Thứ Ba, 12 tháng 10, 2021

"NGANG QUA CUỘC ĐỜI"

"NGANG QUA CUỘC ĐỜI"

Mưa vẫn rả rích, từng giọt tí tách rơi làm cho mặt hồ đối diện quán trọ lăn tăn gợn sóng. Ánh đèn chiếu qua hàng cây, xuyên xuống mặt hồ, phản lên những mảng sáng lung linh tuyệt đẹp. Chen lẫn với tiếng mưa là âm thanh ồn ào của động cơ xe máy, của tiếng còi ô tô đua nhau vang lên liên hồi. Thi thoảng, tiếng còi hú của xe cứu thương lại cất lên não nề, phá vỡ không gian tĩnh lặng của màn đêm. Tất cả các âm thanh pha trộn với nhau như một bản nhạc trầm bổng, làm tôi cũng muốn hoà quyện theo khi đang đứng bên cửa sổ để cảm nhận sự vật chung quanh.

Lúc này, có lẽ mọi người đã say giấc, nhưng tôi không thể thôi đứng nhìn mưa rơi qua cửa sổ, bao nhiêu ký ức chợt ùa về như những thước phim quay chậm:

Giờ này chị ấy có ngủ được không? Sáng nay, mẹ của chị ấy trở bệnh nặng và được chuyển xuống khoa ICU. Nhìn chị khóc nức nở đến nỗi khàn cả giọng, miệng kêu gào : “Con muốn mẹ khỏe để trở về cùng con, con cực khổ thế nào cũng được, con có làm trâu làm ngựa cũng được, chỉ mong sao mẹ khỏe lại. Con xin Chúa và Mẹ nhiều lắm nhưng sao Chúa và Mẹ chưa nhận lời con…”. Tiếng kêu gào của chị khiến ai chứng kiến, dù có sắt đá đến đâu cũng chạnh lòng. Bất chợt, tôi cảm thấy nghẹn ngào, vì tôi cũng đã từng trải qua những giờ phút như chị ấy, khi lời khẩn nguyện lên Chúa chưa được đáp lời. Những lúc ấy, tôi giống như người đi trong đêm tối của đức tin.

Chị thân mến!

Em chỉ biết nói với chị rằng: hãy tin tưởng vào tình thương của Chúa. Chúa có nhiều cách và đường lối của Ngài khác đường lối của chúng ta nên chúng ta không thể biết được. Chị hãy tin tưởng vì Chúa không bao giờ bỏ rơi ai. Có thể Ngài không ban cho chị ơn mà chị đang xin nhưng Ngài sẽ ban cho chị một ơn khác - đó là ơn chịu đựng. Chúa không bao giờ đóng hết các cửa, Ngài đóng cửa chính thì sẽ mở cửa phụ cho chị…

Hơn bao giờ, chị phải cố gắng ăn uống cho mau khỏe để trở về với gia đình, nơi con gái và em trai đang cần và mong chị mau về với họ. Còn mẹ của chị, đã có các bác sĩ và các anh chị điều dưỡng ngày đêm chăm sóc. Chị đừng buồn nữa nhé.

Miên man trong hồi tưởng, tôi lại nhớ về một người đã chuyển vào khoa này ba ngày trước. Cô ấy có khuôn mặt rất phúc hậu giống như được tiền định sẵn để hợp với cái tên Tâm. Khi tiếp xúc, tôi được biết cô sinh ra trong một gia đình ngoại đạo và cũng là người duy nhất trong gia đình tin theo Chúa, đến nay đã được sáu năm. Vì tò mò, tôi đã hỏi lý do cô theo đạo. Cô chia sẻ là vì cô được ơn nên đã xin vào đạo. Tên thánh của cô cũng rất đặc biệt, đó là Têrêsa Calcutta, vì cô thích những việc làm của Mẹ Thánh mà cô đã chọn. Cô hỏi tôi và thầy làm cùng ca tên thánh là gì để cô cầu nguyện.

Quả thực, những việc đạo đức mà cô thực hành đã nói lên phần nào lòng mộ đạo của cô. Tôi thấy trên tay cô lúc nào cũng lần tràng chuỗi mà tôi đã tặng. Hình ảnh này khiến tôi cảm kích. Đức tin của cô ấy có lẽ cũng mạnh như lòng tin của ông trưởng Hội Đường khi xin cho con gái của mình khỏi bệnh (Mc 5,21-43).

Nhìn lại chính mình, sinh ra đã được làm con Chúa và đến nay đã theo Chúa được hơn bốn mươi năm. Mặt khác, tôi lại đang sống trong đời Thánh hiến lâu rồi, thế mà tôi không biết đức tin của mình có bằng cô ấy không. Tôi cảm thấy thẹn với lòng.

Sau đó, hình ảnh của một thầy trong đoàn ùa về cũng khiến tôi rất cảm kích. Thân hình thầy gầy gò, nhưng mỗi ngày thầy luôn làm hai ca. Thầy có mặt trong tất cả các khoa. Khi thì đi cắt tóc cho mọi người, lúc thì đi bôi thuốc vào những chỗ lở của bệnh nhân nằm quá lâu... Thầy thường giúp tôi làm ca tối. Bước vào phòng bệnh, điều đầu tiên là thầy nhìn vào bảng tên ở cuối giường và gọi tên bệnh nhân như đã từng tiếp xúc với họ rất lâu rồi, nhưng quả thực đó là lần đầu tiên thầy gặp gỡ họ. Thầy luôn niềm nở, động viên và khích lệ các bệnh nhân. Mặc dù chỉ làm việc chung với thầy có mấy lần nhưng tôi cũng đã cảm nhận được lòng nhiệt huyết và sự tận tâm của người thầy. Thầy là người đã truyền cảm hứng cho tôi khi phục vụ bệnh nhân covid.

Quả thật, có nhiều người đã đi ngang qua cuộc đời của tôi, có những người lặng lẽ như một cái bóng, làm những công việc âm thầm không ai biết tới như các cô chú lao công dọn rác, hoặc như các chú bảo vệ ngày đêm canh gác. Có những anh chị làm trong khoa dinh dưỡng, đã ân cần đưa từng chai nước hoặc hộp sữa với lời dặn dò : “Mới làm việc mệt, uống hộp sữa cho tỉnh nè. Lấy thêm cái bánh mì ăn cho no em…”. Hay như các bác sĩ và anh chị điều dưỡng luôn nhiệt tâm chữa trị cho các bệnh nhân... Tất cả đã dệt nên một bức tranh thật đẹp trong cuộc đời của tôi.

Cám ơn tất cả mọi người đã đi ngang qua và cùng song hành với tôi trong cuộc đời. Nhưng hôm nay, tôi muốn nói lên lời tri ân đặc biệt đến các bệnh nhân - những người đã cho tôi nhiều trải nghiệm và cơ hội được phục vụ. Họ đã khiến tôi không còn nghĩ cho sự an toàn của riêng mình mà dấn thân phục vụ vô vị lợi, đã cho tôi sức mạnh để vươn lên giống như khi họ cố giành lại sự sống qua việc nỗ lực hợp tác với các bác sĩ trong việc chữa trị. Đêm nay, tôi sẽ dâng tất cả bệnh nhân cho Chúa Nhân Lành, xin Ngài ban cho họ sức khỏe để trở về với gia đình. Xin Chúa cũng ban thêm lòng mến và niềm trông cậy cho họ, vì Ngài đã từng nói : “Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". (Mt 11,28).

Trong giây phút tĩnh lặng của giây phút nửa đêm, tôi đã dâng lời ngợi ca Chúa:

Tạ ơn Chúa dủ lòng thương
Phận tỳ hèn mọn xin nương tựa Ngài
Nhọc nhằn vất vả trên vai
Con vui nhận lấy miệt mài dấn thân.


Bích Huyền - MTG Đà Lạt
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 12.10.2021


Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

LỜI CẦU KHẨN TRONG LÚC TUYỆT VỌNG

LỜI CẦU KHẨN TRONG LÚC TUYỆT VỌNG

TGPSG / Aleteia -- Lời kinh “Dẫn con từng bước” của thánh John Henry Newman có thể là lời cầu nguyện mạnh mẽ cho những ai bị thử thách đến mức tuyệt vọng.

Giữa lúc khó khăn và thất vọng, Thánh John Henry Newman đã được truyền cảm hứng để viết nên bài thánh ca nổi tiếng “Dẫn con từng bước”. Đây cũng là một lời kinh tuyệt vời mà tất cả chúng ta có thể cầu nguyện trong thời khắc tối tăm và thiếu hy vọng, do hoàn cảnh hay do căn bệnh trầm cảm. Đó là lời kinh tha thiết khẩn cầu Thiên Chúa dẫn đưa chúng ta đến ánh sáng và ban cho chúng ta niềm hy vọng, khi mọi niềm hy vọng đều đã tiêu tan.

Ánh sáng dịu êm, dẫn con
Ánh sáng dịu êm, dẫn con đi tới,
Đi tới giữa khơi mịt mùng.
Trời khuya thanh vắng lạnh lùng,
Bước chân lưu lạc, quê hương xa vời.
Dẫn con vững bước trên đời,
Con không cầu thấy chân trời xa xôi.
Dẫn con, dẫn con từng bước.
Dẫn con từng bước, từng bước một thôi.

Nhớ những ngày qua,
Chúa ơi nhớ những ngày qua,
Đã không xin Chúa, xin Chúa dẫn đưa trên đường.
Đường đi mong thấy tỏ tường,
Biết bao tham vọng, cho tương lai đời.
Dẫn con, Ánh sáng trên trời,
Xua đi lầm lỗi một thời kiêu sa.
Chúa ơi, Chúa ơi đừng nhớ.
Chúa ơi đừng nhớ, đừng nhớ ngày qua.

Chúa dắt dìu con, bấy lâu
Chúa dắt dìu con,
Vững tin tay Chúa,
Tay Chúa vẫn luôn chỉ đường.
Vượt qua muôn khó dặm trường,
Núi non hoang địa, mây vương loang trời.
Tới khi bóng tối qua rồi,
Trông lên Thần sứ, mỉm cười hân hoan.
Dẫn con, dẫn con về chốn,
Dẫn con về chốn, về chốn bình an.”
(Chuyển ngữ lời kinh: Duy Minh; phổ nhạc: Lm. Kim Long)

Philip Kosloski (Aleteia)
Maria Ngọc Tỷ (TGPSG) chuyển ngữ 
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 12.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TU SĨ VÀ QUÊ HƯƠNG

TU SĨ VÀ QUÊ HƯƠNG

Tác giả: Dinh Luyen Vu, OFM Conv.

WGPBC (11.10.2021) - Mỗi người chúng ta đều có một quê hương, nơi sinh ra và lớn lên. Khi trưởng thành, mỗi người chọn cho mình một nơi để sống và làm việc. Chắc chắn rằng quê hương ở trong ký ức mỗi người, nhưng vì cơm áo hay học tập mà chúng ta phải xa nhà, xa gia đình. Sau khi Sài Gòn gỡ bỏ lệnh giãn cách, mọi người ùn ùn kéo nhau về quê. Cũng có những người chỉ về khi có ba mẹ qua đời. Họ hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong các Đan Viện kín. Đó là những người đã đáp trả lời mời gọi của Chúa sống đời dâng hiến hay những tu sĩ đang dấn thân truyền giáo ở khắp nơi trên thế giới theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng” (Mc 16, 9-18).

Trong cuộc sống xa quê, môi trường khác văn hóa, khi gặp khó khăn các tu sĩ cũng cần sự an ủi, đỡ nâng. Một trong những nguồn an ủi lớn lao của họ là sự gắn kết với quê hương và gia đình. Quê hương là một phần máu thịt của mỗi người. Dù dấn thân phục vụ ở một đất nước xa xôi, các tu sĩ vẫn luôn mang trong mình hơi thở của quê hương. Ai nói mình đã hoàn toàn từ bỏ quê hương thì e rằng họ đang dối lòng. Thời buổi công nghệ 4.0 phát triển giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn trước. Nếu như các nhà truyền giáo thời xưa muốn gửi thư về gia đình phải mất mấy tháng đường biển thì bây giờ người tu sĩ với chiếc smartphone có thể trò chuyện hàng giờ với người thân trong gia đình hay bạn bè gần xa. Ngay cả các công việc mang tính mục vụ như tư vấn, đồng hành thiêng liêng vẫn có thể được thực hiện dễ dàng qua mạng. Người tu sĩ trở nên gần gũi hơn với người khác khi họ đưa lên mạng những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày hay những dòng tâm sự nhỏ to bày tỏ nỗi niềm.

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu như công nghệ là phương tiện giúp người tu sĩ kết nối với người khác thì nó cũng có nguy cơ làm người tu sĩ bớt nhiệt tình dấn thân cho lý tưởng đời tu. Khi tôi hỏi một bà cố có con đang tu ở nước ngoài “Bà cố có nhớ con mình không?”, bà trả lời: “Ối dào, có gì đâu mà nhớ, ngày nào cũng thấy nó chường mặt trên Facebook đó thôi!” Tôi không nghĩ đó không phải là lời nói bâng quơ, bởi vì đằng sau câu nói đó là cả một nỗi niềm về đời tu của con mình. Tâm lý con người vốn rất rõ ràng, mỗi khi quan tâm một điều gì đó quá nhiều thì những điều khác trở nên ít quan trọng hơn. Không có tu sĩ nào tu trên “cõi phây” cả. Dù người tu sĩ chia sẻ tất tần tật những việc họ làm, những điều họ nghĩ về đời tu trên facebook thì mạng xã hội vẫn không thay thế được tu viện hay đời sống cộng đoàn.

Khi xưa các thừa sai “chân bước đi đầu không ngoảnh lại” thì ngày nay nhiều tu sĩ sống ở xa quê vẫn một lòng hướng về “quê hương.” Phải chăng đó là một dấu hiệu cho thấy họ vẫn chưa thực sự từ bỏ mọi sự để bước theo Chúa? Xin thưa, theo Chúa không có nghĩa là cắt đứt liên lạc với gia đình hay xóa bỏ tình liên đới với quê hương đất nước. Người môn đệ của Chúa được mời gọi dấn thân trọn vẹn trong sứ mạng được giao ở vùng đất mới. Người ta gọi đó là việc hội nhập văn hóa hay sống mầu nhiệm nhập thể. Vì lòng yêu mến dành cho các linh hồn, người tu sĩ hăng say phục vụ bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu, không nhất thiết phải là đồng bào dân tộc mình. Thực ra, căn cốt của đời tu ở đâu cũng giống nhau: sống tinh thần cầu nguyện và dấn thân phục vụ tha nhân. Nếu không có được điều căn cốt đó thì những mối tương quan trên mạng xã hội sẽ trở thành cám dỗ khiến tu sĩ xao nhãng đời tu.

Tôi thật sự khâm phục các tu sĩ đã quảng đại đáp lại lời mời gọi lên đường loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa biết Chúa hoặc đã biết Chúa nhưng bỏ bê đời sống đức tin. Họ là khí cụ loan báo Tin Mừng của Chúa. Họ phải chịu thiệt thòi không nhỏ về mặt tình cảm khi phải sống xa quê hương gia đình. Về mặt con người, họ không thể tránh được những phút giây yếu lòng, cô đơn, nản chí. Họ thực sự cần đến những lời động viên an ủi từ gia đình, bè bạn. Tuy nhiên, chính họ cũng phải tỉnh táo phân biệt giữa những nguồn an ủi lành mạnh và những cạm bẫy đến từ mạng xã hội. Họ cần đến những người bạn chân thành, ở trong dòng hay ngoài dòng, để trút bầu tâm sự. Họ cũng cần những tu sĩ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm làm vai trò linh hướng, giúp họ vượt qua khó khăn. Họ nên tìm niềm vui trong công việc phục vụ của mình, dù đó là những hy sinh thầm lặng ít ai biết đến. Quan trọng nhất là họ phải khát khao mong chờ tìm được hạnh phúc trong tương quan thân mật với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện cá nhân.

Sứ mạng phục vụ của Giáo hội không phân biệt màu da, sắc tộc. Đã chọn lựa đời tu là sẵn sàng chấp nhận đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để danh Chúa được tôn vinh. Chắc chắn trong lòng mỗi tu sĩ xa quê dù đang học tập hay làm việc thì họ vẫn luôn đậm tình quê hương đất nước. Tuy nhiên, càng yêu mến quê hương thì khí chất của người Việt nơi người tu sĩ càng cần phải thể hiện rõ ràng hơn: giữ lòng đạo sắc son, sống đời tu gương mẫu, bình an và triển nở trong sứ mạng được giao. Sống xa quê chính, Tu sĩ là những con người đang tiếp nối trang sử hào hùng của các thánh tử đạo Việt Nam, trung kiên làm chứng đức tin không chỉ trên quê hương mà còn trên khắp cả thế giới.

Nguồn: gpbuichu.org
(WHĐ)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 11.10.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 11.10.2021


Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ HAI TUẦN 28 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Hai, ngày 11.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

CHỨNG TÁ THẦM LẶNG NHƯNG MẠNH MẼ CỦA THÁNH GIUSE TẠI FATIMA

CHỨNG TÁ THẦM LẶNG NHƯNG MẠNH MẼ 
CỦA THÁNH GIUSE TẠI FATIMA

Tác giả: Michael R. Heilein

Trong tất cả những lần hiện ra cũng như các sứ điệp tại Fatima một thế kỷ trước đây có một phần tạo nên biến cố này thường bị bỏ qua. Soeur Lucia, người chứng kiến cuộc hiện ra tại Fatima và sống lâu nhất, đã ghi lại trong nhật ký của mình rằng vào ngày 13 tháng 10 năm 1917 - “ngày mặt trời nhảy múa” - thánh Giuse đã hiện ra tại Fatima. Thánh Giuse ẵm Hài nhi Giêsu như thể cả hai đang chúc lành cho thế giới. Mặc dù có một số chi tiết được ghi lại về thời gian ngắn ngủi của thánh Giuse tại biến cố Fatima, nhưng điều thú vị là cũng giống như khi xuất hiện trong Tin mừng - thánh Giuse không thốt ra một lời nào.

Việc hiện ra rõ ràng nhưng đơn sơ của thánh Giuse tại Fatima khiến người ta ít thắc mắc tại sao chi tiết nhỏ này lại bị bỏ qua trong sự kiện Fatima.

Tuy nhiên, bất chấp thực tế đó, sự xuất hiện của thánh Giuse trong lần hiện ra cuối cùng tại Fatima là một điều đầy ý nghĩa liên hệ đến lời hứa hòa bình của Đức Mẹ Fatima.

Hòa bình và gia đình

Các sứ điệp ở Fatima rõ ràng có ý đề nghị một lần nữa bản chỉ đường mà nhân loại nên tuân theo để có hòa bình của Thiên Chúa. Hòa bình, như được nhắc lại cho những ai nghe sứ điệp Fatima, là kinh nghiệm trong cuộc sống khi chúng ta cầu nguyện và thực hiện bác ái hy sinh, cơ bản là bắt chước Chúa Kitô. Hòa bình đòi hỏi sự khiêm nhường và vâng phục chương trình của Thiên Chúa dành cho nhân loại như được mặc khải trong Kinh thánh và Thánh truyền.

Cuối cùng, lời hứa hòa bình của Đức Mẹ tại Fatima là kết quả của việc sống theo Thánh ý Chúa. Chính vì lý do đó, sự kiện Fatima đặt trước chúng ta tấm gương của Đức Maria và Trái Tim Vẹn sạch của Mẹ - là mẫu mực bắt chước sự vâng phục của Con Mẹ đối với ý muốn của Thiên Chúa qua yêu thương và hy sinh.

Khi sống theo ý Chúa, chúng ta phải thừa nhận một nền tảng thiết yếu khác trong con đường tiến tới hòa bình là gia đình. Thiên Chúa đã thiết lập gia đình như là một đơn vị cơ bản của xã hội loài người, và Ngài đã đi vào công trình sáng tạo với tư cách là thành viên trong một gia đình để tôn vinh thể chế này. Nhiều người ngày nay, ở các mức độ khác nhau, đang cố gắng định nghĩa lại gia đình. Tuy nhiên, kế hoạch của Thiên Chúa rất rõ ràng và được thể hiện trên tất cả trong Thánh Gia Thất ở Nazareth.

Thể chế gia đình ngày nay đang bị phá hủy và sụp đổ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều người trong thế giới hiện đại tin rằng các khái niệm của Kitô giáo về hôn nhân và tính dục của con người đã lỗi thời. Việc chỉ trích những hạn chế tự do theo nhãn quan Kitô giáo về hôn nhân và tính dục đang thịnh hành (một cách sai trái). Nhưng cùng với sự phê phán này, chắc chắn thế giới đồng thời rất cần và khao khát hòa bình.

Sống như Thiên Chúa muốn là một thực tế giả định việc làm nghĩa tử của nhân loại trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta, có thể nhận biết nơi việc tạo dựng và được mặc khải đầy đủ hơn trong Đức Giêsu - Con của Ngài.

Sự hiện diện của Thánh Giuse trong những lần hiện ra tại Fatima gợi lên thực tế này và nhắc nhở chúng ta rằng sự phát triển tốt đẹp của đời sống gia đình là một phần thiết yếu trong kế hoạch hòa bình của Thiên Chúa. Thánh Giuse đã làm gương cho lối sống đó bằng cách sống ơn gọi của mình như một người cha, người chồng và tôi tớ mẫu mực của Chúa.

Thánh Giuse, một người cha

Sự hiện diện của thánh Giuse tại Fatima làm nổi bật gương mẫu của ngài về tình phụ tử và vai trò thiết yếu của nó đối với sự hưng thịnh của nhân loại. Các sách Tin Mừng giải thích rằng thánh Giuse đã lo liệu cho Thánh Gia trong mọi hoàn cảnh.

Thánh Giuse là người “được giao phó những kho tàng quý giá nhất của Thiên Chúa”, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói như thế trong sắc lệnh đặt thánh Giuse làm bổn mạng Giáo hội hoàn vũ. Với trách nhiệm và tình thương, Thánh Giuse đã truyền lại cho Đức Giêsu những truyền thống, nghi lễ, phong tục và lời kinh của niềm tin Do Thái.

Đức Phaolô VI cũng khuyến khích những người cha trong một buổi tiếp kiến ​​chung tháng 8 năm 1976: “Và những người cha trong gia đình, quý vị có cầu nguyện với con cái mình, trong cộng đoàn tại gia, ít là đôi lần không? Tấm gương trung thực trong suy nghĩ và hành động của quý vị, cùng với lời cầu nguyện chung nào đó, là một bài học cho cuộc sống, một hành vi thờ phượng có giá trị phi thường. Bằng cách này, quý vị mang lại hòa bình trong ngôi nhà của quý vị: Pax huic domui (Bình an cho nhà này). Hãy nhớ rằng, khi làm như thế, quý vị xây dựng Giáo hội”.

Đây là tất cả những gì hiện diện tại Fatima, như một nhân chứng cho thế giới, được gói gọn nơi hình ảnh thánh Giuse dịu dàng và âu yếm ẵm Con Thiên Chúa đã được giao phó cho Thánh nhân chăm sóc. Cả hai cùng cầu xin, khẩn nguyện Thiên Chúa chúc lành cho thế giới.

Thế giới ngày nay trải qua vô số những xáo trộn do việc thiếu vắng người cha. Nhiều nghiên cứu liên tục đưa ra cùng một dữ liệu. Trẻ em không có bóng dáng người cha đều thiếu một điều gì đó.

Đa số trẻ em xuất thân từ những gia đình không có cha đều trải qua cảnh nghèo khó, rất dễ lạm dụng ma túy và rượu, bỏ học hoặc trở thành nạn nhân của nhiều loại bệnh tật tinh thần và thể chất. Không có cha, thì thiếu niên có xu hướng bạo lực và tội phạm cao hơn, và thiếu nữ có nhiều khả năng mang thai ở tuổi vị thành niên.

Thánh Giuse, một người chồng

Soeur Lucia cho biết tại Fatima thánh Giuse không chỉ ẵm đứa con của Thiên Chúa mà Ngài còn ở cạnh Đức Trinh Nữ Maria. Đáng chú ý biết bao khi thánh Giuse xuất hiện cùng bạn trăm năm thánh thiện của Ngài.

Chi tiết nhỏ này nhấn mạnh tình yêu và lòng trung thành của Thánh Giuse đối với Đức Mẹ. Thánh Giuse được chọn đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ, điều này không có gì phải bàn cãi. Nhưng theo chương trình của Chúa, ngài cũng được chọn làm chồng của Đức Maria - gánh vác tất cả vai trò của người chồng. Cám dỗ quên đi việc chọn lựa hôn nhân này là điều phải tránh. Các số liệu thống kê ở các nước phát triển đang dao động ở những nơi quan tâm đến hôn nhân - gần một nửa các cuộc hôn nhân kết thúc bằng việc ly hôn. Tính vĩnh viễn, sự cam kết và chung thủy của hôn nhân đều bị coi là những hạn chế tự do con người.

Nhưng đối với Thánh Giuse, đời sống và tình yêu không còn là cho chính mình khi ngài cam kết với Đức Maria. Các sách Tin mừng cho thấy cách thánh Giuse biết rằng để hôn nhân được bình an, cả vợ chồng phải sẵn sàng chết đi cho chính mình mỗi ngày. Vợ hay chồng phải thực sự sống cho người phối ngẫu của mình. “Và hai người trở thành một xương một thịt” - tại Fatima, chúng ta nhận ra tình yêu vợ chồng - ở đâu có Đức Maria thì thánh Giuse ở đó.

Đức Trinh Nữ và thánh Giuse được kết hợp trọn vẹn nhất qua biến cố Nhập Thể: “Cùng với Đức Mẹ, thánh Giuse đã tham dự vào mầu nhiệm đó, đã được lôi cuốn vào trong thực tại của cùng một biến cố cứu độ; và được ký thác cùng một tình yêu, nhờ đó, Chúa Cha vĩnh cửu đã “tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Ðức Giêsu Kitô” (Ep 1,5).” Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói như thế trong tông huấn năm 1989 về thánh Giuse - Custos Redemptoris (Đấng gìn giữ Chúa Cứu Thế).

Thánh Giuse và Đức Maria làm gương cho sự hợp nhất trong hôn nhân từ sự hợp nhất trong Chúa Kitô. Khi vợ/chồng thực sự tìm cách sống như Đức Kitô cho người phối ngẫu của mình, họ đang đặt nền móng tốt tươi để hòa bình có thể triển nở. Cầu nguyện và tình yêu tự hiến là một trong những hạt giống đó. Khi nêu gương lối sống này cho con cái, những đôi vợ chồng Kitô giáo đã phục vụ nhân loại một cách tuyệt vời.

Đức Gioan Phaolô II đã nêu bật vai trò trung tâm của gia đình trong Tông huấn hậu thượng hội đồng Familiaris Consortio: “Tương lai của nhân loại đi qua đường gia đình” (số 86).

Thánh Giuse, người tôi tớ

Đức Gioan Phaolô II đã cầu nguyện rằng các tín hữu sẽ hướng về Thánh Giuse như một mẫu gương mạnh mẽ của đời sống Kitô hữu, và “luôn thấy được cung cách mà Ngài đã khiêm nhường và khôn ngoan phục vụ và ‘tham dự’ vào nhiệm cục cứu độ” (Custos Redemptoris, 1).

Cách phục vụ Thiên Chúa khiêm nhường và chín chắn này được minh chứng qua một trong những đặc điểm chính yếu của thánh Giuse trong Tin Mừng và khi hiện ra tại Fatima: sự thinh lặng.

Tuy nhiên, thinh lặng không có nghĩa là tự mãn. Sự thinh lặng của thánh Giuse nêu bật việc phân định trong cầu nguyện để biết ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng hơn thế nữa, sự thinh lặng minh họa ước muốn hết lòng, không do dự của thánh nhân để thực hiện ý Thiên Chúa – Thánh Giuse không đặt một câu hỏi nào cả!

Những gì chúng ta biết về thánh Giuse từ Tin Mừng đều đòi hỏi sự vâng phục trung tín như thế. Nhưng sự vâng phục đó không phải là viển vông, nó là kết quả của lối sống dựa trên sự cầu nguyện và đức ái hy sinh. Thánh Giuse là một con người hành động, hiến dâng cuộc sống mình để đạt được các mục đích của Thiên Chúa trong cuộc đời. Ngài không bị lôi cuốn vào chính mình hoặc vào những mong muốn, sợ hãi hay ý kiến ​​của bản thân. Ngài lắng nghe và đáp lại tiếng Chúa.

Làm sao thánh Giuse có thể làm bất cứ điều gì mà chúng ta biết về ngài - một người chồng trung thành và yêu thương, một người cha tận tụy, chăm sóc và một tôi tớ vâng lời của Thiên Chúa - nếu sự thinh lặng không phải là một phần trong cuộc sống của ngài? Sự thinh lặng đã thúc đẩy thánh Giuse trong cầu nguyện và yêu mến, đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa dành cho ngài.

Thánh Giuse đã làm gương cho thấy hòa bình xuất phát từ lối sống này – sau cùng, hoa trái cuộc đời ngài là đem lại một mái ấm cho Đức Giêsu, Hoàng tử Hòa bình. Tuy có vẻ như không đáng kể, nhưng sự hiện diện của Thánh Giuse đã làm tăng thêm chiều sâu và triển vọng cho sứ điệp Fatima.

Lm. Giuse Nguyễn Thanh Phong chuyển ngữ
theo simplycatholic.com

Nguồn: giaophannhatrang.org (10.10.2021)
(WHĐ)