TRUNG THU VÀ CHIẾC BÁNH CỔ TÍCH
TGPSG -- Cây đa bật gốc đưa chú Cuội bay về cung trăng và ở đó mãi - câu chuyện huyền thoại này diễn tả mong ước sâu xa thầm kín của người dân Việt, khi ngắm trăng rằm thì cũng ước mơ có thể chạm chân lên mặt trăng.
Đến năm 1969, người Mỹ đã thành công trong chuyến du hành mặt trăng. Và ở thế kỷ 21 này, những chuyến du hành mặt trăng không còn xa lạ gì nữa. Ước mơ của tiền nhân nay đã thành sự thật mà sao câu chuyện chú Cuội trên cung trăng vẫn còn đó. Khi Trung Thu về, người ta vẫn kể lại cho những thế hệ sau. Những chiếc bánh mang hình mặt trăng vẫn xuất hiện, mang ý nghĩa của sự đoàn tụ ấm áp tình thân bên gia đình khi trăng tròn.
Thời gian ai dệt mà đưa xa cái tuổi hồn nhiên trẻ thơ của đời người, để rồi thay thế vào đó là nỗi nhớ nhung của một thời đã xa? Còn đâu nữa câu truyện Bà kể mỗi đêm trăng tròn! Nhớ lắm đi thôi chiếc đèn kéo quân rực rỡ mà Ba cố công vót tre làm cho! Nhớ làm sao chiếc bánh nướng thơm lừng của Má và những buổi tối rước đèn của đám nhóc xung quanh xóm đạo! Trung Thu là thế, mỗi năm mỗi đến, mà sao cảm xúc lòng người mỗi năm một khác, chẳng thể tròn vành mãi như trăng vàng giữa Thu?
Chiếc bánh cổ tích thời thơ ấu
Sinh ra là lớn lên trong gia đình Công Giáo nơi mảnh đất Tây Nam Bộ, với Ngọc An thì Trung Thu cũng thật đặc biệt. Dường như trăng rằm đi theo những biến cố to nhỏ trong gia đình, vì ngày Trung Thu, Má sẽ làm một cái bánh nướng thật to và hình tròn giống mặt trăng. Má sẽ cắt bánh theo đúng số người trong gia đình, mỗi người một phần, rất đủ đầy vui vẻ như sự đoàn viên hài hòa của gia đình. Má gói ghém trong chiếc bánh ấy những ước mong cho gia đình cứ mãi bình yên, cứ mãi tròn đẹp như chiếc bánh trung thu vậy.
Thời gian đong đầy những vui buồn gia đình qua những tháng năm. Trăng tròn rồi lại khuyết. Trăng vàng trên cao hay soi mình dưới dòng sông êm ả của vùng sông nước này. Chiếc ghe chông chênh của Ba làm vỡ ánh trăng trên sông. Chiếc ghe ấy không chỉ là dụng cụ buôn bán lúa gạo nuôi sống gia đình An, nhưng còn chất chứa bao kỷ niệm về Ba. Có lần Ba nói: chiếc ghe này đã chở Mẹ đi sinh con ở trạm xá xa nhà nữa cơ! Nhưng chiếc ghe này cũng đưa vào cuộc đời An bao đau đớn khi hình ảnh của Ba xa dần cuộc đời An trong chuyến đi định mệnh trên chiếc ghe này.
Chiều ấy, Ba Má vẫn đi ghe mua lúa dưới tận sông lớn. Chị em An ở nhà coi nhà và phụ mẹ chăm đàn gà con. Má hứa khi về sẽ làm bánh trung thu cho kịp Tết Trung Thu và mua lồng đèn cho chị em An nữa. Nhưng rồi, mùa Trung Thu năm ấy, khi chiếc ghe quay về, chỉ có tiếng khóc của Má, còn Ba thì nằm yên giữa những bao lúa trong lòng ghe. An đã lay gọi mãi mà Ba không tỉnh lại nữa, chỉ biết qua lời chú Tư kể lại:
- Ổng bị rơi xuống sông, rồi bị chuột rút nữa, nên bị đuối nước…
- Tội nghiệp, nhờ trăng sáng mà còn tìm thấy xác, chứ đêm hôm thế này…
- Tội nghiệp mấy đứa nhỏ mất Ba.
Những tiếng thở dài của hàng xóm như nối dài nỗi đau thương mất mát trong gia đình nhỏ bé này. Tiếng chuông sầu báo tử vang khắp xóm đạo. Văng vẳng trong không gian tiếng vợ khóc chồng, tiếng trẻ thơ khóc ba. Hàng xóm, họ hàng đến chia sẻ nỗi mất mát trong gia đình An nối tiếp với Thánh lễ an táng trang nghiêm tiễn đưa người con của Giáo xứ về nhà Chúa trong dòng lệ rơi.
Sự ra đi của Ba là một biến cố lớn trong cuộc đời An, giúp cô bé trưởng thành hơn. An thấy thương mẹ và các em nhiều hơn. An tự nhủ với lòng mình thay Ba chăm sóc cho Má và các em. Khi Ba mất, Má mới 38 tuổi và đứa em út mới 10 tuổi. Còn An - đứa con gái cả ở tuổi 18 - đang chập chững bước vào đời bao nhiêu điều khó khăn, vất vả định hướng cho tương lai. An cần một bàn tay lớn để chỉ cho An bước tiếp. An hay đứng trước tấm di ảnh của ba, nước mắt lưng tròng, thầm nói với ba: “Ba cùng đồng hành với con, nha Ba!”
Phải mất một năm sau khi Ba mất, gia đình An mới lấy lại thăng bằng. Giờ đây Ba lúc nào cũng ở nhà với chị em An. Ba không đi ghe lúa nữa, lúc nào cũng mỉm cười nhìn chị em An trong tấm di ảnh với nụ cười khích lệ.
Má thì ở vậy nuôi dạy chị em An. Má vừa làm mẹ vừa làm cha - gánh nặng ấy đủ để chị em An trông thấy mà ngoan ngoãn vâng lời Má và chăm chỉ học hành. Năm nào chị em An đứa nào cũng cố gắng học hành đạt học sinh giỏi để Má vơi bớt lo toan.
Và năm nào đến Trung Thu, Má cũng làm bánh nướng - chiếc bánh tròn đẹp được nướng thơm phức. Trước khi cắt bánh cho chị em An ăn, Má cắt cho Ba một phần để trên bàn thờ. Ba vẫn hiện diện trong gia đình nhưng vô hình để ở bên từng người thân cách khắng khít. Chiếc bánh của Má, dẫu khuyết một phần khi bắt đầu chia cho các con, nhưng đã diễn tả cách sống động lòng chung thủy ấm áp Má dành cho Ba, như vầng trăng kia vẫn cứ tròn mỗi độ Trung Thu về.
Những năm học đại học xa nhà, An nhớ Má và các em nhiều lắm. Nhớ thương Má gồng gánh cả gia đình. Chính vì thế mà cứ đến Trung Thu, An lại xin phép nghỉ học về giỗ Ba và nhất là để được ăn miếng bánh trung thu của Má. Nơi ngôi nhà nhỏ bé ấy, có Má và nụ cười của Ba đi sâu thăm thẳm vào cuộc đời và tâm hồn An.
Chiếc bánh cổ tích của đời dâng hiến
Và rồi đi vào định hướng cho tương lai, An muốn dấn thân cho một lý tưởng cao đẹp hơn khi tuổi vẫn còn trong độ trăng tròn. An nói với Má: “Má ơi! con muốn đi tu để dấn thân và phục vụ Chúa.”
Má ngồi im lặng một lát rồi nói: “Con đi tu, Má tôn trọng ý muốn và quyết định của con. Má sẵn sàng dâng con cho Chúa.”
“Nhưng Má à, Má lo cho con ăn học mà con chưa làm gì để đáp đền ơn Má.”
“Không cần con đáp đền ơn Má. Con sống hạnh phúc, Má cũng hạnh phúc.” Má quay mặt đi, gạt giọt nươc mắt đang lăn trên mắt môi.
Năm tháng dệt đời nữ tu của An trong mái nhà Hội Dòng thắm đậm tình yêu Thiên Chúa dành riêng cho An. Trong những giờ kinh nguyện của mình, An luôn nhớ đến Ba, xin Chúa thương xót để Ba sớm về Thiên Đàng với Chúa; nhớ đến Má đang vất vả với cuộc sống; nhớ các em đang lớn lên trong niềm Tin người Công Giáo. Tất cả An gói ghém trong lời cầu nguyện và trong cả cuộc đời dấn thân cho Chúa và phục vụ tha nhân.
Trong đời sống thánh hiến này, ngang qua chiếc bánh trung thu của Má, An nhận ra có một Tấm Bánh Lớn mỗi ngày bẻ ra để nuôi sống con người, để quy tụ con người lại trong tình yêu Thiên Chúa. Đó là Tấm Bánh Thánh Thể mỗi ngày, dạy An về tình yêu dịu dàng mà An phải có để dành tất cả cho Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Gia đình của An hôm nay dường như lớn hơn, đó chính là Hội Dòng, là các linh hồn và là cả thế giới - mà An có sứ mệnh phải cầu nguyện cho tất cả.
An nhớ lại khoảng thời gian mới một năm trước thôi, khi An và các anh chị em tu sĩ tình nguyện trong bệnh viện Dã chiến chống Covid 19. An chứng kiến những cái chết lặng lẽ nơi bệnh viện. Những giọt nước mắt đã chảy ngược vào trong lòng, khi An thấy những người cha người mẹ lặng lẽ lìa đời, để lại những đứa trẻ chịu cảnh mồ côi. Và Trung Thu năm 2021 sẽ còn ghi dấu mãi trong tâm hồn An, khi An cắt những miếng bánh cho các bệnh nhân nhiễm Covid vui Trung Thu. Với một số người, đó là miếng bánh trung thu cuối cùng An mang đến cho họ. Cũng có những bệnh nhân còn nhớ hoài miếng bánh ân tình ấy. An nhận ra mình cũng trở thành mẹ khi cắt bánh trung thu mong sự bình an đoàn viên sẽ trở lại trong các gia đình. Cảm nghiệm ấy giúp An lớn lên trong đời thánh hiến, ý thức được sứ mệnh đem bình an và sự nối kết giữa Thiên Chúa với anh chị em mình đang phục vụ.
Trung Thu năm nay, chị nữ tu mang tên Bình An ấy cũng đang cắt bánh trung thu cho các em nhỏ dân tộc X’ tiêng. Ở trên vùng đất Tây nguyên này, trăng có vẻ tròn hơn và sáng hơn. Nhưng dù thi hành sứ vụ ở bất cứ chốn nào, An luôn ý thức rằng bản thân mình cũng chính là chiếc bánh để Thiên Chúa cắt ra và chia cho anh chị em ở nơi nào Chúa muốn.
Maria Hồng Hà CMR (TGPSG) (WGPSG)