Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 16.02.2021

/>

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 16.02.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.

/>

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 15.02.2021

/>

HAI LOẠI TÌNH YÊU ĐƯỢC MỪNG TRONG NGÀY LỄ VALENTINE

HAI LOẠI TÌNH YÊU ĐƯỢC MỪNG TRONG NGÀY LỄ VALENTINE

TGPSG / blog.adw -- Ngày lễ Tình Nhân (Valentine) là ngày tôn vinh tình yêu lãng mạn. Chắc chắn loại tình yêu này rất cao quý và đáng được khuyến khích.

Giáo hội đôi khi bị buộc tội là nghi ngờ tình yêu lãng mạn. Đúng là có một số nhóm lạc giáo như Cathari và Jansenist đã khinh miệt tình dục trong hôn nhân. Nhưng họ bị coi là lạc giáo vì quan điểm này.

Quan điểm Công giáo đích thực thì tôn vinh tình yêu lãng mạn (Eros trong tiếng Hy Lạp). Là một linh mục chánh xứ Công giáo, tôi cũng như những người khác, muốn khuyến khích một tình yêu lãng mạn đưa đến đỉnh cao là hôn nhân. Và khuyến khích tình yêu lãng mạn tiếp tục diễn ra trong hôn nhân. Tôi nói với những giáo dân trẻ của tôi: “Hãy kết hôn! Hãy sinh thật nhiều con và nuôi dạy chúng theo Công giáo! Bạn có thể nhớ lại câu thơ: Đầu tiên là tình yêu, sau đó đến hôn nhân, rồi đến đứa con trong xe nôi."

Một tình yêu tuyệt vời

Tình yêu lãng mạn (Eros) thì tốt đẹp và mang lại phước lành! Nhưng tình yêu lãng mạn (Eros) luôn cần có mục đích và nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Về cơ bản, Eros là sức mạnh cuốn hút một người nam và một người nữ đến với nhau rồi cuối cùng là tiến tới hôn nhân. Và trong hôn nhân, tình yêu lãng mạn của họ sẽ đơm hoa kết trái.

Tuy nhiên, ngày nay có quá nhiều người chỉ đùa giỡn với tình yêu. Họ bộc lộ sức mạnh của mình thông qua quan hệ tình dục trước hôn nhân và không tuân theo lộ trình dự kiến ​​của nó là cuốn hút nhau với một ước muốn tình yêu sâu sắc. Eros là sự cuốn hút nam nữ vào sự kết hợp sâu sắc, chứ không chỉ đơn thuần là mang hai thân xác lại với nhau. Có quá nhiều người vội vã chạy theo những ham muốn thể xác và phô bày những bí ẩn sâu sắc nhất của bản thân một cách không thích hợp. Vì thế, vũ điệu tuyệt vời của sự tỏ tình và hôn nhân bị rút ngắn và Eros đánh mất cả phẩm giá và mục tiêu của nó. Tỷ lệ kết hôn đã giảm mạnh và tỷ lệ sinh con cũng giảm theo.

Đức Giáo hoàng Bênêđictô 16 đã nói điều này về Eros:

“Loại tình yêu nam nữ không ý chí, bằng cách nào đó đã áp đặt trên con người, được người Hy Lạp cổ đại gọi là Eros. Người Hy Lạp - không khác các nền văn hoá khác - coi Eros về cơ bản là một loại say mê, khuynh loát lý trí bởi một “sự điên rồ thần thánh” khiến con người vượt qua sự tồn tại hữu hạn của mình và cho phép họ, trong chính quá trình chìm đắm trong sức mạnh thần thánh, trải nghiệm hạnh phúc tối cao…

“Kitô giáo trong quá khứ thường bị chỉ trích là chống lại thân xác; và quả là khuynh hướng kiểu này luôn tồn tại. Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, Eros đã bị giảm thiểu xuống thành "tình dục" thuần túy. Ở đây chúng ta đang thực sự đối mặt với sự hạ cấp thân xác con người: Nó không còn là một biểu hiện quan trọng của toàn bộ con người chúng ta nữa, mà nó chỉ còn hơn kém nằm trong lĩnh vực sinh học thuần túy.

“Nhưng sự thật, Eros có xu hướng trỗi dậy “trong ngây ngất” để hướng về Thần thánh, đưa chúng ta vượt ra khỏi chính mình. Hai khía cạnh này của Eros rất quan trọng.

“Thứ nhất, Eros một cách nào đó bắt nguồn từ chính bản chất của con người; Ađam là một người tìm kiếm, người "bỏ cha mẹ" để tìm kiếm người phụ nữ; và chỉ khi ở cùng nhau, cả hai mới đại diện cho con người hoàn chỉnh và trở thành “một xương một thịt”.

“Khía cạnh thứ hai cũng quan trọng không kém: Eros hướng con người tới hôn nhân, đến một mối ràng buộc duy nhất và dứt khoát; như vậy, và chỉ như vậy, Eros mới thực hiện được mục đích sâu xa nhất của nó… Và hôn nhân trong Kinh thánh trở thành biểu tượng của mối quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài." (Deus Caritas est 3-11 đã chọn)

Vì vậy, tình yêu lãng mạn (Eros) có phẩm giá nhưng cũng có mục đích. Mục đích của nó là lôi kéo người nam và người nữ tiến tới hôn nhân, gia đình và cuối cùng là hướng về Thiên Chúa. Ước muốn sâu xa mà người nam và người nữ dành cho nhau là dấu hiệu của ước muốn tột cùng của trái tim con người về sự kết hợp sâu xa với Thiên Chúa.

Một tình yêu tuyệt vời hơn

Nhưng có một tình yêu thứ hai được cử hành vào Ngày lễ Tình Nhân, và đó là tình yêu Agape. Tình yêu Agape là tình yêu qua đó chúng ta yêu Thiên Chúa trên cả bản thân mình, trên mọi vật và trên tất cả mọi người. Có lẽ không có ví dụ nào tuyệt vời về tình yêu này hơn là tình yêu của các vị tử đạo. Các ngài sẵn sàng từ bỏ mọi sự vì Đức Kitô. Mọi vị tử đạo đều có thể nói: “Lạy Chúa, con yêu Chúa hơn bản thân, mạng sống, mọi thứ của con và hơn bất kỳ người nào khác trong cuộc đời con. Thế giới ghét con vì điều này và sẽ giết con vì điều đó, nhưng con sẵn sàng trả cái giá mà tình yêu này đòi hỏi.”

Thánh Valentine là một vị tử đạo. Truyền thống Kitô giáo công nhận có hai vị thánh của Giáo hội sơ khai có thể được coi là "Valentine."

Vị đầu tiên là linh mục người La Mã tên là Valentine. Ngài bị chém đầu vào năm 268 vì tội cố gắng đưa một thành viên của Hoàng đế Claudius thành dân Goth. Ngài cũng là một người chữa bệnh nổi tiếng.

Vị thánh Valentine thứ hai là Giám mục Valentine, cũng là một người chữa bệnh nổi tiếng và cũng là nhân vật đưa nhiều người vào Kitô giáo. Ngài bị bắt và bị buộc phải thờ lạy các vị thần ngoại giáo. Khi ngài từ chối, người ta đã cố đánh đòn ngài cho chết đi. Khi điều đó thất bại, ngài đã bị chặt đầu vào năm 273.

Màu đỏ của ngày lễ Tình Nhân không chỉ tượng trưng cho dòng máu ấm áp của sự lãng mạn, mà còn là dòng máu nóng đỏ của những vị tử đạo. Eros chắc chắn là cao quý và cần thiết. Mừng lễ Tình Nhân như thế thì cũng đúng thôi. Nhưng không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu (Agape) dám hy sinh mạng sống cho bạn đời của mình. Vì vậy, hôm nay, máu đỏ của các vị tử đạo cũng được cử hành và công bố.

Một ngày lễ Tình Nhân được dâng cho người mình yêu và cho tất cả mọi người.

Msgr Charles Pope (blog.adw) / Biên Tú chuyển ngữ (TGPSG)
(WGPSG)

 

CÁO PHÓ: LINH MỤC PHÊRÔ NGUYỄN QUANG TOÀN

 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
E.mail: tgmsaigon@gmail.com

OREMUS PRO DEFUNCTIS

Trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, Toà Tổng Giám Mục Thành phố Hồ Chí Minh kính báo:

Linh mục Phêrô NGUYỄN QUANG TOÀN
sinh ngày 20 tháng 12 năm 1946 tại Hải Phòng
chịu chức linh mục ngày 07 tháng 12 năm 1974 tại Trà Cổ, Hố Nai

hiện đang là Chánh xứ Giáo xứ Môi Khôi, 
thuộc Giáo hạt Xóm Chiếu, của Tổng Giáo Phận Tp.HCM

đã trở về Nhà Cha lúc 14g45, thứ Hai, ngày 15 tháng 02 năm 2021, tại nhà ông bà cố thuộc Giáo xứ Trà Cổ, Giáo hạt Phú Thịnh, Giáo phận Xuân Lộc, hưởng thọ 75 tuổi, sau 47 năm linh mục.

Tuy nhiên, vì tình hình dịch bệnh tại thành phố khá phức tạp và không được phép tập trung đông người, nên nghi thức tẩn liệm và thánh lễ sẽ đều được cử hành tại Giáo xứ Trà Cổ, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Cụ thể như sau:
  • Nghi thức tẩn liệm: lúc 9g00, thứ Ba, ngày 16 tháng 02 năm 2021.
  • Thánh lễ an táng: lúc 9g00, thứ Năm, ngày 18 tháng 02 năm 2021 do Đức Tổng Giám mục Giuse chủ tế.
Toà Tổng Giám mục rất mong quý cha thuộc Tổng Giáo phận thành phố đến đồng tế trong thánh lễ an táng của cha Phêrô. Đồng thời, xin quý Cha trong giáo phận dâng một Thánh lễ cầu cho linh hồn linh mục Phêrô.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 15.02.2021
Linh mục Tổng Đại Diện
(đã ký và đóng dấu)
Inhaxiô HỒ VĂN XUÂN

Mục vụ:
  • 1974 - 1975 Cô nhi viện Long Thành
  • 1975 - 2005 Linh hướng Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Long Thành
  • 2005 - 2007 Phụ tá Giáo xứ Vườn Xoài
  • 2007 - 2021 Chánh xứ Giáo xứ Môi Khôi
 
(WGPSG)

MÙNG 1 TẾT TÂN SỬU TẠI CÔNG TRƯỜNG TRÙNG TU NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SAIGON: NIỀM VUI ĐƯỢC LÀM VIỆC

/>

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 14.02.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 15.02.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Hai, ngày 15.02.2021


Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 4: NGÀY MỞ TAY


SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2021 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

 

 WHĐ (28.1.2021) – Ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp mùa Chay 2021 với chủ để: “Mùa Chay: Thời gian làm tưới mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu.” Sau đây là bản dịch Việt ngữ của Ban dịch thuật HĐGMVN.
 


Sứ điệp Mùa Chay 2021 của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Này chúng ta lên Giêrusalem” (Mt 20,18)
Mùa Chay: Thời gian làm tươi mới Niềm tin, Hy vọng và Tình yêu


Anh chị em thân mến,

Khi loan báo cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người để hoàn thành Thánh ý Cha, Chúa Giêsu đã mặc khải cho các môn đệ ý nghĩa sâu sắc nhất về sứ mạng của Người và mời gọi họ chia sẻ sứ mạng này để cứu độ thế giới.

Trong hành trình Mùa Chay hướng về Phục Sinh, chúng ta hãy nhớ đến Đấng đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi đã bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phi 2,8). Trong suốt mùa sám hối này, chúng ta hãy làm mới lại đức tin của chúng ta, kín múc “nước hằng sống” của niềm hy vọng, và mở lòng đón nhận tình yêu Chúa là Đấng đã làm cho chúng ta trở nên anh chị em trong Chúa Kitô. Vào đêm Canh thức Vượt qua, chúng ta sẽ làm mới lại lời hứa của Bí tích Rửa tội để được tái sinh nên những con người mới nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Hành trình Mùa Chay này, cũng như toàn bộ cuộc lữ hành của đời Kitô hữu, ngay lúc này được chiếu soi nhờ ánh sáng phục sinh, trở nên nguồn cảm hứng cho những suy nghĩ, thái độ và quyết định của các môn đệ Chúa Kitô.

Ăn chay, cầu nguyện và bố thí, như lời rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mt 6, 1-18), là điều kiện giúp chúng ta hoán cải và thể hiện sự hoán cải. Nẻo đường khó nghèo và bỏ mình (ăn chay), quan tâm và yêu thương chăm sóc người nghèo (bố thí), và như trẻ thơ trò chuyện với Chúa Cha (cầu nguyện) làm cho chúng ta có thể sống đức tin chân thành, đức cậy sống động và đức ái tích cực.

1. Đức tin mời gọi chúng ta chấp nhận sự thật và làm chứng cho sự thật trước Thiên Chúa và trước toàn thể anh chị em mình.

Trong Mùa Chay này, chấp nhận và sống sự thật được mặc khải trong Chúa Kitô, trước hết là mở rộng tâm hồn trước Lời Chúa mà Giáo hội đã trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Sự thật này không phải là loại khái niệm trừu tượng dành riêng cho một số người thông thái được tuyển chọn, nhưng là một sứ điệp mà tất cả chúng ta có thể nhận lãnh và hiểu biết nhờ vào sự khôn ngoan của một tâm hồn biết mở rộng trước sự vĩ đại của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta ngay cả trước khi chúng ta nhận thức về điều này. Sự thật này là chính Chúa Kitô. Bằng cách mang lấy thân phận con người của chúng ta, ngay cả trong những giới hạn của nó, Người đã làm cho chính mình trở nên con đường dẫn đến sự sống viên mãn. Đây là con đường tuy đòi hỏi nhưng mở ra cho tất cả mọi người.

Được kinh nghiệm như một hình thức tự hủy, việc ăn chay sẽ giúp cho những ai thực hành với tâm hồn đơn sơ tái khám phá ân huệ của Thiên Chúa và nhận ra rằng sự thành toàn của mình là ở nơi Thiên Chúa bởi lẽ con người được dựng nên theo hình ảnh và giống với Người. Cùng với kinh nghiệm về sự khó nghèo, người ăn chay làm cho chính mình trở nên nghèo với người nghèo và tích lũy kho báu của tình yêu vừa đón nhận vừa chia sẻ. Được hiểu và thực hành như thế, ăn chay giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, vì yêu mến, như Thánh Tôma Aquinô dạy, là một chuyển động hướng ngoại tập chú vào người khác và xem họ như một với chính mình (x. Fratelli Tutti, 93).

Mùa Chay là thời gian để tin tưởng, nghĩa là để đón tiếp Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta và ưng thuận để Người “ở lại” với chúng ta (x. Ga 14, 23). Ăn chay giải thoát chúng ta khỏi tất cả những gì xâm chiếm cuộc đời chúng ta, như khỏi chủ nghĩa tiêu thụ và thừa mứa thông tin (cả thông tin thật lẫn thông tin giả), để mở lòng ra với Đấng đến với chúng ta, Người nghèo khó trong mọi sự nhưng “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14): Người là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.

2. Niềm hy vọng như “nước hằng sống” cho phép chúng ta tiếp tục hành trình

Người phụ nữ Samari mà Chúa Giêsu xin nước uống bên giếng đã không hiểu khi Chúa Giêsu nói rằng Người có thể cho bà “nước hằng sống” (Ga 4,10). Một cách tự nhiên, bà nghĩ rằng Người đề cập đến nước vật chất, nhưng Chúa Giêsu có ý nói về Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người sẽ ban dồi dào qua mầu nhiệm Vượt qua, Đấng tuôn đổ trên chúng ta niềm hy vọng không gây thất vọng. Khi loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Người, Chúa Giêsu đã nói về niềm hy vọng này: “ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,19). Chúa Giêsu đang nói về một tương lai rộng mở nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa Cha. Hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin tưởng rằng lịch sử không chấm dứt với những lầm lỗi của chúng ta, với những bạo lực và bất công của chúng ta, hay với tội ác đã đóng đinh Đấng là Tình Yêu. Niềm hy vọng đó cũng có nghĩa là đón nhận từ trái tim rộng mở của Người ơn tha thứ của Thiên Chúa Cha.

Trong hoàn cảnh lo âu hiện nay, khi mọi việc có vẻ mong manh và bấp bênh, thì việc nói về niềm hy vọng dường như là một thách đố. Nhưng Mùa Chay chắc chắn là mùa hy vọng, khi chúng ta quay trở lại với Thiên Chúa là Đấng vẫn tiếp tục nhẫn nại để chăm sóc thụ tạo của Người, đang khi chúng ta lại thường ngược đãi (x. TĐ. Laudato si’, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta đặt niềm hy vọng nơi việc hòa giải: “Hãy giao hòa với Thiên Chúa” (2Cor 5,20). Bằng cách đón nhận ơn tha thứ trong bí tích vốn là trọng tâm quá trình hoán cải của chúng ta, đến lượt mình, chúng ta có thể lan truyền ơn tha thứ cho người khác. Một khi bản thân đã nhận được ơn tha thứ, chúng ta có thể trao tặng nó qua việc sẵn sàng đi vào cuộc trò chuyện ân cần với người khác và an ủi những người đang trải qua nỗi buồn đau. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng được trao ban qua lời nói và hành động của chúng ta, có thể giúp chúng ta trải nghiệm ngày Phục sinh của tình huynh đệ.

Trong Mùa Chay, ước mong chúng ta chú ý hơn để “nói những lời tích cực để vỗ về, trợ lực, an ủi và khích lệ chứ không nói những lời miệt thị, bi quan, khích bác hoặc chê bai” (Fratelli Tutti, 223). Đôi khi để trao tặng niềm hy vọng, chỉ cần là một người tử tế, “sẵn sàng bỏ qua những bận tâm và việc cần làm ngay của mình để lưu tâm đến người khác, để trao tặng một nụ cười, để nói một lời động viên, để lắng nghe giữa một nơi chốn đầy vẻ dửng dưng (nt., 224).

Qua việc tĩnh tâm và thinh lặng cầu nguyện, chúng ta được ban cho có niềm hy vọng như sự cảm hứng và ánh sáng nội tâm, soi sáng những thử thách và những chọn lựa trong sứ vụ của mình. Vì thế, tĩnh tâm cốt yếu là để cầu nguyện (x. Mt 6,6) và để gặp gỡ, trong nơi kín ẩn, Thiên Chúa Cha đầy nhân ái dịu dàng.

Sống Mùa Chay trong niềm hy vọng có nghĩa là ý thức rằng, trong Chúa Giêsu Kitô, chúng ta là những chứng nhân của thời đại mới, nơi mà Thiên Chúa “đổi mới mọi sự” (x. Kh 21,5). Nghĩa là đón nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã trao ban sự sống của Người trên thánh giá và được Thiên Chúa cho trỗi dậy vào ngày thứ ba, đồng thời “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3, 15).

3. Theo bước Chúa Kitô, trong việc quan tâm và động lòng thương mọi người, tình yêu là biểu hiện cao nhất của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta.

Tình yêu vui mừng khi thấy người khác lớn lên. Vì vậy nó đau khổ khi người khác đau khổ, cô đơn, bệnh tật, vô gia cư, bị khinh thường hoặc thiếu thốn. Tình yêu là bước nhảy vọt của con tim, đưa chúng ta ra khỏi chính mình và tạo nên mối liên kết chia sẻ và hiệp thông.

“Tình yêu thương mang tính xã hội giúp chúng ta có khả năng tiến tới nền văn minh tình yêu, mà mọi người chúng ta đều cảm nhận mình được kêu gọi đến. Lòng bác ái, nhờ sức năng động phổ quát, có khả năng xây dựng một thế giới mới . Bác ái không đơn thuần là tình cảm, nhưng là phương thế tốt nhất để khám phá những con đường phát triển hữu hiệu đối với mọi người” (Fratelli Tutti, 183).

Tình yêu là món quà mang lại ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhìn những người thiếu thốn như những thành viên trong gia đình mình, như bạn hữu, như anh chị em. Một số lượng ít ỏi, nếu được trao ban bằng tình yêu, sẽ không bao giờ cạn nhưng trở nên nguồn sống và hạnh phúc. Như trường hợp bình dầu và hũ bột của bà góa thành Xarépta, người đã tặng chiếc bánh cho tiên tri Êlia (x. 1V 17,7-16); đó cũng là trường hợp những chiếc bánh được Chúa Giêsu chúc lành, bẻ ra rồi trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông (x. Mc 6,30-44). Cũng xảy ra như thế qua những chia sẻ dù ít hay nhiều của chúng ta, khi được trao tặng với niềm vui và sự đơn thành.

Sống Mùa Chay với tình yêu nghĩa là quan tâm tới những người đau khổ hay cảm thấy bị bỏ rơi và sợ hãi vì đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tương lai vô cùng bất ổn, hãy ghi nhớ lời Chúa nói với tôi tớ Người: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về” (Is 43,1) để với tình bác ái, chúng ta biết trao tặng những lời nói làm vững dạ an lòng và giúp người khác nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con.

“Chỉ có cái nhìn được tình bác ái biến đổi mới có thể giúp chúng ta nhận ra phẩm giá của người khác, và từ đó người nghèo được nhìn nhận, phẩm giá, bản sắc và văn hóa của họ được tôn trọng và do đó được thực sự hòa nhập vào xã hội” (Fratelli Tutti, 187).

Anh chị em thân mến! Mỗi giây phút của cuộc đời đều là thời gian để chúng ta tin tưởng, hy vọng và yêu thương. Lời kêu gọi sống Mùa Chay như hành trình hoán cải, cầu nguyện và chia sẻ của cải, giúp cho niềm tin đến từ Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng được cảm hứng do hơi thở của Chúa Thánh Thần và tình yêu chảy tràn từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha được sống động trở lại nơi cộng đồng và cá nhân mỗi người chúng ta.

Nguyện xin Đức Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế và cũng là Mẹ các tín hữu, đứng dưới chân thánh giá và ở trong lòng Giáo Hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Mẹ. Nguyện xin phúc lành của Chúa Phục Sinh đồng hành với chúng ta trong hành trình hướng về ánh sáng Phục Sinh.

Rôma, Đền thờ Thánh Latêranô, ngày 11 tháng 11 năm 2020, Lễ nhớ Thánh Mactinô thành Tua.

Đức Thánh Cha Phanxicô

Tải về file word Sứ điệp Mùa Chay 2021 tại đây!
 
(WGPSG)

12 CÂU KINH THÁNH TRUYỀN CẢM HỨNG CHO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN


12 CÂU KINH THÁNH TRUYỀN CẢM HỨNG 
CHO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN

Tác giả: Cerrito Gardiner
Chuyển ngữ: G. Võ Tá Hoàng
Từ: aleteia.org (9.2.2021)


WGPQN (11.2.2021)  - Niềm vui trong đời sống hôn nhân với những câu trích dẫn từ Kinh Thánh.

Tuần này đánh dấu tuần lễ Quốc tế Hôn nhân gia đình. Đây là cơ hội hoàn hảo để các đôi vợ chồng suy gẫm về cuộc hôn nhân của họ và suy tư về vẻ đẹp của bí tích mà họ đang trải qua. Để mang đến cho các đôi vợ chồng ở mọi lứa tuổi một chút cảm hứng, dưới đây là một số tư tưởng lấy từ Kinh Thán
h.

1. “Tìm được vợ hiền là tìm thấy hạnh phúc, và nhận được ơn ĐỨC CHÚA ban cho” (Cn 18,22)

2. “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7)

3. “Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4,12)

4. “Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Ki-tô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người” (Ep 5,28-30)

5. “Ngay từ buổi sớm mai, xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa, vì con vẫn tin cậy nơi Ngài. Xin chỉ dạy đường lối phải theo, vì con nâng tâm hồn lên cùng Chúa” (Tv 143,8)

6. “Cửa nhà, tài sản là gia nghiệp của cha ông, còn người vợ khôn ngoan là do ĐỨC CHÚA” (Cn 19,14)

7. “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5,25)

8. “Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt” (Dt 10,24)

9. “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2)

10. “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8)

11. “Vì thế, anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm” (1Tx 5,11)

12. “Một mình dễ bị tấn công, có hai người, ắt sẽ đương đầu nổi; dây chập ba đâu dễ gì đứt?” (Gv 4,12)

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 14.02.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU MỒNG 3 TẾT TÂN SỬU 2021. THÁNH HOÁ CÔNG ĂN VIỆC LÀM.

Bắt đầu lúc 17g30 Chúa Nhật, ngày 14.02.2021