Thứ Tư, 26 tháng 2, 2020

THÔNG BÁO KHAI GIẢNG LỚP GIÁO LÝ DỰ TÒNG VÀ HÔN NHÂN K.39


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ NGÀY 26.02.2020

THÔNG BÁO GIỜ LỄ THỨ TƯ LỄ TRO 2020


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 26.02.2020

TRÙNG TU NHÀ THỜ CHÍNH TÒA ĐỨC BÀ SAIGON


Thành phố Hồ Chí Minh,
Thứ Tư lễ Tro, đầu Mùa Chay Thánh, ngày 26.02.2020

Kính gởi: Quý cha
Quý tu sĩ nam nữ,
chủng sinh và toàn thể anh chị em giáo dân
trong đại gia đình Tổng giáo phận.
Quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh và anh chị em rất thân mến, 

1. Tiếp tục trùng tu nhà thờ Đức Bà

Anh chị em thân mến,

Kể từ lúc khởi công trùng tu nhà thờ Đức Bà vào ngày 01 tháng 07 năm 2017 đến nay, Ban Trùng Tu đã vượt qua vô vàn khó khăn để thực hiện quyết định cũng như lời trăng trối của Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, là làm thế nào để cho ngôi nhà thờ cổ kính này bền vững với thời gian, nhờ đó những thế hệ mai sau được hưởng dùng hàng trăm năm nữa.

Chiều ngày 07.02.2020 Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng 
thăm công trình Trùng tu Nhà thờ Chánh tòa Đức Bà Sài Gòn
Khi về nhận Tổng giáo phận vào ngày 11 tháng 12 năm 2019, tôi cũng xác định có hai việc đặc biệt quan trọng mà mọi thành phần dân Chúa cùng chung sức chung lòng và quyết tâm thực hiện: đó là mở rộng, củng cố các giáo điểm và trùng tu nhà thờ Chính Tòa Đức Bà.

Tiền nhân đã để lại cho chúng ta một di tích tôn giáo, một tuyệt tác kiến trúc và nghệ thuật, nơi biết bao thế hệ Kitô hữu đã đến cầu nguyện, tham dự thánh lễ và chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của giáo phận kể từ lúc khánh thành, vào lễ Phục Sinh, ngày 11 tháng 04 năm 1880 cho đến nay, đặc biệt trong vòng 80 năm qua với các dịp tấn phong giám mục: từ lễ tấn phong giám mục cho Đức cha Jean Cassaigne (Gioan Sanh) ngày 24 tháng 06 năm 1941 đến lễ tấn phong giám mục cho Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, ngày 17 tháng 08 năm 2000. Rồi tiếp đón các Đức Hồng Y đại diện Tòa Thánh đến thăm viếng Giáo Hội Việt Nam: Đức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian, Thứ trưởng Bộ Truyền Giáo, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhân dịp Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc, đến chủ sự nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ Hòa Bình vào lúc 16g30 ngày 16 tháng 02 năm 1959; Đức Hồng Y Roger Etchegaray, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến chủ sự thánh lễ đồng tế vào lúc 17g ngày 10 tháng 07 năm 1989; Đức Hồng Y Filoni, nguyên Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo, chủ sự thánh lễ ngày 25 tháng Giêng năm 2005, dịp thăm mục vụ Giáo Hội Việt Nam và công bố quyết định của Tòa Thánh về việc thành lập giáo phận Bà Rịa, giáo phận thứ 26 tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhà thờ Đức Bà cũng là nơi diễn ra lễ nhận Tổng Giáo phận của 4 vị Tổng giám mục Chính Toà kể từ khi Toà Thánh thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam vào ngày 24 tháng 11 năm 1960: Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (02.04.1961), Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (02.04.1998), Đức Cố Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (24.04.2014), và tôi, Tổng Giám mục thứ tư (11.12.2019).

Đây cũng là nơi hàng ngàn linh mục đã được truyền chức để ra đi hoạt động tích cực trên cánh đồng truyền giáo.

2. Sự đóng góp của cộng đoàn dân Chúa

Khi còn ở Phát Diệm, tôi nghe nói anh chị em giáo dân tại Sài Gòn rất quảng đại, lúc nào cũng mở rộng con tim, mở rộng đôi bàn tay giúp đỡ các giáo xứ nghèo ở những vùng sâu vùng xa, đóng góp rộng rãi vào các công trình quan trọng của Giáo Hội, như xây dựng Đền Thánh Đức Mẹ La Vang, đặc biệt trong việc trùng tu nhà thờ Chính Tòa Đức Bà Sài Gòn.

Sau khi nhận Tổng Giáo phận ngày 11 tháng 12 năm 2019, tôi được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về tấm lòng vàng của anh chị em giáo dân tại thành phố này, từ các giáo xứ đến các dòng tu, từ các cụ cao niên cho đến các em thiếu nhi, cả những ân nhân ẩn danh nữa… Trong lần lạc quyên từ thứ Tư lễ Tro, đầu Mùa Chay Thánh năm 2019 và kết thúc vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cuối Mùa Phục Sinh, toàn thể giáo phận đã đóng góp được 31.850.270.000 VND (Ba mươi mốt tỉ tám trăm năm mươi triệu hai trăm bảy mươi ngàn đồng). Ban Trùng Tu đã sử dụng với tinh thần trách nhiệm và hợp lý số tiền anh chị em đóng góp.

Tôi rất cảm kích và biết ơn tất cả anh chị em về nghĩa cử cao đẹp này; qua đó, tôi thấy rằng anh chị em luôn nỗ lực sống Lời Chúa dạy trong sách Công Vụ Tông Đồ: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Đức Tổng đặt viên ngói Marseille trên phần mái ngói được thiết kế theo dạng rẻ quạt
 3. Lời mời gọi tha thiết

Thưa anh chị em, công trình trùng tu nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa, ít nhất là đến cuối năm 2025, vì tu bổ, sửa chữa, nâng cấp một công trình cổ 140 năm tuổi như nhà thờ Đức Bà của chúng ta là một công việc đầy dẫy khó khăn, hết sức phức tạp, mất rất nhiều thời giờ vì không thể làm vội vã được, mà cần phải làm thật cẩn thận.

Vì thế, tôi tha thiết xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho công trình trùng tu này được bình an, vượt qua mọi thử thách gian nan để hoàn thành tốt đẹp như mọi người mong ước, đồng thời tôi cũng tuyên bố khai mạc “đợt ủng hộ trùng tu Mùa Chay - Phục Sinh năm 2020” nhằm xin các giáo xứ, các dòng tu, các ân nhân quảng đại đóng góp cho công trình trùng tu nhà thờ Chính Tòa Đức Bà thân yêu của tất cả chúng ta, kể từ thứ Tư lễ Tro, ngày 26.02.2020 và kết thúc vào lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, ngày 31 tháng 05 năm 2020.

Nguyện xin Chúa là Cha giàu lòng thương xót ban muôn ơn lành cho tất cả những ai đã góp phần vào công việc cao quý này, nhờ lời chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng của giáo phận và là tước hiệu của nhà thờ Đức Bà.
 + Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám Mục
(đã ký)

(WGPSG)

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

LỜI CHÚA THỨ TƯ LỄ TRO (Mt 6,1-6.16-18)


TÒA TỔNG GIÁM MỤC SAIGON: THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2020


Ngày 24 tháng 2 năm 2020
TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.8) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2020

Kính gởi quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh,
và anh chị em tín hữu trong Tổng giáo phận

Anh chị em thân mến,

1. Mùa Chay và Mùa Phục sinh là thời gian canh tân đời sống Kitô hữu nhờ thông phần vào mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Chúa Giêsu. Trong thời gian thánh thiện này, tất cả các sinh hoạt đạo đức đều nhằm làm cho sự sống của Chúa lớn lên trong chúng ta. “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (Ep 4, 15) : thánh Phaolô muốn nói về sự tăng trưởng toàn diện của các Kitô hữu, không những trên bình diện cá nhân, mà cả trong chiều kích Giáo hội và vũ trụ. Trên bình diện cá nhân, không phải chỉ có người trẻ mới cần “tiến tới sự trưởng thành toàn diện” như đã được đề ra cho Năm giới trẻ, mà tất cả các Kitô hữu đều cần lớn lên về mọi phương diện, không ngừng vươn lên tới Chúa để sự sống thần linh của Chúa sung mãn trong chúng ta. Ngay cả những người cao niên, dù đã già về tuổi tác nhưng vẫn còn phải lớn lên để “già dặn” hơn trong đời sống đức tin; dù thân xác có thể đã cằn cỗi nhưng con tim vẫn không ngừng lớn lên và mở rộng để ôm trọn mọi người bằng tình yêu của Chúa.

2. Định hướng để chúng ta lớn lên là chính Đức Kitô : “vươn tới Đức Kitô là Đầu”. Nếu không có điểm nhắm này, cuộc đời sẽ trôi dạt lệch hướng, và như vậy chúng ta có nguy cơ đánh mất cuộc đời. Thực tế nạn dịch do virus corona là một tai họa nhưng cũng là cơ hội cho chúng ta thức tỉnh. Cả thế giới đang lo âu trước sự lây lan của virus rất nhỏ bé không thể thấy bằng mắt thường. Bao nhiêu cường quốc trên thế giới, bao nhiêu bác sĩ và nhà khoa học tài ba, bao nhiêu người giàu có và quyền lực, bao nhiêu súng ống bom đạn, tất cả hiện nay vẫn đang bất lực trước chủng virus mới đe dọa mạng sống con người. Thế mà người ta cứ tưởng mình vĩ đại đến độ muốn loại trừ Thiên Chúa toàn năng. Chúng ta sợ hãi trước virus nhưng lại không biết kính sợ Thiên Chúa và qui hướng về Ngài. Con virus nhỏ bé nhắc nhở chúng ta về sự mong manh yếu đuối của thân phận con người để chúng ta khiêm tốn hơn và định hướng lại cuộc đời mình, quay về với Chúa Giêsu, bước theo Chúa Giêsu để sự sống của Chúa Giêsu Phục sinh ngày càng lớn lên trong chúng ta.

Chúa không lấy mất của chúng ta điều gì, Ngài chỉ muốn chúng ta qui hướng về Ngài và sắp xếp cuộc đời theo định hướng đó. Đây chính là sự sám hối đúng nghĩa. Metanoia thường được dịch là sám hối, nhưng sâu xa hơn, đó là sự đảo ngược lòng trí để hướng cuộc đời về Chúa.

3. Các việc đạo đức trong Mùa Chay sẽ giúp chúng ta “lớn lên về mọi phương diện”.

- Cầu nguyện : Sự sống của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận trong ngày Rửa tội mới chỉ là mầm sống nhỏ bé, cần được nuôi dưỡng để lớn mạnh nhờ việc chuyên chăm cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Mặc dù cuộc sống hôm nay rất bận rộn vội vã, anh chị em hãy sắp xếp để dành thời giờ cho Chúa; nếu không, chúng ta sẽ không có sự sống và tư tưởng của Chúa để sống như một người con Chúa. Đặc biệt, trong các tuần tĩnh tâm Mùa Chay, nhờ việc suy gẫm Lời Chúa, xưng tội và tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ lớn lên trong sự sống của Chúa Ba Ngôi, “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

- Chay tịnh : Làm chủ dục vọng là điều cần thiết để con người triển nở quân bình và toàn diện. Tuy nhiên, trào lưu của văn hóa hưởng thụ lại khơi dậy các dục vọng và thúc đẩy người ta thỏa mãn chúng. Muốn làm chủ các dục vọng lệch lạc của “con người xác thịt” để “con người thiêng liêng” lớn lên, chúng ta hãy tập hy sinh hãm mình. Càng biết từ bỏ những ham muốn tự nhiên, chúng ta sẽ càng có tinh thần mạnh mẽ và có sức đề kháng chống lại “virus tội lỗi” luôn rình rập xâm nhập mỗi người chúng ta.

- Bác ái : Đất nước càng phát triển thì hố sâu ngăn cách giàu nghèo lại càng tăng, nhiều người phải sống trong điều kiện thiếu thốn hoặc bị bỏ rơi. Đặc trưng của Kitô giáo là yêu thương như Chúa đã yêu, đặc biệt là yêu thương người nghèo khổ. Trong Mùa Chay, xin anh chị em hãy chứng tỏ lòng bác ái qua việc quảng đại chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, gặp nghịch cảnh hoặc bị bỏ rơi. Càng cho đi, chúng ta càng được lớn lên; ngược lại, càng ích kỷ, chúng ta lại càng nghèo nàn và nhỏ bé.

Anh chị em thân mến,

4. Chúng ta tiếp tục dành Mùa Chay năm nay để ủng hộ cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà. Công việc còn kéo dài, chúng ta hãy giữ ngọn lửa nhiệt tình cháy mãi, đừng để nguội dần và sa sút theo năm tháng. Anh chị em đã rất quảng đại trong những năm qua, xin cám ơn anh chị em. Chúa sẽ bù đắp gấp trăm những gì anh chị em dâng hiến cho Giáo hội và người nghèo khổ.

Dịch Covid-19 vẫn đang lây lan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nạn dịch mau qua, cho các bệnh nhân được Chúa chữa lành. Xin Chúa nâng đỡ gia đình của họ và cho những người đã qua đời được an nghỉ trong tình thương của Chúa.

Xin cầu chúc cho mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng giáo phận một Mùa Chay thật sốt sắng và một Lễ Phục Sinh thánh thiện vui tươi. Anh chị em đừng quên cầu nguyện cho chúng tôi.
 
(đã ký)

+ Giuse NGUYỄN NĂNG 
Tổng Giám mục

+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN
Giám mục Phụ tá


(WGPSG)