Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 9 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Năm, ngày 05.6.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THƯ KÊU GỌI TINH THẦN LIÊN ĐỚI VÀ TƯƠNG THÂN ĐỂ PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH

 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HUẾ
Số 6 Nguyễn Trường Tộ, Tp. Huế
Sđt: (+84) 913.373.516
Email: ttgmhue@gmail.com

Huế, ngày 02/06/2021

THƯ KÊU GỌI TINH THẦN LIÊN ĐỚI 
VÀ TƯƠNG THÂN ĐỂ PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH

KÍNH GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA VIỆT NAM
_________

Anh chị em thân mến,

Đại dịch Covid-19 làm thế giới điên đảo và đang tái phát hung hãn tại Việt nam cũng như một số nước trong khu vực. Làm thế nào để đối phó hiệu quả đối với đợt tấn công mới này?

Liên hiệp quốc, Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO), lãnh đạo các quốc gia và tôn giáo đều cho rằng bí quyết hiệu quả nhất là tình liên đới. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định : “Có thể khắc phục được đại dịch... Nhưng chúng ta chỉ có thể thành công nếu chúng ta đoàn kết với nhau” (Gặp gỡ trực tuyến với Hội đồng Giám mục Brasil ngày 12-16/04/2021). Thủ Tướng Anh, Boris Johnson, ngày 31/05/2021, cũng tuyên bố rằng để loại trừ Covid-19, cần phải huy động toàn lực để chích ngừa toàn cầu trong năm 2022.

Trong tinh thần đó, nhân danh quý Đức Hồng Y và quý Đức Cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi kêu gọi giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân, trong nước cũng như hải ngoại, hãy mau mắn vào cuộc, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch.

Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm.

Hãy vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sỹ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa: “Ai đón tiếp anh em mình là đón tiếp chính Ta… Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một bát nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Ta, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 40-42).

Nghèo như Việt Nam mà không biết tập trung sức mạnh để ngăn chặn thì chắc chắn đại dịch sẽ trở thành thảm hoạ vô phương cứu chữa. Không đủ tài chánh để lo cho mỗi người một suất Vaccine chích ngừa, làm sao và đến bao giờ ta mới ngăn chặn được đà lây lan của Covid-19 ?

Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 26/05/2021, đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine và kêu gọi mọi thành phần xã hội tham gia đóng góp (http://https//thutuong.chinhphu.vn/chi-dao/thanh-lap-quy-vaccine-phong-covid19-20165.html). Đây là một chủ trương hợp tình hợp lý và đúng lúc, rất xứng đáng để mọi người hưởng ứng, vận động và ủng hộ với hết khả năng.

Tính đến hôm nay, 02/06/2021, có đến 22 tỉnh, 68 quận huyện đã bị lây nhiễm. Theo các chuyên gia, con số có thể gia tăng nhanh trong những ngày tới đây, nhất là khi các nước lân bang như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào… đang lâm nguy mất kiểm soát. Nguy cơ vỡ trận có thể đe doạ Việt Nam, nếu chúng ta không huy động toàn lực và toàn dân để ngăn chặn.

Điều sơ đẳng nhất cần phải làm ngay là tuân thủ triệt để châm ngôn 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo) và quy định phòng chống của các cơ quan chức năng xã hội (Ban Chỉ đạo Quốc Gia phòng chống Covid-19, Bộ Y Tế, chính quyền các cấp).

Theo thông báo của Ban Tôn Giáo Chính phủ (công văn 657/TGCP-CG, ký ngày 31/05/2021, V/v tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19), tất cả các giáo phận Công giáo, dù có ca lây nhiễm cộng đồng hay chưa, đều phải “tạm dừng mọi hoạt động và sinh hoạt tôn giáo”. Tình hình mỗi nơi mỗi khác, cần có sự hướng dẫn cụ thể phù hợp. Xin anh chị em theo dõi để thực hiện chỉ thị của các đấng bản quyền giáo phận.

Anh chị em thân mến,

Để tôn vinh Thánh Cả Giuse trong năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Trái Tim Người Cha” : “Thánh Giuse được kêu cầu như đấng che chở cho người bất hạnh, túng thiếu, lưu đày, đau khổ và hấp hối”. Đó là bí quyết cuộc đời của vị Thánh vĩ đại này : “Tìm thấy hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến”. Đó cũng chính là niềm hy vọng và phần thưởng dành cho chúng ta trong cuộc chiến loại trừ virut quái ác ra khỏi thế giới. Anh chị em hãy tin rằng Thánh Cả Giuse sẽ phù hộ cho chúng ta.

Thân ái trong Chúa Kitô,

Đã ký

+ Giuse Nguyễn chí Linh
 
Tổng Giám mục Huế
Chủ tịch Hội đồng Giám mục
 (WHĐ)

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 9 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 01.6.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon


TÒA TỔNG GIÁM MỤC SAIGON: THƯ MỤC VỤ TRONG HOÀN CẢNH GIÃN CÁCH XÃ HỘI, 31.5.2021

 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 31-5-2021
Kính gửi quí cha trong Tổng Giáo phận

Quí cha thân mến,

Bắt đầu từ hôm nay, 31-5-2021, theo Thông báo của UBND TP, chúng ta lại thực hiện giãn cách xã hội và "dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự", trong hai tuần, cho đến khi có thông báo mới.

Trước tình hình hiện nay, tôi kính gửi tới quí cha một số hướng dẫn cụ thể như sau: 

1. Thánh lễ là cuộc cử hành hy tế của Chúa Giêsu, nhờ đó Giáo hội cầu xin Thiên Chúa ban bình an và ơn cứu độ cho toàn thế giới. Vì thế, quí cha vẫn cần cử hành thánh lễ mỗi ngày, nhưng chỉ dâng lễ âm thầm một mình, không có giáo dân tham dự. 
 
Trong thời gian vừa qua, mặc dù đã có thông báo từ các vị hữu trách trong xã hội và trong Giáo hội, một vài nơi vẫn tập trung đông người. Giả sử tình trạng lây nhiễm virus đã phát sinh từ các cộng đoàn này, -một điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu, ngoài tầm kiểm soát của chúng ta-, thì trách nhiệm của quí cha, của giáo xứ, dòng tu, và của Tổng giáo phận sẽ lớn lao như thế nào. Đó là chưa nói đến sự hiệp thông và vâng phục trong Giáo hội, và cả uy tín của tập thể Giáo hội Công giáo nữa. Việc ngưng thánh lễ cộng đồng trong thời gian đại dịch phát xuất từ lương tâm và ý thức trách nhiệm đối với sự sống của cộng đồng, và từ đòi hỏi của đức bác ái Kitô giáo.

Thánh lễ là nguồn mạch, là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Giáo hội, chứ không phải là hoạt động duy nhất. Linh mục có rất nhiều hoạt động mục vụ phải làm chứ không phải chỉ có thánh lễ. Quí cha hãy tập cho các tín hữu sống đức tin trong mọi hoàn cảnh: cầu nguyện với Lời Chúa, chầu Thánh Thể cá nhân, lần hạt Mân Côi, lần hạt Lòng Chúa Thương Xót,… Đôi khi ngưng thánh lễ trong thời gian ngắn cũng tốt, vì nhờ đó các tín hữu khao khát Thánh Thể hơn, để sau này khi được dự lễ, sẽ tham dự cách ý thức hơn. 

2. Không biết chừng nào đại dịch sẽ chấm dứt. Việc bùng phát lây lan virus trong cộng đồng có thể còn lặp lại nhiều lần. Thời gian kéo dài sẽ làm cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn, không những về kinh tế mà còn cả về tinh thần, trong đời sống gia đình cũng như xã hội.

Là mục tử, chúng ta cần có sự bén nhạy trước tình hình thực tế để tìm ra các phương thế trợ giúp hữu hiệu trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Hơn ai hết, trái tim của mục tử phải “biết đoàn chiên”, rung cảm và thấu hiểu hoàn cảnh của người dân, có óc sáng tạo để tìm ra phương cách nâng đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu chắc hẳn đã và sẽ còn nhiều sáng kiến mục vụ để thực thi tình liên đới một cách hiệu quả. Quí cha là những người đầu tàu, những thuyền trưởng, hãy đứng lên huy động và nối kết những trái tim và các bàn tay. 

3. Không phải chỉ có giáo dân, mà ngay cả chúng ta, các linh mục, cũng một cách nào đó đang chịu tác động bởi cơn khủng hoảng hiện nay. Trong nhịp sống bình thường, các sinh hoạt mục vụ lấp đầy thời khóa biểu của linh mục. Bỗng dưng việc giãn cách xã hội làm cho chúng ta rơi vào khoảng không hụt hẫng. Chúng ta đừng quên rằng buồn chán, thất vọng, trầm cảm, buông xuôi, chính là loại virus độc hại có khả năng giết chết tâm hồn con người.

Quí cha hãy sử dụng thời gian giãn cách xã hội này như một cơ hội quí báu để canh tân đời sống nội tâm, tựa như một cuộc tĩnh tâm dài ngày tại nhà: dành nhiều thời gian để sống bên Chúa Giêsu Thánh Thể, dâng thánh lễ sốt sắng hơn, đọc Giờ kinh Phụng vụ nghiêm trang hơn, nguyện gẫm lâu giờ hơn, xét mình về lối sống, về tính tình cũng như về các hoạt động mục vụ, đọc một quyển sách, xem một cuốn phim hay… Trong những ngày này, chúng ta không thể nói là không có giờ.

Việc phục vụ cộng đoàn vẫn tiếp tục nhưng bằng một hình thức khác: nhớ tới từng cá nhân hay từng gia đình trong giáo xứ và cầu nguyện cho họ, nhất là những cá nhân hay gia đình đang gặp khó khăn. Phục vụ cộng đoàn bằng cách cầu nguyện để nài xin ân sủng cho Dân Chúa chắc chắn còn hữu hiệu hơn các hoạt động với khả năng của con người.
 
4. Trong những ngày qua, các cơ quan ngôn luận đang hướng về các thành viên của Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng như là người chịu trách nhiệm trong việc lây lan virus cho người dân thành phố. Thật ra các anh chị em tín hữu này cũng chỉ là nạn nhân của virus thôi. Trong cơn đại dịch, tất cả chúng ta đều liên đới và đồng trách nhiệm. Khi việc lây lan virus được qui trách nhiệm cho một sinh hoạt tôn giáo, chúng ta đừng quên rằng phạm trù tôn giáo bao hàm cả chúng ta. Vì thế, xin quí cha và anh chị em tín hữu Công giáo luôn sống tinh thần công bằng và bác ái, không dùng ngôn từ hoặc có thái độ kết án, trái lại, hãy cảm thông chia sẻ và cùng cầu nguyện, và hãy kiểm điểm lại các sinh hoạt của chính mình.

Quí cha rất thân mến,

Chúng ta đang sống trong giai đoạn “bình thường mới”: sinh hoạt bình thường nhưng lại phải cảnh giác thận trọng; ngược lại, đề phòng nhưng vẫn phải sinh hoạt để phát triển cuộc sống. Bình thường rồi lại giãn cách, sau đó lại bình thường. Qua những bất ổn và khó khăn của nhân loại, Thiên Chúa đang từng bước đổi mới thế giới. Chúa cũng đang huấn luyện chúng ta thành những mục tử của thời đại mới. Nguyện xin Chúa Thánh Thần “yên ủi dạy dỗ chúng ta làm những việc lành”, như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Chúa Thánh Thần sẽ nói lại cho anh em tất cả những gì Ngài đã nghe, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16, 13).

Kính chúc quí cha bình an và đầy tràn sức sống của Chúa để có khả năng thắp lên niềm vui và hy vọng cho Dân Chúa cũng như cho những người mà chúng ta gặp gỡ. Xin quí cha cũng cầu nguyện cho tôi.

Thân mến trong Chúa Giêsu Mục tử.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục
 

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 31.5.2021


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 30.5.2021


TRUYỆN NGẮN: TÌNH YÊU RỰC NẮNG

TRUYỆN NGẮN: TÌNH YÊU RỰC NẮNG

TGPSG -- Sao nó có thể làm dâu, làm vợ, làm mẹ, mà trước đó chỉ miệt mài chăn trâu?...

Ở vùng quê miệt sông nước này, mấy cô gái nhỏ nhứt nhà thường được đặt tên là Út. Đặc biệt là nhà chú Tư ròm, sau hai con trai thì tới một gái, bèn đặt tên ngay là Út vì tưởng hết đẻ rồi. Ai dè mỗi năm vẫn còn sinh thêm một cô con gái; nên mới có Út Nữa, Út Thôi và sau cùng là Út Hết!

Nghe nói lúc sáu đứa con còn nhỏ, nhà chú Tư đông con mà chỉ có hai công ruộng nên chỉ có thể lo cái ăn từng bữa. Cái đói như chực chờ trước cửa nhà hàng ngày. Sau hè nhà chú có bụi chuối già mà không bao giờ được ăn trái chín; buồng chuối vừa đủ lớn là đốn xuống đem luộc cho các con ăn. Thường ngày thím Tư nấu một nồi cháo cho cả nhà, cơm rất hiếm khi được ăn. Sáng ra, mấy đứa nhỏ chạy vòng quanh các rẫy rau trái trong làng, nơi nào thu hoạch xong cho vô mót là ùa vô ngay. Rau trái gì mót được liền chùi vô áo cho bớt đất rồi bỏ vô miệng nhai rau ráu, ngay cả khoai lang cũng vậy, được củ nào là ăn củ nấy, vậy mà không bị đau bụng. Người ta nói mấy đứa nhỏ này được 'Trời thương'.

Một năm chỉ có ba tháng nước nổi là chú Tư đỡ khổ hơn cả vì chú có tài 'sát cá'. Khi nước bắt đầu rút từ trong ruộng ra, tối chú đặt một cái hũ sành ngay đường nước, sáng ra được cả chục ký cá rô mề, con nào con nấy tròn ú, lớn gần bằng bàn tay. Ngoài ra, chú còn đặt dớn và ống trúm. Tiền kiếm được vào khoảng thời gian này, gia đình chú xài nhín nhín cũng kéo được hơn nửa năm. Dù cá lớn nhiều thế nào chú cũng đem bán hết, chỉ để lại những con cá vụn vằn kho quẹt cho cả nhà ăn.

Còn thím Tư chèo xuồng đi hái bông điên điển, sáng sớm đem ra chợ bán cũng được chút ít tiền chợ. Có lần thím Tư đi chợ về gần tới nhà, trong lúc bước gấp gáp thím đạp mạnh chiếc guốc gỗ lên mình một con rắn hổ trâu đang nằm trong bụi rậm. Thím hoảng hốt, miệng la thất thanh mà hai chưn cứ nhảy tưng tưng trên mình con rắn, nó bị gảy xương sống từ cái đạp mạnh đầu tiên nên không cựa quậy gì được. Khi chú Tư chạy tới thì cái đầu con rắn đã dẹp lép. Thím và mấy đứa nhỏ cứ nhắc hoài bữa 'đại tiệc' cháu rắn đậu xanh ăn 'ngon quên chết'.

Bây giờ con cái lớn rồi nên chú thím dễ thở một chút. Cả gia đình sáng sớm chia nhau đi làm mướn cho các nhà có nhiều đất. Gia tài đáng giá nhứt của chú Tư là con trâu Mun đi cày ruộng mướn. Con Mun này hay trở chứng bất tử, chỉ có Út Hết là trị được, nên chú Tư giao cho nó chăm sóc. Sáng sáng khi cả nhà đi làm rồi thì Út Hết mới thức dậy, ăn vội miếng cơm nguội rồi phóng lên lưng trâu tìm đến nơi có nhiều cỏ xanh thả cho trâu ăn, chiều hoặc mờ tối mới về nhà. Mỗi lần nghe tiếng nghêu ngao: "Ngồi mình trâu em vặn tai trâu và em nắm đuôi trâu" là chú Tư nói "Út Hết về tới rồi bà ơi!" Ba tháng nước lên, trâu phải gởi nhà người chú ở vùng cao, Út Hết được cho ra chợ ở với người dì.

Theo trâu ngày này qua tháng nọ nên tóc của Út Hết đỏ chạch như râu bắp (xưa gọi là 'như quỷ' giờ là 'như Mỹ'); còn da thì nhuộm nắng suốt ngày, lúc đầu rám nắng, sau dần dần đen nhẻm như da con Mun; người ốm nhom ốm nhách, cao lêu khêu. Mấy bà gặt lúa trên đồng gặp Út Hết cưỡi trâu đi ngang thì chọc ghẹo: "Đi chăn trâu riết coi chừng ế chồng nha mậy! Con gái mà cưỡi trâu sẽ bị chai… hết đó!" Út Hết đã 16 tuổi rồi mà tánh vô tư, ai chọc gì cũng không giận mà còn hát lớn: "Ai bảo chăn trâu là khổ. Chăn trâu sướng lắm chứ..."

Vậy mà cuối năm đó, một bà mối đến làm mai con trai nhà bán nông cụ ở chợ cho Út Hết. Thời cuối thập niên 70, làng quê này vẫn còn cưới hỏi qua mai mối. Tin tức truyền đi rất nhanh, người nói tốt cũng có, người ác miệng cũng không thiếu. Có người dèm pha: "Bộ hết con gái rồi sao mà lại đi cưới… ‘gái trâu’ vậy?" hoặc "Út Hết tối ngày chăn trâu có biết gì đâu, làm vợ ‘ba bảy hăm mốt ngày’ sẽ bị nhà chồng đuổi về thôi!"

Đầu năm 18 tuổi, Út Hết theo chồng về chợ. Trong chiếc áo dài cưới, cộng với một chút phấn son, Út Hết nhìn cũng ra dáng dịu dàng nữ tính. Lần đầu tiên, Út Hết biết khóc khi chia tay chú thím Tư; nước mắt làm lem luốc lớp phấn trắng. Thím Tư chỉ dặn con một câu "Hãy coi ba má chồng như tía má nhé!"

Tết năm sau, Út Hết về thăm nhà, trên tay ẵm thằng bé kháu khỉnh. Năm sau nữa, thằng anh chạy lon ton, còn em gái nó được mẹ bồng trên tay. Út Hết bắt đầu ‘phổng phao’ hơn, trắng da, dài tóc, có vẻ xinh ra, không còn đen nhẻm vì phơi nắng suốt ngày như thuở còn chăn trâu. Mà ánh mắt thì vẫn cứ rực sáng màu nắng của thôn nữ miệt vườn. Ai cũng thắc mắc sao con bé chăn trâu này thay đổi nhanh vậy, mà vẫn sinh động như thuở nào mới ‘chết’ chứ! Sao nó có thể làm dâu, làm vợ, làm mẹ, mà trước đó chỉ miệt mài chăn trâu?

Thật ra, Út Hết đã được chuẩn bị cho cuộc sống gia đình từ từ, hết năm này qua tháng nọ. Trước nhất là được luyện trong một cái lò đặc biệt: gia đình nghèo mà luôn vui vẻ hòa thuận. Chú thím Tư luôn dạy con biết sợ Chúa, không làm điều xấu, không tham lam của người khác. Mỗi năm ba tháng ở nhà người dì, Út học làm được nhiều món ngon vì nhà dì hay làm đám giỗ. Út có thể làm viên xôi nước có ba màu: xanh lá dứa, tím lá cẩm và đỏ cà rốt. Bánh tét thay vì nếp có màu xanh và nhân mỡ thì Út làm nếp màu tím và nhân thịt nạc với lòng đỏ vịt muối vv...

Tuy Út thanh mảnh, nhưng dẻo dai, hay lam hay làm, và biết vâng lời nên rất được lòng nhà chồng. Cách ăn nói cũng lễ phép, không cộc lốc. Vào bếp cũng được, ra buôn bán cũng giỏi, nên ai cũng thương. Đặc biệt là luôn tràn trề sức sống, như nắng ấm chói rực trong nhà chồng. Chồng Út là con trai một, được cưng chiều nên ham vui, chỉ cưới vợ theo ý ba má. Sau này, thấy vợ giỏi giang, linh hoạt, vui tươi, quan tâm đến mọi người trong nhà, má cậu lại nói khích vào, nên chồng Út bắt đầu 'cạnh tranh' làm việc với vợ.

Mỗi lần Út Hết về thăm nhà, chú Tư hay chọc con gái:

- Mày đi cả năm mới về một lần, không nhớ con Mun sao? Hồi đó lúc người ta muốn bỏ trầu cau, mày vùng vằng nói: 'Tía ưng thì tía làm đám cưới đi, tui không bỏ con Mun đâu'…

Út Hết cười vui:

- Tía ơi, bây giờ con phải lo cho hai ‘con nghé’ và chăm cho ‘ảnh’ nữa, không có giờ để 'vặn tai trâu và nắm đuôi Mun' nữa đâu!

Vâng, tình yêu chăm chút nơi cô Út ‘rực nắng’ này mới kỳ diệu làm sao!

Tóc Ngắn (TGPSG) - Nhịp Sống Tin Mừng 2.2018
 (WGPSG)