Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 16 MÙA THƯỜNG NIÊN 2023. THÁNH GIACÔBÊ, TÔNG ĐỒ. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ ba, ngày 25.7.2023
tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Saigon.
 

GIÀ & TRẺ

 
GIÀ & TRẺ
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
 
WGPMT (24.07.2023) – Chúa nhật 23/7/2023 là Ngày thế giới người cao tuổi lần thứ ba. Sau đó một tuần là Đại hội giới trẻ thế giới, tổ chức tại Lisbon, Bồ Đào Nha, từ 1 - 6/8. Hai ngày lễ sát gần nhau, một cho già, một cho trẻ.

Chủ đề hai ngày lễ cũng gần nhau, đều được rút ra từ câu chuyện Đức Maria đi thăm bà Elisabeth trong Tin Mừng Luca 1,39-56. Chủ đề của Ngày người cao tuổi là “Lòng thương xót trải từ đời nọ đến đời kia” (Lc 1,50), và chủ đề của Đại hội giới trẻ là “Đức Maria vội vã lên đường” (Lc 1,39). Chiêm ngắm cuộc gặp gỡ của hai phụ nữ này là dịp suy nghĩ về tương quan giữa người già và người trẻ.

Đức Mẹ thăm bà Elisabeth

Cô Maria lúc ấy còn trẻ lắm và bà Elisabeth đã già nên cuộc gặp gỡ giữa hai người là sự gặp gỡ giữa hai thế hệ. Ở Việt Nam trước kia trong thời nông nghiệp, thời tứ đại đồng đường, người trẻ thường xuyên gặp gỡ người già là ông bà nội ngoại, cũng như trong làng xóm. Ngày nay trong thời đại công nghiệp hóa, các gia đình trẻ ngày càng sống độc lập và riêng tư hơn, nhất là trong các thành phố lớn, nên người trẻ ít có dịp gặp gỡ người già. Hơn thế nữa, trong thời đại đề cao hiệu năng sản xuất, người ta dễ có ý nghĩ cho rằng người già đã lỗi thời và không còn hữu dụng nên không còn quan tâm đến họ nữa!

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elisabeth lại cho thấy sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ là cuộc gặp gỡ làm phong phú sự sống. Cả hai người phụ nữ lúc ấy đều mang thai, sự sống mới đang phát triển, và gắn với sự sống là niềm vui. Cũng thế, sự gặp gỡ giữa người già và người trẻ làm phong phú sự sống cho cả hai bên.

Phong phú cho người già như Đức giáo hoàng Phanxicô nói: “Chúa muốn người trẻ mang niềm vui đến cho tâm hồn người già, như Đức Maria đem niềm vui tới cho bà Elisabeth… nhất là Chúa muốn chúng ta đừng bỏ rơi người già và đẩy họ ra bên lề cuộc sống như rất thường xảy ra trong thời đại chúng ta”. Qua sự gặp gỡ người trẻ, người già “hi vọng rằng kinh nghiệm của họ không bị mất đi và những ước mơ của họ có thể được hoàn thành” (Sứ điệp Ngày thế giới người cao tuổi 2023).

Phong phú cho người trẻ vì qua sự gặp gỡ này, người trẻ “học được sự khôn ngoan từ kinh nghiệm của người già”; “biết nhìn cuộc đời không chỉ trong hiện tại mà thôi, đồng thời nhận ra rằng không phải mọi sự tùy thuộc vào mình và khả năng của mình” (Ibid).

Sở dĩ cuộc gặp gỡ ấy làm phong phú sự sống vì đó là sự gặp gỡ của tình yêu và lòng thương xót. Đức Maria cảm nhận sâu xa lòng Chúa thương xót nên Mẹ hát lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi…Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,47.50). Còn bà Elisabeth nhất định đặt tên cho con là Gioan, nghĩa là “Chúa dủ lòng thương”. Từ cảm nhận về lòng Chúa thương xót, cô Maria “vội vã lên đường” đem tình thương đến cho người bà con đang cần giúp đỡ, và người bà con ấy vui mừng đón nhận vì nhìn thấy ở đó dấu chỉ của lòng Chúa xót thương.

Cuộc gặp gỡ của tình thương ấy mời gọi người trẻ ngày nay chống lại thứ văn hóa vứt bỏ: vứt bỏ thai nhi, vứt bỏ người già, vứt bỏ người nghèo và người khuyết tật. Đồng thời người trẻ được mời gọi xây đắp nền văn minh tình thương: “Ngày nay chúng ta thấy thế giới đang tự tàn phá bằng chiến tranh, vì họ không thể ngồi lại để đàm phán. Các con phải là những người có khả năng tạo ra tình bằng hữu trong xã hội” (Christus vivit, số 169).

Trong video chuẩn bị cho Đại hội giới trẻ, Đức giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ đi thăm ông bà nội ngoại trước khi đi dự Đại hội: “Nhiều người trong các con có ông bà nội ngoại, hãy đến thăm họ và hỏi họ xem thời của họ có Ngày Giới trẻ không. Chắc chắn là không. Vậy ông bà nghĩ cháu phải làm gì? Các con hãy nói chuyện với ông bà mình và họ sẽ cho các con lời khuyên khôn ngoan”. Ngài cũng kêu gọi người cao tuổi cầu nguyện cho Đại hội giới trẻ thế giới. Thiết nghĩ đây đâu chỉ là lời khuyên cho dịp đại hội giới trẻ nhưng còn là thái độ thường xuyên nên có trong đời sống chúng ta, người già cũng như người trẻ.

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ HAI 24.7.2023


Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Bảy, ngày 22.7.2023 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

CÓ CHÚA CÙNG ĐI

CÓ CHÚA CÙNG ĐI

TGPSG -- Đầu năm 1970, gia đình tôi từ quê nội đến ở một giáo xứ công giáo toàn tòng. Khi ấy mới vào Mầm Non, tôi phải đi bộ một mình đến nhà các Sơ học lớp tình thương để chuẩn bị vào cấp Một.

Khi tôi được bảy, tám tuổi, nhà nghèo, Mẹ tôi bôn ba kiếm sống trên chiếc xe đạp đầm cũ, chất lên những bó rau muống mà từ sớm Bố tôi đã lội bùn để cắt và bó lại. Sáng sớm, Mẹ tôi đưa ra chợ sớm một chuyến để bán, còn lại chuyến thứ hai thì Bố tôi là người vận chuyển đưa rau ra cho Mẹ bán tiếp.

Vì nhà có một cái xe đạp, các em còn nhỏ, tôi chị cả là người 'phụ lơ', mỗi sáng cùng Mẹ đẩy xe đạp chở rau ra chợ. Sau khi thả rau xuống nơi Mẹ ngồi bán, tôi mới làm 'tài xế', ngồi trên khung ngang, rê chân đưa xe về cho Bố ở ruộng để hoàn tất chuyến thứ hai.

Có lần xe tôi thả dốc với tốc độ nhanh. Xe lao vun vút, lúc gặp khúc quẹo, tôi không thắng kịp và xe đã đâm thẳng vào tường. Cả người và xe lọt xuống hố, trong sự sững sờ của người đi đường. Cổ xe đạp gập ngược vào khung. Chân tay tôi bị trầy xước vì va quẹt vào bờ tường. Phải có sự giúp đỡ của mọi người xung quanh, xe và người tôi mới ra được khỏi hố.

Tôi đau mà không dám kêu, vẫn phải cà nhắc đi bộ xuống ruộng nói với Bố: “Xe hư rồi, Bố ơi!” Bố tôi trách vài câu, rồi lẩm bẩm: “Để đó, về sửa sau…”

Hôm đó, hai Bố con vất vả ‘vật lộn’ với chuyến rau thứ hai ra chợ cho Mẹ tôi trong ‘muộn màng’.

Hằng ngày, xong chuyến rau thứ hai là Bố tôi đi làm ở tổ Kiến thiết mây tre lá, vì cơ sở sản xuất gần nhà. Còn tôi ghé ngang chợ nhận mấy gói xôi mà Mẹ tôi dặn mối, đem về cho các em ăn sáng. Xong chị em tôi đóng cửa đi học.

Chiều đến, Mẹ tôi không quên gọi các con tắm rửa, chuẩn bị nghe chuông nhà thờ thì tự đến nhà thờ dự lễ vì nhà tôi ở gần nhà thờ. Mỗi lần đi lễ, Mẹ lại dạy cho vài ý cầu nguyện. Vì mê chơi, khi vào nhà thờ là tôi thưa ngay với Chúa, kẻo quên những ý mà Mẹ tôi xin.

Có lần tôi hỏi Mẹ: “Sao mình xin Chúa hoài vậy?” Mẹ tôi nói: “Nhà nghèo nên xin gì Chúa cũng cho!” Quả thật là đúng. Khi Mẹ tôi xin Chúa cho dùng đủ hằng ngày, thì dù khó khăn, gia đình tôi cũng đủ hai bữa cơm độn khoai hay bắp; nhờ rau bao giờ cũng bán hết trong ngày, dù sớm hay muộn.

Khi Mẹ tôi xin Chúa như ý, thì hôm sau Mẹ tôi được về sớm hơn để đi họp phụ huynh ở trường cho chúng tôi. Và còn nhiều ý khác nữa, gia đình tôi đều được ơn xin.

Cuối tuần, gia đình tôi cùng nhau tham dự Thánh lễ Chúa Nhật để tạ ơn Chúa. Vì thế tuổi thơ tôi, Chúa luôn là Ông tiên trong Cổ tích.

Việc đạo đức tôi được gia đình hướng dẫn từ nhỏ, sau lớn khôn dần, tôi vẫn giữ và hiểu câu: “Làm bởi bay, Ban bởi Ta!”

Tôi còn nhớ có câu hát có lẽ của Lm Roco Nguyễn Duy: “Chúa dựng nên con chẳng cần đến con, nhưng cứu độ con Ngài cần con đáp lời”. Thật vậy! Cuộc sống kiếp lữ hành, nếu chúng ta cặm cụi đi, đi không có điểm dừng, chúng ta sẽ mau gục ngã. Nhưng một khi nhận ra Chúa là nguồn trợ lực và là chính cùng đích, dù có bước đi trong đêm tối của cuộc đời, chúng ta vẫn bình an vì luôn có Chúa đồng hành. 
 
Trinh Nguyên
(WGPSG)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVI MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 13, 24-43)


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BẢY 22.7.2023