Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA VỌNG 2022. NGÀY 23 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 23.12.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH

Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH
Russell Show

WHĐ (21.12.2022) - Hằng năm, ngay khi bắt đầu bước vào mùa Vọng, nhiều tín hữu hân hoan hướng về việc cử hành ngày lễ Giáng sinh. Nhưng đã có bao giờ chúng ta thắc mắc: Ý nghĩa của lễ Giáng sinh là gì?

Đối với nhiều người, Giáng sinh có nghĩa là những bữa ăn thịnh soạn, vui vẻ với gia đình và bạn bè; là dịp để nhìn ngắm những hang đá với ánh điện đủ mầu sắc; để hát những bài thánh ca đặc trưng tuyệt vời; để trao đổi quà tặng. Và đối với một số người quảng đại hơn, Giáng sinh còn có nghĩa là phục vụ bữa ăn cho người nghèo; là đi thăm các em cô nhi, những người già neo đơn, những bệnh nhân trong bệnh viện…

Tất cả những câu trả lời này đều rất hay, và thực sự những điều đó là một phần rất đáng trân quí của lễ Giáng sinh. Nhưng có lẽ 2 nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại -Thánh Augustine và Thánh John Henry Newman- sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về ý nghĩa của ngày lễ này.

Đối với cả hai vị thánh, sự giáng sinh của Đức Giêsu có liên quan trực tiếp đến học thuyết về tội nguyên tổ. Thánh Newman gọi tội nguyên tổ là một “tai họa khủng khiếp”, dẫn đến tình trạng nhân loại xa lánh Thiên Chúa và tiếp tục phạm thêm vô vàn tội cá nhân. Sự Nhập Thể, mà chúng ta cử hành vào Lễ Giáng Sinh, là phương thế được Thiên Chúa chọn để xóa bỏ thiệt hại khủng khiếp này của tội nguyên tổ qua sự sống cứu chuộc, và trao ban ân sủng của Đức Giêsu Kitô.

Với với lăng kính này, thánh Augustine, trong các bài giảng lễ Giáng sinh, thích sắp xếp các nghịch lý để minh họa “sự khiêm hạ của Thiên Chúa”. Do đó, ngài nói về Đấng Cứu thế mới sinh như:

sự khôn ngoan khôn dò, sự thông thái khôn tả nơi một trẻ sơ sinh; sự phủ ngập thế gian nằm trong máng cỏ; sự cao cả của vị Thiên Chúa trở nên hèn mọn nơi hình hài một tôi tớ; nhưng sự vĩ đại không bị giảm đi bởi sự nhỏ bé, và sự nhỏ bé không bị lấn át bởi sự vĩ đại.

Và cuối cùng dẫn tới điều gì? Thánh Augustine đưa ra câu trả lời:

Nếu Đức Giêsu không có một lần hạ sinh làm người, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự tái sinh thiêng liêng; Người được sinh ra để chúng ta được tái sinh... Đức Mẹ đã cưu mang Người trong cung lòng, chúng ta hãy cưu mang Người trong tâm hồn. Đức Trinh Nữ đã lớn lên trong sự nhập thể của Đức Kitô, chúng ta hãy để cho tâm hồn mình lớn lên trong đức tin vào Người. Đức Maria đã sinh ra Đấng Cứu Thế, chúng ta hãy sinh ra lời ngợi khen. Chúng ta không được cằn cỗi, tâm hồn của chúng ta phải sinh hoa kết trái trong Thiên Chúa.

Mười bốn thế kỷ sau, thánh John Henry Newman đưa ra nhiều giải thích tương tự về Lễ Giáng sinh theo phong cách độc đáo của riêng ngài. Thánh nhân chỉ ra rằng, sau khi con người sa ngã, Ngôi Hai của Ba Ngôi Thiên Chúa

có thể vẫn ở trong vinh quang mà Người đã có với Chúa Cha trước khi tạo dựng thế gian. Nhưng Tình yêu khôn dò đó đã thể hiện chính mình trong công cuộc sáng tạo, Người không yên lòng với một công trình bị phá huỷ bởi tội lỗi, nên Người đã bước ra khỏi cung lòng Chúa Cha để thực thi ý muốn của Chúa Cha và để sửa lại những điều gian ác mà tội lỗi đã gây ra.

Thật thế, lễ Giáng sinh đầu tiên không phải là kết thúc, mà là sự khởi đầu, vì chúng ta vẫn phải hoàn thành công trình cứu chuộc nơi chính mình. Thánh Newman diễn tả sâu hơn:

Ân sủng trong lần đầu là đức tin, trong lần sau là tình yêu; lần đầu là sự nhiệt tâm, lần sau là lòng từ bi; lần đầu là sự bị sỉ nhục, lần sau là sự bình an; lần đầu là cần mẫn, lần sau là phó thác. Xin cho chúng ta biết học để lớn lên trong mọi ân sủng – dù đó là ân sủng của sự sợ hãi và bồn chồn, tỉnh thức và ăn năn vì Chúa Kitô đang đến; để có được ân sủng sự vui mừng, lòng biết ơn, và không lo lắng về tương lai vì Người đã đến trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta.

Vì vậy, Lễ Giáng Sinh chắc chắn có nghĩa là tận hưởng những bữa tối thịnh soạn, vui vẻ của gia đình, với việc hát những bài thánh ca quen thuộc, với việc tặng quà, và với những hành động tử tế dành cho những người túng thiếu và đau khổ. Nhưng giữa tất cả những điều đó, chúng ta hãy hướng đôi mắt tâm hồn vào hài nhi bé nhỏ trong máng cỏ. Cuối cùng, chẳng có điều gì chúng ta thực hiện sẽ có giá trị nếu Đức Giêsu đã không đến để mừng Lễ Giáng Sinh đầu tiên đó với chúng ta.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 22.12.2022


Thứ Năm, 22 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 4 MÙA VỌNG 2022. NGÀY 22 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 22.12.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO: THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2022

ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam

THƯ GỬI SINH VIÊN, HỌC SINH CÔNG GIÁO
NHÂN DỊP MỪNG LỄ CHÚA GIÁNG SINH 2022

Các con thân mến,

Chúng ta đang đi trên những chặng đường cuối của hành trình Mùa Vọng, một khoảng thời gian được nhấn mạnh bằng hai ý nghĩa chính yếu: chuẩn bị mừng đại lễ Chúa Giáng Sinh và hướng về ngày Chúa quang lâm. Chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh không chỉ đơn thuần là một lễ hội của đức tin, với những trang hoàng rực rỡ và công phu, nhưng trên hết, vì đó là một biến cố rất quan trọng cho và trong niềm tin của mình, qua lời suy tư của Thánh Phaolô tông đồ: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gal 4, 4-5). Chúa đến mở ra một trang sử mới của đức tin, ban cho chúng ta một ơn trọng đại, đó là được làm con Chúa. Giờ đây, trong không khí rộn ràng của những ngày cận kề mừng Chúa Giáng Sinh, cùng với lời chào của mình, cha muốn chia sẻ với các con một vài điều về Mầu Nhiệm rất đặc biệt này.

1. Giáng sinh trong sự nghèo khó.

Sau thời gian lắng xuống của dịch bệnh, Lễ Giáng Sinh năm nay, tại nhiều nơi như cha đang nhìn thấy qua truyền thông xã hội, có thể được trang hoàng quy mô và sinh động hơn, nhưng chắc chắn rằng, những trang trí phong phú đầy sáng kiến ấy sẽ không làm mất đi nét đặc trưng của mầu nhiệm Giáng Sinh, được các Thiên Thần báo tin cho các mục đồng, đó là sự nghèo nàn của Con Thiên Chúa làm người: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 12). Con Thiên Chúa đã chọn một Bêlem bé nhỏ, chọn một gia đình nghèo nàn, chọn một đêm khuya lạnh lẽo, chọn một cánh đồng hoang vắng, chọn một hang đá đơn sơ, chọn một thời điểm khó khăn để được sinh ra. Và như thế, chắc chắn rằng, việc Thiên Chúa giáng sinh làm người sẽ mãi là một điều kỳ diệu cho tất cả nhân loại. Tại sao lại có những nghịch lý đến ngỡ ngàng như vậy trong mầu nhiệm này? Tại sao Đấng mà Thánh Gioan mô tả là đã có từ lúc khởi đầu, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành (x. Ga 1, 1-3), lại xuất hiện trong một khung cảnh im lìm và đơn giản như thế? Dường như không có bất kỳ một câu trả lời nào cho thỏa đáng, nếu chúng ta bỏ qua lời của Thánh Phaolô tông đồ khi nói về Thiên Chúa của mình: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8, 9). Thật vậy, với sự kiện Adam và Eva trong vườn Địa Đàng, con người đã đánh mất tất cả những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã ban tặng lúc ban đầu, nghèo nàn và xa cách trong ân sủng với Thiên Chúa của mình. Dầu vậy, Thiên Chúa nhân từ vẫn luôn trung thành với ý định ban đầu, là dựng nên con người để chia sẻ vinh quang và hạnh phúc với Người, nên giờ đây, khi thời gian đã đến, trong mầu nhiệm Giáng Sinh, Thiên Chúa hạ mình xuống để trở thành con người và thậm chí cho phép con người sinh ra mình, để sống, chịu đau khổ và chết cho con người, trả lại sự giàu có thiêng liêng cao quý mà Thánh Gioan không ngần ngại gọi chúng ta là những kẻ thừa tự gia nghiệp đời đời (x. Ga 4, 7).

2. Giáng sinh kêu gọi sống Đức Ái

Trong bài giảng Lễ Đêm Giáng Sinh năm 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người hãy vượt qua những ánh đèn, đừng chú ý đến những món đồ trang trí, nhưng hãy tập trung vào điều chính yếu của mầu nhiệm Giáng Sinh: đó là một trẻ thơ được sinh ra trong cảnh khó nghèo cùng cực nơi máng cỏ. Từ tâm điểm này, người kêu gọi: hãy yêu mến Chúa Giêsu nơi những người rốt hết, hãy phục vụ Người nơi những người nghèo khó. Họ chính là những người giống Hài Nhi Giêsu nhất, Đấng đã sinh ra trong khó nghèo vì và cho chúng ta. Bởi đó, khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng năm nay, cha muốn cùng với chúng con nhìn lại sự kiện liên quan để học lấy bài học của Đức Ái cho cuộc đời của mình.

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta” (x. Lc 2, 11). Đó là lời loan báo của sứ thần Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Chúa giáng sinh không phải để cho Chúa, nhưng là để cho chúng ta và vì chúng ta. Chúng ta học lấy bài học của Đức Ái nơi hài nhi bé nhỏ này, để từ nay không sống cho riêng mình nữa, đừng lấy mình làm trung tâm, nhưng là sống cho gia đình, cho Giáo hội và cho bạn bè mình.

“Nào chúng ta sang Bê-lem…” (x. Lc 2, 15). Những bước chân này đã bỏ lại sau lưng những gì là đối lập, là bất đồng, để nhường chỗ cho niềm vui và hiệp nhất. Chúng ta cùng học lấy bài học của Đức Ái nơi những bước chân của các mục đồng, tạo mọi điều kiện cho tình hiệp nhất được triển nở. Hiệp nhất được lớn lên, chia rẽ nhất định sẽ nhỏ lại, hiệp nhất được kiến tạo, yêu thương chắc chắn sẽ lan tỏa. Thánh Gioan nói với chúng ta rằng: đó cũng chính là dấu hiệu để mọi người nhận ra chúng ta là con cái Thiên Chúa (x. Ga 13, 34-35).

3. Chúa Giêsu tấm gương Đức Ái.

Mầu nhiệm Giáng Sinh đã khởi đầu cho một hành trình sống Đức Ái tuyệt hảo của Chúa Giêsu. Thật vậy, trong sứ vụ trần thế của mình, Chúa Giêsu luôn luôn làm điều thiện: giảng dạy phúc âm, chữa lành bệnh tật, bày tỏ lòng trắc ẩn đối với người nghèo khó, người đau khổ và những người khốn quẫn tuyệt vọng. Sách Tông đồ Công vụ nói thêm rằng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10, 38b). Sau cùng, một biểu hiện cao nhất của Đức Ái, đó là cái chết chuộc tội vô giá của Người trên thập giá. Cái chết ấy đã chứng minh rằng: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Đến trần thế vì yêu thương, vác lấy thập giá bởi yêu thương, Đấng Cứu Thế muốn mọi người chia sẻ tình yêu thương này với những người khác, khi tuyên bố với các môn đồ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 34-35). Là môn đệ của Chúa, qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, trong các mối tương quan hàng ngày, các con hãy sống yêu thương như chính Chúa Giêsu đã sống và đã dạy. Theo gương Người, mỗi người các con hãy là một người Samaritanô nhân hậu cho bạn bè, cho bất kỳ một ai mà các con gặp gỡ trong cuộc sống của mình. Điều đó không những giúp các con tìm được hạnh phúc ở đời này, mà còn là một bảo đảm cho phần rỗi đời của chúng ta ở đời sau vĩnh cửu.

Các con thân mến,

Đức Ái không bao giờ lỗi thời trong cuộc đời này, lại càng không thể thiếu vắng trong đời sống đức tin của chúng ta. Thánh Phaolô luôn nhắc nhở rằng: “Nếu tôi có làm được tất cả mọi sự, nói được mọi ngôn ngữ, biết hết mọi điều bí ẩn, bố thí cả gia tài, mà không có đức ái, thì tôi cũng chẳng có gì…” (x. 1 Cr 13, 1-3). Ước mong rằng: trong những ngày đại lễ sắp tới, mỗi khi đứng trước máng cỏ Chúa Hài Đồng, chúng ta được khơi lại và thúc đẩy việc sống đức ái nơi cuộc sống hàng ngày của mình. Các con đừng sợ bất kỳ một điều gì khi thực thi đức ái với mọi người, vì không có một việc tốt nào phát xuất từ lòng yêu mến, lại mang theo hay để lại một hệ quả xấu cho chúng ta cả. Ước mong đó, cha coi như một tấm thiệp chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới dương lịch gửi đến các con, cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên Công giáo trên khắp mọi miền đất nước. Nguyện xin Thiên Chúa Tình Yêu ban tràn đầy đức ái trên các con. Xin Người ban cho các con và toàn thể gia quyến của các con mọi điều an lành và hạnh phúc.

Vĩnh Long, ngày 20 tháng 12 năm 2022.

+ Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo Phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo

(WHĐ)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 21.12.2022


Thứ Tư, 21 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 4 MÙA VỌNG 2022. NGÀY 21 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 21.12.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

HÀNH TRÌNH TÌM LẠI ĐỨC TIN CỦA MỘT TÍN HỮU “ĐẠO GỐC CÂY”

 HÀNH TRÌNH TÌM LẠI ĐỨC TIN CỦA MỘT TÍN HỮU “ĐẠO GỐC CÂY”

TGPSG -- “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rôma”, còn đối với tôi thì mọi tôn giáo, mọi minh triết đều dẫn tôi tới niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa và Giáo hội Công giáo...

Tôi sinh ra trong gia đình đạo gốc toàn tòng, nổi tiếng sùng đạo, ở một vùng quê Bắc bộ mà cả làng cũng đều theo đạo Công giáo. Ông bà, cụ kị nội ngoại của tôi đều là những ông bà trùm có danh thơm tiếng tốt trong giáo xứ. Anh trai tôi, rồi một người em họ và 2 người chú họ của tôi đã đi tu từ bé. Từ bé, tôi cũng tham gia đủ các hoạt động trong giáo xứ như dâng hoa, giúp lễ, ca đoàn… Tôi cũng rất ít bỏ lễ Chúa Nhật hay bỏ đọc kinh tối.

Ấy vậy mà thời sinh viên và đặc biệt là thời gian đầu đi làm, tôi cứ cảm thấy mình đi Đạo là theo truyền thống gia đình, theo thói quen từ bé, đi lễ, đọc kinh là vì sợ hoả ngục hơn là vì yêu mến và muốn tâm sự hay cầu nguyện với Thiên Chúa.

Rồi sau đó, tôi vô tình biết tới đạo Phật và tôi bắt đầu thấy thuyết luân hồi có vẻ khoa học, logic và dễ hiểu so với các khái niệm về thiên đàng, hoả ngục, luyện ngục của đạo Công Giáo.

Rồi tôi cứ bị ám ảnh bởi câu hỏi: Chúa sinh ra con người, vậy ai sinh ra Chúa? Chúa có thật không? Có thể Chúa cũng là một người nào đó giống như mình trong một thế giới khác, một vũ trụ khác, kiểu như các Thần Olympia mà thôi. Lúc đó với tôi, thuyết Luân Hồi rồi thoát kiếp luôn hồi, biến thành hư không hay trở thành một loại thần gì đó ngang bằng với Chúa là rất hấp dẫn và thuyết phục.

Ngoài ra khi tôi đọc một vài đoạn trích trong Cựu Ước thì thấy thật sự hoang mang và sợ hãi. Tôi không hiểu sao Thiên Chúa lại có vẻ cay nghiệt và độc ác thế đối với những dân tộc không phải dân Isreal hoặc ngay cả với dân Isreal khi họ mắc lỗi với Thiên Chúa.

Mặc dù tôi vẫn đi lễ Chúa Nhật hàng tuần và đọc kinh tối đều đặn trước khi đi ngủ, nhưng đó chỉ như là những thói quen từ bé khó bỏ hơn là một công việc mà mình cần thấy cần phải làm và để tâm suy niệm những việc đó. Tôi thật sự không cảm nhận được Tình Yêu Thiên Chúa và nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Lúc đó tôi nghĩ theo kiểu là Đạo nào cũng tốt miễn là hướng thiện. Mình từ bé theo đạo Công Giáo rồi, gia đình có truyền thống và có anh là linh mục, nên cứ thế mà theo thôi, miễn sao sống tốt là được chứ không phải là vì niềm tin, tình yêu vào Thiên Chúa và Giáo Hội Công giáo. Một kiểu thực hành sống đạo mà có lẽ mọi người thời nay hay gọi là những người “Đạo gốc cây”.

Rồi tôi vô tình đọc cuốn “Bên rặng Tuyết Sơn và Hành Trình về Phương Đông” của Swami Amar Jyoti (dịch giả Nguyên Phong) thì tôi lại thấy là có thể Thiên Chúa là có thật.

Để xác thực về thêm về việc Thiên Chúa – Đấng tạo dựng trời đất muôn loài là có thật, tôi cũng tìm hiểu thêm về các tôn giáo khác như Phật, Khổng, Lão, Hồi, Tin Lành, sách của Krisnamutir… Tôi bắt đầu tin Thiên Chúa là có thật, tôi nên tin vào Ngài và rằng Thiên Chúa giáo quả là đúng. Lúc đó tôi quay lại đọc Kinh Thánh thì thấy hiểu hơn rất nhiều và có cảm giác mọi câu trả lời mà các tôn giáo khác không trả lời được thì lại đều có trong Kinh Thánh hết.

Tuy nhiên, lúc đó niềm tin Công Giáo của tôi lại lung lay. Tôi nghĩ rằng Công giáo cũng chỉ là một trong các tôn giáo tôn thờ Thiên Chúa như Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống… chứ không có gì khác biệt. Tôi lại thấy Tin Lành có vẻ phù hợp với quan điểm của mình hơn. Lý do là vì tôi thấy Hội Thánh cũng có nhiều gương xấu mà lại có thẩm quyền trong việc giảng dạy nhiều thứ, giáo dân nhiều khi chả cần biết đến Kinh Thánh…Tôi cứ thấy Giáo hội Công giáo như là tổ chức của con người lợi dụng Thiên Chúa, Kinh Thánh và sự độc quyền chân lý của mình để chi phối giáo dân nhằm duy trì địa vị cả về tinh thần lẫn vật chất của tầng lớp Linh mục, tu sĩ.

Nhưng ơn Chúa! khi vô tình đọc được một số cuốn Nhật ký của các Thánh, các mạc khải tư lành mạnh (được Giáo hội công nhận)… tôi đã bắt đầu thực sự xác tín là Hội Thánh Công Giáo là Hội Thánh duy nhất của Thiên Chúa, được chính Chúa Giê su sáng lập và truyền lại cho đến ngày nay. Hội Thánh luôn được Thiên Chúa quan phòng nâng đỡ để có thể vượt qua tất cả các biến cố gian nan thử thách. Ngoài ra khi đọc những tác phẩm đó, tôi còn hiểu thêm rất nhiều về Thiên Chúa và những đoạn Kinh Thánh mà trước đây tôi đọc mà không hiểu và đặc biệt là thấy Thiên Chúa, nhất là Chúa Giêsu như một người bạn thật hiền hoà, nhân ái và yêu thương tôi vô bờ vô bến. Từ đó, trong tôi hình thành nên tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa như tình yêu giữa con cái với bố mẹ; tôi biết ơn vì những hy sinh đau khổ mà Chúa đã chịu để cứu chuộc mọi người, chứ không còn chỉ sợ Thiên Chúa. Thiên Chúa không còn là một Đấng xa lạ nữa. Mỗi lần nhìn lên tượng Chúa Giêsu chịu nạn, tôi có thể khóc dễ dàng vì tôi dường như đang thấy con người bằng xương bằng thịt đang oằn mình đau khổ vì tội lỗi của loài người chứ không chỉ là một bức tương vô tri vô giác. Mình Thánh Chúa mà trước đây tôi chỉ cho đó là một tấm bánh bình thường có ý nghĩa tượng trưng thì bây giờ tôi tin thật đó chính là Mình và Máu thánh của Chúa Giêsu mà bây giờ, mỗi lần rước lễ, tôi cảm thấy vô cùng muộn phiền khi thấy phần lớn mọi người cầm Mình Thánh Chúa đưa vào miệng không khác gì cầm ăn một tấm bánh bình thường.

Kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy, để nuôi dưỡng đức tin Công giáo thì việc đọc về Hạnh các Thánh, các mạc khải tư lành mạnh không bị Giáo Hội cấm đọc là điều rất quan trọng để cho mình hiểu biết thêm về Thiên Chúa, về Kinh Thánh, về thẩm quyền của Giáo Hội… nhờ đó có thể thực sự yêu Chúa và tin tưởng hoàn toàn vào Giáo Hội. Tấm gương đạo đức sáng người của các Thánh trong suốt dòng lịch sử của Giáo hội cũng có thể sẽ giúp chúng ta bớt kiêu ngạo là nguồn cơn dẫn đến những suy nghĩ chống đối Giáo hội. Các Thánh tài giỏi, đạo đức, thánh thiện, chịu đựng hy sinh hơn gấp bội lần chúng ta, mà các ngài vẫn luôn luôn một lòng vâng phục thẩm quyền của bề trên, của Giáo Hội, thì vì cớ gì mà chúng ta lại dám đi ngược lại con đường nên thánh đó?

Nguyện xin Thiên Chúa luôn đồng hành và soi sáng cho mỗi người chúng ta để chúng ta có thể vượt qua mọi cám dỗ của ba thù, hầu luôn biết được đâu là chân lý, đâu là mục đích tối hậu của chúng ta trong cuộc sống lữ thứ trần gian này, nhờ đó sau khi cuộc sống tạm này qua đi, chúng ta sẽ cùng nhau được hưởng hạnh phúc đích thực và vĩnh viễn trên chốn Quê Trời cùng Thiên Chúa và Mẹ Maria thân thương của chúng ta.

Giuse Vũ Duy Tiếp (TGPSG
(WGPSG)