Thứ Tư, 28 tháng 9, 2022

CHUYỆN CỦA ĐỚT

CHUYỆN CỦA ĐỚT

TGPSG - Đớt mở mắt chào đời vào một đêm trời tối đen như mực nhưng gia đình nó lại bừng lên ánh sáng của niềm vui. Ba má nó mừng rỡ vì sinh được con trai sau khi đã có bốn đứa con gái.

Thời nào cũng có một số người vẫn còn giữ quan niệm trọng nam khinh nữ ‘một con trai thì có nhưng mười con gái vẫn coi như không’. Bà nội nó không theo quan niệm cổ hủ, nhưng nghe tin có quý tử thì liền tạ ơn Chúa đã cho bà đứa cháu trai mà bà hằng khấn xin. Bà đặt tên cháu là Đạt để ghi nhớ ngày đạt được mong ước có cháu trai và cũng mong nó sẽ thành đạt trong cuộc sống.

Thằng bé ra đời khi chưa đủ ngày tháng nên nhỏ xíu chỉ nặng được 2 ký 1, làn da bụng mỏng đến nỗi thấy cả những mạch máu xanh đỏ nhỏ li ti, may là nó không phải nằm lồng kiếng. Khi hai mẹ con nó rời nhà thương về nhà, bà nội nó nấu những thức ăn bổ dưỡng để má nó có nhiều sữa cho con bú. Khổ một cái là má nó có nhiều sữa nhưng nó bú được một chút rồi lại ọc ra, nên phải vắt bớt sữa cho con các bà mẹ không có sữa ở trong xóm.

Một tuổi, thằng Đạt tuy vẫn còn còi cọc nhưng có cái miệng hay cười nên bà nội nó càng cưng hơn và chăm sóc nó suốt ngày để ba má nó lo buôn bán. Khi Đạt biết đi, được bà cưng chiều nên càng ngày càng phá phách, leo trèo khắp nơi, khiến cho đồ đạc, ly tách… rớt loảng xoảng. Hơn hai tuổi vẫn chưa biết nói, thích gì chỉ cần đưa tay chỉ là bà lấy cho liền, nên càng không thèm nói. Mới ba tuổi mà chỉ tay bắt bà vặn tivi coi suốt ngày. Cho tới một ngày, khi đang coi tivi, Đạt nghe tiếng Radio của ông Chín mới dọn về sát bên nhà phát ra bài hát “Những đồi hoa sim” tự nhiên nó bỏ tivi ra đứng sát vách nghe say mê. Cứ như vậy, mỗi lần Đạt nghe tiếng Radio là chạy ra nghe chỉ mỗi một bài đó thôi.

Rồi một buổi trưa nắng nhẹ, bà nội nó đang thiu thiu ngủ, bỗng nghe tiếng thằng Đạt hát đớt đát: “Những đồi hoa ‘khim’ ôi những đồi hoa ‘khim kím’”, bà mừng rỡ ôm nó hun chùn chụt vì bà sợ nó sẽ không bao giờ nói được. Từ đó, Đạt biết nói luôn nhưng không bao giờ phát âm đúng hai từ s t, hàng xóm kêu nó là Đạt Đớt, riết rồi làm biếng nên kêu nó chết tên là Đớt luôn.

Tới tuổi đi học, cứ học được vài bữa là Đớt về đòi nghỉ học vì bị bạn trong lớp chọc ghẹo hoài cái tật nói đớt làm Đớt quạu lên vật lộn với bạn, nên về nhà quần áo lúc nào cũng lấm lem. Đổi mấy trường rồi cũng không giúp thay đổi được tình hình, nên bà nội Đớt cho nó nghỉ học để bà dạy ở nhà. Ba má nó can thiệp, thì bà nói “Bây cứ để tao nuôi dạy nó.”

Nội nó có hai dãy nhà cho mướn, không thiếu thốn chi, nên bà toàn tâm toàn ý lo cho cháu. Bà dạy nó biết đọc, biết viết, biết làm toán, nhưng cũng chỉ tới mức đó thôi. Điều bà thương nhứt là cháu bà dù không học giỏi nhưng thích theo bà đi dự lễ hàng ngày. Tối bà lần chuỗi nó cũng lần chuỗi với bà. Đớt cũng yêu quý bà nội, cứ quanh quẩn bên bà, không ham chơi như những trẻ khác.

Đớt không giỏi học chữ nhưng rất khéo tay. Lúc Đớt 14 tuổi, thấy người ta làm chong chóng bán trước cửa trường Mầm Non đắt quá, nó bắt chước làm và bán cũng được. Lần lần Đớt chế ra đủ kiểu chong chóng từ hình tam giác, tới hình tròn, hình bông hoa… các em bé rất ưa thích. Vậy là Đớt theo nghề bán chong chóng luôn tới tuổi trưởng thành.

Rồi Đớt cũng lấy vợ là cô gái bán trái cây ghim bên cạnh xe đạp bán chong chóng của Đớt trước trường học. Vợ của Đớt mắc bệnh câm điếc nên phải ghi bảng giá, và chỉ ra dấu mỗi khi bán hàng thôi. Thấy cô gái khuyết tật mà biết chăm chỉ làm ăn nên Đớt trả lời dùm mỗi khi khách hàng muốn mua nhiều hơn, hoặc muốn đặt hàng. Nội nó đồng ý cho hai đứa kết hôn với nhau, không màng đến khuyết tật của hai cháu, không cần con cháu phải làm ông này bà nọ, miễn hai đứa biết tự làm ăn và giữ đạo tốt là được. Hai vợ chồng Đớt biết sống tiết kiệm, nên khi có đứa con thứ hai, họ đã mua được chiếc xe gắn máy cũ để Chúa nhựt chở con đi dự lễ, và chở nhau đi chơi những lúc rảnh.

Các chị của Đớt học giỏi, ra trường đi làm rồi lập gia đình nhưng không ai dành dụm được gì nhiều trong thời buổi khó khăn. Tất cả vẫn ở chung trong căn nhà nội. Bà nội Đớt trước khi mất chia cho mỗi người chị của Đớt một căn nhà trong dãy nhà bốn căn cho mướn. Nhà đang ở bà cho ba má Đớt và hai vợ chồng Đớt. Còn một dãy nhà đang có khách mướn bà cho Đớt coi sóc để có thêm tiền lo cho con cái ăn học.

Bà luôn tạ ơn Chúa vì đã cho con cháu bà dù sống cảnh thanh bần nhưng biết giữ đạo và sống hòa thuận bên nhau. Trước lúc qua đời, bà căn dặn con cháu giữ tâm lương thiện và biết sống đức tin để làm gương cho con cái. Đớt luôn làm như lời bà đã dặn. Nhớ thương bà, tháng nào Đớt cũng xin lễ cầu nguyện cho bà mau hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa.

Tóc Ngắn (TGPSG) 
(WGPSG)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 28.9.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 28.9.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon
 

SAIGON NHỮNG NGÀY NÀY NĂM TRƯỚC…


SAIGON NHỮNG NGÀY NÀY NĂM TRƯỚC…

TGPSG -- "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 15, 12)

Mới đây thôi, tôi tình cờ thấy facebook nhắc lại cho người dùng những kỷ niệm ngày này của những năm đã qua. Tôi thấy đó là một tính năng vô cùng ý nghĩa để giúp con người ta luôn nhớ đến những gì đặc biệt ở quá khứ và nhắc nhở chúng ta biết trân quý thực tại.

Tôi nhớ lại Sài Gòn (SG) những ngày này cách đây một năm và thấy thật sự Chúa đã thương nghe lời tôi cầu xin cho gia đình tôi, cho tôi, cũng như khu xóm của tôi được bình an, vượt qua khó khăn trong thời gian bị cách ly vì đại dịch. Cám ơn Chúa vì giờ đây tôi còn đủ sức khoẻ để ngồi viết tiếp những dòng chữ này ở hiện tại.

Vào thời điểm này năm ngoái, SG là một thành phố im vắng, giống như một bãi tha ma hầu như không có người đi lại. Nhiều người chết vì dịch bệnh, chết vì hoảng sợ, chết vì bất cẩn, chết vì bất tuân, chết vì bất lực, chết vì mình thiếu hiểu biết, và còn chết vì sự không hiểu biết của những người khác…

Người ta lo lắng cho SG, thương SG, tiếp tế cho SG, nhưng cũng có những lời của ai đó lên án, nhạo báng, mỉa mai và kỳ thị SG. SG đã bị khai thác quá mức, và có vẻ như SG ngậm ngùi chết lặng trong khi những nơi khác vẫn đang sống!....

Rồi khi cả nước áp dụng chỉ thị số 16, “SG thành phố không ngủ” lúc bấy giờ đã đi vào “giấc ngủ” suốt cả ngày lẫn đêm. Các hàng quán đóng cửa. Khi đi chợ bằng tem phiếu thì thấy lô cốt rào chắn mọc lên ở khắp mọi nơi. Đó là lúc SG đổ bệnh. Các khu xóm đều bị chặn hẻm lại không cho ai ra vào; các gia đình tại khu giáo này đều không được ra khỏi nhà: “ai ở đâu thì ở đó”.

Khi đại dịch covid bùng phát khắp nơi ở SG, thì nơi tôi ở - khu Thánh Gẫm thuộc Giáo xứ Gia Định - cũng không ngoại lệ. Đã bắt đầu có gia đình bị nóng sốt. Lúc y tế phường xuống kiểm tra thì toàn bộ gia đình đều đã bị nhiễm covid, nên trong khu xóm tôi, tất cả mọi người đều rất lo sợ vì không biết khi nào sẽ đến lượt nhà mình bị nhiễm, nên tất cả đều đóng kín cửa vì sợ covid sẽ bay vào…

Cũng trong thời gian bắt đầu giãn cách xã hội này, gia đình tổ trưởng của xóm tôi bị covid và bị đi cách ly ở khu bệnh viện thu dung. Trong khu xóm tôi, nhiều gia đình khó khăn và có người lớn tuổi đã rơi vào cùng quẫn thực sự vì không có ai hỗ trợ thực phẩm cho họ.

Khi đó, tôi đã nghĩ mình phải tìm cách để giúp những người này, ít nhất là trong khu giáo của mình… Tôi đề xuất với các chị trong UBND phường cho tôi được làm công việc hỗ trợ cho bà con khu xóm và đã được các chị đồng ý vì tổ trưởng của xóm tôi đã bị đưa đi cách ly chưa về. Tôi chính thức trở thành cộng tác viên tổ covid cộng đồng và được ra vào vùng cách ly.

Tôi giúp phường lấy các phần rau, củ, quả, gạo mang về cho các hộ khó khăn thôi, còn những hộ khác thì không có. Tôi có ý định tìm sự hỗ trợ của những người quen hoặc những ai có thể giúp đỡ để xin về cho khu xóm tôi. Tôi lên mạng và đã được các nữ tu của tu viện Mẹ Vô Nhiễm Đa Minh Tam Hiệp Sài Gòn cho tôi làm shipper giao các phần quà đến các gia đình khó khăn và làm cộng tác viên để kết nối phân phối thực phẩm[1].

Trong thời gian tôi tham gia hỗ trợ cho các nơi, dịch covid vẫn đang bùng phát. Nhìn xung quanh xóm mình, tôi thấy hơn 80% các nhà trong xóm đã bị nhiễm covid, nên cũng lo sợ cho gia đình mình. Tôi sợ mình sẽ bị vướng covid rồi làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của vợ con, nên có lúc tôi nghĩ chắc tạm thời nên ngưng việc hỗ trợ. Nhưng vợ tôi nói: “Thôi anh cứ đi hỗ trợ cho xóm đi vì các tổ trưởng, tổ phó đều đã bị covid hết rồi. Nếu anh không hỗ trợ thì ai sẽ hỗ trợ cho khu xóm mình đây, vì trước sau gì tất cả đều sẽ bị lây nhiễm. Anh cứ đi làm và cầu xin Chúa gìn giữ sức khoẻ cho gia đình mình.”

Và thế là tôi lại tiếp tục như trước, kêu gọi thêm các anh chị em trong khu xóm hỗ trợ, tiếp nhận, phân loại thực phẩm để phân phát cho các nơi bị cách ly, đồng thời tìm thêm sự hỗ trợ từ nhiều mạnh thường quân khác.

Rồi thời gian cách ly, giãn cách xã hội vì dịch covid cũng được nới lỏng và mọi việc dần dần trở lại bình thường, cũng là lúc tôi cũng xin ngưng làm cộng tác viên tổ covid cộng đồng.

Suốt thời gian làm công việc hỗ trợ trong thời kỳ dịch bệnh, gia đình tôi may mắn không bị nhiễm covid. Tôi hằng nhìn lên Chúa: "Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em" (1Pr 5,7) rồi hết lòng cảm tạ Chúa vì có Chúa luôn đồng hành và có nhiều người khác hỗ trợ.

Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy rằng với Chúa thì không gì là không thể. Chúng tôi - những con người nào có quen biết gì nhau - thế mà nhờ có Chúa, chúng tôi đã cùng đỡ nhau qua hết những tháng ngày ấy để giờ đây khu xóm tôi và đặc biệt là SG đã hồi sinh.

Nguyện xin Chúa cho con luôn nhớ những tháng ngày ấy để con trân quý những gì ở hiện tại và sống theo thánh ý Ngài.

 Trần Văn Luận (TGPSG

(WGPSG)

[1] https://www.facebook.com/763365181051153/posts/pfbid02KZ36QtJoT8Lbzr7dcq2ANmqRrHKmWvn2LBR18HssYdKRn7NyUGeNeo2etW7E9HRQl/?d=n

KINH MÂN CÔI, LỜI KINH GẦN GŨI


KINH MÂN CÔI, LỜI KINH GẦN GŨI

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

WHĐ (28.9.2022) - Một người đàn ông chạy xe ôm, đang khi ngồi chờ khách, anh cầm tràng chuỗi trên tay để lần hạt. Người đi đường chụp tấm hình đưa lên mạng xã hội. Thi sĩ nhìn hình, cảm hứng làm thơ. Nhạc sĩ cảm hứng từ thơ nên viết nhạc, ca sĩ hát và đưa lên YouTube.

Nghe ca khúc “Sao anh siêng lần chuỗi” với giai điệu tăng-gô vui tươi, gợi lên nhưng suy niệm về Chuỗi Mân Côi.

1. LẦN HẠT BẤT CỨ KHI NÀO VÀ Ở ĐÂU.

Không buộc phải đọc 50 Kinh Mân Côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian mình có. Có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân Côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh… thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện không đâu, mình cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu mình cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”. Kinh Mân Côi chính là người bạn chân tình, dễ tính, trung thành luôn sẵn sàng hiện diện mọi lúc, mọi nơi.

Kinh Mân Côi chính là hành trang gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân gia đình và xã hội. Theo nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời mình vào mạng sự sống thiêng liêng.

2. LỜI KINH KẾT NỐI

Ai cũng có điện thoại, xài wifi, 4G. Đi đâu cùng có kết nối. Thời đại hôm nay, mạng internet được gọi là xa lộ thông tin cung cấp rất nhiều thông tin về mọi lãnh vực, cho con người mối quan hệ rộng lớn và nhiều cơ hội diễn đạt cảm xúc và suy nghĩ của mình. Hòa vào mạng internet, con người trên khắp thế giới được kết nối với nhau. Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối.

a. Kết nối với Đức Maria

Khi lần chuỗi đọc kinh Kính Mừng, chúng ta được nối kết với Đức Maria. Chiêm ngắm Mẹ chỉ là “Nữ tỳ hèn mọn”, nhưng “Chúa đã đoái thương nhìn tới”. Vì thế, “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Một thiếu nữ nhỏ bé sống ở làng quê nghèo Nadaret đã trở thành Mẹ Thiên Chúa. Sứ thần Gabriel đến Nadaret chào thôn nữ Maria: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Ba tiếng “Đầy-ân-sủng” gộp lại trở thành như là tên gọi riêng của Đức Maria. Mẹ được tràn đầy ân sủng. Mẹ luôn luôn có Thiên Chúa ở cùng. Không có giây phút nào mà Mẹ không có Thiên Chúa với mình. Không có giây phút nào mà Mẹ không trọn vẹn thuộc về Chúa. Không có bất cứ dấu vết tội lỗi chen vào giữa Mẹ và Thiên Chúa. Là một tâm hồn luôn luôn nghiền ngẫm Kinh thánh, chắc hẳn Đức Maria nhớ lại Lời Chúa đã dùng Ngôn sứ Nathan mà thề hứa với vua Đavit xưa. Nhưng điều mà Mẹ không bao giờ nghĩ tới là mình có thể đóng vai trò gì trong việc thực hiện lời tiên tri ấy. Chuyện “không thể” được đầu tiên là làm sao mình sinh con được vì đã quyết “không biết đến chuyện vợ chồng” để sống trọn vẹn cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Sau khi được Sứ thần giải thích rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”, Maria khiêm nhường thưa lại: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Và thế là Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người trong lòng Đức Trinh Nữ. Và thế là Đức Maria khiêm nhường đã trở thành Thánh Mẫu của Thiên Chúa.

Đức Maria là người diễm phúc vì Mẹ đã tin như bà Êlisabet đã thốt lên: “Phúc cho em vì đã tin những lời Chúa phán”.

Đọc Kinh Mân Côi là kết nối hai chiều đi đi về về giữa Đức Maria xuống với con người và giữa con người lên với Đức Maria, cách tự nhiên như tình mẫu tử.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thổ lộ tâm tình: “Từ thuở niên thiếu, lời Kinh Mân Côi đã có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của tôi… Kinh Mân Côi đã đồng hành với tôi trong những lúc vui sướng và trong những giai đoạn khó khăn. Tôi đã giao phó cho lời kinh ấy biết bao lo âu; nơi lời kinh ấy tôi đã luôn tìm được sự nâng đỡ… Kinh Mân Côi là lời kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó.”

b. Kết nối với Chúa Giêsu

Điều huyền diệu làm cho chuỗi Mân Côi hữu hiệu là khi đọc chúng ta vừa cầu nguyện vừa suy niệm. Kinh Lạy Cha dâng lên Chúa Cha, Kinh Kính Mừng dâng lên Đức Maria và Kinh Sáng Danh dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Những tâm tình suy niệm hướng về Chúa Giêsu Kitô.

Chuỗi Mân Côi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mân Côi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối.

Đọc Kinh Mân Côi là suy niệm các mầu nhiệm của Phúc Âm. Vì thế, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Kinh Mân Côi không thay thế việc đọc Kinh thánh, Lectio Divina; trái lại, Kinh Mân Côi giả định trước và cổ võ việc đọc Kinh thánh. Trong Kinh Mân Côi, chúng ta cầu xin Mẹ giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn. Khi suy ngẫm về Kinh Mân Côi, chúng ta bước vào trường học của Đức Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu vì Mẹ đã nuôi dưỡng Chúa Giêsu, đồng hành với Chúa Giêsu và cùng chịu khổ với Chúa Giêsu dưới cây thánh giá”.

Các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng hòa quyện trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu. Chuỗi Mân Côi lần lượt diễn tả:
  • Mầu nhiệm Vui: đồng hành với mầu nhiệm Nhập thể và đời sống âm thầm của Chúa Giêsu.
  • Mầu nhiệm Sáng: đồng hành với những mốc thời gian hoạt động đặc biệt có ý nghĩa trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.
  • Mầu nhiệm Thương: đồng hành với những đau khổ của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu.
  • Mầu nhiệm Mừng: đồng hành với vinh quang phục sinh của Đức Kitô.
Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc Âm rút gọn. Cứ 10 Kinh Kính mừng lại suy gẫm về một mầu nhiệm mùa Vui, Sáng, Thương, Mừng.

c. Kết nối với mọi người với nhau

Đọc kinh Mân Côi mỗi người được kết nối với Đức Maria và với Đức Kitô, từ đó được hiệp thông với mọi tín hữu.

Kinh Mân Côi là lời kinh phổ cập, đó là kinh của mọi tín hữu. Ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người ít học, người giàu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh Mân Côi có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại. Đọc Kinh Mân Côi với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Cầu nguyện với Đức Mẹ bằng lời kinh Mân Côi, chúng ta được kết nối với Chúa Giêsu là nguồn mạch ban sự sống. Bóng đèn muốn được toả sáng thì phải được nối kết với nguồn điện. Cành nho muốn được trổ sinh hoa trái thì phải được tháp nhập vào thân nho. Bàn tay muốn sống còn và hoạt động thì phải liên kết với cơ thể. Con người muốn được sống dồi dào và vĩnh cửu thì phải nối kết với cội nguồn là Chúa Giêsu.

Chuỗi Mân Côi mang đến vô vàn huyền diệu cho con người. Ai yếu đuối, Kinh Mân Côi đem cho sức mạnh; ai tội lỗi, Kinh Mân Côi dắt về ơn thánh; ai bất hạnh, Kinh Mân Côi giúp bình tĩnh tìm ra hướng lối vươn lên; ai khô khan, Kinh Mân Côi giúp khám phá ra những ánh lửa vẫn còn ẩn giấu trong những đám tro tưởng như nguội lạnh.

Kinh Mân Côi là lời kinh kết nối mỗi người với Chúa Giêsu, với Mẹ Maria và với nhau. Đó là kinh nguyện phổ biến, vừa dễ đọc vừa dễ cầu nguyện mà lại mang lại nhiều ích lợi cho linh hồn.

3. HÃY SIÊNG NĂNG LẦN HẠT

Chuỗi Mân Côi nuôi dưỡng đời sống nội tâm phong phú. Chuỗi Mân Côi làm lòng người lắng dịu, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ Maria. Cầm Chuỗi Mân Côi trên tay, chúng ta sẽ thấy mình được tăng thêm nghị lực, sống vươn lên với niềm Tin, Cậy, Mến.

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta quyết tâm sống theo lời Mẹ trong dịp hiện ra lần cuối tại Fatima là “hãy siêng năng lần hạt”. “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).

Lạy Mẹ Maria, xin dạy chúng con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân Côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống, nhờ đó chúng con được hiệp thông nối kết với nhau và cầu nguyện cho nhau. Xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con bên tòa Chúa. Amen.
 
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 28.9.2022


Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2022. Thánh Vinhsơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 27.9.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP.Saigon.
 

CÓ TIẾNG GỌI...

CÓ TIẾNG GỌI...

TGPSG - “Con ơi, dậy đi học! Con ơi, ăn sáng! Con ơi, Chuẩn bị đi lễ nhé…”

Tôi sinh ra trong một gia đình công giáo. Thuở niên thiếu, là một lễ sinh, tôi thường xuyên được nghe những tiếng gọi: “Con ơi, dậy đi học! Con ơi, ăn sáng! Con ơi, Chuẩn bị đi lễ nhé…” Học xong phổ thông, tôi tham gia hoạt động giáo lý viên của giáo xứ trong 4 năm. Khi đó, lòng tôi tràn đầy niềm tin và lòng nhiệt thành. Tôi được hướng dẫn và học về “Ơn gọi”, tiếng Chúa gọi mình... Tôi đã và luôn trông chờ ngày ấy, ngày Chúa chọn và gọi tôi làm mục tử của Ngài để được Ngài sai đi.

“Tôi ơi, Dậy đi, sáng rồi! Tôi ơi, dậy đi làm…”

Vào mùa Đông năm ấy, tôi đã nghe thấy tiếng gọi quan trọng của đời mình, nhưng không phải là tiếng gọi mà tôi hằng mong đợi trước đây. Đó là tiếng gọi của tình yêu đôi lứa. Và rồi 4 năm sau, tại thánh đường giáo xứ Mân Côi, có đám cưới của một anh giáo lý viên - là tôi. Tôi nhận ra là Chúa đã gọi tôi qua nhiều cách khác nhau. Ngài chọn tôi làm việc theo ý định của Ngài. Khi tôi tự nguyện tuyên thệ trước mặt Ngài, Ngài sai tôi làm chồng và làm cha - bây giờ tôi đã là cha của hai đứa trẻ. Ngài luôn an bài, mời gọi và sai tôi theo lòng nhân ái của Ngài. Tôi rất vui được đi theo Ngài trong ơn gọi gia đình, làm chứng nhân cho Chúa trong những sinh hoạt nghề nghiệp. Bây giờ tôi thường nghe như chính tôi gọi tôi: “Tôi ơi, Dậy đi, sáng rồi! Tôi ơi, dậy đi làm…”, nhưng thực ra đó là tiếng Chúa gọi tôi mỗi ngày. Tôi đang nỗ lực hết sức mình để có thể sống đẹp trong ơn gọi làm chứng nhân của một người giáo dân nhiệt thành...

Phạm Trần Cao Lộc (TGPSG) 
(WGPSG)