ bé, hèn mọn, yếu đuối nhất, vừa là kinh nguyện của tâm hồn chiêm niệm sâu xa nhất.

5. Anh chị em thân mến, tôi được Tòa Thánh mời sang Rôma để tham dự Thượng Hội Đồng ngoại thường của các Giám mục thế giới về Đời sống gia đình đang gặp nhiều thử thách nghiêm trọng. Thượng Hội Đồng cần lời cầu nguyện của anh chị em. Đức Thánh Cha và các Giám mục chúng tôi cần lời cầu nguyện của anh chị em. Khi lần hạt mân côi, anh chị em hãy thương cầu nguyện cho tôi, người mục tử còn rất nhiều thiếu sót của anh chị em.

Kính chào anh chị em.

Toà Tổng Giám mục Sài Gòn, Chúa nhật XXVI Thường Niên, ngày 28.09.2014

+ Phaolô Bùi Văn Đọc
Tổng Giám Mục
 
(WGPSG)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGOẠI THƯỜNG VỀ GIA ĐÌNH #2

Video: Thánh lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về gia đình


(VietCatholic Network)

THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGOẠI THƯỜNG VỀ GIA ĐÌNH #1

Video: Đêm Canh Thức Thượng Hội Đồng Ngoại Thường Về Gia Đình


(VietCatholic Network)

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2014

GIÁO PHẬN HƯNG HOÁ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC

Thánh lễ Truyền chức linh mục tại Giáo phận Hưng Hóa

 
Đức cha Gioan Maria Vũ Tất truyền chức linh mục cho 8 Thầy phó tế tại nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc, tước hiệu thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, thuộc xã Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, ngày 01.10.2014.
 

Đồng tế với Đức cha Gioan Maria, ngoài Đức cha phụ tá Anphongsô Nguyễn Hữu Long, Đức cha Laurensô Chu Văn Minh, giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, Cha Tổng đại diện Phêrô Phùng Văn Tôn, còn có hơn 100 linh mục bao gồm quí cha giáo, quí cha trong vào ngoài Giáo phận, nhất là quí cha - quí thầy phó tế cùng lớp với các tân linh mục đến từ các Giáo phận thuộc Giáo tỉnh Miền Bắc.
 
Tham dự Thánh lễ còn có quí thầy Đại chủng viện, quí Dì dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa, quí sơ dòng Phaolô, quí ân nhân, thân nhân và khoảng 4 ngàn giáo dân trong và ngoài giáo phận.
 
 
Danh sách quí thầy phó tế được truyền chức linh mục hôm nay như sau:
  1. Thầy Đaminh Hoàng Thế Bằng, sinh năm 1969, thuộc giáo xứ Tân Quang, tỉnh Hà Giang
  2. Thầy Phaolô Nguyễn Công Hiến, sinh năm 1971, thuộc xứ Hiền Quan, tỉnh Phú Thọ
  3. Thầy Đaminh Nguyễn Văn Lưu, sinh năm 1974, thuộc giáo xứ Tân Quang, tỉnh Hà Giang
  4. Thầy Giuse Vũ Thế Bảy, sinh năm 1973, thuộc xứ Thạch Sơn, tỉnh Phú Thọ
  5. Thầy Giuse Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1974, thuộc xứ Hiền Quan, tỉnh Phú Thọ
  6. Thầy Giuse Trần Văn Hương, sinh năm 1978, thuộc xứ Trù Mật, tỉnh Phú Thọ
  7. Thầy Anrê Phùng Văn Thành, sinh năm 1976, thuộc xứ Yên Khoái, thành phố Hà Nội
  8. Thầy Giuse Nguyễn Văn Yêm, sinh năm 1974, thuộc giáo xứ Thủy Trạm, tỉnh Phú Thọ.
Đúng 13g45, đoàn đồng tế được rước từ nhà khách của nhà thờ Chính tòa trong tiếng kèn vang và những tràng vỗ tay liên tiếp.
 
Ngay khi bước vào Thánh lễ, Đức cha Anphongsô thay mặt cho Đức cha chính giới thiệu các thành phần tham dự Thánh lễ và ngài nói lên ý nghĩa của Thánh lễ Truyền chức Linh mục.
 
 
Cha Giuse Nguyễn Văn Úy, chịu tránh nhiệm về đào tạo, đã giới thiệu các tiến chức. Tiếp theo, cha Tổng đại diện Phêrô Phùng Văn Tôn đã trả lời phỏng vấn của Đức cha về tư cách và phẩm chất của các tiến chức.
 
Đức cha đã tuyển chọn quí thầy phó tế vào chức linh mục. Mọi người sung sướng tạ ơn Thiên Chúa và vỗ tay chúc mừng. Đức cha đã truyền chức cho quí thầy đúng theo nghi thức Công giáo.
 
Được biết, sau Thánh lễ truyền chức linh mục hôm nay, Giáo phận Hưng Hóa đã có 84 linh mục, trong đó có 73 linh mục Triều và 11 linh mục Dòng. Tuy nhiên, ngần đó linh mục cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu cấp bách cho một giáo phận truyền giáo tại miền thập tỉnh Tây Bắc Việt Nam này.
 
Sau lời nguyện kết lễ, Cha Giuse Nguyễn Thanh Bình đã thay mặt các tân linh mục có lời cám ơn Đức cha Gioan Maria Vũ Tất đã tuyển chọn và truyền chức linh mục cho 8 anh em, cám quí Đức cha, quí cha và cộng đoàn đã đến tham dự Thánh lễ và cầu nguyện cho các tân linh mục.
 
 
Thánh lễ truyền chức được diễn ra hết sức trang nghiêm và sốt sáng trong niềm hân hoan của mọi thành phần dân Chúa hiện diện. Sau Thánh lễ Truyền chức, các tân linh mục về quê hương để chuẩn bị cho ngày lễ Mở Tay của mình.
 
(BTT. Giáo phận Hưng Hóa)

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN NĂM A 28-9-2014

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XXVI thường niên năm A
05g30 Chúa Nhật ngày 28-9-2014
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.


Hữu Toàn.

HIỂU LẦM

Ai trong chúng ta cũng có lúc bị hiểu lầm. Chính bản thân ta cũng đôi lần ngộ nhận về tha nhân. Tuy nhiên, phản ứng của chúng ta khi bị hiểu lầm thì không giống nhau. Câu chuyện Trác Mậu gợi lên một phản ứng hiếm thấy thời nay, ngay cả những nơi những người có đạo, các Kitô hữu.
 
Trác Mậu là người huyện Uyển thời Tây Hán. Tổ phụ và cha của ông đều là quan địa phương. Từ nhỏ ông đã được sống cùng sách vở thánh hiền. Thời Hán Nguyên Đế ông đến kinh đô Trường An tìm thầy học, người thầy này chính là tiến sĩ Giang Sinh trong triều. Dưới sự chỉ bảo của thầy, ông sớm tinh thông các kinh điển, trước tác như "Kinh Thu”, "Lễ Ký", tường thiên văn, nhân văn, địa lý. Ông còn tận tâm theo học tư tưởng của thầy mình. Với sự khổ luyện âm thầm đó, cuối cùng thì ông cũng trở thành một nho sĩ uyên thâm. Trong đám bạn học, ông nổi tiếng là người nhân hậu, đối với bậc tiền bối, bậc thầy ông một lòng cung kính, đối với đồng hương, bạn cùng trang lứa dù là quan hay dân ông đều quý mến, tôn trọng như nhau.
 
Học thức của Trác Mậu và phẩm cách của ông được mọi người ngợi ca. Thừa tướng phủ thấy vậy bèn triệu ông vào phủ, phong cho một chức vị. Một lần ông vừa đuổi ngựa ra tới đầu ngõ, có người đi qua nhìn ngựa của ông và nói: "Đây là con ngựa mà tôi bị mất", Trác Mậu hỏi: ngựa của ông mất khi nào", người này đáp: "Hơn một tháng rồi". Trác Mậu nghĩ, con ngựa này mình nuôi đã mấy năm nay, không thể là ngựa của ông ta được, chắc là có nhầm lẫn gì. Tuy vậy ông vẫn giao ngựa cho người này và nói: "Nếu như không phải ngựa của ông thì hy vọng ông sẽ đem nó đến phủ thừa tướng trả cho tôi.
 
Mấy ngày sau, người này tìm thấy ngựa của mình ở nơi khác, bèn đến phủ trả ngựa cho Trác Mậu và xin lỗi ông. (*)
* * *
Tính cách quân tử hay khéo xử của Trác Mậu là không thích cãi nhau, vì sự hòa thuận sẵn sàng chịu thiệt. Có lẽ nhiều người ngày nay không đồng tình với lối ứng xử này và cho là dại dột, gây thiệt hại cho bản thân và còn liên lụy đến thân nhân nữa.
 
Mạnh Tử nói thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Cốt cách nhà nho của Trác Mậu khiến người đời khâm phục. Nhưng để có được điều này thì không dễ dàng chút nào mà nó phải trải qua một quá trình rèn luyện, tu dưỡng.
 
Tục ngữ có câu: chịu thiệt là phúc. Người biết chấp nhận thiệt thòi thì mới có thể bỏ qua được cái mất cá nhân trước mắt, mới có thể kết bạn rộng và hòa đồng được với mọi người (*).
 
Khi bị kết án oan và trước bao lời thách thức nói hay làm, Thầy Giêsu đã chọn thái độ im lặng, với tất cả tự do, không thanh minh mà cũng chẳng tranh cãi. Làm sao một bậc thánh hiền, uy tín trong lời nói cũng như việc làm lại có thể bất động trước bao lời sỉ vả, nhục mạ như thế? Vì sao một Thiên Chúa toàn năng và quyền phép lại có thể làm thinh, để cho người ta hành hình và xử tử như thế?
 
Chỉ có một tình yêu không giới hạn và sự vâng phục toàn vẹn Ý Cha mới khiến cho Chúa Giêsu phản ứng “ngược đời” như thế!
 
Phần tôi, dù nhiều năm tập sống theo Chúa Giêsu, nhưng vì “cái tôi” còn khá lớn, mà tình yêu thì giới hạn và sự thuần phục thiên ý thì còn tương đối lắm, nên dễ rơi vào sự bất an khi bị hiểu lầm. Tại sao tôi dễ bị tổn thương trước lời đánh giá thấp hay khi thiện chí của mình bị hiểu lầm? Vì sao tôi lại chấp nhất nhận xét của người phàm hay thầm mong được ca ngợi? Tất nhiên, để canh tân đời sống, một đàng, bản thân cần kiểm điểm lại cách thế làm hoặc cách thức biểu hiện ý hướng tốt lành của mình – để tránh gây ngộ nhận; nhưng đàng khác cần dám nhìn nhận rằng mình chưa sống xác tín: Thiên Chúa là “Cha anh em, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” sẽ ân thưởng cho mọi người xứng với việc họ làm.
 
---------------------------------------------
 (*) Đường Nhạn Sinh, Mưu Trí Thời Tần Hán, chương 65.
 
Tâm Đạo
(WGPSG) 

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 21,28-32)


Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

THƯ GỬI ANH EM LINH MỤC

Thư gửi anh em linh mục 
(ngày 25.9.2014)

Kính gởi: Anh em Linh mục
trong Gia đình Giáo Phận Tp. HCM.

Anh em thân mến,
 
Anh em là “là những cộng tác viên của hàng giám mục, để chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ tông đồ của Chúa Kitô trao phó” (PO 2). Đây là sứ vụ “loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (Mc 16,15), một cách cụ thể là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

Tại các giáo xứ, anh em là đại diện giám mục, là “người rao giảng Tin mừng cho thế giới hôm nay và xây dựng Giáo Hội, trong tư cách là hiện thân của Chúa Kitô là Đầu, là Mục Tử với ba chức năng: rao giảng, thánh hoá, hướng dẫn cộng đoàn” (x. PO 2; PDV 2; PDV 12; 14; 15;82).

Từ định hướng trên, dưới ánh sáng của Lời Chúa và Giáo huấn của Hội Thánh, tôi muốn cùng với anh em nhìn lại những nhiệm vụ cụ thể của người mục tử đối với đoàn chiên.

I. HIỆP THÔNG ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG

Mục tiêu của sứ vụ linh mục là “hiệp thông trong Giáo Hội để loan báo Tin Mừng”. Không có hiệp thông, sẽ không thể loan báo Tin Mừng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).

a) Trước hết, cha sở giữ vai trò quan trọng như “là viên gạch nối kết để xây dựng giáo xứ thành một cộng đồng hiệp thông” (x. GL 529§2) qua việc:
  • Cộng tác với Giám Mục và với linh mục đoàn của giáo phận.
  • Nhìn nhận và cổ võ mọi giáo dân góp phần vào sứ mệnh của Giáo Hội.
Sự hiệp thông huynh đệ giữa cha sở và cha phó sẽ là một gương sáng đặc biệt cho giáo dân trong giáo xứ và cả cho người không công giáo.

b) Riêng đối với các cha phó, anh em hãy ý thức mình là “cộng sự viên của cha sở và san sẻ mọi nỗi lo âu với cha sở, đồng tâm nhất trí và dưới quyền của cha sở để thi hành trách nhiệm mục vụ” (GL 545§1). Như thế, trong tương quan đối với cha sở:
  • Vì chức vụ, cha phó phải giúp đỡ cha sở trong toàn thể công việc mục vụ, trừ việc chỉ lễ cho giáo dân (GL 548§2).
  • Khi cha sở vắng hoặc bị ngăn trở không thể thi hành nhiệm vụ, nếu Giám mục Giáo Phận không dự liệu cách khác, thì vai trò của cha phó trở nên quan trọng và buộc phải giữ mọi bổn phận của cha sở, trừ việc chỉ lễ cho giáo dân (GL 549).
  • Ngoài ra, cha sở và cha phó phải cùng hợp tác với nhau để dự liệu công việc mục vụ cho xứ đạo mà cả hai đồng lãnh trách nhiệm (GL 548§3). Để thực hiện việc nầy, cha phó cần tham khảo và lãnh chỉ thị của cha sở. Nên báo cáo cho cha sở mọi chương trình mục vụ đã hoạch định hoặc đang tiến hành để cha sở biết rõ.
  • Cũng cần lưu ý quý cha phó trong vấn đề cử hành bí tích hôn phối. Theo luật chung, cha phó không có quyền cử hành bí tích hôn phối nếu không có sự ủy quyền của cha sở từng lần nhất định hoặc thường xuyên tổng quát. Nếu được ủy quyền thường xuyên tổng quát thì phải bằng văn bản (GL 1111§2).
  • Khi đi vắng và nhất là đi cách đêm, cha phó nên báo cho cha sở biết.
Như vậy, chính trong sự hiệp thông trong Giáo Hội 1, cụ thể với Giám mục, với anh em linh mục đoàn, với các nam nữ tu sĩ và với giáo dân, mà anh em “loan báo Chúa Kitô” cho những người chung quanh, với 3 nhiệm vụ rao giảng, thánh hóa và hướng dẫn cộng đoàn.

II. NHIỆM VỤ GIẢNG DẠY 2

Theo Giáo luật, điều 528 triệt 1 nêu lên: “Cha sở có nhiệm vụ lo liệu để Lời Chúa được loan truyền trọn vẹn cho mọi người đang cư ngụ trong giáo xứ, cả những người lơ là, hết còn giữ đạo hay không còn tuyên xưng đức tin chân thật nữa” 3. Dĩ nhiên, cha sở không thể một mình đảm nhận việc giảng dạy cho hết mọi phần tử trong giáo xứ; vì thế, ngoài những gì trực tiếp thực hiện, cha sở còn phải đôn đốc và phối hợp công tác giảng dạy với sự trợ giúp của cha phó, các giáo lý viên và các cộng tác viên của ngài.

1. Giảng dạy giáo dân về các chân lý đức tin, nhất là qua bài giảng Chúa Nhật, những ngày lễ buộc (GL 767).

2. Chu toàn phận sự trong việc huấn giáo: “Do nhiệm vụ, cha sở phải lo huấn luyện giáo lý cho người lớn, thanh niên và trẻ em” (GL 767). Cần lưu ý đến một vài thành phần riêng biệt (GL 777) như:
  • Những người chuẩn bị lãnh nhận bí tích (khai tâm Kitô giáo, hôn phối).
  • Các trẻ em chuẩn bị xưng tội lần đầu và lãnh bí tích thêm sức. Cần tiếp tục quan tâm đến giới trẻ và người trưởng thành để đức tin của họ được củng cố và triển nở.
  • Những người khuyết tật về thể lý cũng như tinh thần.
3. Cổ động tinh thần Phúc Âm kể cả trong lãnh vực công bằng xã hội, như: nhân phẩm và tự do con người, sự duy nhất và bền vững của hôn nhân cùng những trách vụ của gia đình, bổn phận người công dân nơi xã hội trần thế v.v… (x. GL 768).

4. Làm mọi cách, nhờ cả giáo dân, để loan truyền Phúc Âm đến những người “đã xa lìa Hội Thánh” và cho anh chị em lương dân.

III. NHIỆM VỤ THÁNH HOÁ 4

Là những Thừa tác viên phân phát các mầu nhiệm thánh, anh em hãy:
  1. Cố gắng để bí tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ. Cần chú ý để tinh thần của bí tích Thánh Thể thấm nhiễm tất cả đời sống của cá nhân cũng như của toàn thể cộng đoàn giáo xứ: tinh thần ngợi khen, tạ ơn, dâng hiến, yêu thương, hiệp nhất.
  2.  Cổ võ các tín hữu siêng năng lãnh nhận các bí tích nhất là năng đến cùng bí tích Thánh Thể và bí tích Hoà Giải, cần giúp cho các tín hữu hiểu biết ý nghĩa các nghi thức để họ tham gia sống động vào các cử hành phụng vụ.
  3.  Chính anh em phải là “người cầu nguyện và có bổn phận dạy cho giáo dân biết cầu nguyện” (PO 5; PDV 47), đồng thời thúc đẩy đời sống cầu nguyện của giáo dân, nhất là cầu nguyện trong gia đình.
  4. Điều hành kỷ luật trong cử hành phụng vụ.
  5. Trong khi thi hành nhiệm vụ thánh hóa, anh em phải ý thức về trách nhiệm đáp ứng quyền được lãnh nhận Lời Chúa và các bí tích của các tín hữu (GL 213).
IV. NHIỆM VỤ HƯỚNG DẪN CỘNG ĐOÀN 5

Những công việc nổi bật và cụ thể của nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn dân Chúa gồm hai lãnh vực: nội bộ (điều hành cộng đoàn) và mở ra cho thế giới (từ thiện xã hội, truyền thông…)

1) Điều hành cộng đoàn:

a) Một cách tổng quát, về những liên hệ đối với các thành phần khác nhau của đoàn chiên: “Để chu toàn cách nhiệt thành chức vụ chủ chăn, anh em phải cố gắng hiểu biết các tín hữu được trao phó cho mình chăm sóc” (GL 529§1).

Vì thế, anh em nên lưu tâm:
  • Thăm viếng các gia đình.
  • Chia sẻ những lo lắng đau buồn của các tín hữu và nâng đỡ họ trong Chúa.
  • Khôn ngoan sửa chữa những lỗi phạm; đổ tràn đức ái để giúp đỡ bệnh nhân, nhất là những người gần chết, lo lắng bí tích cho họ, phó thác linh hồn họ cho Chúa.
  • Ân cần theo sát người nghèo khổ, buồn phiền, cô đơn, lưu lạc đang gặp những khó khăn khác thường.
  • Nâng đỡ các vợ chồng, các cha mẹ trong việc thi hành nhiệm vụ riêng của họ, cổ võ phát triển đời sống Kitô giáo trong gia đình.
b) Về tổ chức giáo xứ:
  • Hội đồng giáo xứ: cha sở phải lo thiết lập Hội đồng Giáo xứ, theo những hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục và của Giáo phận, để điều hành cộng đoàn. Cha sở và cha phó cũng phải lo cho những người tham gia vào Hội đồng Giáo xứ được đào tạo theo chương trình của Giáo phận (GL 536).
  • Các đoàn thể: ngoài Hội đồng Giáo xứ, các đoàn thể là những tổ chức nhằm giúp đỡ các thành phần trong giáo xứ sống đức tin và thi hành các việc tông đồ như: Gia đình phạt tạ Thánh Tâm, các Bà mẹ Công giáo, Giới trẻ, Thiếu nhi, Legio Mariae… Cha sở cần tạo điều kiện cho cha phó chia sẻ, phụ trách các đoàn thể, để ngài có cơ hội gặp gỡ và phục vụ các giới.
  • Trong việc tổ chức giáo xứ, cha sở lưu ý đặc biệt đến các sổ sách và văn khố, đến việc lưu trữ các tài liệu, các văn kiện liên quan đến việc quản trị mục vụ hoặc tới lợi ích của giáo xứ.
  • Ngoài ra cần quan tâm đến việc quản lý mọi tài sản của giáo xứ .
  • Không đi vắng lâu khỏi giáo xứ mà không trình báo cho Đấng Bản Quyền của mình.
2) Mở ra cho thế giới: Giáo xứ không phải là một cộng đoàn khép kín, nhưng là một cộng đoàn mở ra cho thế giới và xã hội để loan báo Tin Mừng.

Vì thế, anh em nên lưu tâm đến:
  • Việc tổ chức những công cuộc từ thiện xã hội với sự hỗ trợ đặc biệt của Ban Caritas của giáo phận, qua những công tác như: lớp học tình thương, phòng khám và phát thuốc, công tác xã hội lo cho người nghèo, khuyết tật…
  • Công tác truyền thông: anh em cũng nên lưu ý sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội để mở rộng tầm nhìn về các vấn đề trên thế giới và để loan báo Tin Mừng cách rộng rãi và nhanh chóng hơn.
Để kết thúc, xin được mượn lời của Bộ Giáo Sĩ trong số 77 của Văn kiện “Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục”, mới ban hành ngày 11-02-2013 vừa qua, để cầu chúc cho anh em trở thành: “mục tử của cộng đoàn, theo hình ảnh của Chúa Kitô, Mục Tử nhân lành dâng hiến tất cả cuộc đời cho Giáo hội, linh mục sống và hiện hữu cho cộng đoàn; chính vì cộng đoàn mà ngài cầu nguyện, học hỏi nghiên cứu, làm việc và tự hiến; chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn lòng cho đi cuộc sống của mình, yêu thương cộng đoàn như Chúa Kitô, bằng tất cả tình yêu và lòng quý mến, tiêu hao cả sức lực và không tiếc thời gian để làm cho cộng đoàn trở thành hình ảnh của Giáo hội, Hiền Thê của Chúa Kitô, ngày càng mỹ miều và xứng đáng hơn với sự hài lòng của Chúa Cha và tình yêu của Chúa Thánh Thần”.

Nguyện xin Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành đổ tràn tình yêu của Ngài trong lòng anh em. Thân ái kính chào anh em.

Toà Tổng Giám Mục ngày 25 tháng 9 năm 2014
+ Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Tổng Giám Mục
_________________________________________
[1] x. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 29-42, năm 2013.
[2] x. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 62-65, năm 2013.
[3] Xem thêm Giáo Luật điều 757 và 771.
[4] x. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 66-75, năm 2013.
[5] x. Bộ Giáo sĩ, Kim chỉ nam về Tác vụ và Đời sống linh mục, số 77-78, năm 2013.


(WGPS)

GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT TRUYỀN CHỨC LINH MỤC

Thánh lễ phong chức 19 Linh Mục 
tại Giáo Phận Ban Mê Thuột


Sáng Thứ Năm ngày 25. 9. 2014, nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột lan tỏa một bầu không khí tưng bừng. Tiếng nhạc, tiếng kèn đồng vang dội… Gần 4.000 người từ mọi ngả đường trong những trang phục đủ màu sắc hân hoan tuôn đổ về khuôn viên Chính Tòa… khiến quang cảnh chào đón 19 Phó Tế sắp được Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục giáo phận, chủ phong tác vụ Linh mục, để trở thành những nhân chứng của Thầy Chí thánh Giêsu, càng thêm long trọng, phấn khởi.


Đồng tế thánh lễ với Đức cha Vinh Sơn, có cha Tổng Đại diện Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, Đức Ông Đaminh Hà Duy Khâm, quý Cha Quản hạt, quý Cha trong Ban Giám đốc Đại Chủng Viện Sao Biển – Nha Trang, ĐCV Giuse Saigon, ĐCV Thánh Giá Rôma, quý Cha trong và ngoài giáo phận, quý Bề trên, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh, quý ân nhân, thân nhân của các tiến chức, và cộng đoàn dân Chúa. Có lẽ đây là lần đầu tiên giáo phận Ban Mê Thuột có được mùa bội thu các linh mục như hôm nay, và cũng lần đầu tiên giáo phận BMT có một Linh mục người dân tộc – Linh mục Phêrô Y Krơn, dân tộc M' Nông.
 

Các tiến chức gồm các Phó Tế:
  1. Phêrô Nguyễn Đức Cường
  2. Phêrô Bùi Hãnh Diễn
  3. Giuse Võ Thanh Diệu
  4. PX. Trần Văn Đoàn
  5. Phêrô Y Krơn
  6. Phanxicô Vũ Văn Luân
  7. Phaolô Mai Văn Nam
  8. Phaolô Lưu văn Phan
  9. GB. Nguyễn Công Phi
  10. GB. Phạm Văn phong
  11. Giuse Nguyễn Văn Quang
  12. GB. Nguyễn Ngọc Sang
  13. Antôn Dương Văn Thảo
  14. GB. Nguyễn Văn Thiện
  15. Giuse Trần Xuân Thọ
  16. GB. Nguyễn Quốc Thuần
  17. Giuse Hoàng Quang Trí
  18. Phêrô Trần Thanh Tuyền
  19. GB. Trần Vinh

Xem chi tiết>>
Xem hình ành
(gpbanmethuot.vn)