Thứ Năm, 21 tháng 4, 2022

BƯỚC TỪNG BƯỚC - SỐ 65: NGƯỜI CON CẢ


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 21.4.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.
 

THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO TOÀ THÁNH VATICAN ĐẾN VIỆT NAM


THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO TOÀ THÁNH VATICAN 
ĐẾN VIỆT NAM

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ

WHĐ (20.4.2022) - 15g29 phút ngày 20 tháng 4 năm 2022, Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski, Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã đáp chuyến bay đến Hà Nội, bắt đầu những ngày thăm và làm việc tại Việt Nam. Tháp tùng Đức ông Thứ trưởng có Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, Viên chức Bộ Ngoại giao, Linh mục Han Hyuntaek, Viên chức Bộ Loan báo Tin Mừng cho các dân tộc.

Chào đón Đức ông Wachowski lần đầu đến Việt Nam, tại sân bay Nội Bài, có Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam và phái đoàn Tổng Giáo phận Hà Nội gồm có cha Antôn Nguyễn Văn Thắng, Tổng Đại diện Tổng Giáo phận, cha Anphongso Phạm Hùng, Chánh Văn phòng Toà Tổng Giám mục Hà Nội và truyền thông Tổng Giáo phận.

Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đại diện không thường trú của Toà Thánh Vatican tại Việt Nam cũng đến sân bay Nội Bài để chào đón Đức ông Thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh.

Về phía chính phủ Việt Nam có đại diện Bộ Ngoại giao và Ban Tôn giáo Chính phủ cũng có mặt tại cửa máy bay để chào đón đoàn ngay khi vừa hạ cánh.

Từ trái sang: Linh mục Han Hyuntaek, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên,
Đức ông Phanxicô Cao Minh Dung, Đức Tổng giám mục Marek Zalewski,
Đức ông Miroslaw Stanislaw Wachowski,
và Đại diện Bộ Ngoại giao và Ban Tôn giáo Chính phủ

Trong các ngày 21 và 22 tháng 4, phái đoàn Toà Thánh sẽ có các hoạt động ngoại giao, chào thăm lãnh đạo Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ; trọng tâm là cuộc họp đàm phán thứ IX của Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican với nội dung đặt Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh Vatican tại Việt Nam. Nhân dịp này, chiều 23 tháng 4, Đức ông Wachowski và phái đoàn sẽ đến thăm và dâng lễ tại Nhà thờ Chính toà (Nhà thờ lớn) Hà Nội. Đức Tổng Giám mục Hà Nội và quý Đức cha trong giáo tỉnh cùng cộng đoàn Dân Chúa sẽ mừng đón phái đoàn Toà Thánh đến Hà Nội.

Chiều 25 tháng 4, nhân dịp Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức tại Toà Giám mục Thái Bình, phái đoàn Toà Thánh sẽ đi thăm giáo phận Thái Bình và gặp quý Đức cha tham dự Hội nghị tại đây. Phái đoàn Toà Thánh cũng sẽ thăm một vài cơ sở của giáo phận và dâng lễ tại Nhà thờ Chính toà cùng cộng đồng Dân Chúa tại Thái Bình.

Tối 27 tháng 4, Đức ông Thứ trưởng và đoàn sẽ rời Việt Nam trở về Roma.

Xin cộng đoàn Dân Chúa cầu nguyện cho chuyến viếng thăm lần đầu tiên của Đức ông Wachowski tại Việt Nam sinh nhiều hoa trái.

(Cập nhật lúc 08 giờ 45, ngày 21.4.2022)
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 20.4.2022

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 19.4.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 19.4.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP Saigon.


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH LẠY NỮ VƯƠNG THIÊN ĐÀNG TRƯA THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH - THỨ HAI THIÊN THẦN 18.4.2022


TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT

 

TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT

Thiên Triệu

WGPMT (16.4.2022) - “Tình yêu” là từ ngữ rất thân quen, trong ngôn ngữ đời thường cũng như trong Kinh Thánh. Thế nhưng nội hàm của hai tiếng “tình yêu” ấy có giống nhau không? Khi Kinh Thánh nói đến tình yêu, phải hiểu thế nào?

Có nhiều thứ tình yêu và trong một số ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, người ta dùng từ “tình yêu” và kèm theo một tính từ để phân biệt, chẳng hạn tình yêu cha mẹ, tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng, tình yêu huynh đệ, tình yêu nam nữ… Nhưng có những ngôn ngữ khác lại sử dụng nhiều từ hoàn toàn khác nhau để phân biệt các thứ tình yêu. Trong tiếng Hi Lạp cổ là ngôn ngữ mà các sách Tin Mừng và hầu hết các sách Tân Ước sử dụng, có ít nhất sáu từ khác nhau để nói về tình yêu. Có từ pothos và himeros, trong thực tế đồng nghĩa với nhau và nói về sự khao khát, mong ước điều gì đó hoặc ai đó mà người ta còn thiếu hoặc đã mất. Từ thứ ba là eros để nói về khao khát nhục dục, tình yêu đam mê và nhục thể. Từ thứ tư là storge, nói về tình cảm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Không có từ nào trong số những từ trên có mặt trong Tân Ước. Từ thứ năm là philia chỉ xuất hiện một lần (Gc 4,4) và nói về sự say đắm.

Tất cả những từ trên được sử dụng rất nhiều trong tiếng Hi Lạp cổ cũng như Hi Lạp phổ thông. Còn một từ nữa, từ thứ sáu, để nói về tình yêu nhưng lại ít khi thấy trong tiếng Hi Lạp cổ cũng như phổ thông. Thế nhưng đây lại là từ được các tác giả Tân Ước chọn vì thích hợp nhất để nói về thứ tình yêu mà Chúa Giêsu dạy chúng ta. Đó là từ agape, xuất hiện 116 lần trong Tân Ước, và động từ agapan xuất hiện 141 lần. Như thế chúng ta thấy một hiện tượng rất lạ về ngữ học ở đây: đang khi 5 từ được dùng thường xuyên trong các sách ngoài Kinh Thánh Tân Ước, thì Kinh Thánh chỉ sử dụng một lần duy nhất; ngược lại, từ agape hiếm thấy trong các sách đời thì lại được các tác giả Tân Ước dùng nhiều, đến 257 lần.

Chỉ một ghi nhận đó thôi cũng đủ cho thấy “tình yêu” mà Chúa Giêsu và các môn đệ Chúa dạy khác xa thứ tình yêu mà người ta thường nói ngoài đời. Đó là “tình yêu cho đi vì thiện ích của người khác” (Nil Guillemette, Hearts Burning, 369-371; Ethelbert Stauffer, Theological Dictionary of the Testament, vol. 1, p. 37).

Đó chính là ý nghĩa của “tình yêu” khi thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là tình yêu (agape)” (1Ga 4,8). Đó chính là ý nghĩa của điều răn yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu (agape) nào cao cả hơn tình yêu của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương (agape) nhau” (Ga 15,12.17).

Tình yêu ấy chiến thắng cả sự chết, đó là sứ điệp của Chúa nhật Phục Sinh: “Sinh mệnh cùng tử vong ác chiến, cuộc giao tranh khai diễn diệu kỳ. Chúa sự sống đã chết đi, giờ đây hằng sống trị vì oai linh” (Ca tiếp liên).

Đó cũng là tình yêu mà thánh Phaolô hát lên trong Bài ca đức mến:

“Đức mến (agape) thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,4-7).

Không lạ gì khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lấy bài ca này làm nguồn cảm hứng để trình bày những suy tư và hướng dẫn cho đời sống hôn nhân và gia đình trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu.

(WHĐ)