Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #47

Hai ngày cuối tham dự Đại hội Giới trẻ tại Brasil

Ngày 27-7, ca nhạc, tề tựu và canh thức.

Sáng thứ bảy (ngày thứ tư ở Rio), chúng tôi ra bãi biển Copacabana. Đây là biểu tượng của lễ hội và niềm vui. Bờ biển Rio uốn vòng cung rì rào sóng vỗ trở thành nơi hội ngộ của giới trẻ khắp thế giới đến cầu nguyện và suy niệm. Nơi đây đã diễn ra Đàng Thánh Giá truyền thống, một trong những sự kiện lớn của Đại hội Giới trẻ: 13 chặng trên đoạn đường 900 mét của đại lộ Atlantico, chặng thứ 14 tại lễ đài trung tâm, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô ban huấn từ cho giới trẻ. Chặng Đàng Thánh Giá ngoài trời do một đội ngũ gồm 280 người, có cả nghệ sĩ và tình nguyện viên, cùng nhau diễn nguyện trong tình liên đới.

Xem hình ảnh>>

Các hoạt động chính thức trong ngày Thứ Bảy được Đức Thánh Cha khởi đầu là cử hành Thánh Lễ đồng tế với các giám mục, và linh mục tại Nhà thờ Chánh Tòa Thánh Sebastian (Catedral São Sebastião) của Rio. Tiếp sau đó, Đức Thánh Cha gặp gỡ các đại diện giới chức xã hội của Rio de Janiero và Brasil tại Nhà hát Thành phố. Nhà hát này được xây dựng từ thế kỷ XIX, là sân khấu chính tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật từ khắp nơi trên đất nước Brasil trong suốt nhiều năm qua.

Lúc 01g 30 chiều: ngài ăn trưa với các vị Hồng Y Brazil các vị lãnh đạo trong Hội Đồng Giám Mục tại Trung Tâm Dạy Học Sumare ở Rio.

Đúng 07g30 tối, ngài chủ sự Đêm Canh Thức Cầu nguyện với các bạn trẻ. Đây là sự kiện chính thứ tư của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2013. Sau bài nói chuyện với khách hành hương Đức Thánh Cha dành thời gian cho việc suy tôn Thánh Thể cùng với các bạn trẻ.

Suốt cả ngày chúng tôi hòa với những niềm vui của tuổi trẻ. Từng nhóm vun cát trắng để chọn khu vực, trải bạt đóng trại chuẩn bị đêm canh thức. Bãi biển dài 4km dần dần kín người. Nhiều nhóm đá banh, từng đoàn tắm biển. Có nhiều trạm phát thức ăn đủ cho 2 ngày. Mỗi người một thùng nhỏ gồm bánh nước và đồ hộp. Có nhiều dãy nhà vệ sinh công cộng mới lắp đặt trên lối đi sát biển. Lo vệ sinh cá nhân cho cả triệu người không đơn giản chút nào.

Suốt cả ngày tôi “lang thang” ngắm những gian hàng lạ mắt của thổ dân Nam Mỹ, xem các nhóm trẻ biểu diễn ca nhạc nhảy múa đặc trưng của dân tộc ngay trên đường phố nhộn nhịp. Mỗi lúc đoàn người đỗ một đông, có những đoàn lên đến vài trăm bạn trẻ cầm tay nhau hát ca vui vẻ. Quốc kỳ giương cao tung bay phất phới. Các ngã đường đến bãi biển đều dành cho người đi bộ, cảnh sát và quân đội bảo vệ an ninh rất tốt. Họ thân thiện và tận tình hướng dẫn. Gặp gỡ nhiều đoàn bạn trẻ Việt nam đến từ nhiều nước trên thế giới, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm chia sẻ thân tình. Tôi đến khu vực lễ đài, ban tổ chức huy động nhân sự đông đảo chuẩn bị ngày lễ bế mạc nên làm việc thật tất bật. Các trạm y tế chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi vào xin đo huyết áp, các bác sĩ tận tình giúp đỡ hỏi han sức khỏe.

Hơn cả triệu bạn trẻ tham dự chương trình ca nhạc đặc sắc. Nhiều màn hình lớn âm thanh hình ảnh chất lượng tuyệt hảo.

Chương trình bắt đầu với ban nhạc và DJ. Dàn nhạc của Đại hội trình diễn “The future of Brazil show”. Những đoạn video trình chiếu điểm lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Đại hội giới trẻ thế giới kể từ khi Đức Thánh Cha Benedict XVI thông báo Rio de Janeiro sẽ làm nơi đăng cai Đại hội giới trẻ thế giới. Sau đó là màn trình “Duets Show” và “Show of Hope”.

Sự kiện flash mob có vẻ là sự kiện lớn nhất, dựa theo số lượng các bạn trẻ đăng ký tham dự. Trang web chính thức Rio 2013 đã đăng tải một đoạn video hướng dẫn múa cử điệu theo bài hát Francisco: (http://www.youtube.com/watch?v=RvZmPh2RmDs), được sáng tác nhằm vinh danh Đức Thánh Cha Phanxicô. Bài hát là một bài “hit” quan trọng tại đêm canh thức cầu nguyện.

Đến 5 giờ chiều, đoàn người xếp hàng thứ tự chuẩn bị chào đón Đức Thánh Cha đến chủ sự giờ canh thức. Có lẽ phải trên 2 triệu người đã đến đây tối nay.Hình ảnh chiếu từ vệ tinh qua màn hình cho thấy một rừng người giữa biển mênh mông.

Thành phố Rio de Janeiro nằm ở vùng vịnh Guanabara nên có nhiều thắng cảnh đẹp.Tên thành phố theo nguyên ngữ tiếng Bồ đào Nha có nghĩa là “con sông tháng Giêng”. Vì vào Ngày 01 tháng 01 năm 1502, Gaspar de Lemons đã khám phá ra vùng vịnh này và ông đã nhầm lẫn tưởng đây là cửa một con sông lớn chảy ra biển. Nên mới gọi nơi đó là con sông. Rio de Janeiro có hơn 6 triệu dân cư, nếu tính cả vùng chung quanh Rio có gần 12 triệu dân số.

Khoảng 6 giờ 30, Đức Thánh Cha đến trên xe mui trần như tối hôm trước. Tôi cũng chọn một chỗ thích hợp và đưa tay vẫy chào, chụp hình.

19g30, Chương trình đêm canh thức với Đức Thánh Cha bắt đầu bằng chuỗi mân côi.

Đêm canh thức, hàng triệu người ngủ trên bãi biển, trên mọi nẻo lối của công viên đường phố. Nơi nào có thể, họ trải túi ngủ là ngon giấc qua đêm. Đêm canh thức của mỗi lần đại hội giới trẻ thế giới đều có những trải nghiệm riêng. Đặc biệt đêm nay, với sóng biển vỗ rì rào, gió mang hơi nước ùa vào lạnh buốt tạo nên những cảm giác ấn tượng khó phai.

Chương trình kết thúc lúc 00g30. Mọi người đi ngũ. Mặc sóng vỗ gió lạnh, đêm trên bãi biển bình yên, hơn triệu người ngũ bình an. Chúa quan phòng chúc lành ban ơn che chở.

Ngày 28-7, đại lễ bế mạc.

Đọc lịch trình của Đức Thánh Cha ngày Chúa Nhật bế mạc và chia tay như sau:

Lúc 10 giờ sáng, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Sau đó ngài công bố thành phố tiếp theo đăng cai Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Buổi trưa, Đức Thánh Cha chủ sự đọc Kinh Truyền Tin cùng khách hành hương.

Trong bữa ăn trưa tại nhà ăn của “Centro de Estudos do Sumaré”, Đức Thánh Cha có cuộc gặp gỡ Ban Thường Vụ Liên Hội đồng Giám Mục Mỹ Latinh trước khi rời khỏi nhà nghỉ Sumaré.

Để đích thân cảm ơn 60.000 thiện nguyện viên phục vụ cho Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến gặp gỡ họ vào lúc 5:30 chiều tại Nhà Triển Lãm Số 5 của Trung Tâm Triển Lãm Rio.

Buổi lễ chia tay được cử hành tại sân bay quốc tế Antonio Carlos Jobim, sau bài diễn văn tạm biệt. Đức Thánh Cha khởi hành trở về Rôma lúc 7 giờ tối.

Từ 4 giờ sáng, các linh mục đã xếp hàng chờ đợi để nhận áo lễ. Có 3 kích cỡ, lớn, vừa và nhỏ. Các nhóm linh mục tranh thủ đọc kinh sáng chung với nhau.

Chờ đến 8 giờ sáng mới mở cửa vào, nhưng mãi gần đến giờ lễ, chúng tôi mới vào được bên trong. Chẳng có ghế ngồi và đứng quá xa lễ đài. Có lẽ phải dời địa điểm nên khâu tổ chức này chưa được tốt lắm.

Cuối thánh lễ Đức Thánh Cha công bố đại hội giới trẻ thế lần thứ 29 được tổ chức tại Ba lan vào năm 2016. Tiếng hò reo vang dậy chúc mừng giới trẻ Ba lan.

Trên facebooks có lời chào mừng của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Kraków với tư cách là chủ nhà

Hôm nay, một niềm vui lớn lao khi chúng tôi nhận được thông báo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần tới sẽ diễn ra tại Ba Lan vào năm 2016. Đó là một niềm vui, niềm vinh dự và trách nhiệm lớn đối với chúng tôi. Trong năm đó, chúng tôi cũng sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Bí tích Rửa tội đầu tiên ở Ba Lan.

Cùng với toàn thể Giáo Hội tại Ba Lan, tôi sung sướng vì Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời từ các cơ quan cao nhất của nước Cộng hòa Ba Lan và các vị giám mục Ba Lan gửi đến ngài. Như thế, ngài đã đáp ứng sự mong mỏi của rất nhiều bạn trẻ, những người từ lâu đã muốn cử hành đức tin của họ ở ngay tại đất nước và ngay tại thành phố quê hương của Karol Wojtyla - người đã rời Kraków vào Tháng Mười năm 1978 để tiến về Thành Đô Vĩnh Hằng, và cũng chính là Đức Gioan Phaolô II, Giám Mục Rôma - người sáng lập Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Trong rất nhiều sáng kiến mục vụ của Đức Gioan Phaolô II, Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới chắc chắn nằm trong số những sáng kiến thành công, sâu rộng và hiệu quả nhất. Ngay từ đầu, Đức Giáo Hoàng đã nhận thấy những bạn trẻ chính là "người canh gác sớm mai" (Is 21:11-12), họ trông coi buổi canh thức bình minh của thiên niên kỷ thứ ba" (Tor Vergata, ngày 19 tháng 8 năm 2000).

Hôm nay, Ba Lan và Kraków mở rộng trái tim của họ, để trong thời gian ba năm, họ có thể chào đón các bạn trẻ hành hương dưới sự dẫn dắt của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đến Đức Thánh Cha vì ngài đã quyết định đến thăm đất nước của Chân Phước (và sắp là Hiển Thánh) Gioan Phaolô II, và mong muốn canh thức với những "người canh gác sớm mai" tại kỳ đại hội ở Kraków.

Kính thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng con mong muốn cha đến và đồng hành cùng rất nhiều các bạn trẻ của chúng con, với sự trông đợi và niềm hân hoan lớn lao

(Hồng Y Stanislaw Dziwisz-Tổng Giám Mục Thủ đô Kraków).


Sau thánh lễ đường phố ngập tràn sắc màu, đoàn người đông đảo phú kín mọi đường phố. Vất vả lắm, chúng tôi mới về đến nhà chuẩn bị chuyến về sân bay San Paulo tối nay. Chặng đường dài hơn 450 km.

Đền Thánh Đức Mẹ Aparecida

Sau 240 km từ Rio đến San Paulo, chúng tôi ghé thăm đền thánh quốc gia Đức Mẹ Aparecida là linh địa Đức Mẹ nổi tiếng trên thế giới. Ngôi đền tôn kính Đức Mẹ nằm cạnh xa lộ SP-060, giữa đường từ Rio De Janeiro đi Sao Paulo.

Đức Thánh Cha Phanxico đã thăm đền thánh quốc gia Đức Mẹ Aparecida là vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 24 tháng 7, và đã chủ sự nghi thức suy tôn bức ảnh Đức Mẹ trong nhà thờ và đồng tế Thánh Lễ với Đức Hồng Y Raymundo Damasceno (TGM Aparecida, kiêm Chủ tịch HĐGM Brasil). Ngài là vị giáo hoàng thứ ba tới viếng thăm đền thánh. Đức Gioan Phaolô đã tới đây năm 1980 và nâng danh hiệu ngôi đền còn đang xây cất dang dở lên bậc vương cung thánh đường, đức Benedicto cũng đã đến đây nhân dịp đại hội đồng các giám mục vùng Nam Mỹ (Latin America and the Caribbean) năm 2007.

Quãng trường rộng bao la như quãng trường bên Fatima. Khuôn viên như một vòng tròn bao quanh đền thánh. Chúng tôi tiến vào bên trong.

Đang có thánh lễ ngày Chúa nhật nên Nhà thờ đông tín hữu tham dự thánh lễ nghiêm trang sốt sắng.Nhà thờ quá rộng với bàn thờ chính giữa và 4 nhánh hướng về bàn thờ. Chúng tôi thinh lặng đến cầu nguyện với Đức Mẹ.

Đền Thánh Đức Bà Aparecida là Trung Tâm Hành Hương của người Brasil và của các tín hữu của Châu Mỹ La Tinh. Đây là ngôi đền Đức Mẹ lớn nhất thế giới, và tính theo diện tích thì là ngôi nhà thờ lớn thứ hai cuả Công Giáo, chỉ đứng sau đền Thánh Phêrô ở Rome.

Tuy đền thánh Aparecida mới phát triển nhưng đã nhanh chóng vượt qua các trung tâm hành hương khác. Số người viếng thăm trong năm 2012 khoảng hơn 11 triệu người.

Tuy chữ Aparecida có nghiã là "đấng đã tỏ mình ra", nhưng khác với Lộ Đức, Fatima hoặc Guadalupe, không có biến cố Đức Mẹ hiện ra ở đây để truyền bá một thông điệp, cũng không hề có truyền thuyết trong dân gian về việc Đức Mẹ đã xuất hiện để cứu khổ cứu nạn cho dân như ở La Vang. Ở đây, hiện tượng là một bức tượng nhiệm mầu ban nhiều ơn phúc, một hiện tượng giống như trường hợp bức linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bị chôn vùi dưới nước ớ giáo xứ La Mã Bến Tre hoặc bức tượng Đức Mẹ bị vỡ nát ở núi Tà Pao.

Cách đây trên 300 năm khi Brasil còn ở trong thời kỳ sơ khai lập quốc, những người di dân từ Bồ đào Nha, vốn có lòng tôn kính tước hiệu 'Vô Nhiễm Nguyên Tội', thường mang theo những bức tượng của Mẹ để trưng bày trong nhà.

Các bức tượng thường được nhập cảng từ 'mẫu quốc' Portugal hoặc đơn sơ hơn là nặn bằng đất sét tại chỗ, thường là từ một nhà dòng 'Phan xi cô khó khăn' vùng Carioca ở Sao Paulo, do một 'thầy hèn mọn' (Frei) tên là Frei Agostino de Jesus nặn ra. Tượng Đức Mẹ Aparecida có lẽ được sản xuất trong những năm 1650.

Trong bối cảnh như thế, thì vào tháng 10 năm 1717, Ngài Dom Pedro de Almedida, bá tước cuả Assumar, nhận chức thống đốc Sao Paulo và được Vua ban cho một lãnh địa là bang Minas Gerais (sau này là bang đông dân nhất cuả Brasil). Trên đường đi kinh lý ông sẽ dừng chân tại Guarantinqueta, một phố nhỏ ở thung lũng sông Paraiba.

Dân chúng thường tổ chức đón tiếp vị lãnh chúa rất hoành tráng, bởi vì ông ta có thể đánh thuế nặng hơn, hoặc ban phát ân huệ bằng cách giảm thuế đi. Người dân Guarantinqueta quyết định tổ chức một bữa tiệc tuyệt vời để tôn vinh vị bá tước mới, và việc có rất nhiều cá là điều cần thiết.

Tuy nhiên, vào lúc này thì mùa cá đã mãn từ lâu rồi. Và sau một ngày cặm cụi, mọi ngư dân đã hoàn toàn tuyệt vọng và xếp lưới trở về nhà. Trong số họ là ba ngư phủ có lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tên là Domingos Garcia, Joco Alves, và Felipe Pedroso. Trước khi đi đánh cá, họ đã cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ cho nhiệm vụ khó khăn này. Bây giờ trong lúc chiều tà, đau lòng nhìn thấy bến tàu Itaguagu xuất hiện ở trước mắt, Felipe tụ hợp 2 anh em khác lại và quỳ xuống cầu nguyện một cách đơn sơ rằng "Lạy Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con, chúng con cần phải có cá!"

Rồi sau đó anh Joco bỏ lưới một lần nữa. Anh cũng không tìm thấy cá nhưng thay vào đó vớt lên được một một bức tượng không đầu! Joco ngạc nhiên kêu lên "Domingo, Felipe! đến mà xem!" Họ bỏ lưới một lần nữa và vớt lên được phần đầu của bức tượng! Bức tượng cao khoảng 40cm.

Họ cẩn thận rửa sạch bức tượng và nhận ra đó là tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thế là không mất lòng trông cậy, họ dùng vải bọc bức tượng lại và tiếp tục thả lưới thâu đêm. Domingo sau này nhận xét rằng "Chúng tôi đã làm việc suốt một đêm nữa và cũng không tìm thấy một con cá nào cả!"

Tới lúc đó thì Felipe đưa ra một đề nghị: "Chúng ta hãy vừa thả lưới vừa dục lòng trông cậy vào Đức Trinh Nữ Aparecida (đấng đã tỏ mình ra)."

Ngay từ thời điểm đó, mọi mẻ lưới cuả họ đều vớt được đầy cá, và các thuyền cuả họ gần như muốn chìm vì chở nhiều cá quá. Đây là phép lạ đầu tiên của Đức Mẹ Aparecida.

Trước sự lạ lùng đó, các ngư dân đặt tên cho bức tượng là Nossa Senhora Aparecida da Conceição (Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội đã tỏ mình ra). Những người quanh vùng bắt đầu đến tôn kính bức tượng, và gọi một cách vắn tắt là Đức Mẹ Aparecida.

Vì bị chìm trong nước nhiều năm cho nên lớp men rực rỡ ở bên ngoài cuả bức tượng đã tan mất, chỉ còn lại một màu nâu sẫm cuả loại sành đã bị hoá chất phản ứng, người ta dùng một tấm áo thêu bao phủ toàn thể bức tượng, chỉ để lộ ra khuôn mặt và bàn tay.

Trong 15 năm đầu, bức tượng vẫn để tại nhà cuả anh Filipe Pedroso trong một ngôi nhà nguyện nhỏ của gia đình xây nên. Nhưng những câu chuyện phép lạ đã được lan truyền ra khắp Brazil và ngôi nhà nguyện cuả gia đình trở thành quá nhỏ. Năm 1737, các linh mục ở Guaratinguetá bắt đầu xây dựng cho Mẹ một ngôi đền lớn hơn trên đồi Morro dos Coqueiros và khánh thành vào năm 1745.

Lòng tôn kính bức tượng phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong giới những người Brasil gốc Phi Châu (Brasil có một dân số gốc châu Phi hơn 75 triệu người), thứ nhất là vì mầu sắc cuả bức tượng mà người ta thường gọi nôm na là Đức Bà Đen, thứ hai còn là vì một trong những phép lạ đầu tiên đã xẩy ra là cho một thanh niên nô lệ da đen.

Số lượng tín đồ tăng lên đáng kể cho nên năm 1834, người ta phải xây một nhà thờ lớn hơn nữa. Ngôi nhà thờ sau này được nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường.

Năm 1904, để kỷ niệm năm thứ 50 việc công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, bức tượng Đức Mẹ Aparecida đã được trao thêm một vương miện với nhiều đá quý. Lễ đăng quang được thực hiện thay mặt cho Đức Giáo Hoàng Piô X với sự tham dự cuả Tổng Thống Rodrigues Alves.

20 năm sau, khu vực quanh nhà thờ được 'đô thị hoá', trở thành một thị trấn riêng biệt lấy tên là Aparecida.

Năm 1930, Đức Trinh Nữ Maria, dưới danh hiệu Đức Mẹ Aparecida, đã được công bố là "Nữ Vương Bổn Mạng chính của Brasil" bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI. Vị quan thầy cũ cuả Brasil, thánh Phêrô thành Alcantara, trở thành 'đồng quan thầy'.

Cho đến đầu những năm 1950, Aparecida vẫn còn là một thành phố khiêm tốn do các cha dòng Chuá Cứu Thế đến từ nước Đức coi sóc. Đây cũng là giáo xứ đầu tiên cuả dòng Chuá Cứu Thế ở Châu Mỹ La Tinh, các cha DCCT đã mở một đài phát thanh riêng vào năm 1951. Chương trình phát thanh từ Aparecida trở thành một trong những nỗ lực truyền giáo thành công nhất ở Nam Mỹ, với một mạng lưới hiện nay là 120 đài và với một hiệp hội hỗ trợ lên tới gần một triệu thành viên.

Năm 1955, người ta khởi công xây dựng Vương Cung Thánh Đường mới, ngôi "Tiểu Vương Cung Thánh Đường cũ" được gọi là "Nhà Thờ Cũ".

Năm 1958, do sự phát triển của cộng đồng Công Giáo xung quanh đền Đức Mẹ Aparecida, Tòa Thánh quyết định lập Tổng Giáo Phận Aparecida, dùng một phần lãnh thổ của Tổng Giáo Phận Sao Paulo và một phần cuả Giáo Phận Taubaté để hình thành tổng giáo phận mới.

Sau khi cầu nguyện dâng tâm tình tạ ơn bên Đức Mẹ, chúng tôi tiếp tục hành trình đến sân bay. Sau 14 giờ bay mới đến Dubai. Quá cảnh 11 giờ, tiếp tục 7 giờ bay nữa chúng tôi bình an trở về quê hương, kết thúc chuyến hành hương nhiều dấu ấn.

Vài nét sơ lược về Quốc gia Brasil

Quốc gia Brasil Tây ở miền nam châu Mỹ Latinh. Brasil là một quốc gia rộng lớn với 8,5 triệu cây số vuông chiếm 47 % toàn diện tích Châu Mỹ Latinh. Một bên là vùng bờ biển Đại tây Dương chạy dài, một bên vùng đất lền giáp biên giới với những quốc gia Uruguay, Argentina, Paraguay, Bolivien, Peru, Kolumbia, Venezuela.

Brasil cũng là quốc gia có dân số đông nhất Châu Mỹ Latinh với 194 triệu dân, gồm nhiều sắc dân khác nhau. Thủ đô của Brasil là Basilia. Những thành phố lớn đông dân và nổi tiếng của Brasil đều nằm theo phía dọc bờ biển, như thành phố Sao Paolo,, Rio de Janeiro, Porto Alegre....Ngôn ngữ chính của Brasil là tiếng Bồ đào nha vì xưa kia là thuộc địa của Bồ đào Nha. Năm 1822, Brasil đã đứng lên tuyên bố đòi độc lập, và ba năm sau 1825 Bồ đào Nha công nhận để cho Brazila được trở thành một quốc gia độc lập.

Về chính trị, Brasil theo chính thể Cộng Hòa liên bang, chính phủ, Quốc Hội do dân bầu ra. Theo ước tính trên dưới 70% dân chúng theo Công Giáo Roma chiếm khoảng 120 triệu người. Ngài ra còn có những Tôn gíao khác như Tin Lành phái Giáo Hội tự do, Do Thái giáo, Hồi Gíao, Tín ngưỡng địa phương...

Brasil là một quốc gia có những cầu thủ bóng đá điêu luyện nổi tiếng. Đội bóng đá quốc gia Brasil nổi tiếng dẫn đầu thế giới là đội bóng có lối chơi nhồi bóng hùng mạnh nhanh lẹ và đã năm lần đoạt World Cup. Brasil đang hối hả chuẩn bi cho Olympic 2016 được tổ chức tại đây.

Giáo Hội Công Giáo Brasil được chia thành 41 Tổng giáo phận với 265 Giáo phận. Ngoài ra ở Brasil còn có Tòa Khâm sứ Tòa Thánh và giáo phận quân đội.

Tổng gíao phận Rio de Janeiro được thành lập ngày 19.07.1575 dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregor XIII theo nghi lễ Công gíao Roma. Tổng gíao phận có 251 Gíao xứ với hơn 3 triệu Giáo dân, 327 Linh mục. Vị chủ chăn là Tổng giám mục có tước vị Hồng Y. Tổng giáo phận Rio de Janeiro còn có đại học Công Giáo của tòa thánh Vatican.

Lời kết

Tham dự đại hội giới trẻ thật vất vả nhưng cũng thật hạnh phúc. Hòa mình cùng với bạn trẻ để cảm nhận nhịp sống vui tươi yêu đời, không vướng bận lo toan.

Những ngày Quốc tế Giới trẻ là dịp giới thiệu về một Giáo Hội của Chúa Kitô luôn trẻ trung, năng động,nhiệt thành, lạc quan và đầy sức sống. Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các bạn trẻ rằng: Đại hội là dịp "Gặp gỡ và chào đón tất cả mọi người, sự đoàn kết và tình anh em: những điều này khiến cho xã hội của chúng ta thực sự đậm tình người".

Với chủ đề “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ!” (Mt 28,19), các bạn trẻ được mời gọi học hỏi và suy tư về sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, đồng thời cũng là sứ mạng của người trẻ trong xã hội hôm nay. ĐGH Gioan Phaolô II đã nói: “Giới trẻ không chỉ là đối tượng quan tâm đặc biệt của Giáo Hội, mà họ còn là những tác nhân quan trọng và hữu hiệu của sứ vụ truyền giáo.”.

Trong số 8, Sứ điệp Giới trẻ 2013 nhắc lại lời của ngôn sứ Isaia thưa với Chúa, và mời gọi các người trẻ làm theo:“Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con!” (Is 6,8).

Và trong “lời kết thúc”, Sứ Điệp dâng lên lời cầu xin “với Đức Maria là Ngôi Sao của công cuộc Tân Phúc Âm hóa, để xin Mẹ đồng hành với mỗi người trong sứ mạng làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa”.

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Viết trên máy bay từ Sao Paulo đi Dubai.

(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #46

Video WYD 2013
THÁNH LỄ BẾ MẠC NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI TẠI RIO DE JANEIRO


Hơn 3 triệu người đã tham dự thánh lễ bế mạc Ngày Quốc Tế giới trẻ do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ sự tại bãi biển Copacabana của Rio de Janeiro. Ngài mời gọi họ hãy “Hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ”. Đức Thánh Cha cũng loan báo Ngày Quốc tế giới trẻ năm 2016 sẽ tiến hành tại Cracovia, Ba Lan.

Sáng Chúa Nhật 28 tháng 7, Đức Thánh Cha đã trở lại bãi biển Copacabana và dành gần một tiếng đồng hồ, đi xe díp tiến qua các lối đi để chào các bạn trẻ và tín hữu tụ tập tại đây dưới bầu trời nắng nhẹ.

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ bắt đầu lúc 10 giờ sáng, có hàng ngàn vị gồm các HY, GM trong áo lễ đồng phục của Ngày Quốc Tế giới trẻ, và đông đảo các linh mục mang dây Stola của Đại hội giới trẻ này.

Trong số các vị lãnh đạo hiện diện trong thánh lễ có bà tổng thống Roussef của Brazil, bà tổng thống Cristiana của Argentina, tổng thống Evo Morales của Bolivia và Surinam. Đặc biệt cũng có một em bé không có não bộ hiện diện. Đức Thánh Cha gặp cha mẹ em sau thánh lễ sáng thứ bẩy 27-7 tại Nhà thờ chính tòa Rio. Bình thường hài nhi như thế đều không sống sót. Nhưng em bé vẫn sống và trước đó cha mẹ em không chịu phá thai. Ngài đã mời cha mẹ đưa em đến dự thánh lễ bế mạc Ngày Giới trẻ này.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng về việc ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Thánh Cha quảng diễn ý nghĩa chủ đề của Ngày Quốc tế giới trẻ thứ 28: “Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ”. Ngài tóm tắt trong ba từ: Hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ, và nói:

- “Các con hãy ra đi”. Trong những ngày này tại Rio, các bạn có thể cảm nghiệm thật đẹp về cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu và cùng nhau gặp Chúa, các bạn đã cảm thấy niềm vui đức tin. Nhưng kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ này không thể bị khép kín trong cuộc sống riêng tư hoặc trong nhóm nhỏ nơi giáo xứ, phong trào, cộng đoàn của các bạn. Làm như vậy giống như lấy mất dưỡng khí của ngọn lửa đang cháy. Đức tin là một ngọn lửa càng cháy sáng nếu càng được chia sẻ, thông truyền, để tất cả có thể nhận biết, yêu thương và tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Chúa tể sự sống và lịch sử (Xc Rm 10,9).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng đây không phải là một điều tùy ý, nhưng là một mệnh lệnh của Chúa, tuy nhiên mệnh lệnh này không phát sinh từ ý muốn thống trị hoặc quyền lực, nhưng từ sức mạnh của tình thương, vì Chúa Giêsu trước tiên đến giữa chúng ta, ban cho chúng ta không phải một cái gì đó của Ngài, nhưng là toàn thể con người của Ngài, đã ban sự sống của Ngài để cứu chuộc và to cho chúng ta tình thương và lòng từ bi của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không đối xử với chúng ta như người nô lệ, nhưng như những người tự do, như bạn hữu và như những người em.. Chúa gửi chúng ta đến với tất cả mọi người để mang Tin Mừng cho họ.. Một đại tông đồ của Brazil này là chân phước José de Anchieta đã ra đi truyền giáo khi mới 19 tuổi. Các bạn có biết đâu là phương tiện tốt đẹp nhất để rao giảng Tin Mừng cho người trẻ? Thưa đó là một người trẻ khác. Đó là con đường cần phải đi theo!

- Điều thứ hai: “không chút sợ hãi”. Đức Thánh Cha nói: có thể có người nghĩ: tôi không được chuẩn bị chuyên biệt gì cả, làm sao tôi có thể ra đi và loan báo Tin Mừng? Bạn thân mến, sự sợ hãi của bạn không khác xa bao nhiêu sự sợ hãi của Giêrêmia, một người trẻ như các bạn, đã được Thiên Chúa kêu gọi làm ngôn sứ. Chúng ta vừa nghe lời Giêrêmia: “Chúa ơi, con đâu biết nói vì con còn trẻ. Chúa cũng nói với các bạn điều Ngài đã nói với Giêrêmia: “Con đừng sợ [..] vì Ta ở với con để bảo vệ con” (Gr 1.7.8). Chúa ở với chúng ta!

“Đừng sợ!” Khi chúng ta ra đi loan báo Chúa Kitô, chính Ngài đi trước, hướng dẫn chúng ta. Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa đã hứa: ”Thầy ở với các on mọi ngày” (Mt 28,20). Và điều này cũng được áp dụng cho chúng ta! Chúa Giêsu không để chúng ta lẻ loi, Ngài không bao giờ để các bạn lẻ loi! Chúa luôn tháp tùng các bạn.

Rồi Chúa Giêsu không nói: “Con hãy đi!, nhưng Ngài nói: Các con hãy đi!”, chúng ta cùng được sai đi. Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy cảm thấy sự đồng hành của toàn thể Giáo Hội, và cả sự hiệp thông của các thánh trong sứ mạng này. Khi chúng ta cùng nhau đương đầu với các thách đố, thì chúng ta mạnh mẽ, chúng ta khám phá những năng lực mà chúng ta không biết là mình có. Chúa Giêsu không kêu gọi các tông đồ để sống cô lập, Ngài kêu gọi họ để họp thành một nhóm, một cộng đoàn. Hỡi các linh mục quí mến, đang đồng tế với tôi Thánh lễ này, các cha đến đây tháp tùng những người trẻ, đây là điều thật đẹp, chia sẻ kinh nghiệm đức tin này. Nhưng đây là một giai đoạn trong hành trình. Các cha hãy tiếp tục tháp tùng các bạn trẻ với lòng quảng đại và vui tươi, hãy giúp họ dấn thân tích cực trong Giáo Hội, ước gì họ không bao giờ cảm thấy lẻ loi!

- Đức Thánh Cha đề cập đến điều cuối cùng: “để phục vụ”: ”Thánh Phaolô trong bài đọc chúng ta vừa nghe, đã nói: “Tôi trở nên tôi tớ mọi người để kiếm được nhiều người hơn” (1 Cr 9,19). Để loan báo Chúa Giêsu, thánh Phaolô đã trở nên “đầy tớ mọi người”. Rao giảng Tin Mừng là đích thân làm chứng về tình yêu Thiên Chúa, là vượt thắng sự ích kỷ của chúng ta, là phục vụ bằng cách cúi mình xuống rửa chân cho anh em chúng ta như Chúa Giêsu đã làm.

“Các con hãy ra đi, không sợ hãi, để phục vụ. Khi sống theo 3 lời này, các bạn sẽ cảm nghiệm được rằng người rao giảng Tin Mừng thì cũng được trở nên Tin Mừng, ai thông truyền niềm vui đức tin, thì cũng nhận được niềm vui. Các bạn trẻ thân mến, khi trở về nhà, các bạn đừng sợ trở nên quảng đại với Chúa Kitô, đừng sợ làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Trong bài đọc thứ I, khi Chúa sai ngôn sứ Giêrêmia, Ngài ban cho ông quyền được “loại bỏ và phá đổ, phá hủy và san bằng, xây dựng và vun trồng” (Gr 1,10). Cả các bạn cũng như thế. Mang Tin Mừng là mang sức mạnh của Thiên Chúa để nhổ bỏ và phá hủy sự ác và bạo lực; để phá tan và đạp đổ những hàng rào ích kỷ, bất bao dung và oán thù; Để kiến tạo một thế giới mới, Chúa Giêsu Kitô hy vọng nơi các bạn! Giáo Hội cậy dựa vào các bạn! Giáo Hoàng hy vọng nơi các bạn! Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ chúng ta luôn tháp tùng các bạn với sự hịu hiền của Mẹ: “Các con hãy ra đi và làm cho mọi dân tộc thành môn đệ!” Amen

Công bố Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới

Cuối thánh lễ, Đức Hồng Y Stanislaw Rylko, người Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh Cha. Rồi Đức Thánh Cha trao cho 5 cặp bạn trẻ một bản sao tượng “Chúa Kitô Cứu Thế”, pho tượng khổng lồ trên núi Corcovado, biểu tượng thành Rio de Janeiro, cùng với một cuốn sách kinh. Đức Thánh Cha loan báo thờ điểm và nơi cử hành Ngày Quốc Tế giới trẻ lần tới: ”Các bạn trẻ thân mến, chúng ta có một cuộc hẹn trong Ngày Quốc tế giới trẻ lần tới, vào năm 2016, tại Cracovia, Ba Lan. Nhờ sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ Maria, chúng ta hãy cầu xin ánh sáng của Chúa Thánh Linh trên con đường dẫn chúng ta đến giai đoạn mới này của việc vui mừng cử hành niềm tin và tình yêu nơi Chúa Kitô”.

Phái đoàn các bạn trẻ Ba Lan hiện diện, nhiều người trong y phục truyền thống, đã nhẩy mừng và reo hờ, tung cờ, chào đón tin vui này.

(VietCatholic Network)

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #45

Thánh lễ bế mạc và từ giã Rio
 
Số người tham dự Thánh Lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Rio de Janeiro, Ba Tây, nay đồng loạt được tường thuật là hơn 3 triệu người. Các hãng thông tấn, báo chí và các đài truyền hình từ Bắc đến Nam Mỹ, từ Tây đến Đông Âu, từ Cận đến Viễn Đông, từ Úc, Tân Tây Lan tới các vùng Nam Thái Bình Dương đều thông tin như thế.

Theo Đài Al Jazeera, người ta ước lượng có hơn 3 triệu người tụ tập để tham dự buổi phụng vụ tại bãi biển Copacabana. Thực vậy, buổi canh thức với Đức Giáo Hoàng Phancicô đã thu hút 3 triệu người. Theo AFP, đây là một trong các tham dự đông đảo nhất đối với một buổi cử hành của giáo hoàng trong lịch sử gần đây.

Cũng con số ấy đã được ước lượng cho Thánh Lễ bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại cùng một bãi biển, cũng là thánh lễ cuối cùng trong chuyến tông du lịch sử lần đầu tiên trở lại lục địa quê hương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.


Trên một lễ đài mầu trắng nhìn xuống đám đông, Ngài đã thúc giục các người trẻ Công Giáo hãy ra đi và loan truyền đức tin của họ đến “những vùng ngoại biên của xã hội, thậm chí tới những nơi xa xăm nhất, dửng dung nhất... Giáo Hội cần chúng con, cần lòng phấn khởi của các con, óc sáng tạo của các con và niềm vui hết sức đặc trưng của các con””.


Gần như trọn 4 cây số bãi biển lưỡi liềm mênh mông của Copacabana đã chật ních tín hữu vẫy cờ. Nhiều người trẻ tham dự Thánh Lễ đã qua đêm trên bãi biển, một đêm vui ngủ vùi để kết thúc đại hội giới trẻ Công Giáo.


Al Jazeera cũng cho hay: chính Vatican nói rằng hơn 3 tiệu người tham dự Thánh Lễ bế mạc, dựa vào thông tin của ban tổ chức Đại Hội lẫn giới chức sở tại. Họ ước đoán đến 2/3 số này đến từ ngoài Rio. Như thế là vượt con số 1 triệu người tại Madrid năm 2011 hay 850,000 tại Toronto năm 2002.


Trong lễ bế mạc này, Đức Phanxicô đã công bố Krakow sẽ là địa điểm tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào năm 2016.


Được vinh dự đặc biệt là cặp vợ chồng gặp Đức Phanxicô vào hôm thứ Bẩy sau khi dự Thánh Lễ tại nhà thờ chánh tòa Rio; họ mang tới trình ngài đứa con gái mang chứng quái tượng không não (anencephalic) để được chúc lành. Đức Phanxicô mời họ dự cuộc rước dâng của lễ trong Thánh Lễ bế mạc, trong đó, người cha mang chiếc áo thung với hàng chữ “Hãy ngưng phá thai”.


Ngày Chúa Nhật, Đức Phanxicô cho hay: ngài trông mong các người trẻ Công Giáo sẽ trở thành “các môn đệ truyền giáo... Đem Tin Mừng là đem sức mạnh Thiên Chúa tới nhổ cỏ và phá tan sự ác và bạo lực, là tiêu diệt và hạ bệ mọi rào cản và vị kỷ, bất khoan dung và kỳ thị, để xây dựng một thế giới mới”.


Tờ Guardian của Anh gọi cuộc tông du đầu tiên ra ngoại quốc của Đức Phanxicô là một cuộc du hành thắng lợi với Thánh Lễ bế mạc vào Chúa Nhật trên bãi biển Copancabana với 3 triệu tín hữu tham dự, “theo ước tính của nhà cầm quyền sở tại”.


Bằng một văn phong tin mừng, đơn giản và triệt để, vốn lên đặc điểm cho cuộc tông du một tuần của ngài tại Ba Tây, Đức Phanxicô đã kêu gọi người hành hương trở về quê nhà để hồi sinh Giáo Hội Công Giáo.


Theo Guardian, ngầm nói lên ảnh hưởng của Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh, cộng đoàn dự Thánh Lễ của ngài hôm nay bao gồm các tổng thống của Ba Tây, của Á Căn Đình, của Bolivia và của Suriname, cũng như các phó tổng thống của Uruguay và Panama cùng nhiều vị vọng khác.


Guardian cũng nhắc lại ước lượng của nhà cầm quyền sở tại. Họ cho rằng đến cuối tuần rồi, người tham dự vọt lên hơn 3 triệu người. Phần đông cắm lều ngay trên bãi biển để qua đêm, dù khó ngủ vì lạnh và sóng biển. Nhưng khách hành hương ca hát đến tận sáng sớm.


Paul Mitchell, đến từ Sydney, ngủ trên cát, và đi bơi trước khi tham dự Thánh Lễ, cho hay: “Tôi rất mệt nhưng rất vui. Được thấy gương mặt của nhiều người khác quả là điều kỳ diệu. Người ở đây quá linh động và đầy tình yêu Thiên Chúa. Ta có thể học hỏi từ đó, nhất là Giáo Hội Úc”.


Bằng cách vẫy tay, ca hát và cầu nguyện với nhau, đám đông vĩ đại đã tham dự vào buổi thờ phượng chung đôi lúc hết sức ngất ngây.

Ngủ với 3 triệu người


Nữ tu Mary Herrera cười khúc khích lúc được hỏi bà có cảm tưởng gì khi được ngủ với 3 triệu người. Bà trả lời: “Đây là điều tôi gọi là cuộc cách mạng tình yêu”. Bà vốn dạy học tại các cộng đoàn nhỏ và các trung tâm cải tạo ma túy ở Á Căn Đình.


Lễ hội này đã đem đến Copacabana một số dân lớn hơn tổng số cư dân của Manchester và Birmingham cộng lại, để tham dự các biến cố ngoài trời được hơn chục màn hình vĩ đại tiếp chuyển.


Trong những ngày tới, cuộc di dân sẽ theo chiều ngược lại. Nhiều người trong số đoàn người lên đường rời khỏi nơi này cho hay họ mang theo sứ điệp tranh đấu trong các bài giảng của Đức Giáo Hoàng.


Lucas Robles, 20 tuổi, người Peru, phát biểu: “Thật là tuyệt vời. Lớn hơn và tốt hơn hội vui chơi (carnival) nhiều. Lễ hội này còn có một mục đích thực sự”.


Mùi vị chính trị


Theo Guardian, trong tuần lễ ở đây, Đức Phanxicô liên tiếp có giọng nói triệt để về chính trị. Ngài tỏ ý ủng hộ người biểu tình từng tham dự những cuộc xuống đường vĩ đại tại Ba Tây trong tháng Sáu.


Trong đêm Canh Thức, ngài bảo: “Người trẻ ở đường phố là những người muốn trở thành người thực hiện thay đổi. Xin đừng để những người khác trở thành người thay đổi. Cha xin các con trở thành người thay đổi, luôn khắc phục lãnh cảm và đề xuất câu trả lời Kitô Giáo cho các quan tâm xã hội và chính trị đang diễn ra tại những nơi khác nhau trên thế giới”


Vị giáo hoàng 76 tuổi này đã thêm các cuộc thăm viếng một khu ổ chuột, một bệnh xá cải tạo ma túy và một nhà tù vào lịch trình sinh hoạt của mình ở đây để nhấn mạnh niềm tin của ngài rằng người Công Giáo cần vươn tới người nghèo và người kém may mắn sống bên lề xã hội.


Ngài cũng kêu gọi Giáo Hội suy nghĩ lý do tại sao bị mất quá nhiều tín hữu cho chủ nghĩa thế tục và phái Ngũ Tuần trong mấy năm qua.


Phương thức bình dân


So với vị tiền nhiệm, ngài chọn phương thức bình dân, sử dụng một ngôn ngữ đơn giản và hay nhắc tới văn hóa đại chúng.


Là một người mê bóng tròn, ngài nói với cử tọa “Chúa Giêsu đề nghị với ta một điều còn lớn hơn cả Giải Túc Cầu Thế Giới!”


Nhưng ngài không nhượng bộ trong các vấn đề gây tranh cãi đang phân cách Giáo Hội với thế giới hiện đại. Vào Chúa Nhật qua, ngài mời cặp vợ chồng có đứa con gái mắc chứng quái tượng không não (anencephalic) mang em tới để ngài chúc lành, một điều được coi là thách thức lớn đối với nhiều người ở Châu Mỹ La Tinh hiện nay. Mới đây, tại El Salvador, một thiếu phụ đã khẩn khoản xin nhà cầm quyền cho bà được trục thai đứa con bị chứng bệnh này.


CBS News, dựa vào Associated Press, cũng cho rằng 3 triệu người đã hiện diện trong Thánh Lể bế mạc Ngày Giới Trẻ Thế giới 2013, gọi đây là một biến cố có tính lịch sử, vì là một cuộc tham dự lớn nhất đối với một thánh lễ giáo hoàng trong mấy năm gần đây.


Gần suốt 4 cây số bãi biển Copacabana chật ních tín hữu vẫy cờ, một số tắm biển một số tung áo thung, cờ quạt vào chiếc xe hai bên mở toang của Đức Giáo Hoàng. Ngài từ từ đi qua đám đông, thỉnh thoảng dừng lại ôm hôn trẻ thơ, uống trà “mate” của quê nhà do người hành hương mời hoặc lượm đồ tặng bay tới tấp vào xe.


Ngay các nhân viên an ninh của Vatican, xưa nay vốn có bộ mặt khó khăn, cũng mỉm cười khi họ chạy bộ bên cạnh chiếc xe chở ngài, vì vui lây niềm hứng khởi của dân chúng.


Con số rõ ràng đã tràn ngập việc phục vụ tại khu vực này: mùi xú uế của rác rưởi và chất phế thải của người nực cả không khí ẩm ướt của Rio và bãi biển cũng như Đại Lộ Đại Tây Dương lịch thiệp gần đó trông giống như một trại tị nạn nghèo khổ giữa một trong các thành phố đẹp nhất thế giới. Những lối đi bộ xây bằng đá vụn ghép nổi tiếng của Copacabana đầy những tấm giấy bồi, bao nhựa, chai nước rỗng và giấy gói bích quy...


Người hành hương thì ngủ đêm ngay trên bãi biển, mình quấn cờ nằm trong những chiếc túi ngủ để xua đi giá lạnh. Nhiều người nhẩy múa, cầu nguyện và ca hát gần như suốt đêm, dù phải nối đuôi thật dài trước hàng dẫy các phòng tắm lưu động đặt dọc bãi biển. Lucretia Grillera, 18 tuổi quê ở Corboba, Á Căn Đình nói: “Chúng tôi lạnh chết đi được nhưng rất đáng. Quả là mệt nhưng là một kinh nghiệm vĩ đại”.


Các Chứng Nhân Giêhôva cũng lập một gian hàng ở đây để phân phối những ấn phẩm như “Thánh Kinh thực sự dạy điều gì” nhưng ít ai lui tới.


Trong Thánh Lễ này, Krakow cũng đã được Đức Giáo Hoàng chọn làm địa điểm của Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016. Sau Thánh Lễ, ngài gặp các giám mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caríbbê, cũng như nói lời cám ơn tới 60,000 thiện nguyện viên của Đại Hội. Ngài sẽ rời Rio về Rôma đêm Chúa Nhật, giờ địa phương.


Denise da Silva, một người Công Giáo của Rio, cho biết: “quả là một tuần lễ tuyệt vời, mọi người đều lên tinh thần, bạn có thể cảm nhận được một cảm thức thanh bình. Tôi chưa bao giờ được thấy ở đây, ở Rio này, một điều kỳ diệu như chúng ta vừa được sống”.


Theo CBS, cốt lõi sứ điệp của Đức Phanxicô là: người Công Giáo, cả giáo dân lẫn tu sĩ, phải khuấy động hiện trạng, phải ra khỏi các phòng áo lễ ngột ngạt của mình và vươn tay tới các tín hữu đang sống bên lề xã hội hoặc liều mình mất vào tay các Giáo Hội cạnh tranh.


Sứ điệp trên xem ra đem lại hậu quả trông thấy. Larissa Miranda, một sinh viên luật 20 tuổi ở vùng quê tiểu bang Rio de Janeiro, cho biết: “Tôi quen đi Lễ mỗi tuần lễ và mới đây chỉ đi lễ hai tuần một lần. Nhưng biến cố này giúp tôi hiểu ra rằng tôi cần tích cực trở lại và đi nhà thờ mỗi tuần lễ”.


Linh mục Jean-Luc Zadroga, một đan sĩ Biển Đức hướng dẫn nhóm 14 sinh viên của đại học Công Giáo Latrobe ở Pensylvania, nói rằng rõ ràng Đức Phanxicô nối kết được với đám đông, nhất là người địa phương. “Ngài đang thực sự cố gắng để vươn tới những người Công Giáo rời xa Giáo Hội hay thất vọng vì Giáo Hội, và tôi tin cố gắng của ngài sẽ thành công”.


FoxNews cũng dựa vào bản tin của Associated Press mà cho rằng số người tham dự Thánh Lễ Bế mạc là 3 triệu người. Trong thánh lễ này, ngài nhấn mạnh rằng cách tốt nhất để phúc âm hóa người trẻ là một người trẻ khác.


Lý do lìa xa


Trước đó, vào hôm thứ Bẩy, ngài thẳng thừng giải thích các lý do của nạn rời bỏ Giáo Hội tại Ba Tây. “Có lẽ Giáo Hội tỏ ra quá yếu ớt, có lẽ quá xa cách với nhu cầu của họ, có lẽ quá nghèo nàn trong việc đáp ứng các quan tâm của họ, có lẽ quá lạnh lùng, có lẽ quá loay hoay với chính mình, có lẽ là tù nhân cho chính các công thức cứng ngắc của mình... Có lẽ thế giới xem ra đã biến Giáo Hội thành tàn dư của quá khứ, không còn thích hợp với những vấn đề mới mẻ. Có lẽ Giáo Hội chỉ nói được với người ta lúc họ còn thơ chứ không nói được với họ lúc họ đã lớn khôn”.


Trong bài nói chuyện với các giám mục, ngài tấn công phương thức quá nặng về trí thức, cho rằng người Công Giáo tầm thường không hiểu các ý tưởng cao siêu, họ cần được nghe các sứ điệp đơn giản hơn về tình yêu, tha thứ và thương xót vốn là cốt lõi đức tin Công Giáo. “Đôi khi ta mất dân vì họ không hiểu điều ta nói, vì ta quên khuấy ngôn từ đơn sơ để nhập cảng một thứ thuyết duy trí (intellectualism) xa lạ với dân ta”.


Từ giã Rio


David Agren của USA TODAY cho biết Đức Phanxicô đã chào tạm biệt Ba Tây vào tối Chúa Nhật, kết thúc chuyến đi ngoại quốc đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài, bằng lời hiệu triệu giới trẻ xây dựng một thế giới tốt hơn và vun đắp “nền văn minh tình yêu”.


Ngài tuyên bố trước khi lên máy bay: “Cha biết chắc: tất cả chúng con sẽ rời khỏi đây như những nhà truyền giáo. Bằng đời sống, chúng con hãy chứng tỏ rằng hiến thời giờ và tài năng để đạt được các lý tưởng cao vời là điều rất đáng làm”.


Trong cuộc tông du gần một tuần tại Ba Tây, Đức Phanxicô đã đặt để được các ưu tiên của ngài: tỏ tình liên đới với người nghèo, giúp các linh mục ra khỏi nhà xứ để gần dân hơn, và tái phúc âm hóa những vùng nơi nhiều người Công Giáo xa lìa Giáo Hội.


Trước đó, ngài nói chuyện với các thiện nguyện viên, phần lớn còn trẻ. Ngài đề cập tới các giá trị truyền thống và thách thức họ phải “làm cách mạng”, “lội ngược dòng” và “nổi loạn chống lại nền văn hóa tỉnh lẻ hiện nay”.


Trong thánh lễ bế mạc, ngài nhấn mạnh đến sứ mệnh truyền giáo “Tin Mừng dành cho mọi người, không phải chỉ cho một số người. Đừng sợ phải ra đi, đem Chúa Kitô vào mọi lãnh vực của cuộc sống, đến bên lề xã hội, ngay cả những ai xa xăm nhất”.


Thánh lễ này cử hành trong điệu nhạc nhanh và sống động kiểu nhạc jazz, một lối nhạc được người Công Giáo Ba Tây ưa chuộng hiện nay, rõ ràng là để phản công lại ảnh hưởng của các nhóm tin lành.


Người ta tự hỏi liệu cuộc tông du của Đức Phanxicô có đem được người Công Giáo bỏ đạo trở về lòng Giáo Hội hay không. Andrew Chesnut, giáo sư tôn giáo học tại Đại Học Commonwealth tại Virginia cho hay: Ngày Giới Trẻ Thế Giới là một “thành công rực rỡ liên quan đến việc lên năng lực cho giới trẻ tham dự. Hiện còn quá sớm để nói chắc, nhưng đây quả là một khởi đầu tuyệt diệu trong việc lên năng lực cho tuổi trẻ Công Giáo để họ truyền giáo. Về lâu về dài, chỉ có thống kê mới cho biết việc này có thành công hay không”.


Phần Đức Phanxicô, ngài được tiếp đón như một ngôi sao nhạc rock tại Ba Tây, đáng lưu ý nhất là lúc người trẻ vây kín đoàn xe của ngài khi nó tiến từ phi trường vào thành phố vào hôm thứ Hai.


YahooNews, trích AFP, cho hay trước khi lên máy bay trở lại Rôma sau cuộc tông du rất thành công của ngài, Đức Phanxicô tuyên bố: “Tôi ra đi với nhiều kỷ niệm vui tươi mà tôi biết sẽ nuôi dưỡng kinh nguyện của tôi. Tôi đã bắt đầu thấy nhớ Ba Tây rồi, dân tộc vĩ đại này đã minh chứng thật nhiều âu yếm và tình bạn”.


Cũng trong bài diễn văn này, Đức Giáo Hoàng thổ lộ rằng khi viếng Đền Thánh Đức Mẹ tại Aparecida, ngài đã “khẩn cầu Đức Maria tăng cường anh chị em trong đức tin Kitô Giáo, vốn tạo nên một phần linh hồn cao thượng của Ba Tây”. 


Vũ Văn An
(VietCatholic News) 

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #44

Bãi biển Copacabana được gọi là Popeacabana với 3 triệu người dự Lễ


Đức Thánh Cha Phanxicô đã thu hút một đám đông trên 3 triệu người vẫy cờ, vẫy tràng hạt trên bãi biển.

4 km (2,5 dặm) cát trắng cuả bãi Copacabana tràn ngập tín hữu. Đây là đám đông lớn nhất chưa từng thấy - lớn gấp ba lần số người tham dự buổi trình diễn của ban nhạc Rolling Stones năm 2006.

Thời tiết sau cùng đã hợp tác với ban tổ chức, nhiệt độ tuy vẫn lạnh nhưng khô sau nhiều ngày mưa.

Dựa vào thông tin cuả ban tổ chức Ngày Giới trẻ và cuả chính quyền địa phương thì sự ước tính là có đến hai phần ba số người đến từ bên ngoài Rio. Con số này cao hơn Ngày Giới trẻ Thế giới tại Madrid năm 2011 (1 triệu) và Toronto năm 2002 ( 850.000)

Đây là thánh lễ đông thứ nhì trong lịch sử. Thánh Lễ cuả Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Manila, thủ đô của Philippines năm 1995, là lớn nhất, khoảng 5 triệu người. Hạng thứ ba là ở Rome, Ngày Giới trẻ Thế giới Năm Thánh 2000, với 2 triệu người, và đồng hạng Ba là thánh lễ năm 1979 ở Krakow, Ba Lan quê hương của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong chuyến về thăm quê hương đầu tiên của ngài.

Như thể tưởng nhớ đến Thánh Lễ lịch sử vừa nói, Đức Giáo Hoàng Francis đã công bố hôm Chúa Nhật rằng Ngày Giới trẻ Thế giới tiếp theo sẽ được tổ chức tại Krakow năm 2016.

Đức Giáo Hoàng Francis kết thúc những giờ cuối cùng của chuyến đi quốc tế đầu tiên cuả Ngài với một làn 'sóng thần' mến mộ: Vào lúc chiếc xe của ngài đi tới khán đài sau một quãng đường dài đi giữa công chúng, chiếc ghế sau đã chất đống với đủ thứ nào là áo thể thao, cờ và hoa, do các người hâm mộ ném tới.

Ngay cả những nhân viên bảo vệ với bộ mặt nghiêm khắc lạnh như tiền cũng phải mỉm cười trước những nhiệt tình của đám đông.

"Tôi đang run lên đây này!" cô Fiorella Dias hổn hển noí, cô gái Brazil 16 tuổi này vừa nhảy nhót vừa quay video về phiá Đức Giáo Hoàng. "Tôi phải gọi cho mẹ của tôi ngay!"


Từ khán đài trắng tinh, nhìn xuống đám đông vỉ đại, Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi người Công Giáo trẻ hãy đi ra ngoài lan truyền đức tin của mình ''đến tận lề xã hội, kể cả những người lánh xa nhất, vô tình nhất.''

'' Hội Thánh cần bạn, sự nhiệt tình của bạn, sự sáng tạo của bạn và niềm vui là đặc trưng của bạn!'' Ngài nói trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt.

Nhiều người trẻ đã ở qua đêm trên bãi biển, thức suốt đêm để liên hoan, trùm mình trong những lá cờ và túi ngủ để tránh cái lạnh. Họ đã nhảy múa, cầu nguyện và hát hò - và đứng chờ đợi trong những hàng dài trước các phòng vệ sinh di động được đặt dọc theo bãi biển.

''Chúng tôi gần chết vì lạnh nhưng vẫn là đáng lắm,'' cô Lucrecia Grillera nói như thế, một cô gái 18 tuổi đến từ Cordoba, Argentina, nơi Đức Thánh Cha Francis đã sống hồi trước. '' Tuy là một ngày mệt mỏi, nhưng thất là một kinh nghiệm tuyệt vời.''

4 vị tổng thống cuả Brazil, Argentina, Bolivia và Suriname có mặt trong Thánh Lễ, và hai vị phó tổng thống cuả Uruguay và Panama.

Một vinh dự đặc biệt được dành cho hai nhân vật mà Đức Thánh Cha Francis đã gặp hôm thứ Bảy sau Thánh Lễ tại nhà thờ chính tòa St Sebastian của Rio, đó là hai thường dân đã mang đứa con gái bị bệnh hoại não (anencephaly) đến xin phép lành cuả Ngài. Đức Thánh Cha mời họ dâng lễ vào ngày Chúa Nhật, với một chiếc áo thun có dòng chữ '' Đừng phá thai''.

Đây là một tuyên ngôn mạnh mẽ cuà Đức Thánh Cha đề cao sự sống trong dịp bế mạc Ngày Giới trẻ Thế giới, chính Ngài đã yêu cầu vào phút chót rằng đứa trẻ bị bệnh nhưng cha mẹ đã từ chối phá thai này phải được hiện diện với các đoàn thể dâng lễ, như là một cử chỉ chào đón và bảo vệ một cuộc sống cuả Thiên Chúa.

Hầu hết các em bé sinh ra thiếu một phần não không sống lâu hơn vài phút sau khi sinh ra, một số khác có thể sống nhiều năm. Nhiều người có trường hợp như thế thường chọn biện pháp phá thai.

Theo cha Lombardi, phát ngôn viên cuả Toà Thánh thì "Các bậc cha mẹ không nên bỏ con mình ngay cả khi việc phá thai là hợp pháp."

"Các bậc cha mẹ phải đón chào món quà của sự sống."

Thông điệp trong bài giảng của Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc Ngài trông cậy vào người Công Giáo trẻ, trở thành các môn đệ truyền bá đức tin.

'' Đem theo Tin Mừng là đem theo sức mạnh của Thiên Chúa để nhổ rễ và phá vỡ bạo lực và cái ác, là phá tan và lật đổ những hàng rào và ích kỷ, bất khoan dung và thù hận, để xây dựng một thế giới mới,'' Ngài nói.

Có vẻ thông điệp đã được chấp nhận.

'' Tôi thường đi lễ mỗi tuần một lần, nhưng bây giờ tôi đi lễ hai tuần một lần", lời cô Larissa Miranda, một sinh viên luật 20 tuổi đến từ vùng nông nghiệp cuả tiểu bang Rio de Janeiro. '' Tuy nhiên, biến cố này đã làm cho tôi nhận ra rằng tôi cần phải hoạt động trở lại và sẽ trở lại nhà thờ mỗi tuần''.

Linh mục Jean-Luc Zadroga, một tu sĩ Biển Đức dẫn đầu một nhóm 14 sinh viên Mỹ cuả đại học Công Giáo Latrobe, Pennsylvania, nhận thấy Đức Thánh Cha Francis đã kết nối với đám đông một cách rõ ràng, đặc biệt là với người dân địa phương.

'' Ngài thực sự đã cố gắng tiếp cận với những người Công Giáo đã bỏ đạo hay thất vọng với Giáo Hội và tôi nghĩ rằng ngài đã thành công''.

Trần Mạnh Trác
(VietCatholic News) 

ĐỨC GIÁO HOÀNG TỪ RIO DE JANEIRO VỀ ĐẾN VATICAN BÌNH AN

Đức Thánh Cha về đến Vatican bình an
viếng Đền Thờ Đức Bà Cả để tạ ơn

Lúc 11h30 sáng thứ Hai theo giờ Rôma, máy bay chở Đức Thánh Cha đã đáp xuống phi trường quân sự Ciampino. Chuyến bay dài 12 tiếng từ Rio de Janeiro đã kết thúc chuyến tông du đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô với những thành công vang dội.

Trên đường về Vatican, Đức Thánh Cha đã dừng lại tại Đền Thờ Đức Bà Cả để tạ ơn.

Nhìn thấy Đức Giáo Hoàng khi ngài bước vào Nhà thờ, một nhóm thanh niên tiến lại gần và đưa cho ngài một chiếc áo cầu thủ và một quả bóng. Đức Thánh Cha đã dâng quả bóng và chiếc áo cho Đức Mẹ


 Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #43

VIDEO WYD 2013
KẾT THÚC NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 28
ĐỨC GIÁO HOÀNG RỜI RIO DE JANEIRO

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #42

VIDEO WYD 2013
ĐỨC GIÁO HOÀNG GẶP GỠ CÁC TÌNH NGUYỆN VIÊN

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #41

Ngày hành hương đi bộ 9,5 km của Giới Trẻ Thế Giới 2013 tại Rio

Rio –Thứ bẩy, 27.7.2013 - Theo truyền thống của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới thì ngày thứ bẩy là cuộc đi bộ hành hương. Nhiều bạn trẻ đã thất vọng vì không có cuộc hành hương đi về Cánh Đồng Đức Tin nằm ở Guaratiba, cách Rio khoảng 70 km về phía Tây để làm đêm canh thức, vì vài ngày qua mưa nhiều quá làm cho cánh đồng lầy lội và ẩm ướt, nếu ngủ qua đêm sẽ có thể bị cảm lạnh. Ban Tổ Chức có sự đồng ý của ĐGH đã quyết định làm giờ cầu nguyện canh thức vào tối thứ bẩy ngay trên bãi biển Copacabana. Như thế một kế hoạch B dựbị đi bộ được xuất phát từ trung tâm của Rio, khởi đầu bằng việc phát thùng thức ăn (tiếng Bồ: Kit Vigília) gần trạm xe điện Gloria, nơi công viên của Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật.

Đêm canh thức tại bãi biển Copacabana không biết bao nhiêu người dồn về, khởi đầu dự định 1,5 triệu đến 2 triệu người tham dự, nhưng báo chí Ba Tây vừa đưa tin con số đã lên đến 3 triệu. Toàn bãi biển tràn ngập dòng thác người trẻ hành hương, từ trên cao nhìn xuống trông họ như một đàn kiến khổng lồ.

Sáng thứ bẩy mưa nhiều, có cả trận mưa rào, cho đến giữa trưa thì trời sáng sủa lên và kéo dài đến đêm trời vẫn còn tốt đẹp. Nhiều bản trẻ phải chờ đợi cả 2 tiếng đồng hồ giữa cơn mưa để nhận phần ăn. Chúa ơi, thùng đồ ăn nặng đến 3 kg, khi nhận xong là phải mang theo trên con đường hành hương dài đến 9,5 cây số. Trong thùng chứa 4 bữa ăn cho cuối tuần này: ăn trưa và tối thứ bẩy, ăn sáng và trưa Chúa Nhật. Tại đây nhộn nhịp nhận thức ăn, cứ liên tục cho kẻ vào người ra. Tiếp theo là điểm phát xuất đi bộ ngay tại nơi này, trên các trục chính của thành phố tiến về địa danh Flamengo để đến bã biển Copacabana. Quân đội Ba Tây gồm 3.300 binh sĩ đóng chốt tại các trục chính để giữ an toàn cho đoàn hành hương khổng lồ, không phải vài ngàn, vài chục ngàn, nhưng là hàng trăm ngàn bạn trẻ tuôn đổ ra ngoài đưởng đi bộ.

Những hình ảnh sống động hiếm có được ở thành phố Rio, đoàn hành hương nối dài bất tận, vừ đi vừa hát hoặc reo hò, có đoàn đoàn kinh lần chuỗi mân côi, mỗi người mỗi vẻ. Ai cũng mang trên vai những thứ cần thiết cho việc nghỉ đêm ở bãi biển, mặc dù ban tổ chức đã thông báo không có đầy đủ các nhà vệ sinh và nước dùng nên khuyên mọi người hãy trở về nơi cư trú sau giờ canh thức.

Hình như ngủ đêm ngoài cánh đồng là một việc các bạn trẻ thích nhất trong dịp ĐHGT Thế Giới, lần này lại được ngủ ngay tại nơi bãi biển nổi tiếng thế giới thì họ sẵn sàng chấp nhận thiếu thốn đủ bề. Thành phố Rio chẳng còn cách nào khác để giải quyết sự việc tốt hơn cho hàng triệu người trẻ nên đã cho phép những người tham gia ĐHGTTG ngủ trên bãi biển. Tại thời điểm buổi chiều muốn đi vệ sinh đã cần chờ hơn 1 tiếng rồi, cho dù ban tổ chức đã điều động thêm hàng trăm nhà vệ sinh hóa học.

Một ngày hành hương thú vị, hình như sức mạnh thể xác và cả đức tin của từng người lan tỏa cho nhau nên có thể làm cho mọi người không biết mệt và cùng nhau hăng hái tiến bước. Những nhóm khỏe mạnh đi nhanh đến được đích sớm vào khoảng 4 giờ chiều, còn những đoàn khác trễ hơn 1 tiếng. Bãi biển lúc này chẳng còn chỗ chen chân nên hàng ngàn người khác phải lấy chỗ lan lên cả mặt đường, kéo dài cả cây số.

Thị trưởng thành phố Rio, ông Eduardo Paes nhìn thấy các bạn trẻ thế giới về Rio dự đại hội đã bầy tỏ: "Chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là một vinh dự và một niềm vui" vì thế hội đồng thành phố chấp nhận kế hoạch B để chặn lại các con đường cho đoàn hành hương đi, tuy nhiên ông cũng bảo đảm: "Chúng tôi sẽ không tạo ra một vấn đề cho thành phố."

Thánh lễ bế mạc vào Chúa Nhật vào lúc 10g sẽ có với sự hiện diện của Nữ Tổng thống Dilma Rousseff và đồng thời cũng là Chủ tịch châu Mỹ Latinh.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
(VietCatholic News)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #40

VIDEO WYD 2013
Đêm Canh Thức WYD Rio De Janeiro 2013 


Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta vừa nhắc lại câu chuyện của Thánh Phanxicô thành Assisi. Trước cây thánh giá, ngài nghe tiếng Chúa Giêsu gọi: "Phan xi cô, con hãy đi xây dựng lại ngôi nhà của ta". Anh bạn trẻ Phan xi cô lúc ấy đã mau mắn và hào phóng đáp lại tiếng gọi của Chúa để xây dựng lại ngôi nhà của Người. Nhưng mà ngôi nhà nào? Chậm nhưng chắc chắn, Phan xi cô đã nhận ra rằng đó không phải là chuyện sửa chữa một ngôi nhà bằng đá, mà là việc phải đóng góp phần mình vào đời sống của Giáo Hội. Đó là tham gia vào việc phục vụ Giáo Hội, yêu mến Giáo Hội và làm sao để dung nhan của Chúa Kitô tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết trong Giáo Hội.

Cả hôm nay, hỡi các bạn trẻ, Chúa cũng cần đến các con cho Giáo Hội của Người. Ngày nay cũng vậy, Người đang kêu gọi mỗi người trong các con hãy theo Ngài trong Giáo Hội của Người và trở thành những nhà truyền giáo. Bằng cách nào? Theo nghĩa nào? Bắt đầu với tên của địa điểm mà chúng ta đang có mặt, Campus Fidei, cánh đồng của đức tin, Cha đã nghĩ về ba hình ảnh có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn “môn đệ” và “nhà truyền giáo” có nghiã là gì. Trước hết, cánh đồng là nơi để gieo hạt giống, thứ hai, cánh đồng là một thao trường, và thứ ba, cánh đồng là một công trường xây dựng.

1. Cánh đồng là nơi để gieo hạt giống. Chúng ta đều biết dụ ngôn Chúa Giêsu nói về một người gieo giống ngoài cánh đồng Có những hạt giống rơi trên đường đi, một số rơi trên đá sỏi, một số rơi vào bụi gai, và không thể mọc được. Những hạt giống khác rơi vào đất tốt và trổ sinh nhiều hoa trái (x. Mt13 :1-9). Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ ngôn như sau: hạt giống là Lời Chúa gieo vào lòng ta (x. Mt13 :18-23). Các con thân mến, như thế, cánh đồng đức tin thực sự chính là trái tim của các con, là cuộc đời các con. Chúa Giêsu muốn bước vào đời các con với Lời Ngài, với sự hiện diện của Ngài. Xin hay để cho Chúa Kitô bước vào đời các con để lời Ngài đi vào cuộc sống các con, thăng hoa và triển nở. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng các hạt giống rơi trên đường đi, trên sỏi đá hoặc bụi gai sẽ không trổ sinh hoa trái. Câu hỏi đặt ra là chúng ta là loại mặt đất nào? Chúng ta muốn là loại điạ thế nào? Có lẽ đôi khi chúng ta giống như đường đi: chúng ta nghe lời Chúa nhưng lời Ngài chẳng thay đổi được bao nhiêu trong đời sống ta bởi vì chúng ta cứ để chính mình bị tê liệt bởi những tiếng nói hời hợt giành lấy sự chú ý của ta, hoặc chúng ta giống như mặt đá sỏi: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu với nhiệt tình, nhưng rồi chúng ta lại ngập ngừng, và khi đối mặt với gian truân, chúng ta không có can đảm để lội ngược dòng, hoặc chúng ta giống như mặt đất gai góc: thái độ bi quan, những cảm xúc tiêu cực đã bóp nghẹt lời Chúa trong ta (x. Mt 13:18-22) .

Nhưng hôm nay cha chắc chắn rằng hạt giống đang rơi xuống mảnh đất tốt, và cha tin các con muốn là loại đất tốt, không phải loại Kitô hữu nửa mùa, "nhạt nhách" và hời hợt, mà là Kitô hữu thật sự. Cha chắc chắn rằng các con không muốn bị lừa bởi một thứ tự do giả tạo, luôn thần phục và đáp lại lời mời gọi của thời trang và những ý thích bồng bột nhất thời. Cha biết rằng các con đang đặt kỳ vọng vào những quyết định lâu bền có thể làm cho đời các con có ý nghĩa. Chúa Giêsu có khả năng giúp các con làm điều này: Ngài là "đường, là sự thật và là sự sống" (Ga 14,6). Chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Chúng ta hãy đặt Ngài làm người dẫn đường cho chúng ta!

2. Cánh đồng là một thao trường. Chúa Giêsu đòi chúng ta đi theo Ngài suốt đời mình, Ngài đòi hỏi chúng ta là môn đệ của Ngài, để "chơi trong đội ngũ của Ngài ". Cha nghĩ rằng hầu hết các con đều yêu thích thể thao! Ở Brazil này, cũng như ở các nước khác, túc cầu là một niềm đam mê của cả nước. Thế thì, các cầu thủ sẽ làm gì khi họ được yêu cầu tham gia vào đội bóng? Họ phải tập luyện và tập luyện rất nhiều! Đời sống của chúng ta trong tư cách là những môn đệ của Chúa cũng phải như thế. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta: "các vận động viên tự mình từ bỏ đủ thứ; họ làm điều này để giành lấy một vương miện bằng lá chóng tàn, nhưng chúng ta được một vương miện bất diệt" (1 Cor 9:25).

Chúa Giêsu ban cho chúng ta một cái gì đó còn lớn lao hơn World Cup! Ngài cho chúng ta khả năng có được một cuộc sống tràn đầy và sinh nhiều hoa trái, Ngài cũng cho chúng ta một tương lai bên Ngài, một tương lai bất tận, là cuộc sống đời đời. Nhưng Ngài yêu cầu chúng ta phải tập luyện"để lấy lại vóc dáng", để chúng ta có thể đối mặt với mọi tình huống trong cuộc sống mà không hề thối chí, nhưng hiên ngang làm nhân chứng cho đức tin của mình. Làm thế nào để chúng ta lấy lại vóc dáng? Thưa là bằng cách trò chuyện với Ngài: bằng lời cầu nguyện là đối thoại hàng ngày của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng luôn luôn lắng nghe chúng ta. Bằng các phép bí tích, là cách làm cho Ngài phát triển trong chúng ta và uốn nắn chúng ta cho phù hợp với Chúa Kitô. Bằng cách yêu thương nhau, học cách lắng nghe, để hiểu, để tha thứ, để chấp nhận và giúp đỡ người khác, tất cả mọi người, không một ai bị loại trừ hoặc tẩy chay.

Các bạn trẻ thân mến, hãy là những "vận động viên thật sự của Chúa Kitô"

3. Cánh đồng là một công trường xây dựng. Khi trái tim chúng ta là mảnh đất tốt để lãnh nhận Lời Chúa, khi "chúng ta đổ mồ hôi", cố gắng sống đời Kitô hữu, chúng ta trải nghiệm một cái gì đó thật to lớn: chúng ta không bao giờ cô độc, chúng ta là một phần của một gia đình có anh có chị có em, tất cả cùng đồng hành trên cùng một con đường: chúng ta là một phần của Giáo Hội; Quả thực, chúng ta đang xây dựng Giáo Hội và chúng ta đang làm nên lịch sử. Thánh Phêrô đã nói với chúng ta rằng chúng ta là những viên đá sống động, tạo thành một công trình thiêng liêng (x. 1 Pr 2:5).

Khi nhìn lên sân khấu này, chúng ta thấy nó mang hình dạng của một đền thờ, được xây dựng bằng đá và gạch. Trong Đền thờ của Chúa Giêsu, chính chúng ta là những viên đá sống động. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta xây dựng Đền thờ của Ngài, nhưng không chỉ là một ngôi nhà nguyện nhỏ nhoi nơi chỉ có một nhúm người. Ngài đòi hỏi chúng ta làm cho Giáo Hội sống động của Ngài trở thành to lớn đến độ nó có thể chứa đựng tất cả nhân loại, nơi có thể thành một ngôi nhà cho tất cả mọi người! Ngài đã nói với cha, và với các con: "Hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành các môn đệ ". Đêm nay, chúng ta hãy trả lời Ngài: Vâng, con cũng muốn trở thành một hòn đá sống chúng ta hãy cùng nhau xây dựng Giáo Hội của Chúa Giêsu! Tất cả chúng ta hãy cùng nói với nhau: tôi muốn ra đi và xây dựng Giáo Hội Chúa Kitô!

Trong trái tim trẻ tuổi của các con có khát vọng muốn xây dựng một thế giới tốt hơn. Cha đã theo dõi chặt chẽ những tin tức của những bạn trẻ từ khắp thế giới đã xuống đường nhằm bày tỏ ước muốn của họ cho một xã hội công bằng và huynh đệ hơn. Nhưng câu hỏi vẫn còn tồn đọng: chúng ta bắt đầu từ nơi nào? Các tiêu chí để xây dựng một xã hội công bằng hơn là những gì? Mẹ Têrêsa thành Calcutta trước đây đã từng bị đặt câu hỏi là Giáo Hội cần thay đổi những gì. Câu trả lời của Mẹ là: bạn và tôi!

Các con thân mến, đừng bao giờ quên rằng các con cũng là cánh đồng của đức tin! Các con là vận động viên của Chúa Kitô! Các con được mời gọi để xây dựng một Giáo Hội mỹ miều hơn và một thế giới tốt hơn. Chúng ta hãy ngước lên Đức Mẹ. Mẹ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu, Mẹ cho chúng ta mẫu gương qua lời "xin vâng" với Thiên Chúa: "Vâng tôi là tôi tớ Chúa, xin cứ làm cho tôi như lời Sứ Thần nói" (Lc 1:38). Tất cả chúng ta hay cùng nhau hợp ý với Mẹ Maria thưa với Thiên Chúa: Xin thực hiện cho con như lời Ngài nói. Amen!

(VietCatholic Network)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #39

VIDEO WYD 2013
ĐỨC GIÁO HOÀNG CỬ HÀNH THÁNH LỄ
VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ VÀ CHỦNG SINH
TẠI NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013


Bài giảng của Đức Thánh Cha tại Nhà thờ Chánh Tòa Thánh Sebastian 
sáng thứ Bẩy 27/07/2013

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Khi nhìn thấy Vương Cung Thánh Đường này đầy các Giám mục, linh mục, chủng sinh, và tu sĩ nam nữ từ khắp thế giới, tôi nghĩ đến những lời của tác giả Thánh Vịnh 66 trong Thánh Lễ hôm nay: "Lạy Chúa, hãy để muôn dân tán tụng Chúa". Quả thực, chúng tôi có mặt ở đây để ca ngợi Chúa, và tán tụng Ngài trong khi tái khẳng định ước muốn của chúng ta được là những khí cụ sao cho không chỉ có một số người ca khen Thiên Chúa mà thôi, nhưng là tất cả muôn dân. Với cùng một cung điệu mạnh mẽ của Phaolô và Barnabas, chúng ta loan báo Tin Mừng cho những người trẻ, để họ có thể gặp gỡ Chúa Kitô, là ánh sáng soi đường ta bước, và xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Tôi muốn trình bày với anh chị em về ba khía cạnh của ơn gọi của chúng ta: chúng ta được Thiên Chúa gọi, để rao giảng Tin Mừng, và để thúc đẩy nền văn hóa của gặp gỡ.

1. Khiá cạnh thứ nhất ơn Chúa gọi – Thật quan trọng để khơi lại nhận thức về ơn Chúa gọi của chúng ta, mà thường khi chúng ta không chú ý đến giữa muôn vàn những trách nhiệm hàng ngày của mình. Chúng ta phải nhớ điều Chúa Giêsu đã nói, "Anh em đã không chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn anh em" (Ga 15: 16). Điều này có nghĩa là trở về nguồn gốc ơn gọi của chúng ta. Ở buổi đầu hành trình ơn gọi của chúng ta, có một sự lựa chọn của Thiên Chúa. Chúng ta đã được Thiên Chúa kêu gọi, với lời mời gọi hãy sống gần gũi với Chúa Giêsu (x. Mc 3:14), hiệp nhất với Ngài sâu sắc đến mức chúng ta có thể nói như Thánh Phaolô: "Không còn là tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi "(Gl 2,20). Thuật ngữ “sống trong Chúa Kitô”, chính là những gì có thể bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động tông đồ của chúng ta, nghĩa là chắc chắn rằng sứ vụ của chúng ta có kết quả "Ta cắt cử anh em, để anh em ra đi và sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại" (Ga 15:16). Không phải những sáng tạo mục vụ, hoặc các cuộc họp hay các kế hoạch có thể đảm bảo hoa trái của chúng ta, nhưng chính sự trung thành của chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đã lặp đi lặp lại: "Hãy ở lại trong ta và ta cư ngụ trong anh em" (Ga 15:4). Và chúng ta biết rõ điều đó có nghĩa là: chiêm ngắm Người, thờ lạy Người, để ôm lấy Người, đặc biệt là qua sự trung tín của chúng ta trong đời sống cầu nguyện, và trong cuộc gặp gỡ hàng ngày của chúng ta với Người, Đấng hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể và trong những người túng quẫn nhất. "Sống với" Chúa Kitô không có nghĩa là tách chúng ta ra khỏi những người khác. Thay vào đó, chính là "với Ngài" để đi ra và gặp những người khác. Điều này gợi nhớ đến những lời của Chân Phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta: "Chúng ta phải rất tự hào về ơn gọi của chúng ta vì nó mang đến cho chúng ta cơ hội để phục vụ Chúa Kitô nơi những người nghèo. Đó là trong những khu ổ chuột, trong những xóm nghèo, trong các chòi tranh rách nát, mà ta phải tìm kiếm và phục vụ Chúa Kitô. Chúng ta phải đến với họ như là các linh mục giới thiệu Ngài tại bàn thờ với niềm vui " Chúa Giêsu, là Chúa Chiên Lành, là kho báu đích thực của chúng ta. Chúng ta hãy kết hiệp tâm hồn ta với Ngài mật thiết hơn bao giờ hết (x. Lc 12:34).

2. Khiá cạnh thứ hai được kêu gọi để rao giảng Tin Mừng – Anh em Giám mục và linh mục thân mến, nhiều người trong anh em, nếu không phải là tất cả, đã hướng dẫn những người trẻ đến với Ngày Giới trẻ Thế giới. Các bạn trẻ này cũng đã nghe về lệnh truyền của Chúa Giêsu: "Hãy đi và làm cho muôn dân trở nên các môn đệ" (x. Mt 28:19). Trách nhiệm của chúng ta là hãy đốt lên trong trái tim họ mong muốn trở thành môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu. Chắc chắn, lời mời này có thể gây ra ít nhiều cảm giác lo sợ, khi nghĩ rằng là nhà truyền giáo đòi hỏi phải rời khỏi quê hương bản quán của họ, gia đình và bạn bè. Tôi nhớ những giấc mơ tôi đã ôm ấp khi còn nhỏ: đó là trở thành một nhà truyền giáo tại Nhật Bản xa xôi. Tuy nhiên, Chúa lại chỉ cho tôi thấy rằng lãnh thổ truyền giáo của tôi thực ra gần gũi hơn: đó là đất nước của chính mình. Chúng ta hãy giúp các bạn trẻ nhận ra rằng ơn gọi tông đồ truyền giáo bắt nguồn từ phép rửa của chúng ta và là một phần thiết yếu trong ý nghĩa của việc là “Kitô hữu”. Chúng ta cũng phải giúp họ nhận ra rằng chúng ta được kêu gọi để truyền giáo bắt đầu từ chính gia đình chúng ta và những nơi chúng ta học tập và làm việc, để rao giảng Tin Mừng cho gia đình và bạn bè của chúng ta.

Chúng ta chớ bỏ qua một nỗ lực nào trong sự hình thành những người trẻ của chúng ta! Thánh Phaolô sử dụng một cách nói rất đẹp mà ngài đã thể hiện ra trong cuộc sống của mình, khi đề cập đến các cộng đồng Kitô hữu: "Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, là những người mà tôi phải quặn đau sanh thêm một lần nữa cho đến khi Chúa Kitô được hình thành trong anh em" (Gal 4:19). Chúng ta hãy thể hiện điều này chính trong sứ vụ của chúng ta! Chúng ta hãy giúp các bạn trẻ của chúng ta khám phá sự can đảm và niềm vui của đức tin, niềm vui được ưu ái bởi Thiên Chúa, Đấng đã ban Đức Giêsu, Con của Ngài làm giá cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy đào tạo họ trong sứ vụ truyền giáo, bằng cách sai họ bước ra và bước tới. Chúa Giêsu đã làm điều này với các môn đệ của Ngài: Người đã không giữ các tông đồ dưới cánh của mình như gà mẹ giữ chặt con dưới cánh. Ngài sai họ ra! Chúng ta không thể giữ cho mình bị đóng kín trong các giáo xứ, trong các cộng đoàn của chúng ta, khi rất nhiều người đang mong chờ Tin Mừng! Không chỉ đơn giản là mở cửa ra chào đón, nhưng chúng ta phải vượt ra khỏi những cánh cửa đó để tìm kiếm và gặp gỡ người dân! Chúng ta hãy can đảm nhìn vào nhu cầu mục vụ, bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến bàn tiệc Chúa.

3.Khiá cạnh thứ hai được kêu gọi để thúc đẩy nền văn hóa gặp gỡ - Thật không may, ở nhiều nơi, nền văn hóa của sự loại trừ, từ chối, đang lan rộng. Không có chỗ cho người già hoặc cho những đứa trẻ không được mong muốn, không có thời gian cho người nghèo trên các vĩa hè đường phố. Đôi khi, đối với một số người, có vẻ như quan hệ con người được quy định bởi hai "giáo điều" hiện đại: tính hiệu quả và chủ nghĩa thực dụng.

Anh em Giám Mục thân mến, các linh mục, tu sĩ và các chủng sinh đang chuẩn bị cho thừa tác vụ: hãy có can đảm để lội ngược dòng. Đừng từ chối hồng ân này của Thiên Chúa là trở nên một gia đình các con cái của Ngài. Những gì làm cho xã hội chúng ta thực sự nhân bản là gặp gỡ, chào đón tất cả mọi người, liên đới và huynh đệ với nhau.

Hãy là những đầy tớ của sự hiệp thông và của nền văn hóa gặp gỡ! Cho phép tôi nói rằng chúng ta phải gần như bị ám ảnh về vấn đề này. Chúng ta không muốn trở thành kẻ tự phụ, luôn áp đặt "chân lý của chúng ta". Phải để cho sự xác tín nhưng khiêm tốn và hân hoan hướng dẫn chúng ta những người đã được tìm thấy, đã được Chân Lý là Đức Kitô đoái thương và biến đổi, như đã từng được loan báo (x. Lc 24:13-35).

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta được mời Chúa gọi để loan báo Phúc Âm và để quảng bá với lòng can đảm cho nền văn hoá gặp gỡ . Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu cho chúng ta noi theo. Cuộc đời Mẹ luôn là "Mẫu gương của tình mẫu tử mà những ai dự phần vào sứ vụ tông đồ của Giáo Hội trong việc tái tạo một nhân loại mới luôn vui mừng”

(VietCatholic Network)

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #38

VIDEO WYD 2013
ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ TRỌNG THỂ TẠI BÃI BIỂN COPACABANA


Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C 28-7-2013

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XVII thường niên năm C 28-7-2013.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #37

VIDEO trực tiếp WYD 2013
ĐỨC GIÁO HOÀNG DỰ BUỔI ĐỌC KINH TỐI VỚI GIỚI TRẺ

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM C (Lc 11, 1-13)


NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #36

VIDEO trực tiếp WYD 2013
ĐỨC GIÁO HOÀNG HỘI ĐÀM VỚI CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO BRASIL

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #35

VIDEO trực tiếp WYD 2013
ĐỨC GIÁO HOÀNG CỬ HÀNH THÁNH LỄ
VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, TU SĨ VÀ CHỦNG SINH

NGÀY GIỚI TRẺ THẾ GIỚI 2013 - WYD 2013 #34

Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô 
trong buổi đi đàng Thánh Giá tại bãi biển Copacabana

Các bạn trẻ thân mến,

Chúng ta đến đây hôm nay để đồng hành với Chúa Giêsu trên hành trình nỗi buồn và tình yêu của Ngài, là đàng Thánh Giá, là một trong những khoảnh khắc nồng nhiệt nhất của Ngày Giới trẻ Thế giới. Vào cuối Năm Thánh Cứu Chuộc, Chân Phước Gioan Phaolô II đã ủy thác cây Thánh Giá cho những người trẻ tuổi các con, yêu cầu các con “mang Thánh Giá này đến mọi miền trên toàn thế giới như một biểu tượng của tình yêu Chúa Kitô đối với nhân loại, và loan báo cho mọi người rằng chỉ trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô chúng ta mới có thể tìm thấy sự cứu rỗi và ơn cứu độ"(Diễn từ dành cho giới trẻ, ngày 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thánh Giá Ngày Giới Trẻ Thế Giới đã chu du khắp các lục địa và trải qua các tình huống đa dạng của nhân loại. Thánh Giá này là, như đã từng là, một kinh nghiệm “choáng ngợp” trong đời đối với cơ man những người trẻ đã nhìn thấy nó và vác nó trên vai. Không ai có thể tiếp cận và chạm vào Thánh Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính họ dưới chân Thánh Giá, và không mang lấy một cái gì đó của Thánh Giá Chúa Giêsu vào cuộc sống riêng của mình. Cha có ba câu hỏi mà cha hy vọng sẽ vang dội trong trái tim các con tối nay khi các con đi bên cạnh Chúa Giêsu: Hỡi các bạn trẻ Brazil thân mến, các con đã để lại những gì trên Thánh Giá trong thời gian hai năm Thánh Giá này đi xuyên suốt qua đất nước vĩ đại của các con? Thánh Giá của Chúa Giêsu để lại cho các con, trong mỗi một người các con những gì ? Cuối cùng, Thánh Giá này này dạy cho chúng ta những gì?

1. Theo một truyền thuyết trong thời La Mã cổ đại, khi đang chạy trốn khỏi thành Rôma trong cuộc đàn áp của Nero, Thánh Phêrô đã thấy Chúa Giêsu đang đi theo hướng ngược lại, có nghĩa là, về phía thành phố. Ngài hỏi Chúa trong sự ngạc nhiên: "Lạy Chúa, Chúa đi đâu đó?" Chúa Giêsu đáp: "Ta sẽ tới Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa." Vào lúc đó, Thánh Phêrô hiểu rằng ông phải theo Chúa với lòng can đảm, cho đến cuối cùng. Tuy nhiên, thánh nhân cũng nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ cô đơn trên cuộc hành trình; Chúa Giêsu, Đấng đã yêu thương ông cho đến chết trên Thánh Giá, sẽ luôn luôn ở bên ông. Chúa Giêsu, với Thánh Giá của Ngài, cùng đi với chúng ta và vác lấy trên vai Ngài những âu lo của chúng ta, những vấn đề của chúng ta, và những đau khổ của chúng ta, ngay cả những khổ đau sâu xa nhất và đau đớn nhất. Với Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp chính Ngài với sự câm nín của các nạn nhân của bạo lực, những người không còn có thể khóc nổi nữa, đặc biệt là những người vô tội và vô phương tự vệ; với Thánh Giá, Chúa kết hiệp chính Ngài với các gia đình gặp khó khăn, những người đang than khóc sự mất mát của con cái mình, những người là nạn nhân của những thiên đường mù quáng, chẳng hạn như những người vướng vào vòng ma tuý. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với mỗi một người đang bị đói trong một thế giới mà hàng tấn lương thực bị đổ đi mỗi ngày. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với những ai bị bách hại vì tôn giáo, vì tín ngưỡng của họ hoặc chỉ đơn giản là vì màu da của họ. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu kết hiệp với rất nhiều người trẻ, những người đã mất niềm tin vào các tổ chức chính trị, bởi vì họ chỉ nhìn thấy nơi các tổ chức này sự ích kỷ và tham nhũng, Ngài kết hiệp chính Ngài với những người trẻ, những người đã mất niềm tin vào Giáo Hội, hay ngay cả mất niềm tin nơi Thiên Chúa vì những dấu chỉ phản chứng của các Kitô hữu và các thừa tác viên Tin Mừng. Thánh Giá của Đức Kitô mang lấy khổ đau và tội lỗi của nhân loại, bao gồm của cả những người chúng ta. Chúa Giêsu chấp nhận tất cả điều này với vòng tay rộng mở, mang trên vai Thánh Giá của chúng ta và nói với chúng ta: "Hãy can đảm! Các con không vác Thánh Giá một mình, Ta mang nó với các con. Ta đã vượt qua cái chết và ta đã đến để ban cho các con hy vọng! để mang đến cho các con cuộc sống "(x.Ga 3:16).

2. Và như thế chúng ta có thể trả lời câu hỏi thứ hai: Thánh Giá mang lại những gì cho những ai dán mắt nhìn vào Thánh Giá này hay chạm vào nó? Những gì Thánh Giá này để lại trong mỗi người chúng ta? Nó cho chúng ta một kho tàng mà không có sự gì khác có thể mang lại: đó là sự chắc chắn về tình yêu không lay chuyển mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu cao vời đến nỗi đã bước xuống vũng lầy tội lỗi của chúng ta và tha thứ, đã đi vào đau khổ của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đã đi vào cõi chết để chiến thắng nó và cứu độ chúng ta. Thánh Giá của Chúa Kitô chứa đựng tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt để tất cả niềm tin của chúng ta với trọn niềm tín thác. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy giao phó hoàn toàn hồn xác ta cho Ngài (x. Lumen Fidei, 16)! Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, chúng ta mới có thể tìm thấy sự cứu rỗi và ơn cứu chuộc. Với Ngài, sự ác, đau khổ, và cái chết không có tiếng nói cuối cùng, bởi vì Ngài ban cho chúng ta hy vọng và cuộc sống: Ngài đã biến Thánh Giá từ một công cụ của sự thù ghét, của thất bại và cái chết thành một dấu chỉ của tình yêu, chiến thắng và cuộc sống.

Tên đầu tiên được đặt cho mảnh đất Brazil này là "Miền Đất Thánh Giá". Thánh Giá của Chúa Kitô được vun trồng năm thế kỷ trước đây không chỉ trên bờ biển của đất nước này, mà còn trong lịch sử, trong trái tim và cuộc sống của người dân Brazil và những nơi khác. Đau khổ Chúa Kitô được cảm thấy sâu sắc ở đây. Ngài luôn hiện diện như một người trong chúng ta chia sẻ cuộc hành trình của chúng ta cho đến tận cùng. Không có Thánh Giá lớn nhỏ nào trong cuộc sống của chúng ta mà Chúa đã không chia sẻ với chúng ta.

3. Nhưng Thánh Giá của Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy để cho mình bị chinh phục bởi tình yêu của Ngài, trong khi dạy chúng ta luôn luôn nhìn vào những người khác với lòng thương xót và sự dịu dàng, đặc biệt là những người đau khổ, những người đang cần sự giúp đỡ, những người cần một lời nói hay một hành động cụ thể đòi hỏi chúng ta phải bước ra ngoài chính mình để gặp gỡ họ và chìa tay ra với họ. Có bao nhiêu người đã xuất hiện trên con đường Chúa Giêsu lên Núi Sọ: Quan tổng trấn Philatô, ông Simon thành Cyrênê, Đức Maria, những người phụ nữ. .. Đôi khi chúng ta có thể giống như Philatô, là người không có can đảm để đi ngược lại lại trào lưu để cứu mạng của Chúa Giêsu, nhưng thay vào đó rửa sạch bàn tay của mình.

Các các con thân mến, Thánh Giá của Chúa Kitô dạy chúng ta hãy nên như ông Simon thành Cyrênê, người đã giúp Chúa Giêsu vác cây gỗ nặng.

Thánh Giá dạy cho chúng ta trở nên giống như Mẹ Maria và những người phụ nữ khác, những người không sợ để đồng hành với Chúa Giêsu đến cùng, với tình yêu và sự dịu dàng. Và các con? Các con giống ai đây? Philatô? hay Simon? Hay như Đức Mẹ?

Các con thân mến, chúng ta hãy đặt nơi Thánh Giá Chúa Kitô những niềm vui, đau khổ và thất bại của chúng ta. Nơi đó, chúng ta sẽ tìm thấy một Trái Tim rộng mở, thông cảm, tha thứ cho chúng ta, yêu thương chúng ta và mời gọi chúng ta mang lấy tình yêu này trong cuộc sống của chúng ta, để yêu mỗi người, mỗi anh chị em mình với cùng một tình yêu. Amen!

J.B. Đặng Minh An dịch
(VietCatholic News)