Ai trong chúng ta cũng có lúc bị hiểu
lầm. Chính bản thân ta cũng đôi lần ngộ nhận về tha nhân. Tuy nhiên,
phản ứng của chúng ta khi bị hiểu lầm thì không giống nhau. Câu chuyện
Trác Mậu gợi lên một phản ứng hiếm thấy thời nay, ngay cả những nơi
những người có đạo, các Kitô hữu.
Trác Mậu là người huyện Uyển thời
Tây Hán. Tổ phụ và cha của ông đều là quan địa phương. Từ nhỏ ông đã
được sống cùng sách vở thánh hiền. Thời Hán Nguyên Đế ông đến kinh đô
Trường An tìm thầy học, người thầy này chính là tiến sĩ Giang Sinh trong
triều. Dưới sự chỉ bảo của thầy, ông sớm tinh thông các kinh điển,
trước tác như "Kinh Thu”, "Lễ Ký", tường thiên văn, nhân văn, địa lý.
Ông còn tận tâm theo học tư tưởng của thầy mình. Với sự khổ luyện âm
thầm đó, cuối cùng thì ông cũng trở thành một nho sĩ uyên thâm. Trong
đám bạn học, ông nổi tiếng là người nhân hậu, đối với bậc tiền bối, bậc
thầy ông một lòng cung kính, đối với đồng hương, bạn cùng trang lứa dù
là quan hay dân ông đều quý mến, tôn trọng như nhau.
Học thức của Trác Mậu và phẩm cách
của ông được mọi người ngợi ca. Thừa tướng phủ thấy vậy bèn triệu ông
vào phủ, phong cho một chức vị. Một lần ông vừa đuổi ngựa ra tới đầu
ngõ, có người đi qua nhìn ngựa của ông và nói: "Đây là con ngựa mà tôi
bị mất", Trác Mậu hỏi: ngựa của ông mất khi nào", người này đáp: "Hơn
một tháng rồi". Trác Mậu nghĩ, con ngựa này mình nuôi đã mấy năm nay,
không thể là ngựa của ông ta được, chắc là có nhầm lẫn gì. Tuy vậy ông
vẫn giao ngựa cho người này và nói: "Nếu như không phải ngựa của ông thì
hy vọng ông sẽ đem nó đến phủ thừa tướng trả cho tôi.
Mấy ngày sau, người này tìm thấy ngựa của mình ở nơi khác, bèn đến phủ trả ngựa cho Trác Mậu và xin lỗi ông. (*)
* * *
Tính cách quân tử hay khéo xử của Trác
Mậu là không thích cãi nhau, vì sự hòa thuận sẵn sàng chịu thiệt. Có lẽ
nhiều người ngày nay không đồng tình với lối ứng xử này và cho là dại
dột, gây thiệt hại cho bản thân và còn liên lụy đến thân nhân nữa.
Mạnh Tử nói thiên thời không bằng địa
lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Cốt cách nhà nho của Trác Mậu khiến
người đời khâm phục. Nhưng để có được điều này thì không dễ dàng chút
nào mà nó phải trải qua một quá trình rèn luyện, tu dưỡng.
Tục ngữ có câu: chịu thiệt là phúc.
Người biết chấp nhận thiệt thòi thì mới có thể bỏ qua được cái mất cá
nhân trước mắt, mới có thể kết bạn rộng và hòa đồng được với mọi người
(*).
Khi bị kết án oan và trước bao lời
thách thức nói hay làm, Thầy Giêsu đã chọn thái độ im lặng, với tất cả
tự do, không thanh minh mà cũng chẳng tranh cãi. Làm sao một bậc thánh
hiền, uy tín trong lời nói cũng như việc làm lại có thể bất động trước
bao lời sỉ vả, nhục mạ như thế? Vì sao một Thiên Chúa toàn năng và quyền
phép lại có thể làm thinh, để cho người ta hành hình và xử tử như thế?
Chỉ có một tình yêu không giới hạn và sự vâng phục toàn vẹn Ý Cha mới khiến cho Chúa Giêsu phản ứng “ngược đời” như thế!
Phần tôi, dù nhiều năm tập sống
theo Chúa Giêsu, nhưng vì “cái tôi” còn khá lớn, mà tình yêu thì giới
hạn và sự thuần phục thiên ý thì còn tương đối lắm, nên dễ rơi vào sự
bất an khi bị hiểu lầm. Tại sao tôi dễ bị tổn thương trước lời đánh giá
thấp hay khi thiện chí của mình bị hiểu lầm? Vì sao tôi lại chấp nhất
nhận xét của người phàm hay thầm mong được ca ngợi? Tất nhiên, để canh
tân đời sống, một đàng, bản thân cần kiểm điểm lại cách thế làm hoặc
cách thức biểu hiện ý hướng tốt lành của mình – để tránh gây ngộ nhận;
nhưng đàng khác cần dám nhìn nhận rằng mình chưa sống xác tín: Thiên
Chúa là “Cha anh em, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” sẽ ân thưởng cho mọi
người xứng với việc họ làm.
---------------------------------------------
(*) Đường Nhạn Sinh, Mưu Trí Thời Tần Hán, chương 65.
Tâm Đạo
(WGPSG)