HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM Thư Chung gửi Cộng đoàn Dân Chúa VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH
Anh chị em thân mến,
1- Chúng tôi, các Giám mục thuộc 27 giáo phận, tham dự Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 03 đến ngày 07 tháng 10 năm 2022 tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội, xin gửi tới anh chị em lời chào thân ái và lời cầu chúc bình an.
2- Trước hết, chúng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài luôn yêu thương và chúc phúc cho Giáo hội và Quê hương Việt Nam. Chúng tôi cũng chia sẻ những thao thức, thảo luận và đưa ra những định hướng mục vụ cho cộng đoàn Dân Chúa. Như chúng ta đã biết, gần ba năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm hoạ khắp nơi trên thế giới và tại Việt Nam. Mặc dù vậy, chính trong bối cảnh đại dịch mà chúng ta được chứng kiến những hình ảnh đẹp của tình người. Không phân biệt tôn giáo và quan điểm lập trường, rất nhiều cá nhân cũng như tổ chức đã chung sức chung lòng cứu giúp các bệnh nhân, đẩy lùi dịch bệnh và nâng đỡ người dân bị ảnh hưởng do đại dịch. Trong số đó, có những linh mục, tu sĩ và giáo dân can đảm nhiệt huyết dấn thân trong các bệnh viện dã chiến và các khu cách ly để giúp bệnh nhân. Sự hy sinh, phục vụ của anh chị em trong lúc đại dịch là chứng từ mạnh mẽ về đức Bác ái Kitô giáo, để lại những ấn tượng tốt đẹp về Giáo hội Công giáo.
3- Cùng với Giáo hội hoàn vũ, trong Thư Chung này, chúng tôi mời gọi anh chị em sống tinh thần hiệp hành. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015). Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và theo hướng dẫn của Văn phòng trung ương Thượng Hội đồng, 27 giáo phận Việt Nam đã thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận cách tích cực. Những buổi gặp gỡ để thỉnh ý Dân Chúa đã được tổ chức ở cấp giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và giáo phận. Đông đảo tín hữu đã nhiệt tình tham gia tiến trình này. Tiến trình Thượng Hội đồng cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trong đó có những điều tốt và những điều chưa tốt. Tiến trình này được coi như một cuộc thao luyện thiêng liêng, nhằm thúc đẩy một cách thể hiện mới của Giáo hội tại Việt Nam. Sau khi đón nhận những bản tổng kết của các giáo phận, Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục đã tổng hợp và gửi về Rôma, với mục đích góp phần soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI.
4- Dù giai đoạn Thượng Hội đồng cấp giáo phận đã kết thúc, tinh thần hiệp hành vẫn cần phải được tiếp tục và phát huy trong đời sống Giáo hội địa phương, vì thế chúng tôi đề ra chương trình mục vụ ba năm sắp tới như sau:
Năm 2023: Củng cố sự hiệp thông;
Năm 2024: Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;
Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.
5- Riêng năm 2023, với chủ đề “Củng cố sự hiệp thông”, chúng tôi đề nghị những thực hành cụ thể như sau:
a- Mối hiệp thông giữa các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống. Đối với các linh mục, nhiệm vụ quan trọng nhất là loan báo Lời Chúa. Ước mong các vị chủ chăn quan tâm dành thời gian chuẩn bị bài giảng trong các cử hành Phụng vụ, mở các lớp học Thánh Kinh và giúp anh chị em tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống.
b- Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông. Khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta được hiệp thông với Chúa và được liên kết với nhau (x. 1 Cr 10,16-17). Vì thế, các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động, nhờ đó ngày càng củng cố mối hiệp thông với Chúa và với nhau trong Chúa. Cũng cần giúp các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi trong Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.
c- Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. Ngày nay, với những thành tựu khoa học, cuộc sống vật chất được cải thiện rõ rệt, nhưng tình người lại có nguy cơ giảm sút. Chúng ta cần quan tâm đến người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai. Mối quan tâm này cần phải được thực hiện cách cụ thể và mang tính lâu dài, nhằm nâng đỡ những người bất hạnh. Đức bác ái là cốt lõi giáo huấn của Chúa Giêsu. Người dạy chúng ta: khi chúng ta giúp đỡ người nghèo khổ là giúp đỡ chính Chúa (x. Mt 25,31-46).
d- Trong xã hội hôm nay, các phương tiện truyền thông rất đa dạng và ngày càng hiện đại. Người tín hữu cần tiếp cận và sử dụng các phương tiện truyền thông để hoà nhập với thế giới hiện đại, trau dồi kiến thức và học hỏi Lời Chúa. Tuy vậy, có không ít những hậu quả tiêu cực từ truyền thông, nên cũng cần thận trọng trong việc đón nhận và chuyển tải thông tin. Hiện nay, một số trang mạng mang danh Công giáo, nhưng lại đăng tải những nội dung thiếu kiểm chứng, đặt những tựa đề giật gân, với mục đích thu hút sự chú ý của độc giả. Những thông tin sai lạc này làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Giáo hội và gây hoang mang nơi người tín hữu. Những người làm công tác truyền thông cần lưu ý đến lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái. Truyền thông phải là phương tiện kết nối con người trong tình thân nghĩa, chứ không phải để gieo rắc hoang mang chia rẽ, thậm chí gây thù hận và đẩy người khác đến đường cùng.
Anh chị em thân mến,
6- Hưởng ứng tinh thần hiệp hành của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, chúng ta được mời gọi không ngừng hoán cải. Hoán cải là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu trên toàn thế giới được thấm nhuần tinh thần hiệp hành, để cùng nhau sống Đức tin và xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.
7- Nhân dịp Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng tôi gửi lời chào Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và anh chị em giáo dân Việt Nam đang sống ở các miền đất khác nhau trên thế giới. Cám ơn anh chị em luôn yêu mến Giáo hội và Quê hương Việt Nam, và thể hiện tình yêu mến ấy bằng những nghĩa cử cụ thể. Nguyện xin Chúa chúc lành và nâng đỡ anh chị em trong đời sống hằng ngày.
8- Theo thông lệ, Đại hội là dịp bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Uỷ ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi được dồi dào ơn Chúa Thánh Thần, nhiệt tâm chu toàn bổn phận được trao phó, cùng với anh chị em loan báo Tin Mừng Đức Giêsu tại Quê hương thân yêu của chúng ta.
Đại hội lần thứ XV Hội đồng Giám mục Việt Nam bế mạc vào ngày 07 tháng 10 năm 2022, lễ Đức Mẹ Mân Côi. Chúng ta hãy nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa. Ước gì mỗi chúng ta siêng năng lần hạt Mân Côi, suy niệm Lời Chúa và noi gương các nhân đức của Đức Mẹ. Xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn thánh thiện, cho Quê hương được an bình và cho đồng bào được hạnh phúc.
Làm tại Toà Tổng Giám mục Hà Nội Ngày 07 tháng 10 năm 2022
(đã ấn ký)
+ Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM ĐẠI HỘI LẦN THỨ XV BIÊN BẢN
Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Đại hội lần thứ XV từ thứ Hai, ngày 03/10/2022 đến thứ Sáu, ngày 07/10/2022 tại Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, với sự hiện diện đông đủ các giám mục của 27 giáo phận.
Hội đồng Giám mục hân hoan chào đón Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam. Đức Tổng giám mục vui mừng chuyển lời thăm hỏi và phép lành của Đức Thánh Cha Phanxicô tới cộng đoàn dân Chúa tại Việt Nam, giải thích về Tông hiến “Praedicate Evangelium” (Anh em hãy rao giảng Tin Mừng) của Đức Thánh Cha Phanxicô, cũng như thông tin về mối quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nhà nước Việt Nam.
Hội đồng Giám mục vui mừng chào đón Đức Tổng giám mục Eric de Moulins-Beaufort, Tổng giám mục Tổng giáo phận Reims, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp tới thăm và trao đổi kinh nghiệm mục vụ.
Trong dịp Đại hội lần này, Hội đồng Giám mục:
I. Soạn thảo và công bố Thư Chung gửi cộng đoàn dân Chúa về định hướng mục vụ ba năm (2023-2025);
II. Phê chuẩn bản dịch toàn bộ Kinh Thánh Tân ước của Ủy ban Kinh Thánh;
III. Chấp thuận cho thử nghiệm đề án Thư viện điện tử của Ủy ban Văn hóa và thông tin giáo sĩ của dự án số hóa dữ liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam;
IV. Tiếp tục trao đổi về Tiến trình phong thánh cho Đức cha Lambert de la Motte và Đức cha François Pallu;
V. Lắng nghe Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh trình bày về Hội nghị thường niên của các Đại chủng viện;
VI. Bầu Ban Thường vụ và Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Ban Thường vụ gồm có:
Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng
Phó Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng thư ký: Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng
Phó Tổng thư ký: Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn
Các Ủy ban trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam gồm có:
1/ Ủy ban Giáo lý Đức tin Chủ tịch: Đức cha Gioan Đỗ Văn Ngân
2/ Ủy ban Kinh Thánh Chủ tịch: Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản
3/ Ủy ban Phụng tự Chủ tịch: Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn
4/ Ủy ban Nghệ thuật thánh Chủ tịch: Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi
5/ Ủy ban Thánh nhạc Chủ tịch: Đức cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị
6/ Ủy ban Loan báo Tin Mừng Chủ tịch: Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến
7/ Ủy ban Giáo sĩ - Chủng sinh Chủ tịch: Đức cha Giuse Đỗ Quang Khang
8/ Ủy ban Tu sĩ Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm
9/ Ủy ban Giáo dân Chủ tịch: Đức cha Giuse Trần Văn Toản
10/ Ủy ban Truyền thông xã hội Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước
11/ Ủy ban Giáo dục Công giáo Chủ tịch: Đức cha Phêrô Huỳnh Văn Hai
12/ Ủy ban Mục vụ Giới trẻ - Thiếu nhi Chủ tịch: Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên
13/ Ủy ban Văn hóa Chủ tịch: Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân
14/ Ủy ban Công lý - Hòa bình Chủ tịch: Đức cha Giuse Nguyễn Đức Cường
15/ Ủy ban Mục vụ Gia đình Chủ tịch: Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh
16/ Ủy ban Bác ái Xã hội - Caritas Chủ tịch: Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu
17/ Ủy ban Mục vụ Di dân Chủ tịch: Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh
18/ Văn phòng Mục vụ Đối thoại Đại kết và Liên tôn
Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri
19/ Hội Thừa sai Việt Nam
Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long.
Hội đồng Giám mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ I/2023 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Vinh, từ ngày 17 đến 21/4/2023.
Đại hội bế mạc trong niềm vui cùng với Tổng giáo phận Hà Nội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi và khánh thành Tòa Tổng giám mục vào sáng thứ Sáu, ngày 07/10/2022.
Tòa Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội, ngày 07/10/2022
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ Ảnh: Ban Truyền thông TGP Hà Nội
WHĐ (06.10.2022) - Sau khi cử hành Phụng vụ Kinh Sáng, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục giáo phận Mỹ Tho, đã chủ tế Thánh lễ cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng; Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) bắt đầu ngày làm việc thứ III.
Trong phiên họp đầu của ngày làm việc thứ III hôm nay, Đại hội đã nghe phản ánh của Uỷ ban Mục vụ Di dân về những khó khăn của anh chị em xa quê, cụ thể là trong tiến trình chuẩn bị cử hành Bí tích Hôn phối. Đại hội đã biểu quyết và đồng thuận chỉ định hai Uỷ ban Mục vụ Gia đình và Mục vụ Di dân phối hợp với chuyên viên Giáo luật nghiên cứu sâu rộng thêm để trình HĐGM ban hành qui định chung về thủ tục hôn phối cho các giáo phận tại Việt Nam như giáo tỉnh Hà Nội đã áp dụng.
Đại hội cũng thông qua Biên bản của Đại hội, sẽ được phổ biến cùng với Thư chung gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa vào sáng 7 tháng 10 khi kết thúc Đại hội.
Trong phiên họp tiếp theo, Đại hội đã chào đón Đức Tổng Giám mục Éric de Moulins-Beaufort, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đến chào thăm và chia sẻ với quý Đức cha về những tiềm năng hợp tác giữa hai Giáo hội tại Pháp và tại Việt Nam.
Buổi chiều, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh và quý Đức cha giáo phận Vinh, Hà Tĩnh sẽ đại diện HĐGM đến sân vận động tỉnh Hà Nam tham dự và trao giải thưởng cho trận chung kết Giải Bóng đá Hiệp Hành của hàng giáo sĩ.
Đại hội hoà cùng Tổng Giáo phận Hà Nội chuẩn bị cho chương trình làm phép toà nhà Trung tâm Mục vụ tại Toà Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội.
Sáng mai, ngày 7 tháng 10, Đại hội lần thứ XV của HĐGM sẽ kết thúc với Thánh lễ đại triều mừng kính Đức Mẹ Mân Côi tại Nhà Thờ Lớn (Chính toà) Hà Nội, được trực tuyến tại địa chỉ: https://youtu.be/lvvUiuFi570
Sáng 7 tháng 10, HĐGM sẽ phổ biến Thư chung gửi toàn thể cộng đoàn Dân Chúa và Biên bản Đại hội lần thứ XV.
Tạ ơn Chúa và cám ơn cộng đoàn Dân Chúa đã hiệp thông cầu nguyện cho Đại hội lần thứ XV của HĐGM Việt Nam được tràn đầy hồng ân.
Bài viết: Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ Ảnh: Ban Truyền thông TGP. Hà Nội
WHĐ (05.10.2022) - Đại hội lần thứ XV của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM) đã bắt đầu ngày làm việc thứ II với cử hành Phụng vụ Kinh Sáng tại Nhà nguyện Toà Tổng Giám mục Hà Nội.
Sau Phụng vụ Kinh Sáng, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh - Phó Chủ tịch HĐGM, đã chủ tế Thánh lễ kính nhớ Thánh Giuse, quan thầy của Giáo hội Việt Nam.
Trọn buổi sáng, Đại hội đã hoàn thành các bước bầu chọn quý Đức cha giữ trách nhiệm trong Ban Thường vụ HĐGM, Chủ tịch 17 Uỷ ban chuyên môn, và phụ trách Văn phòng Mục vụ Đại kết, Đối thoại liên tôn.
Buổi chiều, Đại hội đã dành thời gian lắng nghe phúc trình của các Uỷ ban và những vấn đề cần trao đổi, chấp thuận.
Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã chia sẻ thông tin về Hội nghị thường niên của các Đại Chủng viện với điểm nhấn về linh đạo mến Thánh giá, là hoa trái truyền giáo của hai Đức cha François Pallu và Lambert de La Motte. Đức cha Giuse với trách nhiệm là Trưởng ban Hồ sơ phong thánh cũng trình bày về tiến trình lập hồ sơ phong thánh của hai Đức cha. Liên hệ đến Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh, Đại hội cũng chứng nhận bản thử nghiệm về dữ liệu thông tin giáo sĩ của Dự án số hoá dữ liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam và hệ thống email đồng bộ do Văn phòng HĐGM đảm trách. Nhân dịp này, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng cũng xin Đại hội cho phép giáo phận Phan Thiết tổ chức Hội nghị thường niên kỳ II/2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tà Pao nhân dịp giáo phận Phan Thiết khai mạc Năm Thánh mừng Kim Khánh thành lập giáo phận ngày 1 tháng 1 năm 2024 và kết thúc ngày 13 tháng 1 năm 2025.
Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá đã trình đề án thư viện điện tử và được Đại hội biểu quyết tán thành để triển khai thực hiện. Dữ liệu hiện nay của đề án này đã lưu trữ 71,300 đầu sách, 15,277 bài báo, nghiên cứu.
Đức cha Vinhsơn Nguyễn Văn Bản, Chủ tịch Uỷ ban Kinh Thánh đã trình tiếp bản dịch các sách Tân Ước và được HĐGM phê chuẩn. Với 4 sách Tin Mừng đã được HĐGM phê chuẩn tại Hội nghị thường niên kỳ I/2022 vừa qua, đến hôm nay, Uỷ ban Kinh Thánh đã hoàn thành bản dịch toàn bộ sách Tân Ước. Đây là công trình dịch thuật do Uỷ ban Kinh Thánh thực hiện từ năm 2019 đến nay với nhóm 31 chuyên gia Kinh Thánh phối hợp với Uỷ ban Phụng tự. Theo chương trình dự kiến, đến cuối năm 2025, Uỷ ban Kinh Thánh sẽ hoàn thành bản dịch trọn bộ Kinh Thánh chính thức của HĐGM Việt Nam.
Uỷ ban Truyền thông Xã hội cũng chia sẻ những thông tin cần thiết để quý Đức cha trao đổi và góp ý. Đại hội cũng trao đổi và lắng nghe những chia sẻ chung về dòng tu và tu hội với những quan tâm từ hoàn cảnh thực tiễn của nhiều giáo phận.
Cuối ngày làm việc thứ II, Đại hội đã qui tụ tại Nhà nguyện để Chầu Thánh Thể, do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Viên chủ sự, và cử hành Phụng vụ Kinh Tối. Đại hội tạ ơn Chúa vì những ơn lành của ngày làm việc thứ II.
WHĐ (04.10.2022)- Theo lịch Phụng vụ tháng 10, Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, và nhắc nhớ về việc lần Chuỗi Mân côi như là cách thế để các tín hữu cầu nguyện và tưởng niệm các biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu và Mẹ Maria.
Tuy nhiên, có 2 câu hỏi chúng ta có thể nghĩ đến:
- Tại sao tháng 10 được chọn là tháng Mân Côi?
- Tại sao việc lần hạt Mân Côi lại được Giáo hội cổ võ đặc biệt như vậy?
Trước hết, tại sao tháng 10 được chọn là tháng Mân Côi?
Việc chỉ định tháng 10 là tháng Mân Côi liên quan tới việc tôn vinh chiến thắng của hải quân châu Âu vào thế kỷ XVI chống lại sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Đức Thánh Cha Piô V, xuất thân từ Dòng Đaminh, cho rằng chiến thắng này là nhờ sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, là Đấng đã được cầu khẩn vào ngày trận chiến xảy ra, qua chiến dịch cầu nguyện bằng cách lần chuỗi Mân Côi trên khắp Châu Âu.
Vào ngày 7.10.1571 quân đội Kitô giáo đã chiến thắng ngoài sự mong đợi tại vịnh Lepanto. Đức Piô V đã chọn ngày này là ngày lễ mừng Đức Trinh Nữ Toàn Thắng.
Sau Công đồng Vatican II, trong cuộc cải tổ Phụng Vụ do Đức giáo hoàng Phaolô VI thực hiện, lễ này được đổi tên thành Lễ Đức Mẹ Mân Côi, và được cử hành vào chính ngày hoặc vào Chúa Nhật gần ngày 07.10 nhất. Kể từ đó, ngày lễ này mang một ý nghĩa mới đó là tôn vinh Đức Maria, người đã cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Chiến Thắng tội lỗi và tử thần. Dần dần cả tháng 10 được dành để lần chuỗi Mân côi và việc sùng kính này đi vào trái tim của Giáo Hội.
Trong lịch sử, kinh Mân Côi có tổng số 150 kinh Kính Mừng, được đọc với nhịp điệu đơn giản và nhịp nhàng. Đây là một phương thế giúp những tín hữu, đặc biệt là những người không biết chữ, nông dân, hoặc lao động chân tay có thể hòa mình vào việc cầu nguyện giống như các tu sĩ, cầu nguyện với 150 Thánh vịnh của Cựu ước.
Một cách cụ thể, kinh Mân Côi bao gồm 15 mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu và của Đức Maria, được chia làm ba nhóm: Mầu nhiệm năm Sự vui, Mầu nhiệm năm Sự thương, và Mầu nhiệm năm Sự mừng. Đến năm 2002, Đức Gioan Phaolô II bổ sung thêm mầu nhiệm mới, đó là Mầu nhiệm năm Sự sáng. Như vậy, Kinh Mân Côi ngày nay có 20 Mầu nhiệm.
Thứ đến, tại sao Giáo hội cổ võ việc lần hạt Mân Côi?
Trong dòng chảy thăng trầm của cuộc sống, tràng chuỗi rất hữu ích khi tạo ra một trật tự nhất định và liên quan đến thể xác và tâm hồn qua việc chúng ta lần từng hạt. Đồng thời, việc lần hạt nhắc nhở chúng ta tập trung tâm trí và trái tim vào việc cầu nguyện. Ngay cả khi chúng ta bận rộn trong cuộc sống hoặc bị phân tâm, các hạt vẫn gọi chúng ta trở lại với lời kinh. Có thể nói, với tràng chuỗi Mân Côi chúng ta có thể cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc một cách thuận tiện, và đơn giản.
Vào thời điểm kinh Mân Côi bị nghi ngờ và việc lần hạt Mân Côi bị suy yếu, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nhắc nhở Giáo Hội về tầm quan trọng và ích lợi của kinh Mân Côi:
Như một lời kinh Phúc âm, khi tập trung vào mầu nhiệm Nhập Thể cứu chuộc, Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện với một định hướng Kitô học rõ ràng. Trên thực tế, yếu tố đặc trưng nhất của việc lần hạt Mân Côi là sự liên tiếp giống như kinh cầu của Kinh Kính Mừng, đã trở thành lời ngợi khen liên lỉ dành cho Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh sự dễ dàng của việc cầu nguyện với kinh Mân Côi, và mời gọi các tín hữu mang theo tràng chuỗi:
Tôi mời anh chị em đọc kinh Mân Côi, và hãy mang theo tràng chuỗi trong tay hoặc trong túi của anh chị em. Việc đọc kinh Mân Côi là lời cầu nguyện đẹp nhất mà chúng ta có thể dâng lên Đức Trinh Nữ Maria; đó là sự chiêm ngưỡng về các giai đoạn và biến cố trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế cùng với Đức Maria, Mẹ của Người. Hơn nữa kinh Mân Côi là vũ khí bảo vệ chúng ta khỏi những điều xấu xa và chước cám dỗ.
Thật thế, Kinh Mân côi là một sự trợ giúp thiêng liêng tuy đơn sơ, nhưng rất mạnh mẽ đối với các tín hữu. Nhiều vị Thánh trong Giáo hội gọi đây là chuỗi hạt dẫn lên trời, vì chuỗi hạt này giúp chúng ta liên kết với lời cầu nguyện, với Mẹ Maria, và với Chúa Giêsu.
Bước vào tháng 10, chúng ta hãy xem đây như là một cơ hội để quay lại việc thực hành việc lần hạt Mân Côi, như là cách thế để cầu nguyện với tình con thảo, một cách thường xuyên hơn, chân thành hơn, và sâu sắc hơn.