Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

GIA ĐÌNH TÔI VÀ THÁNH LỄ ONLINE THỜI COVID

GIA ĐÌNH TÔI VÀ THÁNH LỄ ONLINE THỜI COVID

TGPSG -- Đầu tháng Mười, khi đọc được thông báo của Tòa Tổng Giám Mục về việc các nhà thờ có thể dâng Thánh lễ hằng ngày dù có những hạn chế nhất định, tôi đã reo lên mừng rỡ. Vậy là tôi có thể trở lại nhà thờ, chốn thân thương để được viếng Chúa, gặp Cha, sẽ được gặp lại nhiều gương mặt thân quen sau những tháng ngày giãn cách, sẽ được cùng cộng đoàn tham dự Thánh lễ trực tiếp thay vì trực tuyến.

Năm ngoái, ngày 26/3/2020, lần đầu tiên có thông báo nhà thờ sẽ không có lễ vì dịch cúm Covid bùng phát, dẫu không quá bất ngờ, vậy mà lần đầu tiên xem lễ qua màn hình tivi tôi đã bất ngờ bật khóc. Nước mắt ràn rụa, không kềm được tiếng nức nở và có hơi xấu hổ trước mặt chồng con, nhưng lúc ấy tôi thực sự như đứa con đi hoang trở về đã khóc với cha mình, người cha nhân hậu. Suốt Thánh lễ, tôi tiếc nhớ những ngày tháng cũ, tự trách mình lười biếng sao trước kia không đến với Chúa mỗi ngày, hầu như tôi chỉ tham dự Thánh lễ chúa nhật và những ngày lễ buộc cho xong bổn phận mà thôi. Tôi ứa nước mắt nghĩ đến các linh mục đang một mình dâng lễ trong phòng thánh hay trong nhà thờ thênh thang vắng bóng giáo dân, chắc là các ngài buồn lắm. Cùng cảm giác đó tôi tham dự Thánh lễ online Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh năm 2020 nơi quảng trường Vatican rộng lớn, nhìn bóng Đức Thánh Cha liêu xiêu đổ dài theo ánh nến mà lòng đau theo tiếng kinh buồn.

Rồi thì cũng quen dần, tôi bỗng nhận ra những điều tích cực khi tham dự Thánh lễ online trong mùa dịch và tìm được ý Chúa qua những điều nho nhỏ.

Nếu trước đây tôi chỉ tham dự Thánh lễ mỗi tuần một lần thì bây giờ cùng với chồng tôi, tôi cũng dự lễ mỗi ngày, thậm chí có ngày hai lễ, tôi “gặp” được nhiều cha, nghe được nhiều bài giảng đầy ơn ích. Ngoài mỗi sáng dự lễ trực tuyến thường xuyên của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tôi còn được tham dự thánh lễ của các giáo phận khác.

Điều hạnh phúc nhất của gia đình tôi vào mỗi chiều thứ Bảy là cả nhà cùng tụ tập nơi phòng sinh hoạt nhỏ của gia đình để cùng tham dự Thánh lễ online. Chúng tôi cùng đọc kinh đầu lễ, cùng xét mình, cùng nghe chung bài giảng, cùng chúc bình an cho nhau... Mỗi khi chúc bình an, cả nhà chúng tôi ôm chầm lấy nhau trong niềm vui cảm tạ Chúa đã ban cho gia đình được bình an trong cơn đại dịch. Những lúc ấy mọi muộn phiền lo âu giận hờn tan biến, chúng tôi lại càng gắn bó yêu thương nhau hơn, không chỉ vì tình cảm gia đình mà còn vì tình yêu thương trong Chúa.

Đợt dịch đầu tiên, đợt 2, rồi đợt 3, đợt 4, cũng như mọi người, gia đình chúng tôi ngày ngày sống trong hoang mang. Nỗi sợ hãi càng cao theo tin tức mỗi ngày có thêm bao nhiêu người nhiễm bệnh, khi biết tin những người hàng xóm, những người thân quen qua đời... Dẫu ngày nào chúng tôi cũng dự lễ, cũng nguyện cầu, nhưng vẫn mãi âu lo, có lẽ vì đức tin không đủ lớn.

Cuối tháng Tám, những ngày được gọi là đỉnh dịch, gia đình tôi có đến 3 người nhiễm Covid và phải đi điều trị ở một bệnh viện tư. Không có triệu chứng nặng, vợ chồng tôi vẫn có thể tham dự Thánh lễ online mỗi sáng qua chiếc iphone dựng tạm trên chiếc tủ đựng dụng cụ PCCC nơi hành lang bệnh viện. Vừa xem lễ, vừa dõi mắt trông chừng đứa con dâu đang vật vã ho sốt bên trong, vừa nghĩ đến lũ con cháu F1 đang cách ly ở nhà, ứa nước mắt tiếc nhớ những Thánh lễ online đông đủ tại nhà mà bây giờ chỉ còn là nỗi khát khao.

Tạ ơn Chúa, gia đình chúng tôi cuối cùng đã được bình an và sum họp đầy đủ bên nhau. Cùng với niềm vui được trở lại nhà thờ dự lễ trực tiếp thì Thánh lễ online vẫn đang được duy trì cũng sẽ là niềm vui không thể thiếu trong gia đình nhỏ bé của chúng tôi.

Têrêsa Nguyễn Cẩm (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 30 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 26.10.2021 
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 26.10.2021


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 30 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Ba, ngày 26.10.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

19 TÌNH NGUYỆN VIÊN TÔN GIÁO CHIA TAY BỆNH VIỆN ĐIỀU TRỊ COVID-19 TRƯNG VƯƠNG

19 TÌNH NGUYỆN VIÊN TÔN GIÁO CHIA TAY 
BỆNH VIỆN ĐIỀU TRỊ COVID-19 TRƯNG VƯƠNG

TGPSG -- “Chưa bao giờ chúng con thấy Phật Giáo và Công Giáo gần nhau đến như thế,”
 
Đại đức Thích Nguyên An đã chia sẻ trong buổi lễ “Đón và Tri ân các tình nguyện viên Tôn giáo”, do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN TP HCM tổ chức để đón 19 tình nguyện viên tôn giáo (TNV) đã hoàn thành nhiệm vụ tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Trưng Vương, vào lúc 14g ngày 25-10-2021 tại Khách sạn Kỳ Hòa. (Số 238 đường 3/2, Phường 12, Quận 10).

19 TNV tôn giáo này gồm:
  • 11 tu sĩ và tín đồ Phật giáo;
  • 8 nữ tu thuộc Hội Dòng/Tu Hội: Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục (2), Mến Thánh Giá Tân Lập (3), Foyer Bình Triệu (1), Dòng Đa Minh Pompei (2).

Tiến sĩ điều dưỡng Thân Thị Thu Ba

Các TNV nhóm này dự tính đi là 6 tuần, nhưng nhóm đã về sớm hơn 2 tuần, theo Tiến sĩ điều dưỡng Thân Thị Thu Ba - Trưởng phòng điều trị Covid của Bệnh viện Trưng Vương (BVTV)cho biết là do số lượng bệnh nhân giảm, bệnh viện đang chuẩn bị trở về công năng ban đầu: Bệnh viện Đa khoa, khép dần các khoa điều trị Covid.

Tiến sĩ Thu Ba nói lên tâm tình khi các TNV Tôn giáo đến giúp bệnh viện: “tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng sự giúp đỡ của các Tu sĩ và các TNV đã góp phần rất lớn đã chăm sóc bệnh nhân, các TNV rất tận tình và tận tâm. Bệnh nhân được hồi phục rất ngoạn mục. Các TNV được lời khen ngợi từ các Y bác sĩ, họ làm việc không biết mệt mỏi, tuy không có chuyên môn nhưng các TNV học hỏi và bắt kịp nhịp với tốc độ làm việc của khoa. Nhờ các TNV, đội ngũ điều trị cũng được giảm tải.”

Nt Maria Nguyễn Thị Ngọc Anh - Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục chia sẻ thời gian phục vụ bệnh nhân trong khoa Hồi sức, mỗi ngày phải quan sát nét mặt và tình trạng của bệnh nhân để biết cách mà chăm sóc.

Nt Maria Nguyễn Thị Ngọc Anh
Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục

Cảm thấy rất bất ngờ khi thấy bệnh nhân không qua khỏi, vì mới hôm nay còn thấy họ ngày mai họ đi rồi, mới thấy họ còn thở, quay lại thấy hơi thở họ ngưng rồi. Nhưng vui lắm khi bệnh nhân được chuyển xuống khoa nhẹ.

Hôm nay phải ra về mà tâm trí vẫn nhớ các bệnh nhân mình đã phục vụ, nhất là bệnh nhân nặng còn ở lại, lòng cũng buồn lắm. Việc bây giờ là cầu nguyện cho họ mau về với gia đình.

Bạn Yến Linh – TNV Phật giáo nói lên những niềm vui:

Bạn Yến Linh – TNV Phật giáo

“khi bệnh nhân được rút ống thở để họ tự thở, lúc đó mình như tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục phục vụ các bệnh nhân khác; Khi bệnh nhân từ khoa Hồi sức Tích cực để được chuyển xuống khoa khác nhẹ hơn, họ đã vượt qua tử thần. Tuy không có nghiệp vụ, nhưng cố gắng làm hết sức có thể.

Yến Linh cũng chia sẻ bầu khí và kỷ niệm khi làm việc chung: “Các TNV Phật Giáo và Công giáo, các bạn rất dễ thương, luôn quan tâm nhau, hai bên có người nào không khỏe là hỏi thăm nhau rất tận tình. Khi làm việc rất đồng lòng với tiêu chí duy nhất là vì bệnh nhân, cho bệnh nhân.

Lễ “Đón và Tri ân”

Đến tham dự buổi lễ có sự hiện diện:

Về phía lãnh đạo thành phố: Bà Phạm Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM, Ông Nguyễn Văn Lượng - Phó trưởng Ban Tôn giáo TPHCM,

Về phía bệnh viện Trưng Vương: Tiến sĩ bác sĩ Lê Thanh Chiến – Giám đốc bệnh viện, Tiến sĩ điều dưỡng Thân Thị Thu Ba - Trưởng phòng điều trị Covid, Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ chức Cán bộ.

Về phía các tôn giáo, có sự hiện diện của: Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TPHCM, Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - Đại diện Tòa Tổng Giám mục TGPSG.

và 19 TNV đã tham gia chống dịch tại bệnh viện Trưng Vương.

Tiến sĩ bác sĩ Lê Thanh Chiến – GĐBV

Sau khi người dẫn chương trình nêu lý do buổi lễ, Tiến sĩ bác sĩ Lê Thanh Chiến - GĐBV thông tin về kết quả tham gia của các TNV tại BV: “BVTV là BV hạng 1 TPHCM, từ ngày 18-6 được sự chỉ đạo của Sở Y Tế đã chuyển công năng toàn bộ sang điều trị bệnh nhân covid 19, khi đó BV gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho bệnh nhân.

Thời gian cao điểm 15-7 đến 30-9 dịch bệnh hoành hành, diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Nhiều ca bệnh nặng, nhiều trường hợp cần chăm sóc đặc biệt. Chính sự hỗ trợ kịp thời của các TNV, cách riêng sự có mặt của 19 TNV Tôn giáo đã giúp bệnh viện điều trị bệnh nhân tốt hơn, lực lượng TNV chủ yếu tham gia chăm sóc bệnh nhân tại các khoa chăm sóc bệnh nhân nặng – Khoa Hồi sức tích cực chống độc.

Nhờ bàn tay và sự yêu thương của các TNV đã giúp cho người bệnh phục hồi nhanh. Thời gian cao điểm nhất của BVTV tiếp 850 Bệnh nhân, bệnh nhân nguy kịch thở máy lên 300 người. Đến sáng hôm nay, lượng bệnh nhân covid trong bệnh viện giảm còn lại 166 BN trong đó có 43 trường hợp còn thở oxy, 8 trường hợp thở máy, qua đó nói lên sự vào cuộc rất quyết liệt của thành phố của sở y tế, của các ban ngành đoàn thể, đặc biệt của lực lượng TNV Tôn Giáo.

Kết thúc Tiến sĩ Bác sĩ cảm ơn các TNV đã giúp cho bệnh nhân và giúp cho bệnh viện trong thời quan qua.

Tiếp theo bà Phạm Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM đã có lời chia sẻ niềm vui khi các TNV hoàn thành sứ mạng, nhưng bà cũng chia sẻ nỗi lo lắng của một số TNV bị phơi nhiễm, bà nói: “chúng ta dấn thân, chúng ta đã gặp đau thương, lại càng ý nghĩa hơn khi chúng ta lao vào cuộc chiến với sự sống của bệnh nhân, không toan tính. Chấp nhận bước vào để phục vụ.

Dù là Công Giáo hay Phật giáo, chúng ta luôn hướng về cộng đồng, sống “tốt đời đẹp đạo”, cùng nhau chung sức để đẩy lui dịch bệnh. Mỗi TNV góp vào trang sử đẩy lùi dịch bệnh của thành phố: “người thật việc thật”, những hình ảnh của TNV Tôn giáo tham gia trong lực lượng tuyến đầu, là hình ảnh đầy tình người đã trở thành một giải pháp, nghiên cứu và chiến thắng dịch bệnh không dừng lại ở ngành y mà là ý thức và nỗ lực của cả cộng đồng.

Bà cũng cảm ơn các y bác sĩ BVTV đã cho các TNV có cơ hội đóng góp. Cảm ơn các tổ chức Tôn giáo đã chung tay trong các hoạt động an sinh xã hội.
 
Chia sẻ của các TNV

Đại đức Thích Nguyên An của Chùa Phổ Minh

Đại diện Phật giáo, Đại đức Thích Nguyên An của Chùa Phổ Minh nói lên tâm tình đối với các cấp chính quyền, và BVTV đã tạo điều kiện để các TNV Tôn Giáo phục vụ bệnh nhân, có cơ hội chung một mái nhà, cùng nhau tu tập và thể hiện tình nhân ái qua việc phục vụ bệnh nhân.

Đại đức chia sẻ: “chưa bao giờ chúng con thấy Phật Giáo và Công Giáo gần nhau đến như thế, chúng con coi nhau như là chị em trong gia đình, cùng nhau chung sức xây dựng mái ấm tình thương, cống hiến hết sức mình lo cho tất cả bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh.

Cuộc sống hết sức vô thường nên chúng con nói với nhau ‘mình sống ngày nào hãy sống thật tốt ngày đó’. Con rất biết ơn quý vị đã tạo điều kiện cho chúng con được phụng sự.”

Nữ tu Maria Nguyễn Minh Châu
Dòng Đa Minh Pompei

Đại diện Công giáo, Nữ Tu Maria Nguyễn Minh Châu - Dòng Đa Minh Pompei nói lên niềm tri ân vì được học nơi tinh thần phục vụ và chăm sóc bệnh nhân của các y bác sĩ, các điều dưỡng các nhân viên trong BVHV đã không ngại gian khổ, đổ mồ hôi và giành giật sự sống cho bệnh nhân. Cảm ơn các như nhân viên khách sạn Kỳ Hòa đã chăm lo cho các TNV có một nơi lưu trú thật đầy ắp tình người.

Nữ tu Maria cũng nói lên tình huynh đệ trong nhóm TNV Tôn Giáo luôn quan tâm, hỏi thăm nhau, đối với Nữ tu Maria: “bạn TNV Phật Giáo thật đáng yêu.”.

Phần phát biểu của Đại điện lãnh đạo các Tôn Giáo.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - Đại diện Tòa Tổng Giám mục TGPSG phát biểu: “theo lời chia sẻ của 2 đại diện TNV thì hôm nay có lẽ là ngày các TNV chia tay và tri ân các y Bác sĩ, những người đã đến trước các TNV vẫn tiếp tục ở lại. Các Y Bác sĩ đã dạy cho các TNV sự tận tụy, tấm lòng phục vụ. Chúng ta không hiểu hết những nhọc nhằn của các Y Bác sĩ, bên ngoài có bệnh người cũng kêu ca hay có những phản ứng tiêu cực đối với các Y Bác sĩ, nhưng trong thời gian dịch bệnh, qua hình ảnh của các Y Bác sĩ ngày đêm giành giật sự sống cho các Bệnh nhân, giúp cho họ thay đổi suy nghĩ về: Ngành y tế, cuộc đời, niềm tin Tôn giáo.

Thời gian phục vụ của các TNV tuy rất ngắn, nhưng bài học để đời rất quý giá, cùng với các bác sĩ sống giữa làn ranh sinh tử thì mọi người thấy sự sống rất đáng quý.

Riêng các tu sĩ công giáo thay mặt Đức Tổng cảm ơn các Bề trên, cảm ơn các gia đình các sơ.

Thượng tọa Thích Nhật Từ
Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TPHCM

Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TPHCM sau khi chia sẻ tình hình chung về đại dịch, Thượng tọa cho biết rất mừng vui khi những TNV của tôn giáo mình đã góp những bàn tay của Tâm từ bi, tâm bác ái trong giai đoạn khó khăn nhất.

Thay mặt phía Phật giáo cảm ơn Đại đức, sư cô và các Phật tử cũng như các nữ tu công giáo, những người đi làm thiện nguyện không đợi sự tri ân, nhưng không có, bàn tay và tấm lòng dấn thân của quý vị thì cuộc chiến chống dịch sẽ vất vả hơn.

Kết thúc buổi lễ các TNV ở lại thêm 1 ngày để chờ kết quả xét nghiệm trước khi đi về cách ly tại tại Tu hội Bác Ái Cao Thái.

Bài & Ảnh: Sơn Nữ SPC
 
 
(WGPSG)

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2021

KẺ NẰM YÊN, NGƯỜI ĐỨNG DẬY!

KẺ NẰM YÊN, NGƯỜI ĐỨNG DẬY!

Lm. Phêrô Trần Trọng Khương
Giáo phận Mỹ Tho

WGPMT (25.10.2021) - Đại dịch tạm qua đi, cơn bão dịch bệnh đã tan dần. Thông thường, khi cơn bão đi qua, tàn dư của nó là đống đổ nát hoang tàn: Nhà cửa sụp đổ, cây cao gãy cành nghiêng ngả, người chết chóc, chia ly, thất lạc, phân tán…

Còn bão dịch bệnh lướt qua, dư chấn của nó là: Có kẻ vĩnh viễn nằm yên bất động, có người người đứng dậy đầy những thương tích. Kẻ nằm yên bất động, vì thân xác được vùi chôn vào lòng đất, linh hồn rời bỏ thân xác mà trở về trình diện trước Nhan Thánh Chúa. Người người đứng dậy đầy những thương tích trên thân thể, do bởi di chứng của dịch bệnh để lại.
 
Nhưng đau thương hơn, là những xan chấn thương tổn về tinh thần: Nỗi buồn chán, vì dịch bệnh đã cướp đi người thân của họ. Sợ hãi vẫn còn hằn sâu trong tâm trí, bởi những ngày phải thở bằng máy, ăn cơm bằng ống, uống nước bằng bơm tiêm, di chuyển bằng băng ca cấp cứu.
 
Những ánh mắt trẻ thơ, dõi nhìn ra đầu ngõ mong mỏi mẹ cha trở về, nhưng chúng nào có biết, các ngài đã mãi nằm yên trong nấm mồ với hai nhúm tro tàn.
 
Kỷ niệm đau thương của những ngày phải ở yên trong nhà nhiều tháng liền, không phải để nghỉ ngơi nhưng là để lo sợ.
 
Những quảng trường, những con đường, phố thị tấp nập trở nên vắng lặng đến lạ thường. Đúng là sự bình yên của chết chóc.
 
Tiếng rít của xe cứu thương mài bánh trên những con đường, để lại sau lưng tiếng còi hụ hối hả như báo hiệu: Lại có một người nữa đang cố hít sâu, thở mạnh để níu kéo, để giành lại từng giây, từng phút của sự sống, trước cái chết đang gần kề.
 
Ai sẽ chữa lành những thương tích cho chúng ta? Ai sẽ xoa dịu những nỗi đau mất mát này? Ai sẽ kéo chúng ta chỗi dậy từ những nấm mộ? Và ai sẽ tiếp tục đưa tay dẫn đoàn người đầy thương tích bởi dịch bệnh, để đi tiếp cho hết những đoạn đường của cuộc sống gian truân, giữa trần gian này?
 
Không ai khác hơn ngoài Chúa Giêsu. Chỉ duy nhất Chúa Giêsu làm được. Người chữa lành những thương tích, bằng cách cho phép chúng ta đặt những đau đớn thân xác và tinh thần, bên cạnh những vết thương mà Chúa đã phải chịu vì chúng ta trong cuộc thương khó năm xưa.
 
Và giây phút này, Chúa Giêsu tiếp tục mời từng người dâng cho Chúa những thương tích, nỗi buồn, niềm đau, thất bại, chán nản, những sai phạm, thiếu sót và cả tội lỗi… Như là của lễ đẹp nhất dâng lên Chúa Cha trong mỗi Thánh lễ chúng ta tham dự hằng ngày. Và thế là, chúng ta được an ủi, được chữa lành, được xoa dịu, được băng bó, được nghỉ ngơi, được bồi dưỡng trong quyền năng siêu phàm của Chúa.
 
Dịch bệnh đi qua, biết bao gia đình phải nhìn cảnh người thân của mình nay không còn nữa. Vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất? Mãi mãi chia ly tan tác? Không! Không bao giờ. Chính Chúa Giêsu sẽ kéo người thân chúng ta ra khỏi những nấm mộ. Bởi vì, Chúa đã hứa và chính Chúa đã tự thân làm được điều đó. Người thân yêu nằm xuống, không phải là ra đi mãi mãi, cũng chẳng phải yên nghỉ bất động ngàn đời. Nhưng để gieo vào lòng người ở lại niềm hy vọng. Hy vọng được đoàn tụ cùng nhau trong vương quốc của Chúa Giêsu.
 
Phần chúng ta, những người đang mang thương tích và tổn thương bởi dịch bệnh, tiếp tục bước đi cho cuộc sống mưu sinh giữa trần gian. Nhưng đừng sợ, Chúa Giêsu vẫn đang vác từng người trên vai, bằng cách ban ơn phù trợ của Người cho chúng ta.
 
Chúa Giêsu đang dẫn mỗi người bước đi giữa trần gian, không phải là cầm tay dắt lối chỉ đường. Nhưng dìu đưa bằng cách soi trí mở lòng, mỗi khi phải đương đầu hay đối diện với nghịch cảnh gian truân khốn khó.
 
Lạy Chúa chúng con tin: Kẻ nằm yên, Chúa cho chỗi dậy; người đứng lên, Chúa tiếp tục dẫn đường.
 
(WHĐ)