Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

NHÂN NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN, VIẾT VỀ NHỮNG KỈ NIỆM…


NHÂN NGÀY QUỐC TẾ BỆNH NHÂN, 
VIẾT VỀ NHỮNG KỈ NIỆM…

TGPSG -- Tôi sẽ cho các bệnh nhân ung thư này mượn tay mình để họ nắm lấy mỗi khi họ xúc động, khi họ cần sự quan tâm ủi an…

Mùa Hè năm ấy, chúng tôi - gồm 17 bệnh nhân, 5 cộng tác viên, 1 vị đại diện nhà Dòng và 1 vị ân nhân - đã có một chuyến tham quan Vũng Tàu thật thú vị.

Đây là một chuyến đi bất ngờ vì không có kế hoạch trước đó, nên Cha phụ trách khuyến cáo các bệnh nhân cân nhắc, lo liệu sức khoẻ của mình khi đi chơi.

Đây thật sự là chuyến tham quan đặc biệt với mỗi người chúng tôi. Với bệnh nhân, nhiều người chưa bao giờ biết đến biển vì vậy có người đã nôn nao, phấn khích đến độ cả đêm trước đó không chợp mắt. Với chúng tôi, những thành viên của mái ấm, thì đây là lần đầu tiên tổ chức đưa những bệnh nhân đi chơi xa nên vừa mừng lại vừa lo.

Những bệnh nhân tôi vừa nhắc đến đã từng lưu trú tại Mái ấm Gary - một trong những cơ sở của Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân – Camillo Vietnam, thường được gọi ngắn gọn là Dòng Camillo. Các bệnh nhân này, đa phần có gia cảnh khó khăn, từ các miền quê xa xôi về Sài Gòn trị bệnh. Họ được các Thầy đón về mái ấm từ một số bệnh viện trong thành phố, trong đó có bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM. Những bệnh nhân này, người thì bị ung thư vú, người thì bị ung thư dạ dày, vòm họng, xương, tử cung,… Trong số này, đặc biệt có một bệnh nhân phải ăn qua đường ống và bác sĩ ‘cho về quê’, và một bệnh nhân có hậu môn bị khâu lại từ nhiều năm qua.

Điểm đến đầu tiên của chuyến tham quan Vũng Tàu là Núi Đức Mẹ. Dù các bệnh nhân sức khoẻ hạn chế và thuộc các tôn giáo bạn nhưng họ vẫn dắt díu nhau từng bước leo lên tới chân đài Đức Mẹ để tham quan, cầu nguyện và xin ơn lành.

Tại chân tượng đài, chúng tôi háo hức lưu lại những tấm hình kỉ niệm. Lúc đầu, một chị còn ngại ngùng nên đội bộ tóc giả chụp hình, che cái đầu không có tóc, nhưng các chị bệnh nhân khác - cũng đầu không tóc như chị - trêu ghẹo: “tóc gió thổi bay”, nên chị quyết định cho tóc giả vô túi xách để mặc vẻ ngoài trông thế nào. Thế đấy, mọi người được một phen cười ngất ngây vì sự “liều lĩnh” của chị. Đặc điểm đặc biệt của các bệnh nhân này là ‘đầu không tóc’ và ‘một mất một còn’ - chi tiết này do các bệnh nhân tự đặt và vui cười trên nỗi đau của chính mình.

Sau đó, khi ra tới bãi biển, các bệnh nhân vô tư chạy ào xuống nước mà không cần thay đồ. Mọi người tạm bỏ tất cả ưu phiền để vui đùa thật thoải mái. Một chị bệnh nhân dân tộc vùng núi tếu táo: “Ôi, sao nước biển mặn như muối!”

Chú bệnh nhân ăn qua đường ống cũng quyết định ra bãi biển. Chú nhờ thợ chụp cảnh chú đứng trước biển “khoe” mình trần và dây ống ăn còn loằng ngoằng trên người. Chú cho biết đây là kỉ niệm vui vẻ mà chú muốn để lại cho các con.

Một số bệnh nhân yếu hơn, hoặc vì các vết thương đặc biệt, chỉ có thể ngồi hóng gió biển và chia sẻ bệnh tình với nhau, nhưng miệng vẫn luôn nở nụ cười tươi vui.

Khi các bệnh nhân lên tắm nước ngọt để chuẩn bị về, tôi phát cho mỗi người hai bịch dầu gội và dầu xả. Lát sau, các bệnh nhân quay trở lại và nói nhỏ: “Cô ơi, tụi tui có tóc đâu mà cần mềm suôn mượt”. Tôi ngớ người và nhận ra sai lầm, tất cả những thứ tôi đưa họ đều là dầu xả. Thật ngượng!

Chuyến đi kết thúc trong niềm hạnh phúc, là một kỉ niệm ngọt ngào mà tôi may mắn trải nghiệm với các bệnh nhân.

Sau chuyến đi ấy, cho đến nay, tôi chỉ còn gặp lại một hai người trong số họ; số còn lại đa phần không bao giờ trở lại nữa.

Trong thời gian làm việc tại mái ấm, tôi đã nghe kể và chứng kiến nhiều hoàn cảnh bệnh nhân đáng thương, đáng xót và tất cả đều có chung đoạn kết đầy đau thương.

Nhân ngày Quốc tế Bệnh nhân, tôi tự hỏi liệu mình có làm được gì cho họ không khi mà ngay cả lời ai ủi nghe sao cho hợp cảnh cũng không biết nói. Biết tâm tư của tôi và để khuyến khích tinh thần cho tôi, một người thân quen đã gởi Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Ngày Thế giới Bệnh nhân: “Hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6, 36); Đứng bên người đau khổ trên nẻo đường đức ái”. Tôi nghiền ngẫm Sứ điệp của Đức Thánh Cha xem tôi cần phải làm gì cho các bệnh nhân. Tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ: “Người bệnh luôn quan trọng hơn bệnh của họ” và tôi sẽ khởi sự từ những việc giản đơn nhất.

Tôi làm việc ở nhà bếp, chăm lo bữa ăn cho các thành viên tại mái ấm. Nơi này bệnh nhân cũ hay mới cũng đều xuống chơi. Tôi sẽ lắng nghe mọi người trải lòng, kể về chuyện bệnh tình và đoạn đường chông chênh đã qua, nỗi lo lắng về tài chánh gia đình và những chính sách hỗ trợ…

Và tôi sẽ cho họ mượn tay mình để họ nắm lấy mỗi khi họ xúc động, khi họ cần sự quan tâm ủi an. Tôi mong mình sẽ là “khí cụ bình an của Chúa” nơi mái ấm này và với những bệnh nhân nơi đây. Tôi sẽ đăng những câu chuyện thật lên trang của mình cùng những hình ảnh kỉ niệm mà tôi tự hào khi nghĩ về họ cũng như thời gian đẹp chúng tôi từng có với nhau.

Maria Quỳnh Linh (TGPSG)
(WGPSG) 

GIÁO PHẬN HƯNG HÓA: ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN VIÊN DÂNG THÁNH LỄ TẠ ƠN VÀ CHIA TAY GIÁO PHẬN


ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN VĂN VIÊN DÂNG THÁNH LỄ
 TẠ ƠN VÀ CHIA TAY GIÁO PHẬN HƯNG HÓA

Ban Truyền thông Giáo phận Hưng Hóa

WGPHH (15.02.2022) – Sáng nay ngày 15.02.2022, tại nhà nguyện của Tòa Giám mục Hưng Hóa, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên dâng Thánh lễ tạ ơn và chia tay Giáo phận Hưng Hóa để trở về với Giáo phận Vinh.

Ngược dòng thời gian, trở về hơn một năm trước, có một chuyến đò ân tình đã cập bến Hưng Hóa vào ngày 06.09.2020, chuyến đò ấy đã đưa Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên từ Giáo phận Vinh đến với miền thập tỉnh Hưng Hóa trong niềm vui hân hoan chào đón và mong chờ của cả giáo phận.

Vâng lời Vị Cha Chung của Giáo hội Hoàn vũ, Đức cha Phêrô đã sẵn sàng lên đường, đến miền truyền giáo Tây Bắc mênh mông với những ngỡ ngàng và có lẽ có cả một chút âu lo. Nhận trách nhiệm trông coi một giáo phận đa sắc tộc, có địa bàn rộng lớn nhất Việt Nam với biết bao khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ… nhưng Đức cha Phêrô không hề quản ngại gì. Điều đó được chứng minh rõ nét qua hành trình dù ngắn ngủi nhưng đầy yêu thương của Đức cha tại giáo phận miền Thập Tỉnh này. Quả vậy, dù mới gắn bó với Hưng Hóa chỉ vỏn vẹn một năm, 5 tháng, 9 ngày; nhưng Đức cha đã đến thăm hầu hết các giáo xứ trên khắp địa bàn 10 tỉnh của giáo phận, đã đặt chân đến những vùng xa xôi hẻo lánh nhất, đã sẵn sàng vượt qua những hành trình đường núi vắt vẻo, quanh co hiểm trở để đến với bà con dân tộc thiểu số, trong đó có những hành trình dài tới 750 km.

Những con đường đầy thách thức của núi rừng đã phải lùi bước trước lòng nhiệt huyết của Đức cha. Đức cha thích cảnh đẹp của Tây Bắc, thích khí hậu của Tây Bắc và có lẽ Đức cha cũng yêu con người của Tây Bắc. Vì thế, Đức cha đặc biệt quan tâm tới đời sống đức tin và công tác loan báo Tin Mừng, nhất là cho người dân tộc thiểu số. Với sự khiêm nhường và cách nói chuyện đầy thân thiện, dễ gần, dễ mến, Đức cha đã để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp với những người đã gặp gỡ ngài. Dù thời gian gắn bó với Hưng Hóa chưa lâu, nhưng Đức cha đã để lại dấu ấn và tình thương mến của mình ở khắp mọi nơi.

Người xưa nói: “Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên duyên”. Với Hưng Hóa, Đức cha đã là một phần lịch sử, góp sức cho sự phát triển của giáo phận. Còn với Đức cha, Hưng Hóa chắc chắn cũng sẽ là một phần ký ức thật khó quên trong cuộc đời ngài. Chắc chắn Đức cha sẽ không quên được Hưng Hóa với núi rừng Tây Bắc ngút ngàn, với những ruộng bậc thang trải dài nên thơ, với những cung đường mờ sương, với những con dốc dựng đứng hay những khúc cua có “một không hai” trên đời. Và chắc chắn Đức cha cũng sẽ không quên Hưng Hóa với những ưu tư, trăn trở, cùng những tâm hồn đơn sơ, những ánh mắt trẻ thơ đẹp long lanh trên những ngọn núi cao mà ngài đã gặp hôm nào.

Mới đó mà đã đến ngày chia tay, ngày Đức cha Phêrô rời Hưng Hóa để trở về Giáo phận Vinh thân thương của ngài. Đức cha đã dâng Thánh lễ tạ ơn, kết thúc sứ vụ tại Hưng Hóa vào lúc 05g15, ngày 15.02.2022. 
 
Thánh lễ diễn ra tại nhà nguyện của Tòa Giám mục Hưng Hóa. Hiện diện trong Thánh lễ có Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương, Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Đức Viện phụ Đan viện Châu Sơn Đơn Dương, đại diện quý cha trong Ban tư vấn và quản hạt, quý cha tại Tòa Giám mục, và đại diện các thành phần dân Chúa trong giáo phận.
 
Trước khi bước vào Thánh lễ, Đức cha Đaminh nói lên lý do vì điều kiện thời gian và hoàn cảnh không cho phép, nên Thánh lễ không thể tổ chức tại nhà thờ Chính tòa với đông đủ các thành phần dân Chúa, để cùng tạ ơn với Đức cha Phêrô trong ngày chia tay Giáo phận Hưng Hóa. Đặc biệt, Đức cha Đaminh bày tỏ tâm tình tri ân tới Đức cha Phêrô, trong suốt hơn một năm qua, với tư cách là vị chủ chăn của giáo phận đã luôn yêu thương, hăng say nhiệt thành và dấn thân rất nhiều trong mọi lĩnh vực, và giúp cho giáo phận có những tầm nhìn, mở ra với những khung trời mới, để ngày càng thăng tiến và phát triển hơn. Đức cha Đaminh cũng nói lên Hưng Hóa luôn dành cho Đức cha Phêrô một tình cảm hết sức đặc biệt, mỗi khi ngài trở lại tại Tòa Giám mục hay bất cứ nơi nào trong giáo phận, để nghỉ ngơi, làm việc hay tĩnh tâm. Đồng thời, ngài cũng cầu chúc cho Đức cha Phêrô trở về sứ vụ tại Giáo phận Vinh được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa.
 
Thánh lễ được cử hành trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, xen lẫn tình cảm lưu luyến của Hưng Hóa dành cho Đức cha Phêrô. Tình cảm ấy giống như một của lễ dâng lên Thiên Chúa toàn năng, để cảm ơn và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất đến với Đức cha Phêrô kính yêu.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Đức cha Phêrô cũng bày tỏ tâm tình tri ân đối với quý Đức cha, quý cha, và cộng đoàn dân Chúa trong giáo phận, đã luôn cộng tác với ngài trong sứ vụ Giám quản Tông tòa tại Hưng Hóa suốt hơn một năm qua. Nhờ những ngày tháng trải nghiệm tại miền “thập tỉnh” Tây Bắc này mà ngài đã có được những kinh nghiệm mục vụ quý báu, chứ không chỉ là những lý thuyết trên sách vở. Từ đó, Đức cha cũng nói lên tinh thần sẵn sàng “ra đi” và “đồng hành”, cũng như ý thức được “cảm thức thuộc về” Giáo hội, để cùng nhau dấn thân trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Nguyện xin Thiên Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ Đức cha Phêrô trong hành trình sắp tới. Giáo phận Hưng Hóa sẽ luôn nhớ cầu nguyện và lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất về Đức cha. Và cũng xin Đức cha hãy nhớ đến Hưng Hóa trong lời cầu nguyện, hãy nhớ về những trải nghiệm khó quên trong những năm tháng gắn bó với Hưng Hóa để tình thương mến thương ấy sẽ còn mãi trong lòng.

Tây Bắc điểm hẹn ân tình
“Hưng Hóa” gắn kết với “Vinh” một nhà
Chuyến đò nên nghĩa đâu xa
Đây Vinh, Hưng Hóa chan hòa yêu thương.

TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI: CHÀO ĐÓN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC MAREK ZALEWSKY TRỞ LẠI HÀ NỘI SAU 2 NĂM XA CÁCH


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 16.02.2022

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 16.02.2022


Thứ Ba, 15 tháng 2, 2022

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 56: TẾT SẼ VỀ VỚI MẸ CON EM


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 15.02.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 6 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 15.02.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon
 

THÁNH VALENTINE THỰC SỰ LÀ AI?

THÁNH VALENTINE THỰC SỰ LÀ AI?

TGPSG / Aleteia -- Vào ngày 14 tháng 2 hằng năm, Giáo hội kính nhớ Thánh Valentine thành Roma, một linh mục đã tử đạo vào ngày này năm 270.

Tiểu sử ngắn gọn của Thánh Valentine được ghi lại trong cuốn sách ‘Hạnh các Thánh của Butler’:

Valentine là một linh mục thánh thiện ở Roma, người đã cùng với Thánh Marius và gia đình của mình, hỗ trợ các vị tử đạo trong cuộc bách hại Giáo hội thời Hoàng đế Claudius II. Ngài bị bắt và hoàng đế đã gửi ngài đến gặp tổng trấn Roma. Sau khi hứa hẹn nhiều điều để thuyết phục linh mục Valentine từ bỏ đức tin mà không đạt hiệu quả, viên tổng trấn này đã ra lệnh tra tấn và chém đầu ngài vào ngày 14 tháng 2, khoảng năm 270.

Nói chung, trên đây là hầu hết những gì xác thực mà chúng ta biết về Thánh Valentine. Sau khi ngài qua đời, nhiều truyền thuyết về ngài đã xuất hiện. Một trong những truyền thuyết sớm nhất về cuộc đời của ngài được ghi lại trong cuốn 'Truyền Thuyết Vàng':

Khi Thánh Valentine bị giam trong một ngôi nhà, ngài cầu nguyện với Chúa rằng: “Lạy Đức Giêsu Kitô, là Thiên Chúa, là ánh sáng vĩnh cửu, đang chiếu sáng căn nhà này cách khôn ngoan đến nỗi những người ở trong đó có thể biết rằng Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa."

Và viên thị trưởng nói: "Tôi lấy làm lạ khi ông nói rằng Thiên Chúa của ông chính là ánh sáng. Tuy nhiên, nếu ông có thể làm cho con gái tôi, vốn đã bị mù từ lâu, có thể nghe và thấy được, tôi sẽ làm tất cả những gì ông truyền cho tôi, và sẽ tin vào Thiên Chúa của ông.”

Thánh Valentine đã cầu nguyện theo ý viên thị trưởng, và nhờ lời cầu nguyện của ngài, con gái của viên thị trưởng đã được sáng mắt, và tất cả những người trong nhà ấy đều đã được rửa tội.

Sau đó, hoàng đế đã chặt đầu Thánh Valentine vào năm 280.

Mãi về sau, mới có những truyền thuyết về mối liên kết giữa cuộc đời Thánh Valentine với những người yêu nhau và tạo ra Ngày lễ Tình nhân hiện đại. Ngay cả câu chuyện về Thánh Valentine thực hiện các cuộc hôn nhân cũng chỉ xuất hiện mãi sau này.

Nhưng bất luận những truyền thuyết bổ sung sau này có như thế nào đi nữa, các Kitô hữu thời sơ khai cũng đã tôn kính Thánh Valentine thành Roma như một vị thánh tử đạo, một người luôn trung thành với Chúa Kitô bất chấp mọi khổ đau, mọi bách hại...

Mạnh Tú - TGPSG (viết theo Aleteia
(WGPSG) 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 14.02.2022