Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

THÁNH LỄ CỦA NIỀM TÍN THÁC VÀO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG TRONG ĐẠI DỊCH

THÁNH LỄ CỦA NIỀM TÍN THÁC 
VÀO LÒNG CHÚA XÓT THƯƠNG TRONG ĐẠI DỊCH

TGPSG -- Thiên Chúa đã lau khô những dòng lệ đau buồn trên gương mặt mỗi chúng tôi, và để lại Tình Yêu tha thiết trên tâm hồn mỗi người…

Sau ba tháng chờ đợi khắc khoải, Thánh lễ đồng tế trọng thể cầu cho các linh hồn vừa qua đời trong cơn đại dịch kinh hoàng đã được cử hành vào một buổi chiều cuối tháng Mười tại nhà thờ giáo xứ với sự hiệp thông của cộng đoàn và gia đình những người ly trần vì dịch bệnh.

Hơn bốn tháng qua, biết bao biến cố lớn xảy ra với mọi người, mọi gia đình, nhất là những người đang sinh sống tại Sài Gòn. Rất nhiều gia đình đã mất người thân trong thời gian này. Không gian tràn ngập sự im ắng ảm đạm u buồn trong những ngày chết chóc cao điểm từ tháng Bảy đến cuối tháng Chín năm 2021. Những tiếng ho, tiếng khóc quặn thắt từ khắp mọi ngõ hẻm càng làm cho cuộc sống trở nên thê lương.

Ly trần trong thời dịch bệnh là một sự thiệt thòi lớn lao cho cả người qua đời lẫn thân nhân của họ. Nhiều người đã ra đi trong sự đơn độc ở một nơi nào đó không phải nhà của họ. Sau khi họ qua đời, tro cốt của họ cũng chưa được gởi về gia đình ngay, phải đợi chờ thêm một thời gian khá dài. Những gia đình có tôn giáo cảm thấy thiếu hụt một sự gì đó rất thiêng liêng.

Cách riêng, những người Công giáo trong giờ phút lâm tử luôn mong nhận được sự thứ tha tội lỗi và được ơn chết lành. Được nhận lãnh các bí tích cùng với các nghi thức tôn giáo được cử hành ngay trước và trong giờ phút ly trần, đây là một hồng ân lớn lao vì đã kịp phó linh hồn vào vòng tay Chúa khoan dung và cảm nhận sâu sắc được bàn tay Chúa dịu dàng nâng đỡ mình. Ấy vậy mà nhiều người Công giáo đã không may mắn có được điều đó mà chỉ còn biết cậy trông vào Lòng Chúa Thương Xót.

Mẹ tôi cũng mất trong thời gian này, nhưng vẫn còn may mắn hơn nhiều phận người vì bà còn có con cháu cạnh bên. Tuy nhiên, sau khi mất, bà cũng chỉ được tẩn liệm sơ sài rồi các nhân viên y tế, tổ mai táng đưa đi thiêu cách vội vàng. Con cháu cũng không được tiễn đưa, không còn có thể hành động gì khác ngoài cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Những cay đắng cùng nỗi đau đoạn trường chỉ biết dâng lên Thiên Chúa.
 
Rồi đại dịch cũng dần nhẹ bớt, di cốt của mẹ tôi sau thời gian dài đặt tại nhà chỉ có những lời kinh, ánh nến cùng hương trầm từ con cháu, nay đã được chuyển đến nhà Bình An của Giáo xứ Hiển Linh, nơi mẹ tôi gắn bó mấy chục năm qua. Cuối cùng thì mọi việc đã hoàn tất theo ý nguyện của mẹ và gia đình. Mẹ đã được ở gần Chúa hơn.

Thánh lễ đồng tế được Cha sở và Cha phó Giáo xứ Hiển Linh cử hành để dâng lên Thiên Chúa linh hồn những người ly trần trong thời gian đại dịch. Nguyện xin Chúa là Cha khoan phòng thứ tha tội lỗi và cho các linh hồn sớm được diện kiến Tôn nhan Ngài. Chỉ có ở bên Ngài, chúng con mới có được sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh lễ cũng là dịp để cộng đoàn chia sẻ niềm tiếc thương những người đã khuất cùng gia đình họ.

Có lẽ đây là một trong những Thánh Lễ đặc biệt nhất mà tôi từng tham dự, không chỉ bởi phải đợi chờ trong nhiều tháng ngày cho mẹ tôi mà còn do những tình cảm thiêng liêng trào dâng đối với Thiên Chúa và sự đồng cảm, kết hiệp trong cầu nguyện cùng tất cả cộng đoàn. Dường như Thần Khí của Vương Quyền, Uy Lực và Vinh Quang Thiên Chúa được phủ rợp trên ngôi nhà thờ bé nhỏ của chúng tôi khi linh mục chủ tế dâng Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Tôi cảm nhận bình an của Thiên Đàng lan tỏa trong tâm hồn mỗi người khi rước Mình Thánh Chúa.

Thánh lễ kết thúc trong dạt dào thương mến. Trên gương mặt mỗi người đã có sự bình an, thánh thiện và niềm tin cậy trông. Thiên Chúa đã lau khô những dòng lệ đau buồn trên gương mặt mỗi chúng tôi, và để lại Tình Yêu tha thiết trên tâm hồn mỗi người. Tôi đan tay hướng lên Chúa Giêsu chịu nạn mà nguyện cầu: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa lòng lành của con, con xin tạ ơn Ngài vì đã dẫn đưa chúng con vượt qua mọi gian nguy, thử thách trần gian. Xin Chúa gìn giữ chúng con và đem linh hồn mẹ con cùng các linh hồn về với Chúa. Con yêu Chúa!”

Sau Thánh lễ, hai linh mục đồng tế cùng cộng đoàn ra nhà Bình An, nơi có Đức Mẹ và Thánh Giuse gìn giữ để cầu nguyện cho các linh hồn. Mấy chục ô hài cốt mới - đang chờ di cốt - được dán tạm những tờ giấy trắng tang tóc ghi thông tin làm xúc động lòng người. Cả cộng đoàn như được nâng tâm hồn, tha thiết đọc những lời kinh, dâng tiếng hát lên Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse, trong sự kết hiệp nhiệm màu để cầu cho các linh hồn.

Trong ngất ngây ơn lành, tôi thấy linh hồn mẹ tôi và vô số các linh hồn khác - như những ánh sáng nhỏ lung linh, sáng chói và thanh khiết - đang bay lên hân hoan khôn tả trong vòng tay Thiên Chúa.

Hiển Linh - Thủ Đức, tháng 10/2021
Giuse Maria Trần Anh (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 27.10.2021


BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 30: KẺ BÊN LỀ


Thứ Ba, 26 tháng 10, 2021

NHỮNG MÓN NỢ ÂN TÌNH NƠI TUYẾN ĐẦU

NHỮNG MÓN NỢ ÂN TÌNH NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Món nợ nào cũng có dấu nặng! Vì thế không ai muốn mình phải mang nợ. Tuy nhiên, có những món nợ không làm chúng ta nặng lòng, nhưng là nặng tình: những món nợ ân tình!

Còn nhớ, khi đọc được thư mời gọi tham gia chương trình tu sĩ thiện nguyện của Đức Tổng Giuse, bên trong tôi trỗi dậy một thôi thúc mãnh liệt, nhưng tôi không diễn tả được chính xác thôi thúc đó. Và khi nhận được lời chúc của một người anh em cùng hội dòng, tôi hiểu thôi thúc đó mang ý nghĩa gì. Anh chúc tôi lên đường vào tâm dịch, lan tỏa yêu thương và trao ban tấm lòng mục tử cho đoàn chiên đau yếu. Đi là để trao ban trái tim mục tử của Chúa Giêsu. Giờ đây sau 1 tháng thiện nguyện, tôi đã hiểu, lời mời gọi hôm đó là món quà Chúa ban cho tôi. Đó là cơ hội quý báu để tôi hiểu được trái tim mục tử của Chúa và để trái tim tôi được uốn nắn nên giống trái tim Chúa. Có thể nói khi lên đường là tôi đã mang một món nợ, món nợ ân tình!

Trong thời gian phục vụ, lần nọ tôi đi cùng một em điều dưỡng, xuống nhà xác để làm phép xác cho bác họ của em. Em xúc động kể tôi nghe đêm cuối cùng của bác. Một đêm không có người thân bên cạnh, xung quanh đều xa lạ, tiếng máy móc và tiếng những con người xa lạ. Tôi giật mình trước hai chữ “xa lạ.” Phải chăng những bệnh nhân Covid không chỉ vật lộn với bệnh tật, mà còn phải đấu tranh với điều không kém phần đáng sợ, “xa lạ.” Tôi chợt hiểu sự hiện diện của các TNV chúng tôi cần phải đẩy lùi “xa lạ”, ngõ hầu kiến tạo sự thân quen và gần gũi ngang qua chính thái độ phục vụ của chúng tôi. Và như thế, nhờ việc đến với các bệnh nhân, TNV chúng tôi học được cách trở nên một người thân của họ. Và tôi lại có thêm một món nợ, món nợ ân tình!

Có lần một người bạn của tôi xem những clip ngắn mà chúng tôi quay lại trong khi làm việc. Cô ấy bị ấn tượng bởi ánh mắt của các tu sĩ, vì chúng thật tươi tắn và ấm áp. Bộ đồ đồng phục cản trở bệnh nhân nhìn thấy khuôn mặt của các y bác sĩ và TNV chúng tôi, nhưng không thể ngăn cản sự tương tác ánh mắt giữa chúng tôi và bệnh nhân. Tôi học được tầm quan trọng của “cửa sổ tâm hồn”. Một ánh mắt quan tâm và nâng đỡ có khả năng khích lệ và an ủi bệnh nhân rất nhiều. Thêm một điều phải học và vì thế thêm một món nợ ân tình.

Một phụ nữ trung niên được tôi xức dầu. Tôi cầu chúc cô mau khỏi bệnh và trở về đoàn tụ với gia đình. Thế mà, chưa đến một tuần lễ, tôi không còn cơ hội gặp lại cô. Tôi chỉ có thể đi với cô một đoạn đường ngắn ngủi! Một thân nhân xin tôi giúp em được làm tình nguyện viên trong bệnh viện, được phục vụ như tôi. Em tha thiết điều đó vì lẽ mẹ em đang được điều trị trong phòng cấp cứu. Trước đó khi xức dầu cho mẹ của em, cả tôi và em đều lạc quan và tin tưởng. Chúng tôi cầu nguyện và hy vọng mẹ em sẽ mau chóng khỏi bệnh. Nhưng khi sức khỏe của mẹ em dần trở nên xấu đi, tôi thấy lòng nặng trĩu trước những lời động viên trước kia của mình. Thấy em rối bời, tôi không biết phải nói sao. Có lẽ đó là thực tế cuộc đời: chúng ta chỉ có thể đi với nhau một đoạn đường đời. Đây là một trong những bài học khó nhất của đức tin. Cả tôi và thân nhân của bệnh nhân phải học cách buông tay, để tin tưởng rằng sẽ luôn có bàn tay cuối cùng nắm lấy các bệnh nhân trong giây phút cuối đời của họ.

Tuy nhiên, bên cạnh những giọt nước mắt, thì tôi vẫn thấp lấp lánh những nụ cười. Tôi nhớ rõ khuôn mặt của một cụ bệnh nhân, ông bị liệt, một mắt bị hư, nhưng ông có nụ cười thật đôn hậu và sáng ngời. Mỗi lần tới thay tã cho ông, tôi hỏi và ông luôn trả lời bằng nụ cười, như thể đó là thứ duy nhất ông có. Không biết ông có hiểu lời tôi, nhưng nụ cười của ông đã tạo nên những giây phút ấm áp và bình yên nơi đây. Bệnh viện hồi sức Covid đâu chỉ có mất mát và đau thương, những vẫn lấp lánh đâu đó nhiều niềm vui và hy vọng.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Khang, SJ (TGPSG
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 30 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Tư, ngày 27.10.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

CÁM ƠN EM: BÁC SĨ TRẺ

CÁM ƠN EM: BÁC SĨ TRẺ

TGPSG -- Câu chuyện giữa một linh mục tân binh trong bệnh viện và một bác sĩ tân tòng trong Giáo Hội xoay qua bình oxy 32 tấn, sáng kiến của em...

Tôi gặp em vào “mùa hè đỏ lửa” lúc cuộc chiến chống Covid-19 tuy đã giảm đôi chút nhưng vẫn còn âm ỉ cháy. Đôi dép tổ ong sờn màu, lép đế cùng những bước chân thoăn thoắt của em để lộ một nỗi lòng còn trăn trở lắm: ‘Bao giờ mới hết dịch, cuộc sống mới bình yên, hai chiếc container đựng tử thi kia mới hết sứ vụ? Khi nào em mới được bước vào nhà thăm vợ, thăm con thay vì chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào mỗi khi có dịp ngang qua?’ Thân hình mảnh khảnh với khuôn mặt hốc hác của em hằn sâu những tháng ngày chống dịch kịch liệt lắm.

Tôi gặp em thật tình cờ nhưng đầy bất ngờ. Cách nay vài tháng tôi đã đọc về em, thầm cảm phục em mà chưa một lần nghĩ rằng mình sẽ gặp em.

Nghe tin có linh mục đi thiện nguyện, lại là đồng hương, em bỏ cả giờ nghỉ để tìm tôi, cũng vừa lúc tôi tan ca. Em lễ phép khoanh tay cúi đầu ‘chào cha’ làm tôi lúng túng một chút. Nhưng giọng “mô, tê, răng, rứa” rặt Quảng Bình làm tôi thấy thân quen ngay. Tôi bảo “Tâm gọi mình bằng cha, mình gọi Tâm bằng bác (bác sĩ). Mà bác lại “to” hơn cha vì bác là anh của cha. Vậy, Tâm sinh sau nhưng là anh của mình đấy nhé”. Cả hai cùng cười.

Cứ thế, câu chuyện giữa một tân binh trong bệnh viện và một tân tòng trong Giáo Hội xoay qua bình oxy 32 tấn, sáng kiến của em, và hai container đựng thi hài, sáng kiến bất đắc dĩ của nhà nước. Bình oxy là nguồn sống, container kia là dấu hiệu của sự chết. Ở giữa là một hàng rào thô sơ gợi lên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Tuy nhiên, ở lằn ranh sống chết đó, Chúa đã gửi em đến, để chiến đấu, để cùng bệnh nhân giành giật từng hơi thở, từng mạng sống khỏi tay thần chết.

Theo lời kể của các cộng sự của em, tuy em có công lớn trong việc thiết lập nên bệnh viện dã chiến này, nhưng những ngày đầu em đã phải đích thân chạy đi chở từng bình oxy và tự tay đẩy tới phòng bệnh cho bệnh nhân thở kịp thời.

Em khiêm tốn kể thêm: “Lúc đó, dân quân chưa có, thiện nguyện viên cũng không, nhìn bệnh nhân chết hàng loạt, đau lòng, làm được gì cứ làm. Không đắn đo. Có lúc con quên mang đồ bảo hộ, chạy thẳng vô phòng bệnh nhân để cấp cứu, xong sực nhớ ra phải sát khuẩn đủ kiểu. May mắn thay, cho đến bây giờ con chưa bị nhiễm”. Tôi bảo “Chúa bảo vệ em đấy!”.

Tôi thầm cảm tạ Chúa vì những người trẻ Công Giáo tài năng và hết tình cứu người giữa môi trường đời như thế.

Cảm ơn em đã tiếp lửa cho tôi và các tu sĩ thiện nguyện trong nhóm C20, để chúng tôi cũng đã hoàn thành 6 tuần chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tốt đẹp và an toàn. 
 
Bệnh viện Dã chiến Q7, số 1
Pet. Hoàng Văn Loan, SVD (TGPSG)
(WGPSG)