Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ NĂM B (Mc 14,12-16.22-26)


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 05.6.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BẢY TUẦN 9 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Năm, ngày 05.6.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.


HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: THƯ KÊU GỌI TINH THẦN LIÊN ĐỚI VÀ TƯƠNG THÂN ĐỂ PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH

 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HUẾ
Số 6 Nguyễn Trường Tộ, Tp. Huế
Sđt: (+84) 913.373.516
Email: ttgmhue@gmail.com

Huế, ngày 02/06/2021

THƯ KÊU GỌI TINH THẦN LIÊN ĐỚI 
VÀ TƯƠNG THÂN ĐỂ PHÒNG CHỐNG ĐẠI DỊCH

KÍNH GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA VIỆT NAM
_________

Anh chị em thân mến,

Đại dịch Covid-19 làm thế giới điên đảo và đang tái phát hung hãn tại Việt nam cũng như một số nước trong khu vực. Làm thế nào để đối phó hiệu quả đối với đợt tấn công mới này?

Liên hiệp quốc, Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO), lãnh đạo các quốc gia và tôn giáo đều cho rằng bí quyết hiệu quả nhất là tình liên đới. Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định : “Có thể khắc phục được đại dịch... Nhưng chúng ta chỉ có thể thành công nếu chúng ta đoàn kết với nhau” (Gặp gỡ trực tuyến với Hội đồng Giám mục Brasil ngày 12-16/04/2021). Thủ Tướng Anh, Boris Johnson, ngày 31/05/2021, cũng tuyên bố rằng để loại trừ Covid-19, cần phải huy động toàn lực để chích ngừa toàn cầu trong năm 2022.

Trong tinh thần đó, nhân danh quý Đức Hồng Y và quý Đức Cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam, tôi kêu gọi giáo sỹ, tu sỹ, giáo dân, trong nước cũng như hải ngoại, hãy mau mắn vào cuộc, chung tay góp sức, san sẻ công việc với mọi thành phần xã hội và Giáo hội trong công cuộc phòng chống đại dịch.

Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm.

Hãy vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sỹ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa: “Ai đón tiếp anh em mình là đón tiếp chính Ta… Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một bát nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Ta, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10, 40-42).

Nghèo như Việt Nam mà không biết tập trung sức mạnh để ngăn chặn thì chắc chắn đại dịch sẽ trở thành thảm hoạ vô phương cứu chữa. Không đủ tài chánh để lo cho mỗi người một suất Vaccine chích ngừa, làm sao và đến bao giờ ta mới ngăn chặn được đà lây lan của Covid-19 ?

Thủ Tướng Chính Phủ, ngày 26/05/2021, đã quyết định thành lập Quỹ Vaccine và kêu gọi mọi thành phần xã hội tham gia đóng góp (http://https//thutuong.chinhphu.vn/chi-dao/thanh-lap-quy-vaccine-phong-covid19-20165.html). Đây là một chủ trương hợp tình hợp lý và đúng lúc, rất xứng đáng để mọi người hưởng ứng, vận động và ủng hộ với hết khả năng.

Tính đến hôm nay, 02/06/2021, có đến 22 tỉnh, 68 quận huyện đã bị lây nhiễm. Theo các chuyên gia, con số có thể gia tăng nhanh trong những ngày tới đây, nhất là khi các nước lân bang như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào… đang lâm nguy mất kiểm soát. Nguy cơ vỡ trận có thể đe doạ Việt Nam, nếu chúng ta không huy động toàn lực và toàn dân để ngăn chặn.

Điều sơ đẳng nhất cần phải làm ngay là tuân thủ triệt để châm ngôn 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung, Khai báo) và quy định phòng chống của các cơ quan chức năng xã hội (Ban Chỉ đạo Quốc Gia phòng chống Covid-19, Bộ Y Tế, chính quyền các cấp).

Theo thông báo của Ban Tôn Giáo Chính phủ (công văn 657/TGCP-CG, ký ngày 31/05/2021, V/v tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19), tất cả các giáo phận Công giáo, dù có ca lây nhiễm cộng đồng hay chưa, đều phải “tạm dừng mọi hoạt động và sinh hoạt tôn giáo”. Tình hình mỗi nơi mỗi khác, cần có sự hướng dẫn cụ thể phù hợp. Xin anh chị em theo dõi để thực hiện chỉ thị của các đấng bản quyền giáo phận.

Anh chị em thân mến,

Để tôn vinh Thánh Cả Giuse trong năm 2021, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Tông huấn “Trái Tim Người Cha” : “Thánh Giuse được kêu cầu như đấng che chở cho người bất hạnh, túng thiếu, lưu đày, đau khổ và hấp hối”. Đó là bí quyết cuộc đời của vị Thánh vĩ đại này : “Tìm thấy hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến”. Đó cũng chính là niềm hy vọng và phần thưởng dành cho chúng ta trong cuộc chiến loại trừ virut quái ác ra khỏi thế giới. Anh chị em hãy tin rằng Thánh Cả Giuse sẽ phù hộ cho chúng ta.

Thân ái trong Chúa Kitô,

Đã ký

+ Giuse Nguyễn chí Linh
 
Tổng Giám mục Huế
Chủ tịch Hội đồng Giám mục
 (WHĐ)

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 9 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 01.6.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon


TÒA TỔNG GIÁM MỤC SAIGON: THƯ MỤC VỤ TRONG HOÀN CẢNH GIÃN CÁCH XÃ HỘI, 31.5.2021

 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com

Ngày 31-5-2021
Kính gửi quí cha trong Tổng Giáo phận

Quí cha thân mến,

Bắt đầu từ hôm nay, 31-5-2021, theo Thông báo của UBND TP, chúng ta lại thực hiện giãn cách xã hội và "dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự", trong hai tuần, cho đến khi có thông báo mới.

Trước tình hình hiện nay, tôi kính gửi tới quí cha một số hướng dẫn cụ thể như sau: 

1. Thánh lễ là cuộc cử hành hy tế của Chúa Giêsu, nhờ đó Giáo hội cầu xin Thiên Chúa ban bình an và ơn cứu độ cho toàn thế giới. Vì thế, quí cha vẫn cần cử hành thánh lễ mỗi ngày, nhưng chỉ dâng lễ âm thầm một mình, không có giáo dân tham dự. 
 
Trong thời gian vừa qua, mặc dù đã có thông báo từ các vị hữu trách trong xã hội và trong Giáo hội, một vài nơi vẫn tập trung đông người. Giả sử tình trạng lây nhiễm virus đã phát sinh từ các cộng đoàn này, -một điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu, ngoài tầm kiểm soát của chúng ta-, thì trách nhiệm của quí cha, của giáo xứ, dòng tu, và của Tổng giáo phận sẽ lớn lao như thế nào. Đó là chưa nói đến sự hiệp thông và vâng phục trong Giáo hội, và cả uy tín của tập thể Giáo hội Công giáo nữa. Việc ngưng thánh lễ cộng đồng trong thời gian đại dịch phát xuất từ lương tâm và ý thức trách nhiệm đối với sự sống của cộng đồng, và từ đòi hỏi của đức bác ái Kitô giáo.

Thánh lễ là nguồn mạch, là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Giáo hội, chứ không phải là hoạt động duy nhất. Linh mục có rất nhiều hoạt động mục vụ phải làm chứ không phải chỉ có thánh lễ. Quí cha hãy tập cho các tín hữu sống đức tin trong mọi hoàn cảnh: cầu nguyện với Lời Chúa, chầu Thánh Thể cá nhân, lần hạt Mân Côi, lần hạt Lòng Chúa Thương Xót,… Đôi khi ngưng thánh lễ trong thời gian ngắn cũng tốt, vì nhờ đó các tín hữu khao khát Thánh Thể hơn, để sau này khi được dự lễ, sẽ tham dự cách ý thức hơn. 

2. Không biết chừng nào đại dịch sẽ chấm dứt. Việc bùng phát lây lan virus trong cộng đồng có thể còn lặp lại nhiều lần. Thời gian kéo dài sẽ làm cho cuộc sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn, không những về kinh tế mà còn cả về tinh thần, trong đời sống gia đình cũng như xã hội.

Là mục tử, chúng ta cần có sự bén nhạy trước tình hình thực tế để tìm ra các phương thế trợ giúp hữu hiệu trong hoàn cảnh và khả năng của mình. Hơn ai hết, trái tim của mục tử phải “biết đoàn chiên”, rung cảm và thấu hiểu hoàn cảnh của người dân, có óc sáng tạo để tìm ra phương cách nâng đỡ họ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các cộng đoàn giáo xứ và dòng tu chắc hẳn đã và sẽ còn nhiều sáng kiến mục vụ để thực thi tình liên đới một cách hiệu quả. Quí cha là những người đầu tàu, những thuyền trưởng, hãy đứng lên huy động và nối kết những trái tim và các bàn tay. 

3. Không phải chỉ có giáo dân, mà ngay cả chúng ta, các linh mục, cũng một cách nào đó đang chịu tác động bởi cơn khủng hoảng hiện nay. Trong nhịp sống bình thường, các sinh hoạt mục vụ lấp đầy thời khóa biểu của linh mục. Bỗng dưng việc giãn cách xã hội làm cho chúng ta rơi vào khoảng không hụt hẫng. Chúng ta đừng quên rằng buồn chán, thất vọng, trầm cảm, buông xuôi, chính là loại virus độc hại có khả năng giết chết tâm hồn con người.

Quí cha hãy sử dụng thời gian giãn cách xã hội này như một cơ hội quí báu để canh tân đời sống nội tâm, tựa như một cuộc tĩnh tâm dài ngày tại nhà: dành nhiều thời gian để sống bên Chúa Giêsu Thánh Thể, dâng thánh lễ sốt sắng hơn, đọc Giờ kinh Phụng vụ nghiêm trang hơn, nguyện gẫm lâu giờ hơn, xét mình về lối sống, về tính tình cũng như về các hoạt động mục vụ, đọc một quyển sách, xem một cuốn phim hay… Trong những ngày này, chúng ta không thể nói là không có giờ.

Việc phục vụ cộng đoàn vẫn tiếp tục nhưng bằng một hình thức khác: nhớ tới từng cá nhân hay từng gia đình trong giáo xứ và cầu nguyện cho họ, nhất là những cá nhân hay gia đình đang gặp khó khăn. Phục vụ cộng đoàn bằng cách cầu nguyện để nài xin ân sủng cho Dân Chúa chắc chắn còn hữu hiệu hơn các hoạt động với khả năng của con người.
 
4. Trong những ngày qua, các cơ quan ngôn luận đang hướng về các thành viên của Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng như là người chịu trách nhiệm trong việc lây lan virus cho người dân thành phố. Thật ra các anh chị em tín hữu này cũng chỉ là nạn nhân của virus thôi. Trong cơn đại dịch, tất cả chúng ta đều liên đới và đồng trách nhiệm. Khi việc lây lan virus được qui trách nhiệm cho một sinh hoạt tôn giáo, chúng ta đừng quên rằng phạm trù tôn giáo bao hàm cả chúng ta. Vì thế, xin quí cha và anh chị em tín hữu Công giáo luôn sống tinh thần công bằng và bác ái, không dùng ngôn từ hoặc có thái độ kết án, trái lại, hãy cảm thông chia sẻ và cùng cầu nguyện, và hãy kiểm điểm lại các sinh hoạt của chính mình.

Quí cha rất thân mến,

Chúng ta đang sống trong giai đoạn “bình thường mới”: sinh hoạt bình thường nhưng lại phải cảnh giác thận trọng; ngược lại, đề phòng nhưng vẫn phải sinh hoạt để phát triển cuộc sống. Bình thường rồi lại giãn cách, sau đó lại bình thường. Qua những bất ổn và khó khăn của nhân loại, Thiên Chúa đang từng bước đổi mới thế giới. Chúa cũng đang huấn luyện chúng ta thành những mục tử của thời đại mới. Nguyện xin Chúa Thánh Thần “yên ủi dạy dỗ chúng ta làm những việc lành”, như lời Chúa Giêsu đã hứa: “Chúa Thánh Thần sẽ nói lại cho anh em tất cả những gì Ngài đã nghe, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16, 13).

Kính chúc quí cha bình an và đầy tràn sức sống của Chúa để có khả năng thắp lên niềm vui và hy vọng cho Dân Chúa cũng như cho những người mà chúng ta gặp gỡ. Xin quí cha cũng cầu nguyện cho tôi.

Thân mến trong Chúa Giêsu Mục tử.

(đã ấn ký)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục
 

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 31.5.2021