Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

HAI TIẾNG 'CHÚA ƠI' THỜI COVID

HAI TIẾNG 'CHÚA ƠI' THỜI COVID

TGPSG -- Mỗi Chúa Nhật con tham dự Thánh lễ online một mình và mỗi ngày chỉ một mình con cầu nguyện với Chúa. Bởi gia đình, dòng họ chỉ còn mình con theo Chúa mà thôi…

“Chúa ơi” vẫn luôn là hai tiếng mà con hằng cất lên trong từng ngày sống, “Chúa ơi” vẫn luôn là hai từ mở đầu cho những cuộc tâm tình thân mật giữa Chúa và con. Chính trong những năm tháng mà đại dịch Covid-19 hoành hành cách mạnh mẽ, cùng biết bao đau thương, mất mát và khổ sầu… con lại tha thiết cất lên hai tiếng “Chúa ơi”.

Dường như đây là lần đầu tiên trong suốt bao năm qua, chúng con phải đối diện với cơn đại dịch nặng nề đến thế, và có lẽ tâm hồn chúng con chưa từng thấy bất an, thấy thiếu vắng niềm hy vọng như lúc này. Suốt vài tháng giãn cách xã hội vì dịch bệnh, những lo toan về sức khỏe, về sự an toàn của bản thân và gia đình, cùng cơm áo gạo tiền ví như gánh nặng đè lên thân phận từng người chúng con.

Bên cạnh đó, bởi sự yếu đuối và mỏng giòn của mình, con người cũng thật dễ bị đánh gục bởi những xúc cảm đầy biến động nơi tâm lý. Và con đây đã từng mất đi niềm hy vọng, thấy chán nản và khóc ròng rã suốt mấy ngày liền. Nếu không nhờ cậy dựa vào Chúa, con sẽ chẳng thể đủ sức mạnh để vượt qua.

Giãn cách xã hội, con nhớ Thánh lễ, nhớ nhà thờ, nhớ những phút giây mình được tự do, vui sống. Con nhớ những người thân thương và nhớ bạn bè quá đỗi. Tháng ngày ấy trong đầu con chỉ quanh quẩn những câu hỏi không lời đáp: Ta phải giãn cách đến bao giờ đây? Và đến bao giờ đại dịch mới được kiểm soát?... Chuỗi ngày dài thênh thang ấy ngỡ như không hồi kết, cảm giác cô đơn, lẻ loi trong con ngày càng lớn lên. Rằng, con thấy cô đơn trong đời sống đức tin của mình.

Mỗi Chúa Nhật con tham dự Thánh lễ online một mình và mỗi ngày chỉ một mình con cầu nguyện với Chúa. Bởi gia đình, dòng họ chỉ còn mình con theo Chúa mà thôi. Chúa ơi, con biết Chúa buồn lắm vì hơn mấy chục năm qua, gia đình con đã xa rời Chúa. Dẫu điều ấy làm con thấy buồn và tủi thân thật nhiều, nhưng con hằng tạ ơn Chúa vì Chúa đã gọi con trở về bằng nhiều lần nhiều cách, rằng Chúa chẳng hề bỏ rơi con.

Thời điểm tình hình dịch bệnh ngày càng nặng nề hơn, đã có lúc lòng con xao xuyến khôn nguôi và không biết liệu mình có nên tiếp tục cầu nguyện cho cơn đại dịch mau chấm dứt? Con từng ngỡ rằng Chúa chẳng đáp lời, chẳng lắng nghe tiếng con cầu xin và đã có một thời gian con luôn nghĩ về việc tự tử, bên tai con cứ nghe văng vẳng tiếng nói “Hãy đi chết đi”. (Và đến tận bây giờ, con vẫn không thể hiểu rõ vì sao mình lại bị như thế.)

Đó là những đêm dài tăm tối với thật nhiều ác mộng, sợ hãi bao trùm, dù ngủ hay thức tiếng nói ấy vẫn cứ văng vẳng bên tai. Con cứ nằm khóc mãi thôi, vừa thấy sợ, nhưng lại vừa có cảm giác muốn thực hiện theo lời thúc giục ấy. Con nhìn lên Thánh Giá Chúa và nhìn xuống chuỗi Mân Côi mình đang đeo trên tay, nhưng chẳng hiểu vì sao trong lúc ấy con lại không ngồi dậy để cầu nguyện, dù tiếng lòng con hằng thôi thúc mình hãy cầu nguyện đi, nhờ cầu nguyện con sẽ được chữa lành.

Bỗng, tiếng nói ấy ngày càng rõ và lớn hơn bên tai con. Chính giây phút đó như một quán tính tự nhiên, như có một lực đẩy bật con dậy, con chạy đến cùng Chúa, con sốt sắng cầu nguyện hơn cả, con lần hạt Mân Côi, xin Chúa thương gìn giữ bảo vệ con, và tâm hồn con đã được bình an trở lại. Sự bình an đó ví như nguồn suối mát dịu êm, rằng đến mức con khóc òa lên như ngày đầu tiên con nhận biết Chúa và hiểu được Chúa yêu con biết dường nào. Cũng chính khi đó con càng cảm nghiệm thêm rằng: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai (Ga 6,68)”. Sức người thì giới hạn, chỉ có quyền năng và tình thương của Chúa là vô hạn. Nếu không nương náu, cậy trông nơi Chúa thì con biết phải dựa vào ai?

Và cũng nhờ sự nâng đỡ về đời sống đức tin, sự giúp đỡ từ xa của các anh chị em tín hữu và qua những bài viết về Chúa trên các trang mạng xã hội Công giáo, con đã vực dậy được tinh thần và tìm lại được niềm hy vọng về tương lai.

Kể từ giây phút ấy con nhận ra rằng, con phải sống thật đẹp và thật “sáng” hơn nữa. Con phải trở nên “ánh sáng”, trở nên chứng nhân cho Tin Mừng. Con phải thật mạnh mẽ để cùng Chúa và nhờ có Chúa, con có thể giúp gia đình mình sớm được trở về. Con hay cố tình mở to âm thanh hơn một chút khi xem những bài giảng Lời Chúa, những bài huấn từ, giáo lý của các vị linh mục trên những kênh youTube chính thống, nhằm để người thân trong gia đình cùng nghe. Tạ ơn Chúa những phương tiện truyền thông này thật tiện lợi và hữu ích biết bao, nhờ đó mà giá trị Tin Mừng ngày càng được lan tỏa.

Mỗi khi đọc Thánh Kinh, con cũng hay cố tình đọc to (vừa đủ) thành tiếng, bởi con tin rằng: những lời trong Kinh Thánh vẫn luôn còn đó nơi tiềm thức của các thành viên trong gia đình. Con vẫn tiếp tục cầu nguyện cho gia đình sớm được trở về cùng Chúa và con cũng ra sức học hỏi thêm về giáo lý, về đức tin. Con cố gắng hoàn thiện mình hơn theo Lời Chúa dạy, dẫu đôi lúc thật khó khăn vì thân phận con yếu đuối, mỏng giòn.

Con tín thác: Chúa chính là cội nguồn, là bình an và hạnh phúc đích thực; con phải ngày càng bén rễ thật sâu trong đức tin. Và sẽ thật là ích kỷ, thiếu sót nếu không mời gọi mọi người đến với Tin Mừng, đến với tình yêu vô biên của Thiên Chúa là Cha nhân lành, từ ái.

Maria Ngọc Tỷ - Phú Nhuận (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA VỌNG 2021

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 09.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 09.12.2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ KỶ NIỆM CUNG HIẾN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG SAIGON. Lễ trọng.

Bắt đầu lúc 05g30 Thứ Năm, ngày 09.12.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

COVID: TIẾNG GỌI TRONG ĐÊM

TGPSG -- Tôi đến cầm bàn tay bệnh nhân. Cho dù đã mang mấy lớp găng tay, vậy mà cái lạnh của bệnh nhân vẫn xuyên qua để tôi cảm nhận…

Hôm nay, người anh em trong dòng là một linh mục tình nguyện ra đi chống dịch theo lời mời gọi của Đức Tổng sau một thời gian tưởng chừng như đã khống chế được dịch. Nhìn hình ảnh linh mục đi tình nguyện đã gợi lại cho tôi một câu chuyện trong bệnh viện dã chiến điều trị Covid- 19: Tiếng gọi tìm linh mục trong đêm để làm các nghi thức cuối cùng cho bệnh nhân công giáo xấu số.

Câu chuyện đó được bắt đầu như sau.

Hôm ấy, tôi trực ca đêm. Vào khoảng 2g sáng, tất cả các công việc dường như đã đâu vào đó. Tôi đi một vòng để xem các bệnh nhân có cần gì nữa không, rồi ra ngả lưng một chút để sáng mai vào lại. Bỗng chiếc điện thoại reo lên. Tôi bắt máy, chưa kịp alo thì nghe đầu dây bên kia nói câu được câu mất, đến…số phòng…gấp…

Tôi vội vã chạy đến số phòng mà mình nghe được. Bệnh nhân là người công giáo đang trong cơn nguy kịch, khó mà vượt qua. Tiếng máy trợ thở không còn kêu theo nhịp điệu nữa. Trên hai gò má của bệnh nhân nước mắt chạy dài…

Tình nguyện viện nắm tay bệnh nhân và cứ thế đọc kinh như một lời an ủi động viên, để xua tan đi nỗi cô đơn không có người thân bên cạnh lúc này. Tôi đến cầm bàn tay bệnh nhân. Cho dù đã mang mấy lớp găng tay, vậy mà cái lạnh của bệnh nhân vẫn xuyên qua để tôi cảm nhận. Cái lạnh này khác lạ lắm, không buốt, vẫn còn nhiệt của cơ thể tỏa ra. Trong đầu tôi bừng lên một tia sáng. Đó là hơi ấm của tình người, nó xua dần cơn lạnh buốt nơi bàn tay của bệnh nhân, sự cô đơn và băng giá.

Tình nguyện viên quay sang nói nhỏ với tôi: “Bệnh nhân khó mà qua khỏi đêm nay, làm sao liên hệ được với linh mục để đến làm các nghi thức công giáo cho bệnh nhân.” Tôi cầm điện thoại nhắn tin lên nhóm ‘cần một linh mục đến …để xức dầu cho bệnh nhân.’

Nhận được tin có linh mục đến, lòng tôi tràn đầy niềm vui sướng. Linh mục đến để làm các phép cho bệnh nhân, là một cử chỉ hết sức cao quý, để củng cố niềm tin cho bệnh nhân vào Đấng Chịu Chết và Phục Sinh. Cần lắm những người có chức thánh lúc này, ra đi đến với những con chiên đang cần được chăm sóc về mặt tâm linh lẫn tinh thần…

Hôm nay đây, người anh em trong dòng của chúng tôi là một linh mục lên đường đi tình nguyện, đến với những bệnh nhân mắc Covid. Khi cha chào cộng đoàn để đi, lòng tôi cảm thấy một điều gì đó không sao tả hết được. Tôi cảm nhận được một điều rất rõ: khi một linh mục tình nguyện đi đến gặp bệnh nhân Covid, họ như tiếp thêm động lực để chiến đấu với tử thần. Các bệnh nhân cảm nhận được một tình yêu thương rất lớn. Đó là không ai bỏ rơi hoặc né tránh những người mắc Covid. Họ còn cảm nhận được tình yêu thương của người Mục Tử đã hết tình chăm lo cho đoàn chiên của mình.

Sài Gòn 07/12/2012
Thầm Lặng, Dòng Đức Mẹ Lên Trời. (TGPSG)
 
(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 08.12.2021


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÂNG HOA KÍNH ĐỨC MẸ TẠI QUẢNG TRƯỜNG TÂY BAN NHA, RÔMA.


Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CẦU NGUYỆN VỚI CÁC BÀI HÁT TỪ CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, 08.12.2021

Bắt đầu lúc 19g30 Thứ Tư, ngày 08.12.2021
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ MỪNG KÍNH ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 08.12.2021
tại nhà thờ Tân Phước
 

TÌM HIỂU TÍN ĐIỀU ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 

TÌM HIỂU TÍN ĐIỀU 
ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

WGPMT (07.12.2021) - Ngày 8 tháng 12 là lễ trọng kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn mạng của nhiều nhà thờ trong Giáo phận Mỹ Tho. Những điểm sau đây giúp chúng ta hiểu tín điều mà Hội Thánh Công giáo tuyên xưng và cử hành trong ngày lễ đặc biệt này.

1. “Vô nhiễm nguyên tội nghĩa là gì?

Nhiều người nghĩ “vô nhiễm nguyên tội” là nói đến việc Đức Maria mang thai Chúa Giêsu bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Không phải thế! “Vô nhiễm nguyên tội” muốn nói đến việc chính Đức Maria đã thành thai cách đặc biệt trong lòng mẹ.

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy như sau: “Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria đã được Chúa ban cho các hồng ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy. Lúc Truyền tin, sứ thần Gabriel đã chào Mẹ là người “đầy ơn phúc”… Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc”, nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, do Đức Giáo hoàng Piô IX công bố năm 1854, tuyên xưng: Rất Thánh Trinh Nữ Maria ngay từ lúc tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội” (số 490, 491).

2. Phải chăng Đức Mẹ không bao giờ phạm tội?

Đúng thế. Vì Mẹ được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai nên Mẹ được bảo vệ không những khỏi tội tổ tông truyền mà còn cả các tội riêng. “Các Giáo phụ truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và tôn vinh Mẹ là Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào” (SGLHTCG số 493).

3. Nếu Đức Maria không phạm tội nào, phải chăng Đức Maria không cần đến ơn cứu độ của Chúa Giêsu?

Không phải thế. “Sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị được ban cho Mẹ ngay từ lúc tượng thai, tất cả đều từ Đức Kitô mà đến với Mẹ: Mẹ đã được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ vào công nghiệp của Chúa Giêsu, Con của Mẹ” (SGLHTCG số 492).

4. Có thể so sánh Đức Maria với bà Eva trong Kinh Thánh không?

Adam và Eva đều được tạo dựng trong sự thánh thiện, không mang vết nhơ nguyên tội, nhưng họ đã sa ngã, đánh mất ân sủng, và cả nhân loại bị ảnh hưởng.

Chúa Kitô và Đức Maria cũng sinh ra trong sự thánh thiện và các ngài luôn trung thành với Thiên Chúa. Chúa Kitô được gọi là Adam mới, Đức Mẹ được gọi là Eva mới.

“Cùng với thánh Irênê, nhiều Giáo phụ cũng giảng dạy rằng: Nút dây do sự bất tuân của bà Eva thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ Eva đã buộc lại do sự cứng lòng tin, nay Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ đức tin; và so sánh với bà Eva, các ngài gọi Đức Maria là ‘Mẹ chúng sinh’, và quả quyết rằng: Sự chết qua bà Eva, sự sống qua Đức Maria” (SGLHTCG số 494).

5. Chúng ta phải tôn kính Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội thế nào?

Đức Mẹ là gương mẫu tuyệt vời về đức tin và đức mến cho Hội Thánh, vì thế mỗi tín hữu Công giáo phải chiêm ngắm Mẹ để noi gương sống đức tin và đức mến trong mọi hoàn cảnh.

Đồng thời, Đức Mẹ cũng là Mẹ chúng ta trong lãnh vực ân sủng, và Mẹ không ngừng chuyển cầu cho chúng ta; vì thế trong Hội Thánh Công giáo, Đức Mẹ được kêu cầu bằng các tước hiệu là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ. Chúng ta hãy đến với Đức Mẹ và cầu xin Mẹ nâng đỡ trong hành trình sống đời Kitô hữu của mình.

(WHĐ)