Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

ĐÔI NÉT VỀ TUẦN BÁT NHẬT

 

ĐÔI NÉT VỀ TUẦN BÁT NHẬT

WHĐ (25.12.2022) - Trong lịch Phụng Vụ hiện nay, Giáo hội cử hành 2 ngày Lễ Trọng có kèm theo Tuần Bát nhật là Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Chúng ta có thể thắc mắc, vậy thì Tuần Bát nhật là gì, và tại sao Tuần Bát nhật lại được cử hành kèm theo 2 ngày lễ trọng này?

1. Nguồn gốc và lịch sử của Tuần Bát nhật

Về mặt từ ngữ, octave có nghĩa là “tám”. Trong Phụng vụ, thuật ngữ Octave có nghĩa là một cử hành 8 ngày, nói cách khác, là kéo dài ngày lễ cho đến ngày thứ tám. Trong đó, chính ngày lễ được coi là ngày đầu tiên, 6 ngày tiếp theo được gọi là “các ngày trong Tuần Bát nhật”, và ngày thứ tám được gọi là “ngày cuối Tuần Bát nhật”.

Trên thực tế, Giáo hội nhận ra rằng cần nhiều hơn là 1 ngày để chiêm ngắm và cảm nghiệm những gì Thiên Chúa mạc khải trong các mầu nhiệm cao cả được cử hành trong các ngày lễ chính của đức tin. Vì thế, Tuần Bát nhật là một phương thế giúp các tín hữu có thời gian để ghi khắc vào tâm hồn những mầu nhiệm, niềm vui và ân sủng của các lễ trọng trong năm Phụng vụ.
  • Ý tưởng về Tuần Bát nhật của một đại lễ bắt nguồn từ Cựu Ước. Theo đó, người Do Thái có nhiều lễ được cử hành kéo dài trong 8 ngày, chẳng hạn như lễ Vượt Qua và lễ Lều Tạm (x. Lv 23, 36). Phép cắt bì, như là một dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, được thực hiện vào ngày thứ 8 sau khi sinh con trai (Lv 12, 3), và một số của lễ được quy định cho ngày thứ 8 (Lv 14, 10, 23; 15, 14,29; Ds 6, 10). Sau đó, lễ cung hiến Đền thờ dưới thời Vua Salômôn (x. 2 Sb 7, 9), cũng như lễ thanh tẩy Đền thờ dưới thời Hezekiah (2 Sb 29, 17), kéo dài trong 8 ngày.
  • Trường hợp đầu tiên được ghi lại về Tuần Bát nhật trong bối cảnh Phụng vụ Kitô giáo vào khoảng thế kỷ thứ IV. Dưới thời Hoàng đế Constantine (- 337), không chỉ bắt chước lễ cung hiến Đền thờ Do Thái, các ngày lễ cung hiến các vương cung thánh đường tại Giêrusalem và Tyre kéo dài trong 8 ngày, như là cách thế đánh dấu “đời sống mới” của Giáo hội sau thời gian bị bách hại.
Trong 8 thế kỷ tiếp theo, việc thực hành Tuần Bát nhật ngày càng nhiều. Sau Lễ Phục sinh, Lễ Ngũ tuần, và Lễ Giáng sinh, hầu như tất cả các lễ trọng cũng được kèm theo Tuần Bát nhật, chẳng hạn như lễ Các Thánh, lễ Hiển Linh, lễ Thăng Thiên, lễ Mình Máu Thánh Chúa, lễ Thánh Gioan Tẩy Giả và cả lễ Thánh Phêrô và Phaolô.

Có một giai đoạn, lịch Phụng vụ có tớ 15 lễ kèm theo Tuần Bát nhật. Đến thế kỷ XVI, Đức Pio V đưa ra một hệ thống phân loại và các tiêu chí đánh giá phụng vụ cho nhiều cử hành nhằm bắt đầu giảm con số Tuần Bát nhật. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, dưới thời Đức Leo XIII và Đức Pio X những cải cách bổ sung liên quan đến Tuần Bát nhật tiếp tục được được áp dụng.

Đến năm 1955, Đức Piô XII giữ lại 3 Tuần Bát nhật đi kèm 3 ngày lễ trọng đó là Phục sinh, Ngũ tuần và Giáng sinh. Sau đó, từ năm 1969 đến nay, lịch Phụng vụ của Giáo hội chỉ còn giữ lại Bát nhật Phục Sinh và Bát nhật Giáng sinh.

2. Việc cử hành các Tuần Bát nhật hiện nay

Khi giữ lại Tuần Bát nhật của Lễ Giáng sinh và Lễ Phục sinh, Giáo hội mời gọi tín hữu đi sâu hơn vào 2 mầu nhiệm cao cả ở đầu và cuối cuộc đời trần thế của Đức Giêsu: Nhập thể và Phục sinh.

Trong Tuần Bát nhật, Kinh Vinh Danh được đọc hoặc hát trong Thánh lễ. Riêng Tuần Bát nhật Phục sinh, câu Alleluia, Alleluia được đọc vào cuối mỗi Thánh Lễ.

a. Bát Nhật Giáng Sinh

Tuần Bát nhật Giáng sinh kéo dài từ ngày chính lễ Giáng sinh (25.12) đến Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (01.01), trong đó, mỗi ngày đều lặp lại sự trang trọng và tiếp tục niềm vui của lễ Giáng Sinh. Ngoài ra, mặc dù Tuần Bát nhật có kèm theo các ngày lễ kính: Thánh Stêphanô, Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Sử, Các Thánh Anh Hài, và Thánh Gia, nhưng mỗi ngày lễ này đều hướng tín hữu theo cách riêng đến mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đấng đã đến cư ngụ giữa nhân loại.

Trong Phụng vụ, qua việc đọc lại các trình thuật Tin Mừng thời thơ ấu của Đức Giêsu, Giáo Hội ngoài việc khuyến khích tín hữu suy tư về mầu nhiệm nhập thể của con Thiên Chúa còn giúp tiến đến sự hiểu biết về Người một cách cá vị và mật thiết hơn.

Ngày thứ 8 của Tuần Bát nhật là Lễ Trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không chỉ đánh dấu sự làm sáng tỏ quan trọng giáo lý về thiên tính và nhân tính của Chúa Kitô, mà còn là thời điểm thích hợp để tôn kính Mẹ Maria, người đã đóng vai trò quan trọng trong mầu nhiệm Nhập Thể. Đồng thời tín hữu cũng được mời gọi noi gương đời sống đức tin của Mẹ khi bước vào năm mới theo lịch dân sự.

b. Bát Nhật Phục Sinh

Theo lịch Phụng vụ hiện nay, Tuần Bát nhật Phục Sinh bắt đầu vào Chúa Nhật Phục Sinh và kết thúc vào Chúa Nhật Thứ Hai Phục Sinh, kính Lòng Chúa Thương Xót. Không giống với Bát nhật Giáng sinh, Bát nhật Phục Sinh hoàn toàn tập trung vào Chúa phục sinh, mỗi ngày tự nó là một lễ trọng, hoặc một “Lễ Phục Sinh nhỏ”, nên không có lễ kính hoặc lễ nhớ nào được cử hành trong Tuần Bát nhật.

Trong lịch sử, có một giai đoạn, mỗi ngày trong Tuần Bát nhật Phục sinh, các tân tòng tham dự Thánh lễ tại một nhà thờ khác nhau ở Rôma. Vào buổi tối, họ đến nhà thờ thánh Gioan Laterano để dự Kinh Chiều. Hơn nữa, các tân tòng sẽ mặc áo rửa tội trong suốt Tuần Bát nhật cho đến Chúa nhật thứ II Phục sinh, nên được gọi là “Chúa nhật áo trắng”. Vào năm 2000, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chọn ngày này là ngày Chúa nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót, vì theo ngài, “Lòng Thương Xót Chúa là ‘món quà Phục Sinh mà Giáo Hội nhận được từ Chúa Kitô phục sinh và trao hiến cho nhân loại’”.

Với mục đích giúp tín hữu suy tư sâu hơn về mối liên hệ giữa mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô với Bí Tích Thanh Tẩy, các bài Tin Mừng trong suốt các Thánh Lễ đều kể lại những khía cạnh khác nhau của câu chuyện Phục Sinh. Qua đó, mỗi tín hữu được nhắc nhở rằng Núi Sọ không phải là cùng tận: giống như Maria Madalena, chúng ta có thể gặp Chúa phục sinh trong khu vườn của bối cảnh cuộc sống; giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta có thể được Chúa phục sinh giải gỡ những nỗi buồn, bối rối để lấy lại được niềm phấn khởi, nhiệt tâm; giống như Phêrô và Gioan chúng ta có thể nhận ra Chúa phục sinh khi đối diện với ngôi mộ trống của phận người.

3. Sống Tuần Bát nhật

Như một người mẹ hiểu các nhu cầu của con cái, mẹ Giáo hội cho chúng ta thời gian để từ từ tiếp nhận và khắc sâu vào tâm hồn những niềm vui, ân sủng kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện. Hơn nữa, khi cử hành Tuần Bát nhật chúng ta có cơ hội để cảm nhận sâu sa hơn mầu nhiệm cứu độ qua sự Giáng sinh và Phục sinh của Đức Kitô, Đấng không chỉ là Đầu của nhiệm thể Giáo hội, mà còn liên đới cách thiết thân đến từng người chúng ta.

Vậy thì phải chăng, khi sống Tuần Bát nhật cũng là lúc chúng ta xác tín rằng: Đức Giêsu Kitô, Đấng có tên là - Emmanuel - Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Ngài đang ở với chúng ta mọi lúc, trong mọi cảnh huống dù là khổ đau, bấp bênh, bất hạnh; và chính tại thời điểm hiện tại này là thời khắc tuyệt vời nhất để bắt đầu lại, để đến bên Ngài; và để cho Ngài chi phối toàn bộ cuộc sống, và cuộc đời của chúng ta?

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN CHÚA NHẬT 25.12.2022


SỨ ĐIỆP GIÁNG SINH 2022 VÀ PHÉP LÀNH TOÀN XÁ URBI ET ORBI


Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ SÁU TUẦN 4 MÙA VỌNG 2022. NGÀY 23 THÁNG 12

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Sáu, ngày 23.12.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH

Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH
Russell Show

WHĐ (21.12.2022) - Hằng năm, ngay khi bắt đầu bước vào mùa Vọng, nhiều tín hữu hân hoan hướng về việc cử hành ngày lễ Giáng sinh. Nhưng đã có bao giờ chúng ta thắc mắc: Ý nghĩa của lễ Giáng sinh là gì?

Đối với nhiều người, Giáng sinh có nghĩa là những bữa ăn thịnh soạn, vui vẻ với gia đình và bạn bè; là dịp để nhìn ngắm những hang đá với ánh điện đủ mầu sắc; để hát những bài thánh ca đặc trưng tuyệt vời; để trao đổi quà tặng. Và đối với một số người quảng đại hơn, Giáng sinh còn có nghĩa là phục vụ bữa ăn cho người nghèo; là đi thăm các em cô nhi, những người già neo đơn, những bệnh nhân trong bệnh viện…

Tất cả những câu trả lời này đều rất hay, và thực sự những điều đó là một phần rất đáng trân quí của lễ Giáng sinh. Nhưng có lẽ 2 nhà tư tưởng tôn giáo vĩ đại -Thánh Augustine và Thánh John Henry Newman- sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về ý nghĩa của ngày lễ này.

Đối với cả hai vị thánh, sự giáng sinh của Đức Giêsu có liên quan trực tiếp đến học thuyết về tội nguyên tổ. Thánh Newman gọi tội nguyên tổ là một “tai họa khủng khiếp”, dẫn đến tình trạng nhân loại xa lánh Thiên Chúa và tiếp tục phạm thêm vô vàn tội cá nhân. Sự Nhập Thể, mà chúng ta cử hành vào Lễ Giáng Sinh, là phương thế được Thiên Chúa chọn để xóa bỏ thiệt hại khủng khiếp này của tội nguyên tổ qua sự sống cứu chuộc, và trao ban ân sủng của Đức Giêsu Kitô.

Với với lăng kính này, thánh Augustine, trong các bài giảng lễ Giáng sinh, thích sắp xếp các nghịch lý để minh họa “sự khiêm hạ của Thiên Chúa”. Do đó, ngài nói về Đấng Cứu thế mới sinh như:

sự khôn ngoan khôn dò, sự thông thái khôn tả nơi một trẻ sơ sinh; sự phủ ngập thế gian nằm trong máng cỏ; sự cao cả của vị Thiên Chúa trở nên hèn mọn nơi hình hài một tôi tớ; nhưng sự vĩ đại không bị giảm đi bởi sự nhỏ bé, và sự nhỏ bé không bị lấn át bởi sự vĩ đại.

Và cuối cùng dẫn tới điều gì? Thánh Augustine đưa ra câu trả lời:

Nếu Đức Giêsu không có một lần hạ sinh làm người, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự tái sinh thiêng liêng; Người được sinh ra để chúng ta được tái sinh... Đức Mẹ đã cưu mang Người trong cung lòng, chúng ta hãy cưu mang Người trong tâm hồn. Đức Trinh Nữ đã lớn lên trong sự nhập thể của Đức Kitô, chúng ta hãy để cho tâm hồn mình lớn lên trong đức tin vào Người. Đức Maria đã sinh ra Đấng Cứu Thế, chúng ta hãy sinh ra lời ngợi khen. Chúng ta không được cằn cỗi, tâm hồn của chúng ta phải sinh hoa kết trái trong Thiên Chúa.

Mười bốn thế kỷ sau, thánh John Henry Newman đưa ra nhiều giải thích tương tự về Lễ Giáng sinh theo phong cách độc đáo của riêng ngài. Thánh nhân chỉ ra rằng, sau khi con người sa ngã, Ngôi Hai của Ba Ngôi Thiên Chúa

có thể vẫn ở trong vinh quang mà Người đã có với Chúa Cha trước khi tạo dựng thế gian. Nhưng Tình yêu khôn dò đó đã thể hiện chính mình trong công cuộc sáng tạo, Người không yên lòng với một công trình bị phá huỷ bởi tội lỗi, nên Người đã bước ra khỏi cung lòng Chúa Cha để thực thi ý muốn của Chúa Cha và để sửa lại những điều gian ác mà tội lỗi đã gây ra.

Thật thế, lễ Giáng sinh đầu tiên không phải là kết thúc, mà là sự khởi đầu, vì chúng ta vẫn phải hoàn thành công trình cứu chuộc nơi chính mình. Thánh Newman diễn tả sâu hơn:

Ân sủng trong lần đầu là đức tin, trong lần sau là tình yêu; lần đầu là sự nhiệt tâm, lần sau là lòng từ bi; lần đầu là sự bị sỉ nhục, lần sau là sự bình an; lần đầu là cần mẫn, lần sau là phó thác. Xin cho chúng ta biết học để lớn lên trong mọi ân sủng – dù đó là ân sủng của sự sợ hãi và bồn chồn, tỉnh thức và ăn năn vì Chúa Kitô đang đến; để có được ân sủng sự vui mừng, lòng biết ơn, và không lo lắng về tương lai vì Người đã đến trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta.

Vì vậy, Lễ Giáng Sinh chắc chắn có nghĩa là tận hưởng những bữa tối thịnh soạn, vui vẻ của gia đình, với việc hát những bài thánh ca quen thuộc, với việc tặng quà, và với những hành động tử tế dành cho những người túng thiếu và đau khổ. Nhưng giữa tất cả những điều đó, chúng ta hãy hướng đôi mắt tâm hồn vào hài nhi bé nhỏ trong máng cỏ. Cuối cùng, chẳng có điều gì chúng ta thực hiện sẽ có giá trị nếu Đức Giêsu đã không đến để mừng Lễ Giáng Sinh đầu tiên đó với chúng ta.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ NĂM 22.12.2022