Thứ Ba, 20 tháng 7, 2021

DÒNG ANH EM HÈN MỌN VIỆN TU: THỰC THI BÁC ÁI TRONG MÙA DỊCH

DÒNG ANH EM HÈN MỌN VIỆN TU: 
THỰC THI BÁC ÁI TRONG MÙA DỊCH

TGPSG -- Thành phố Thủ Đức đã quyết định phong tỏa, cách ly y tế nhiều phường trên địa bàn thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 từ 0g ngày 13-7-2021.


Đây cũng là khoảng thời gian mà người dân Sài Gòn và các vùng lân cận khốn khổ vì thiếu thực phẩm trầm trọng. Trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều diễn đàn với những lời “cầu cứu” rất thương tâm từ nhiều người, nhất là từ các anh chị em công nhân, người lao động nghèo trong các khu vực bị cách ly... Nhiều nơi đã thiếu thực phẩm trong vài tuần, nên họ cảm thấy mình như bị “lãng quên” ở thành phố đông dân này.

 

Trước tình hình ấy, nhiều "tâm hồn nhân ái" đã nhiệt tâm "cứu trợ", chia sẻ thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng như tiền bạc ở nhiều khu vực trong thành phố, nhưng dường như các hoạt động cứu trợ vẫn chưa thể đáp ứng đủ. Vì vậy, khi nhận được sự ủy thác của các Đấng Bề trên Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu, các Thầy khóa thần học tại cơ sở Tam Hà, Giáo hạt Thủ Đức, đã nhanh chóng chuẩn bị các phần quà nhu yếu phẩm để gởi đến các hoàn cảnh khó khăn.


Thầy Giuse Lê Vượng - phụ trách công việc Bác ái của Dòng - cho biết: "Khu vực nhà Dòng cũng bị chốt cách ly, nên để có thể chuyển quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn, các Thầy đã nhờ sự hỗ trợ của các tình nguyện viên. Các Thầy vận chuyển quà từ nhà Dòng ra chốt cách ly khoảng 60m, từ đây sẽ có xe và nhóm tình nguyện viên tiếp nhận và vận chuyển đến các hoàn cảnh cần hỗ trợ."

Thầy Giuse cho biết thêm: "Nếu không có sự liên kết của mọi người trong công tác này, các Thầy khó lòng thực hiện được công việc mà Bề Trên đã tin tưởng giao phó. Cảm ơn tinh thần thiện nguyện của mọi người và cầu chúc mọi người luôn được bình an. Trong Đức Kitô, chúng ta là huynh đệ của nhau."

 Minh Thể

(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 20.7.2021


Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 20.7.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TÒA TỔNG GIÁM MỤC SAIGON: THÔNG BÁO VỀ VIỆC PHÒNG CHỐNG DỊCH NGÀY 19.7.2021

 

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(84.28) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com
Số: 231.4_210719_02

THÔNG BÁO
V/v tích cực tham gia phòng chống dịch

Thừa lệnh Đức Tổng Giám mục Giuse, Văn phòng Tòa Tổng Giám mục xin thông báo đến quý cha và cộng đoàn Dân Chúa:
  1. Đại dịch Covid-19 đang trong tình trạng nguy cơ rất cao và phức tạp, đặc biệt tại thành phố của chúng ta. Vì thế đề nghị mọi người thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K, đặc biệt việc giãn cách gia đình với gia đình, để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng. Chúng ta thực hiện giãn cách càng nghiêm túc, sự lây lan càng mau dừng lại. Xin tất cả mọi người ý thức điều rất quan trọng này.
  2. Ngoài việc tương trợ chia sẻ lương thực hằng ngày cho các gia đình thiếu thốn khó khăn, Giáo hội Công giáo còn mong ước cộng tác vào lãnh vực y tế. Trong những ngày sắp tới, sẽ có 430 tu sĩ tình nguyện đến các bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 theo sự hướng dẫn của ngành y tế. Đây là một cơ hội rất tốt để các tu sĩ Công giáo thực thi sứ mạng của ơn gọi thánh hiến. Xin cầu nguyện cho các tu sĩ này cũng như cho tất cả các y, bác sĩ và các thiện nguyện viên y tế được bình an và có nhiều sức khỏe để phục vụ.

  3. Do virus rất dễ lây nhiễm, các linh mục không được vào bệnh viện cử hành bí tích xức dầu cho các bệnh nhân mắc Covid-19 hấp hối. Trong trường hợp bệnh nhân qua đời do Covid-19, chính quyền thành phố chấp thuận để các linh mục đến cử hành nghi thức cuối cùng cho người quá cố trước khi được hỏa táng. Đây là một việc tuy nhỏ nhưng đem lại niềm an ủi cho các tín hữu Công giáo. Tòa Tổng giám mục sẽ tổ chức một nhóm linh mục thay phiên nhau thi hành nhiệm vụ này. Giáo hội luôn đồng hành với anh chị em trong mọi biến cố cuộc đời, không chỉ qua lời cầu nguyện mà còn bằng sự hiện diện bên người quá cố trong giây phút cô đơn nhất vì thiếu vắng người thân yêu.
Xin quý cha và cộng đoàn Dân Chúa tiếp tục dâng hy sinh cùng lời cầu nguyện xin Chúa đoái thương toàn thể nhân loại trong cơn đại dịch này.

Tòa Tổng Giám mục, ngày 19 tháng 7 năm 2021
(đã ký)
Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
Chánh văn phòng
 (WHĐ)

THỬ BÀN VỀ MỘT SỐ MẶT TÍCH CỰC CỦA COVID ĐỐI VỚI KITÔ HỮU


THỬ BÀN VỀ MỘT SỐ MẶT TÍCH CỰC 
CỦA COVID ĐỐI VỚI KITÔ HỮU

Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (19.7.2021) - Bây giờ nói đến Covid-19, ai cũng rùng mình khiếp sợ. Không phải chỉ ở các nước nghèo đói, lạc hậu người ta mới sợ Covid, mà ngay cả các nước tiên tiến, giàu có, mọi người cũng rất hoang mang sợ hãi. Từ gần hai năm nay, Covid-19 đã trở thành đại dịch cho toàn nhân loại, đó là một thảm họa kinh hoàng đã đẩy toàn thế giới loài người rơi vào một cơn khủng hoảng chưa từng thấy. Xem ra bức tranh về Covid trên toàn cầu ngày càng đen tối và bi đát.

Ngày 15-7-2021 vừa qua, trên tờ VnExpress có bài viết tựa đề “Khi nào đại dịch Covid-19 chấm dứt?”, theo đó tác giả cho rằng cuộc chiến với kẻ thù vô hình Covid-19 có thể sẽ kéo dài, khi nhiều chuyên gia cảnh báo nCoV sẽ tiếp tục tồn tại bất chấp tiêm chủng.[1] Bài báo dẫn lời của tiến sĩ Vinod RMT Balasubramaniam, nhà virus học phân tử kiêm giảng viên cấp cao tại Trường Khoa học Y tế và Sức khỏe Jeffrey Cheah thuộc Đại học Monash, Malaysia nói rằng: “Với hàng triệu ca nhiễm trên toàn cầu, trong đó có nhiều ca nhiễm tăng mạnh ở những người tiêm vaccine, Covid-19 có thể sẽ là bệnh đặc hữu, cùng tồn tại với con người và tiếp tục lây lan bất chấp tiêm chủng. Theo tôi, nó sẽ trở thành một căn bệnh theo mùa như cúm.”

Bài báo trên cũng nhắc lại là, Covid-19 bắt đầu bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (TQ) vào cuối năm 2019. Tới đầu tháng 3-2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch và kêu gọi các quốc gia quyết liệt đối phó. Hơn một năm qua, Covid-19 đã lan tới hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 187 triệu ca nhiễm và hơn 4 triệu ca tử vong. Mặc dù đến nay, ở nhiều khu vực, số ca Covid-19 đã giảm mạnh so với lúc đỉnh điểm nhờ các biện pháp kiểm soát và tiêm vaccine, nhưng cuộc chiến chống lại kẻ thù vô hình của thế giới trong hơn một năm qua chưa thực sự thắng lợi. Nhiều chuyên gia y tế và chính phủ các nước tin rằng miễn dịch cộng đồng là con đường giúp thế giới thoát đại dịch.

Trong khi đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã đưa ra nhận định rằng: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng Covid-19 thứ ba”. Số người chết vì Covid-19 tăng trở lại, thế giới đang ở giai đoạn “rất nguy hiểm”. Số ca nhiễm và tử vong toàn cầu tăng trở lại do sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 làm tiêu tan hy vọng trở lại cuộc sống bình thường của nhiều quốc gia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 14-7-2021 đã cho biết, trong tuần qua, số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu đã tăng trở lại sau 9 tuần giảm. Cụ thể, thế giới ghi nhận thêm hơn 55.000 ca tử vong trong tuần qua, tăng 3% so với tuần trước đó. Số ca nhiễm cũng tăng 10% lên gần 3 triệu ca, trong đó nhiều nhất ở Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Anh.[2]

Riêng tại VN, tình hình dịch cúm Covid-19 xem ra ngày càng diễn biến phức tạp và nguy cơ bùng phát cao. Theo tin từ tờ Tuổi Trẻ Online ngày 15-7-2021, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị mới về chống dịch COVID-19 tiếp theo việc Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới về phòng, chống dịch COVID-19 khi dịch bùng phát trên diện rộng, phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng Delta có khả năng lây lan rộng theo chùm, qua không khí.[3]

Theo tờ trình của Bộ Y tế, đến nay cả nước đã trải qua 4 giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, tổng số ca nhiễm bệnh ghi nhận khoảng 30.000 ca, đã có 9.878 người khỏi bệnh và 125 người chết vì dịch. Điều đáng nói, trong 3 giai đoạn trước cả nước chỉ có hơn 1.700 ca nhiễm bệnh, riêng giai đoạn 4 bùng phát từ ngày 27-4-2021 đến nay có khoảng 27.000 người dương tính với COVID-19.

Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng. Trong giai đoạn 4 dịch đã xâm nhập vào cơ sở y tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở tôn giáo tập trung đông người và lây nhiễm trong cộng đồng ở các đô thị đông dân cư.

Nguyên nhân theo Bộ Y tế xác định do chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, lây nhiễm theo chùm, qua không khí. Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành 3 chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19, nhưng theo Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp.

Trên đây là một vài nét về tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay trên thế giới và tại VN. Các chuyên gia không thể dự đoán được tương lai của nhân loại sẽ như thế nào trước sự hoành hành khủng khiếp của đại dịch. Chúng ta, các Ki-tô hữu chắc chắn cũng sẽ không khỏi hoang mang trước cơn đại dịch khủng khiếp này. Mọi sinh hoạt tôn giáo bị ngưng trệ. Mọi gặp gỡ, quy tụ đều không được phép. Thánh đường im tiếng chuông và thiếu vắng mọi lễ nghi tôn giáo. Cộng đoàn mất kết nối. Mục tử và giáo dân xa cách nhau…

Tuy nhiên, với cái nhìn của đức tin, chúng ta hoàn toàn không thất vọng và rơi vào tâm trạng bi quan. Covid dù “hung dữ” đến mấy đi nữa thì nó cũng có mặt tích cực. Nó giúp ta sống tỉnh thức hơn, sống tín thác mạnh mẽ vào Chúa hơn, biết sống châm ngôn “buông bỏ từng ngày”, cố gắng thực hành đời sống đức tin cách triệt để và tạo nhiều cơ hội thực thi lòng mến Ki-tô giáo tốt đẹp.

1. Covid giúp sống tỉnh thức

Có thể nói, “Tỉnh thức” là đặc điểm sống của người Ki-tô hữu. Lời Chúa kêu gọi hãy luôn tỉnh thức và siêng năng cầu nguyện luôn thúc giục chúng ta sống tỉnh táo và khôn ngoan, biết nhận ra ý nghĩa các biến cố xảy ra trong đời sống thường ngày của ta. Đặc biệt trong khi xảy ra đại dịch Covid, chúng ta phải sống tỉnh thức hơn lúc nào hết bởi vì bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời khắc nào, mỗi người trong chúng ta đều cũng có thể “chạm” đến con vi-rút corona cực kỳ nguy hiểm, từ đó sinh bệnh và nguy cơ mất mạng!

Chúng ta tỉnh thức để nhận ra rằng con người bất lực, yếu đuối, mong manh so với loài vi-rút quá nhỏ bé nhưng có sức mạnh hủy hoại kinh khủng. Khi mới xảy ra trận dịch Covid ở TP Vũ Hán, người ta đã chứng kiến cảnh tượng các nạn nhân nhiễm bệnh và chết tơi tả khắp nơi khắp chốn trong thành phố, đến nỗi một nhà báo đã mô tả cảnh tượng ở đó giống như ngày tận thế vậy.

Quả thực, như trang Vietnamnet ngày 11-4-2020 vừa qua đã có bài viết như sau:

“Dường như cái gì con người cũng làm được. Chúa tể của muôn loài mà. Nhưng, đến loài virus thì dường như loài người khốn đốn.

Nước Mỹ hùng mạnh với tầu vũ trụ lên mặt trăng, tầu ngầm vượt đại dương, tên lửa vượt châu lục, quốc gia giàu nhất thế giới nhưng cũng bị virus Covid làm cho thất điên bát đảo. Nước Ý xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải thì hơn 18. 000 người chết. Phi thuyền, tầu ngầm, tên lửa hạt nhân,... dường như không địch nổi những con virus vô hình và biến đổi chủng loại khôn lường. Các nền kinh tế thị trường hùng mạnh cũng bị khủng hoảng. Giá dầu lao dốc. Hơn 10 triệu người lao động ở Mỹ đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đang điên đảo bởi những con Covid vô hình.


Virus Covid 19 không từ một ai, từ công dân hạng bét đến thượng lưu quý tộc. Thái tử Charles con trai cả Nữ hoàng Elizabeth II, người kế vị ngai vàng nước Anh cũng dương tính virus corona. Phó tổng thống Iran và hàng hoạt quan chức cao cấp của đất nước tấm thảm bay cũng nhiễm Covid từ đầu tháng 3-2020. Mới nhất, Covid đã kịp làm cho ông Matt Hancock - Bộ trưởng Y tế Anh và ngài Boris Johnson - Thủ tướng Anh dương tính virus corona phải tự cách ly. Loài người bị những virus vô hình quật cho tơi bời, chẳng biết về sau có ngạo nghễ coi mình là Chúa tể của muôn loài với cái nghĩa quyền sinh quyền sát không?”[4]

Trong khi đó, LM Phêrô Nguyễn Văn Hương trong bài viết tựa “Đại dịch Covid 19, dấu chỉ thời đại” trên trang web của ĐCV thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê GP Vinh cũng đã chia sẻ những suy tư sau:

“‘Một trận cuồng phong nổi lên’ (Mc 4,37). Thật dễ dàng để chúng ta nhận ra hình ảnh của cả nhân loại hiện nay trong trình thuật Tin Mừng này. Cơn cuồng phong đại dịch covid 19 nổi lên và bùng phát khắp toàn cầu: nỗi sợ hãi, lo lắng, bệnh tật, chết chóc, đói kém ập đến như muốn nhấn chìm con thuyền nhân loại. Đây là “đêm tối tâm hồn” mà mọi người đang trải qua. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Tất cả đều cảm thấy mong manh, mất phương hướng và kêu lên: “Lạy Chúa, chúng con chết mất” (Mc 4,38). (…)

“Nhân loại hôm nay đang gặp giông bão, nhưng xem ra Chúa như đang ngủ. Sao Chúa im lặng? Giờ đây, khi chúng ta đang ở giữa vùng biển động, chúng ta khẩn cầu Chúa: ‘Lạy Chúa, xin hãy thức dậy!’

“Nhưng theo tôi, đại dịch covid 19 như dấu chỉ thời đại nhắc nhở nhân loại và mỗi người chúng ta cần ‘phải thức dậy’:

“Nó nhắc nhở chúng ta nhận ra sự yếu đuối dễ tổn thương của mình, nhận ra mình không phải là những người sáng tạo, là bất tử, nhưng là các thụ tạo nghèo hèn biết bao khi đối mặt với sức mạnh của thiên nhiên; chúng ta hiện hữu là do có Đấng ban sự sống cho chúng ta. Và đây cũng là thời gian thích hợp để chúng ta hết lòng trở về với Thiên Chúa.

“Nó nhắc nhở chúng ta nắm lấy thời điểm thử thách này như một thời khắc chọn lựa và phân định: chọn lựa điều gì là đáng kể và điều gì là chóng qua, tách điều cần thiết ra khỏi điều không cần để điều chỉnh lại hành trình cuộc sống của chúng ta hướng về Chúa và hướng về tha nhân.


“Nó nhắc nhở chúng ta biết liên đới, kết nối với nhau vì một cái gì đó ảnh hưởng đến một người thì nó cũng có sự ảnh hưởng đến mọi người. Phải thay đổi từ những điều rất nhỏ bé dường như vô hại, như hắt hơi, khạc nhổ, cách lấy đồ ăn trên bàn ăn, tiếp xúc, nói nhỏ lại v.v… Đồng thời trong thời gian này, chúng ta có cơ hội tái khám phá giá trị của gia đình, tình bạn, các mối liên hệ mà chúng ta thường bỏ qua, sự liên đới, lòng quảng đại, chia sẻ, gần gũi cụ thể trong những điều nhỏ bé. Chúng ta cần tha nhân, cần xã hội.

“Nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta bị bệnh vì ngôi nhà chung của chúng ta đang bị bệnh. Chúng ta cần phải bảo vệ ngôi nhà chung này bằng thay đổi thói quen và thái độ sống đối với môi trường.”[5]
 
2. Covid giúp sống tín thác

Hơn lúc nào hết, hiện nay dịch Covid đe dọa mạng sống từng người, gây lo lắng hoang mang cho từng nhà, từng cộng đoàn. Đức tin mời gọi chúng ta hướng về Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chính Người sẽ nâng đỡ chúng ta trong lúc khó khăn khăn này. Hãy sống tín thác vào Chúa.

“Mạnh bạo lên, can đảm lên! Đó chẳng phải là lệnh Ta đã truyền cho ngươi sao? Đừng run khiếp, đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa, Thiên Chúa của ngươi, sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới.” (Gs 1, 9)

“Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa.” (Tv 27, 14)

“Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu.” (Pl 4, 6-7)

“Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em.” (1Pr 5,7)

“Nếu như Thiên Chúa để anh em phải chịu nhiều đau khổ, thì đó là dấu Người đã có những chương trình lớn lao dành cho anh em, và chắc chắn Người muốn biến đổi anh em thành một vị thánh.” (Thánh Inhaxiô Loyola)

“Bản chất của đau khổ chẳng có giá trị gì. Nhưng ân huệ lớn nhất chúng ta có thể hưởng được là khả năng chia sẻ cuộc khổ nạn của Đức Kitô.” (Thánh nữ Têrêsa Calcutta)

3. Covid giúp sống buông bỏ

Hằng ngày, thông tin trong và ngoài nước đều cho chúng ta biết con số người nhiễm Covid và số nạn nhân tử vong vì Covid gia tăng liên tục. Những điều xảy ra đó giúp chúng ta nhận ra rằng “Đời là vô thường” và rằng chúng ta không còn lý do gì để tích trữ cho mình những thứ hư nát đời này. Mỗi ngày qua đi là mỗi ngày chúng ta tập buông bỏ những bám víu vật chất mau qua.

Ngày nay người ta nói nhiều đến hai chữ “Buông bỏ” như là phương thế giúp ta sống an nhiên tự tại. Buông bỏ để thoát khỏi vòng kiềm tỏa của “Tham, sân, si”, để thoát khỏi những ràng buộc của vật chất hư vô, của cái “Tôi” nặng nề ích kỷ, của cuộc sống quá ư là đa đoan phức tạp…

Sự dứt khoát buông bỏ của chúng ta lúc này chắc chắn là một chọn lựa khôn ngoan và thích hợp nhất. Thực vậy, “Đối với chúng ta, những người còn đang sống, chúng ta nhận ra rằng thế giới vật chất này là vô thường, bản thân mình chỉ là thụ tạo yếu đuối mỏng manh. Nhờ đó chúng ta biết khiêm tốn hơn, biết từ bỏ những gì là phù du, biết sám hối và định hướng lại cuộc đời để hướng tới sự sống vĩnh cửu, sự sống dồi dào, sự sống đích thực.”[6]

“Đừng để bất cứ điều gì làm bạn xao động và sợ hãi. Mọi sự đều đang qua đi. Thiên Chúa không bao giờ thay đổi. Sự nhẫn nại chịu đựng đem lại tất cả. Ai có Thiên Chúa thì không thiếu thốn gì, một mình Thiên Chúa đã đủ.” (Thánh nữ Têrêsa Avila)

4. Covid giúp sống đạo triệt để

Không phải đợi đến khi xảy ra đại dịch Covid chúng ta mới sống đạo. Sống đạo là sống đức tin và thực hành đức mến xuyên suốt đời sống của Ki-tô hữu. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại khi mà đại dịch Covid-19 vẫn còn tồn tại với nguy cơ diễn biến phức tạp, để phòng chống dịch hiệu quả, chúng ta phải chấp nhận mọi sinh hoạt tôn giáo bị ngưng trệ và thay đổi. Quả thực, đây là lúc chúng ta phải sống đạo một cách triệt để.

Sống đạo triệt để nghĩa là chúng ta ra khỏi làn ranh của những thói quen giữ đạo bình thường như trước. Nhà thờ đóng cửa không thánh lễ, không nghi thức phụng vụ, không bí tích, không kinh kệ, không quy tụ cầu nguyện, không giáo lý, không sinh hoạt mục vụ đoàn thể vv. Tuy nhiên, không phải vì những cái “không” này mà ta bỏ Chúa, quên Chúa, hay lơ là đức tin. Dù hoàn cảnh như thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn có thể tập trung vào Chúa Ki-tô, để kết hợp với Ngài, lắng nghe Ngài và thực hành những điều Ngài dạy. Nhiều người đã dành thời gian trong ngày để theo dõi thánh lễ online, đọc và suy niệm Lời Chúa, rước lễ thiêng liêng, lần chuỗi Mân Côi, cầu nguyện riêng và chung trong gia đình…

Sống đạo triệt để cũng có nghĩa là chúng ta nhận ra rằng chọn Chúa thì quan trọng hơn là chọn những việc của Chúa (Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận).

Khi chúng ta chọn Chúa, thì Chúa sẽ ra tay làm chủ vận mệnh, con người và cuộc sống của ta. Chúng ta sẽ không còn phải quan tâm tới thành công, thất bại hay kết quả sẽ như thế nào nữa. Khi chọn Chúa, chúng ta sẽ được liên kết mật thiết với Chúa, như cành liên kết với cây, nhờ đó cành có sự sống và sự sống sẽ sinh nhiều hoa trái theo ý muốn của Chúa. Bởi xét cho cùng, không có Chúa, chúng ta không làm được gì. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). 
 
5. Covid là cơ hội giúp thực thi lòng mến thiết thực

Đối với Ki-tô chúng ta, dịch bệnh Covid là dịp thúc đẩy ta thực thi bác ái huynh đệ cách thiết thực. Covid đã giúp người ta đến gần nhau hơn, các quốc gia với nhau, các cộng đồng với nhau, các nhóm với nhau, các tôn giáo với nhau, các khu xóm với nhau.

ĐTC Phan-xi-cô đã có lần nhấn mạnh rằng hãy đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn và vì công ích.[7] Ngài nhấn mạnh: Câu trả lời của Kitô giáo đối với đại dịch và những khủng hoảng kinh tế xã hội, hậu quả của đại dịch, được dựa trên tình yêu, trên hết là tình yêu của Thiên Chúa, Đấng luôn đi trước chúng ta (x. 1Ga 4,19). Người yêu thương chúng ta trước, Người luôn đi bước trước trong tình yêu và trong các giải pháp. Người yêu chúng ta cách vô điều kiện, và khi chúng ta đón nhận tình yêu này của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng có thể đáp lại theo cách tương tự.

Tại VN, người Ki-tô lúc nào cũng sẵn sàng để thể hiện tình bác ái đối với những người anh em gặp khó khăn vì dịch bệnh. Từ những nhóm nhỏ tại các giáo xứ, các hội-đoàn-nhóm đến các cộng đoàn lớn như giáo phận, dòng tu, tổ chức bác ái Caritas, tất cả đều đồng lòng chung sức, góp công góp của ra tay cứu trợ khẩn cấp những hoàn cảnh cần giúp đỡ, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “lá lành đùm lá rách”.

Được biết, ngày 2-6-2021, Đức cha Chủ tịch HĐGMVN đã gửi thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch. Trong thư có đoạn viết như sau:

“Trước hết, hãy xem trận đại dịch này như một cơ hội để yêu thương. Theo lời Chúa dạy, Kitô hữu phải nhìn nhận tất cả nạn nhân Covid-19 là “người lân cận” (Lc 10,28-29), sẵn lòng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15) dù họ là ai. Tứ hải giai huynh đệ. Tất cả mọi người đều là đồng bào, là thành viên của đại gia đình dân tộc và nhân loại. Người Công giáo không được phép loại trừ, kỳ thị, “điểm mặt” hoặc kết án bất kỳ ai đã hoặc chưa bị lây nhiễm.

“Hãy vận dụng hết trí sáng tạo để hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu y học, cộng tác với các bộ phận chức năng, thông cảm và tiếp sức cho các y bác sĩ và bệnh viện, tạo điều kiện vật chất và tinh thần thuận lợi cho mọi người và khu vực cách ly, giúp đỡ gia đình bệnh nhân đang điều trị, tử vong và những người đang lâm cơn túng quẫn kinh tế.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no; Lá lành đùm lá rách; Nhiễu điều phủ lấy giá gương! Hơn bao giờ hết, bao nhiêu người khó khăn đang trông chờ anh chị em thực thi giáo huấn của Chúa: “Ai đón tiếp anh em mình là đón tiếp chính Ta…Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ một bát nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Ta, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”
(Mt 10, 40-42).”[8]

Đặc biệt, ngày 9-7-2021 vừa qua, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng có thư gửi đồng bào Công Giáo Việt Nam, với nội dung khẩn thiết kêu gọi các tín hữu quan tâm hỗ trợ bà con Sài Gòn đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid đợt thứ 4 này. Trong lá thư kêu gọi, có đoạn như sau:

“Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nổi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không”
(Mt 10,8b)

Một cách cụ thể, mỗi giáo phận hoặc mỗi cụm cộng đoàn, đặc biệt là các cấp Caritas, hãy khẩn trương lập một đường dây nóng, một địa chỉ để tập trung phẩm vật và tiền cứu trợ trong khu vực. Các nhu yếu phẩm Saigon đang cần là rau quả, nông phẩm, lương khô, thiết bị phòng chống dịch (khẩu trang, nước kháng khuẩn, máy thở, bình oxy, bộ xét nghiệm nhanh). Ngoài lương thực, đồng bào thành phố cũng cần hỗ trợ tài chánh cho người nghèo, vô gia cư, vỉa hè, khám chữa bệnh v.v…”[9]

Chúng ta biết rằng hiện nay, sau lời kêu gọi của Đức cha Chủ tịch HĐGMVN, các giáo phận đã rất nhanh chóng đáp ứng ngay và hàng ngày các hàng cứu trợ đã và đang ùn ùn chuyển đến Sài Gòn để kịp tới tay những bà con cần giúp đỡ. Quả thực Covid đã trở thành cơ hội quý báu giúp chúng ta thực thi bác ái Ki-tô giáo một cách thiết thực cụ thể nhất./.


[1] Thanh Tâm, Khi nào đại dịch Covid-19 chấm dứt?, tại https://vnexpress.net/khi-nao-dai-dich-covid-19-cham-dut-4308451.html

[2] Minh Phương, Người chết vì Covid-19 tăng trở lại, thế giới ở giai đoạn "rất nguy hiểm", https://dantri.com.vn/the-gioi/nguoi-chet-vi-covid19-tang-tro-lai-the-gioi-o-giai-doan-rat-nguy-hiem-20210715062010620.htm

[3] Bảo Ngọc, Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị mới về chống dịch COVID-19, https://tuoitre.vn/thu-tuong-se-ban-hanh-chi-thi-moi-ve-chong-dich-covid-19-20210715083324792.htm

[4] Nhà văn Sương Nguyệt Minh, Loài người có bớt ngạo mạn?, tại https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/loai-nguoi-bi-tra-gia-con-nguoi-co-bot-ngao-man-632640.html

[5] Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, Đại dịch Covid 19, dấu chỉ thời đại, tại https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Van-Hoa-Hiep-Thong/Dai-Dich-Covid-19-Dau-Chi-Thoi-Dai.html

[6] Giuse Phạm Đình Ngọc SJ, Người Công giáo trong đại dịch Covid-19, https://dongten.net/2020/08/17/nguoi-cong-giao-trong-dai-dich-covid-19/

[7] Hồng Thủy, ĐTC Phanxicô: Đối phó với đại dịch bằng tình yêu không giới hạn và vì công ích, https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-dai-dich.html

[8] Tổng Giám mục Giuse Nguyễn chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN: Thư kêu gọi tinh thần liên đới và tương thân để phòng chống đại dịch, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chu-tich-hdgmvn-thu-keu-goi-tinh-than-lien-doi-va-tuong-than-de-phong-chong-dai-dich-42005

[9] Tổng Giám mục Giuse Nguyễn chí Linh, Thương quá Sài Gòn ơi! - Thư kêu gọi của Chủ tịch Hội đồng Giám mục gửi đồng bào Công giáo Việt Nam, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-qua-sai-gon-oi-thu-keu-goi-cua-chu-tich-hoi-dong-giam-muc-gui-dong-bao-cong-giao-viet-nam-42234
 
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 19.7.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

KHÔNG CÔ ĐƠN TRONG THỜI COVID

 

KHÔNG CÔ ĐƠN TRONG THỜI COVID

GPSG-- “Chú ơi! Cộng đoàn đang nấu cơm cho người nghèo đây!”

Tôi ngạc nhiên khi nhận ra giọng của Soeur Bề trên cộng đoàn Hoàng Anh thuộc Hội dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt. Thực tế, nấu ăn là việc rất khó thực hiện trong lúc này vì thành phố Sài Gòn đang giãn cách xã hội, không cho phép tập trung "nhân lực", nguồn nguyên liệu thực phẩm, thịt, cá cũng rất khó để mua...

Tôi đã đến cộng đoàn khi các soeur vừa kết thúc giờ đọc kinh sáng và chuẩn bị bắt tay vào việc nấu bữa trưa cho các anh chị em nghèo. Chỗ này một nhóm các soeur đang lặt rau, rửa rau; chỗ nọ một soeur đang nêm nếm gia vị cho món mặn; chỗ khác đang tiến hành “chế biến” ... Mỗi người mỗi việc như một dây chuyền lắp ráp “tình yêu thương”.

Theo soeur Maria Phạm Thị Hường, Bề trên cộng đoàn Hoàng Anh (thuộc giáo xứ Vườn Xoài): “Từ các hình ảnh và thông tin hàng ngày về đại dịch Covid 19 tại thành phố, chúng ta co thể nhìn thấy rất rõ đời sống của người dân nhất là những người lao động bị mất việc hoặc những người vốn đã nghèo đói thiếu thốn từ trước. Chính điều đó đã thôi thúc cộng đoàn phải hành động và đáp lại lời kêu gọi của Đức Tổng Giám mục, Chủ tịch HĐGMVN hay vị Cha Chung của TGP Sài Gòn”.

Được biết do lệnh giãn cách xã hội nên khoảng 30 soeur đã không thể về nhà nghỉ hè như mọi năm mà “kẹt” lại Sài Gòn. Nhưng với lòng cảm thông và chia sẻ, cộng với sự năng động và nhạy bén của soeur Bề trên, cộng đoàn vừa thực hiện “ sáng kinh, chiều kệ” cùng với đó là những giờ phút dấn thân, hy sinh đầy ý nghĩa cho anh chị em xung quanh mình. Soeur Bề trên cho biết thêm: “Hiện giờ, cộng đoàn đang phục vụ từ 100 cho đến 200 suất ăn mỗi ngày nhưng có thể phục vụ theo nhu cầu đòi hỏi của “ ngôn ngữ trái tim”. Khi tôi hỏi: “Từ đâu mà cộng đoàn có nguồn rau củ quả, thịt, cá trong lúc này” thì Soeur Bề trên cho hay: “Lúc đầu, Hội dòng tự lo đầu vào nhưng khi biết cộng đoàn đang nấu cơm phục vụ cho những người dân đang gặp khó khăn thì các ân nhân lúc cho rau, lúc cho cá hay thịt... có gì dùng nấy”.

Khâu lặt rau
Khâu chế biến

Đang khi trò chuyện thì có tiếng chuông cửa reo. Đó là các vị đại diện Tổ dân phố đến để lấy rau củ quả đi phát cho bà con xung quanh, cho các hội dòng và những người quen. Ai nấy đều vui và phấn khởi bởi vì những ngày này rau xanh là mặt hàng thực phẩm quá tốt.

Đến giờ phát cơm, các phần cơm, canh, món xào và món mặn được các soeur gói ghém cẩn thận và sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ. Soeur Bề trên cho biết: Hôm nay, các phần cơm sẽ giao cho các chốt trực cách ly ở quận 10 và phường 11 - quận Phú Nhuận; những người lao động nghèo ở quận 9 và những người lang thang, cơ nhỡ...

Khâu đóng gói
Các món ăn vừa sạch, vừa ngon để tăng độ dinh dưỡng cho người dùng
Các khẩu phần ăn được thực hiện trong bếp ăn công nghiệp, hiện đại
Và được giao cho các nơi, xa nhất là quận 9
và gần nhất là bà con trong khu phố thuộc phường 14, quận 3
Ai có nhu cầu cũng có thể nhận phần cơm
Những khẩu phần trưa đã được chuyển đến các chốt cách ly y tế
Chú Tuấn trực tại chốt cách ly y tế tại ngã tư Trần Huy Liệu
và Huỳnh Văn Bánh xúc động khi nhận phần cơm canh nóng và bổ dưỡng
Những thực phẩm như: rau, củ, quả tươi ngon
được phát không cho bà con xung quanh

Có lẽ người Sài Gòn chưa bao giờ lâm vào cảnh khó khăn, nghiệt ngã như hiện tại: Dịch giã, mất việc, mất thu nhập, đi lại khó khăn... Hiện tại, họ chỉ biết chờ hết dịch, chờ những bữa ăn được phát vội, chờ được xét nghiệm với kết quả âm tính để không bị cách ly. Biết bao thứ đang chờ đón họ, kể cả tâm lý bị lãng quên, nhưng họ không cô đơn. Chúng ta đã thấy tình người, thấy nghĩa cử nhân ái của mọi người dành cho nhau, với phương châm: Có nhiều giúp nhiều, có ít cho ít. Đó cũng là liệu pháp tinh thần trong dòng xoáy dịch bệnh.

Trường Sơn
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 19.7.2021