Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

NHẬT KÝ TUẦN ĐẦU TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN TÂN BÌNH

NHẬT KÝ TUẦN ĐẦU 
TẠI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN TÂN BÌNH

TGPSG -- Vào ngày 7-3-2022, có 11 nữ tu đến phục vụ tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng Tân Bình (đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, TP.HCM). Các vị nữ tu này thuộc các Dòng tu: Trinh Vương (2 vị), Mến Thánh Giá Chợ Quán (2 vị), Mân Côi Chí Hòa (2 vị), Đức Bà Truyền Giáo (1 vị), Mến Thánh Giá Tân Việt (3 vị), Mến Thánh Giá Thủ Đức (1 vị).

Dưới đây là đôi dòng nhật ký của một trong những vị nữ tu này.

Ngày… tháng… năm…

TÂM TÌNH HIỆP HÀNH
Chúa kính mến!

Khi "dòng họ nhà Covid" phân tán lực lượng trên địa bàn cả nước Việt Nam, Hội Dòng của con và các Hội Dòng bạn dù chẳng muốn nhưng vẫn phải mở cổng nội vi để tiếp đón “vị khách quốc tế’ này. “Khách” đến nhà, có lẽ mối lo ngại lúc này không còn là vấn đề sinh tử, nhưng là sự phiền hà trong sứ vụ, vì nét đặc trưng của Covid là thích "truyện trò riêng tư" trong phòng với đối tượng Covid thích, ít là 7 ngày.

Chúa thấy đó, Hội Dòng nào cũng bắt đầu trở lại sứ vụ, tu sĩ nào cũng có sứ vụ. Dù "anh em nhà Covid" ghé thăm chúng con mỗi ngày, nhưng Chúa vẫn cho guồng máy sứ vụ của các Hội Dòng luân chuyển nhịp nhàng và khởi sắc, bởi do lý tưởng dâng hiến, các chị em trong Dòng đã không nề hà để gánh vác sứ vụ cho nhau trong thời khắc đặc biệt này. Đó là nét đẹp của đời dâng hiến, nó luôn thu hút con, như tâm tình của Vịnh gia cảm nhận:

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,
Anh (chị) em được sống vui vầy bên nhau. (Tv. 132)


Tạ ơn Chúa đã cho nội vi của Hội Dòng chúng con được bình an, hoan lạc trong sự khởi sắc của sứ vụ. Tạ ơn Chúa đã cho chúng con được sống trong đất nước bình an, không phải thấp thỏm bom đạn như các anh chị em tại Ukraine. Tâm tình tạ ơn thúc đẩy con dâng hiến thân mình ra ngoại biên của Bệnh viện Dã chiến Tân Bình, thể theo lời mời gọi của Bề trên Giáo phận là Đức Tổng Giuse.

Thưa Chúa, con thực lòng muốn hiệp hành cùng Giáo hội địa phương trong bối cảnh của xã hội hôm nay. Con tạ ơn Chúa đã gởi đến cho con những người chị em đã quảng đại, sẵn sàng hy sinh gánh vác, chung chia sứ vụ thay cho con trong thời gian con vắng nhà. Có lẽ những người chị em đó cũng muốn hiệp hành cùng Giáo hội, nhưng trong sự âm thầm của đội ngũ “thiện nguyện ẩn danh”. Xin Chúa chúc lành cho thiện ý của con và của các anh chị em đang cùng nhịp đập khao khát hiến thân phục vụ bệnh nhân Covid trong thế kỷ 21 này.


Ngày… tháng… năm…

NHIỀU CUNG BẬC CẢM XÚC

Chúa kính mến!

Hôm nay là ngày nhóm tu sĩ của chúng con đến Bệnh viện dã chiến Tân Bình để được tập huấn và bắt đầu sứ vụ phục vụ bệnh nhân. Một hành trang tâm linh rất ấn tượng Chúa đã âm thầm gởi tặng cho con qua bài Tin mừng trong thánh lễ (Mt 25, 31-46). Chúa thấu hiểu nỗi lòng của con, dù con đã suy nghĩ cầu nguyện trước khi quyết định việc tự nguyện đi vào môi trường lây nhiễm này, nhưng đến ngày đi, một thoáng chơi vơi đến trong lòng con, đan xen chút sợ hãi vô hình và những lắng lo có tên gọi: sức khỏe bản thân; tính nhát sợ và sự nghĩ ngợi “nhà mình” đang có F0 mà con lại đi phục vụ “F0 nhà người ta”…

Khi nghe vị chủ tế công bố Tin mừng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, vì xưa Ta đói, Ta khát, Ta là khách lạ, Ta đau yếu… các ngươi đã cho ăn, cho uống, đã tiếp rước, đã thăm nom. Con đã xúc động vì cảm nhận Chúa đang trực tiếp gọi tên con và Chúa nói với con. Ơn an ủi này đã tiếp thêm sức mạnh cho con. Con bình an và hân hoan tiến bước.

Đến bệnh viện, chúng con được các Bác sĩ cho biết hiện trạng của Bệnh viện dã chiến trong thời điểm này đa phần là người lớn tuổi. Tuy không có nhiều ca nhiễm trở bệnh nặng nhưng đội ngũ y-bác sĩ đang rất thiếu vì phải tập trung chữa trị cho các bệnh nhân khác tại bệnh viện mình đang phục vụ. Con lại xác tín: Chúa đang cần con.

Con xin tạ ơn Chúa đã luôn bên cạnh con và sẻ chia những cung bậc cảm xúc trong cuộc đời con.

Lạy Chúa,
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa…
Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
(Tv 138)


Ngày… tháng… năm…

THỪA HƯỞNG GIA TÀI THƯƠNG HIỆU RIÊNG

Chúa kính mến!

Hôm nay vào bệnh viện, dù con khoác trên mình bộ đồ bảo hộ bí bức giữa cái nắng nóng của tháng 3 Sài Gòn, nhưng sao tâm hồn con lại tràn ngập niềm vui khi tiếp cận với bệnh nhân. Mầu nhiệm thứ 2 mùa Vui con đọc trên đường khi đến bệnh viện dường như vẫn đang tiếp nối tạo thành xâu chuỗi Mân Côi sống động trong không gian của đại gia đình nhiễm Covid. Những vụng về luống cuống của con- người mới học việc cũng được các bác sĩ, y tá tôn trọng. Con chân thật nói với lòng mình: đây không phải là thành tích của con, nhưng con được thừa hưởng một gia tài TÍN NHIỆM của các nhóm tu sĩ thiện nguyện đi trước. Con nhớ lại ngày hôm qua, khi gặp gỡ các đoàn thiện nguyện, điểm danh đến nhóm thiện nguyện tu sĩ, Bác sĩ phó Giám đốc bệnh viện Thống Nhất đã “phát loa” với cung giọng mộ mến mà rằng: Qua các đợt thiện nguyện lần trước, các cha, các thầy, các sơ đã tạo được THƯƠNG HIỆU RIÊNG khi cộng tác với đội ngũ y tế để lo cho bệnh nhân. Chúng tôi và các bệnh nhân rất cảm phục, biết ơn tấm lòng cũng như sự hy sinh quên mình của quý vị. Quý vị không chỉ giúp các bệnh nhân về mặt thể lý, nhưng còn làm cho tinh thần bệnh nhân được phấn chấn hơn, đội ngũ y tế chúng tôi cũng được tiếp thêm năng lượng tích cực trong những ngày đại dịch khó khăn đó.

Con xin tạ ơn Chúa đã cho Giáo hội Việt Nam có cơ hội được hồi sinh trong cơn đại dịch Covid. Con cảm tạ Chúa đã cho “dầu thánh hiến” của chúng con được tỏa hương trong cung cách phục vụ. Nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng và giúp chúng con biết tiếp tục làm cho GIA TÀI THƯƠNG HIỆU RIÊNG của đời dâng hiến được phân phát tới mọi biên cương của dải đất hình chữ S thân yêu này.

Việc Chúa làm quả thật lớn lao…

Sức mạnh việc Người làm, Người cho dân thấy rõ,
Khi tặng ban cho họ gia sản của chư dân.
(Tv. 111)


Ngày… tháng… năm…

NGƯỜI VÔ THẦN CŨNG THẤY CHÚA NHƯ AI...

Chúa kính mến,

Cho tới giờ con vẫn chưa tin vào tai mình về lời nhận định chiều nay của ông cụ 80 tuổi nằm ở giường D1.1. Ngày hôm trước, Cụ đã vui vẻ làm thơ, sáng tác bài hát và hát cho con nghe. Dù chỉ ở không gian chật hẹp trên giường bệnh, nhưng máu hướng đạo ngày xưa của Ông còn “nguyên chất”. Ông giơ tay chỉ cho con cách đập nhịp 2/4, cách xếp đội hình trong bài hát và múa làm sao ở đoạn điệp khúc. Nội dung bài hát đại ý là khen ngợi, cám ơn đội ngũ y tế và các thiện nguyện viên trong thời gian đại dịch…

Hôm nay, khi vừa giúp bà cụ 98 tuổi dùng xong bữa tối, Ông cụ vời con lại và nói: “cháu ơi, bác thấy Chúa ở trong cháu. Cháu rất có tấm lòng, nước Việt Nam mình mà có nhiều người như cháu thì hòa bình lắm!”. Con rất ngại với lời khen của Cụ vì hình như Cụ nặng tai nên nói to, các bệnh nhân giường bên cạnh cứ trố mắt nhìn Cụ và con. Con đáp lễ bằng lời cảm ơn và sau đó ghé vào tai Cụ hỏi: Bác ở giáo xứ nào vậy ạ? (cách hỏi của con hơi rụt rè vì con đã ghim trong đầu ông cụ này là Bác sĩ nghỉ hưu và không theo đạo Công giáo) – Cụ đáp: Bác là người Vô Thần. Bác không thờ Phật, thờ Chúa, nhưng Bác lại thấy Chúa ở trong Cháu. Có lẽ Cụ thấy ánh nhìn của con đang có chút tư lự nên Cụ lại lớn tiếng: Bác nói thật! Bác thấy Chúa ở trong Cháu. Cháu có tin không? Con lúng túng nên tiếp tục nói lời cảm ơn Cụ thay cho câu trả lời tin hay không tin. Sau đó, con lặng lẽ đi qua các dãy giường khác để tiếp tục công việc, nhưng trong tâm trí vẫn vang lên câu nói của Cụ: Bác là người vô Thần, nhưng Bác thấy Chúa ở trong cháu.

Con xin tạ ơn Chúa về niềm vui danh Chúa được thêm người “vô thần” biết đến. Con cảm nhận ánh sáng Chúa biến hình trong ngày Chúa Nhật thứ II mùa Chay đang chiếu sáng tâm hồn Cụ và tâm hồn con.

Ai là nam thanh, ai là nữ tú, khắp mặt bô lão, khắp mặt nhi đồng!
 
Nào ca tụng thánh danh ĐỨC CHÚA,
 
vì thánh danh Người cao cả vô song,
và oai phong vượt quá đất trời. (Tv. 148)

 
Ngày… tháng… năm…

TRÀNG CHUỖI MÙA THƯƠNG
Chúa kính mến!

Hôm nay là ngày thứ 6 con giúp bệnh nhân nhiễm Covid, một thoáng muốn chùn bước chợt đến khi con chuẩn bị hành trang vào bệnh viện. Có lẽ cái ký ức mệt lả, ướt sũng khẩu trang và khô ran cuống họng của ngày hôm qua ùa về??? Như một trò chơi ú òa, Chúa để ký ức sợ hãi đến rồi Chúa lại cho nếm trải ký ức ngọt ngào khi con được Lời Chúa đụng chạm trong ngày đầu tiên đến Bệnh viện. Thế là con có động lực “say mê hiện tại”[1] với phạm vi trên dưới 140 bệnh nhân nhiễm Covid.

Xin dâng lên Chúa từng giọt mồ hôi lao tác mỗi ngày trong bệnh viện, mong được kết thành tràng chuỗi mùa Thương trong mùa Chay Thánh, để xin Chúa thanh luyện tâm hồn con. Xin cho con được góp những hy sinh và lời cầu nguyện bé nhỏ của mình vào lời cầu nguyện của Giáo hội để cầu nguyện cho hòa bình tại đất nước Ukraine, và cho ký ức sợ hãi của cơn đại dịch được xóa khỏi tâm trí con người trên thế giới này.

Con cùng Mẹ đếm từng hạt THƯƠNG đau lữ thứ,
Mẹ cùng con gửi niềm đau bên Thập Tự Giêsu.


Nt. Maria Têrêsa Diễm Hạnh, FMSR (TGPSG)

[1] X. Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến của ĐTC Phanxicô 
 
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 15.3.2022


Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 2 MÙA CHAY 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 15.3.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 14.3.2022


ĐỨC HỒNG Y PAROLIN NÓI: TÒA THÁNH LUÔN SẴN SÀNG LÀM TRUNG GIAN ĐỂ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH Ở UCRAINA

Đức Hồng y Pietro Parolin  (AFP or licensors)

TÒA THÁNH LUÔN SẴN SÀNG LÀM TRUNG GIAN 
ĐỂ CHẤM DỨT CHIẾN TRANH Ở UCRAINA

Hồng Thủy

Vatican News (14.3.2022) - Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Tg Com 24 của Ý, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh khẳng định Tòa Thánh luôn sẵn sàng làm trung gian để chấm dứt cuộc chiến tại Ucraina.

Suy tư đầu tiên được Đức Thánh Cha chia sẻ liên quan đến tiến trình hiệp hành đang diễn ra trong Giáo hội. Hiệp hành trên hết có nghĩa là bước đi cùng nhau. Những người tham gia vào tiến trình xét xử, dù có những vai trò và lợi ích khác nhau, đều được kêu gọi đóng góp vào việc xác minh sự thật thông qua đối chiếu, so sánh lập luận và xem xét cẩn thận chứng cứ.

Hôm Chúa Nhật 13/3/2022, trong cuộc phỏng vấn sau khi Đức Thánh Cha lặp lại lời kêu gọi khẩn cấp chấm dứt chiến tranh “nhân danh Thiên Chúa”, Đức Hồng Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhắc lại việc Tòa Thánh sẵn sàng làm mọi việc có thể để giúp kết thúc chiến tranh ở Ucraina, điều mà chính Đức Thánh Cha đã nói, và vẫn còn giá trị.

Hy vọng hòa giải và chấm dứt chiến tranh

Nhắc lại cuộc điện đàm của ngài với Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergej Lavrov, Đức Hồng y giải thích rằng, mặc dù đã ghi nhận đề xuất của Tòa Thánh nhưng về phía Nga, “cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu” sẵn sàng tận dụng cơ hội.

Tuy nhiên, Đức Hồng y Parolin cũng chỉ ra rằng “việc chấp nhận lời đề nghị của Tòa Thánh không quan trọng, nhưng điều quan trọng là tìm ra cách để chấm dứt tất cả những gì đang diễn ra”, và ngài bày tỏ hy vọng rằng các cuộc tiếp xúc đang diễn ra và các cuộc hòa giải về vấn đề này sẽ có kết quả tích cực.

Nhiều người vì hòa bình

Mặt khác, Đức Hồng y khẳng định rằng Giáo hội đang làm rất nhiều điều; ngài nhắc lại những lời kêu gọi được lặp đi lặp lại của Đức Thánh Cha về hòa bình, các sáng kiến cầu nguyện, tình liên đới, và tiếp tục liên lạc với Sứ thần Tòa thánh tại Kiev. Đức Hồng y cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiều cuộc biểu tình yêu cầu chấm dứt chiến tranh và nhắc lại rằng: trong buổi đọc kinh Truyền Tin (trưa ngày 13/3) Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người tham gia “kêu gọi chấm dứt chiến tranh”. Đức Hồng y lưu ý rằng ở Nga cũng có rất nhiều phong trào hòa bình, và đây là một dấu hiệu của hy vọng.

Đau khổ của Đức Thánh Cha và của mọi người

Một lần nữa, bình luận về những lời của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trước đó, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh cho biết ngài cũng rất ấn tượng về biểu hiện của Đức Thánh Cha. Đức Hồng y nói, không chỉ là những lời nói mạnh mẽ và gay gắt, mà Đức Thánh Cha còn hết sức đau buồn. Đức Hồng y nói: “Ngài chỉ có thể là như vậy. Tất cả chúng ta đều đau buồn và kinh hoàng trước cuộc chiến vô nghĩa này.”

(WHĐ)

CHIẾN TRANH VÀ TRUYỀN THÔNG


CHIẾN TRANH VÀ TRUYỀN THÔNG
 
Alessandro Gisotti
L’Osservatore Romano, War and the duty to report on it
09/03/2022.
 
WGPMT (12.3.2022) - Cách đây 2.500 năm, Aeschylus nói rằng tổn thất đầu tiên của chiến tranh là chân lý (sự thật). Khẳng định này có thể được áp dụng cho mọi cuộc chiến tranh từ trước tới nay, và cuộc chiến tại Ukraina hiện nay cũng không ngoại lệ. Tổn thất đầu tiên là sự thật về từng cá nhân, về các cộng đồng và sự sống chung hòa bình. Tất cả đều bị đem ra xẻ thịt nhân danh những quyền lợi được che giấu bằng những biện minh về lịch sử và căn tính, nhưng sớm hay muộn cũng sẽ lộ diện theo thời gian. Thế nhưng trong khi đó, người dân phải chết, người vô tội phải đau khổ và nỗi kinh hoàng lan rộng.
 
Trong tình hình bi thảm đang diễn ra giữa lòng châu Âu này, cũng như trong nhiều cuộc chiến tranh khác nhanh chóng bị lãng quên vì nó xảy ra trong những vùng bị coi là “không đáng quan tâm” về mặt địa-chính trị, truyền thông đóng vai trò nền tảng. Rất đáng nhắc lại ở đây là năm ngoái, giải Nobel Hòa Bình được trao cho hai phóng viên đã dấn thân tìm kiếm sự thật trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Một cuộc chiến và những thảm họa nó gây ra có thể bị coi là “không xảy ra” nếu không có ai đó kể chuyện cho nghe.
 
Vì vậy chúng ta phải biết ơn những phóng viên, trong những ngày này, đang cung cấp thông tin về Ukraina, kể cả phải liều mạng sống. Họ nói cho chúng ta biết về những đau khổ của dân chúng, họ làm cho thế giới “cảm” được những khổ đau và thất vọng người dân thường phải chịu do một cuộc chiến vừa vô nghĩa vừa tàn khốc như thế. Hiệp hội phát thanh châu Âu (EBU) nhấn mạnh rằng: “Điều thiết yếu là các phóng viên có thể làm việc cách tự do và bình an và tường thuật mà không bị ngăn cản nào… Ủng hộ tự do truyền thông phải là ưu tiên hàng đầu, không phải ‘mặc dù’ có những khó khăn, nhưng là ‘chính vì’ có những khó khăn”.
 
Không phải là chuyện lạ lùng khi các phóng viên trong những vùng chiến sự bị xúc động trước những gì họ thấy và nghe, rồi họ chia sẻ những cảm xúc đó trong các phóng sự và bài viết. Điều đó không đánh mất đi phẩm chất công việc của họ. Ngược lại, đó là sự đồng cảm của những người đang làm công tác chuyên môn đòi hỏi tính khách quan, nhưng vẫn không dửng dưng vô cảm trước những khổ đau của người dân. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần nhìn nhận vai trò này của các phóng viên, coi đó như là “sứ vụ”, nhất là những phóng viên chấp nhận “cởi giày ra” để tìm gặp người dân trong cảnh sống thực của họ. Đôi khi sứ vụ này có thể khiến người ta mất mạng như trường hợp của Anna Politkovskaya đã bị ám sát vì tường thuật về một cuộc chiến khác, cuộc chiến ở Chechnya. Mười lăm năm đã trôi qua kể từ vụ ám sát ấy nhưng tinh thần của người nữ phóng viên đó không bị giết chết, tinh thần đã làm cho cô nói (và làm chứng bằng công việc của mình) rằng: “Bổn phận của một bác sĩ là chữa lành bệnh nhân, còn bổn phận của một phóng viên là viết lại những gì mình thấy”.
 
(WHĐ)

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

THÁNH THỂ LÀ ÁNH SÁNG CHO NHỮNG NƠI TĂM TỐI

THÁNH THỂ LÀ ÁNH SÁNG CHO NHỮNG NƠI TĂM TỐI

TGPSG / Aleteia -- Xin Chúa thương cho những ai đang sống trong tăm tối nhận được niềm hy vọng, nhờ sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Khi bóng tối của tội lỗi và sự dữ bao trùm lấy một cá nhân hay một nhóm người, nó thường làm người ta mất niềm hy vọng, cảm thấy dường như không còn ánh sáng trên trần thế.

Và tin vui mừng ở đây chính là Chúa Giêsu ở cùng chúng ta trong Bí tích Thánh Thể: sự hiện diện của Người là ánh sáng cho tất cả những ai đang phải trải qua đêm tối cuộc đời.

Dưới đây là lời cầu nguyện được trích từ sách “Năm Phụng Vụ” của viện phụ Dom Prosper Gueranger, cầu xin cho Bí tích Thánh Thể chiếu tỏa rực rỡ cho mọi người được thấy, mang niềm hy vọng cho những con tim rã rời.

Lạy Chúa Giêsu yêu dấu, xin cho niềm hạnh phúc phát xuất từ sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể tuôn tràn đến mọi thành phần trong Hội Thánh của Chúa.

Thánh Nhan Chúa là niềm vui cho các thánh trên trời, sẽ khiến cho ngay cả con mắt thể xác chúng con đây cũng thấy Chúa dưới tấm màn đức tin hân hoan.

Xin Người đừng ẩn mặt đi khỏi anh chị em của chúng con – những người đang phải sống trong sự hoài nghi, hụt hẫng và sợ hãi.

Xin bổ sức và là ánh sáng cho những ai đang sống trong bóng tối, là sự bình an trong những nỗi thống khổ của họ.

Philip Kosloski (Aleteia)
Maria Ngọc Tỷ (TGPSG) chuyển ngữ 
(WGPSG) 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 14.3.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.
 

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ: HÃY DỪNG CUỘC THẢM SÁT NÀY!


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 13.3.2022