Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: CHƯƠNG TRÌNH “GÁNH NHAU TRONG ĐỜI”

 

VĂN PHÒNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: 
CHƯƠNG TRÌNH “GÁNH NHAU TRONG ĐỜI”

Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

WHĐ (17.11.2020) – Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam sẽ tổ chức vào chiếu tối ngày 27/11/2020 một chương trình nghệ thuật rất công phu và đặc sắc, để cùng chung tay tái thiết cuộc sống sau bão lũ ở miền Trung.

Trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 vừa qua, thay mặt Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã dẫn đầu đoàn cứu trợ khẩn cấp đến Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Hà Tĩnh để ứng cứu thực phẩm và tài chánh giúp bà con sinh tồn. Cảm thương trước thảm cảnh của bà con đang ngụp lặn giữa "biển nước" mênh mông để vật vã sinh tồn và thoi thóp sinh nhai, đoàn cứu trợ đã trăn trở nghĩ đến những ngày tháng trước mặt: phải chung vai xắn tay giúp bà con vùng bão lũ phục hồi cuộc sống. Từ những trăn trở giữa tâm lũ, thành ý thực hiện đêm nghệ thuật GÁNH NHAU TRONG ĐỜI đã được thai nghén.

GÁNH NHAU TRONG ĐỜI là một đêm thăng hoa của âm nhạc và ánh sáng, ký ức và hình ảnh, tình người và lẽ sống.

GÁNH NHAU TRONG ĐỜI là cơ may quy tụ những tấm lòng, không phân biệt đẳng cấp xã hội và niềm tin tôn giáo, chung tay xây đắp những ngôi nhà và chiếc cầu giúp phục hồi cuộc sống, vốn dĩ đã rất cơ cực, của những anh chị em đang không-còn-gì-để-mất sau những ngày cuồng phong bão lũ.

GÁNH NHAU TRONG ĐỜI là tâm huyết của tất cả anh chị em đang làm việc tại Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cùng các đối tác và thân hữu quảng đại đồng hành và bảo trợ, là tấm chân tình đầy thiện chí cống hiến của anh chị em nghệ sĩ và cộng tác viên truyền thông, biên tập, dàn dựng, thiết kế, tài chánh, hậu cần, phục vụ, v,v...

Ước mong được đón gặp quý vị để cùng GÁNH NHAU TRONG ĐỜI!
 
TM. Ban Tổ chức
 

 
GÁNH NHAU TRONG ĐỜI
18:30-21:30 I 27.11.2020
Tầng 3, Trung tâm Hội nghị và yến tiệc THE ADORA CENTER
431 Hoàng Văn Thụ, P.4, Q. Tân Bình, TP. HCM

CHƯƠNG TRÌNH
18g30: Đón tiếp
19g15: Khai mạc
19g30: Biểu diễn

Chỉ đạo chương trình: Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh

Thực hiện chương trình: Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam

Đạo diễn: NSƯT Vũ Thành Vinh

Biên tập: Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ & Bill Nguyễn

Dẫn chuyện: MC Đỗ Thụy

Sản xuất: Ekip Truyền thông Khang

Khách mời biểu diễn: NSƯT Hải Phượng • Cẩm Vân - Khắc Triệu & CeCe Trương • Saxophone Trần Mạnh Tuấn & An Trần • Thu Phương • Quang Linh • Mỹ Lệ • Quang Lê • Ngọc Mai • Phương Anh • Ca đoàn Lumen

Xin tiếp nhận sự chia sẻ và đóng góp của quý vị:

Tên tài khoản: Văn phòng Hội đồng Giám Mục Việt Nam

Số tài khoản: VND 060258314789; USD 060258317699

Ngân hàng: Ngân hàng Sacombank - Chi nhánh Gò Vấp

Thông tin thêm về chương trình và phúc đáp tham dự, quý vị vui lòng liên hệ qua số hotline: 0345.09.01.76

* MỨC ĐÓNG GÓP CHO 1 THIỆP MỜI LÀ 3.000.000 VNĐ
 
 
(WHĐ)

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO: THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11-2020

 

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO:
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO 
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11-2020

Kính gửi quý Thầy Cô giáo,

Mặc dù ngày “Nhà Giáo Việt Nam” đầu tiên được công bố và tổ chức trang trọng vào ngày 20.11.1982, nhưng từ bao đời trong lòng con dân Đất Việt đã khắc ghi và biểu lộ một cách sâu xa tâm tình “tôn sư trọng đạo”, để tôn vinh lòng tận tụy và kiên nhẫn của những người thầy trong cuộc sống. Chỉ còn ít ngày nữa thôi, ngày Tết Nhà Giáo sẽ đến, một cơ hội thật tốt để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy trong cuộc sống của mình, là cơ hội thật ý nghĩa, để toàn xã hội tri ân tới những người đã dấn thân cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước văn minh, quê hương thịnh vượng và hạnh phúc. Với lòng biết ơn và cảm phục, tôi xin kính chúc quý thầy cô luôn an vui, khỏe mạnh và hạnh phúc trong sứ mạng cao cả của mình. Sứ mạng ấy, nhìn qua lăng kính đức tin Kitô giáo, quý thầy cô được lãnh nhận từ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và quan phòng hướng dẫn: “Này đây Ta răn dạy, chỉ cho con biết đường lối phải theo, để mắt nhìn con, Ta ban lời khuyên nhủ” (x. Tv 32, 8). Trong tâm tình ấy, tôi cũng muốn bày tỏ một ít tâm tư và nguyện vọng chân thành đến tất cả quý thầy cô.

1. Sứ mạng của những “người đi trước”

Ở mọi nơi và mọi thời, trong tiếng gọi “Thầy - Cô”, chúng ta luôn được coi là những người đi trước trong việc thu thập và truyền đạt kiến thức. Ngoài kiến thức chuyên môn của mình, vì là điểm tựa tinh thần cho các môn sinh, chúng ta cũng phải trang bị thêm những kiến thức cơ bản về nhiều phương diện: văn hóa, tôn giáo, luân lý, xã hội,… Là một giáo chức Kitô hữu, để thực thi đầy đủ sứ mạng, giáo huấn của Chúa Giêsu phải luôn là một kho tàng kiến thức quý giá mà ta phải trang bị và cập nhật cho chính mình. Thật vậy, người đi trước không đơn thuần chỉ là người chuyển giao kiến thức, mà còn là người biết yêu mến, bảo vệ, che chở như một người mục tử nhân lành mà phúc âm Thánh Gioan diễn tả. Người mục tử này không phải chỉ có nhiệm vụ cho chiên ăn uống, kiểm soát số lượng đàn chiên, mà còn hiểu biết, hy sinh, thao thức và gắn bó cuộc sống mình với chiên (x. Ga 10,1-15). Chính vì thế, là người đi trước, hiểu trên phương diện xã hội lẫn đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy siêng năng và kiên trì học với Chúa Giêsu, vì Người có lòng hiền hậu và khiêm nhường (x. Mt 11,29). Những nhân đức rạng ngời ấy luôn cần thiết để chu toàn sứ mạng của một nhà giáo đúng nghĩa như Giáo hội ước mong.

2. Những khó khăn trong giáo dục

Cho đến hôm nay, chưa ai dám phủ nhận vai trò của giáo dục trong sự phát triển xã hội và thăng tiến con người về mọi mặt. Giáo dục đưa cuộc sống con người lên tầm cao, nhưng giáo dục cũng bị ảnh hưởng bởi những chuyển biến của cuộc sống xã hội, tạo nên những khó khăn nghiêm trọng. Trước nhất phải nói đến cái nghèo: nghèo vật chất, nghèo phương tiện, nghèo nhận thức, nghèo nhân sự, … Tất cả những cái nghèo ấy, như một thực tế trước mắt, đã dần dần thu hẹp cánh cửa giáo dục, tự bản chất là cần thiết cho sự văn minh của con người, để nhường chỗ cho cuộc sống mưu sinh. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ Internet về nhiều phương diện, đã thổi một luồng gió mới vào cuộc sống xã hội, nhưng cũng để lại những mối đe dọa thật đáng lưu tâm cho cuộc sống con người khi nhìn từ góc độ giáo dục. Hy vọng rằng những khó khăn ấy không dập tắt ngọn lửa nhiệt tình trong giáo chức Việt Nam, mà ngược lại, thôi thúc chúng ta nghiên cứu, tìm tòi những phương cách hữu hiệu cho sứ mạng giáo dục của mình. Chúa Giêsu trong phúc âm đã khéo léo nhắc nhở các môn đệ đừng để cảm xúc của mình bị chi phối bởi những điều trước mặt, mà hãy vui mừng vì tên của các con đã được ghi trên trời (x. Lc 10,20). Anh chị em cũng hãy luôn nhớ rằng: trong cái nhìn đức tin, công việc của mình là cộng tác với Chúa trong việc hoàn thiện công trình tạo dựng của Người.

3. Một ước mong cho ngành giáo dục

Từ đáy lòng của một người đã và đang thực hiện sứ mạng giáo dục Kitô giáo, tôi ước mong cho mỗi quý thầy cô, trước nhất và trên hết, xây dựng cho mình một ước muốn giáo dục mang tính chất toàn diện. Bởi vì một nền giáo dục đúng nghĩa, theo tôi, không chỉ là để đào tạo các thế hệ trẻ thành các chuyên viên tài giỏi, mà còn phải đào luyện họ thành những con người trưởng thành và đạo đức. Một ước muốn giáo dục mà từ cái nhìn đức tin, tôi cảm nghiệm được rằng tác giả sách Gióp thao thức từ rất lâu trong thời Cựu ước: giúp họ tránh được thói kiêu căng, giữ linh hồn khỏi sa vào vực thẳm, cứu sinh mạng khỏi rơi xuống đường hầm (x. G 33,17-18). Trong số 49 của Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến những vị thánh trẻ. Những chứng nhân sáng ngời này cho phép tôi liên tưởng và xác tín rằng: con đường nên thánh của các ngài vẫn in sâu dấu vết của một nền giáo dục toàn diện ấy. Hãy cùng nhau sống thánh để chúng ta dạy người khác sống thánh.

4. Lời chào cuối thư

Quý Thầy Cô thân mến,

Thay mặt cho Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một lần nữa, tôi gửi lời kính chúc đến quý thầy cô trên mọi miền đất nước một ngày Tết Nhà Giáo vui tươi, ý nghĩa, luôn ấp ủ trong mình một ước muốn giáo dục toàn diện cho các thế hệ mai sau. Tôi cũng không quên quý thầy cô đã hưu trí, quý thầy cô, vì bất cứ lý do gì, đã gác lại sứ mạng của mình. Tôi cám ơn và cầu chúc tất cả quý vị an bình và hạnh phúc.

Thân ái trong Chúa Kitô.

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2020.

+Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 18.11.2020


Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2020

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXIII MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A - KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM (Mt 10,17-22)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 14.11.2020


CARITAS VIỆT NAM: THĂM VÀ KHẢO SÁT LŨ LỤT MIỀN TRUNG

 

CARITAS VIỆT NAM
THĂM VÀ KHẢO SÁT LŨ LỤT MIỀN TRUNG

PTT – Caritas Việt Nam

Caritas Việt Nam (13.11.2020) - Trong vòng một tháng mà người dân Miền Trung phải gánh chịu nhiều trận bão lụt liên tiếp. Những thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ kéo dài thật là khủng khiếp. Hậu quả của thiên tai để lại là vô cùng to lớn bởi nhiều gia đình hầu như trắng tay sau các đợt mưa bão. Vì thế công việc phục hồi sau thiên tai là vô cùng quan trọng.Từ ngày 9-12 tháng 11/2020, đại diện Caritas Việt Nam, cha Giuse Ngô Sĩ Đình, OP, Giám đốc Caritas Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD, phụ tá, đã có chuyến thăm và khảo sát các vùng bị lũ lụt.

Cha Ngô Sĩ Đình, Giám đốc Caritas Việt Nam
và Cha Phêrô Nguyễn Trọng Đường, phụ tá thăm hiện trường
cây Thanh Trà chết dần sau lũ tại P. Hương Vân, Tx. Hương Trà,
T. Thừa Thiên Huế. Những cây Thanh Trà dưới ba năm tuổi
đều không sống sót được sau trận lụt năm nay

Điểm đầu tiên Caritas Việt Nam đến thăm là Giáo phận Huế, gồm hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Quảng Trị cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề, nhất là tại giáo xứ Cây Da được coi như vùng rốn lũ. Caritas Việt Nam và Caritas Huế đã đến thăm một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, để lắng nghe và chia sẻ với họ. Quả thật có tận mắt chứng kiến mới thấu hiểu phần nào nỗi đau thương mà người dân phải chịu.

Bà Trương Thị Nhàn, 68 tuổi đang sống cùng Anh Nam, con trai của bà tại P. Kim Long, Tp. Huế chia sẻ: “Sau lũ, nhà chúng con dột nát hết rồi, mọi thứ trong nhà cũng hư hỏng, giờ mong muốn có ngôi nhà có mái tôn để che nắng che mưa”.

Cha Giám đốc và Cha Phụ tá Caritas Việt Nam
ghé thăm và trao quà cho gia đình bà Trương Thị Nhàn

Ông Nguyễn Lưu (Sơn Đông 1, P. Hương Vân, Tx. Hương Trà, T. Thừa Thiên Huế) chia sẻ: “Do chiến tranh tôi bị cụt một chân nên phải lắp chân giả, chân còn lại cũng vẫn còn di chứng nên đi lại khó khăn. Vợ chồng chúng tôi trồng chuối nhưng giờ lũ lụt, chuối chết hết rồi, không còn chi cả. Nhà nước có hỗ trợ chúng tôi 270,000 đ, Caritas có hỗ trợ chúng tôi tiền gạo được 330,000 đ, giờ thì nhờ chi được nấy chứ cũng không biết thế nào”.

Cha Phụ tá lắng nghe ông Nguyễn Lưu ở Sơn Đông 1,
P. Hương Vân, Tx. Hương Trà, T. Thừa Thiên Huế
chia sẻ những khó khăn sau lũ.
 

Sau đó Caritas Việt Nam và Caritas Huế cùng ngồi lại với nhau để thảo luận và đưa ra kế hoạch cụ thể cho công việc tái thiết đời sống của người dân không phân biệt lương giáo.

Caritas Việt Nam trao đổi cùng Caritas Huế
về các dự án phục hồi sau lũ

Sang ngày kế tiếp, phái đoàn Caritas Việt Nam cùng với Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Gp. Hà Tĩnh, Cha GB. Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc Caritas Hà Tĩnh, đến thăm hỏi và chia sẻ với một số gia đình bị thiệt hại nặng nề tại tỉnh Quảng Bình. 

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp,
Cha Giám đốc Caritas Hà Tĩnh,
Cha Giám đốc và Cha Phụ tá Caritas Việt Nam
khảo sát thiệt hại tại Giáo họ Trằm – Giáo xứ Chày.

Nói đến trận lũ lịch sử năm nay, cha Giám đốc Caritas Hà Tĩnh vẫn còn nghẹn ngào, Ngài nói: “Các cha xứ rất tích cực và xả thân giúp đưa dân lên vùng an toàn và cung cấp thực phẩm cho họ. Có nơi các cha kiệt sức, phải truyền nước biển, kịp khi vừa rút dây ra là lại lập tức đi lo cho dân. Mặc dù năm 2010 lũ đã lớn rồi nhưng tại khu vực tỉnh Quảng Bình năm nay lũ còn lớn hơn, cao hơn 1,5 mét so với năm 2010, vì lũ lớn nên đời sống của bà con rất khó khăn nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các cha xứ, các thầy giúp xứ, các sơ và anh chị em trẻ trong các nhóm ứng cứu nên thiệt hại đã bớt được rất nhiều. Mặc dù cuộc sống của bà con trong những ngày lũ lụt rất khó khăn nhưng không có ai chết đói, chết khát cả. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để giúp bà con có cuộc sống ổn định sau lũ”.

Những chòi lá được dựng tạm sau lũ trên nền đất để làm nơi ở
cho 25 hộ gia đình thuộc Giáo họ Tiên Nghĩa,
Giáo xứ Liên Hoà, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình

Ông Phúc, Hội đồng mục vụ Gx. Trung Quán chia sẻ: “Khi lũ ngập đến mái nhà, người dân tìm cách gỡ mái nhà để chui lên mái, nhiều người bị mắc kẹt vì mái nhà bằng tôn không thể thoát ra ngoài được. Giáo xứ đã huy động các thanh niên đi cứu. Họ phải lặn theo đường cửa vào để đưa những người kẹt trong nhà ra. Người dân ở đây chủ yếu làm nông, trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lũ đến cuốn đi hết nên lại càng khó khăn hơn”.

21 hộ gia đình buộc phải di dời do sạt lở,
phía sau là những căn nhà lá được Cha xứ Gx. Tân Hội,
huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình dựng tạm để người dân ở
và Cha xứ vẫn đang hỗ trợ thực phẩm cho bà con mỗi ngày.
 

Ngoài việc viếng thăm các nạn nhân bị lũ lụt, Caritas Việt Nam còn đi khảo sát tình hình và kết hợp với các Caritas Giáo phận để bàn kế hoạch, các dự án cụ thể cho việc phục hồi sau thiên tai. 

Caritas Việt Nam chia sẻ với Cha xứ
để hỗ trợ thực phẩm cho người dân tại Gx. Tân Hội.

Caritas Việt Nam luôn ưu tư và nỗ lực thực hiện những công việc góp phần phục hồi sau thiên tai, tái thiết cuộc sống của người dân, sửa chữa lại những căn nhà bị hư hỏng, xây dựng nhà mới cho các hộ gia đình bị mất nhà đặc biệt là những gia đình nằm trong khu vực bị sạt lở buộc phải di dời đến nơi ở mới an toàn hơn, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, lắp đặt các hệ thống lọc nước tinh khiết, hỗ trợ học bổng cho các con em có hoàn cảnh khó khăn…

Rất nhiều công việc phải làm, bởi một số nơi người dân đã trắng tay, từ cuốn vở của con em, chiếc cặp, chiếc xe đạp dùng để đến trường cũng bị nước cuốn trôi hay hư hại. Gia súc, gia cầm chết hết, trong nhà mọi vật dụng cũng chẳng sử dụng được nữa.

Với sự đóng góp đến từ các ân nhân trên khắp cả nước, các kiều bào, các tổ chức quốc tế gởi về cho Caritas Việt Nam, hy vọng những người dân chịu thiệt hại nặng nề phần nào vơi bớt đi gánh nặng trong cuộc sống. Xin quý vị tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng chúng tôi.

(WHĐ)