Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 4 MÙA VỌNG 2022. NGÀY 20 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 20.12.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

HÂN HOAN MONG CHỜ: TRONG MÙA VỌNG, HÃY CHỦ TÂM TRÔNG ĐỢI

 

HÂN HOAN MONG CHỜ: 
TRONG MÙA VỌNG, HÃY CHỦ TÂM TRÔNG ĐỢI

Aaron Lambert

WGPMT (13.12.2022) - Trong những năm gần đây, người ta thấy rằng khoảng 60 phần trăm độc giả chỉ đọc tiêu đề các tin. Điều này có nghĩa là nếu có bốn người như bạn đang đọc bài này, thì có sáu người khác chỉ liếc qua tiêu đề trên, cho dù nó nằm trong email hay mạng xã hội, nhưng họ thật sự không chọn bài này để đọc.

Theo một khía cạnh nào đó, thống kê đơn giản này phản ánh tình trạng xã hội ngày nay và tình trạng không ai trong chúng ta thích chờ đợi – dù đợi bất cứ sự gì. Dù chúng ta đang ngồi ở chốt đèn giao thông, đang đợi lượt vào nhà hàng hay đang chịu đựng cho qua các đoạn quảng cáo để đợi chương trình yêu thích, đa số chúng ta đều có một nhu cầu thường xuyên là phải làm một cái gì đó trong khi chờ đợi. Chúng ta không muốn chỉ chờ đợi và chỉ như thế.

Điện thoại thông minh có lẽ là thứ tiêu khiển mặc định thời nay. Thay vì ngước nhìn và quan sát thế giới quanh mình trong khi chờ đợi, chúng ta cúi gầm vào chiếc điện thoại. Thay vì bắt chuyện với một người bạn đang chờ với mình, chúng ta lướt Facebook và Instagram.

Thế thì khi mùa Vọng gần kề, còn thời gian nào tốt hơn để nhắc chúng ta thế nào là chờ đợi, và quan trọng hơn, làm thế nào để sự chờ đợi của chúng ta thật sự có ý nghĩa?

Kiên nhẫn đợi chờ

Về mặt tâm linh lẫn thực tế, mùa Vọng là mùa chờ đợi. Khi bước vào bầu khí náo nhiệt của các ngày lễ, chúng ta háo hức đếm ngược thời gian mong tới ngày lễ Giáng Sinh. Đó luôn là những ngày bận rộn với việc mua sắm, nấu nướng và lên kế hoạch – tất cả nhằm chuẩn bị cho lễ hội sắp đến.

Có hai tâm trạng người ta thường mang lấy trong giai đoạn chuẩn bị này, và cũng có thể được gọi là giai đoạn chờ đợi. Một là phấn khởi và hăm hở - phấn khởi vì gia đình ra phố, phấn khởi nhìn gương mặt những đứa trẻ vào buổi sáng Giáng Sinh và nói chung phấn khởi vì mùa này. Hai là nỗi ngán ngẫm và lo lắng – ngán ngẫm về tất cả bữa ăn phải chuẩn bị, ngán ngẫm vì khách khứa bên thông gia và một cảm giác bao trùm là muốn nó qua đi thậm chí trước khi nó bắt đầu.

Về mặt tâm linh, tất cả chúng ta đều đối diện với những cảm giác này. Chúng ta cầu nguyện liên tục, dâng lên Chúa những lời cầu xin, chờ đợi Ngài cho một câu trả lời. Đôi khi chúng ta phấn khích về những gì Ngài để dành cho chúng ta; đôi khi không. Nhưng chính giai đoạn đợi chờ Ngài thỉnh thoảng có thể là lúc đau khổ nhất.

Thánh Augustinô có nói về giai đoạn chờ đợi này. Ngài viết: “Nếu Thiên Chúa có vẻ chậm trả lời, đó là vì Ngài đang chuẩn bị một ân ban tốt hơn. Ngài sẽ không chối từ chúng ta. Thiên Chúa giữ lại những gì mà bạn chưa sẵn sàng đón nhận. Ngài muốn bạn tha thiết ước muốn những ân ban lớn lao nhất của Ngài. Tất cả điều này muốn nói rằng hãy cầu nguyện luôn và đừng ngã lòng.”

Từ thánh Augustinô rút ra hai bài học. Trước hết, việc chờ đợi không phải là điều gây lo sợ. Trong thời đại muốn được thỏa mãn tức thời, thời mà chúng ta có thể trả lời email ngay trên điện thoại và mọi thứ được ship tới ngay trước cửa nhà chỉ trong hai ngày, thì việc đợi chờ thành một thứ khó chịu, một thứ bất tiện. Theo một ý nghĩa nào đó đấy là sự mất mát, chờ đợi là một hình thức đau khổ. Là người Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi kết hợp những đau khổ của chúng ta với Đức Kitô, cho dù là đau khổ nhỏ nhất. Đang chờ tín hiệu giao thông ư? Đừng lôi điện thoại ra. Nhưng hãy tận hưởng giây phút đó, mở nhạc và tạ ơn Thiên Chúa vì một ngày sống.

Bài học thứ hai là: chúng ta không nắm quyền kiểm soát; Thiên Chúa mới có quyền kiểm soát. Tại sao chúng ta dạy con cái mình phải biết kiên nhẫn? Đó là bởi vì dù nỗ lực loại bỏ, chúng ta vẫn biết đợi chờ là một phần cần thiết và không thể thiếu của cuộc sống. Như thánh Augustinô trình bày, Thiên Chúa sẽ không từ chối chúng ta, cũng không để chúng ta thất vọng. Ngài muốn chúng ta khao khát những ân ban của Ngài, và đôi khi, để cho ước muốn đó sản sinh hoa trái, thì phải biết chờ đợi. Thỉnh thoảng đợi chờ có thể khó khăn, nhưng khi làm thế, chúng ta có thể hiểu rõ giá trị và vui mừng nhiều hơn khi các khao khát của chúng ta được hoàn thành.

Đợi chờ trong hy vọng

Trong ngôn ngữ Tây Ban Nha, từ “đợi chờ” là esperar. Nhưng nó cũng là gốc của từ esperanza – hy vọng.

Chính hành động chờ đợi hàm ý rằng sắp đến cao trào hay tới hồi hoàn tất. Đôi khi chúng ta biết điều chúng ta mong đợi sẽ xuất hiện ngay đây như: kiện hàng từ Amazon được đặt cách đây hai ngày, việc phát hành phần kế phim Star Wars hay sự hạ sinh một đứa trẻ. Tuy nhiên, những lần khác, hy vọng của chúng ta được đặt ở một nơi chúng ta hoàn toàn không biết: chẳng hạn kết quả kiểm tra sức khỏe, một hợp đồng làm việc trong hoàn cảnh khó khăn hay sự trở về của người thân đang phục vụ ở nước ngoài.

Việc chờ đợi hết ngày này qua ngày khác đầy chán chường mà tất cả chúng ta phải chịu thì không phải lúc nào cũng được đón nhận cách dễ dàng, và đôi khi chúng ta bơ vơ trong thất vọng hoặc thậm chí rất đau khổ. Tuy nhiên, là người Kitô hữu, chúng ta mong đợi điều gì đó lớn lao hơn điều mình nghĩ tới, và chúng ta biết sự đợi chờ không bao giờ là vô nghĩa. Mùa Vọng lưu ý đặc biệt điểm này, khi mỗi tuần qua đi, chúng ta càng tiến đến gần lễ Giáng Sinh, đánh dấu mầu nhiệm Nhập Thể, tức cuộc sinh hạ Đấng Mêssia, Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng còn hơn nữa, chúng ta đợi chờ Đức Giêsu Kitô ngự đến. Chúng ta gặp gỡ Ngài hàng tuần trong Thánh Lễ nơi Bí tích Thánh Thể, nhưng chúng ta vẫn còn đợi chờ Ngài. Các tông đồ cũng đã đợi chờ Ngài sau khi Ngài lên trời. Họ đồng hành với Ngài, được Ngài dạy dỗ và được gặp Ngài trong phòng tiệc ly sau khi sống lại, giúp họ hy vọng vào sự trở lại của Ngài mãnh liệt hơn chúng ta ngày nay.

Thánh Phaolô bằng sự khôn ngoan đã viết nhiều về niềm hy vọng và việc trông đợi Đức Kitô trở lại trong các lá thư của ngài. Trong thư Rôma chương 8, ngài viết: “Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8,24-25). Những lời này có lẽ phù hợp cho ngày hôm nay còn nhiều hơn so với lúc được viết ra. Mùa Vọng nhắc chúng ta rằng niềm hy vọng của chúng ta là ở nơi Đức Giêsu Kitô, và niềm hy vọng ấy không vô nghĩa.

Thật không ích gì khi vừa chờ đợi vừa bực bội và lo lắng, dù đang lúc xếp hàng rồng rắn đợi mua hàng hay đang lúc thực hiện kế hoạch lớn lao hơn để chờ Chúa Cứu Thế. Không nên xem đợi chờ là việc lãng phí và không cần thiết, nhưng đúng hơn là cơ hội để tận hưởng giây phút hiện tại mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và biến nó thành thời gian giá trị nhất, như chúng ta làm suốt mùa Vọng.

Hân hoan chờ đợi

Chính trong tinh thần kiên nhẫn và hy vọng mà chúng ta bước vào mùa Vọng. Tuy nhiên, khi càng gần ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta cũng cần thể hiện một tinh thần khác, tinh thần này thậm chí quan trọng hơn hy vọng và kiên nhẫn.

Chúa nhật thứ ba mùa Vọng được xem là Chúa nhật Gaudete, dịch sát là “Chúa nhật vui mừng.” Trong phụng vụ, Chúa nhật này được biểu trưng bằng màu hồng, nhằm cử hành việc Chúa đã đến gần vào lễ Giáng Sinh ở tuần sau. Với ý nghĩa đó, người ta trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn, gói quà… còn bây giờ thì sao?

Bây giờ là thời gian để hân hoan! Hân hoan vì những gì đã nâng đỡ chúng ta qua suốt thời gian chờ đợi trong mùa Vọng, và đó là những gì nâng đỡ chúng ta qua suốt thời gian chúng ta chờ đợi trong cuộc sống. Cho dù sự chờ đợi có khó khăn thế nào, tất cả chúng ta đều có một điều lớn lao để hướng tới trong sự tái hợp với Đức Kitô.

Trong Tin Mừng Gioan 16, Chúa Giêsu nói với các tông đồ về cái chết và sự phục sinh sắp đến của Ngài. “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 16,22).

Chúng ta đã biết phần tiếp theo của câu chuyện này, và chúng ta cũng biết chúng ta chờ đợi không vô ích. Vậy, hãy cứ đợi chờ, chủ tâm đợi chờ, và đừng vì chờ đợi mà bạn mất đi niềm vui trong mùa Vọng này.

Lm. Bùi Sĩ Thanh
Chuyển ngữ từ: denvercatholic.org

Nguồn: giaophanmytho.net
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 20.12.2022


Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 19.12.2022


TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ HAI TUẦN 4 MÙA VỌNG 2022. NGÀY 19 THÁNG 12.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Hai, ngày 19.12.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

NOEL 2022 – MỘT THOÁNG SUY TƯ

 

NOEL 2022 - MỘT THOÁNG SUY TƯ

Lm. Phanxicô Salêsiô Lê Văn La Vinh, OP

WHĐ (17.12.2022) - Thời gian thấm thoát thoi đưa, và một lần nữa lễ Giáng sinh, Noel 2022 lại đến. Cũng như mọi kỳ - trong mùa Noel - từ các xứ đạo, các gia đình Kitô hữu, rồi các đường phố, khu chợ cho đến các nhà hàng, khu vui chơi... đều có những chương trình, những kế hoạch để chuẩn bị đón mừng ngày đại lễ này.

Với những Kitô hữu – cách riêng là người Công giáo – đã chuẩn bị cho đại lễ này trong thời gian 4 tuần Mùa Vọng: chuẩn bị trong tâm hồn, trong đời sống đức tin; và chuẩn bị mừng ngày đại lễ khi có kế hoạch trang trí Noel, và chuẩn bị chương trình mừng Noel trong xứ đạo, trong khu xóm của mình.

Ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh là kỷ niệm NGÀY THIÊN CHÚA ĐẾN Ở VỚI CON NGƯỜI. Ngài đến để chia sẻ kiếp sống phàm nhân, Ngài đến để nói lên tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa, và Ngài đến để cứu độ con người và trả lại cho con người cái quyền làm Con Thiên Chúa. Hơn nữa, qua trình thuật Kinh thánh, biến cố Giáng sinh của Đức Giêsu như một luồng ánh sáng bừng lên soi chiếu cho cả nhân loại đang mò mẫm bước đi trong đêm tối: đêm tối của tội lỗi, của tham, sân, si mà “cái vết sẹo” nơi Tội nguyên tổ như vẫn chực chờ khuấy động lòng người. Ngày lễ Giáng sinh lại đến một lần nữa trong cuộc đời mỗi người để nhắc nhớ rằng Chúa Kitô đã đến để đem niềm vui, bình an và sự hy vọng cho con người. Ngài đã đến để giải thoát chúng ta.

Thế nhưng, nhìn vào thực tế, chúng ta thấy “tình hình” dường như vẫn còn bề bộn, vẫn còn ngổn ngang... mặc dầu Chúa Cứu thế đã đến. Trên bình diện vĩ mô, chúng ta thấy vẫn còn đó chiến tranh giữa các quốc gia, các dân tộc. Những hiềm khích, những gian dối lừa lọc đã gieo rắc nhiều sự bất an nơi cộng đồng nhân lại hôm nay. Trong phạm vi hẹp hơn nơi những nhóm nhỏ, nơi các gia đình, nơi mỗi cá nhân chúng ta vẫn còn thấy ganh ghét, có bất công và nhiều sự xáo trộn... Tất cả những điều này dường như lấn át, đẩy lui và làm nhạt nhoà đi “ý niệm” THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA mà ngày lễ Giáng sinh hàng năm mang lại.

Phải chăng đây cũng là một đề tài suy niệm, một gợi ý tĩnh tâm cho mỗi lần Mùa Vọng về?

Khoan nói đến chuyện vĩ mô nơi thế giới, nơi nhân loại vũ hoàn mà chỉ cần nhìn lại nơi bản thân mỗi Kitô hữu. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được trở nên Con Thiên Chúa, được rửa sạch vết nhơ nguyên tội. Nhưng vết sẹo và những tổn thương do nguyên tội gây nên vẫn còn âm ỉ tồn tại trong cuộc sống mỗi người. Vết sẹo này, tổn thương này cứ “nằm chờ” tìm cơ hội để quật ngã chúng ta trong cuộc sống mỗi ngày. Và có ai đó trong chúng ta đã từng bị quật ngã...

Như thế, sống Mùa Vọng và kỷ niệm biến cố Giáng sinh hàng năm phải chăng là một lần nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta phải biết cảnh giác, phải biết chế ngự và kiểm soát được cái “vết sẹo” và những tổn thương do nguyên tội gây nên trong đời sống mỗi ngày? Cùng với lời kêu gọi của các ngôn sứ và giáo huấn của Giáo hội, chúng ta xem thử bản thân mình đang bị tác động nào của những tổn thương để chúng ta chế ngự, kiểm soát ... như là động thái của một người đang tỉnh thức để đi dọn cho Chúa một con đường. Con đường để cho ta đi đến với Chúa được thanh thản và bình an; và cũng là con đường để Chúa có thể (dễ dàng) đến với ta trong cuộc sống mỗi ngày.

CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA là thông điệp mà ngày đại lễ Giáng sinh không ngừng loan báo và xác tín mỗi năm trong xã hội loài người. Thông điệp này mang lại cho các Kitô hữu một sự an vui, một niềm hy vọng trong cuộc sống. Thiết nghĩ khi đã thấu hiểu và cảm nhận được chân lý này, mỗi Kitô hữu hôm nay sẽ là những sứ giả của niềm vui, là những tác nhân xây dựng hoà bình. Và ngược lại; niềm vui, sự bình an của ngày hoà bình mà ngôn sứ Isaia nói đến nhiều lần trong Mùa Vọng vẫn chưa hiển lộ trong thế giới hôm nay, phải chăng là có ai đó trong chúng ta chưa thấy hiểu, chưa cảm nghiệm và chưa làm cho sống động niềm vui và sự xác tín này? Mong sao đây là chuyện nhất thời và chỉ là giai đoạn trong dòng lịch sử để cho những người thiện tâm trong thế giới hôm nay sớm nhận được bình an trong cuộc sống của mình.

Nhân loại chúng ta vừa trải qua cơn đại dịch và đang chứng kiến cuộc chiến tranh tương tàn nơi một phần của vùng đất châu Âu mà hậu quả và di chứng của “tai ương” này đang gây ra nhiều đau khổ và làm xáo trộn trầm trọng cho cuộc sống của nhân loại hôm nay. Đó là chuyện ở bên trời Tây. Cận kề hơn là nơi đất nước của mình, mọi người chúng ta đang gượng dậy sau cơn đại dịch thì giờ đây, hậu quả chiến tranh cũng đã ảnh hưởng và tác động xấu trên nhiều người trong chúng ta: việc làm, đồng lương đồng nợ, giá cả tiêu dùng… làm cho người dân Việt hôm nay thêm một lần nữa bận tâm, bất an và buồn phiền lo lắng.

Chúa lại một lần nữa đến với nhân loại chúng ta - Giáng sinh 2022 - trong bối cảnh này. Liệu rằng, sứ điệp bình an của ngày Giáng sinh và ý nghĩa của mầu nhiệm THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA sẽ mang lại được gì cho chúng ta trong hoàn cảnh này?

Chúa đã đến và Chúa vẫn hiện diện đồng hành với con người chúng ta trong mọi thời đại. Vấn đề còn lại là của con người; bởi lẽ, Người đã đến và “thế gian không nhận biết Người. Người đã đến mà mình mà người nhà không chịu đón nhận” (Ga 1,10b-12a).

Nhớ lại câu chuyện phỏng vấn một nữ kitô hữu Hoa Kỳ sau sự kiện khủng bố 11/9/2001.

Xin trích lại một đoạn của buổi phỏng vấn này

Khi người dẫn chương trình hỏi cô: “Tại sao Thiên Chúa lại có thể để xảy ra một thảm họa khủng khiếp như vậy?”

Câu trả lời của thiếu nữ này thật là thâm thúy:

“Tôi nghĩ là Thiên Chúa rất buồn vì điều đó, ít nhất là Ngài cũng buồn bằng chúng ta.

Từ bao năm nay, chúng ta đã yêu cầu Ngài đi ra khỏi trường học, khỏi chính phủ và khỏi đời sống của chúng ta.

Ngài là người 'quân tử' nên đã lẳng lặng rút lui. Làm sao chúng ta có thể mong Chúa ban ơn lành và che chở chúng ta khi chúng ta khẩn thiết xin Ngài để mặc chúng ta một mình?


Về những biến cố mới xảy ra như tấn công khủng bố, bắn giết trong trường học, chiến tranh..., tôi nghĩ rằng mọi sự đã bắt đầu với Madeleine Murray O’Hare, khi bà ấy than phiền là không nên đọc kinh trong trường học nữa. Và chúng ta đã đồng ý!

Rồi lại một người khác lại có ý kiến là chúng ta không nên đọc Kinh Thánh nơi trường học, cũng chính quyển Kinh Thánh trong đó dạy chúng ta: 'Chớ giết người, chớ trộm cắp, yêu thương tha nhân như chính bản thân mình, v.v...', và chúng ta cũng đã đồng ý!

Bây giờ chúng ta lại tự hỏi là tại sao con chúng ta không có lương tâm, tại sao chúng ta không phân biệt được thiện ác, và tại sao chúng ta có thể nhẫn tâm giết chết một thai nhi, một người thân hay chính mình.


Có thể sau khi suy nghĩ chín chắn, chúng ta đi đến kết luận: Chúng ta gieo nhân nào thì sẽ gặt quả ấy.” (Nguồn: Dòng Đồng Công Hoa Kỳ)

Những ngày mùa Vọng đang qua đi đại lễ Giáng sinh đã gần kề. Chúng ta đã chuẩn bị chu đáo bên trong, bề ngoài cho ngày đại lễ này với niềm mong ước có một lễ Giáng sinh thật an bình, thánh đức và nhiều niềm vui thiêng liêng cũng như nhiều hạnh phúc trong cuộc sống. Điều này thật cần thiết và thật ý nghĩa. Thế nhưng, điều quan trọng hơn có lẽ là chúng ta sống được lời mời gọi của thông điệp ngày đại lễ này: Chúng ta luôn vui, bình an, tin tưởng và hy vọng vì biết rằng THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA.
 
(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT, 18.12.2022