Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2020
60 NĂM GP MỸ THO: BÀI 2. CÁC VỊ CHỦ CHĂN ĐÁNG KÍNH - ĐỨC CHA GIUSE
60 NĂM GIÁO PHẬN MỸ THO
1960 - 2020
Bài 2. CÁC CHỦ CHĂN ĐÁNG KÍNH
ĐỨC CHA GIUSE TRẦN VĂN THIỆN
(1908-1989)
ĐỨC CHA GIUSE TRẦN VĂN THIỆN
(1908-1989)
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, khi Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban hành sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, ngài cũng quyết định thành lập ba Giáo phận mới thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn là Đà Lạt, Mỹ Tho, Long Xuyên; đồng thời chính thức bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục chính tòa tiên khởi Giáo phận Mỹ Tho.
Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện sinh ngày 1 tháng 10 năm 1908 tại Ngũ Hiệp (Cù lao Năm thôn), huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sau thời gian đào tạo tại Tiểu và Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, ngài được thụ phong linh mục ngày 21 tháng 9 năm 1935, sau đó được đặt làm Cha Phó Giáo xứ Mặc Bắc.
Năm 1938, Giáo phận Vĩnh Long được thành lập và Cha Giuse Trần Văn Thiện trở thành linh mục Giáo phận Vĩnh Long. Năm 1940, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Giám mục Vĩnh Long, cử ngài du học tại Pháp và đến năm 1947, ngài tốt nghiệp Cử nhân Văn chương Pháp. Trở về Việt Nam, ngài được đặt làm Giám đốc Tiểu chủng viện Á thánh Philipphê Minh mới được thành lập năm 1947. Năm 1956, Cha Giuse giúp họ Bãi Xan, Giáo phận Vĩnh Long. Năm 1958, Hội đồng giám mục Miền Nam Việt Nam quyết định thành lập Viện Đại học Đà Lạt và đặt Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Viện trưởng tiên khởi của Đại học.
Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII ban Sắc chỉ thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Cũng trong Sắc chỉ này, ngài quyết định thành lập Giáo phận Mỹ Tho, tách ra từ Giáo phận Sài Gòn, đồng thời bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục chính tòa tiên khởi của Giáo phận Mỹ Tho. Nghi thức phong chức giám mục được cử hành tại Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn ngày 22 tháng 1 năm 1961. Khẩu hiệu của vị Tân Giám mục là “Phần rỗi trong Thánh Giá”. Ngày 5 tháng 4 năm 1961, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện chính thức về nhận Giáo phận tại Nhà thờ chính tòa Mỹ Tho, danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.
La Giám mục tiên khởi của Giáo phận, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện chính là người đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển Giáo phận Mỹ Tho về mọi mặt, trong đó có thể quan tâm đến một số lãnh vực nổi bật (x. Kỷ yếu 50 năm Giáo phận Mỹ Tho, 266-272).
1. Ơn gọi linh mục và tu sĩ
Trong Sắc chỉ quyết định thành lập Giáo phận Mỹ Tho, Thánh Gioan XXIII nhấn mạnh đặc biệt đến việc đào tạo các linh mục tương lai: “Các vị lãnh đạo phải lưu ý đặc biệt đến việc đào luyện những thanh niên có triển vọng lên chức linh mục, vì họ là những hướng đạo tương lai của giáo dân”. Vì thế công việc đầu tiên của Đức Cha Giuse là mở Chủng viện. Năm 1961, Đức Cha Giuse cùng với Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Giáo phận Cần Thơ, thành lập Đệ tử viện truyền giáo tại địa chỉ 23 Lý Thường Kiệt, Thành phố Mỹ Tho ngày nay. Từ năm 1965, Đức Cha Giuse thành lập Tiểu chủng viện Thánh Gioan XXIII và đã chuyển Ban Giáo sư cũng như nhân sự của Đệ tử viện sang Tiểu chủng viện. Các đệ tử gốc Cần Thơ được đưa về học tại Tiểu chủng viện Á thánh Quý, Cần Thơ.
Nhờ sự quan tâm này, số linh mục trong Giáo phận gia tăng khá nhanh. Năm 1960 khi mới thành lập Giáo phận, có 43 linh mục phục vụ tại 39 giáo xứ. Năm 1974, số linh mục là 71 làm việc tại 41 giáo xứ và trong những lãnh vực khác, ngoài ra còn có 78 chủng sinh đang được đào tạo tại các đại chủng viện.
2. Giáo dục
Khi Hội đồng giám mục Miền Nam Việt Nam quyết định thành lập Đại học Đà Lạt năm 1958, cha Giuse Trần Văn Thiện đã được đặt làm Viện trưởng đầu tiên của Đại học. Sự kiện này nói lên trình độ trí thức cũng như mối quan tâm của Đức Cha Giuse về vấn đề giáo dục. Mối quan tâm đó được thể hiện rõ nét khi ngài nhận trách nhiệm cai quản Giáo phận Mỹ Tho.
Năm 1964, Giáo phận có 7 trường Trung học và 36 trường Tiểu học. Đến năm 1969, tất cả các Giáo xứ trong Giáo phận đều có trường Tiểu học, hầu hết các Giáo xứ lớn đều có trường Trung học. Giáo phận còn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh nghèo, nhất là các em ở vùng quê, bằng cách xây dựng những học xá cho học sinh trung học.
Mối quan tâm về giáo dục của Đức Cha Giuse phản ánh tầm nhìn rộng về sự liên kết chặt chẽ giữa giáo dục văn hóa và giáo dục đức tin, cũng như giữa giáo dục văn hóa và sứ mệnh Phúc-Âm-hóa : “Đức Giám Mục luôn luôn đặt công việc mở mang các trường, khai hóa nhân tâm lên hàng đầu, vì theo ngài, đó là phương pháp tiếp xúc truyền giáo hữu hiệu” (Nguyệt san Đồng Tháp số 6 – Tháng 10-1960).
3. Hoạt động bác ái, xã hội
Theo thống kê năm 1964, tức là sau 4 năm thành lập, Giáo phận Mỹ Tho đã có 5 Nhà thương với 651 giường bệnh, 6 Cô nhi viện với 713 trẻ, 1 Viện dưỡng lão với 207 người, 6 Phòng phát thuốc cấp thuốc cho 63.000 người, 6 Nhà hộ sinh đã tiếp nhận 219 sản phụ. Ngoài ra, Caritas Giáo phận còn quan tâm trợ giúp những người nghèo, cấp học bổng cho học sinh nghèo, mở các khóa dạy nghề, không phân biệt tôn giáo hay địa phương.
Những hoạt động được Đức Cha Giuse quan tâm và phát triển cách đây gần 60 năm vẫn là những hoạt động cần được tiếp nối ngày nay cho dù hoàn cảnh và môi trường xã hội có nhiều thay đổi. Vì thế, dù ngày nay Giáo phận không được phép mở trường như xưa nhưng các Dòng tu vẫn cố gắng mở Nhà trẻ và âm thầm trợ giúp các học sinh nghèo để các em có cơ hội học hành. Ngày nay Giáo phận không thể mở Bệnh viện như xưa nhưng vẫn cố gắng làm những gì trong hoàn cảnh cho phép để phục vụ người nghèo: mở Trường khuyết tật, Nhà dưỡng lão, phòng phát thuốc, thúc đẩy công tác bác ái xã hội.
***
Cuộc đời giám mục của Đức Cha Giuse có thể được chia thành hai giai đoạn: 14 năm đầu (1961-1975) là những năm hoạt động mạnh mẽ trong nhiều lãnh vực, 14 năm sau (1975-1989) là những năm sống âm thầm trong hi sinh và cầu nguyện. Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện qua đời ngày 24 tháng 2 năm 1989, hưởng thọ 81 tuổi, 54 năm linh mục, 28 năm phục vụ trong cương vị Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho. Thánh Lễ an táng được cử hành ngày 27 tháng 2 năm 1989 và mộ phần Đức Cha được đặt trên cung thánh Nhà thờ chính tòa của Giáo phận.
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
(Nguồn: http://giaophanmytho.net)
Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2020
Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020
60 NĂM GP MỸ THO: BÀI 1. QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ
60 NĂM GIÁO PHẬN MỸ THO
1960 - 2020
Bài 1. QUYẾT ĐỊNH LỊCH SỬ
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII |
- Quyết định thiết lập ba Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
- Quyết định thiết lập ba Giáo phận mới thuộc Giáo tỉnh Sài Gòn: Giáo phận Đà Lạt với Nhà thờ chính tòa danh hiệu Thánh Nicôla Bari; Giáo phận Mỹ Tho với Nhà thờ chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội; Giáo phận Long Xuyên với Nhà thờ chính tòa sắp được xây dựng.
- Bổ nhiệm các Giám mục chính tòa: Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục chính tòa Giáo phận Mỹ Tho; Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện, Giám mục chính tòa Giáo phận Vĩnh Long; Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, Giám mục chính tòa Giáo phận Cần Thơ; Đức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ, Giám mục chính tòa Giáo phận Long Xuyên.
Tiếp theo đó, ngày 27 tháng 11 năm 1960, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII lại ban hành sắc chỉ Quod Venerabiles Fratres, trong đó ngài đưa ra quyết định liên quan đến Giáo phận Mỹ Tho: “Những khu vực hành chánh quen gọi là Long An, Kiến Tường, Kiến Phong và Định Tường, Ta tách ra khỏi Giáo phận Sài Gòn và thiết lập thành Giáo phận mới gọi là Mỹ Tho theo tên tỉnh lỵ Mỹ Tho”.
Ngoài ra, ngày 14 tháng 1 năm 1961, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII còn ban hành thêm sắc chỉ Jam in Pontificatus với những huấn thị cụ thể cho Hàng Giáo phẩm và toàn thể giáo dân tại Việt Nam.
Những sắc chỉ trên ghi dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Hội Thánh tại Việt Nam. Theo lời của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, những sắc chỉ này làm nên “biến cố hết sức quan trọng, phong phú ý nghĩa, và đem theo nhiều hứa hẹn cho sự thống nhất thiêng liêng và đời sống Công giáo tại Việt Nam”.
Trong năm kỷ niệm 60 năm thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, cũng là 60 năm Giáo phận Mỹ Tho, việc nhớ lại những huấn thị của Thánh Gioan XXIII gợi lên trong chúng ta nhiều tâm tình.
1. Trước hết là niềm vui vì sự phát triển và trưởng thành của Hội Thánh tại Việt Nam. Thật vậy, Tòa Thánh nhìn nhận sự phát triển rất nhanh của Dân Chúa tại Việt Nam: “Quyết định trên đây được chấp thuận cách chính đáng vì những tiến bộ khả quan đã đạt được tại Việt Nam. Năm 1890, dân số Công giáo mới có 812.000 người; năm 1927 lên tới 1.237.249 người; ngày nay (năm 1960) đã vượt quá số 1 triệu rưỡi”. Sự phát triển đó là “bằng chứng nâng cao giá trị của những truyền thống Công giáo tại Việt Nam, truyền thống đã được in dấu bằng máu Các Thánh Tử Đạo, và máu này đã sản sinh ra nhiều giáo dân”. Từ đó, việc thiết lập Hàng Giáo phẩm được coi là dấu chỉ một Hội Thánh trưởng thành: “Từ nay hầu hết các Giáo phận ở Việt Nam sẽ do các Giám mục bản quốc quản trị. Sự kiện đó minh chứng cách hùng hồn sự trưởng thành và khả năng của hàng giáo sĩ bản xứ nay đã đông đúc và được huấn luyện đầy đủ”.
Niềm vui đó khơi lên trong chúng ta lòng biết ơn vì có được sự phát triển và trưởng thành ngày nay là nhờ biết bao công sức của các bậc tiền nhân, cách riêng Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Đồng thời, không thể không nói đến công sức và sự hi sinh của các Giáo sĩ nước ngoài, “trải qua 3 thế kỷ, đã nối tiếp nhau xây dựng vườn nho thiêng liêng của Chúa tại nơi đây, bằng bao nhiêu công lao vất vả, biết bao hi sinh nặng nhọc, có khi bằng cả xương máu, để mở đường và tạo nên cơ hội thuận tiện cho việc thiết lập Hàng Giáo phẩm ngày nay”.
Cùng với lòng biết ơn là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với Hội Thánh trong hiện tại cũng như tương lai. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nhấn mạnh đặc biệt đến hai việc. Một là phải quan tâm đến việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ: “Các vị lãnh đạo phải lưu ý đặc biệt đến việc đào luyện những thanh niên có triển vọng lên chức linh mục, vì họ là những hướng đạo tương lai của giáo dân”. Hai là vai trò của giáo dân: Thánh Gioan XXIII kêu gọi giáo dân hãy nhìn sự kiện này như một “tiếng gọi, nhắc nhở người Công giáo phải ý thức rõ rệt nghĩa vụ của mình trong tư cách là người Công giáo và là công dân trong một đất nước”.
Những tâm tình này cũng phải là những tâm tình của chúng ta – các tín hữu thuộc Giáo phận Mỹ Tho, khi kỷ niệm 60 năm ngày khai sinh Giáo phận (1960-2020).
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
(Nguồn: giaophanmytho.net)
Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020
TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: VIDEO TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ AN TÁNG LINH MỤC PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN HỮU TẤN
Bắt đầu lúc 08g30 sáng thứ Năm, ngày 06 tháng 02 năm 2020
tại Nguyện đường Cộng đoàn Bác Ái Cao Thái.
Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020
ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE THĂM CÁC GIÁO ĐIỂM TIN MỪNG
WGPSG -- “Tham dự Thánh lễ và siêng năng học hỏi Lời Chúa để giữ vững đức tin”
Đó là lời mời gọi tha thiết của Đức Tổng giám mục (ĐTGM) Tổng giáo phận (TGP) Sài Gòn Giuse Nguyễn Năng khi ngài đến thăm các giáo điểm Tin Mừng: Phanxicô Xavie (Giáo xứ Mân Côi Bình Thuận), Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B (Tất cả các giáo điểm đều thuộc giáo hạt Tân Sơn Nhì), từ 15g45 đến 19g20 ngày 02-02-2020. Cùng đi với Đức tổng có linh mục (Lm) chưởng ấn Phêrô Kiều Công Tùng.
Đón ĐTGM tại các giáo điểm có linh mục (Lm) Phaolô Phạm Trung Dong - Hạt trưởng giáo hạt Tân Sơn Nhì, Lm Phêrô Nguyễn Quốc Túy – đặc trách truyền giáo của giáo hạt Tân Sơn Nhì, Lm đặc trách các giáo điểm, các tu sĩ, đại diện Hội đồng Mục vụ giáo hạt và các giáo xứ Ninh Phát - Gò Mây, ban điều hành và cộng đoàn dân Chúa tại các giáo điểm.
Đây là lần đầu tiên ĐTGM đến thăm các giáo điểm Tin Mừng tại giáo hạt Tân Sơn Nhì để biết đời sống của các cộng đoàn nơi đây. Tại mỗi giáo điểm, các Lm, tu sĩ, và giáo dân đều hân hoan đón tiếp ĐTGM. Lm đặc trách truyền giáo và Lm đặc trách giáo điểm đều báo cáo tóm tắt với ngài về lịch sử hình thành, phát triển, những sinh hoạt, cũng như những thuận lợi, khó khăn đã và đang diễn ra tại từng giáo điểm.
ĐTGM rất vui khi đến thăm các giáo điểm. Ngài ân cần hỏi thăm, nói chuyện với các Lm, tu sĩ và giáo dân. ĐTGM đã chia sẻ tâm tình: Chương trình đầu tư xây dựng giáo điểm là cần thiết, ở đâu có dân ở đó có Hội Thánh. Tạ ơn Chúa đã cho Giáo hội có cơ sở này. Cám ơn Chúa về lòng quảng đại của các giáo xứ, và các ân nhân ở khắp mọi nơi. Sau đó, ĐTGM đã mời gọi cộng đoàn hãy siêng năng tham dự Thánh lễ, học hỏi Lời Chúa, xây dựng cộng đoàn ngày hôm nay tuy chỉ là giáo điểm, nhưng tương lai sẽ trở thành giáo xứ, bằng sự nỗ lực, nhiệt tình cộng tác và tham dự của tất cả mọi người.
ĐTGM còn nhắn nhủ: Hãy truyền giáo bằng chính đời sống của dân Chúa. Giữa môi trường còn rất nhiều lương dân, phải sống thế nào để chứng tỏ: “Chúng tôi là người có đạo, là môn đệ của Chúa”. Chúng ta phải sống Phúc âm, và giới thiệu vẻ đẹp của Chúa cho anh chị em. Phải xây dựng tinh thần hiệp nhất, đoàn kết, cộng tác với nhau, đồng lòng thực hiện mục vụ của Giáo hội, của TGP, của Lm chánh xứ, để tạo nên sức mạnh. Đừng tạo phe nhóm từ một cộng đoàn thành nhiều gốc khác nhau, mà tất cả chỉ có một gốc là Giáo hội.
Nhân dịp năm mới, ĐTGM đã chúc toàn thể cộng đoàn một năm bình an, đầy tràn phúc lành của Chúa. Xin Chúa cho mỗi người có công ăn việc làm, có sức khỏe, gia đình hạnh phúc, giáo điểm (giáo xứ tương lai) ngày càng tăng trưởng trong đức tin – đức bác ái – niềm hy vọng, và vạn sự như ý Chúa.
Thánh lễ
ĐTGM Giuse đã chủ sự Thánh lễ “Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh” vào lúc 18g00 tại khuôn viên giáo họ Thánh Giuse thợ, giáo xứ Ninh Phát, giáo hạt Tân Sơn Nhì (giáo điểm Tin Mừng Vĩnh Lộc B). Đồng tế với ngài có Lm Phêrô Kiều Công Tùng – chưởng ấn, Lm Phaolô Phạm Trung Dong – Hạt trưởng, và 08 Lm trong TGP.
Tham dự Thánh lễ có các tu sĩ nam nữ, đại diện Hội đồng Mục vụ giáo hạt, đại diện Hội đồng Mục vụ giáo xứ Ninh Phát và Gò Mây, Ban điều hành các giáo họ, đại diện các đoàn thể Công giáo Tiến hành, cộng đoàn dân Chúa giáo họ Thánh Giuse Thợ, và các bạn tân tòng.
Dẫn vào Thánh lễ, ĐTGM đã mời gọi cộng đoàn dâng Thánh lễ tạ ơn về công cuộc loan báo Tin Mừng, về ánh sáng đã đón nhận nơi Chúa Giêsu, đồng thời ý thức trách nhiệm chiếu tỏa ánh sáng đó đến cho những người chung quanh bằng chính đời sống thánh thiện, bác ái của mỗi người.
Sau bài Phúc âm theo thánh Luca, ĐTGM đã nói đến ý nghĩa của ngày lễ dâng Chúa trong Đền thánh – ngày lễ của Ánh Sáng: Chúa Giêsu là Ánh Sáng chiếu rọi trần gian, chiếu sáng cuộc đời của con người. Trong trần gian, người ta va chạm, xung đột, tranh chấp, giành giật, chiếm hữu, tìm cách loại trừ nhau. Chính ánh sáng Chúa Giêsu dạy con người biết xây dựng cuộc đời mình như thế nào. Vì thế, mỗi người phải biết “Tạ ơn Chúa, cuộc đời của con đã được ánh sáng của Chúa soi chiếu”.
ĐTGM cũng nhấn mạnh: sống Giới luật Yêu Thương là làm cho Ánh sáng Chúa bừng lên trong cuộc đời. Vì thế, sau khi được Chúa thắp sáng, anh chị em hãy tiếp tục giữ ngọn nến cuộc đời, ngọn nến Đức Tin của anh chị em được sáng mãi, để có thể chiếu sáng Phúc Âm của Chúa cho những người xung quanh. Cụ thể là anh chị em phải sống công chính, thương yêu nhau, sẵn sàng chia sẻ với những người nghèo đói, giúp đỡ những người yếu đau bệnh tật,…
Kết thúc bài chia sẻ, ĐTGM đã cầu nguyện: “Hôm nay là ngày lễ của Ánh Sáng, xin ánh sáng của Chúa tiếp tục chiếu soi cuộc đời của chúng con. Xin Chúa Giêsu là Tình yêu, là ánh sáng, là sức mạnh luôn luôn đồng hành với chúng con”.
Thánh lễ được tiếp nối với nghi thức phụng vụ Thánh Thể.
Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Đaminh Vũ Công Luận - trưởng ban điều hành, đã thay lời cộng đoàn giáo họ cảm ơn ĐTGM, các Lm, tu sĩ, cùng các vị khách đã đến chung lời tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho giáo họ.
Đáp từ, ĐTGM đã chúc mừng Giáo họ, dù mới thiết lập được 5 năm, mà đã gầy dựng và kiến tạo rất tốt. Ngài nhắn nhủ cộng đoàn phải hợp lực, liên kết, hòa thuận, đồng tâm nhất trí, góp ý và yêu thương nhau. Ngài vui mừng Tạ ơn Chúa vì cách sống tốt đẹp của cộng đoàn Giáo họ đã lan tỏa cho những người xung quanh. Tuy nhiên, dù cơ sở vật chất là tốt, là cần; nhưng cần hơn là Đức Tin. Vì thế, anh chị em phải siêng năng học giáo lý và học hỏi Lời Chúa.
Thánh lễ kết thúc lúc 19g20 trong tâm tình tri ân và cảm tạ.
(WGPSG)
Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020
Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2020
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)