Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #12

Ngày thứ tư chuyến tông du Hàn Quốc 
của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Chỉ có thể đối thoại nếu chúng ta biết rõ mình là ai”

WHĐ (18.08.2014) – Chúa nhật 17-08, ngày thứ tư trong chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô, có hai sự kiện chính: Đức Thánh Cha gặp các giám mục Á châu tại Đền Haemi lúc 11 giờ và cử hành Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, tại Lâu đài Haemi lúc 16 giờ.

Gặp các giám mục Á châu

Trước hết, Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Độ, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á châu, đã đại diện các giám mục chào mừng Đức Thánh Cha.

Ngài gợi lại: “Lúc này, tâm trí chúng con trở về thời điểm lịch sử 44 năm trước, khi các giám mục Á châu gặp nhau tại Manila nhân cuộc viếng thăm lịch sử của Đức giáo hoàng Phaolô VI đến Philippines vào năm 1970. Đó là lần đầu tiên có đông đảo giám mục châu Á như thế – khoảng 180 vị – gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm và thảo luận về các vấn đề mục vụ mà lục địa rộng lớn và phong phú này đang phải đối mặt. Vui mừng vì kinh nghiệm này, các giám mục đã thành lập Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) và được Đức giáo hoàng Phaolô VI chúc lành. Ngày nay FABC có 19 Hội đồng Giám mục thành viên bao gồm 27 quốc gia, và 9 thành viên liên kết, là các Giáo hội chưa có Hội đồng Giám mục”.

Đức hồng y Gracias cũng phác hoạ hình ảnh Châu Á “là một lục địa đang trải nghiệm những hy vọng và mừng vui của một cuộc tái sinh không ngừng trong Chúa Thánh Thần. Sáu mươi phần trăm dân số thế giới sống ở châu Á. Đây là một lục địa trẻ trung với đa số dân là người trẻ. Vì thế trong nhiều khía cạnh châu Á là chính trung tâm cho tương lai của thế giới và tương lai của Giáo hội. Toàn cầu hóa ảnh hưởng đến châu Á và mang lại những thách thức mới cho Giáo hội: người châu Á mang bản chất tôn giáo, nhưng tinh thần của chủ nghĩa thế tục và duy vật đang len lỏi vào. Mối quan hệ gia đình từng được coi trọng và ăn rễ sâu trong xã hội châu Á đang dần bị xói mòn. Và đang khi tâm hồn Á châu coi sự sống là thánh thiêng, nhưng những mối đe dọa sự sống đang gia tăng và gây xáo trộn bằng nhiều cách. Người châu Á tìm kiếm và ưa thích sống cộng đoàn; nhưng nay thì điều này cũng bị ảnh hưởng bởi một cảm thức mạnh của chủ nghĩa cá nhân”.

Cuối cùng, Đức hồng y Gracias cảm ơn Đức Thánh Cha về chuyến viếng thăm Hàn Quốc: “Đức Thánh Cha đã đem Chúa Giêsu đến cho chúng con qua sứ điệp của Đức Thánh Cha”. Và ngài cam kết: “Chúng con nguyện dấn thân để làm cho Chúa Giêsu và sứ điệp của Người được nhiều người biết đến, hiểu biết, yêu mến và đi theo hơn nữa”.


Trong phần đáp từ, Đức Thánh Cha khai triển đề tài về “đối thoại”.

Ngài bày tỏ hy vọng rằng “các quốc gia mà Toà Thánh chưa có quan hệ đầy đủ sẽ không ngần ngại thúc đẩy một cuộc đối thoại vì lợi ích của tất cả”. Đức Thánh Cha giải thích: “Ở đây tôi không chỉ nói đến đối thoại chính trị, nhưng cả đối thoại huynh đệ nữa”, và ngài nói thêm: “Các Kitô hữu này không đến đây như những kẻ chinh phục, họ không đến để tước mất căn tính của chúng ta, nhưng họ mang đến cho chúng ta căn tính của họ và họ muốn đi với chúng ta”.

Đức Thánh Cha nói rằng “Giáo hội được kêu gọi linh động và sáng tạo trong việc làm chứng cho Tin Mừng, nhờ đối thoại và mở ra với mọi người”. Nhưng ngài cũng khẳng định: “Chỉ có thể đối thoại nếu chúng ta biết rõ mình là ai. Chúng ta phải ý thức được căn tính của mình, căn tính của chúng ta là Kitô hữu. Phải mở lòng trí trong niềm cảm thông và đón nhận chân thành với những người mà chúng ta đối thoại”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Căn tính này chính là đức tin sống động trong Chúa Kitô”, và ngài đặt câu hỏi với các giám mục: “Liệu căn tính ấy có được thể hiện rõ ràng trong các chương trình giáo lý và mục vụ giới trẻ, trong việc phục vụ người nghèo và những người sống vất vưởng bên lề xã hội giàu có của chúng ta và trong những nỗ lực thúc đẩy ơn gọi linh mục và đời sống tu trì hay không?”

Nhưng để xác định căn tính ấy không phải là điều dễ dàng. Có nhiều trở ngại cản đường, bởi vì “chúng ta sẽ luôn bị cám dỗ bởi tinh thần thế tục”. Trong những trở ngại ấy, có “sự sai lầm của thuyết tương đối, làm lu mờ ánh quang chân lý”. Và Đức Thánh Cha xác định rằng ngài đang nói về “chủ nghĩa tương đối thực dụng, diễn ra hằng ngày, làm suy yếu căn tính của chúng ta mà rất khó nhận ra”.

Một nguy cơ khác là “tính hời hợt”, nói cách khác, đó là “xu hướng chạy theo thời trang, những tiện nghi và thú tiêu khiển, hơn là chú tâm vào những điều thực sự quan trọng”. Tính hời hợt này cũng có thể thấy trong việc “bị cuốn hút vào những chương trình mục vụ và lý thuyết, làm phương hại đến việc gặp gỡ trực tiếp và hiệu quả với các tín hữu, nhất là những người trẻ, những người cần có nền tảng giáo lý vững chắc và được hướng dẫn về mặt thiêng liêng”

Và cám dỗ cuối cùng rình chực mỗi Kitô hữu là “sự an toàn giả tạo ẩn dưới những câu trả lời dễ dàng, những công thức có sẵn, những lề luật và quy định”. Tuy nhiên, “đức tin, tự bản chất, không quy về mình nhưng có khuynh hướng “đi ra ngoài”. Đức tin tìm cách cho người ta hiểu mình; đức tin sinh ra chứng từ; tạo nên sứ vụ. Theo nghĩa này, “đức tin làm cho chúng ta vừa can đảm lại vừa khiêm tốn làm chứng cho niềm hy vọng và tình yêu của mình”.
Thánh Lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á

Đức Thánh Cha mở đầu bài giảng bằng cách lặp lại chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á tại Hàn Quốc: “Vinh quang của các thánh tử đạo tỏa sáng trên bạn! Đây là một đoạn chủ đề của Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, điều này an ủi và củng cố tất cả chúng ta. Hỡi những người trẻ Á châu: các con là những người thừa kế của một chứng từ cao cả, của chứng nhân cao quý về Chúa Kitô. Ngài là ánh sáng thế gian; Ngài là ánh sáng của cuộc sống chúng ta! … Nhờ Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết và chúng ta tham dự vào chiến thắng ấy mà ngày nay chúng ta có thể đối mặt với những thách đố của người môn đệ Chúa Kitô, trong những hoàn cảnh và thời đại của chúng ta”.


Đức Thánh Cha cũng khai triển một đoạn khác trong chủ đề của Đại hội: “Hỡi bạn trẻ châu Á, hãy thức tỉnh!”

Về từ “Châu Á”, Đức Thánh Cha ghi nhận rằng “Lục địa châu Á, vốn được thấm nhuần những truyền thống triết học và tôn giáo rất phong phú, là một môi trường tuyệt vời để các con làm chứng cho Chúa Kitô ‘là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống’ (Ga 14, 6)”. Vì thế, ngài khích lệ các bạn trẻ châu Á: “Đừng sợ đem sự khôn ngoan của đức tin vào mọi hoàn cảnh của đời sống xã hội!”

Đức Thánh Cha phân tích: “Là người châu Á, các con nhìn ngắm và yêu thương, từ bên trong, tất cả những gì là chân thiện mỹ trong nền văn hóa và truyền thống của các con. Nhưng là Kitô hữu, các con cũng biết rằng Phúc Âm có sức mạnh thanh tẩy, thăng hoa và hoàn thiện di sản này”. Và Đức Thánh Cha cho biết, nhờ Chúa Thánh Thần đồng thời hiệp nhất với các chủ chăn, các bạn trẻ sẽ phân định được những giá trị tích cực trong các nền văn hóa đa dạng ở Á Châu.

Về từ “Giới trẻ”, Đức Thánh Cha nêu lên những đặc tính của người trẻ: lạc quan, đầy sức sống và thiện chí. Và ngài khuyến khích các bạn trẻ: “Hãy để Đức Kitô biến những lạc quan vốn có nơi các con thành niềm hy vọng Kitô giáo, biến sức sống của các con thành các nhân đức, và thiện chí của các con thành tình yêu tự hiến đích thực!... Như thế, tuổi trẻ của các con sẽ trở nên quà tặng cho Chúa Giêsu và cho thế giới”.

Đức Thánh Cha cũng nói đến một cám dỗ của người trẻ là “xua đuổi những người xa lạ, những người nghèo và người đau khổ”. Họ đang kêu cứu, đang van xin. Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ: “Chúng ta hãy đáp lời, không phải theo cách của những người xua đuổi những ai đến xin chúng ta giúp đỡ, như thể phục vụ người túng thiếu là cản đường chúng ta đến gần Chúa… Không! Chúng ta phải nên giống Chúa Kitô, Người đã đáp lại mọi kẻ kêu xin Người giúp đỡ bằng tình yêu và lòng thương xót”.


Cuối cùng, với từ “Thức tỉnh!”, Đức Thánh Cha nói rằng Chúa đã trao trách nhiệm cho người trẻ: “Đây là bổn phận phải tỉnh thức, không để cho các áp lực, cám dỗ và tội lỗi làm chúng ta không còn nhạy cảm với vẻ đẹp của sự thánh thiện và niềm vui của Tin Mừng. Thánh vịnh đáp ca hôm nay mời gọi chúng ta không ngừng ‘vui mừng hát ca’. Chẳng có ai ngủ mà múa hát mừng vui được”.

Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha hy vọng các bạn trẻ hiệp nhất với Chúa Kitô và Giáo hội và bước đi trên con đường ấy, con đường chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui.

Sau Thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ sáu, Đức hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục Mumbai, Ấn Độ kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Á châu, đã ngỏ lời cám ơn Đức Thánh Cha và loan báo Đại hội Giới trẻ châu Á lần thứ bảy sẽ được tổ chức tại Indonesia vào năm 2017. 


Vũ Bình
(WHĐ)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #11

Video – Đức Giáo Hoàng phong chân phước 
cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc

Hơn một triệu người phủ kín đầy các con đường của thành phố Seoul để tham dự Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong chân phước cho 124 vị tử đạo Hàn Quốc. Sau đây là nội dung đoạn video này:


(dongten.net)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #10

Video – Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các gia đình nạn nhân Hàn Quốc 
trong vụ chìm phà khủng khiếp vừa qua

Đức Giáo Hoàng gặp gỡ các gia đình nạn nhân Hàn Quốc trong vụ chìm Phà khủng khiếp ngày 16 tháng 4 vừa qua. Vụ chìm phà đó đã làm 300 người thiệt mạng trong đó hầu hết là sinh viên. Sau đây là nội dung đoạn video:



(dongten.net)

ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN TỪ TRẦN #2

Thư chia buồn 
của Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc 
với giáo phận Phan Thiết

(WHĐ)

ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN TỪ TRẦN

CÁO PHÓ

Trong niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh
TOÀ GIÁM MỤC PHAN THIẾT
TU ĐOÀN BÁC ÁI XÃ HỘI
Kính báo cùng Quí Đức Cha, Quí Cha,
Quí Tu Sĩ Nam Nữ và Anh Chị Em Giáo Dân: 

"Tin Mừng cho người nghèo khó"
Đức Giám Mục 
PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Nguyên Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết.

Sinh ngày 11.11.1932, 
tại Giáo xứ Phi Lộc – Giáo Phận Vinh, 
Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An
 
đã về với Chúa 
lúc 0 giờ ngày 18-8-2014, 
tại Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội.

Hưởng thọ 82 tuổi.

Thánh lễ An táng sẽ được cử hành 
vào lúc 9 giờ 00 ngày 21 tháng 8 năm 2014,
tại Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội, Xã Tân Hà, 
Huyện Hàm Tân, Tỉnh Bình Thuận.



Tiểu sử
Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

  • Sinh ngày 11-11-1932, tại Giáo xứ Phi Lộc, Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An - Giáo Phận Vinh
  • 1949 – 1954: Nhập Tiểu chủng viện
  • 1954 – 1957: Học tại Tiểu Chủng Viện di cư
  • 1957 – 1959: Dạy Tiểu chủng Thánh Tự
  • 1959 - 1965: Ðại chủng viện Xuân Bích
  • 29.04.1965: Thụ phong linh mục tại Vương Cung Thánh Ðường Đức Bà Sài gòn.
    Cùng năm đó được sai đi làm phó xứ Ðông Hà, Quảng Trị, gần vĩ tuyến 17.
  • 1967: được phép của Ðức Cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, chuyên trách về văn hoá xã hội, mở một Cô nhi viện và trường Tư thục cấp III Ðắc Lộ để giúp đỡ các em mồ côi nạn nhân chiến tranh vùng giới tuyến.
  • 1968: hoàn tất chương trình Ðại Học Văn Khoa ở Huế với bằng Cử nhân Triết Học.
  • 1972: từ vùng giới tuyến di chuyển trường Ðắc lộ và 202 em mồ côi vào Bình Tuy (bây giờ thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) lập làng Thiếu Nhi Bồ Câu Trắng.
  • 1978: sau khi Nhà Nước tiếp thu trường học và làng thiếu nhi, ngài phụ trách giáo xứ Bồ Câu Trắng (nay là giáo xứ Thánh Linh), sau đó làm Hạt Trưởng Hạt Hàm Tân.
  • Từ năm 1994, ngài đã hướng công việc mục vụ bằng con đường bác ái xã hội để mở nhịp cầu đem Tin Mừng tình thương đến cho những người nghèo khó ở nông thôn.
  • 1999 – 2001: giữ chức vụ Hạt trưởng Hạt Hàm Tân
  • Ngày 14.07.2001: Toà thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Giáo Phận Phan Thiết. Khẩu hiệu giám mục của ngài là "Tin Mừng cho người nghèo khó".
  • Ngày 11.08.2001: Lễ tấn phong Giám mục do Ðức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi chủ phong, hai Giám Mục phụ phong là Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm.
    Ngài đã giữ chức vụ chủ tịch Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2 nhiệm kỳ từ năm 2001-2006
  • Ngày 29-12-2004: Được sự chấp thuận của Đức Cha Nicôla, Đức Cha Phaolô đã Thành lập Tu đoàn Bác Ái Xã Hội để phục vụ người nghèo theo đường hướng mục vụ mà ngài hằng thao thức.
  • Ngày 5/4/2005: Kế nhiệm Đức Cha Nicôla, làm Giám Mục Chánh Tòa Giáo Phận Phan Thiết.
  • Ngày 25/07/2009: Tòa Thánh chấp thuận từ nhiệm nghỉ hưu vì lý do tuổi tác theo giáo luật.
    Hưu dưỡng tại Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội.

VP/TGM/PT
Lm. Giuse Nguyễn Văn Soi
(gpphanthiet.com)

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #9

Ngày thứ ba 
chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Chỉ có chứng tá của niềm vui mới lôi cuốn người khác”

WHĐ (17.08.2014) – Sự kiện chính trong ngày thứ ba của chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô là cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước cho Tôi tớ Chúa Paul Yun Ji-Chung và 123 bạn tử đạo, tại Cổng Gwanghwamun ở Seoul vào lúc 10 giờ sáng. Buổi chiều, sau khi đến thăm Trung tâm phục hồi chức năng của người khuyết tật “Nhà Hy vọng” ở Kkottongnae, Đức Thánh Cha sẽ có hai cuộc gặp gỡ: gặp các cộng đoàn tu sĩ Hàn Quốc tại Trung tâm “Ngôi trường Tình yêu” ở Kkottongnae và gặp các nhà lãnh đạo Tông đồ giáo dân tại Trung tâm linh đạo ở Kkottongnae. Vào buổi sáng, trước khi cử hành Thánh Lễ tôn phong chân phước, Đức Thánh Cha đã đến viếng Đền thánh Tử đạo Seo So mun.


Thánh Lễ tôn phong chân phước 


Đức Thánh Cha Phanxicô đã ca ngợi “sự hy sinh cao cả” của các vị tử đạo và lời mời gọi của các ngài “hãy đặt Chúa Kitô lên trên hết”.

“Tất cả các ngài đã sống và chết cho Chúa Kitô, và bây giờ được cùng với Người thống trị trong niềm vui và vinh quang”.

Chiến thắng của các vị tử đạo, chứng từ của các ngài về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, ngày nay vẫn tiếp tục mang lại hoa trái tại Hàn Quốc, để Giáo hội được tăng triển nhờ hy tế của các ngài.

Việc tôn phong Chân phước Paul Yun Ji-Chung và các bạn của Người là dịp để chúng ta trở về những thời khắc đầu tiên, thời kỳ phôi thai của Giáo hội tại Hàn Quốc. Đây là dịp mời gọi anh chị em, những người Công giáo Hàn Quốc, nhớ lại những điều lớn lao mà Thiên Chúa đã thực hiện ở vùng đất này và trân trọng di sản đức tin và đức ái đã được tổ tiên giao phó cho anh chị em.

Kitô giáo Hàn Quốc được khai sinh từ thế kỷ 18, khi các học giả Hàn Quốc nghe nói đức tin được loan báo ở Trung Quốc. Họ đã đến Trung Quốc để học hỏi về đạo Thiên Chúa với các nhà thừa sai Dòng Tên, rồi trở về giảng dạy giáo lý, rửa tội cho hàng ngàn người, dù không có linh mục.

Nhưng nhà cầm quyền Hàn Quốc bắt đầu bách hại các Kitô hữu và cấm sách vở Công giáo. Paul Yun Ji-chung và James Kwong Sang-yon, cả hai đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc, đã bị chém đầu năm 1791 vì vi phạm các nghi lễ của Nho giáo. Cuộc hành quyết đánh dấu sự bắt đầu một cuộc bách hại lớn đối với giáo dân Hàn Quốc. 
 

 Sau khi Đức Thánh Cha công bố chính thức tôn phong Chân phước cho các vị tử đạo, khắp quảng trường Gwanghwamun vang dậy tiếng hò reo vui mừng của cộng đoàn tham dự gần một triệu người, cùng tiếng kèn trống rộn rã. Các màn hình khổng lồ đặt ở hai bên bàn thờ chiếu hình vẽ các vị Tân chân phước.
Bài giảng của Đức Thánh Cha nói về nguồn gốc của Kitô giáo Hàn Quốc cho thấy “tầm quan trọng, phẩm giá và nét đẹp” của ơn gọi của người giáo dân Công giáo.

 “Trong sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa, đức tin Kitô giáo đã không đến với đất nước Hàn Quốc qua các nhà thừa sai; nhưng qua tim óc của chính người dân Hàn Quốc”. Họ được thúc đẩy bởi sự tò mò tri thức để tìm kiếm chân lý tôn giáo. Qua cuộc gặp gỡ đầu tiên với Phúc Âm, các Kitô hữu Hàn Quốc đầu tiên đã mở rộng tâm trí mình cho Chúa Giêsu. Họ muốn biết thêm về Đấng Kitô đã chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại từ cõi chết ấy”.

 Đã có các vị tử đạo khác của Hàn Quốc được tuyên thánh: Thánh Gioan Phaolô II tuyên thánh cho 103 vị tử đạo Hàn Quốc vào ngày 06 Tháng Năm năm 1984 trong chuyến viếng thăm Hàn Quốc.

 Đức Thánh Cha Phanxicô khẩn cầu những vị thánh này, thánh Anrê Kim Taegon, thánh Paul Chong Hasang và các bạn, cùng với các vị tử đạo vừa mới được tôn phong Chân phước.

 “Tất cả các ngài đã sống và chết cho Chúa Kitô, và bây giờ được cùng với Người thống trị trong niềm vui và vinh quang”.

 Đức Thánh Cha đã giảng về bài Phúc Âm trong chương 17 của Phúc Âm theo thánh Gioan và sự liên quan với các vị tử đạo vừa được tôn phong Chân phước.

 “... Thật là ý nghĩa khi Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha thánh hiến và bảo vệ chúng ta, Người không xin đem chúng ta ra khỏi thế gian. Chúng ta biết rằng Người sai các môn đệ ra đi để làm men thánh thiện và sự thật trong thế giới, là muối đất, là ánh sáng thế gian. Và các vị tử đạo đã chỉ đường cho chúng ta”.

Các vị tử đạo Hàn Quốc “phải chọn theo Chúa Giêsu hay theo thế gian. Các ngài đã biết cái giá của người môn đệ”.

 “Các ngài sẵn sàng hy sinh lớn lao và từ bỏ tất cả những gì khiến các ngài lìa xa Chúa Kitô: tài sản và đất đai, uy tín và danh dự – vì các ngài biết rằng chỉ mình Chúa Kitô mới là kho tàng thực sự của các ngài”.

Đức Thánh Cha lưu ý đến cơn cám dỗ “thỏa hiệp đức tin, làm nhẹ bớt những đòi hỏi căn bản của Phúc Âm cho hợp với tinh thần của thời đại này”.

 “Nhưng các vị tử đạo mời gọi chúng ta đặt Chúa Kitô lên trên hết và nhìn mọi sự khác của thế gian này trong tương quan với Người và Vương quốc vĩnh cửu của Người. Các ngài thách đố chúng ta suy nghĩ về điều mà chính chúng ta sẵn sàng chết cho điều ấy”.

 

Kết thúc bải giảng, Đức Thánh Cha dâng lời cầu xin:

 “Xin cho những lời nguyện cầu của tất cả các vị tử đạo Hàn Quốc, hiệp với lời nguyện cầu của Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội, cho chúng con được ơn bền vững trong đức tin và làm việc lành, được có quả tim thánh thiện và tinh khiết cùng với lòng nhiệt thành tông đồ trong việc làm chứng cho Chúa Giêsu tại đất nước thân yêu này, trên toàn châu Á, và cho đến tận cùng trái đất”.

Vũ Bình
(dongten.net)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #8

Video – Đức Giáo Hoàng cầu nguyện 
tại đền thánh nơi vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc chào đời

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Đền Thánh Solmoe cùng với Giám mục Lazzaro You Heung-sik của giáo phận Daejon. Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện một vài phút ở Đền Thánh nơi Anrê Kim Taegon là nơi vị linh mục đầu tiên của Hàn Quốc chào đời. Ngay sau đó một em bé mặc trang phục truyền thống tặng ngài một bông hoa bằng bạc. 

Sau đây là nội dung đoạn video, xin mời chúng ta cùng theo dõi!


ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #7

Hình ảnh đất nước Hàn Quốc nồng nhiệt chào đón ĐGH Phanxicô

10570443_720237274709085_5703726106975870574_n

Vào lúc 10 sáng ngày 14.8.2014 (giờ địa phương), ĐGH Phanxicô đã chính thức đặt chân đến đất nước Hàn Quốc trong sự chào đón nồng nhiệt và tưng bừng của chính quyền và người dân xứ sở Kim Chi.

Đón tiếp ĐGH tại sân bay quân sự phía nam Seoul có bà Park Geun-hye, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc, các viên chức chính phủ, Hội đồng Giám mục Hàn Quốc và đông đảo người dân Hàn Quốc.

Vị cha chung của Giáo hội hoàn vũ đã bắt tay 4 thân nhân của vụ chìm phà từng làm thiệt mạng hơn 300 người và 2 hậu duệ của các vị tử đạo Hàn Quốc, những người đã thà chết chứ không chối bỏ đức tin. Một số người Công giáo cao tuổi không cầm được nước mắt, cúi đầu thật sâu để chào Đức Giáo Hoàng. Một bé trai và một bé gái mặc quốc phục Hàn Quốc dâng hoa lên Đức Thánh cha Phanxicô.

Các hồng y và giám mục trong phái đoàn của Vatican đều mặc phẩm phục màu trắng như một cử chỉ biểu lộ sự tôn trọng văn hóa Hàn Quốc vốn xem màu trắng là biểu tượng của lòng yêu nước và màu đen là biểu tượng của chết chóc.

Mời quý vị và các bạn xem hình ảnh ĐGH đặt chân đến Hàn Quốc

Chỉnh Trần, S.J.

10373820_720237494709063_3988346933307590610_n

10441308_720237518042394_7374792308961319828_n

 10570450_720237511375728_3896661993033451884_n

 10547552_720237431375736_5030763537854041213_n

 10553308_672508446173770_1116954858443165427_n

 10417502_720237271375752_1205640697059511291_n

 10523872_672508462840435_3221112719117935869_n

 10557203_672508512840430_335227688934082733_n

 10405599_720237348042411_7280602482547108109_n

 1544466_720237338042412_3652273299816145720_n

 1554637_672508482840433_6079423962824035689_n

 10417589_720237281375751_6073665412025341968_n

 10534573_672508452840436_5644295937608739167_n

 10609634_672508479507100_3191335425587153022_n

 10606037_720237541375725_242054699465246248_n

(dongten.net)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #6

Video – Bài hát solo trong thánh lễ khai mạc ở Hàn Quốc 
đã đánh động hàng triệu con tim

Đức Giáo Hoàng đã cử hành thánh lễ đầu tiên trong năm ngày của chuyến đi đến Hàn Quốc. Khi hàng ngàn người đang rước lễ thì bài hát “Panis Angelicus” được hát bởi một nghệ sĩ solo. Bài hát được viết bằng tiếng Latin bởi thánh Tôma Aquinô. Sau đây là nội dung video về bài hát này:


(dongten.net)

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #5

Hình ảnh ĐGH Phanxicô thăm Hàn Quố
ngày thứ nhất

10341657_10152219823910723_71896008682963554_n 

Vào lúc 10 sáng (giờ địa phương) ngày 14.08.2014, ĐGH Phanxicô đã chính thức đặt chân đến đất nước Hàn Quốc trong sự chào đón nồng nhiệt của chính quyền và người dân xứ sở Kim Chi. Đích thân Tổng thống Hàn Quốc đã ra sân bay đón ĐTC.

Giao-hoang-Francis-toi-Han-Quoc001-1408010577_660x0



2 em bé Hàn Quốc trong trang phục truyền thống dâng hoa lên ĐTC

Giao-hoang-Francis-toi-Han-Quoc008-1408010577_660x0

Vị cha chung của Giáo hội hoàn vũ đã bắt tay 4 thân nhân của vụ chìm phà từng làm thiệt mạng hơn 300 người và 2 hậu duệ của các vị tử đạo Hàn Quốc, những người đã thà chết chứ không chối bỏ đức tin. Một số người Công giáo cao tuổi không cầm được nước mắt, cúi đầu thật sâu để chào Đức Giáo Hoàng

10523140_851352048209168_35355154137018718_n

ĐGH đã đề nghị sử dụng loại xe do Hàn Quốc sản xuất và được giới bình dân nước này thường sử dụng. Như thường lệ, ngài luôn dành một sự quan tâm đặc biệt đối với trẻ em bằng cách chúc lành cho chúng.

10547488_851351984875841_5422607560814243829_n

10472609_851338324877207_5837793998788983044_n

10615431_10152219824205723_4432208450845843795_n

Giao-hoang-Francis-toi-Han-Quoc007-1408010579_660x0

Nghi lễ chào mừng của nước chủ nhà

Giao-hoang-Francis-toi-Han-Quoc006-1408010579_660x0 

ĐTC hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc tại Dinh Tổng thống (còn được gọi là Nhà Xanh). ĐTC phát biểu rằng: “Thật là niềm vinh hạnh lớn lao đối với bản thân tôi khi được ghé thăm đất nước Hàn Quốc [...] để trải nghiệm không chỉ cảnh đẹp thiên nhiên của Hàn Quốc, nhưng trên hết là nét đẹp của người dân nơi đây và nền lịch sử, văn hóa phong phú của đất nước này.” 

10353117_851343704876669_7189456362123363065_n 

Chiều ngày 14-8-2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các Giám mục Hàn Quốc và nhắc nhở các vị về hai khía cạnh trong Sứ vụ Giám Mục: bảo tồn ký ức và bảo tồn hy vọng. Đức Thánh Cha đã từ phủ tổng thống Hàn Quốc đến trụ sở HĐGM cách đó 12 cây số vào lúc quá 5 giờ chiều. Tại đây ngài đã được 2 Hồng Y và 33 GM thuộc 16 giáo phận toàn quốc đón tiếp.

10534082_10152219824040723_3718263382382698209_n 

 10603209_851344024876637_4173012724478598924_n 

 10614186_851343541543352_2477240773654870585_n  

thumb1_20140814224137_53ecbc91c6960

ĐTC viết lưu bút kỷ niệm chuyến thăm mục vụ Hàn Quốc 2014

thumb2_20140814224137_53ecbc91c6dda

10615481_851343868209986_347070642522099145_n

(dongten.net)

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

AUDIO THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM A 17-8-2014

Audio Thánh Lễ Chúa Nhật XX thường niên năm A
05g30 Chúa Nhật ngày 17-8-2014.
Cha giáo Gioan Bt Nguyễn Văn Đán dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XX MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A (Mt 15,21-28)


ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU HÀN QUỐC #4

Ngày thứ hai 
chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Hãy trở nên những thừa sai loan báo Tin Mừng”

WHĐ (16.8.2014) – Ngày thứ hai của chuyến tông du Hàn Quốc của Đức Thánh Cha Phanxicô được đánh dấu bởi hai sự kiện lớn: Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Lên Trời được cử hành vào buổi sáng tại Sân vận động “Cúp Bóng đá Thế giới” ở Daejeon, và cuộc gặp gỡ giới trẻ Á châu tại Đền Solmoe vào buổi chiều.

Những mô hình kinh tế phi nhân

Khoảng 50.000 người tụ hội tại sân vận động đã nồng nhiệt chào đón Đức Thánh Cha tiến vào sân vận động trên một chiếc xe dành riêng cho Giáo hoàng, được báo chí giới thiệu là “made in Korea”. Bầu khí đã được hâm nóng trước đó bởi giọng ca của các ca sĩ nổi tiếng nhất Hàn Quốc.

Đây là thánh lễ đầu tiên Đức Thánh Cha cử hành cùng với cộng đoàn tại Hàn Quốc trong chuyến tông du này. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha kêu gọi “các Kitô hữu của dân tộc này” hãy là “một sức mạnh quảng đại của sự canh tân tinh thần ở mọi môi trường của xã hội”. Đức Thánh Cha cũng nhắc lại lời cảnh báo ngài đã đưa ra hôm trước đó khi gặp gỡ các giám mục Hàn Quốc về mối nguy cơ có thể bị chết chìm trong một xã hội thế tục hóa và duy vật, và ngài kêu gọi các tín đồ phải cương quyết chống lại “sự lôi cuốn của chủ nghĩa duy vật đang bóp nghẹt các giá trị tinh thần và văn hóa, cũng như chống lại óc cạnh tranh không gì kềm hãm được đang làm nảy sinh sự ích kỷ và các mâu thuẫn”.


Trở về với chủ đề ngài tha thiết, Đức Thánh Cha bày tỏ lòng mong ước được thấy người Hàn Quốc “tránh xa các mô hình kinh tế phi nhân vốn đang tạo ra những hình thức mới của sự nghèo khổ và đang đẩy người lao động ra ngoài lề xã hội, tránh xa nền văn hóa sự chết đang hạ giá hình ảnh của Thiên Chúa, Chúa của sự sống, và vi phạm phẩm giá của từng con người, nam, nữ và trẻ em”.

Nỗi cô đơn của các xã hội hiện đại

Trong một đất nước đi đầu trong phong trào toàn cầu hóa với những sản phẩm được gần như mọi người tại Tây cũng như Đông phương biết đến, Đức Thánh Cha không ngần ngại lên án một hệ thống tư bản vốn là thủ phạm của những sự thái quá. Ngài cũng mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ giá trị của sự sống. Và để đáp lại lời kêu gọi này của Đức Thánh Cha, “mỗi người phải trở lại lần nữa với lời của Chúa, với mối quan tâm đối với người nghèo, những người đang ở trong cảnh thiếu thốn và dễ bị tổn thương giữa chúng ta”.

Đức Thánh Cha đã nói đến ý nghĩa của sự tự do đích thực Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, “sự tự do nằm trong việc chúng ta tiếp đón với lòng yêu thương ý định của Cha. Từ Đức Mẹ Maria, đầy ơn phúc, chúng ta học được rằng sự tự do Kitô giáo không chỉ đơn thuần là sự giải phóng khỏi tội lỗi. Đó là sự tự do mở ra cho một cách thức mới nhìn các thực tại trần thế, sự tự do yêu mến Thiên Chúa cũng như anh chị em của mình với một con tim trong sáng, và sống với niềm hy vọng trong vui mừng trước việc Nước Đức Kitô đang đến”.

Hy vọng quả không thể thiếu trong xã hội phát triển của chúng ta. “Nó đi ngược lại với sự tuyệt vọng xem ra ngày càng tăng, như một căn bệnh ung thư trong xã hội với cái vẻ bề ngoài xem ra chẳng thiếu thứ gì, nhưng nhiều khi bên trong đang phải trải qua buồn phiền và trống trải”. Và Đức Thánh Cha đặc biệt nghĩ đến các người trẻ, nhất là trong một đất nước nơi trẻ em và thiếu niên đang phải chịu sức ép nặng nề của xã hội. Có biết bao người trẻ của chúng ta phải trả giá cho sự tuyệt vọng này, chớ gì những người trẻ này không bị mất đi niềm hy vọng.

Solmoe, trái tim sống động của Công giáo Hàn Quốc

Điểm nhấn của buổi chiều ngày thứ hai của chuyến tông du này là cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ công giáo châu Á tại Solmoe.

Địa điểm được chọn làm nơi gặp gỡ mang tính biểu tượng bởi vì chính đây là cửa ngõ đạo Công giáo đi vào xã hội Hàn Quốc. Theo tiếng Hàn Quốc, Solmoe có nghĩa là “quả đồi nhỏ với rừng thông”. Chính tại nơi đây Thánh Anrê Kim Taegon, linh mục đầu tiên người Nam Hàn Quốc, đã ra đời vào năm 1820 và đây cũng là nơi gia đình ngài sinh sống. Anrê Kim Taegon đã được chịu phép rửa tội vào năm 1836, lúc 16 tuổi, do tay linh mục người Pháp Pierre Philibert Maubant. Ngài đã thực hiện một cuộc đi bộ kéo dài sáu tháng tới Macao bên Trung Quốc để học đạo Công giáo, và khi về lại nước năm 1846, ngài đã dấn thân trong hoạt động truyền giáo.


Sự nhiệt thành truyền giáo của những người Công giáo tiên khởi Hàn Quốc đã bị nhà nước ra sức dập tắt. Anrê Kim Taegon bị giải tới Seoul và bị tống giam, trước khi bị treo cổ ngày 16/9/1846. Lúc ấy, ngài mới vừa 25 tuổi và mới được phong chức linh mục 13 tháng trước đó. Trước khi mất, cha Anrê Kim đã để lại một di chúc trong đó ngài ghi: “Tôi chết vì Chúa, nhưng đó lại là khởi đầu của một cuộc sống đời đời”. Máu của ngài và của các vị tử đạo của Giáo hội Hàn Quốc đã đổ ra là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của đạo Công giáo tại nước này.

Những người trẻ châu Á đặt câu hỏi với Đức Thánh Cha

Cuộc gặp gỡ giữa Đức giáo hoàng Phanxicô với những người tham dự Ngày Giới Trẻ châu Á đã bắt đầu với chứng từ của ba người trẻ, đại diện cho các thực tại khác nhau của châu Á: một thiếu nữ người Hàn Quốc, một người Hoa sinh sống tại Hồng Kông và một thiếu nữ người Campuchia.

Thiếu nữ người Campuchia chia sẻ tâm tình bị giằng xé giữa ơn gọi làm tu sĩ và nhu cầu tiếp tục việc học để giúp gia đình và những người nghèo khổ nhất.

Chứng từ thứ hai là của Giovanni, một người Hoa, 24 tuổi, sống tại Hongkong, nói đến tình cảnh của Giáo hội tại lục địa Trung Hoa luôn bị kiểm soát một cách gắt gao nhưng vẫn trung thành với đức tin Công giáo. Đồng thời, Gioavanni cũng bày tỏ ý muốn của đông đảo người trẻ tại Hongkong được tổ chức Ngày Giới Trẻ Thế giới tại thành phố của họ.

Marina Park Giseon, người Hàn Quốc, cũng đưa ra những câu hỏi tế nhị về tình cảnh đất nước Hàn Quốc bị chia hai: “Nếu chúng con đã phải sống 60 năm trong hận thù lẫn nhau với miền Bắc, con nghĩ rằng lỗi không chỉ ở một phía”. Cô cũng nhấn mạnh đến ý tưởng cho rằng chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa duy vật của xã hội Hàn Quốc đôi khi đã dẫn đến chỗ đánh mất các giá trị. “Xem ra chủ nghĩa tư bản tại Hàn Quốc không mấy đặt trọng tâm vào sự an ninh và hạnh phúc của con người”, cô nhận định.

Đức Thánh Cha đã chăm chỉ lắng nghe, ghi chép và nồng nhiệt cám ơn chứng từ của mỗi người, và trả lời ứng khẩu bằng tiếng Ý, sau khi đọc bài diễn văn của ngài với các người trẻ bằng tiếng Anh.

Với chứng từ thứ nhất, Đức Thánh Cha khuyên nên đi theo con đường Chúa đã chọn cho cô chứ không phải chọn một trong hai con đường mình tính chọn.

Với người Hàn Quốc, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em nói cùng một ngôn ngữ, hãy nghĩ tới anh chị em của mình ở miền Bắc, và khi trong gia đình, người ta nói cùng một ngôn ngữ, ở đó cũng có một niềm hy vọng của con người”.

Với các người trẻ, Đức Thánh Cha nói: “Thần Khí Đức Giêsu có thể đem lại một sự sống mới cho con tim của mỗi người và có thể biến đổi từng hoàn cảnh, cho dù bề ngoài xem ra tuyệt vọng nhất”.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi các người trẻ tập họp tại Solmoe hãy là những thừa sai loan báo Tin Mừng, “Tin Mừng về niềm hy vọng, tại trường học, nơi làm việc, trong gia đình, tại đại học và trong các cộng đoàn”.
 
(WHĐ)

ĐẠI HỘI LAVANG LẦN THỨ 30 NĂM 2014 #3

Thánh Lễ trọng thể kính Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
và bế mạc Đại hội La Vang lần thứ 30

Sau hai ngày diễn tiến với các Thánh lễ, rước kiệu và chầu Thánh Thể, đón nhận ơn tha thứ qua bí tích Hoà giải, thuyết trình và chia sẻ… Đại hội La Vang lần thứ 30 với chủ đề “Phúc-Âm-hoá đời sống Gia đình” đã bế mạc với Thánh lễ trọng thể kính Đức Mẹ Lên trời vào lúc 7 giờ ngày 15.8.2014. 
 
 
Thánh Lễ do Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng, Tổng giám mục Huế, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục chủ tế. Đồng tế với ngài có Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam; Đức Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Hà Nội; Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Bắc Ninh, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Mỹ Tho, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục; Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Phú Cường, Chủ tịch Uỷ ban Truyền thông Xã hội; Đức cha Lôrensô Chu Văn Minh, Giám mục Phụ tá Hà Nội; Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Lạng Sơn, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Qui Nhơn, Chủ tịch Uỷ ban Nghệ thuật thánh; Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục Cần Thơ; Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long,- Giám mục Phụ tá Hưng Hoá, Chủ tịch Uỷ ban Loan báo Tin Mừng; Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ Gia đình; Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Thái Bình, Chủ tịch Uỷ ban Tu sĩ; Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hoá, Chủ tịch Uỷ ban Mục vụ di dân, và Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, Giám mục Bà Rịa. Ngoài ra còn có hơn 300 linh mục trong và ngoài giáo phận cùng với sự tham dự của khoảng 150.000 tín hữu. 


Bài ca nhập lễ “Kính Mừng Nữ Vương” giúp cộng đoàn hướng lòng lên Mẹ và cùng với Mẹ dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn Mẹ, ban cho Mẹ những ơn trọng đại và đón Mẹ về trời cả hồn lẫn xác.

Đầu lễ, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn hoà chung tâm tình người con thảo của Mẹ trong năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình: 
 
 
“Hôm nay chúng ta về với Linh Địa La Vang trong dịp Đại hội hành hương ba năm một lần, lần thứ 30. Về với Mẹ trong những ngày hè oi bức, khí hậu nghiệt ngã, thiếu mọi tiện nghi, ăn chay nằm đất, nhưng chúng ta muốn thưa lên với Mẹ rằng không gì có thể cản trở con cái Mẹ trở về La Vang, mặc dầu phải chấp nhận hy sinh, gian khó vì tình Mẹ yêu con và tình con mến Mẹ … Về với Mẹ La Vang hôm nay, trong năm Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình, chúng ta khẩn cầu Mẹ cho tất cả mỗi gia đình biết lắng nghe lời Chúa, để Lời Chúa sinh hoa kết trái trong cuộc sống hằng ngày và biết ra đi chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho mọi người anh chị em …”

Sau bài Phúc Âm, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chia sẻ Lời Chúa:

Chúa có một chương trình kỳ diệu đối với Đức Mẹ và vì Mẹ đã tin, nên được chúc phúc. Khi Đức Giêsu rao giảng thì có người lên tiếng nói: Thưa Thầy, có Mẹ và anh em Thầy muốn gặp Thầy. Nhưng Đức Giêsu trả lời: Mẹ và anh em tôi, đó là những ai tin và thi hành ý Cha tôi, Đấng ngự trên trời.

Mỗi gia đình chúng ta được Chúa tiên liệu trong một chương trình kỳ diệu, đó là bảo vệ sự sống. … Ai tin và đón nhận sự sống như là quyền năng của Thiên Chúa, người đó là mẹ và anh chị em với Chúa.

Chương trình kỳ diệu thứ hai của Thiên Chúa là trao ban Đấng Cứu Độ, ơn cứu rỗi cho quý cha mẹ. Cha mẹ không chỉ sinh những người con, nhưng là cộng tác viên để trao ban Đấng Cứu Độ cho con cái, cho mọi người… Cha mẹ là những người đầu tiên thánh hóa, giáo dục con cái của mình. Đức Mẹ và Thánh Giuse đã ý thức dâng lại con mình cho Thiên Chúa. Những người con không còn là của riêng của cha mẹ, mà còn là của Chúa, nên cha mẹ có nhiệm vụ phải giáo dục, thánh hóa con mình, dâng lại cho Chúa. …

Ai tin và thực hành chương trình yêu thương của Thiên Chúa, đó mới thật là mẹ và anh chị em của Chúa. Mỗi gia đình là một Giáo hội thu nhỏ. Trụ cột của Giáo hội hôm nay là mỗi người làm cha mẹ. Cha mẹ phải ý thức vai trò quan trọng của mình trong Giáo hội, từ đó, mới giúp các chương trình khác hoàn thành như chương trình thánh hiến tu trì.

Ngày nay, Giáo hội thiếu vắng ơn gọi truyền giáo. Ơn gọi tại các chủng viện, dòng tu... chỉ nhờ từ gia đình. Gia đình là thiên đàng, là Nước Trời. Cha mẹ là yếu tố xây dựng kiến tạo Nước Trời này. Những người con được mời gọi dâng mình để phục vụ chương trình của Thiên Chúa qua nhu cầu của Giáo hội, phục vụ bác ái... Phúc cho gia đình nào các cha mẹ đã tin và thực hành ý Cha trên trời.”

Sau bài chia sẻ Lời Chúa của Đức cha Phêrô, cộng đoàn phụng vụ hiệp dâng lên Chúa những lời nguyện xin tha thiết nhân ngày mừng Mẹ Maria được Thiên Chúa tôn vinh trên trời. Cầu cho mọi Kitô có niềm tin vững mạnh để thi hành Thánh ý Chúa trong cuộc đời mình. Cầu cho các quốc gia, các dân tộc trên thế giới khi vui hưởng thành quả của trí tuệ, của lao động, biết hướng về Thiên Chúa và tôn vinh Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự. Cầu cho những người đang đau khổ, luôn cảm nhận tình mẫu tử nâng đỡ và đầy thương yêu của Mẹ. Cầu cho cộng đoàn hành hương về La Vang trong dịp Đại hội lần thứ 30 này biết chiêm ngưỡng những hồng ân của Mẹ, noi gương Mẹ và được ban tràn muôn ơn phúc để mai ngày cũng được vui hưởng hạnh phúc trên thiên quốc cùng với Mẹ.

Trong phần dâng lễ vật, một gia tộc “tứ đại đồng đường” đã thay mặt cộng đoàn phụng vụ kính dâng lên Chúa bánh rượu hoa nến, tượng trưng cho thành quả lao động của con người, dâng lên Chúa những vui buồn của cuộc sống hôn nhân gia đình, dâng cả gia tài cha ông để lại...

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli ngỏ lời với cộng đoàn:

“Tôi xin đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, mang đến phép lành và lời chúc phúc của ngài cho anh chị em hành hương Đại hội lần thứ 30 này. Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ là Giám mục của Rôma, của Châu Âu, mà của cả toàn cầu và của cả Châu Á nữa. Hôm nay ngài đang ở tại Hàn Quốc và chắc chắn chúng ta không quên cầu nguyện cho ngài. Xin cộng đoàn lặp lại với tôi: Xin Đức Mẹ La vang cầu cho chúng con. Lạy Đức Mẹ La Vang, xin cầu cho Đức Thánh Cha Phanxicô…”

Sau đó, cha Quản nhiệm La Vang Giacôbê Lê Sĩ Hiền, thay mặt toàn thể cộng đoàn hành hương, dâng lời cảm tạ quý Đức Tổng giám mục, quý Đức Giám mục, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và và toàn thể cộng đồng Dân Chúa. 

 
Cuối cùng, sau khi long trọng ban phép lành cuối lễ và trước khi cộng đoàn hành hương ra về, Đức Tổng giám mục Phanxicô Xaviê tuyên bố bế mạc Đại hội: “Chúng ta có ba ngày Đại hội tốt đẹp là nhờ ơn Chúa và Mẹ La Vang ban cho chúng ta. Trong tâm tình đó, tôi xin gởi lời cám ơn đến quý Đức cha, đặc biệt Đức Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Đức Thánh Cha tại Việt Nam, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và tất cả mọi người. Tôi xin tuyên bố bế mạc Đại hội La Vang lần thứ 30 và hẹn gặp lại trong dịp Đại hội lần sau, lớn hơn nữa. Chúc anh chị em ra về bình an! Xin Chúa và Mẹ tiếp tục đồng hành với anh chị em!
 
WHĐ