Thứ Năm, 15 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN CHẦU MÌNH THÁNH CHÚA VÀ LẦN CHUỖI MÂN CÔI, 15.12.2022

Bắt đầu lúc 20g00 Thứ Năm, ngày 15.12.2022 
tại Nhà thờ Chính toà Đức Bà Saigon
 

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ NĂM TUẦN 3 MÙA VỌNG 2022

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Năm, ngày 15.12.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon.
 

5 CÁCH ĐỂ CỦNG CỐ TÌNH YÊU THƯƠNG TRONG GIA ĐÌNH

 

5 CÁCH ĐỂ CỦNG CỐ TÌNH YÊU THƯƠNG 
TRONG GIA ĐÌNH

Emily Jaminet

WHĐ (13.12.2022) - Các mối tương quan gia đình có quan trọng với bạn không? Công việc và cuộc sống cá nhân dễ có nguy cơ cản trở việc mỗi thành viên quan tâm và dành thời giờ cho nhau. Nghiên cứu về thanh thiếu niên cho thấy nếu trẻ em có mối tương quan thân thiết với gia đình sẽ ít có nguy cơ tham gia vào những hành vi sai phạm hơn, và có khả năng phục hồi cao hơn. Ngoài ra, tương tác với gia đình theo cách tích cực cho phép trẻ nhận biết vị thế của mình cũng như biết cách liên hệ với người khác.

Nhưng, như là Kitô hữu, thì đức tính nào đóng vai trò quan trọng nhất để giúp củng cố mối tương quan gia đình của chúng ta? Câu trả lời có lẽ là Đức mến!

Theo sách Giáo lý Công giáo, đức mến là điều thiết yếu giúp tạo nên nền tảng của đời sống chúng ta như là Kitô hữu, “Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình” (GLCG, 1822).

Sau đây là 5 gợi ý để chúng ta đổi mới mối tương quan dựa trên mối dây đức ái trong chính gia đình mình.

1. Đến Với Mẹ Maria

Đức mến có sức mạnh hàn gắn khi chúng ta cảm thấy mối tương quan trong gia đình bị rạn nứt và ban sức sống mới để chúng ta biết yêu mến Thiên Chúa và những người thân, như chính mình. Về phương diện này, Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo, và Mẹ luôn sẵn sàng giúp chúng ta lớn lên trong đức ái.

Khi thưa “Xin Vâng” để cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa, cũng là lúc Mẹ chấp nhận hành trình cuộc đời đầy thử thách, gian nan, và đau khổ. Theo cách diễn tả của Tin Mừng Luca, trái tim Mẹ như bị bảy lưỡi đòng đâm thâu, vậy thì, nếu trong cuộc sống, có lúc nào đó chúng ta thấy tâm hồn chao đảo, con tim mình nhói đau, hãy chạy đến với Mẹ, để được nâng đỡ và an ủi.

Với trái tim Hiền Mẫu, Mẹ Maria mong mỏi để đưa chúng ta đến gần Con của Mẹ, nhờ đó, chúng ta biết chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu bằng đôi mắt đức tin giống như Mẹ và nhận ra rằng Ngài yêu thương chúng ta biết bao. Và nếu trải nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình, thì việc chúng ta yêu thương, hy sinh cho người bạn đời và con cái để là điều rất khả thi.

2. Dành thời gian cho nhau

Gia đình là quà tặng Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Tình yêu thương và sự chăm sóc mà chúng ta dành cho nhau là món quà chúng ta dâng lại cho Ngài.

Thực tế cho thấy rằng, sự bận rộn, hối hả có thể tạo ra những rào cản và khiến mối tương quan gia đình trượt xuống vị trí cuối cùng. Trái lại, sự hiện diện về mặt thể chất và tinh thần sẽ củng cố sự gắn bó nên việc biết sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, hy sinh một số thời gian cho bản thân để trò chuyện, đối thoại, giải trí với nhau là điều rất cần thiết. Do đó, chúng ta hãy:
  • Tận dụng tối đa thời gian để “tâm sự với nhau”, một đàng là tạo cơ hội cho các thành viên trong gia đình chia sẻ về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống, và đàng khác là đảm bảo rằng tất cả các thành viên trong gia đình đều được lắng nghe, nhất là những đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên. Con cái luôn dõi theo mọi hành động của chúng ta và một ngày nào đó chúng sẽ giống như chúng ta… Đôi khi chúng ta cần tự vấn: Cảm xúc của tôi thế nào? Tôi có cảm giác bị tổn thương và tôi có làm tổn thương người thân của tôi không? Tôi có sẵn sàng khi người bạn đời và con cái cần đến tôi không?
  • Việc quan tâm và dành thời gian để biết những gì đang xảy ra trong cuộc sống của nhau là một yếu tố rất quan trọng để tăng cường sự kết nối trong gia đình. Bất kể tình trạng mối tương quan gia đình của chúng ta như thế nào, thì việc thực hiện một cử chỉ nhỏ thể hiện sự quan tâm và lòng biết ơn là điều nên làm. Hãy tận hưởng niềm vui trong những việc nhỏ xảy ra hàng ngày. Đánh giá cao, khích lệ những thành công, an ủi những thất bại, trợ giúp những khó khăn của nhau. Biết được ngôn ngữ yêu thương của nhau có thể giúp mỗi người bày tỏ lòng biết ơn theo những cách có ý nghĩa đối với nhau.
  • Cân nhắc việc dành thời gian cụ thể cho việc cầu nguyện và thảo luận, bao gồm cả thời gian để thể hiện sự tha thứ, nói lên lời yêu thương dành cho nhau. Khi mỗi người biết tìm kiếm sự hòa giải và làm sáng tỏ những hiểu lầm, trái tim có thể được chữa lành và có thể bước tiếp về mặt cảm xúc, điều này sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau hơn như một gia đình.
3. Thể hiện hoa trái của cầu nguyện là Đức ái

“Một gia đình cầu nguyện cùng nhau sẽ ở bên nhau.” Do đó, đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lời cầu nguyện chung gia đình. Chẳng ai có thể cho điều mình không có, chúng ta cần tình yêu của Chúa lấp đầy trái tim, để có thể chia sẻ tình yêu đó với những người gần mình nhất. Hãy học cách nương tựa vào Chúa với lời cầu nguyện “Lạy Chúa, chén tình yêu của con đang cạn, xin hãy rót đầy cho con!”, chắc chắn tình yêu của Chúa sẽ có sức cảm hoá và biến đổi!

Đức ái cần được phát xuất từ ​​trái tim Đức Giêsu để chúng ta có thể đáp lại không phải bằng sự lạnh nhạt, dửng dưng, nhưng bằng lòng nhân hậu và cảm thông. Thánh Phaolô đã diễn tả rất rõ:

Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả. (1 Cor13, 4–7)

4. Vươn tới những người khác

Trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu (Amoris Laetitia), Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi gia đình “đơm hoa kết trái”, một sự sinh hoa kết trái đến từ việc mở rộng thiện chí, tràn đầy tình yêu thương đối với người khác và sẵn sàng gặp gỡ họ ở bất cứ đâu!

Việc giúp gia đình suy nghĩ bên ngoài bản thân họ là một cách tuyệt vời để phát triển đức ái và mở rộng quan điểm của gia đình. Chúng ta có thể tự hỏi: Gia đình tôi có thể làm gì để phục vụ người khác? Gia đình tôi có thể tiếp cận với những người đang gặp khó khăn, không chỉ nhu cầu vật chất mà cả nhu cầu tinh thần như thế nào? Khi có dịp gặp gỡ, chuyện trò với bạn bè và gia đình họ về việc nuôi dạy con cái, bạn đang hợp tác như một cộng đồng và hướng tới một mục đích lớn hơn.

5. Sống tinh thần truyền giáo

Là gia đình Công giáo, ơn gọi của chúng ta là đưa gia đình lên thiên đàng. Đây là một trật tự cao và đòi hỏi lòng can đảm, sự kiên trì, những lựa chọn khó khăn, và rất nhiều lời cầu nguyện. Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn chúng ta làm chứng cho Người: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15),

Do đó, chúng ta cần sống đức tin của mình trong các việc và bổn phận hàng ngày và nêu gương cho thế giới về cách sống trọn vẹn với Tin Mừng! Khi không chỉ thắt chặt mối dây liên kết, triển nở tình yêu thương trong cuộc sống gia đình mà còn tự tin bước ra thể hiện đức ái với người khác.

Xin cho gia đình chúng ta bừng cháy lên tình yêu Chúa Kitô để chúng ta trở thành chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: catholicdigest.com
(WHĐ)

CHƯƠNG TÌNH TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2022 TẠI NHÀ THỜ THUẬN PHÁT, QUẬN 7

 

TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2022: BÀI 9 - PHÂN ĐỊNH & LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN


VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TIẾP KIẾN CHUNG KHÁCH HÀNH HƯƠNG, THỨ TƯ 14.12.2022


Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG 2022. Thánh Gioan Thánh Giá, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Tư, ngày 14.12.2022
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

10 KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP GIÚP ĐỌC THÁNH KINH

10 KHÓ KHĂN VÀ GIẢI PHÁP GIÚP ĐỌC THÁNH KINH

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

WHĐ (13.12.2022) – Cầu nguyện với Kinh Thánh tuy rất quan trọng, nhưng lại nhiều khó khăn. Nhất là với đạo đức bình dân, chúng ta thích đọc kinh nguyện hoặc tham gia lễ hội tưng bừng. Thực tế là rất ít người cầu nguyện với Kinh thánh. Đây là thực sự là thiếu sót trong đời sống đức tin của người Công giáo. Trước tình trạng này, Giáo hội tiếp tục mời gọi và muốn đồng hành với từng người trong việc đọc Kinh Thánh[1]. Với chút chia sẻ dưới đây, chúng ta thử chỉ ra vài thách đố và tạm đưa ra những giải pháp để mỗi người bước vào hành trình Kinh Thánh với nhiều ích lợi và niềm vui.

1. Chưa quen cầu nguyện với Kinh Thánh

Thói quen bao giờ cũng cần tập luyện. Bước khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, kể cả việc bắt đầu mua hoặc tìm bản văn Kinh Thánh để cầu nguyện. Nhất là với người trẻ, Kinh Thánh dường như là bản văn còn xa lạ. Các bạn chưa quen với Kinh Thánh, và hệ quả kéo theo là không thích cầu nguyện với bản văn hấp dẫn này. Không còn cách nào khác là bạn tập thôi! Chúng ta cùng nhau tập tành! Có thể bạn tập trong nhóm cầu nguyện mà bạn đang tham gia. Bạn cũng có thể bắt đầu làm quen từ từ với Kinh Thánh. Có những khó khăn ban đầu. Không sao! Thách đố đến đâu, chúng ta dần dần giải quyết đến đó. Chính trên hành trình này, chúng ta đang cầu nguyện rồi!

2. Ngôn ngữ Kinh Thánh khó hiểu

Đây dường như thuộc về khó khăn tâm lý. Bạn nghe đồn Kinh Thánh thuộc về lãnh vực thần học vốn dành cho linh mục tu sĩ. Giới bình dân làm sao đọc được bản văn khô khan và phức tạp này?! Hơn nữa để hiểu Kinh Thánh, đòi hỏi người ta phải học hành nghiêm chỉnh, dành giờ để tra khảo hoặc vắt óc suy nghĩ về những thông điệp trong Kinh Thánh. Tất cả là tin đồn thôi bạn ạ!

Đồng ý là những điều này có phần nào đúng, nhưng Kinh Thánh dành cho hết mọi người. Bạn đừng quên Chúa Giêsu giảng rao Tin Mừng hầu hết là cho giới bình dân, cho người ít học. Nói thế để cho thấy Kinh Thánh thực sự là bản văn bạn có thể đọc và có thể hiểu. Từ người già đến con trẻ, từ giới chuyên môn cho tới người ít học, ai cũng có quyền và có thể hiểu được Kinh Thánh. Nhất là sau công đồng Vaticanô II (1962-65), Kinh Thánh đã được phép dịch ra Tiếng Việt. Cảm ơn những chuyên gia dịch thuật vốn cho chúng ta bản văn thật dễ hiểu. Do đó, chúng ta cứ mạnh dạn đọc Kinh Thánh với hết khả năng của mình. Thiên Chúa có cách làm cho bạn hiểu thông điệp Tin Mừng.

3. Sợ hiểu Kinh Thánh sai lạc

Tôi vẫn thích câu này: “người trẻ có quyền thất bại, nhưng không có quyền thất vọng!” Những ai sợ thất bại, người ấy rất khó bắt đầu việc gì đó. Khi bạn sợ hiểu nhầm bản văn Kinh Thánh cũng là lúc bạn gặp rào cản bước vào con đường thú vị này. Nếu bạn đang đọc Kinh Thánh, đón nhận được những bài học tuyệt vời từ bản văn, hãy chia sẻ với người khác. Khi chia sẻ như thế, bạn sẽ thấy mình đúng hay sai.

Có những thông tin trong Kinh Thánh bạn có thể kiểm chứng đúng sai. Chẳng hạn bạn đọc gia phả của Đức Giêsu: “Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Kitô.” (Mt 1,14-16). Giuse con của Giacóp trong Cựu Ước, bạn nghĩ là khác với Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu. Nhưng có người cho rằng họ là một nhân vật. Bạn hãy đối thoại với họ. Khó quá thì hỏi linh mục hoặc một sơ nào đó. Họ sẽ chỉ cho bạn: đó là hai nhân vật khác nhau[2]: Một trong Cựu ước, một trong Tân Ước (cha nuôi của Đức Giêsu). Vậy là bạn đã đúng. Vả lại, Kinh thánh trao cho bạn những tâm tình thiêng liêng vốn mang tính chủ quan và cá nhân. Điều này khó phân biệt đúng sai. Quan trọng là bạn đọc Kinh Thánh và thấy mình hạnh phúc hơn, yêu đời, yêu người và yêu Chúa hơn.

4. Đọc Kinh Thánh mất thời gian

Đây là lý do rất buồn cười. Buồn vì ai cũng nhận thấy Kinh Thánh quan trọng và đáng để đọc hoặc cầu nguyện, nhưng lại ít người đọc. Cười vì chúng ta đâu có thiếu thời gian. Ai cũng có 24 giờ một ngày để làm những điều cần thiết. Nhiều người dành giờ để lướt Web, xem TV hoặc tám chuyện, nhưng họ lại không có giờ để đọc Kinh Thánh. Chắc đến lúc chúng ta cần thay đổi tư duy. Đọc Kinh Thánh không mất giờ đâu. Mỗi ngày bạn dành 30 phút để đọc Kinh Thánh theo lịch phụng vụ hằng ngày. Bạn có thể mở sách thánh tại nhà, hoặc tải App Kinh Thánh hoặc tìm bản văn trên Internet để đọc[3]. Tiến trình này không mất quá nhiều giờ đâu bạn. Ngược lại, nếu có thói quen đọc Kinh Thánh, cuộc sống của bạn sẽ thú vị và hạnh phúc hơn nhiều. Từ nguồn năng lượng này, bạn sẽ làm được nhiều điều thú vị khác nữa.

5. Kinh Thánh nhàm chán quá

Vì không thích nên nhiều người đưa ra kết luận trên. Vì chưa quen nên chúng ta gắn mác cho cuốn Kinh Thánh là bản văn chán ngấy. Tôi biện minh cho Kinh Thánh một chút. Bạn biết không, từ 2000 năm qua, Kinh Thánh luôn là nguồn bất tận để các nhà nghiên cứu, tham khảo và giải thích. Kinh Thánh được dịch ra hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới. Đó là chưa kể đến Cựu Ước, trong đó có cuốn được viết cách đây 3,5 ngàn năm (sách Sáng Thế: 1445-1405 BC)[4]. Tất cả đều vẫn sống động và đang nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều người (Dt 4,12). Thiên Chúa vẫn nói qua bản văn Kinh Thánh từ cổ chí kim. Nếu là bản văn nhàm chán như bạn nghĩ, chắc người ta đã quên cuốn sách này từ lâu rồi. Đã đến lúc chúng ta cần ngạc nhiên rằng: “Tại sao suốt dòng lịch sử Kinh Thánh luôn quan trọng cho rất nhiều người?” Khi bạn trả lời được câu hỏi này, cũng là lúc bạn phát hiện ra rằng: “Ôi! Kinh Thánh là bản văn rất thú vị!”

6. Đọc Kinh Thánh tùy hứng

Dù sao tôi cũng vui với nhóm người này, bởi ít nhiều các bạn đã đọc Kinh Thánh. Chúng ta để ý đến động từ “tùy hứng”. Thích thì đọc, không thích thì thôi. Đó là phong cách của nhiều bạn trẻ thời nay, không chỉ đối với Kinh Thánh, nhưng trong nhiều lĩnh vực các bạn cũng tùy hứng. Kinh nghiệm cho thấy tùy hứng là con đường ngắn nhất để chấm dứt một công việc gì đó. Chúng ta không thể hứng thú mãi, vì có lúc mệt mỏi, lúc buồn sầu. Chính những lúc ấy, Kinh Thánh lại cần thiết để giúp bạn vượt qua. Tùy hứng cũng giết chết thói quen. Do vậy, bạn từ từ chuyển tùy hứng thành thường xuyên, và tạo thành thói quen đọc Kinh Thánh nhé!

7. Cuốn Kinh Thánh dày và cao siêu

Đây là lý do chính đáng. Kinh Thánh không chỉ là một cuốn sách, nhưng đúng hơn là một thư viện thu nhỏ gồm 46 cuốn Cựu ước và 27 cuốn Tân Ước. Mỗi cuốn gồm nhiều chương dài ngắn khác nhau. Mỗi chương lại có những câu chuyện thú vị riêng. Mỗi câu chuyện lại có những lồng ghép văn hóa, tôn giáo và sứ điệp Tin Mừng. Kể ra chút như thế để chúng ta thấy Kinh Thánh xứng đáng là Lời Chúa sống động và trường tồn.

Tuy nhiên, Lời Chúa lại phù hợp cho mọi người. Nếu bạn là người học thức, cứ đọc Kinh Thánh với hết khả năng của mình. Nếu bạn là người chưa học hỏi Kinh Thánh, cứ mở ra để đọc. Trước là nắm bắt thông tin, sau là để gặp gỡ, lắng nghe lời của Chúa. Đừng quên đọc Kinh Thánh không phải để học kiến thức cao sâu, nhưng là để đón nhận lời hằng sống ban cho mình. Khi học thần học, môn Kinh Thánh, giáo sư của tôi phân tích rất nhiều chi tiết thú vị liên quan đến học thuật. Tuy nhiên, linh mục ấy cũng nhắc chúng tôi về tinh thần cầu nguyện, nghĩa là đọc Kinh Thánh với con tim tôn thờ và chúc tụng Thiên Chúa. Khi ấy, những điều cao siêu sẽ ngự vào tâm hồn bạn.

8. Suy niệm Kinh Thánh dễ bị chia trí

Chia trí hoặc buồn ngủ là điều thường xảy ra trong khi chúng ta cầu nguyện, kể cả lúc tham dự thánh lễ. Trước hết bạn đừng quá lo lắng về điều này. Có những chia trí chính đáng, vốn là điều bạn đang bận lòng. Sau khi đọc Kinh Thánh, bạn cứ cầu nguyện với Chúa những nỗi lòng của mình. Bạn đừng lo mình không suy niệm về bản văn. Lý do lúc này bạn cần Thiên Chúa giúp trong những bận lòng của mình.

Mặt khác bạn thường chia trí về giờ giấc. Điều này dễ khắc phục với chiếc điện thoại hoặc đồng hồ báo thức. Bạn muốn cầu nguyện 30 hoặc 45 phút, cứ hẹn giờ. Hết giờ tự động chuông báo cho bạn dừng cầu nguyện. Vấn đề còn lại là bạn hoàn toàn chú tâm vào Kinh Thánh, với những tâm tình và thắc mắc, những cảm xúc đang diễn ra trong tâm hồn mình. Kinh nghiệm cho thấy nếu bạn bị thu hút vào giờ cầu nguyện, thời lượng sẽ đi qua rất nhanh.

9. Mua Kinh Thánh để trưng trên kệ

Đành rằng gọi là Sách Thánh, nhưng không phải để bạn chiêm ngắm trên kệ sách. Thay vào đó, bạn mạnh dạn mở ra đọc. Nếu theo lịch phụng vụ hằng ngày, bạn có thể tìm đoạn Kinh Thánh trong ngày để đọc. Thậm chí bạn có thể “tô màu-highlight”, gạch những chỗ quan trọng, ghi chú những điều bạn muốn vào cuốn sách. Mục đích là giúp bạn nhớ Lời, nhớ ý và nhớ cả những chỗ mình đánh dấu. Vì Sách Thánh là của bạn, nên nếu bạn cầu nguyện thường xuyên, sẽ đến một ngày bạn gặp lại đoạn mình đã nguyện cầu. Lúc ấy sẽ cho bạn những kinh nghiệm và tiếp tục làm mới lại những điều bạn đã cầu nguyện.

Thậm chí bạn có thể mua hai cuốn: khổ nhỏ và khổ lớn, hoặc chỉ Cựu Ước, Tân Ước. Lúc đi đâu đó bạn dễ dàng mang cuốn nhỏ đi.

10. Đọc Kinh Thánh sợ bạn bè chế nhạo

Bạn ơi, thời đại mạng xã hội, điện thoại, Internet rồi mà bạn còn đọc bản văn Kinh Thánh sao? Lạc hậu quá! Hoặc đạo đức giả quá! Thậm chí là khoa trương quá!, v.v. Những lời đàm tiếu như thế khiến bạn chùn bước đọc Thánh Kinh.

Bạn thân mến, đã đến lúc chúng ta sống thật với chính mình. Bạn thấy Lời Chúa bổ ích, quan trọng thì đọc và cầu nguyện thôi. Mặc cho người đời cà khịa, bạn với Chúa là quan trọng. Nếu bạn yêu Chúa, thì cũng thích thú lời của Ngài. Biết đâu chính khi bạn được hoán cải, được sống hạnh phúc, là lúc bạn nên nhân chứng cho Tin Mừng. Vả lại, theo thời gian, Thiên Chúa giúp bạn biết đối nhân xử thế. Kho tàng Kinh Thánh có rất nhiều bài học giúp bạn tương quan tốt với người khác. Từ đó, bạn sẽ sớm thoát khỏi mặc cảm trên!

Tạm kết

Quý độc giả thân mến,

Những thách đố trên đây cũng chính là những điều tôi gặp phải. Tôi cũng nghe những thách đố ấy khi trò chuyện với nhiều bạn trẻ. Hẳn nhiên thách đố khi đọc Kinh Thánh còn nhiều hơn số 10 trên đây. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta ngại ngùng tiếp cận với Thánh Kinh. Thay vào đó, chúng ta xin Chúa cho mình có can đảm và quảng đại để gặp Ngài trong chính Kinh Thánh. Cầu chúc mỗi người chúng ta bắt đầu hành trình thú vị nơi Kinh Thánh. Khi đó chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn với ơn của Chúa và với nỗ lực của chính mình. Mong thay!

Đọc thêm:

[1] “Cần cổ võ việc đọc Kinh Thánh đối với cá nhân, việc chia sẻ Lời Chúa trong gia đình hoặc trong nhóm nhỏ, để Lời Chúa thấm nhập cuộc sống.” (https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thu-chung-nam-2022-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ve-giao-hoi-hiep-hanh-46586)

[2] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hai-nhan-vat-giuse-trong-kinh-thanh-44482

[3] Bạn thật cẩn thận vì trên mạng có nhiều App hoặc bản văn của anh em Tin Lành dịch, vốn có những khác biệt về văn phong và thuật ngữ so với Công giáo. [4] Năm các sách thánh được viết ra: https://www.biblegateway.com/blog/2016/02/when-was-each-book-of-the-bible-written
 
(WGPSG)

TĨNH TÂM MÙA VỌNG 2022: BÀI 8 - PHÂN ĐỊNH TỪ LỊCH SỬ CUỘC ĐỜI


ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ TƯ 14.12.2022


Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

TỔNG GIÁO PHẬN SAIGON: TRỰC TUYẾN THÁNH LỄ CHIỀU THỨ BA TUẦN 3 MÙA VỌNG 2022. Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo. Lễ nhớ.

Bắt đầu lúc 17g30 Thứ Ba, ngày 13.12.2022 
tại Trung tâm Mục vụ TGP. Saigon
 

UKRAINE: ÁNH SÁNG GIỮA ĐÊM ĐEN

Sự tàn phá của chiến tranh ở Izyum, Ukraine
(2022.12.08 Salvatore Cernuzio- Vatican News)

UKRAINE: ÁNH SÁNG GIỮA ĐÊM ĐEN

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm


WHĐ (11.12.2022) - Chiều ngày 08. 12. 2022, sau khi đặt vòng hoa trước tượng đài Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức giáo hoàng Phanxicô đã bật khóc khi cầu nguyện cho đất nước Ukraine bị cuộc chiến xâm lược điên rồ, phi lý làm cho tan nát, và cho tình trạng mất mát, đau khổ, chết chóc mà toàn thể người dân Ukraine đang phải gánh chịu. Trong sự thổn thức, Đức Thánh Cha đã khẩn thiết thân thưa:

Lạy Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm,
hôm nay con muốn mang đến cho Mẹ
lời tạ ơn của dân tộc Ukraine,
về hòa bình mà chúng con cầu xin Chúa từ rất lâu nay.
Thay vào đó, một lần nữa con phải mang đến cho mẹ
lời cầu khẩn của trẻ em, của người già,
của những người cha người mẹ,
của những người trẻ trên mảnh đất tử đạo
đang chịu quá nhiều đau khổ này.[1]

Đức Thánh Cha trong buổi cầu nguyện hôm 8.12.2022

Trước đó, vào ngày 24. 11. 2022, khi gửi thư cho người dân Ukraine sau 9 tháng chiến tranh, Đức Thánh Cha không chỉ khi lên án sự phi nghĩa, tàn ác của chiến tranh, mà còn liên kết nỗi đau của ngài với nỗi đau của họ:

Tôi muốn hoà nước mắt của tôi với nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có một ngày nào mà tôi không gần gũi với anh chị em và không mang anh chị em vào trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện của tôi. Nỗi đau của anh chị em là nỗi đau của tôi. Trong thập giá của Chúa Giêsu hôm nay tôi thấy anh chị em, những người phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do cuộc tấn công này gây ra. Thập giá tra tấn Chúa trở lại trong sự tra tấn trên các xác chết, trong những ngôi mộ tập thể được phát hiện ở các thành phố, trong đó và trong nhiều hình ảnh đẫm máu khác đã đi vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta phải gào lên: Tại sao? Tại sao con người lại có thể đối xử với nhau như thế?[2]

Izyum: Vết thương chiến tranh vẫn còn đó[3]

Nếu sự tàn khốc của cuộc xung đột ở Ukraine có một cái tên, thì đó là Izyum. Thật vậy, là một thành phố nằm ở phía đông nam Ukraine, với nhiệt độ dưới 4 độ C, Izyum sau khi bị chiếm đóng và được giải phóng vào ngày 10.9, vẫn còn những dấu hiệu rõ ràng của cuộc tàn phá, mặc dù người dân địa phương vẫn nuôi hy vọng lớn lao về việc tái thiết.

Sự tàn phá của chiến tranh ở Izyum, Ukraine
(2022.12.08 Salvatore Cernuzio- Vatican News)

"Hãy nói với mọi người: chiến tranh thật tệ hại" là những lời tuy đơn sơ được phát ra từ một bà lão lang thang trên đường phố Izyum, lại bao hàm một ý nghĩa sâu sa về bí ẩn của tội ác do chiến tranh gây ra. Thật vậy;
  • bí ẩn của tội ác ấy có hình thức là những căn hầm tối tăm, ẩm thấp, hôi hám giam giữ các tù nhân; là những sợi dây thừng và dây điện treo trên trần nhà, mảnh thủy tinh vỡ và gói Marlboros bị nghiền nát dưới gót giầy.
  • bí ẩn của tội ác ấy có hình thức của chiếc áo khoác và áo sơ mi treo trên tủ quần áo bị tên lửa xẻ làm đôi; của những con thú nhồi bông, đồ chơi của trẻ em nằm dưới bùn; của những bức ảnh của một cặp đôi trong ngày cưới ló ra từ đống đổ nát của tòa nhà; của gói thuốc bên cạnh một cốc nước, tự hỏi liệu người đã mở nó có kịp uống trước khi tên lửa lao vào tòa nhà hay không.

Một trong những căn phòng diễn ra tra tấn

  • bí ẩn của tội ác ấy có hình thức của việc đặt mìn dưới 447 thi thể được chôn trong một hố chôn tập thể để ngăn người thân mang xác đi.
  • bí ẩn của tội ác ấy có hình thức của những chiếc quan tài mở toang, khắc tên, những bức tranh nhỏ và một vài bức ảnh. Giống như của Natasha, 87. Thay vào đó, một số cây thánh giá chỉ mang các số: 369, 125... Đây là những người không được nêu tên và thi thể không được xác định, trong một số trường hợp vì họ quá biến dạng,
Nhưng, giữa đống đổ nát tang thương ấy, người dân dốc tâm để có thể xây dựng lại thành phố, như Roman Semeukha, phó trưởng ban quản lý quân sự khu vực, cho biết "cấp thiết để có vật liệu cho sàn nhà, cửa sổ, mái nhà. Chúng tôi cần nhanh chóng xây dựng lại vì chúng tôi hy vọng rằng vào mùa xuân những người đã rời đi sẽ có thể trở về."

Zhovkva: Ánh sáng từ con tim[4]

Trong khi đó, ở nơi xa xôi, thị trấn Zhovkva, Ukraine gần biên giới Ba Lan, những nữ tu Đa Minh Ba Lan âm thầm trợ cấp người dân những vật dụng tuy nhỏ bé nhưng lại rất cần thiết: đèn pin và nến sáp.

Theo tường thuật của Chris Herlinger, do các cuộc oanh tạc gần đây ảnh hưởng đến mạng lưới điện lực khiến tình trạng mất điện gia tăng, nhưng nhu cầu về ánh sáng càng được cảm nhận sâu sắc hơn khi vào mùa đông đêm sẽ dài hơn và nhiệt độ hạ thấp mang đến cái lạnh thấu xương.

Hôm 24.11.2022, cầm lái trên chiếc xe chở hàng Skoda Fabia mui trần chất đầy những hộp đèn pin và nến sáp từ Krakow đến một cộng đoàn của Hội Dòng ở Zhovkva, Sơ Margaret Lekan, OP mỉm cười khi gợi lên tinh thần của Mùa Vọng và ánh sáng, theo cả nghĩa đen vì Sơ và 2 người bạn đang thực hiện “sứ mạng tìm kiếm ánh sáng”.

Sau hơn 6 tiếng đồng hồ, xe đến gần cửa khẩu biên giới ở Budomezh-Hrushiv, bầu trời đầy sương mù bao phủ các vùng đồng bằng phủ đầy tuyết với một màu xám xịt, Sơ Lekan nói "Tình hình lúc này rất, rất khó khăn".


Khi đến nơi, chúng tôi được 4 Sơ tại đây tiếp đón nồng nhiệt kèm theo lời xin lỗi vì bất kỳ sự khó khan, bất tiện nào mà chúng tôi gặp phải trên đường. Tu viện là một toà nhà 2 tầng nằm trên một con phố nhỏ không trải nhựa ở Zhovkva. Kể từ khi đất nước bị tấn công, tu viện đã được chuyển thành một trung tâm phân phối nhân đạo đa năng do các Sơ điều hành.

Sơ Margaret Lekan, OP và Sơ Mateusza Trynda, OP,
bề trên tu viện ở Zhovkva, Ukraine,
trong một bữa ăn tại tu viện (Ảnh GSR/Chris Herlinger)

Sơ bề trên cộng đoàn Mateusza Trynda, OP, sống ở Zhovkva 28 năm, khi mời chúng tôi vào bàn để dùng bữa trưa dưới ánh nến cho biết rằng mặc dù mất điện chập chờn nhưng hôm nay là lần đầu tiên mất điện cả ngày.

Là một thành phố ở miền tây Ukraine và là trung tâm của một huyện nông nghiệp xung quanh, với khoảng 14.000 cư dân, Zhovkva tuy chưa phải là mục tiêu của những trận oanh tạc nhưng còi báo động vang lên là chuyện bình thường, có khi 4 lần một ngày.

Sơ Sarah Lakoma, OP cho biết:

Khi nghe thấy còi báo động, chúng tôi sẽ cầu nguyện nhưng sau đó lại tiếp tục những gì chúng tôi đang làm và đó là một cách đối phó cần thiết. Vì thực, bạn chỉ cần trở nên vượt qua nỗi sợ hãi và căng thẳng.

Giữa những thách thức như vậy, có nhiều việc phải làm. Các Sơ rất vui và tự hào khi tu viện trở thành một trong số ít địa điểm cung cấp sự hỗ trợ của thị trấn mà mọi người có thể tin cậy. Dịp này, chúng tôi cũng đến thăm một trung tâm nhân đạo nữa nằm trong một nhà hát dân sự ở trung tâm thị trấn Zhovkva. Đến đó trong ánh nắng chiều tàn khi dấu vết mờ nhạt của những ngọn lửa đốt củi tràn ngập không khí thành phố, chúng tôi cần đèn pin đi vào toà nhà, và tới một căn phòng lớn chứa đầy quần áo đã qua sử dụng đã được sắp xếp gọn gàng.


Điều đầu tiên mà Natalia Szymkowicz, một tình nguyện viên làm nghề thủ thư, cho biết đó là cư dân ở đây rất tôn trọng và đánh giá cao các Sơ như những người lãnh đạo cộng đồng thực sự, và trong giai đoạn khó khăn này thì sự trân quí các Sơ lại càng cao hơn bao giờ hết.

Chúng tôi luôn cảm ơn các Sơ vì những gì các Sơ đã làm, chỉ có 4 Sơ mà lo giúp việc cho toàn thành phố này. Các Sơ giống như những mặt trời rực rỡ của chúng tôi.

Zhovkva không phải là một nơi trù phú, và theo Sơ Lekan, chính tình trạng kém phát triển của thành phố lại là một vốn quí hiện nay, vì những thiếu thốn hiện tại mà Zhovkva đang trải qua, sẽ có thể được cảm nhận một cách đau đớn hơn tại những nơi thịnh vượng hơn. Dù thế, điều này cũng không giúp cho cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

Một điều rất ấn tượng đó là, dù khó khăn vất vả nhưng các tình nguyện viên vẫn cố gắng hết sức để nâng đỡ người dân không chỉ về vật chất mà còn duy trì đời sống văn hóa. Họ tổ chức những buổi hòa nhạc, diễn kịch, đọc thơ, và cả những lớp thêu thùa - tất cả đều thực hiện dưới ánh nến - dù không chính thức nhưng những sinh hoạt này cũng thu hút nhiều người dân tham gia.

Tình nguyện viên Kateryna Plechii cho biết: “Điều rất quan trọng là duy trì văn hóa. Chúng tôi đang chống lại cuộc chiến bằng cách xây dựng văn hóa".

Tuy nhiên, thực tế của chiến tranh tự nó không bao giờ là xa vời. Khán phòng cũng là khu vực rộng lớn lưu trữ các vật tư y tế như: những thùng thuốc, bông băng, nạng gỗ và các vật dụng khác dành cho tiền tuyến nằm ngổn ngang.

Vadym Voronin, làm việc tại căn cứ quân sự Yavoriv gần đó và cũng điều phối viên y tế, cho biết: “Bây giờ chúng tôi có một cuộc sống mới lạ lùng. Nhưng đây là đất nước của chúng tôi. Chúng tôi phải bảo vệ lối sống của mình".

Với kinh nghiệm của Blikharska, một thiện nguyện viên thì:

Chiến tranh đang thay đổi cuộc sống quốc gia. Bạn không thể lên lịch cho một ngày. Mọi thứ thay đổi hàng giờ. Chúng tôi đang dần quen với hoàn cảnh mới. Sau khi còi báo động kết thúc, mọi người quay trở lại cuộc sống bình thường của họ. Nói cách khác, sự bình thường trở thành một hành động phản kháng. Điều rất rõ nét là mọi người rất đoàn kết.

Giữa muôn vàn trớ trêu của cuộc sống hiện tại, trong một bữa tối giản dị các Sơ và những vị khách đã chia sẻ những bức ảnh chụp các sự kiện ăn mừng bằng điện thoại di động. Sơ Lakoma cười rạng rỡ, "Chiến tranh hay không chiến tranh, những niềm vui vẫn tiếp tục".

Nhưng rồi, tiếng cười chợt tắt, khi một Sơ nhớ lại nhiều câu chuyện nghe được mới đây, như chuyện một bà mẹ bỏ lại con mấy ngày mà không nói với chúng rằng bà đi về miền đông để chôn cất người cha đi lính của chúng.

Hôm sau, Sơ Lakoma chỉ cho tôi lớp học trong một không gian nhỏ nơi Sơ dạy tiếng Ba Lan và tôn giáo cho khoảng 30 học sinh từ 7 đến 17 tuổi. Bất chấp những thách thức về không gian và thời gian hạn chế, Sơ Lakoma rạng rỡ khi nói về các học sinh của mình và ơn gọi của Sơ như là một giáo viên:

Ngay cả với mọi thứ, chúng tôi vẫn hạnh phúc ở đây. Tôi đã chấp nhận rằng đây là nơi mà Chúa muốn tôi ở. Tuy nhiên, việc chấp nhận một lời mời gọi giữa chiến tranh không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Tôi cũng chứng kiến tình yêu đất nước sâu sắc nơi nhiều người, như Andrij Nevyniak, 38 tuổi, một công nhân xây dựng địa phương, là cha của 5 đứa con từ 6 đến 16 tuổi, điều này cho phép anh ở lại với gia đình và không bị gọi nhập ngũ. Trong khi gia đình anh có thể rời đến Ba Lan, nhưng họ đã đưa ra một "quyết định dứt khoát" ở lại Zhovkva. "Tôi sinh ra ở đây, tôi sống ở đây. Đây là quê hương của chúng tôi". Khi có thể, gia đình anh tình nguyện tham gia các nỗ lực nhân đạo của các Sơ: “Chúng tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ các Sơ, các Sơ giống như mẹ đỡ đầu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể".

Những cây nến được mang từ Ba Lan
để phân phát cho cư dân Zhovkva, Ukraine,
tại tu viện của các Sơ Đa Minh. (Ảnh GSR/Chris Herlinger)

Vào đầu giờ chiều, khi chúng tôi rời đi, cư dân Zhovkva bắt đầu xếp hàng để nhận những cây nến mà chúng tôi đã mang đến ngày hôm trước. Với 30 thùng, những cây nến nhỏ Sơ Lekan mang đến đủ cho khoảng 460 gia đình dùng trong khoảng 4 ngày. Đây thực sự là một món quà đặc biệt, vì chúng khan hiếm và đắt đỏ.

Mặc dù kiên nhẫn và trật tự, họ trông có vẻ lo lắng, thẫn thờ, và mệt mỏi. Tôi không có tâm trí để hỏi họ bất kỳ câu hỏi nào. Nhưng khi chúng tôi lên xe của Sơ Lekan để trở lại Ba Lan, tôi hỏi Sơ bề trên Trynda một câu cuối cùng: "Điều gì đã giữ chân Sơ tại đây?"

Dang hai tay lên cao, Sơ Trynda trả lời “Đức tin. Đúng thế, nếu không có đức tin tôi không thể ở lại đây".

***

Chỉ đôi chút về tình hình thực tế mà cư dân của 2 thành phố Izyum và Zhovkva đang trải nghiệm, phần nào chúng ta cảm nhận bức tranh toàn cảnh không chỉ về nỗi thống khổ mà người dân Ukraine phải gánh chịu mà còn là sự quảng đại đối với nhau, sự quả cảm trước gian nan, và lòng yêu mến đất nước - với chỉ một ước mơ giản đơn: có một cuộc sống bình thường nhất - của họ.

Bao lâu chiến tranh chưa chấm dứt thì bấy lâu nỗi kinh hoàng đối với người dân Ukraine vẫn tiếp diễn. Trong sự hiệp thông, chia sẻ, chúng ta cùng với Đức Thánh Cha cùng cầu nguyện cho đất nước đau thương nhưng anh hùng này:

Xin cho chúng con tiếp tục tin tưởng và hy vọng rằng:
tình yêu sẽ chiến thắng hận thù,
chân lý sẽ chiến thắng dối trá,
tha thứ sẽ chiến thắng xúc phạm
và hòa bình sẽ chiến thắng chiến tranh.

[1] Đức Phanxicô: Full text of Pope Francis' prayer on the Solemnity of the Immaculate Conception, https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2022-12/pope-francis-prayer-full-text-immaculate-conception.html

[3] X. Salvatore Cernuzio, Izyum: A journey through the hell of Ukraine's war, https://www.vaticannews.va/en/world/news/2022-12/war-ukraine-izyum-occupation-reconstruction.html

[4] X. Chris Herlinger, In Ukraine, 'a mission for light' illuminates daily life far from the fighting, https://www.globalsistersreport.org/news/ukraine-mission-light-illuminates-daily-life-far-fighting

(WHĐ)

ĐÀI PHÁT THANH VATICAN THỨ BA 13.12.2022