Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #3

THÁNH LỄ PHONG THÁNH 
CHO CHÂN PHƯỚC JOSEPH VAZ 
TẠI CÔNG VIÊN GALLE FACE GREEN  
THỦ ĐÔ COLOMBO, SRI LANKA

Bắt đầu lúc 07g45 giờ địa phương (09g15 giờ Việt Nam)
Thứ Tư ngày 14.01.2015



VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #2

CUỘC GẶP GỠ LIÊN TÔN TẠI THỦ ĐÔ COLOMBO, SRI LANKA

Bắt đầu lúc 18g10 giờ địa phương (19g40 giờ Việt Nam)  
Thứ Ba ngày 13.01.2015

 

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #1

NGHI LỄ CHÀO ĐÓN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TẠI PHI TRƯỜNG COLOMBO, SRI LANKA

Bắt đầu lúc 08g50 giờ địa phương (10g20 giờ Việt Nam)
  Thứ Ba ngày 13.01.2015






THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI GIÁO XỨ THÁNH GIUSE - GRAND PRAITIE - TEXAS



Vào thứ Bảy vừa qua, ngày 10 tháng Giêng năm 2015, trong lúc các cuộc giao đấu foot ball đang đi vào vòng chung kết sôi nổi, và hầu hết các người trẻ ở Hoa Kỳ cũng hăng say bàn cải và cổ võ cho các thần tượng cuả mình bằng cách mặc trên người bộ đồng phục của đội tuyển nhà… thì âm thầm tại một xứ đạo vùng Dallas-Fort Worth, là Gx Thánh Giuse ở Grand Prairie, Texas, cũng có những người trẻ Việt Nam hăng say dấn mình theo một thần tượng khác, đó là Đức Giêsu Kitô, và họ cổ võ cho thần tượng cuả mình bằng cách thực thi 2 câu châm ngôn trong kinh thánh: Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới (Luca 5:5) và Tình Yêu Đức Kitô thúc bách tôi. (2 Cr 5:14).

Niềm vui của hai người trẻ này là được trở nên tôi tá của Chúa Giêsu Kitô qua thiên chức linh mục, để trở nên cuả lễ hiến tế trên bàn thờ, và để đi rao giảng tin mừng Phúc Âm, mang ơn cứu độ đến cho mọi người.



 
Đó là hai tu sĩ thuộc Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa (Domus Dei Clerical Society Of Apostolic Life,) đã được truyền chức trong một buổi lễ trang trọng do Đức Cha Vincente Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Toronto, Canada, chủ phong. Danh sách hai tân linh mục là:



Tân Linh Mục Gioan Baotixita Kim Quốc Dũng, S.D.D và
Tân Linh Mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Vinh, S.D.D


Hiện diện trong buổi lễ, người ta nhận thấy có quí cha Giuse Phạm Minh Văn, SDD, Bề Trên Hải Ngọai của Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa, Cha Phêro Đòan Hoàng Khôi-Anh, SDD, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse, trên 40 linh mục thuộc Tu đoàn và từ các vùng lân cận đến, nhiều tu-sĩ nam nữ và toàn thể gia quyến cuả hai vị Tân Linh Mục.



 

Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại đây cũng tụ họp đông đảo để thông công thánh lễ và sau đó là chung vui cùng hai tân linh mục trong một buổi liên hoan tại hội trường mới cuả giáo xứ.

Trần Trọng Long - Trịnh Hiệp - NguyễnVàng
(VietCatholic News)

HÀNG TRIỆU NGƯỜI PHILIPPINE TẠI MANILA THAM GIA CUỘC KIỆU TƯỢNG CHÚA KITÔ VÁC THẬP GIÁ



Hôm thứ Tư 7 tháng Giêng, hơn một triệu người Phi Luật Tân đã đi chân đất tham gia cuộc rước tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Đây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua tại Manila, thủ đô của quốc gia Á Châu có đông người Công Giáo nhất.

Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này. Thể hiện lòng sùng kính nhiệt thành, đám đông vĩ đại gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã hô vang "Viva!" (Vạn tuế!) khi họ diễn hành qua các đường phố trong cuộc rước hàng năm tượng El Nazareno Negro dưới mưa nhẹ.

Tượng El Nazareno Negro là theo tiếng Tây Ban Nha, được biết trong các bản tin Anh Ngữ là Black Nazarene, là một bức tượng to bằng người thật Chúa Giêsu đang vác thánh giá lên đồi Canvê. Bức tượng này được đặt thường xuyên tại nhà thờ Quiapo và hàng năm đúng ngày 7 tháng Giêng thì được rước đi một vòng quanh thủ đô Manila.

Đám rước đã tiến hành suôn sẻ vào buổi trưa sau khi ban tổ chức đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để kiểm soát đám đông khổng lồ lao vào phía bức tượng cố gắng lau khăn tay của mình vào thánh giá. Nhiều thanh niên còn cố lao mình đu vào thánh giá được đặt trên một chiếc xe.

Nhiều người Phi Luật Tân tin rằng bức tượng có sức mạnh chữa lành diệu kỳ và nhiều người thực sự đã được chữa khỏi khiến họ cam kết rằng mỗi năm vào ngày này, nếu còn sống trên đời, họ là tham gia cuộc diễn hành này.

Nhiều người mặc áo T-shirt có hình Chúa Kitô đội mão gai. Isko Moreno, Phó Thị trưởng thành phố Manila, nói với truyền hình ABS-CBN rằng khoảng một triệu người đã tham gia vào lúc bắt đầu cuộc rước, nhưng càng lúc sẽ càng có nhiều người tham gia hơn bức tượng du hành một vòng quanh khu phố cổ của Manila.

Sáng thứ năm 15-1, lúc 8 giờ 15, ngài sẽ kính viếng Nhà Nguyện Đức Mẹ Lanka ở Bolawalana, mạn bắc Colombo, trước khi ra phi trường lúc 9 giờ để đáp máy bay đi Manila, Philippines.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ Colombo, Sri Lanka lúc 9h sáng ngày thứ Năm 15 tháng Giêng. Ngài sẽ đến sân bay quân sự Villamor ở Manila lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày.

Lễ nghi đón tiếp chính thức sẽ diễn ra tại Phủ Tổng Thống lúc 9 giờ 15 sáng hôm sau, thứ Sáu 16 tháng Giêng. Ngài sẽ gặp gỡ tổng thống và các quan chức chính quyền cùng với đoàn ngoại giao.

Ban trưa, lúc 11 giờ 15, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ với các Giám Mục, linh mục, trước sự tham dự của các tu sĩ nam nữ tại Nhà Thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Manila.

Lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày ngài sẽ gặp gỡ các gia đình tại Hội trường Asia Arena.

Thứ Bảy 17 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ rời Manila bay tới thành phố Tacloban và dâng thánh lễ tại phi trường quốc tế ở địa phương lúc 10 giờ. Sau đó ngài sẽ dùng bữa trưa với một số những người sống sót trong trận cuồng phong Hải Yến hồi tháng 11 năm 2013.

Ban chiều cùng ngày, lúc 3 giờ, Đức Thánh Cha sẽ làm phép trung tâm cho người nghèo rồi gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và những người sống sót tại nhà thờ chính tòa Palo, rồi trở về Manila.

Sáng Chúa Nhật 18 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo ở Đại Học Santo Tomas ở Manila rồi gặp gỡ các bạn trẻ tại Sân thể thao của đại học vào lúc 10 giờ rưỡi.

Ban chiều Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ lúc 3 giờ rưỡi tại Công viên Rizal Park ở Manila.

Sáng thứ Hai, 19 tháng Giêng, sau nghi thức tiễn biệt tại Sân bay quân sự Villamor, Manila, ngài sẽ đáp máy bay lúc 10 giờ sáng để trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino Roma vào lúc 5 giờ 40 phút chiều cùng ngày.


Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

NHỮNG CHÔNG GAI TRONG CHUYẾN TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHI LUẬT TÂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Lúc 19 giờ tối thứ Hai 12 tháng Giêng, theo giờ Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Colombo, thủ đô của Sri Lanka bắt đầu chuyến tông du Á Châu lần thứ hai của ngài, đúng 20 năm sau chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại hai nước có dân số Công Giáo cực kỳ khác nhau.

Tại Sri Lanka, Đức Thánh Cha sẽ được đón tiếp bởi một vị tổng thống mới lên ngôi được 3 ngày và 4 đêm, ông Maithripala Sirisena, người được xem là có “thành ý” hòa giải với người Tamil nhiều hơn một chút so với cựu tổng thống mới vừa bị đánh bại là Mahinda Rajapaksa.

Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, xin giúp chúng tôi đi tìm công lý

Hầu như chắc chắn là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra một thông điệp khích lệ hòa giải giữa người Tích Lan và người Tamil; giữa khối Phật Giáo đa số với các cộng đồng tôn giáo thiểu số Hồi Giáo và Kitô Giáo.

Ông Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2011 cho biết có tới 40,000 thường dân Tamil vô tội đã bị giết chủ yếu là trong năm 2009.

Liệu Đức Thánh Cha có đặt vấn đề này với tổng thống mới toanh Maithripala Sirisena hay không là một câu hỏi của nhiều người, nhưng trong những vùng phía Bắc Colombo, trên các vỉa hè đường phố người Tamil bày la liệt ảnh của người thân kế bên một tấm chân dung to gần bằng người thật của Đức Thánh Cha Phanxicô với một tấm bảng “Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, xin giúp chúng tôi đi tìm công lý cho những người thân yêu đã bị mất tích”.


Hành hương đến vùng “Hổ Tamil”

Trong một cử chỉ đầy biểu tượng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đáp trực thăng lên phía Bắc đến vùng chiến khu xưa của “Hổ Tamil”, vùng mà người lính Sri Lanka nghe đến phải lạnh tóc gáy, để cầu nguyện tại đền thờ Đức Mẹ Madhu.

Đền thờ này được tôn kính bởi cả người Tamil và người Tích Lan; cả người Công Giáo lẫn người Phật Giáo và Hồi Giáo; cung cấp một bối cảnh hoàn hảo cho Đức Thánh Cha khuyến khích hòa giải trong một phần đất hết bị tàn phá bởi chiến tranh lại rơi vào xung đột tôn giáo.

"Đó là một cử chỉ rất mạnh mẽ," Cha Bernardo Cervellera, giám đốc Thông Tấn Xã Công Giáo AsiaNews nói: "Ngài sẽ đi đến khu vực nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thể đến được vì chiến tranh."

Giáo Hội Công Giáo coi mình là một động lực độc đáo cho sự hiệp nhất tại Sri Lanka “bởi vì Giáo Hội có cả các tín hữu Tích Lan lẫn các tín hữu Tamil. Họ thờ phượng chung với nhau, và đa số các nghi lễ thường xen kẽ giữa hai ngôn ngữ,” linh mục tiến sĩ Prasad Harshan, người Sri Lanka, dạy tại Đại học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma nói.

Cha Prasad nói thêm: "Ngài đã thực hiện một nỗ lực phi thường để đến khu vực này, và để gặp gỡ những nạn nhân. Đó sẽ là một dấu hiệu tuyệt vời của tinh thần đoàn kết."

Sáng ngày thứ Tư trên bãi biển lộng gió Galle Face Green, Đức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho vị Thánh đầu tiên của xứ sở này là cha Joseph Vaz, một biểu tượng hiệp nhất của quốc gia này. Nhà truyền giáo sống ở thế kỷ 17 này được coi là người đã làm sống lại đức tin Công Giáo trong bối cảnh đàn áp dã man của nhà cầm quyền thuộc địa Hà Lan. Ngài hình thành các cộng đoàn gồm cả các tín hữu Tích Lan lẫn các giáo dân Tamil.


Phật Giáo cực đoan

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Sri Lanka vào năm 1995, ngài cũng đã cố gắng mang lại một thông điệp của lòng khoan dung, nhưng gặp phải sự tẩy chay quyết liệt của các nhà lãnh đạo Phật giáo tại đảo quốc này, nơi người Phật tử chiếm 70 phần trăm dân số.

Các đại diện Phật giáo đã được dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp liên tôn, nhưng không ai xuất hiện để phản đối sự chỉ trích các học thuyết của Phật giáo về sự cứu rỗi của Đức Gioan Phaolô II.

Trào lưu Phật giáo cực đoan bây giờ còn lớn hồi 20 năm trước nữa, với một chủ trương sẵn sàng dùng bạo lực để “bảo vệ Phật Pháp”, thể hiện nơi hàng loạt những cuộc biểu tình và một chiến dịch bạo lực chống lại người Hồi giáo.

Tháng Hai năm 2004, các nhà sư Phật Giáo hình thành và trực tiếp lãnh đạo đảng “Jathika Hela Urumaya - JHU”, nghĩa là “Di sản quốc gia” coi Phật Giáo là quốc giáo và những tôn giáo khác là ngoại lai, đe dọa đến di sản dân tộc.

Đầu năm 2012, hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara tách ra khỏi đảng JHU vì chê JHU không đủ cứng rắn để bảo vệ Phật Pháp – và cũng là di sản quốc gia.

Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 28 tháng 7 năm 2012 đã đưa những quyết định rất bạo lực. Tờ Times của Hoa Kỳ nhận xét BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ.

Tuy BBS ra mặt tẩy chay chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, hai đại diện ôn hoà hơn của Phật giáo có thể sẽ chào đón ngài trong một cuộc họp liên tôn lúc 18:15 ngày thứ Ba 13 tháng Giêng, tức là ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm.

"Tôi không biết là sẽ có những tiếng nói chống đối nơi này nơi khác, lúc này, lúc khác hay không" phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi nói "Chúng ta sẽ phải chờ xem."

Trong dịp gặp gỡ với cựu tổng thống Rajapaksa hôm 3 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng lên án sự gia tăng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan tại Sri Lanka nhằm thúc đẩy "một cảm giác sai lầm về đoàn kết dân tộc dựa trên một bản sắc tôn giáo duy nhất. "

Trước đó, trong một cuộc họp với các giám mục Sri Lanka hồi tháng Năm, Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội địa phương phải tiếp tục tìm kiếm "những đối tác trong hòa bình và những người biết lắng nghe trong đối thoại" bất chấp bạo lực và đe dọa từ những kẻ cực đoan tôn giáo.


An ninh của Đức Thánh Cha

Như với bất kỳ chuyến tông du nào của Đức Giáo Hoàng, an ninh sẽ được thắt chặt ở cả Sri Lanka và Philippines, ngay cả đối với một vị giáo hoàng sẵn sàng lao vào đám đông và lái xe xung quanh họ trên một chiếc xe mui trần không có kính chống đạn.

Liệu một tổng thống mới lên ngôi được 3 ngày và 4 đêm có bảo đảm được an ninh cho chính mình hay không đã là một vấn đề. Cho nên, kết quả bầu cử tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng đã làm bùng lên một sự dè dặt về an ninh cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong mấy ngày tông du tại Sri Lanka.

Mối quan tâm tại Phi Luật Tân, quốc gia đa số là người Công Giáo, cũng không thể xem thường. Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đến Manila vào năm 1970, ngay lập tức ngài đã bị một tên sát thủ ăn mặc như một linh mục đâm vào bụng và cổ. Các vết thương chỉ ở ngoài da, và kẻ tấn công bị vật ngay xuống đất, nhưng máu Đức Giáo Hoàng đã đổ ra.

Tháng Mười vừa qua, chiếc áo vấy máu mà Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã mặc hôm đó đã được chọn làm di tích trong lễ phong chân phước cho ngài tại Vatican.

Một tuần trước khi Tháng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Phi Luật Tân vào tháng Giêng năm 1995, nhà chức trách phát hiện ra một âm mưu của những kẻ cực đoan Hồi giáo muốn giết Đức Giáo Hoàng sau khi một đám cháy nhà tình cờ đã giúp họ phát hiện ra nơi ẩn náu của một bọn khủng bố trong một căn hộ tại Manila, nơi họ tìm thấy những hóa chất chế tạo bom, hình ảnh của Đức Giáo Hoàng, các bản đồ cho thấy các tuyến đường, nơi ngài sẽ vượt qua và cả một biên nhận của một tiệm may áo linh mục.


Việc kiểm soát đám đông

Chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1995 đã hình thành một kỷ lục chưa có vị Giáo Hoàng nào qua mặt được: đó là thánh lễ với khoảng 5 triệu người đứng chật công viên Rizal Manila và lan rộng ra hàng dặm về mọi hướng.

Các đại lộ đã quá kẹt đến mức Đức Giáo Hoàng phải dùng trực thăng để đến lễ đài trễ hơn một giờ bởi vì đoàn xe của ngài đơn giản là không thể tới gần bàn thờ được.

Hôm thứ Tư 7 tháng Giêng, hơn một triệu người Phi Luật Tân đã đi chân đất tham gia cuộc rước tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Đây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua tại Manila.

Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này. Thể hiện lòng sùng kính nhiệt thành, đám đông vĩ đại gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã hô vang "Viva!" (Vạn tuế!) khi họ diễn hành qua các đường phố trong cuộc rước hàng năm tượng El Nazareno Negro dưới mưa nhẹ.

Tượng El Nazareno Negro là theo tiếng Tây Ban Nha, được biết trong các bản tin Anh Ngữ là Black Nazarene, là một bức tượng to bằng người thật Chúa Giêsu đang vác thánh giá lên đồi Canvê. Đám rước đã tiến hành suôn sẻ vào buổi trưa sau khi ban tổ chức đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để kiểm soát đám đông khổng lồ lao vào phía bức tượng cố gắng lau khăn tay của mình vào thánh giá. Nhiều thanh niên còn cố lao mình đu vào thánh giá được đặt trên một chiếc xe. Hai người đã phải thiệt mạng, có lẽ là vì bịnh tim trong lúc chen lấn.

Trước những chông gai đang chờ đón Đức Giáo Hoàng trong chuyến tông du Á Châu lần thứ hai, ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng, Chúa gìn giữ người tăng gấp sinh lực và ban cho người đời nay hạnh phúc và đừng trao người cho ác tâm quân thù.  


Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

AUDIO THÁNH LỄ CN CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA 11-01-2015

Audio Thánh Lễ CN Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
05g30 Chúa Nhật ngày 11-01-2015.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 11.01.2015

Bắt đầu lúc 12g00 giờ Vatican (18g00 giờ Việt Nam)
Chúa Nhật ngày 11.01.2015

VIDEO TRỰC TIẾP THÁNH LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA DO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHỦ SỰ VÀ RỬA TỘI MỘT SỐ TRẺ NHỎ

Bắt đầu lúc 09g30 giờ Vatican (15g30 giờ Việt Nam)
Chúa Nhật ngày 11.01.2015


VIDEO TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO SÁNG 13.12.2014

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ GÌ ?

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ GÌ ?

Linh Mục, người Cha tinh thần hay cha linh hồn, người sinh cho Chúa nhiều con cái qua bí tích Rửa Tội, nhưng nhiều khi được gọi CHA làm tôi dễ thấy mình cao cả và quên đi vai trò hy sinh, dang tay cứu độ mà Đức Kitô, Linh Mục Thượng phẩm đã chọn gọi tơi để thi hành.

Một sáng sớm mùa Đông Canada, tuyết vẫn còn phủ trắng, cao đến mắt cá chân trên các lối đi. Bà Catherine, bà bếp Cha Sở bước chầm chậm và cẩn thận quay về nhà xứ sau Thánh Lễ ban sáng. Vừa đặt chân trên bậc thềm nhà xứ, thấy tôi đang quét tuyết, bà vui vẻ chào tôi và bảo: "Peter, mang cây chổi quét tuyết tới đây !" Tôi tươi cười tiến tới gần bà với cây chổi quét tuyết đu đưa trên tay, chưa đón ra ý bà muốn nhờ tôi chuyện gì. Bà Catherine tự nhiên kéo váy đầm cao lên một chút và chìa đôi giày bám đầy tuyết, thản nhiên bảo tôi: "Lấy chổi phủi dùm tuyết bám giày, để tôi đi vào không làm dơ thảm nhà xứ !"

Nụ cười vụt tắt trên môi. Tôi không nghĩ là mình không hiểu tiếng Anh. Rõ ràng quá mà: Lấy chổi phủi sạch tuyết bám giày bà đầm Catherine. Tôi cúi mặt chần chừ. Bà Catherine vẫn giữ cao váy đầm, giơ đôi giày bám đầy tuyết, thúc giục: "Phủi dùm mau đi để tôi còn kịp vào chuẩn bị cà phê sáng cho Đức Ông Robert !" Im lặng và cẩn thận, tôi cầm chổi, nhẹ nhàng phủi tuyết bám giày bà Catherine, từng chếc một. Bà cười mãn nguyện, cám ơn tôi và nhanh nhẹn đẩy cửa bước vào nhà xứ.

Cửa chánh nhà xứ đóng ‘rầm’ một tiếng chận đứng ánh mắt buồn của tôi đang dõi theo bà Catherine. Tôi xấu hỗ cúi xuống đưa mắt nhìn lại chính mình, lần dò xuống tận bàn chân. Dù khoát chiếc áo Mùa Đông để ra ngoài trời quét tuyết, nhưng bên trong tôi vẫn đàng hoàn nghiêm túc với tu phục Linh Mục: áo sơ mi dài tay màu đen, cổ côn trắng hẳn hoi, quần đen ủi thẳng nếp, giày da mùa Đông loại đắt tiền cổ cao, đế dày. Tôi học và chịu chức Linh Mục ở Canada, dáng vẻ phong thái lịch lãm không kém người da trắng. Nếu hoàn cảnh đất nước cho phép, tôi về lại quê nhà, chắc sẽ được đánh giá cao, không thua các Linh Mục được du học ngày xưa. Tôi nghĩ vậy.

Cái nhục phủi tuyết bám giày bà đầm len vào máu, bốc cao tận đỉnh đầu. Ném chổi quét tuyết trả lại góc tường nhà xứ. Lặng lẽ, tôi trở lại phòng làm việc, đóng cửa khá mạnh tay, để toàn thân rơi phịch nặng nề trên chiếc ghế bành làm việc. Tại sao bà Catherine không gọi tôi là CHA ? Vì tôi mới làm Linh Mục và còn làm phó cho Đức Ông Robert chăng ? Tại sao bà Catherine dám bảo một Linh Mục phủi tuyết bám giày bà ? Bà là bà đầm da trắng, còn tôi là tên tóc đen, da vàng đến từ một nước nghèo chăng ? Da màu phải phục vụ da trắng hay người nghèo phải phủi tuyết bám giày người giàu chăng ? Nhiều câu hỏi tương tự quanh đi quẩn lại trong tôi.

Cái nhục của một Linh Mục đã phủi tuyết bám giày bà đầm được tô đậm nét. Lòng tự ái dân tộc, niềm tự hào nòi giống rực lửa trong tôi. Tôi mạnh dạn, hung hăng đứng lên, định đi tìm bà Catherine và Đức Ông Robert để làm lớn chuyện, làm cho ra lẽ. Bà Catherine phải xin lỗi tôi về chuyện đã không gọi tôi là Cha và vì đã dám bảo một ông Cha phủi tuyết bám giày bà. Gọi một Linh Mục bằng tên, thiếu lòng đạo đức rõ ràng. Bảo một Linh Mục phủi tuyết bám giày, thiếu lòng kính trọng chức thánh không thể chối cãi.

Cái đứng dậy quyết liệt, cái vung tay tức giận làm văng cây Thánh Giá trên bàn làm việc xuống sàn nhà. Ảnh Chúa Chuộc tội từ lâu vẫn đứng vô tri trên bàn làm việc, ngay trước mặt tôi, rất kề cận, nhưng nhiều khi tôi đã không thấy, hay thấy như một thứ trang trí tôn giáo cần thiết trong phòng làm việc của một Linh Mục. Tôi bước đến, chậm rãi cúi nhặt ảnh Thánh Giá lên. Chúa nằm úp mặt trên sàn thảm, một cánh tay gảy lìa thân. Chúa trông thảm hại hơn bình thường. Cánh tay gảy lìa còn tòong teng nhờ đinh đóng chặt. Im lặng nhìn Thánh Giá, cố ráp cánh tay gảy của tượng Chúa vào thân, đặt trở lại trên bàn làm việc. Tôi quay lại ghế ngồi, ánh mắt vẫn không rời Thánh Giá. Tủi nhục và thảm hại của Thánh Giá làm cái tủi nhục phủi tuyết bám giày bà đầm lắng xuống dần. Ý nghĩa về chức Linh Mục của Chúa Giêsu dâng cao, lấn chiếm tôi.

Ánh mắt vẫn không rời tượng Chúa Giêsu chết treo trên Thánh Giá. Ngài là Linh Mục Thượng Tế, đang giang tay tế lễ trên Thánh Giá. Chính Ngài lập Bí Tích Truyền Chức Thánh để thông ban cho tôi chức Linh Mục của Ngài. Không ai gọi Ngài là CHA cả, nhưng gọi là Chúa và là Thầy (x. Ga 13, 13). Vậy tiếng CHA dùng để gọi các Linh Mục, tiếng ĐỨC CHA dành để gọi các Giám Mục, tiếng ĐỨC THÁNH CHA dùng để gọi Giáo Hoàng La Mã đến từ đâu ? Không đến trực tiếp từ Chúa. Chính Chúa đã có lần dạy các Tông Đồ là ‘đừng tôn xưng ai dưới đất là Cha, vì chúng con chỉ một Cha duy nhất trên trời" (Mt 23, 9). Nói thế, Chúa không có ý chỉ thị rõ ràng rằng ‘đừng gọi các Linh Mục Công Giáo là Cha’ như người Tin Lành suy diễn nhằm chỉ trích Linh Mục Công Giáo. Chúa đã khiển trách môn đệ mình vì chuyện ‘tranh chức’ đòi làm lớn, ngồi chỗ nhất giống như người Biệt Phái và dạy họ rằng: "Ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ anh em mình." (Mt 20, 24-27), cũng như dừng bao giờ tự tôn mình lên ngang hàng với Chúa, vì chúng ta chỉ có một Chúa, người Cha duy nhất trên Trời. 

Tiếng gọi CHA dành cho Linh Mục, ĐỨC CHA dành cho Giám Mục hay ĐỨC THÁNH CHA, dành cho Giáo Hoàng được sử dụng trên toàn thế giới, đến từ truyền thống của Giáo Hội nhằm tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ những người có Chức Thánh Linh Mục. Từ việc tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, là Linh Mục Thượng Tế, Kitô hữu đem lòng mộ mến, kính trọng Linh Mục, Giám Mục và Giáo Hoàng. Họ được coi như những người thông phần với chức Linh Mục của Chúa Kitô, như những người hy sinh và hiến tế đời mình cho phần rỗi nhân loại.

Phaolô nói khá nhiều về chức Linh Mục thượng phẩm của Chúa Kitô (Thư Do Thái 4, 14 - 5, 1-10) cũng như về vai trò trung gian giữa Trời và Đất đã ảnh hưởng sâu đậm nơi những kẻ tin. Người tin Chúa Kitô được dạy để đồng hoá Linh Mục với Chúa Kitô. Linh Mục là hiện thân của Chúa Kitô, là một Chúa Kitô khác, là người CHA tinh thần, người CHA chăm sóc phần hồn cho các tín hữu, người tái sinh chúng ta qua bí tích rửa tội. 

Cũng rất có thể nó đến từ cách xưng hô kính trọng dành cho những bô lão, những bậc đứng tuổi, đáng kính trong Giáo Hội sơ khai. Từ Presbyteroi, nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là người đứng tuổi, bậc đáng kính, được dùng để chỉ Linh Mục ngay từ buổi đầu. 

Bà Catherine thiếu lòng kính trọng thánh chức Linh Mục vì đã không gọi tôi, một Linh Mục là CHA. Tôi thấy mình thiếu lý chứng để kết án bà. Người Tây Phương đặt tên để gọi. Họ thích được gọi đích danh. Một Linh Mục biết nhiều tên của nhiều người và gọi đúng tên, bất luận già trẻ lớn bé, sẽ được Giáo Dân quý mến đặc biệt. Khi được gọi đúng tên, người Tây Phương cảm thấy mình thực sự được quan tâm.

Người Á Đông, đặc biệt Việt Nam mình, đặt tên để tránh gọi tên hay đặt tên để giấu tên. Gọi tên ‘cúng cơm’ một người lớn, chuyện bất kính, không thể chấp nhận được. Người mình thường xưng hô bằng ngôi thứ: Bác Ba, Cô Chín, Cậu Út thay cho tên. Trong những Xứ Đạo người Bắc, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Ông Chánh hay Chánh Trương. Giáo lý viên dạy kinh bổn được gọi là Bà Quản hay Quản Giáo. Người xướng kinh trong Nhà Thờ được gọi là Ông Trùm. Người chăm sóc việc nhà thờ, nhà Cha được gọi là Ông Bõ. Việc tránh gọi tên đi đến kết quả: không còn ai biết tên thật của nhau. Cách nào đó đã thiếu quan tâm đến cá nhân, đến hữu thể mà chỉ chú trọng đến ngôi thứ, chức vụ hay địa vị là cái tùy thể, tháp gắn vào hữu thể.

Năm 1974, tôi biết rõ một thiếu tá quận trưởng mất chức vì dám gọi vị Giám Mục Công Giáo là "Ông Đạo". Ai cũng cho là đáng đời, vì làm tới quận trưởng mà không biết gọi Giám Mục là Đức Cha. Cũng là những kết án không hợp lý và bất lợi: Một quận trưởng không Công Giáo, làm sao biết được cách xưng hô kiểu Công Giáo ? Người ngoài Công Giáo và nếu chịu ảnh hưởng Khổng Giáo chút ít, khó có thể gọi một ai khác ngoài cha đẻ của họ ở nhà là cha. Vị quận trưởng bị cất chức nầy có nhận ra lỗi "ăn nói vô đạo" của mình không ? Không ! Ông ta đâu có lỗi để nhận ra. Nhưng trên thực tế, ông ta đã nhận một bất công.

Gánh chịu bất công dễ đưa lòng người tới oán hận. Phải thú nhận rằng trong quá khứ, chúng ta, do hoàn cảnh đưa đẩy, đã sống theo kiểu "làm cha thiên hạ" hay "lấy thịt đè người". Chúng ta đòi người khác cho cái mà họ không có và không buộc phải cho. Chúng ta nghĩ thế nào, dễ hay khó, tự nhiên hay bất thường khi nghe một cụ già bảy mươi tuổi, trong tiếp xúc xã giao thường ngày, gọi một Linh Mục trẻ mới ba mươi tuổi là cha và xưng là con?

Bà Catherine đã gần bảy mươi tuổi, sấp xỉ tuổi mẹ tôi ở quê nhà. Chưa một lần xác định bằng lời, nhưng xem chừng bà thay Mẹ tôi chăm sóc cho tôi trong mấy tháng qua: Bà nấu cơm cho tôi, giặt giũ cho tôi, bà pha chế những món ăn hoà hợp giữa khẩu vị Tây-Ta cho tôi vừa miệng. Bà hay dò hỏi xem Mẹ tôi làm gì cho tôi khi tôi đau ốm hay khi tôi buồn. Bà nhắc tôi đi ngủ sớm và dâng thánh lễ chậm rải, sốt sắng. Bà thương chỉ bảo cho tôi phát âm từng chữ tiếng Anh cho đúng giọng và chính xác. Bà cũng hay nhờ tôi khuân vác hay di chuyển những vật nặng trong nhà xứ giống như Mẹ tôi ở nhà vậy. Chuyện bà gọi tôi bằng tên cũng là chuyện tự nhiên như Mẹ gọi con. Có bà mẹ nào, trong sinh hoạt thường nhật, gọi con mình làm Linh Mục là cha bao giờ ? Chuyện bà nhờ tôi phủi tuyết bám giày sáng nay, trong trí bà, có thể không như chuyện Giáo Dân nhờ Linh Mục, nhưng là chuyện mẹ nhờ con. Thật đơn giản !

Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình thật cận kề với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang đặt trước mặt tôi, trên bàn làm việc. Chúa Kitô, Linh Mục thượng phẩm, đang dang tay, hiến tế chính thân mình trên Thánh Giá. Tôi, một Linh Mục, một Chúa Kitô khác, tôi dang tay dâng lễ hàng ngày trên bàn thờ. Tay dang, nhưng không dâng hiến, không ban phát, không cho đi, nhưng đòi hỏi: đòi được kính trọng đặc biệt, đòi được gọi bằng CHA mới thoả lòng. Tôi làm Linh Mục, một Chúa Kitô khác, nhưng đôi khi tôi thật khác Đức Kitô: Chúa Kitô, đến để phục vụ, còn tôi, tôi sôi máu tức giận khi phải phục vụ. 

Tôi đứng lên, tìm bà Catherine trò chuyện. Bà đang ở nhà bếp chuẩn bị cơm trưa. Tôi vui vẻ đến gần hỏi xem bà có cần tôi giúp chuyện chi không. Bà Catherine vui vẻ nhờ tôi chuẩn bị salad và cà chua. Tôi vừa làm giúp bà vừa hát nho nhỏ trong miệng. Bà Catherine đến gần, ngọt giọng bảo tôi: "Peter, you look so happy today !" Lại cũng Peter suông ! Nhưng tôi lại yêu nó. Tôi mỉm cười đắc ý trả lời: "Yes, Mom, I deeply realize that I am a priest forever !" Chữ "Linh Mục" tôi nhấn mạnh và kéo dài. Suốt năm tháng qua, từ ngày chịu chức, tôi đã làm CHA và buồn vì không được gọi là Cha. Hôm nay, tôi mới thực sự làm Linh Mục, làm người được chia sẻ chức Linh Mục với Chúa Kitô, Đấng đến dang tay tế chính thân mình cho phần rỗi của những người con. 

Bà Catherine ơi ! Cám ơn bà thật nhiều ! Bà đã không kêu tôi bằng Cha, nhưng bằng tên và đã nhờ tôi phủi tuyết bám giày bà. Bà không thật sự thiếu lòng kính trọng tôi, hay coi thường chức Linh Mục trong tôi. Nhưng bà cho tôi cơ hội nếm và sống ý nghĩa chức Linh Mục. Linh Mục, kẻ dang tay để tế lễ, để dâng hiến, để cho đi, để ban phát và phục vụ như một Đức Kitô khác. Bà thật sự giúp tôi khước từ ước vọng làm CHA hay thích được gọi là CHA theo ý nghĩa muốn được nâng cấp, mang tính ích kỷ thu gom của mình. Linh Mục, người Cha tinh thần hay cha linh hồn, người sinh cho Chúa nhiều con cái qua bí tích Rửa Tội, nhưng nhiều khi được gọi CHA làm tôi dễ thấy mình cao cả và quên đi vai trò hy sinh, dang tay cứu độ mà Đức Kitô, Linh Mục Thượng phẩm đã chọn gọi tôi để thi hành.

Lm. TRẦN TUYÊN, Canada.
(gpphanthiet.com)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B (Mc 1, 7-11)


Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

HIỆP THÔNG - ÔNG CỐ MATTHÊU MARIA VŨ VĂN HIỂN

HIỆP THÔNG

Kính thưa Quý Cha,Quý Tu sĩ và Quý Cộng đoàn,
Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ Thuận Phát vừa được tin :

 

Ông Cố
MATTHÊU MARIA VŨ VĂN HIỂN
sinh ngày 11.02.1942 tại Nam Định

là thân phụ Cha Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa 
đặc trách Lớp Chủng Sinh Dự Bị 
Tổng Giáo Phận Saigon.
Cha Phaolô thường xuyên đến giúp Mục Vụ 
tại Giáo xứ Thuận Phát.

đã an nghỉ trong Chúa 
vào lúc 08g00 Thứ Sáu ngày 09.01.2015
tại tư gia: số 1 đường Nguyễn Văn Tố, 
phường Tân Thành, Quận Tân Phú, 
Tp. Hồ Chí Minh 
thuộc Giáo xứ Tân Phú, Giáo hạt Tân Sơn Nhì, 
Tổng Giáo Phận Saigon.

Hưởng thọ 73 tuổi.

  • Nghi thức Tẩn liệm đã cử hành
    lúc 19g00 Thứ Sáu ngày 09.01.2015.
  • Thánh lễ cầu hồn tại tư gia sẽ được cử hành
    lúc 16g00 Thứ Bảy ngày 10.01.2015.
  • Thánh lễ An táng sẽ được cử hành
    lúc 08g30 Thứ Hai ngày 12.01.2015
    tại Nhà thờ Giáo xứ Tân Phú, số 90 Nguyễn Hậu,
    Phường Tân Thành, Quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh
Sau đó di quan đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, Quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh.

Kính xin Quý Cha, Quý Tu sĩ và Quý Cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho Linh Hồn Ông Cố MATTHÊU MARIA sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.


Kính Báo
Hội Đồng Mục Vụ
Giáo Xứ Thuận Phát

VIDEO TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO TỐI 12.12.2014