Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ MỪNG KÍNH THÁNH LAURENSÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Ba, ngày 10.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

ĐI HẾT CUỘC ĐỜI, TA CÒN LẠI GÌ?

ĐI HẾT CUỘC ĐỜI, TA CÒN LẠI GÌ?

TGPSG-- Đã quá nửa đêm, chị em chúng tôi đang lau dọn sàn nhà, một chị điều dưỡng chạy tới giọng hối hả: “Các Sơ ơi, có người mới qua đời. Các Sơ vào cầu nguyện cho ông đi!”

Hai chị em bỏ dở công việc, chạy vội vào góc phòng. Các điều dưỡng đang gỡ máy móc, dây ống ra khỏi cơ thể đã bất động. Tôi nhìn gương mặt ông tím tái rồi nhạt dần. Vị bác sĩ trẻ vẫn chưa rời khỏi, cô lộ rõ nét buồn vì không giữ được sự sống cho ông sau một hồi cấp cứu. Cô đưa tay vuốt mắt cho ông rồi lặng lẽ quay đi. Các điều dưỡng nhanh chóng bọc ông cụ vào bao đựng tử thi rồi điện thoại cho nhân viên nhà xác mang xác đi. Tất cả diễn ra trong tích tắc khi chị em chúng tôi còn chưa đọc xong những lời kinh phó linh hồn.

Từ lúc vào giúp ở khoa ICU này, ngày nào cũng thế. Cảnh tượng ấy dần rồi quen thuộc. Lúc đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là hơi sốc. Ở gia đình, trong nhà dòng, tôi đã quen với việc nhìn thấy phút lâm chung của một người có biết bao người thân vây quanh. Người mất được tắm xác, mặc quần áo chỉnh tề, được tẩn liệm với bao nhiêu nghi thức, bao nhiêu hương hoa, nhang nến, khăn tang, tiếng khóc thương đưa tiễn… Còn đây là những cơn hấp hối và cái chết hoàn toàn trong cô đơn, lặng lẽ, chẳng có gì… Thật sự là không còn gì! Chẳng qua, chỉ vì trong trận đại dịch, trong hoàn cảnh lây nhiễm nên nhiều người phải từ giã cõi đời trong cái đau thương ấy! Nếu như tôi không ở đây, không tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chắc tôi sẽ không có được cảm nghiệm sâu sắc về sự mong manh của phận người. Những ngày qua, tôi cứ suy nghĩ mãi: “Đi hết cuộc đời, ta còn lại gì?”

Những bệnh nhân trong khoa ICU này phần lớn đã hôn mê. Ngày nào tôi cũng đi từng phòng thăm và cầu nguyện cho họ. Họ là những người dân của Thành phố này. Nam có, nữ có, già có, trẻ có, mập có, ốm có… có đủ tất cả. Con virus này chẳng chừa ai. Chúng tấn công đủ mọi thành phần trong xã hội: có những người da dẻ trắng trẻo, mịn màng, trên người còn đeo nhiều trang sức và cũng có những người da nhăn nheo, khắc khổ; có những người giàu có, địa vị, tài giỏi, cũng có những người dân nghèo, bình dị, kém cỏi… Thế mà giờ đây, trong phòng Hồi sức Cấp cứu này, tất cả đều bình đẳng, tất cả những sự phân biệt đều quay về con số 0… Mọi người dù là ai đi nữa, chỉ còn là một sự trần trụi trên giường bệnh với nhưng hơi thở khó khăn, thoi thóp. Và cái chết tinh thần đôi khi còn đến trước cái chết thể lý. Đó chính là sự cô đơn, sợ hãi khi không có lấy một người thân bên cạnh. Đi hết cuộc đời, làm bao nhiêu việc, tìm kiếm bao điều, bao mối tương quan… giờ chỉ còn một mình đối diện với cái chết cận kề. Cảm giác ấy thật không dễ dàng gì đón nhận!

Có lẽ nhiều người trong số các bệnh nhân đã cảm nhận được thân phận bụi tro của mình nên ra đi trong bình an. Nhưng tôi cũng thấy có người vẫn vùng vẫy trong hơi thở cuối cùng như còn điều gì chưa thỏa. Như hôm, tôi chứng kiến cơn hấp hối của một cô độ 60 tuổi: Khi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, cô mở mắt ra lần cuối, đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người thân nào đó vì mới hôm trước, tôi nghe cô tâm sự: cả nhà đều bị nhiễm, mỗi người cách ly một nơi, cô rất lo vì mất liên lạc với mọi người. Thế nhưng xung quanh cô, giờ đây chỉ là những bức tường trắng xóa, những gương mặt xa lạ trong bộ đồ bảo hộ. Tôi thấy rõ ánh mắt đầy thất vọng và đượm buồn của cô. Máy thở đã không còn tín hiệu, cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức. Thật không thể diễn tả được bao nỗi xót xa đau đớn. Mong manh quá, một kiếp người!

Nơi đây, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một cái nháy mắt. Có người hôm nay còn thấy ngày mai đã không còn nữa. Tất cả đều ra đi với đôi tay trắng như khi vào đời. Một cuộc đời còn lại gì? Không kèn trống, hương hoa, không một người thân đưa tiễn. Tất cả những bon chen giành giật, tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền bạc, sắc đẹp… không một điều gì có thể theo chúng ta vào cõi vĩnh hằng.

Lời Chúa vang lên soi sáng cho tôi: “Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời…” (Mt 6,20). Quả thật, khi cánh cửa thời gian khép lại, nguồn hy vọng duy nhất đời tôi chỉ còn là Lòng Thương Xót Chúa. Mọi sự thế gian đều phải bỏ lại thế gian. Chỉ có những công việc bác ái mà hàng ngày tôi tích góp mới trở nên kho tàng đích thực cho tôi, là người bạn duy nhất theo tôi đến trước tòa Chúa. “Đi hết cuộc đời còn lại gì?”. Bài học này thật quý giá cho tôi, để ngay lúc này, khi tôi còn hơi thở, tôi kịp thời chọn cho mình kho tàng không bao giờ hư mất.

Đồng Hồ Cát
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 19 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 09.8.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

NHỮNG TRÁI TIM LIÊN ĐỚI TRONG MÙA ĐẠI DỊCH

 
 NHỮNG TRÁI TIM LIÊN ĐỚI TRONG MÙA ĐẠI DỊCH
 
TGPSG -- Mỗi người trong chúng ta, khi đến với cuộc sống trần gian, ai ai cũng mang trong mình một trái tim. Trái tim có từ lúc ta mới thụ thai trong lòng mẹ, và đó cũng chính là lúc khởi nguồn của một sự sống mới. Trái tim còn đập đồng nghĩa với sự sống đang còn tiếp tục; trái tim ngừng đập nói lên sự ra đi vĩnh viễn, hay một sự kết thúc hành trình của một đời người. Nói cách khác trái tim nói lên sự sống của một đời người.

Khi nói đến trái tim, là nói đến tình yêu, và chẳng biết tự khi nào trái tim trở thành biểu tượng của tình yêu. Vì thế mà người trẻ ngày nay thường sử dụng cụm từ “thả tim” để nói lên sự ủng hộ hay hưởng ứng cho một ai đó. Trái tim là nơi phát xuất nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn khác nhau, những rung động, xót xa, những cảm thông: cùng đau với những phận người, nhất là những người sống bên lề xã hội.
 
Và hôm nay, nhiều trái tim rung lên với hai chữ Sài Gòn. 
 
Sài Gòn, cái tên nghe sao thân thương và gắn bó. Có nhiều bài hát nói về Sài Gòn: “Sài Gòn đông người”, “Sài Gòn đẹp lắm”, “Sài gòn hay lắm hai tiếng cảm ơn xin lỗi”… Nơi mảnh đất ấy đã đón chào bao người đến, nhưng cũng tiễn đưa bao người đi. Cái tên thân thương ấy hôm nay được nhắc đến nhiều hơn khi mà đã gần ba tháng trôi qua, cơn đại dịch Côvid bùng phát trở lại và diễn ra trên diện rộng, nơi một thành phố lớn vốn nổi tiếng là sầm uất, ồn ào với tiếng xe người nói, nay đã quen dần với sự tĩnh lặng mà có lẽ trong dòng lịch sử chưa bao giờ có. Mọi hoạt động trở nên khép kín, thậm chí là phải dừng lại để cùng chung tay chống lại cơn đại dịch. Có thể nói mọi người, không chỉ là những người đang sống nơi thành phố này, nhưng là tất cả những người mang dòng máu của người con Việt đều đang cảm thấy đau xót trước tình hình diễn ra nơi thành phố này. Hụt hẫng có, hoang mang lo sợ không ít, nhưng tất cả đều tin rằng một ngày tươi sáng sẽ trở lại, và điều quan trọng hơn mỗi người chúng ta đang nhận thấy trong hoàn cảnh đặc biệt này, trên quê hương Việt Nam, và nhất là nơi mảnh đất Sài Thành này vẫn còn có những trái tim đang khát khao được yêu thương và được trao thương yêu.

Nơi đây, có trái tim của vị Cha chung của Tổng Giáo Phận vẫn luôn băn khoăn, lo lắng cho đoàn chiên mình. Vị Cha chung ấy vẫn âm thầm cầu nguyện và gởi đến cộng đoàn dân Chúa những lời nhắn nhủ đầy yêu thương qua các bài giảng hay huấn từ sau các Thánh lễ online. Nơi đây, có những trái tim của những mục tử nhân lành, không thể ngồi yên nơi Giáo xứ, nhưng đã xuống đường mang trên mình bộ đồ bảo hộ để đến với anh chị em và ban phép lành cho từng gia đình. Phải chăng chính sự quan tâm và huấn giáo ấy, cùng những nghĩa cử ấy, đã phần nào củng cố đức tin và thêm sức mạnh cho anh chị em cùng nhau vượt qua cơn đại dịch này.

Nơi đây, cũng có những trái tim của các anh chị em tu sĩ trong và ngoài Công Giáo đã tình nguyện bỏ lại bộ đồ tu phục của mình để mặc lấy những bộ đồ bảo hộ, sẵn sàng đến với các bệnh nhân, dẫu biết rằng hiểm nguy phía trước là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng không thể không nói đến những trái tim của những y bác sĩ, bỏ lại sau lưng gia đình, cùng những ước vọng để ngày đêm chăm sóc những anh chị em đang bị nhiễm căn bệnh toàn cầu này.

Điều đặc biệt hơn hết, hàng triệu trái tim nơi khắp mọi miền đất nước, từ hải ngoại cho đến các tỉnh thành từ miền xuôi cho đến các vùng cao nguyên, đang hướng về mảnh đất Sài Gòn thân yêu. Những chuyến xe tiếp tế không chỉ là những nhu yếu phẩm nhưng còn chất chứa hàng triệu trái tim, những trái của sự liên đới trên cùng một quê hương, một dân tộc, những trái tim hiệp thông trong cùng một Giáo Hội.

Có thể nói rằng chưa bao giờ người Sài Gòn lại thương nhau đến như thế trong khoảng thời gian giãn cách xã hội như những ngày này. Người ta thương nhau trong khả năng của mình với tất cả những gì mình có, như bà góa đã dâng vào đền thờ tất cả những gì mình có với cả tấm lòng yêu mến. Những hộp cơm yêu thương, những cọng rau xanh được gởi đến những khu cách ly, những gia đình hay những người vô gia cư đang sống lay lất bên vệ đường, những mảnh đời không có đến một mái nhà không biết quê hương mình ở đâu, chỉ biết rằng nơi mảnh đất này họ có thể sống dù cuộc sống ấy không được như bao người đang sống trong thành phố này. Phải chăng những hành động, nghĩa cử yêu thương mà con người dành cho nhau ấy phát xuất từ những trái tim đang đồng cảm và rung động trước những hoàn cảnh của cơn đại dịch đem lại.

Trong một chương trình với chủ đề “Ước mơ nào cho tương lai Việt Nam”, đã có một thí sinh đặt vấn đề: “Con người là sự khám phá cuối cùng mà con người muốn tìm kiếm. Hiện nay con người đã tạo ra được bộ não nhân tạo, trí tuệ nhân tạo, cơ thể nhân tạo, duy chỉ một thứ mà con Rôbốt khác với con người đó là trái tim, vậy trong thế giới 5.0 liệu con người có tạo ra được trái tim chăng?”. Câu nói ấy đã để lại cho chúng ta điều cần phải suy ngẫm khi thế giới bước vào cuộc sống ngày càng hiện đại và văn minh. Tuy nhiên, thiết nghĩ chính cơn đại dịch này đã và đang trả lời cho câu hỏi đó. Trong cơn đại dịch, chúng ta nhận thấy đời người thật mong manh, dễ bị tổn thương. Con người đang có thể tạo ra được nhiều thứ nhưng chưa thể tạo ra cho mình sự sống và con tim của chính mình. Bởi trái tim là sự ban tặng của Thiên Chúa, Ngài ban cho mỗi người trái tim bằng thịt, và lưu thông bằng dòng máu yêu thương. Nơi trái tim ấy chất chứa một tình yêu thiêng liêng, một thứ cảm xúc khó tìm thấy nơi các thụ tạo hay của cải, vật chất khác.

Đại dịch có thể đóng băng mọi sinh hoạt của con người, thế nhưng nó không thể nào đóng của lòng hay làm cho trái tim ngừng những nhịp đập của tình thương, của sự liên đới, của tình hiệp nhất trong gia đình nhân loại. Thiết nghĩ sẽ chẳng có loại vaccine nào có thể loại trừ được loại virus này ngoài loại vaccine của tình yêu phát xuất từ trái tim mỗi người chúng ta. Sẽ chẳng có bộ đồ bảo hộ nào chất lượng và an toàn cho bằng bộ đồ bảo hộ với sự quan phòng của Thiên Chúa. Ước mong sự tin tưởng và phó thác nơi bàn tay yêu thương của Thiên Chúa sẽ làm cho trái tim của mỗi người chúng ta liên kết trong yêu thương, cùng nhau vực dậy thành phố thân yêu này sau cơn đại dịch, cùng nhau đón chào một tương lai ngời sáng trong tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hoa Đồng Nội 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 09.8.2021


Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

ƠN GỌI THỜI COVID


ƠN GỌI THỜI COVID

TGPSG -- Trình thuật Mc 16, 9-15 kể về việc Đức Giêsu Phục sinh hiện ra và sai phái nhóm Mười Hai đi rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Suy niệm đoạn Tin Mừng này dưới góc nhìn của một nữ tu đã được thánh hiến, được tuyển chọn và được sai đi trong tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng trên địa bàn Sài Gòn…đã thôi thúc tôi xác tín hơn về sứ vụ của mình.

1. Nhận ra ơn gọi được sai đi

Chắc chắn Chúa không trực tiếp sai tôi đi như sai nhóm Mười Hai tông đồ, nhưng trước tình hình dịch bệnh với vô số anh chị em bệnh nhân đang phải đối diện với đau khổ, sợ hãi và hoang mang, Chúa đã sai tôi qua các "trung gian" của Ngài. Vì thế, tôi đã hăng say lên đường để đến với các bệnh nhân. Tự kiểm điểm bản thân, tôi biết mình còn "non" và "xanh" lắm! Non vì sức tôi có hạn, xanh vì tôi cũng sợ Covid như mọi người chứ đâu có anh hùng! Nhưng khi trở về với lòng mình, trong đêm thanh vắng đối diện với Chúa Giêsu Thánh Thể (từ xa), trong đầu tôi xuất hiện câu nói “Ghét của nào trời trao của ấy”. Quả thật, kinh nghiệm cuộc sống đã cho tôi thấy những việc xảy đến với tôi đều nằm ngoài ý muốn của tôi.

Sự giằng co xen lẫn chút lo sợ, nhưng tôi vẫn muốn trải nghiệm và thử sức…Khi tôi nhớ lại lời của tiên tri Amốt: “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật và chăm sóc cây sung, Chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi : "Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta."” (Am 7,14-15), tôi đã vui vẻ đón nhận ý Chúa. Tôi tin Chúa sẽ thêm sức cho tôi như Ngài đã đồng hành với Amốt. Tuy nhiên, tôi vẫn có một chút trăn trở và lo âu bởi vì tôi không biết bản thân sẽ làm được gì khi đến với các bệnh nhân, chuyên môn nghiệp vụ tôi không có, tôi phải ứng xử với người bệnh thế nào đây?

Thêm một lần nữa, câu nói của Thánh Phaolô hiện lên trong suy tưởng “Ơn ta đủ cho con” (2Cr 12,9) đã giúp tôi có thêm động lực để dấn thân. Tôi tin rằng Thánh Thần đã biến đổi nhóm Mười Hai thì chắc hẳn Ngài cũng có cách để biến nỗi lo âu sợ hãi trong tôi nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và tôi tự nhủ: “Cô vít với chả cô veo, nó không đáng sợ đâu…”.

Trong cách thực hành việc đạo đức, nếu con người chỉ quy về cho bản thân thì Chúa Thánh Thần đâu còn chỗ để thi thố quyền năng của Ngài. Tôi xác tín chính Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn tôi và thúc đẩy tôi thêm can đảm để tin tưởng rằng mọi việc thiện hay việc đạo đức mà mình muốn làm thì Ngài luôn hiện diện và tiếp sức cho.

2. Ơn gọi thời Covid

Ngày đầu tiên bước vào phòng bệnh, tôi đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân F0 đang nằm bất động, họ cần được hỗ trợ bằng các máy móc, dây dợ chung quanh người! Tôi chả hiểu sao lại có nhiều dây đến thế? Còn tôi, khi khoác trên người bộ áo bảo hộ màu trắng kín mít như người tuyết, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng máy móc pip pip… Lúc đó, quả tim tôi run lên bần bật. Tôi hoang mang lo sợ, nước mắt chảy ra và càng thấm thía câu nói “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” hơn bao giờ hết.

Trong thinh lặng, tôi tự hỏi sao mình lại khóc? Có ai bắt tôi làm đâu? Tôi tự nguyện mà? Lúc này, tôi đang ở trong bệnh viện này để làm gì? Tôi chẳng nhớ ngày giờ bắt tay vào việc trong vai trò là “người nhà của bệnh nhân”. Phải chăng đây là cơ hội để tôi thể hiện chân dung người nữ tu của mình ngay tại bệnh viện này?

Gương Cha Thánh Đaminh và các ngôn sứ đã cho tôi thấy rằng, những người bình thường vẫn hay được Thiên Chúa trao cho một sứ vụ khác thường để làm chứng cho Chúa ngay trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế phản ứng tự nhiên của con người là thân thưa với Chúa về sự thật bất xứng, bất lực của mình trước sứ vụ được trao. Khi đó, các ngài được Chúa trấn an bằng chính sự hiện diện của Ngài và bằng quyền năng của Thánh Thần.

Hiện nay, tôi đang phục vụ bệnh nhân hồi sức, gồm hơn sáu mươi giường bệnh. Tôi bắt đầu quen với công việc chăm sóc bệnh nhân của mình. Trước mỗi ca trực, tôi thường rảo qua các phòng bệnh một lượt và không quên đem theo nước, bánh, sữa cho các bệnh nhân cùng với sự ân cần lễ phép “con mời cô, mời chú… dùng nước, bánh, sữa ạ”. Các cô chú có cần hỗ trợ gì cứ nói, con sẽ giúp ạ... và các bệnh nhân đáp lời: Tôi cám ơn sơ nhiều, may mà có các sơ chứ không biết phải làm sao nữa.

Có lần, tôi vào phòng bệnh mà không có bánh, tôi đã bị nhắc khéo: “Sơ ơi cho xin thêm bánh đi, uống thuốc vào con đói lắm”. Sau đó, vài bệnh nhân nói với tôi: “Sơ ơi! Sơ xem giúp con mặc tã đúng chưa?", "Sơ ơi tôi bị bệnh gì mà người ta nhốt tôi ở đây vậy?", "Khi nào tôi được về nhà?", "Tôi chẳng biết lối nào để đi nữa hay sơ giúp đưa tôi về được không?". Nghe vây, tôi ân cần đáp lại: "Dạ! con vào đây để giúp cô chú mà, cô chú phải ăn nhiều vào để mau chóng khỏe lại thì con mới đưa về được!". Nghe vậy, có bệnh nhân đùa: "Thế sơ có trái cây hay có bia không? Cho con xin ít đi, con thèm quá!".

Hiện giờ, các bệnh nhân đã biết và quen các sơ nên mỗi lần vào phòng bệnh là các bệnh nhân thi nhau nhờ giúp, nói chuyện rôm rả. Bác sĩ trưởng khoa và Dược sĩ Thoan nói: “Sao bệnh nhân khoa mình ăn uống nhiều thế, con thấy họ ăn liên tục”.

Thế đó, ơn gọi thời Covid của tôi chẳng khác gì một cô bảo mẫu! Nhưng qua những việc nhỏ bé mà chúng tôi giúp các bệnh nhân hàng ngày đã cho tôi xác tín rằng chính Chúa muốn gửi chị em chúng tôi đến đây phục vụ. Mặc dù chẳng quen biết, chẳng có họ hàng, nhưng chị em chúng tôi ai ai cũng nhiệt tình, năng nổ chăm sóc cho các bệnh nhân như những người ruột thịt của mình. Trong cầu nguyện, tôi sực nhớ lời Chúa Giêsu đã nói: “Khi các con làm cho một trong những kẻ bé mọn đây là các con đang làm cho chính Ta vậy”. Ơn gọi của chúng tôi là thế, được sai đi để phục vụ. Bởi thế, đời sống của người tu sĩ không chỉ gò bó trong 4 bức tường với những giờ kinh sách đúng giờ giấc nhưng là ra đi để phục vụ anh chị em muôn phương.

3. Đôi điều cảm nghiệm về sứ vụ trong mùa Covid

Là một tu sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, tôi thấy mình khá liều và không còn cảm thấy sợ hãi giống như "chiên con” phải đi vào… giữa tâm dịch nữa! Cuộc chiến chống Covid đã cho tôi nhiều cảm nghiệm thú vị.

Tôi đã chứng kiến và thấy thực tế đất nước chúng ta vẫn còn rất nhiều tấm lòng vàng, sẵn sàng sẻ chia tình người giữa đại dịch. Cụ thể, nơi các bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên, thường ngày họ chỉ làm việc theo hành chính và chuyên môn, bây giờ họ kiêm luôn cả vai trò của hộ lý khi thay tã và làm vệ sinh cho các bệnh nhân. Các mạnh thường quân cũng sẵn sàng “chi mạnh” để cứu người. Các cấp lãnh đạo cũng căng đầu tính toán, nghĩ ra đủ cách để đảm bảo các chốt giữ an toàn cho dân và gìn giữ môi trường sống ngày một tốt hơn.

Hơn bao giờ hết, “bình an và bình thường” trở thành khao khát chung của cả nhân loại trong cơn đại dịch. Dịch bệnh đã cho thấy “Người giàu cũng khóc”. Họ khóc vì dù có lắm tiền nhiều của thì bây giờ cũng khó mua được một mớ rau xanh, chứ nói chi đến việc mua sức khỏe và hạnh phúc… Dịch bệnh đã tàn phá kinh tế, môi trường và nhất là mạng sống con người. Mọi người đều ước mong được trở lại cuộc sống bình thường vốn có.

Tự đáy lòng, tôi thầm tạ ơn Chúa vì qua cơn dịch bệnh này, tôi biết trân quý những gì đang có: Sức khỏe, tình người, môi trường sống… Bệnh nhân 6022 đã chia sẻ với tôi: “Tôi theo đạo Phật nên từ trước đến giờ tôi không có ý niệm gì về các sơ cả. Qua dịch bệnh này, tôi mới biết các sơ. Thật lòng tôi chỉ biết cúi đầu”. Tôi chẳng mong nhận được lời cảm ơn từ các bệnh nhân, nhưng tôi thấy mừng vì họ vui khỏe hơn và nhận thấy một sự nối kết rất lạ kỳ giữa thời dịch bệnh.

Qua việc phục vụ bệnh nhân Covid, tôi càng hiểu rõ hơn về gương mẫu phục vụ của Chúa Giêsu: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Người còn dạy các môn đệ rằng: “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị… nhưng giữa anh em không phải như thế” ( Lc 22,25- 27). Quả thật, trong thời gian dịch bệnh đã không còn tồn tại sự phân biệt giữa người (bệnh nhân) giàu nghèo hay thuộc tôn giáo nào… mà chỉ có chung một mục đích: các bệnh nhân mau bình phục và cầu mong dịch bệnh mau chấm dứt.

Tôi thầm cảm tạ Chúa vì Ngài đã cho tôi được làm con Chúa, được sống ‘Ơn Gọi’ dâng hiến và được thấy sứ mạng của chúng tôi thật ý nghĩa trong thời dịch bệnh.

Têrêsa Nguyễn Thị Dung
Dòng Đaminh Gò Vấp 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 19 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Hai, ngày 09.8.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 08.8.2021