Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL,GABRIEL, RAPHAEL. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Tư, ngày 29.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.


NHỮNG CUNG BẬC CẢM XÚC NƠI TUYẾN ĐẦU

NHỮNG CUNG BẬC CẢM XÚC NƠI TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Hãy cảm nghiệm từng cung bậc cảm xúc để biết trân trọng sự sống hơn mỗi ngày...

Người ta bảo cười là vui, cười là hạnh phúc, cười làm cuộc sống vui vẻ và có ý nghĩa hơn. Nhưng đôi khi, giọt nước mắt cũng là một minh chứng cho niềm hạnh phúc và cảm xúc sung sướng vô bờ. Đó là giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ khi đứa con chào đời, là giọt nước mắt hạnh phúc của người bố khi nghe đứa con bé bỏng bập bẹ hai tiếng: 'Bố ơi', là hạnh phúc của đứa con thành công sau những kì thi vất vả, là hạnh phúc khi chúng ta gặp lại người bạn thân...

Hai tháng phục vụ tại bệnh viện dã chiến, tôi đã được chứng kiến biết bao cung bậc cảm xúc: những giọt nước mắt khi một bệnh nhân lặng lẽ ra đi và những giọt nước mắt hạnh phúc khi nghe tên bệnh nhân được xuất viện. Lúc đó, cả bác sĩ, điều dưỡng và các tình nguyện viên chúng tôi đều khóc: khóc vì mừng thay cho bệnh nhân, khóc vì bao công lao vất vả của họ đã được đền đáp.

Nước mắt là sự sẻ chia và kết nối hàng triệu trái tim với nhau, là biểu hiện của lòng nhân ái. Có những khi chúng ta tự nhủ lòng “không được khóc”, nhưng mà… ta vẫn khóc. Chúng ta khóc bởi vì chúng ta không thể kiềm chế được dòng cảm xúc trong lòng. Chúng ta khóc để tạ ơn Chúa đã cho mình có cơ hội được chứng kiến những cảnh tượng tốt đẹp và đầy ý nghĩa này.

Hôm nay, khi đang hì hục lau nhà, dọn vệ sinh, tôi nghe bác sĩ đi từng phòng đọc tên các bệnh nhân sẽ được "trả về". Bình thường khi nghe bác sĩ nói hai từ “trả về” là lòng chúng ta buồn khôn xiết. Nhưng hôm nay, những tràng vỗ tay cùng với tiếng reo mừng vang rộn cả bệnh viện, thậm chí có người còn hét lên vì sung sướng. Các y bác sĩ, điều dưỡng, thiện nguyện viên khoa dinh dưỡng cũng nhảy lên để hòa chung niềm vui đó. Tiếng cười, tiếng la, tiếng vỗ tay, cả những giọt nước mắt... đều diễn tả niềm vui của các anh chị em nơi tuyến đầu.

Thực vậy, nơi đây đã trở thành một gia đình mà tất cả đều là người thân của nhau. Chúng tôi vui với niềm vui của bệnh nhân và đau chung với nỗi đau của họ. Nỗi buồn của một người là nỗi buồn chung của cả nhóm và niềm vui của một người là niềm vui của cả một êkíp.

Có những ngày bệnh nhân được xuất viện nhiều, nhân viên y tế phải làm việc tất bật từ sáng đến chiều, có khi bỏ luôn bữa ăn để mong sao hoàn tất các thủ tục giúp cho các bệnh nhân được sớm về nhà. Hình ảnh bệnh nhân cầm giấy xuất viện trên tay cùng với ít đồ cá nhân khiến tôi không thể không rơi nước mắt. Một cuộc trở về tràn đầy niềm vui và bình an bởi họ đã trút bỏ được biết bao sợ hãi, cảm nghiệm được biết bao ân tình mà rất nhiều người đã dành cho họ trong những giây phút thập tử nhất sinh trước đó.

Một bệnh nhân không kìm được niềm vui mừng, cứ chạy đi chạy lại nắm tay từng người cảm ơn rối rít. Một cụ già đặt bàn tay lên ngực và cúi đầu nói: “Cảm ơn... cảm ơn chúng con, những thiên thần áo trắng. Chúng con tốt quá, bác về trước sẽ cầu nguyện cho chúng con." Những cánh tay vẫy chào nhau làm nhộn nhịp cả khu bệnh viện. Đâu đó tôi thấy một vài bác sĩ sụt sùi: “Đây là điều vui nhất từ khi đi chống dịch tới giờ. Đi chống dịch chỉ mong có thế thôi... Hạnh phúc nhất là giây phút này đây”. Tuy được che chắn bởi một lớp kính nhưng tôi vẫn thấy vài điều dưỡng khóc vì hạnh phúc: “Các cụ về nhớ ăn uống đầy đủ và mau khỏe lại nha, chúng cháu không muốn gặp lại cụ trong bệnh viện nữa đâu!”

Tuy nhiên, để có được niềm hạnh phúc dâng trào này thì hầu hết các bệnh nhân đều đã trải qua nhiều nỗi sợ khác nhau: sợ bệnh của mình sẽ tiến triển nặng, sợ bệnh viện mình đang điều trị quá tải thì các bác sĩ sẽ không ai lo cho mình... Vì thế, trước khi tới bệnh viện, có những bệnh nhân đã khóc suốt. Thế nhưng, khi vào tới bệnh viện, được các nhân viên y tế hỏi han, động viên họ đã bình tĩnh trở lại.

Vâng, qua dịch bệnh tôi thấy tình người vẫn luôn đẹp. Lúc này đây, Sài Gòn vẫn "đang ốm", nhưng nơi đây vẫn có thể mọc lên những bông hoa dại thật đẹp để cuộc đời luôn tươi sắc. Chúng ta hãy lắng nghe sức sống trong tim mình và hãy cảm nghiệm từng cung bậc cảm xúc để biết trân trọng sự sống hơn mỗi ngày

Têrêsa Nguyễn Vui (TGPSG)
Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục
(WGPSG)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 29.9.2021


Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ TƯ TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021. CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICHAEL,GABRIEL, RAPHAEL. Lễ kính.

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Tư, ngày 29.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

KHI VƯỚNG COVID, CHÚNG TA ĐÃ LUÔN CÓ NHAU…


KHI VƯỚNG COVID, CHÚNG TA ĐÃ LUÔN CÓ NHAU…

TGPSG --“Covid tưởng còn xa xôi / Đùng một phát đã đến nơi nhà mình!”. ­Cảm ơn vì trong khó khăn của đại dịch, đặc biệt là khi vướng Covid, chúng ta luôn có nhau...

Nhật ký mùa Covid

"Nhật ký mùa Covid" của gia đình anh Nam bắt đầu với sự kiện hiếm có: Bữa cơm gia đình kỷ niệm thượng thọ ‘bách niên giai lão’ của bố anh là ông Nguyễn Văn Điều, diễn ra trong khuôn khổ ‘nội bộ’. Bố anh sinh năm 1921, năm nay được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng k‎‎ý tặng thiệp mừng thọ 100 tuổi.

Nhưng sự kiện hiếm có này lại diễn ra đúng vào thời điểm Sài Gòn đang thực hiện giãn cách toàn xã hội. Gia đình anh - cũng như bao nhiêu gia đình khác ở thành phố này - đã có những biến động bất ngờ vì đại dịch. Ngày 23-7-2021 khu vực gia đình anh ở bị phong tỏa vì có ca F0 trong xóm.

Ngày 27-7-2021, Y tế HCDC xuống xét nghiệm nhanh. Anh bất ngờ nhận ‘tin sét đánh’: 2 đứa cháu của anh là F0. 5 thành viên còn lại - gồm bố anh, vợ chồng và hai con của anh - dù kết quả xét nghiệm là âm tính, thì cũng đã trở thành F1: “Covid tưởng còn xa xôi / Đùng một phát đã đến nơi nhà mình!”

Bên Y tế (HCDC) đã hẹn sau 2 hoặc 3 ngày nữa sẽ xuống xét nghiệm lần nữa. Nhưng họ đã không xuống, có lẽ do y tế đã quá tải. Lúc đó bố anh trở bệnh, gọi cấp cứu 115 nhưng họ từ chối, có lẽ vì các bệnh viện cũng bị quá tải, đang tập trung điều trị các bệnh nhân Covid. Các nhà thuốc tây thì không được bán các loại thuốc ho, hạ sốt… Phải có giấy của chính quyền họ mới được bán những thuốc đó!

Lúc này cả nhà anh thấp thỏm lo lắng, không biết rồi sẽ thế nào. Tất cả đều đeo khẩu trang 24/24 giờ. Còn khu vực gia đình anh ở bị phong tỏa, nội bất xuất ngoại bất nhập: một khung cảnh đầy lo sợ…

Sau khi bình tĩnh lại, việc đầu tiên các thành viên trong gia đình anh đã làm, đó là thông báo việc mình trở thành F1 cho mọi người xung quanh, để nếu có tiếp xúc gần với mình trong vài ngày qua, mọi người sẽ chủ động khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe.

Bóng tối tử thần

Ngày 31-7-2021, một sự kiện không thể ngờ đã đến: Bố anh vừa được mừng thượng thọ rất hân hoan, đã qua đời. Lúc đó tang gia thật bối rối, không biết lo liệu ra sao. Công an và Ủy ban Phường đã lo liệu dùm. Họ làm giúp giấy khai tử, ghi Bố anh qua đời vì bệnh già.

Ngày 1-8-2021, hai đứa cháu của gia đình anh - được xác định là F0 - đã được y tế (HCDC) xuống đọc loa, mời đi cách ly tập trung tại bệnh viện dã chiến.

Hai ngày sau, 4 thành viên còn lại (vợ chồng anh, con trai và con gái) bắt đầu có triệu chứng. Người đầu tiên là vợ anh, ho nhiều, tức ngực, sốt nhẹ, chán ăn, đặc biệt là khó thở. Kế tiếp là đến anh: tiêu chảy, chán ăn, mệt mỏi… Rồi con trai anh bị mất khứu giác, vị giác, nấu cơm giúp mẹ nhưng không nhận biệt được mùi vị; nêm nếm mặn nhạt cũng không biết. Còn con gái ở phòng riêng lo học thì bị nhẹ hơn, chỉ ho và sổ mũi. Tất cả đều giảm cân, ‎‎từ 3 đến 5kg, tùy theo từng người…

Trong vòng tay yêu thương

Trong thời gian tự điều trị cách ly tập trung tại gia đình, mọi người đều bị ‘sốc’, vừa sợ vừa mệt. Rất may, người thân và bạn bè gọi điện, nhắn tin, động viện, hỏi thăm, giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất, mua giúp lương thực, thuốc men và đồ dùng thiết yếu, đem tới tận nhà. Điện thoại, tin nhắn đến liên tục, không còn sức mà trả lời! Cả nhà động viên nhau, ngày nào cũng xem lễ trực tuyến và đọc kinh tối gia đình

Gia đình anh cảm thấy rất biết ơn những lời hỏi thăm, nhờ đó tâm lý mọi người trong nhà thoải mái hơn; nỗi sợ bệnh tật vơi đi phần nào. Dù sao thì cũng đã rơi vào tâm trạng hết sức bất ngờ vì trước đó anh đã từng bồn chồn khẩn cầu cùng Chúa và Mẹ Maria: “Xin đừng để cho vợ chồng và các con dính phải thứ virus tai quái này".

"Nhà mình sẽ ổn thôi mà!"

Dù biết rõ mình đã là F0 rồi, nhưng khi sống cách ly với nhau, mọi người trong nhà vẫn cứ hài hước nói với nhau rằng: Do gia đình mình làm việc nhiều quá, thức khuya dậy sớm chăm sóc cho Bố, nên mới có những triệu chứng như vậy thôi, chứ có phải là nhiễm Covid gì đâu!

Rồi mọi người động viên nhau: Cho dù có mắc Covid đi nữa, thì triệu chứng vẫn còn nhẹ và chóng qua, "nhà mình rồi sẽ ổn thôi, có gì đâu mà lo!"

Con trai và con gái bất đắc dĩ trở thành ‘nội trợ’ trong khu cách ly gia đình như: giặt giũ, nấu cơm, vệ sinh nhà cửa…

Đến ngày 8-8-2021, Y tế phường mời gia đình ra chích ngừa mũi 1, nhưng gia đình xin hoãn vì vẫn còn bệnh và mệt mỏi.

Bạn bè và người thân khi đó mới hỏi thăm là đã đi chích ngừa chưa. Bị tác động tâm lý, gia đình anh Nam lúc đó, dù vẫn đang mệt mỏi, cũng dự định cho 2 đứa con đi chích ngừa trước, còn vợ chồng anh sẽ chích ngừa sau, để nếu sau khi chích ngừa, lỡ có triệu chứng gì thì người khỏe sẽ lo cho người yếu.

Khi hai đứa con chuẩn bị đi chích ngừa, gia đình anh lo lắng cầu xin Chúa và Đức Mẹ ban ơn bình an, vì nghe nói sau khi chích ngừa sẽ bị sốt nặng hơn, có thể bị đông máu dẫn đến tử vong. Nhưng khi tới nơi chích ngừa, các con anh không được chích, vì hôm đó chỉ chích ngừa cho những người trên 65 tuổi.

Ít ngày sau, Ủy ban phường và Tổ dân phố lại gọi điện thoại nói gia đình đi chích vắcxin Astra-Zeneca. Nhưng vợ chồng anh vẫn còn yếu, hai đứa con trai bị đau và sưng chân đi ‘cà nhắc’. Một lần nữa gia đình anh lỡ hẹn chích ngừa trong nỗi lo lắng: không biết khi khỏe lại có còn được chích ngừa nữa không…

Phác đồ ‘chiến đấu’ với cơn bệnh

Cả gia đình anh Nam được nằm trong phác đồ giúp đỡ điều trị Covid của ‘Nhóm từ thiện trong giáo xứ giúp những người bị F0 và F1’. Nhóm này gồm có 6 thành viên, trong đó có một bác sĩ.

Gia đình anh ‘ngoan ngoãn’ nghe lời bác sĩ và nhóm thiện nguyện này: Uống các loại thuốc giảm sốt, thuốc ho, thuốc suy nhược cơ thể, kèm theo thuốc xông hơi tỏi, và mỗi tối uống thuốc thảo dược cho bớt căng thẳng, dễ ngủ, vv…

Đặc biệt vẫn tín thác vào lòng thương xót của Chúa, nên cho dù đang trong cơn bệnh và cơ thể rất yếu, mọi thành viên trong gia đình anh hằng ngày vẫn tham dự trực tuyến thánh lễ buổi sáng, giờ kinh Lòng Thương xót lúc 15 giờ và kinh tối chung với nhau.

Tạ ơn Đức Mẹ Maria, đúng vào ngày 14-8-2021 chuẩn bị mừng lễ ‘Đức Mẹ hồn xác lên trời’ - đây là ngày mà anh sẽ ghi nhớ mãi - cả nhà tự nhiên phục hồi sức khỏe cách nhanh chóng. Cả gia đình anh hầu như không còn triệu chứng gì nữa, chỉ còn hơi mệt mỏi sau cơn bệnh.

Ngày 8-9-2021, gia đình anh Nam xét nghiệm Covid tại Bệnh Viên Hoàn Mỹ và nhận kết quả âm tính. Ngày 10-9-2021, Bộ Y tế thông báo những ai bị bệnh Covid mà khỏi bệnh sẽ được chích ngừa sau 6 tháng, cả gia đình thở phào nhẹ nhõm.

Y tế phường đã cấp giấy xác nhận cho từng thành viên trong gia đình anh là đã mắc Covid-19, đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly tại nhà (từ 27-7 đến 27-8- 2021), đủ điều kiện được cấp “thẻ xanh Covid” để được hòa nhập với cộng đồng.

Cảm ơn vì trong khó khăn, chúng ta luôn có nhau

Các thành viên trong gia đình anh Nam thật vui mừng được ‘tự do’ vì đã khỏi bệnh sau thời gian tự cách ly tại nhà và đã xét nghiệm âm tính. Trong biến cố bất ngờ này, gia đình luôn yêu thương nhau và được sự động viên của mọi người, không hề trách móc nhau điều gì.

Từ đó gia đình anh đã rút ra những điều cần tránh khi gặp khó khăn, đau khổ:

- Đừng điều tra “tại ai”. Hãy cám ơn dụng cụ Chúa đã dùng để thánh hóa mình.

- Đừng than thở với bất cứ ai. Hãy đến cầu nguyện với Chúa - là nơi mình phải tâm sự trước tiên.

- Khi chuyện đã qua, đừng nhắc lại và trách móc, đổ lỗi cho ai. Hãy quên đi, không nhắc lại bao giờ và hãy tung hô: “Alleluia, Tạ ơn Chúa!”

Đau khổ, khó khăn không những giúp ta can đảm, nhẫn nại, nhưng còn có giá trị cứu chuộc rất lớn lao, nếu ta kết hiệp với sự thương khó Chúa Giêsu. Bằng không, bước qua đời sau, ta sẽ tiếc nuối: “Phải chi mình đã có thêm nhiều dịp mến Chúa và chịu khổ vì Chúa hơn!”

Thật may mắn là những khó khăn trở ngại đã không đánh gục mà còn tiếp thêm thật nhiều sức mạnh cho ta.

Cầu mong những điều may mắn sẽ đến với mọi người. Và sớm thôi, tất cả chúng ta sẽ được tự do đi lại, tự do kết nối, tự do trao cho nhau những vòng tay thân ái.

­Cảm ơn vì trong khó khăn của đại dịch, đặc biệt là khi vướng Covid, chúng ta luôn có nhau!

Thành Nam (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid) 
(WGPSG)

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN LẦN CHUỖI MÂN CÔI VÀ THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 17g00 Thứ Ba, ngày 28.9.2021 
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon.
 

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 28.9.2021


Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ THỨ BA TUẦN 26 MÙA THƯỜNG NIÊN 2021

Bắt đầu lúc 06g30 Thứ Ba, ngày 28.9.2021
tại nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

'NHẬN VÀ CHO' TỪ TUYẾN ĐẦU

'NHẬN VÀ CHO' TỪ TUYẾN ĐẦU

TGPSG -- Từ tuyến đầu, tôi có thêm một cơ hội khám phá nét lạ lùng kì diệu về ranh giới giữa Nhận và Cho…

“Tại sao Sơ lại đi vào nơi nguy hiểm như vầy?” Câu hỏi này tôi nhận được khá nhiều từ những người quen thân hoặc một vài bệnh nhân tôi chăm sóc. Thật ra, họ có lý khi thắc mắc, bởi ngay cả các bệnh nhân, không ít người còn khó đón nhận việc phải ở lại điều trị trong bệnh viện hồi sức Covid, huống hồ là các tình nguyện viên trẻ khỏe như chúng tôi.

Nếu nhìn ở góc độ con người bình thường, đúng là liều lĩnh khi xung phong vào “tâm dịch”, đúng là quá âm thầm khi mặc vào mình bộ đồ bảo hộ và viết vội cái tên lên áo để bệnh nhân có thể “nhận diện” tình nguyện viên, đúng là thấp hèn khiêm tốn khi cúi xuống làm những công việc hết sức bé nhỏ. Có lẽ phần đại đa số, mọi người đã xem phóng sự “Ranh giới”, nên họ cũng lo, cũng thương cho những hi sinh thầm lặng của các y bác sĩ và tình nguyện viên tuyến đầu.

Dẫu vậy, ở một phương diện khác, trong bộ đồ bảo hộ, tôi thấy hạnh phúc khi cách nào đó được san sẻ, chia sớt nỗi đau của bệnh nhân, của đồng bào tôi, của đất nước tôi, cũng là của Đấng chịu đóng đinh trên Thập Giá vì tôi. Trong môi trường làm việc đa tôn giáo, đa ngành nghề, đa văn hóa, tôi thấy vui khi nhìn thấy sự nhẫn nại, nhường nhịn và liên đới giữa các cộng sự. Trong các ca trực đêm, khi nằm trên sàn đợi giờ vô kíp, tôi cảm được cái rét, cái co ro của bao người bơ vơ. Trên các chuyến xe đưa đón từ nơi lưu trú đến bệnh viện, ngày cũng như đêm, tôi thấy may mắn vì được di chuyển trên đường, được nhìn thấy vẻ đẹp của quê hương, của Tạo Hóa. Dưới vài lớp găng tay y tế, với đôi tay đang nhũn ra vì ướt, hay sau lớp khẩu trang N95 bí bách, tôi vẫn thầm tạ ơn vì biết rằng mình đang khỏe mạnh để phục vụ, để yêu thương.

Tôi nghĩ rằng những gì tôi đang cảm nhận, cũng là tâm tình chung của biết bao tình nguyện viên đã gieo mầm tin yêu, đang gieo mầm tin yêu và sẽ còn gieo nữa. Trong tâm thế của một người đang gieo, tôi ngạc nhiên, ngỡ ngàng vì thấy mình đang gặt. Vô số hoa trái và giá trị sống mà tôi nhận được trong sứ vụ đặc biệt này, tôi chỉ có thể mở to mắt kinh ngạc và dâng lời tạ ơn Đấng đã lặng lẽ thúc bách tôi.

Xin cảm ơn sự thấu hiểu của gia đình, sự đồng thuận của Hội Dòng, sự gọi mời của Đức Tổng và sự kết nối bắt cầu của mọi cá nhân, tổ chức để tôi có thêm một cơ hội khám phá nét lạ lùng kì diệu về ranh giới giữa Nhận và Cho!

Nt. Maria Giuse Tuyết Ny, OA 
(TGPSG)
Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời
(WGPSG) 

CHỞ BỆNH NHÂN QUA CHỐT GÁC THỜI COVID

CHỞ BỆNH NHÂN QUA CHỐT GÁC THỜI COVID

TGPSG -- Nhìn từ xa là tôi đã hoảng hốt, người lạnh toát vì sợ; tôi dừng xe, hít thở sâu vài cái và...

GIEO DUYÊN

Tôi được chọn vào làm việc với chức vụ đầu bếp tại Mái ấm Gary - một trong những cơ sở của dòng tu Camillo phục vụ bệnh nhân nghèo. Mái ấm Gary hiện đang phục vụ những bệnh nhân chạy thận, ung thư... điều trị ngoại trú tại các bệnh viện Bình Thạnh, quận 9, Quân y 4.

Mỗi sáng, xe của Nhà dòng đưa bệnh nhân tới các bệnh viện để điều trị; chiều lại đến đón về. Hầu hết các bệnh nhân được đón về thuộc các tỉnh thành xa, có hoàn cảnh khó khăn, nên họ được đưa về Mái ấm nghỉ dưỡng. Các bệnh nhân ở đây đa phần thuộc tôn giáo bạn.

Hằng ngày, công việc chính của tôi là ở trong bếp, chuẩn bị thức ăn cho mọi người. Phụ việc với tôi là các bệnh nhân ‘trông vẫn khỏe’ không có lịch khám, hoặc các người nuôi bệnh. Trong khi làm bếp, họ kể cho tôi nghe về bệnh lý và hành trình đi chữa bệnh gian nan của họ.

Vào một dịp tình cờ, tôi thấy cô quản lí bệnh nhân đặt xe grab (xe công nghệ) cho bệnh nhân ra cây xăng 47 đón xe về Đaklak, vội vã không kịp cơm chiều. Tôi ngỏ lời cùng cô: “Lần sau để chị chạy ‘grab yêu thương’ cho!” Kể từ đó tôi kiêm luôn vai trò grabber từ thiện, không công.

BÉN DUYÊN

Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, Nhà dòng buộc phải giới hạn số bệnh nhân được đón về Mái ấm, chỉ khoảng 20 người. Khó khăn thêm chồng chất khi chỉ thị 16 được ban hành. Số bệnh nhân còn ở lại Mái ấm thấy lo lắng, vội vã tìm mọi cách để đặt xe về quê. Họ cuống cuồng như thể ngày mai là tận thế vậy! Cuối cùng chỉ còn lại 7 bệnh nhân bị kẹt lại vì đang trong giai đoạn ‘vô thuốc’. Không khí lo sợ bao trùm các bệnh nhân tại Mái ấm này.

Ngoài phố bắt đầu giăng dây và rào chắn mọi ngả đường.

7g30 sáng ngày đầu tiên, tôi đưa bệnh nhân đi bệnh viện quận 9. Tiễn tôi ra cổng, chị làm chung với tôi nhắn nhủ: “Hai chị em đi bình an nhé!” Thú thật, cảm giác bất an đang len lỏi và chế ngự tôi. Thế rồi, chúng tôi cũng quyết liều một phen. Dạo qua các con đường tấp nập hằng ngày tôi vẫn đi, nay vắng lặng. Sài Gòn của tôi chưa bao giờ vắng lặng đến thế, kể cả những ngày Tết - khi người người đã về quê. Đường lớn thì có chốt chặn, đường nhỏ thì hàng rào chắn lối, vì vậy tôi vào các hẻm nhỏ - những hẻm chưa bị giăng dây. Đoạn đường đến bệnh viện và trở về nhà bỗng dưng xa không tưởng.

Vậy là hành trình ngày đầu tiên ra phố cũng bình an, tốt lành. Các bệnh nhân trong mái ấm chờ tôi về để hỏi thăm tình hình; tôi trấn an các bệnh nhân: “Không có trở ngại, mai mình đi tiếp!” Tôi luôn nghĩ rằng: Chỉ thị của Nhà Nước khuyến cáo người dân chỉ ra đường khi có lí do chính đáng, vì vậy, việc chở bệnh nhân đi điều trị theo đúng lịch hẹn của bác sĩ là lý do hợp lệ.

Chuyến đi tiếp theo của tôi là chở bệnh nhân đi bệnh viện Quân y 4 thuộc tỉnh Bình Dương. Bệnh viện này rất gần nhà tôi, tầm khoảng 4km. Tuy nhiên, do khác tỉnh thành nên có nhiều khó khăn hơn. Để có thể qua chốt kiểm soát, người dân buộc phải có giấy xét nghiệm Covid âm tính, nghĩa là cả bệnh nhân và tôi đều phải có giấy test âm tính. Thú thật, lúc ấy tôi chưa có một giấy tờ nào để ra đường, ngoài giấy điều trị của bệnh nhân.

Tại chốt kiểm soát, khi tôi đang đưa giấy điều trị của bệnh nhân, thì có một tình huống bất ngờ xảy ra. Một người đi đường bị kiểm tra giấy tờ bỗng rồ ga tháo chạy. Người đang kiểm soát giấy của tôi, lao ra bắt. Vì vậy, một người kiểm soát khác đến, nhìn chúng tôi trong giây lát, rồi ra lấy giấy tờ và cho chúng tôi qua. Thật may mắn!

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân, bệnh viện đã làm thẻ đeo cho họ. Bệnh viện qui định tất cả bệnh nhân đều phải test Covid trước khi vô bệnh viện và cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 72 giờ. Khi tôi chở bệnh nhân đi chạy thận, bệnh nhân đeo thẻ, còn tôi cầm giấy điều trị và giấy test của bệnh nhân. Sau khi đi bệnh viện trở về Mái ấm, các bệnh nhân phải ở phòng riêng theo yêu cầu của y tế phường để đảm bảo an toàn cho Mái ấm. Trước cổng Mái ấm có 1 buồng khử khuẩn, ai ra vào đều được khử khuẩn toàn thân, kể cả phương tiện di chuyển.

Trong những ngày tôi đi đưa đón bệnh nhân, Nhà dòng đã làm các thủ tục để xin giấy phép cho tôi với nội dung: ‘Đưa đón bệnh nhân đi bệnh viện và mua lương thực cho Mái ấm’. Linh mục điều hành Mái ấm cũng xin cho tôi giấy phép do Phường cấp với nội dung ‘Chở bệnh nhân đi chạy thận ở bệnh viện X bằng xe máy Y vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy’. Tuy nhiên tại một số chốt chặn, người kiểm soát nói rằng giấy của Nhà dòng không được công nhận và giấy của Phường không có hiệu lực khi qua chốt liên tỉnh.

Tôi cũng đã được tiêm vắcxin. Khu vực của tôi thường xuyên xét nghiệm tập trung để sàng lọc F0, tách F0 ra khỏi cộng đồng đưa đi cách ly. Tôi cũng hay đi xét nghiệm để có giấy đi đường, nhưng thường sáng thứ Ba là bị hết hạn, nên hay bị trục trặc tại các chốt. Vì vậy, có những lúc tôi chở bệnh nhân đi chữa trị, nhưng như một người còn thiếu một chi tiết hợp lệ nào đó.

Tôi đưa bệnh nhân đi xạ trị suốt hai tuần, có ngày sáng đi xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Bình Thạnh, rồi quay về chở bệnh nhân đi chạy thận, chiều thì đi rước về. Tôi tưởng đi hai tuần là đủ 10 tia xạ, là hoàn thành công việc trước ngày quân đội vào Sài Gòn làm công tác chống dịch. Dè đâu vào hai ngày cuối, máy xạ trị hư. Vì thế, bệnh nhân vẫn còn thiếu 2 tia xạ trị nữa khi tới ngày quân đội miền Bắc vào Sài Gòn chung tay chống dịch. Họ rất nghiêm và trang bị cả vũ khí, vì vậy tôi và các bệnh nhân đâm ra lo sợ.

Chúa nhật 22/8, tôi đến Mái ấm làm việc. Cuối ngày, tôi nói lời tạm biệt mọi người bởi không chắc có đi được nữa hay không, dù biết bệnh nhân còn thiếu 2 tia xạ.

Sáng thứ Hai ngày 23/8, tôi ở nhà, nghe ngóng tình hình và tìm xem ý Chúa qua những người con của Ngài. Tôi hỏi con tôi: “Việc mẹ đưa bệnh nhân đi bệnh viện có đúng không?” Lời nói từ con trai khiến tôi nhớ mãi: “Bệnh nhân đi bệnh viện thì cũng giống như mẹ dùng lương thực hằng ngày vậy”. Có người lại khuyên: “Cứ làm điều đầu tiên mình nghĩ trong đầu mà mình thấy hạnh phúc là được”.

Thứ Ba ngày 24/8, ngày bệnh nhân cần chạy thận vì ngưng lọc thận có thể dẫn đến tử vong, tôi quyết định lên đường.

Qua những ngày tháng đồng hành cùng nhau, bệnh nhân và tôi trở nên thân thiết hơn. Đặc biệt, họ tập đọc kinh và cầu nguyện, mong cho tôi bình an mỗi ngày. Thật vậy, “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui!” (Tv 125)

ĐỪNG SỢ

Sau ngày 23/8, tất cả rào chắn đã được gia cố cao và chắc chắn hơn. Để đến Mái ấm Gary, tôi phải đi qua chốt kiểm soát. Nhìn thấy công an và dân phòng từ xa là tôi đã hoảng sợ; thêm bộ đội trang bị súng nữa, tôi muốn bỏ hết và quay về. Người lạnh toát vì sợ, tôi dừng xe, hít thở sâu vài cái và đánh liều đi tiếp. Tới chốt, mọi ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Một bộ đội đeo súng ra chào, hỏi lí do ra đường và giấy tờ. Khi nhìn thấy giấy phục vụ trong mái ấm, họ cho qua chốt. Lúc đó, tôi cảm thấy mọi việc thật đơn giản, rõ là Chúa nói “Đừng sợ”, vậy mà tôi thì không thể không sợ được!

Sau vài ngày đi lại không gặp khó khăn, tôi lại nghĩ tới một bệnh nhân xạ trị còn thiếu 2 tia xạ. Tôi hỏi bà có muốn đi tiếp không? Bà nói: “Nếu cô không sợ thì đi tiếp và hẹn sáng thứ Hai”.

Đến ngày hẹn, trước khi khởi hành, tôi ra sân trước mái ấm khấn Cha thánh Camillo trước tượng của ngài. Tôi cầm tay Cha thánh và nói: “Cha ơi, đây là bệnh nhân nhà cha, con đưa đi bệnh viện, xin cha che chở chúng con!”

Hôm nay, chúng tôi đi xạ trị tại bệnh viện Bình Thạnh. Đoạn đường chúng tôi mới đi, chỉ cách nay có một tuần thôi mà bây giờ nhìn thật ‘thê thảm’. Tất cả các con hẻm nhỏ thông ra đường chính đều bị giăng kín, nghĩa là ai muốn đi, đều phải ra đường chính; các chốt chặn có thêm nhiều người kiểm soát hơn.

Trên đường đi, tôi thấy có thêm các chốt cơ động. Quang cảnh làm chúng tôi e ngại, lo sợ. Tuy nhiên, điều khó nhất cho chúng tôi lúc này là phải luôn giữ được 5K - an toàn cho bản thân và mọi người.

DẤU CHỈ TÌNH YÊU

Có những món quà mà Chúa và Cha thánh Camillo đã dành tặng tôi cách đặc biệt trong mùa dịch này.

Một hôm, tôi đưa bà bệnh nhân ung thư đi xạ trị. Trong lúc chờ, tôi ngồi cầu nguyện dưới mái hiên nhà dân gần bệnh viện. Lúc đó, cũng có một anh ngồi chờ người nhà cách tôi một căn nhà. Bất chợt, có 2 anh công an và 2 anh bộ đội tới hỏi anh ta các loại giấy tờ và đòi xử phạt hành chính. Tôi ngồi im thin thít không dám nhìn vì chưa coi lại xem mình đã đủ chi tiết giấy tờ hợp lệ hay chưa. Nhưng có vẻ họ bỏ quên tôi. Họ phạt anh ta rồi bỏ đi!

Lần khác, tôi đi đón bệnh nhân mà giấy xét nghiệm hết hạn. Trong lúc không biết cậy nhờ vào ai để chở được bệnh nhân từ bệnh viện ra chốt, tôi chạy xe tìm người giúp và cầu nguyện. May mắn, tôi bắt gặp một anh chạy grab đang đứng dưới chân cầu. Tôi ghé hỏi tìm sự giúp đỡ. Anh nói có bạn giao hàng bên kia chốt, anh sẽ gọi nhờ giúp. Trong mùa dịch bệnh này, tìm được người nghe mình và giúp mình thật không hề dễ. Hoàn cảnh này lại vừa hợp câu Kinh Thánh tôi đã từng nghe: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay!” (Tv 37,5). Con cảm tạ Chúa vì đã giúp con thật đúng lúc.

Có giai đoạn, các grabber không được hoạt động, không nhờ họ được nữa. Tôi luôn phải đích thân chở bệnh nhân đi xạ trị, đi chạy thận... Một lần nọ, nhìn giấy xét nghiệm hết hạn của tôi, anh bộ đội từ chối không cho tôi qua chốt. Đành phải dừng xe gần chốt, tôi nhìn trời, ngắm xe, thật chẳng biết làm gì. Bệnh nhân tôi chở thì rất lo lắng. Chừng một lúc sau, anh bộ đội lúc nãy tỏ vẻ cảm thông hay sao đó, lại gần tôi nói: “Chị ra hỏi anh công an kia đi, xem anh có cho đi không?” Tôi không có ý định hỏi xin anh công an, nên mới nói với anh bộ đội này: “Cho em qua, lúc quay về sẽ có giấy xét nghiệm mới cho anh, vậy được không?” Lý do có thuyết phục hay không thì chưa rõ, nhưng tôi tin chắc rằng, con tim anh đã rung cảm trước những phận người đang khốn khổ vì bệnh tật.

Rồi có một ngày thật đặc biệt, thật đáng nhớ. Buổi sáng, tôi vô Mái ấm Gary làm việc. Khi tới chốt, có anh công an đứng ngay đầu xe hỏi giấy tờ. Bỗng có anh ngồi phía trong chỉ tôi và nói: “Thánh giá kìa!”. Anh công an đứng ngay đầu xe lùi lại nhìn, rồi cho tôi qua. Tôi vẫn nhớ cách anh lùi lại và cúi nhìn. Tôi có thể hiểu lý do, vì giáo xứ Tam Hải đang phụ trách nấu cơm cho bộ đội và khu cách ly tập trung nên có thể họ cho rằng tôi thuộc nhóm tình nguyện viên đang hỗ trợ công việc xã hội. Dẫu vì lý do gì đi nữa, thì đó cũng chính là món quà buổi sáng Chúa tặng tôi. Tôi tin như thế!

Trong suốt thời gian đi đưa đón bệnh nhân, tôi luôn chú ý mặc một loại trang phục để những người có trách nhiệm thấy hình ảnh quen thuộc mỗi khi tôi qua chốt. Nhưng tôi không nghĩ rằng, hình ảnh lưu lại trong đầu họ lại là hình Thánh giá trên túi xách tôi đeo hàng ngày. Thật là một dấu chỉ tuyệt vời!

Suốt thời gian phục vụ tại Mái ấm Gary, nhất là 4 tháng cùng bệnh nhân rong ruổi trên các ngã đường đến 3 bệnh viện, tôi nhận ra rằng, tôi và bệnh nhân có sự gắn kết mật thiết với nhau. Tôi phục vụ bệnh nhân và trình bày mọi sự dưới danh nghĩa của họ. Khi đi làm qua chốt, tôi khai báo rất thật rằng tôi đi nấu ăn cho bệnh nhân. Khi chở bệnh nhân đi bệnh viện trong thời gian dịch bệnh, tôi nói tôi phục vụ bệnh nhân. Khi không có bệnh nhân trên xe, tôi cũng chính là bệnh nhân, vì tôi là một với họ, sống cho họ. Vậy, bệnh nhân cho tôi điều gì? Họ dành cho tôi tất cả tình thương, họ đọc các kinh tôi đọc hằng ngày. Vì tôi, họ cầu nguyện với Chúa của tôi với lòng thành kính và niềm tin của riêng họ. Họ mong muốn bình an luôn ở cùng tôi.

Chính Chúa đã nói: Đừng run khiếp, đừng sợ hãi vì Đức Chúa - Thiên Chúa của ngươi - sẽ ở với ngươi bất cứ nơi nào ngươi đi tới.

Tạ ơn Chúa, cám ơn Cha thánh Camillo đã chọn con, giao việc cho con, tặng con những món quà riêng trong hoàn cảnh đặc biệt này.

Cảm tạ Ơn Trên đã cho con có một người chồng biết cảm thông; có các người con biết yêu thương động viên, khích lệ mẹ mỗi khi khó khăn; có các cha, các thầy và các chị em trong Mái ấm đã hi sinh giúp đỡ bệnh nhân và tương trợ tôi trong công việc.

Đặc biệt, tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc đến các bệnh nhân. Và cám ơn các kiểm soát viên tại các chốt gác nữa. Dù mưa hay nắng, họ vẫn đêm ngày túc trực bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Họ cho tôi thấy rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, tình thương yêu đồng loại vẫn được tôn vinh. Họ luôn quan tâm đến những người yếu thế, nhất là những bệnh nhân…

Maria Quỳnh Linh (TGPSG)
(Ánh sáng Gia đình thời Covid)
(WGPSG)