Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

ĐÊM GIÁNG SINH HÀ NỘI: KHÔNG DỪNG LẠI Ở “CÔNG THỨC XÃ GIAO”, HÃY TRỞ NÊN QUÀ TẶNG CHO NHAU


Đêm Giáng sinh Hà Nội:
Không dừng lại ở “công thức xã giao”, hãy trở nên quà tặng cho nhau


Phóng viên: Hà Thanh - Mai Thương
Ảnh: Mạnh Quân
Giọng đọc: Quế Phương


WHĐ (25.12.2020) – Giáng sinh về trên mọi nhà. Nếu chúng ta đón nhận Chúa, gia đình sẽ được bình an, cuộc sống sẽ hạnh phúc và tâm hồn sẽ thanh thản. Nhưng việc đón Chúa không chỉ dừng lại ở “công thức xã giao”, Ngài cũng mời gọi ta trở nên quà tặng cho nhau.

Đêm 24-12 khắp mọi ngả đường thủ đô Hà Nội đều hướng về “ánh sao dẫn đường” đến những ngôi Thánh đường đang hoan ca mừng Chúa Giáng sinh. Càng cận kề thời khắc Chúa Giáng sinh, dòng người đổ về ngày một đông.

 

Noel mang đến bình an

Khắp mọi ngả đường, từ trung tâm thương mại đến các tuyến phố đều lung linh sắc màu với ánh sao, cây thông Noel, ngôi nhà tuyết, tuần lộc và đèn giăng khắp lối.

Ghi nhận tại nhà thờ Thái Hà, nhà thờ Phùng Khoang (ở Hà Nội) từ 19h lực lượng bảo vệ túc trực tại cổng, phân luồng giao thông và nhắc nhở bà con chủ động đeo khẩu trang khi tiến vào Thánh đường để đảm bảo an toàn trong dịch COVID-19. Ở phía ngoài cổng cũng bố trí đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn cho bà con.


 “Thời tiết không lạnh lắm nhưng cũng đủ để mình cảm nhận được đêm Noel. Noel mang đến bình an, mang hân hoan đến cho mọi người. Chúng mình là người lương dân nhưng vẫn đến đây từ rất sớm để xem diễn nguyện, xem lễ” - sinh viên Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cùng nhóm bạn lương dân dự lễ Giáng sinh chia sẻ.


Để đảm bảo phòng dịch, đôi bạn Trần Thị Linh, Vũ Thị Thanh Thủy cùng giáo dân đến dự lễ ở giáo xứ Thái Hà tuân thủ đeo khẩu trang từ đầu đến cuối lễ, chỉ bỏ khẩu trang ra khi chụp hình. Linh là người Công giáo, Thuỷ là người lương dân nhưng năm nào cũng đến vui niềm vui chung trong đêm Giáng sinh. “Suốt 2 năm nay đều theo bạn đến nhà thờ dự lễ Giáng sinh, mình rất thích tìm hiểu về tôn giáo. Mình đến đây, cảm giác mọi thứ rất an lành, bình yên” - Thuỷ bộc bạch.


Trong khi đó, Nhà thờ Lớn luôn là điểm đến thu hút hàng ngàn người dân đến đây xem lễ từ rất sớm. Không phân biệt lương - giáo, người trong nước hay ngoài nước, họ cùng đến hát vang bài hoan ca Giáng sinh. Nhiều du khách nước ngoài “mắc kẹt” ở Việt Nam vì dịch COVID-19 cũng bày tỏ niềm vui sướng được đón một đêm Giáng sinh an lành và ấm cúng.


“Đây là lần đầu tiên tôi cùng bố mẹ sang Việt Nam. Lúc đầu tôi cũng lo lắng, không biết có được đón Giáng sinh không, nhưng thật bất ngờ người Việt Nam đón Noel cũng vui vẻ và ấm áp”, du khách Elly, người Úc bày tỏ.

“Trở nên quà tặng cho nhau”

Trong bài giảng Đêm Giáng sinh, trước hàng ngàn giáo dân cũng như người dân các tôn giáo bạn, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên, Tổng giám mục Hà Nội nhắc đến món quà của nhân loại là Đức Giê-su Ki-tô - món quà mà cách đây 2020 năm, Thiên Chúa từ trời cao đã tặng ban cho nhân loại, để chứng tỏ tình yêu đối với nhân loại.


“Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa không còn là đấng xa vời ở trên chín tầng mây xanh, mà trở nên gần gũi con người. Đức Giê-su là Thiên Chúa thật, và là người thật. Đức Giê-su là một nhân vật lịch sử chứ không phải là nhân vật của huyền thoại, hay sản phẩm của trí tưởng tượng con người”, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên chia sẻ.

Ngài nhắc đi nhắc lại: “Đức Giê-su là quà tặng của Thiên Chúa cho nhân loại. Tất cả những ai thiện chí kiếm tìm chân lý đều có thể nhận được quà tặng này”. Đức Tổng Giám mục Hà Nội viện dẫn, suốt 20 thế kỷ qua rất nhiều người đã mở rộng tấm lòng đón nhận “món quà Giê-su”, nhờ đó họ đã tìm được hạnh phúc trong đời và trở nên hoàn thiện, đoạn tuyệt với tội lỗi và trở nên trọn lành”.

Đêm Giáng sinh, toàn nhân loại đón nhận quà tặng của Thiên Chúa tặng ban. Ngài khẳng định, nếu chúng ta đón nhận Chúa, gia đình chúng ta sẽ bình an, cuộc sống sẽ hạnh phúc và tâm hồn sẽ thanh thản. Đồng thời, ngài nhắc nhở mỗi người chúng ta đón Chúa nhưng không chỉ dừng lại ở những công thức xã giao, mà còn phải được thể hiện qua thiện chí thực thi lời Chúa dạy: sống khiêm nhường, thân thiện, liên đới và yêu thương.

  
“Nếu Đức Giê-su là quà tặng của Thiên Chúa cho loài người, thì chúng ta - những người đã đón nhận quà tặng có tên Giê-su cũng được mời gọi trở nên quà tặng cho nhau. Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, người vợ phải nên quà tặng đối với người chồng? Con cái phải trở nên quà tặng với cha mẹ? Anh em bè bạn phải trở nên quà tặng đối với nhau?


Quà tặng thể hiện sự trân trọng, tình quý mến và lòng quảng đại bao dung. Trở nên quà tặng cho người khác chính là một cuộc sống nhân ái, hài hoà, trân trọng và nâng đỡ nhau”, Đức Tổng Giám mục Giu-se Vũ Văn Thiên nhấn mạnh.
 
(WHĐ) 

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ SÁU 25.12.2020

 

LỜI CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2020 CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

 

Vatican News (23.12.2020)Từ Việt Nam, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch HĐGM Việt Nam, gởi lời chúc mừng Giáng Sinh đến các tín hữu Công giáo Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Anh chị em thân mến,

Thay lời cho Hội đồng Giám mục, từ quê hương Việt Nam ngàn đời yêu dấu, tôi xin gửi lời cầu chúc Giáng Sinh tốt đẹp nhất đến toàn thể anh chị em Kitô hữu Việt Nam khắp nơi trên thế giới.

Xin Vị Hoàng Tử Hoà Bình gìn giữ anh chị em an toàn thoát khỏi đại dịch Covid-19. Tôi hiệp ý với anh chị em để cầu nguyện cho cuộc khủng hoảng này sớm chấm dứt, để anh chị em sớm phục hồi cuộc sống, nhất là để anh chị em có thể đi về thăm viếng quê hương dễ dàng như xưa.

Nhân tiện, tôi xin cám ơn anh chị em đã tận tình thăm hỏi và gửi quà cứu trợ giúp đồng bào lũ lụt miền trung Việt Nam. Xin Chúa trả công bội hậu và bù đắp cho anh chị em bằng sự bình an đích thực của Ngài.

Tôi cũng cầu chúc anh chị em một năm mới dương lịch 2021 đầy ắp ân sủng, một mùa xuân Tân Sửu âm lịch tràn trề nhựa sống và chan chứa yêu thương.

Merry Christmas and Happy New Year.

Thân ái
+ Giuse Nguyễn Chí Linh

Nguồn: vaticannews.va/vi 

(WGPSG)

CHÚA GIÁNG SINH – LỜI CHÚA THÁNH LỄ BAN NGÀY (Ga 1,1-5.9-14)

 

CHÚA GIÁNG SINH – LỜI CHÚA THÁNH LỄ RẠNG ĐÔNG (Lc 2,15-20)

 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 24.12.2020


VATICAN NEWS: TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP THÁNH ĐÊM GIÁNG SINH 2020 DO ĐỨC THÁNH CHA CHỦ SỰ TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ

Bắt đầu lúc 01g30 Thứ Sáu, ngày 25.12.2020


Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN IV MÙA VỌNG

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 23.12.2020


LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ GÌN BÌNH AN TRONG GIA ĐÌNH BẠN

Photographee.eu | Shutterstock

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ GÌN BÌNH AN TRONG GIA ĐÌNH BẠN

Tác giả: Christine Ponsard
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung 
Từ: aleteia.org 
WHĐ (23.12.2020)Có nhiều cách để giúp đỡ và không trở nên chướng ngại khi mang lại bình an và hòa thuận cho gia đình của bạn.
 
Không có gia đình nào mà không có những bất đồng. Ngay cả trong Gia đình Thánh, đôi khi Đức Maria và Thánh Giuse cũng khó mà hiểu nhau. Trong gia đình những người tội lỗi như chúng ta thì còn hơn thế nữa. Gia đình thường là nơi chúng ta trải qua nhiều cuộc đối đầu và đau đớn nhất. Tại sao thế này? Bởi vì chúng ta yêu nhau, bởi vì tình yêu làm cho chúng ta dễ bị tổn thương, và bởi vì việc chia sẻ đời sống hàng ngày thử thách tình yêu kiểu này: rất khó, nếu không muốn nói là không thể che giấu những khó chịu và thù hận khi chúng ta sống với nhau 24 giờ một ngày.

Không phải tất cả các vụ đánh nhau đều nghiêm trọng. Bạn không nhất thiết phải cố gắng tránh chúng. Một cuộc cãi vã “tốt lành” trong gia đình sẽ tốt hơn là một sự im lặng không nói nên lời, và việc tranh cãi giữa anh chị em với nhau có thể có lợi - tất nhiên, miễn là những cuộc cãi vã này dẫn đến sự tha thứ, ngay cả trong trường hợp chỉ là những sự cố nhỏ. Hàng trăm cuộc đụng độ nhỏ mà không được tha thứ thì có sức nặng như một cuộc cãi vã nghiêm trọng. Thường là những thứ nhỏ nhặt thôi, nhưng khi tích tụ lại sẽ dẫn đến đổ vỡ. Ngoài những xung đột lành mạnh, những xung đột khác có thể gây ra những rạn nứt nghiêm trọng: tất nhiên như là ly hôn, nhưng cũng có những cuộc cãi vã gây ảnh hưởng sâu sắc giữa cha mẹ và con cái, anh chị em, cô dì và cháu trai, v.v.

Dù là diễn viên hay khán giả của những sự rạn nứt này, chúng ta luôn có thể lựa chọn trở thành người hòa giải hoặc lựa chọn đổ thêm dầu vào lửa. Đương nhiên, chúng ta không thể tha thứ thay cho người khác (ví dụ, vợ / chồng bị bạn đời lừa dối hoặc cha mẹ bị con cái phản bội), nhưng thái độ của chúng ta có thể giúp cả hai tiến tới sự tha thứ và hòa giải, hoặc ngược lại, duy trì thù hận giữa họ.

Bình an có thể được tìm thấy trong cầu nguyện

Nhiều mâu thuẫn gia đình trở nên trầm trọng hơn bởi những lời nói ra nói vào thiếu thiện chí, những phán xét vội vàng, những lời đàm tiếu và những lời vu khống. Brigitte nói: “Tôi đổ lỗi cho cha dượng của tôi vì ông ta đã bạo hành các con của ông ấy. Nhưng tôi nhận ra rằng nếu tôi không tha thứ cho ông ấy, tôi cũng đang ngăn cản chồng tôi tha thứ cho ông ấy; bằng ngàn những suy nghĩ nho nhỏ, bằng những lời cay đắng, tôi giữ trong lòng mình sự oán hận đối với ông ta”. Để lan tỏa bình an, bạn phải bắt đầu bằng bình an. Một người mẹ đau khổ vì sự không chung thủy của con rể sẽ không thể giúp con gái hòa giải với chồng. Người mẹ này đau khổ cho con gái là điều bình thường, nhưng chỉ cần bà ấy bị cơn giận chi phối, bà ấy chỉ có thể làm cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.

Bình an rất khó đạt được trong những hoàn cảnh như vậy, nhưng có thể tìm được trong cầu nguyện.

Chúng ta phải vứt bỏ những phiền muộn, những phản nghịch, những ý nghĩ hận thù, những khao khát trả thù của mình vào trong lòng chính Đấng thấu hiểu mọi sự và có thể làm được mọi việc. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm dịu cơn bão nội tâm của chúng ta và cắm chặt chúng ta vào trong sự bình an của Ngài. Lúc đó, chúng ta được bao bọc trong sự dịu dàng của Ngài và có thể lắng nghe mà không phán xét và thông cảm mà không đứng về phía nào.

Xây dựng bình an trong gia đình bằng cách không xen vào các cuộc cãi vã của người khác

Sự sự suy xét khôn ngoan cũng là một cách tuyệt vời để góp phần vào bình an. Sự suy xét khôn ngoan không có nghĩa là che giấu, mà là sự thận trọng. Khi sống trong hoàn cảnh xung đột, điều quan trọng là phải tìm thấy “một trái tim biết lắng nghe”. Nhưng làm sao một người có thể lên tiếng nếu họ sợ lời nói của mình bị nói lại với mọi người xung quanh? Những gì được tiết lộ cho chúng ta, những gì chúng ta chứng kiến, không nhất thiết phải cho cả gia đình biết, ngay cả khi sự tò mò của gia đình được khơi nguồn từ tình cảm đích thực. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần chỉ cho chúng ta những gì chúng ta có thể nói và phải nói, và nói với ai. Thực tế, sự khó khăn nằm ở chỗ biết cách nói - khi im lặng trở nên có hại - nhưng chỉ nói một cách khôn ngoan và luôn luôn tử tế.

Tương tự như vậy, chúng ta chỉ nên can thiệp trực tiếp nếu thấy thích hợp. Một cách để xây dựng bình an trong gia đình là tránh xa những cuộc cãi vã không liên quan đến cá nhân chúng ta. Lắng nghe, chào đón, an ủi: vâng! Có lẽ cũng nên cung cấp thông tin liên lạc với một linh mục hoặc một chuyên gia cụ thể. Và dĩ nhiên, hãy cầu nguyện trong cả thời gian tốt lành và thời gian không thuận lợi. Nhưng, mặt khác, chúng ta nên chấp nhận sự bất lực của mình, chấp nhận ra rằng chúng ta không nhất thiết phải ở tư thế tốt nhất mới có thể đưa ra lời khuyên. Điều quan trọng nhất không phải là làm được gì cho những người tranh cãi, mà là ở bên cạnh họ, như một minh chứng của một tình yêu vô điều kiện và của một niềm hy vọng không ngừng.

(WHĐ)

LỜI CHÚC GIÁNG SINH 2020 CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKI, ĐẠI DIỆN TÒA THÁNH KHÔNG THƯỜNG TRÚ TẠI VIỆT NAM