Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ PHẢI HUỶ BỎ CUỘC GẶP GỠ VỚI CÁC GIÁM MỤC SRI LANKA VÌ QUÁ MẼT

Theo dự trù lúc 13:15 Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ với các Giám Mục Sri Lanka của 11 giáo phận và một tổng giáo phận tại Tòa Tổng Giám Mục tổng giáo phận Colombo cách nơi Đức Thánh Cha cư ngụ khoảng 400m.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã phải hủy bỏ buổi gặp gỡ này vì sau một nghi lễ rất long trọng tại phi trường quốc tế Bandaranaike của thủ đô Colombo, Đức Thánh Cha đã di chuyển trên chiếc xe mui kiếng của ngài dưới trời nắng gắt trên một đoạn đường dài 28km để về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.



Cha Federico Lombardi, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết: “Sức khoẻ của Đức Thánh Cha rất tốt. Ngài hơi mệt sau đoạn đường 28 km dưới trời nắng. Nhưng bây giờ ngài đã lấy lại sức”.

Lúc 6:45 chiều thứ Ba, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Bandaranaike Memorial International Conference Hall cách dinh tổng thống khoảng 4km, gần với quảng trường Độc Lập nơi đã diễn ra lễ tuyên thệ tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng vừa qua.

Lúc 8:30 sáng thứ Tư 14 tháng Giêng, tại bãi biển Galle Face Green, là một bãi đất trống sát cạnh bờ biển phía Tây của Sri Lanka, cách Tòa Sứ Thần Tòa Thánh khoảng 7km, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ phong thánh cho Chân Phước Joseph Vaz.

Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA #3

LỄ TUYÊN THÁNH CHO CHÂN PHƯỚC JOSEPH VAZ
VỊ THÁNH TIÊN KHỞI CỦA SRI LANKA

GHI NHANH VỀ NGÀY ĐẦU TIÊN CHUYẾN VIẾNG THĂM SRI LANKA CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Hãng tin AP có bản ghi nhanh sau đây về ngày đầu tiên trong chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức Phanxicô. 


Con số

Theo nguồn tin chính phủ, người Công Giáo chỉ chiếm hơn 6% dân số 21 triệu người của Sri Lanka. Nhưng họ là hệ phái Kitô Giáo lớn nhất tại đây. Các Kitô hữu khác chỉ chiếm 1.3% dân số mà thôi. Đại đa số theo Phật Giáo.

Vòng đai Công Giáo

Người Công Giáo là thiểu số nhỏ tại Sri Lanka, nhưng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được người ta thứ lỗi nếu ngài nghĩ khác trên đường vào Colombo.

Vì quả ngài đã băng qua hàng loạt thánh đường Công Giáo dọc đường từ Phi Trường vào thành phố và hàng chục đền thờ, những ngôi đền nhỏ bên đường thường để tôn kính các vị thánh vận lụa là và đồ trang sức đứng trong các tủ đứng bằng kính.

Người ta gọi đây là vòng đai Công Giáo của Sri Lanka, nơi khá nhiều thị trấn và làng mạc có những cộng đoàn Công Giáo đông đúc, bắt đầu từ Bắc Colombo và tiếp tục về hướng bắc quá bên kia phi trường có đến hàng trăm dặm, dọc duyên hải. Phần lớn người Công Giáo Sri Lanka sống ở duyên hải, nơi các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha vốn tập trung việc tông đồ của họ trong thế kỷ 16.

Đám đông và đàn voi

Khoảng 7 giờ 30 sáng, hàng trăm người đã đứng chờ hai bên đường phía ngoài phi trường mong được thấy Đức GH Phanxicô. Nhiều gia đình ngồi trên chiếu, thỉnh thoảng uống nước từ những chiếc chai.

Và rồi, một điều bất thường diễn ra: một đoàn kiệu gồm những chú voi sặc sỡ lững thững kéo nhau trên đường, hướng về phi trường. Những chú voi này, sau đó, đã trở thành thành phần của phái đoàn nghinh đón Đức Phanxicô và đoàn tùy tùng.

Một cuộc đón tiếp nhiều mầu sắc

Đức GH Phanxicô bước xuống khỏi chiếc máy bay Alitalia ngay sau lúc 9 giờ sáng của một ngày đẹp trời. Ngài được nghinh đón trước hết bởi một bé trai và một bé gái, người đã dâng lên ngài một vòng lớn gồm những bông hoa mầu vàng và trắng. Sau đó, ngài tiến bước trên một chiếc thảm dài mầu đỏ trong khi các vũ công Sri Lanka, ăn vận sặc sỡ, trình diễn hai bên, được sự phụ họa vang dội của một dàn trống.

Trích vội: “Mọi người phải có tiếng nói”

Trong bài diễn văn trong lễ nghinh đón tại phi trường, Đức GH Phanxicô nói đến các cố gắng của Sri Lanka nhằm hòa giải sau nhiều năm nội chiến:

“Tôi tin chắc rằng các tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau có một vai trò thiết yếu phải đóng trong diễn trình tế vi hoà giải và tái thiết hiện đang diễn ra trên xứ sở này. Muốn cho diễn trình này thành công, mọi thành viên của xã hội phải cùng làm việc với nhau; mọi người phải có tiếng nói. Mọi người phải được tự do nói lên các quan tâm, các nhu cầu, các nguyện vọng và nỗi sợ của mình”

Trên đường vào Colombo

Đức GH Phanxicô đứng bên trong một chiếc xe nhỏ mầu trắng để từ Phi Trường vào Colombo. Ngài vốn tránh không dùng những giáo hoàng xa chống đạn mà các vị tiền nhiệm của ngài quen dùng. Và mặc dù có màn kính chắn gió lớn phía trước, nhưng từ hai bên, ngài vẫn có thể với tới hàng ngàn người đang đứng dọc đường vẫy cờ hoan hô.

Thỉnh thoảng, chiếc xe lại ngừng lại để ngài hỏi han đám đông: đụng tới trẻ em và chúc lành cho những em được nâng lên cho ngài.

Dù vậy, người ta vẫn có cảm tưởng là đoàn xe đi nhanh quá.

Nimal Solis, người đứng đợi nhiều tiếng đồng hồ để được thấy Đức Giáo Hoàng, rất thất vọng khi đoàn xe chạy ngang qua mà không chịu dừng lại. Anh bảo: “Nếu ngài chạy chậm hơn chút nữa có tốt hơn không. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thấy ngài. Đây là dịp may cả đời mới có!”

Tiếng nói từ đám đông

Hàng ngàn người xếp hàng dọc theo đường đoàn xe của Đức Phanxicô chạy qua đưa ra nhiều lý do khiến họ tham dự vào sự phấn khích này. Một số người hy vọng sẽ chấm dứt các chia rẽ tôn giáo và hòa giải xứ sở sau cuộc nội chiến kéo dài hơn 1/4 thế kỷ và mới chỉ chấm dứt năm 2009.

Sau đây là lời của một số người:

Saman Priyankara, 42 tuổi, phát biểu: “Đây là cơ hội tốt để thống nhất xứ sở sau chiến tranh và đem lại với nhau một xã hội bị chia rẽ vì cuộc bầu cử. Nó sẽ đem sức mạnh lại cho tân chính phủ vào lúc chúng ta thoát khỏi nền chuyên chế và tiến lên con đường mới”.

Yasa Alexander, 40 tuổi, cho hay: “Tôi tới đây để thấy một nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới, dù tôi là một người Phật Giáo. Tôi tin sự hòa hợp liên tôn sẽ được tăng cường”.

Ranjit Solis, 60 tuổi, tuyên bố: “Đây giống như thể chính Chúa Giêsu Kitô tới Sri Lanka vậy… Lối sống đơn giản của ngài không phải là trò bịp. Nó là một thách đố đối với chúng ta và phẩm trật Giáo Hội. Tôi nghĩ viễn kiến của ngài phát xuất từ chính Chúa Kitô”.

Trễ giờ

Một số người trong đám đông có thể lẩm bẩm cho rằng đoàn xe của Đức GH Phanxicô chạy nhanh quá hay ngài không chịu dừng lại để hỏi han họ, nhưng thực ra, ngài đã mất khá nhiều thì giờ mới vượt qua được đoạn đường 30 kilô mét từ phi trường Colombo vào thành phố.

Dù đã cấm lưu thông, buổi lễ nghinh đón lâu giờ tại Phi Trường, cộng với những lần ngài dừng lại để hỏi han và chúc lành cho đám đông đứng hai bên đường, đã khiến Đức GH trễ mất cả tiếng đồng hồ so với chương trình.

Thành thử đến trưa, ngài phải bỏ cuộc gặp gỡ với các giám mục Sri Lanka. Người ta mong ngài tái lên chương trình cho buổi gặp gỡ này.

Xét về nhiều mặt, đó là lối hành động của Đức Phanxicô: dành nhiều thì giờ cho người dân thường và ít thì giờ hơn cho các vị vọng trong Giáo Hội, dù việc bãi bỏ này có thể do chính vị giáo hoàng 78 tuổi yêu cầu vì sau một chuyến bay dài, ngài cần nghỉ ngơi dưỡng sức.

Bà Felicitas Ivy Dissanayake, một phụ nữ đã 80 tuổi, đang đứng chờ Đức GH tới, cho hay: “ngài là một vị giáo hoàng thực tế”. Đức Phanxicô là vị giáo hoàng thứ ba bà được gặp tại Sri Lanka. Bà cho rằng “Ngài có sứ mệnh đem hòa bình cho thế giới. Và chúng tôi rất sung sướng được có ngài”.

Trích vội: “Một khúc rẽ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng”

Hội Đồng Hồi Giáo Sri Lanka, đảng chính trị Hồi Giáo chính trong nước, phát biểu trong một tuyên bố về việc cuộc viếng thăm của Đức GH Phanxicô có thể có ảnh hưởng tới các cố gắng của họ nhằm chấm dứt thái độ cuồng tín bài Hồi Giáo, nhất là sau cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

"Chúng tôi hy vọng rằng sự hiện diện, các ý kiến và gương sáng của Đức Giáo Hoàng sẽ giúp biến cơ may chủ chốt trong lịch sử dân chủ của chúng ta này thành khúc rẽ trong cuộc đấu tranh cho bình đẳng, công lý và tự do. Chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ đổi mới cam kết của xã hội ta đối với lòng cảm thương, nền hòa bình và nhân đức”.

Trống phách và ca hát

Các sắc thái tôn giáo của Sri Lanka đã được trình bày sặc sỡ trong cuộc gặp gỡ liên tôn của các tôn giáo chính của đảo quốc. Các tay trống Hevisi cổ truyền đã dựng nền, tiếp theo là các bài ca Phật Giáo, các chúc ca của Ấn Giáo và Hồi Giáo, lời cầu nguyện đại kết của một giám mục Anh Giáo, rồi các diễn văn của một tu sĩ Phật Giáo và của Đức Giáo Hoàng. Khung cảnh thật khác xa với năm 1995 1úc các nhà lãnh đạo Phật Giáo tẩy chay lời mời của Đức Gioan Phaolô II để phản đối lời phê phán của ngài đối với ý niệm cứu rỗi của Phật Giáo.

Để tỏ dấu hiệu thuộc về, Đức Phanxicô đã khoác lên vai tấm áo choàng mầu vàng nghệ. Tấm áo choàng này vốn tượng trưng về văn hóa cho danh dự của người Tamil, nhóm sắc tộc thiểu số phần lớn gồm người Ấn Giáo tại Sri Lanka.

Đại diện Hồi Giáo tại cuộc gặp gỡ, Ông Ash-Sheikh M.F.M Fazil, đã dùng bài diễn văn của ông lên án các vụ tấn công khủng bố mới đây tại Paris. Những người cực đoan dã sử dụng các tôn giáo làm thuẫn che dấu các việc làm đầy tội ác và các dối trá của chúng. Ông nói: “chúng ta cần hiểu biết tín ngưỡng của nhau” và hỗ trợ nhau xây dựng một quốc gia lành mạnh.

Phép lạ nào?

Hôm thứ Tư, khi phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Đức Phanxicô sẽ một lần nữa chứng tỏ rằng ngài không lưu ý bao nhiêu tới các luật lệ rườm rà vốn có trong các qui định của diễn trình phong thánh bình thường tại Vatican. Dù, theo truyền thống, Giáo Hội thường đòi phải có 2 phép lạ mới được phong thánh, nhưng Vatican chưa bao giờ xác nhận phép lạ thứ hai được qui cho việc chuyển cầu của Cha Joseph Vaz, nhà truyền giáo thế kỷ 17 có công phục hồi Đạo Công Giáo thời thực dân Hòa Lan bách hại người Công Giáo. Thay vào đó, Đức Phanxicô đã ký ngay quyết định của bộ phong thánh muốn phong thánh cho chân phúc Vaz. Đức Phanxicô, trước đây, từng làm như thế đối với vị thánh được nhiều biết đến hơn nữa là Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, và là dấu chỉ cho thấy Đức Phanxicô tin chắc rằng tín hữu cần nhiều gương mẫu thánh thiện hơn là diễn trình có tính kỹ thuật, mất thì giờ và tiền bạc để kiểm nghiệm các phép lạ.

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA #2

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ GẶP GỠ 
CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO TÔN GIÁO SRI LANKA



TƯỜNG TRÌNH TỪNG PHÚT CỦA AFP VỀ LỄ TUYÊN THÁNH CHO CHÂN PHƯỚC JOSEPH VAZ

Các tín hữu bắt đầu xếp hàng từ hôm qua để tham dự buổi lễ ngoài trời tại Galle Face Green. Hàng ngàn người cắm lều qua đêm mong được thoáng thấy vị giáo hoàng đầu tiên tới đảo quốc trong hai thập niên.

02 giờ 30 GMT: Thánh Lễ của Đức GH tại Sri Lanka: Tường trình trực tiếp – Chào Mừng mọi người tham dự tường trình trực tiếp của AFP về chuyến viếng thăm Sri Lanka của Đức GH Phanxicô. Người ta tiên đoán có ít nhất 1 triệu tín hữu sẽ tham dự thánh lễ của Đức Giáo Hoàng tại bãi biển ở thủ đô Colombo.

02 giờ 41 GMT: Hàng ngàn tín hữu -- Nhiếp ảnh viên Lakruwan Wanniarrachi, người Sri Lanka, của AFP, nói rằng anh chưa bao giờ thấy một đám đông lớn như thế tại Galle Face Green khi hàng ngàn người kéo nhau tới để chào mừng Đức GH Phanxicô.

02:45 GMT - - Đức GH tới -- Đức GH Phanxicô được lái quanh Galle Face Green, có Đức HY người Sri Lanka, Malcom Ranjith, tháp tùng. Cảnh sát đã tạo thành một hàng rào người để đẩy lui hàng chục ngàn người vốn ngủ qua đêm tại đây khi họ cố gắng tới gần lộ trình xe đi của Đức GH.

02:47 GMT - - Các vị giám mục Sri Lanka - - Sau khi tới đây, vị giáo hoàng 78 tuổi đã hủy bỏ một cuộc gặp gỡ từng được dự trù với các vị giám mục Sri Lanka. Một nhân viên an ninh cho hay ngài “kiệt sức” sau một hành trình dài từ phi trường dưới sức nắng chang chang.

Du hành trong một chiếc xe mui trần, không có gì che nắng, Đức GH đã mất hơn một tiếng đồng hồ mới vào được thành phố từ phi trường trên những con đường chật ních người hoan hô.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, ngày hôm qua, nói với giới truyền thông rằng cuộc gặp gỡ các vị giám mục đã bị hủy bỏ vì Đức Giáo Hoàng đến trễ từ phi trường.

Nhưng một nguồn tin từ các nhân viên lo an ninh cho biết ngài “kiệt sức” sau cuộc di chuyển.

02:49 GMT - - Người khuyết tật - - nhiếp ảnh viên của AFP, Lakruwan Wanniarachchi, cho biết hàng chục đàn ông, đàn bà và trẻ em ngồi xe lăn đang được trợ giúp tới gần bàn thờ nơi Đức GH sẽ cử hành thánh lễ.

02:52 GMT - - Đoàn rước - - Đoàn rước gồm các Hồng Y, giám mục, linh mục và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác bắt đầu tiến về bàn thờ chính nơi Đức GH sẽ cử hành thánh lễ và chủ tọa lễ phong thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Joseph Vaz.

02:54 GMT - - Hôn bàn thờ - - Đức GH Phanxicô hôn bàn thờ để khởi đầu thánh lễ và hiện đang xông hương bàn thờ và tượng Đức Mẹ.

02:57 GMT - - Vị thánh đầu tiên - - Thánh lễ hôm nay sẽ chứng kiến việc phong hiển thánh cho vị thánh đầu tiên của Sri Lanka, Joseph Vaz, nhà truyền giáo thế kỷ 17, xuất thân từ Goa, có công phục hồi Giáo Hội CG tại đảo quốc thời thực dân Hòa Lan bách hại đạo.

Thánh Vaz tới Sri Lanka năm 1687 để phục vụ số tín hữu tứ tán sau khi thực dân Hòa Lan, những người chiếm các khu vực duyên hải của đảo quốc từ tay người Bồ Đào Nha, bắt đầu bách hại người Công Giáo vì sợ họ trung thành với các nhà cai trị trước đây.

Ngài đi hết làng này tới làng nọ, phục vụ người Công Giáo, cả Tamil lẫn Sinhalese thuộc phe đa số.

Ngài phải cải trang thành người hành khất vì người Hòa Lan cấm các linh mục không được ở trên đảo quốc. Ngài ngồi tù nhiều năm vì việc tông đồ của mình.

Tới lúc qua đời vào năm 1711, ngài đã tái thiết được Giáo Hội Công Giáo, được tước hiệu “Tông Đồ Sri Lanka”.

Ngài cũng có công chăm sóc các nạn nhân bệnh đậu mùa bị chính các gia đình họ bỏ rơi vì sợ bị lây.

02:59 GMT - - Các ca khúc ngợi khen - - Các ca viên mặc áo dài không tay mầu lam và trắng cất cao lời ca phụ họa Đức Giáo Hoàng trong lúc ngài cử hành thánh lễ. Trong đám đông, tín hữu cầm sách xem lễ, tràng hạt mân côi, sách kinh và hình Đức Giáo Hoàng.

03:03 GMT - - Các nhà lãnh đạo tôn giáo - - Hôm qua, Đức Giáo Hoàng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Phật Giáo, Ấn Giáo và Hồi Giáo và thúc giục họ làm việc với nhau cho việc hoà giải; ngài cho hay tôn giáo không bao giờ được làm cớ cho bạo lực.

Các huy hiệu của Đức GH Phanxicô và các đồ kỷ niệm về tôn giáo khác được bày bán trong một cửa tiệm Công Giáo tại Colombo.

Chỉ có khoảng 6% tổng số 21 triệu người Sri Lanka theo Công Giáo, nhưng tôn giáo này được coi là một lực lượng hợp nhất vì bao gồm cả người Tamil lẫn người Sinhalese.

03:06 GMT - - Ngày nghỉ của cả nước - - Sri Lanka đã công bố hôm nay là ngày nghỉ toàn quốc để vinh danh cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng, và để nhiều người tham dự thánh lễ.

03:16 GMT - - Kiệt sức - - Theo dõi buổi lễ, nhà báo quay video của AFP, Charlotte Turner, cho hay “kiệt sức đã xuất hiện nơi một nhóm nam sinh từng thức khuya nhiều giờ. Nhiều em hiện đang co cụm với nhau trên nền cát cố đánh tan cơn buồn ngủ và che mặt khỏi cơn nắng chói chang”

03:19 GMT - - Phúc âm - - Phúc Âm và sách thánh được rước lên bàn thờ.

03:28 GMT - - Tổng Giám Mục Colombo - - Trong số các sứ điệp chào kính Đức GH tới Sri Lanka là của TGM Colombo, Đức HY Malcolm Ranjith.

"Thực là niềm vui lớn cho con được đón tiếp và chào kính Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Giáo Hoàng của dân chúng, tới Hòn Ngọc nhỏ bé Ấn Độ Dương, đất nước Sri Lanka yêu quí của chúng con. Cuộc viếng thăm của Đức GH Phanxicô, người trong một thời gian ngắn đã chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim thế giới trong tư cách Tôi Trung đầy cảm thương, khiêm nhường, yêu hòa bình của Thiên Chúa, giống như có được Sứ Giả đặc biệt của Hoàng Tử Hòa Bình, tức Chúa Giêsu Kitô, ở giữa chúng con.

"Chúng con là một quốc gia từng chịu đau đớn rất nhiều trong 30 năm trường, mất mát nhiều mạng sống vô tội từ trẻ chưa sinh tới cụ cao niên, bất phân sắc tộc, đẳng cấp, tín ngưỡng hay vị thế xã hội chỉ vì các hành vi khủng bố. Chiến tranh bằng vũ khí đã qua đi… và nay, cuộc chiến tái thiết, hòa giải các cuộc đời từng trực tiếp hay gián tiếp chịu hậu quả của tranh chấp đang bắt đầu, cùng một lúc. Bởi thế, quả là điều hết sức may mắn vào ngay thờii điê3m này, Đức GH Phanxicô … đã ban phúc cho chúng con bằng sự hiện diện của ngài tại Sri Lanka”.

03:33 GMT - - Các bài đọc - - Các bài đọc và lời nguyện giáo dân được thực hiện bằng tiếng Latinh, tiếng Sinhalese và tiếng Anh.

03:36 GMT - - An ninh - - Cung cấp an ninh chặt chẽ cho thánh lễ của Đức Giáo Hoàng là khoảng 21,000 cảnh sát được triển khai khắp địa điểm hành lễ Galle Face Green.

03:39 GMT - - Hình người thân - - Trong số tín hữu tham dự thánh lễ, nhiều người ôm hình ảnh người thân yêu của mình không thể tham dự như mình, trong số đó có bà Srimathi Fernando, 54 tuổi, mà người chồng đang dưỡng bệnh sau một cơn nhồi máu cơ tim.
Bà nói: “Tôi tới đây sớm, chiếm một chỗ ở phía trước để có thể giơ tấm hình này lên cho Đức Thánh Cha trông thấy và để ngài chúc lành cho chồng tôi”.

03:42 GMT - - Bài giảng của Đức Giáo Hoàng - - Giờ đây, Đức Giáo Hoàng đang giảng, nêu cao công trình của Thánh Joseph Vaz, người mà ngài gọi là “dấu chỉ mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa dành cho Sri Lanka…”

03:45 GMT - - Sứ điệp hòa giải - - Đức Giáo Hoàng nói: “chúng ta cũng thấy nơi ngài (Thánh Vaz) một thách thức phải duy trì trên con đường Tin Mừng” ngõ hầu theo gương “sứ điệp hoà giải mà ngài từng hiến trọn đời cho”.

03:47 GMT - - Hàn gắn vết thương - - Lời lẽ của Đức Giáo Hoàng làm mủi lòng người dân Sri Lanka, những người vẫn đang cố gắng hàn gắn các vết thương của cuộc tranh chấp kéo dài 37 năm giữa lực lượng chính phủ và quân ly khai Tamil.

03:49 GMT - - Nhân danh hòa bình - - Đức GH Phanxicô nói rằng Thánh Joseph Vaz “chỉ cho ta thấy tầm quan trọng của của việc vượt qua các chia rẽ tôn giáo nhân danh hòa bình”.

03:53 GMT - - Tôn trọng - - Trong bài giảng của ngài, Đức Giáo Hoàng thúc giục người Công Giáo Sri Lanka làm việc với người thuộc các tôn giáo khác và cư xử với người thuộc các tín ngưỡng khác một cách “kính trọng” và “nhậy cảm”.

03:55 GMT - - Những người hành hương - - Sunil Perera, 62 tuổi, nói với AFP rằng ông ngồi xe buýt 7 tiếng đồng hồ để hướng dẫn 60 người CG hành hương, từ căn làng của họ ở Embilipitiya thuộc sâu phía Nam để tham dự thánh lễ của Đức GH.

03:58 GMT - - Đức GH Gioan Phaolô II - - Cuộc thăm viếng Sri Lanka đầu tiên của một vị giáo hoàng diễn ra năm 1970, khi Đức Phaolô VI dừng chân tại phi trường để gặp gợ tín hữu.

Đức GH Gioan Phaolô II viếng đảo này năm 1995, lôi cuốn hàng trăm ngàn người tới thánh lễ ở bờ biển Colombo.

04:01 GMT - - Phiên dịch - - Bài giảng của Đức Giáo Hoàng bằng Anh Ngữ đã được phiên dịch sang tiếng Sinhala và Tamil.

04:03 GMT - - Những nhà truyền giáo đầu tiên - - Kitô Giáo tới Sri Lanka lần đầu qua các thương nhân Ba Tư thế kỷ thứ 6, họ xây dựng ngôi thánh đường đầu tiên trên đảo. Nhưng phải gần một ngàn năm sau, tức vào năm 1505, với người Bồ Đào Nha, tôn giáo này mới bắt đầu phát triển.

Trong hơn một thế kỷ sau, các nhà truyền truyền bá Đạo Công Giáo dọc miền duyên hải, nơi đức tin vẫn còn rất mạnh cho tới nay.

04:04 GMT - - Chia rẽ tôn giáo - - Trong một nước Sri Lanka chia rẽ về tôn giáo, nơi chỉ có 6% dân số là Công Giáo, lời lẽ của Đức GH cho rằng Thánh Joseph Vaz “giống chúng ta… từng sống trong một thời kỳ biến chuyển nhanh chóng và sâu sắc” khi “người Công Giáo chỉ là thiều số và thường chia rẽ” và phải chịu “thù nghịch đôi khi và thậm chí bách hại nữa”, sẽ vang lên như một chân lý đối với nhiều người ở đất nước này ngày nay.

04:13 GMT - - Tự do tôn giáo - - Trong sứ điệp của ngài gửi nhân dân Sri Lanka, Đức GH Phanxicô một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của ngài rằng “tự do tôn giáo là một quyền căn bản”.

Ngài nói với đám đông tín hữu tại Colombo rằng mọi người phải được tự do phát biểu các xác tín tôn giáo của mình, “thoát khỏi mọi đe dọa và cưỡng bức bên ngoài”.

04:18 GMT - - Tượng Thánh - - Một bức tượng lớn của vị Thánh đầu tiên của Sri Lanka, Thánh Joseph Vaz, tay cầm tượng chịu nạn, đã được đặt lên chỗ cao tại cung thánh gần bàn thờ của Đức Giáo Hoàng.

04:21 GMT - - Mầu sắc chính trị - - Dù lời kêu gọi hòa giải của Đức GH trong thánh lễ rất có thể có âm hưởng chính trị đối với nhiều người Sri Lanka, là những người vừa kinh qua một cuộc bầu cử, trong đó tổng thống lâu đời Mahinda Rajapakse bị Đánh bại bởi người thách thức Maithripala Sirisena, nhưng chính Đức Giáo Hoàng nói rất rõ: mục iêu chuyến đi của ngài hoàn toàn có tính cách mục vụ.

Gần tới ngày thăm viếng, Giáo Hội đã phát hành bản tuyên bố thúc giục “mọi nhóm chính trị hạn chế việc sử dụng Đức Thánh Cha cũng như chuyến viếng thăm Sri Lanka của ngài cho chiến dịch chính trị trong cuộc bầu cử tổng thống” sau khi có báo cáo là hình ảnh của Đức GH Phanxicô đã được sử dụng trong chiến dịch.

04:29 GMT - - Dấu Bình An - - Đức GH hướng dẫn cộng đoàn trao dấu bình an cho nhau. Ca đoàn hát khúc Agnus Dei trong khi giáo dân quay qua người chung quanh để vừa ôm hôn hay bắt tay vừa nói “chúc bạn bình an”.

04:38 GMT - - Hiệp Lễ - - Hàng trăm linh mục dưới các dù mầu trắng đang tới các địa điểm quanh Galle Face Green để phân phát Thánh Thể co hàng trăm ngàn người tham dự thánh lễ. Phân phối Thánh Thể cho số lượng người này quả là một việc lớn lao.

04:43 GMT - - Dù che - - Sau gần một giờ rưỡi của Thánh Lễ, và nhiều giờ trước đó đứng đợi Đức GH tới, nhiều người trong đám đông đã phải mở dù ra để che cái nắng chói chang của Sri Lanka.

05:05 GMT - - “ Hòn Ngọc Nhỏ Ấn Độ Dương” - - Đức HY Malcolm Ranjith của Colombo đọc diễn văn chào mừng Đức GH, chào mừng vị “giáo hoàng của dân” tới “hòn ngọc nhỏ của Ấn Độ Dương, Sri Lanka yêu quí của chúng con”.

05:07 GMT - - Đoàn rước kết thúc - - Đức Giáo Hoàng dẫn đầu các giáo sĩ trong một đoàn rước sau cùng từ bàn thờ khi thánh lễ đến hồi kết thúc, sau khi ban phép lành cuối cùng cho cộng đoàn tín hữu và tiếp nhận tiền quyên góp cho hoạt động bác ái của Giáo Hội.

05:09 GMT - - Thúc đẩy Á Châu - - Chuyến viếng thăm Á Châu mới nhất của Đức GH diễn ra ở thời điểm khi Giáo Hội đang tập chú vào khối dân Công Giáo đang lớn mạnh trong vùng.

Hai người Ấn Độ có tên trong số 6 vị thánh mới được xướng danh hồi tháng Mười Một trong một thánh lễ long trọng tại Quảng Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, trong khi ấy, trong cuộc tông du Nam Hàn, 5 tháng trước đó, Đức GH đã phong chân phúc cho 124 vị tử đạo, trong đó có vị linh mục đầu tiên của Đại Hàn, Andrew Kim Taegon.

05:12 GMT - - Niềm tự hào của Goa - - Cuối Thánh Lễ, gọi Thánh Joseph Vaz là “một hồng ân”, Đức HY Malcolm Ranjith của Colombo nói tới việc vị thánh mới là “niềm tự hào của Goa… viên ngọc quí của Thiên Chúa dành cho Sri Lanka” như thế nào.

Ngài cám ơn Goa vì “quà phúc đứa con trai của qúi vị” và nhắc đến việc nhiều người Công Giáo Ấn từ Goa tới Sri Lanka tham dự lễ phong thánh cho đứa con trai này.

05:22 GMT - - Nhà thờ trong rừng - - Giờ đây, Thánh Lễ đã kết thúc, Đức GH sẽ tới một nhà thờ nhỏ ở trong rừng, nơi vốn là trận tiền của cuộc tranh chấp giữa lực lượng chính phủ và quân du kích muốn thành lập một quê hương riêng cho người Tamil thiểu số của đất nước.

Nhà thờ Đức Mẹ Madhu ở miền bắc đa số là người Tamil từng cung cấp sào huyệt trong thời chiến, nhưng nay là địa điểm hành hương của Kitô hữu thuộc mọi xu hướng.

05:31 GMT - - Vẫy cờ - - Trẻ em, nhiều em vẫy cờ có hình Đức GH, được nhìn thấy trên vai người lớn, nhờ thế các em có thể thấy đoàn người khổng lồ đang rồng rắn luợn quanh bờ biển thủ đô.

Trẻ già đều đã tới đây từ khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước gồm 20 triệu người này để thấy vị “giáo hoàng của dân” giảng dạy về hòa bình và hòa giải tại một đất nước tan hoang vì chiến tranh, bao gồm cả những người Tamil thiểu số.

05:33 GMT - - Cử chỉ vĩ đại - - Cinnamon Grand, một trong các khách sạn hạng nhất trong nước, tọa lạc không xa Galle Face Green, đã mời khách hành hương dùng nước ngọt miễn phí khi họ từ thánh lễ ra về.

Trước đó vào buổi sáng, cũng khách sạn này đã mời khách hành hương dùng cà phê miễn phí khi họ chờ gặp Đức GH cả đêm.
Một nhân viên của khách sạn cho AFP hay anh chưa bao giờ thấy một đám đông lớn như thế này ở trong vùng.

Vũ Van An
(VietCatholic News)

COLOMBO, SRI LANKA - NGÀY HỘI LỚN

SRI LANKA - Trong đêm thứ Ba hôm trước, cho dù bận rộn trong việc đón tiếp ĐGH Phanxicô và đoàn tháp tùng, ĐTGM Pierre cũng sắp xếp cho chúng tôi có được một bữa ăn tối thân tình với linh mục Elvero Saenz đến từ Costa Rica nơi Đức Tổng Pierre làm Sứ Thần Tòa Thánh trước khi đến Đảo Quốc Sri Lanka. Trong dịp nầy chúng tôi may mắn gặp được chị Mai là cháu ruột của Đức Tổng gọi ngài là 'Chú Chín' và người chồng là anh Hoan. Cùng tháp tùng với anh chị chúng tôi còn biết thêm chị Loan là Hội Trưởng Hội Hiền Mẫu họ đạo Búng, Lái Thiêu, Địa Phận Phú Cường và anh Nghiệp cùng đồng hành. Họ là những người rất gần gũi bà con với Đức Tổng và là những người Việt Nam duy nhất chúng tôi gặp trong chuyến đi Sri Lanka nầy. 

Theo chúng tôi được biết là đêm nay họ sẽ rời Colombo để bay về Việt Nam mang theo nhiều kỷ niệm đẹp của chuyến đi Colombo. Đêm qua trong bữa ăn thịnh soạn, chúng tôi chỉ thấy tội nghiệp một điều là Nhà Hàng dọn những thực phẩm gần như thuần túy Tích Lan với hương vị ‘Cay-Cari’ thật tuyệt vời, cùng với những nhân viên phục vụ lịch lãm, nhưng họ lại không quen ‘mùi Tích Lan’ nên không ăn được nhiều, chúng tôi phải ăn thế cho họ… một cách ngon lành….

Theo như Đức Tổng Pierre cho họ biết là sẽ có vài linh mục Việt Nam từ Úc qua cho nên khi gặp chúng tôi, họ rất vui vẻ vì đây là ngày duy nhất được gặp người Việt ở Colombo và chuyện trò bằng ngôn ngữ Mẹ Việt Nam. Đức TGM Pierre sắp xếp chỗ ăn ở cho những người thân ở trọ nhà Ông Bà Siri Fernando. Theo chúng tôi được biết 2 Ông Bà nầy là những người rất bình dân giản dị, không mang một chức vụ gì trong Nhà Khâm Sứ nhưng lại là những người nhiệt tình giúp đỡ Đức Tổng Pierre trong nhiều việc khi ngài cần giúp. Cũng chính Ông Bà Fernando đã giúp chúng tôi gặp gia đình những người thân của Đức Tổng trong dịp nầy và đã sắp xếp bữa ăn tối hôm qua. Vỏn vẹn chi có 8 thực khách, kể luôn 2 Ông Bà Fernando. 

Sáng hôm nay - thứ Tư 14.1 - theo lời hướng dẫn của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh, Tổng Giám Mục Pierre Nguyễn văn Tốt tại Sri Lanka gởi cho chúng tôi, ngài sẽ cho xe đến đón chúng tôi từ khách sạn lúc 4.00am sáng và đưa chúng tôi đến St Joseph College - khoảng 4 cây số tính từ khách sạn chỗ chúng tôi tạm trú - và từ nơi đây xe bus sẽ chở chúng tôi đến Galle Face Green Garden tham dự - đồng tế trong thánh lễ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành lúc 8.30am. Tất cả Linh Mục Tu Sĩ Nam Nữ trong toàn cả nước Tích Lan hay đến từ những quốc gia khác đều phải tập trung về địa điểm nầy để xe Bus đưa đến địa điểm hành lễ hôm nay. 

Khi phái đoàn chúng tôi đến St Joseph College thi đã thấy rất đông tu sĩ linh mục đã đến đó sớm trước chúng tôi từ lúc nào. Chúng tôi xếp hàng vào bên trong sân trường và mỗi người nhận một hộp đồ ăn sáng và một chai nước suối. Những ai muốn uống cà phê hay trà thì tự động phục vụ ở một vài điểm trong khu vực nhà trường. Tuy đơn sơ nhưng cũng rất chu đáo vì có những thiện nguyện viên hướng dẫn hết sức tận tình và hiếu khách.

Sau khi nhận phần ăn, phái đoàn chúng tôi đến hội trường của St Joseph để nhận Pass vào đồng tế với ĐTC Phanxicô hôm nay. Sau khi đã nhận Pass của cá nhân chúng tôi lại phải xếp hàng qua ‘Ải An Ninh’ trước khi lên xe Bus đưa đến địa điểm hành lễ. Khi đến nơi đây - Galle Face Green Colombo - một phong cảnh tuyệt vời nằm ngay bờ biển, chúng tôi mới thấy ‘Người Ơi Là Người’. Tối hôm qua chúng tôi đã đến nơi đây ăn tối cũng trên bờ biển gần nơi hành lễ hôm nay.

Ngồi viết lại ‘Colombo, Sri Lanka - Ngày Hội Lớn’, theo như chúng tôi thầm nghĩ, nếu như ‘Ngày Hội Lớn’ nầy được tổ chức tại Quê Hương Việt Nam, có lẽ sẽ KHÔNG thể thiếu ‘Đêm Canh Thức - Đêm Diễn Nguyện’. hoặc trước thánh lễ Phong Thánh Chân Phước Joseph Vaz sẽ có phần diễn nguyện về cuộc đời của thánh nhân hoặc có thể thêm phần phụng vụ thánh nhạc tạm gọi cách bình dân ‘các tiết mục phụ diễn '. thì tuyệt vời trong lúc chờ đợi ĐTC đến dâng lễ. Vì cả mấy trăm ngàn người tiến vào nơi hành lễ trước lúc khai mạc có khi phải chờ 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ.

Cảm nghĩ nếu như ở Việt Nam thì sẽ có thêm…. phần nầy phần nọ…. nhưng khi về đến khách sạn mới thêm suy nghĩ khi nhìn thấy cảnh trăm trăm ngàn ngàn người chen chúc chờ nhau cạnh những ‘toilets dả chiến’ ở bên đường….không thể đủ cho hằng mấy trăm ngàn người từ những làng mạc xa xôi nghèo đến thành phố đêm hôm trước rồi nếu ở lại cho đến hôm nay… 

Bên những con đường dẫn vào nơi hành lễ, chúng tôi chỉ thấy vài kiosks bán đồ ăn ‘Food To Go - Take Away’ làm sao giải quyết nổi cho mấy trăm ngàn người như hôm nay?? Gia đình nghèo từ làng ra thành phố mà có đủ tiền trả xe Bus là quá lắm rồi. Nếu như họ đem theo thức ăn cho gia đình hay cá nhân trong những bọc nhựa, goi trong nhung tờ lá chuối hay túi vải, giỏ mây làm sao giữ được cho đến hôm sau? Nước sạch để uống? Nơi chỗ để vệ sinh cho ‘bằng ấy vạn vạn người’ cho đêm hôm qua và sáng hôm nay trước khi ĐTC đến. Chỉ mới nghĩ đến bằng ấy thì đã thấy ‘sây sẩm mặt mài rồi’.

Sau khi đã suy nghĩ lại….. và viết đến đây mới cảm thấy ‘THƯƠNG-CẢM PHỤC’ Giáo Hội Sri Lanka… người Mẹ đã cưu mang con cái trong nội chiến điêu tàn gần một phần tư thế kỷ vẫn kiên cường đồng hành trong thiếu thốn nghèo đói của con cái trong quê hương nội chiến và do chiến tranh đã ‘để và đem lại’.

Nhưng phải chân thật nhìn nhận rằng Giáo Hội Sri Lanka tổ chức khá chu đáo việc đón tiếp ĐTC Phanxicô đến Quốc Đảo nầy. Không có gì đáng tiếc xảy ra như sự lo âu của nhiều người và đặc biệt thánh lễ hôm nay đã diễn ra trong trật tự trang nghiêm sốt sắng đúng tinh thần Phụng Vụ-Thánh Nhạc trong Lễ Nghi Phong Thánh cho Chân Phước Joseph Vaz. 

Chúng ta cùng với hơn 20 triệu dân trên ‘Hòn Ngọc Của Ấn Độ Dương - Sri Lanka’ như lời cám ơn của Đại Diện Giáo Hội Sri Lanka dâng lên Đức Thánh Cha trước khi ĐTC Phanxicô ban phép lành, tâm tình Tạ Ơn Thiên Chúa. Xin Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Vị Thánh TIÊN KHỞI của ‘Hòn Ngọc Ấn Độ Dương’ phù hộ cho Đảo Quốc nầy, để rồi Giáo Hội Công Giáo sẽ cùng với những Tôn Giáo Bạn như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Kitô Giáo… cùng góp một bàn tay xây dựng lại đất nước sau hơn một phần tư thế kỷ nội chiến. Chính vì thế mà cuộc tông du của ĐTC Phanxicô tuy ngắn ngủi nhưng hàm chứa một ý nghĩa Đại Kết Tình Liên Đới Giữa Các Tôn Giáo để xây dựng lại quê hương đất nước Sri Lanka - Tích Lan nầy.

Vì thế, như Vietcatholic đã đăng lời giải thích của Đức Thánh Cha lý do duy nhất của chuyến tông du của ngài, chúng tôi xin mượn lại để thay lời kết cho bài ‘Sri Lanka - Ngày Hội Lớn’.

“Để giúp một quốc gia bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến hơn một phần tư thế kỷ xây dựng lại và lấy lại sự bình an.” Câu nói này làm nhiều người cảm động bất kể là Phật tử, tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Kitô”.


Nhóm Phóng Viên
Vietcatholic.net
Colombo, ngày 14.1.2015
(VietCatholic News)

Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #4

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ 
VIẾNG ĐỀN THÁNH ĐỨC MẸ MÂN CÔI 
TẠI MADHU, SRI LANKA

Bắt đầu lúc 15g15 giờ địa phương (16g45 giờ Việt Nam)
Thứ Tư ngày 14.01.2015




HỒNG Y LÀ AI?

Tìm hiểu Hồng Y Đoàn của Giáo hội Công giáo: 
Hồng Y là ai?
 
 Tiếng Việt dịch là Hồng Y (dịch theo mầu của y phục: Hồng = mầu đỏ, mầu hồng - Y = áo), vì không có danh từ xứng hợp để dịch sát nghĩa của danh từ Latinh: "Cardinalis" (bởi cardo, cardinis, có nghĩa là yếu tố thuộc bản chất, yếu tố then chốt, là nền tảng, là cột trụ...). Danh từ Cardinal (cardinalis) được dùng để gọi các vị Giáo sĩ cấp cao nhất trong Giáo hội công giáo, sau Ðức Giáo Hoàng. Các ngài là thành viên của một Viện, được gọi là Viện Hồng Y. Các ngài là những Cố vấn trực tiếp và Cộng tác đắc lực của Ðức Thánh Cha trong việc quản trị Giáo hội hoàn cầu.

Bộ Giáo luật mới (công bố năm 1983) dành cả chương ba, quyển thứ hai, gồm 11 khoản để nói về các Vị Hồng Y.
 
Trước hết, các ngài là những "đại cử tri và cử tri duy nhất", có nhiệm vụ bầu Giáo Hoàng mới. Ngoài nhiệm vụ bầu Giáo Hoàng mới, các ngài là những người cộng tác gần gũi nhất của Ðức Thánh Cha; cộng tác cách tập đoàn hay cá nhân, trong việc quản trị Giáo hội.
 
Tất cả các vị Hồng Y trên khắp thế giới hợp thành Viện Hồng Y, do một vị Hồng Y niên trưởng đứng đầu (unus inter pares), nhưng không có quyền gì riêng trên các bạn đồng nghiệp. Nếu khuyết Vị niên trưởng, thì vị phó niên trưởng đứng đầu. Khi khuyết Vị Niên trưởng và phó niên trưởng, thì vị cao niên nhất trong số các Hồng Y Giám mục triệu tập các vị Hồng Y giám mục, để bầu Vị niên trưởng và sau đó trình lên Ðức Thánh Cha. Vị niên trưởng và phó niên trưởng bắt buộc phải ở Roma.
 
Các Hồng Y được chia thành ba bậc: bậc Hồng Y Giám mục (tức là các vị Hồng Y có một tước hiệu của một trong bẩy Giáo phận chung quanh Roma (Ostia - Palestrina - Albano - Frascati - Porto Santa Rufina - Sabina Poggio Mirteto và Velletri Segni). Hồng Y niên trưởng luôn luôn giữ tước hiệu Giáo phận Ostia, và một giáo phận khác cũng chung quanh Roma, nếu ngài đã có trước. Bậc thứ hai là bậc Hồng Y Linh mục (đại đa số là các vị đứng đầu các giáo phận trên thế giới) - Bậc thứ ba là bậc Hồng Y Phó Tế (hầu hết là các vị đứng đầu một cơ quan Tòa Thánh thuộc Giáo Triều và ở Roma). Các vị thuộc bậc Hồng Y Phó Tế có thể chuyển sang bậc Hồng Y Linh mục, sau 10 năm ở bậc Hồng Y Phó Tế. Một khi đã chuyển lên bậc Hồng Y Linh mục, thì cũng đổi cả tước hiệu nhà thờ và có quyền ưu tiên trên các Hồng Y Linh mục, được bổ nhiệm làm Hồng Y sau mình.
 
Việc phân biệt giữa ba bậc hồng y là một truyền thống từ lâu đời và ám chỉ ba Thừa tác vụ của Chức Thánh trong Giáo hội: Giám mục, Linh mục và Phó Tế, thực ra không có sự khác biệt nào giữa các ngài. Tất cả các Hồng Y, theo quyết định của ÐTC Gioan XXIII (trong thời kỳ Công đồng chung Vatican II), đều phải có Chức Giám mục. Nhưng có một số Linh mục, sau khi được bổ nhiệm làm Hồng Y, đã xin Ðức Thánh Cha miễn lãnh Chức Giám mục - Ðây là luật trừ. Hầu hết các vị này là những vị cao niên, như linh mục thần học gia Ives Congar Dòng Ða minh, Linh Mục Paolo Dezza, Dòng Tên (cả hai đã qua đời), hoặc Linh Mục Roberto Tucci, Dòng Tên, được tấn phong Hồng Y vào ngày 21 tháng 2/2001.
 
Quyền bổ nhiệm Hồng Y là quyền tuyệt đối và hoàn toàn tự do của Ðức Thánh Cha. Các vị được lựa chọn cần có những điều kiện sau đây: sự thông thạo Giáo lý - lòng đạo đức - đời sống thánh thiện - khôn ngoan trong việc quản trị, quân bình trong phê phán, có công lớn trong Giáo hội, cách riêng lòng trung thành với Giáo hội. Các vị này đã thực hiện, hoặc trước hoặc sau khi làm Hồng Y, lời căn dặn của ÐTC khi ngài trao mũ đỏ cho từng vị: "usque ad sanguinis effusionem: sống trung thành cho đến phải hy sinh đổ máu", xứng đáng với danh từ Cardinal (cột trụ, nền tảng của đức tin và của lòng trung thành).
 
Về việc bổ nhiệm Hồng Y, Ðức Thánh Cha có thể làm bằng hai thể thức: Công khai tuyên bố danh sách - trường hợp thông thường - hoặc giữ kín tên vị được bổ nhiệm (in pectore), vì hoàn cảnh chưa cho phép tiết lộ, như trường hợp ÐHY Kung Pin-mei (Trung quốc), được bổ nhiệm năm 1979, nhưng chỉ có thể công bố năm 1991, lúc ngài được trả tự do và ra khỏi nước.
 
Ðức Thánh Cha triệu tập Công Nghị Hồng Y (Consistorium) khi nào ngài nghĩ là cần thiết. Có hai loại: Công Nghị Hồng Y mật (chỉ có Ðức Thánh Cha và các Hồng Y mà thôi) và Công Nghị Hồng Y công khai, nghĩa là có sự tham dự của các Giám mục, Linh mục, Giáo dân hoặc đại diện Quyền đời. Ðức Thánh Cha có thể triệu tập các Vị Hồng Y hiện diện ở Roma (thí dụ: các Hội nghị Hồng Y để Phong Chân Phước và Hiển Thánh) - hoặc tất cả các Hồng Y trên thế giới, để thảo luận về các vấn đề rất quan trọng liên hệ đến đời sống Giáo hội, thí dụ Công Nghị Hồng Y để quyết định về Ðại Toàn xá năm 2000.
Khoản Giáo luật 354 ấn định như sau: Các Vị Hồng Y giữ những chức vụ trong Giáo Triều Roma hay trong Thành phố Vatican được mời gọi đệ đơn từ chức lên Ðức Thánh Cha, lúc đầy 75 tuổi, và chờ đợi sự quyết định của ngài.

Giáo luật cũng ấn định Vị Hồng Y đứng đầu các Hồng Y Phó Tế có nhiệm vụ loan báo cho dân chúng chờ đợi tại Quảng Trường Thánh Phêrô tên của Vị được bầu làm Giáo Hoàng. Cách đây hơn 22 năm, Ðức Hồng Pericle Felici, cựu Tổng thư ký Công đồng chung Vatican II, đã được hân hạnh loan báo tên Vị Giáo Hoàng mới: Ðức Karol Wojtyla, TGM giáo phận Cracovia (Ba lan), được chọn làm Vị Kế nghiệp Phêrô, nhận tên hiệu là GIOAN PHAOLO ÐỆ NHỊ.
 
Vì là những người cộng tác của Ðức Thánh Cha, các Hồng Y bắt buộc phải ở Roma, nếu không phải là Giám mục coi sóc một Giáo phận. Các vị coi sóc các giáo phận rải rắc trên thế giới phải đến Roma, mỗi khi Ðức Thánh Cha triệu tập. Sau khi được bổ nhiệm làm Hồng Y, các ngài tức khắc thuộc Hàng Giáo sĩ Roma, trở thành Công dân Vatican. Vì thế, mỗi vị (Hồng Y Giám mục, Linh mục và Phó Tế) đều có tước hiệu của một nhà thờ trong Thành Roma, do Ðức Thánh Cha chỉ định. Sau khi đã được tấn phong, mỗi Hồng Y có thể nhận nhà thờ tước hiệu của mình lúc nào, tùy các ngài.
 
Sau cùng, Giáo luật ấn định: trong khi trống ngôi Giáo Hoàng (sede vacante), Viện Hồng Y (hay Hồng Y Ðoàn) lãnh nhận quyền quản trị tạm công việc trong Giáo hội, theo luật lệ riêng. Việc quan trọng hơn cả là triệu tập các Hồng Y trên cả thế giới về Roma, để họp Mật Viện (Conclave), để bầu Giáo Hoàng mới. Trong thời gian bầu Giáo Hoàng, các ngài phải cầu nguyện, ăn chay, để xin ơn Chúa Thánh Thần, và thề hứa: hoàn toàn tự do theo tiếng lương tâm và ơn Chúa soi sáng, chọn vị mà "tôi nghĩ là xứng đáng hơn cả". Trong thế kỷ vừa qua, việc bầu Giáo Hoàng vẫn diễn ra tại Nhà Nguyện Sixtine, trong Nội Thành Vatican. Vị đắc cử phải được 2/3 số phiếu của các Vị hiện diện. Lúc này chưa phải là lúc bàn đến thể thức bầu Giáo Hoàng.

Theo vietcatholic.org.tw
 
(gpphanthiet.com)

MỘT NGÀY TRÊN ĐẢO QUỐC SRI LANKA

Một Ngày Trên Đảo Quốc Colombo - Sri Lanka (nước Tích Lan)

Hình ảnh đường phố Sri Lanka chào đón Đức Thánh Cha
Chiều thứ hai 12.1 chúng tôi rời Úc lên đường bay sang Colombo, Tích Lan (Sri Lanka). Sau hơn 5 giờ bay và hơn 3 giờ chờ đợi ở Singapore để đổi chuyến bay, chúng tôi đã đến phi trường Colombo sau 3 tiếng 30 phút vào lúc 0.15am sáng thứ ba (hôm nay) - giờ địa phương đi sau giờ Việt Nam 2 tiếng 30 phút.

Nhờ gia đình người giáo dân trong giáo xứ liên lạc với người thân ở Colombo ra phi trường đón anh em chúng tôi, nên cũng an tâm. Nếu không, vấn đề vận chuyển về khách sạn không mấy dễ dàng, vì nhiều đường xá từ Xa Lộ dẫn vào thành phố và những con đường chính trong thành phố đã được phong tỏa trong những ngày trước để bảo đảm an ninh cho việc tiếp đón Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến đất nước nầy vào 9.00am ngày hôm nay (thứ Ba 13.1), cho nên xe phải chạy rất xa..

Trên chuyến xe từ phi trường vô thành phố Colombo, dọc 1 bên đường chúng tôi thấy quá nhiều cờ tòa thánh Vatican và quốc gia Sri Lanka xen kẽ nhau trên suốt xa lộ dẫn vào thành phố không thể nào đếm cho hết được. Cứ cách nhau khoảng 10 mét là 1 lá cờ tòa thánh và kế tiếp cũng khoảng 10 mét là cờ của đảo quốc. Chúng tôi nói với nhau trên xe chắc là không dưới mấy trăm ngàn cây cờ của Tòa Thánh Vatican và đảo quốc Sri Lanka bay phất phới trong đêm khuya. Khi xe vào trong thành phố chính, những đoạn đường nào mà xe Đức Thánh Cha sẽ đi qua hoặc sẽ gặp dân chúng thì cờ xí cũng bay phất phới. Nhiều bảng hiệu quảng cáo trên các cao ốc hay trên những cây cầu bắt ngang các con đường dành cho người đi bộ cũng vẽ họa nhiều hình ĐGH Phanxicô với những câu chào đón kính trọng trân quý chuyến viếng thăm của Ngài và Phái Đoàn Tòa Thánh.

Sáng hôm nay, chúng tôi có dịp đi tham quan thành phố Colombo. Thành phố Colombo sáng nay không có kẹt xe và nhộn nhịp nhiều như thường lệ. Có lẽ do 2 lý do: Một số đường dẫn đến tụ điểm chính nơi ĐGH Phanxicô sẽ đến gặp gỡ dân chúng bị giới hạn. Lý do thứ hai là 9.00am sáng nay ĐGH đến phi trường Colombo, nên dân chúng đã đi đón Ngài ngoài phi trường và dọc các tuyến đường dẫn vào thành phố, nên phố xá, siêu thị hơi vắng khách mua sắm vãng lai như mọi ngày.

Chúng tôi đi tham quan vài siêu thị chính trong thành phố, tiệm bán đồ… dường như nhân công phục vụ đông hơn là khách hàng đi mua sắm sáng hôm nay. Nhìn cách khách quan, đa số các cửa hàng trong những siêu thị chính thì dường như nhiều tiệm bán đồ nữ trang hay vàng vòng. Chúng tôi đoán có lẽ xứ sở nầy họ trân quý vàng bạc như Ân Độ, Miến Điện và ngay cả Việt Nam hơn là ngoại tệ…

Chuyện vui nho nhỏ…. Trong một siêu thị, khi chúng tôi muốn đổi Australian Dollars ra tiền địa phương (Rupee) thì người đổi tiền phải trình Passport. Còn người đổi tiền American Dollars thì không cần phải trình Passport và ký biên nhận đổi tiền như khi đổi tiền Úc….

Đa số người dân trong thành phố nầy nói tiếng Anh. Họ có tiếng nói riêng của dân tộc như tiếng Sinhalese Rodiya, Sri Lankan Creole Malay và cũng có đa số dân nói tiếng Tamil, di dân từ Ấn Độ... Tôn giáo chính ở đảo quốc nầy là Phật Giáo 69%, Hindu 15%, Kitô Giáo 8% nói chung và người Công Giáo trong số nầy khoảng 7%, người Islam 7%, Sinhalese 74% và Tamils 18% trên tổng số dân khoảng hơn 20 triệu tương đương với dân số Úc Châu khoảng 20 triệu.

Chúng tôi là những du khách khi cần họ hướng dẫn chỉ đường cho dù chúng tôi hỏi một người đàn ông trên đường phố, một cô gái tình cờ gặp ở ngã ba hay ngã tư đang chờ đèn xanh dành cho người đi bộ hoặc một người tài xế lái xe giống như xe Lambretta của quê hương ngày xưa….. tất cả đều lịch sự nhã nhặn trả lời bằng tiếng Anh với Sri Lankan accent cũng như anh em chúng tôi nói tiếng Anh nhưng với Vietnamese accent. Khi thấy mọi người chúng tôi gặp trên đường, trong tiệm ăn, trong phố chợ đều nhã nhặn, chúng tôi liên tưởng đến một vài gia đình giáo dân gốc Sri Lankans trong giáo xứ chúng tôi đang phục vụ… Khi biết chúng tôi sẽ lên đường đi qua xứ sở họ… họ cho chúng tôi số điện thoại, địa chỉ thân nhân của họ vì họ quan tâm đến chúng tôi và cũng phần nào muốn chúng tôi có cơ hội đến thăm gia đình của họ còn ở lại Sri Lanka. Cho dù chúng tôi đến Sri Lanka trong một thời gian rất ngắn, nhưng họ đã liên lạc liên tục và mong chúng tôi đến thăm và dùng cơm với gia đình của họ.

Những nghĩa cử hiếu khách nầy làm chúng tôi liên tưởng đến một nhân vật Việt Nam đang phục vụ cho Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka trong vai trò Sứ Thần của Tòa Thánh trên đảo quốc nầy đó là Đức Tổng Giám Mục Pierre Nguyễn văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh của Giáo Hội Công Giáo Sri Lanka. Ngài đã giúp chúng tôi có cơ hội đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ ngày mai. Mỗi lần chúng tôi liên lạc với ngài qua bất cứ hình thức nào, ngài đều nhã nhặn trả lời từng lần, từng vấn đề trong sự tế nhị, khiêm tốn và hiếu khách của Dân Tộc Việt Nam. Như hôm qua chẳng hạn, khi chúng tôi còn chờ chuyến bay từ Singapore sang Colombo, chúng tôi liên lạc với ngài ít nhất là 3 lần. Ngài đều trả lời đúng ba lần và không quên cầu chúc anh em chúng tôi thượng lộ bình an và mong gặp chúng tôi sớm.

Qua sự nhã nhặn của dân chúng Sri Lankans và cách riêng với Đức Sứ Thần Tòa Thánh mang dòng máu Việt Nam, chúng tôi cảm thấy vui và thân mật khi đặt chân đến một quốc gia mà đa số là Phật-Hồi-Ấn: Chúng tôi đang chờ giây phút gặp gỡ Đức Sứ Thần Tòa Thánh để phỏng vấn Ngài. Ngài là Sứ Thần Tòa Thánh với chức vụ là Tổng Giám Mục, chúng tôi đọc tất cả những văn thư mà ngài liên lạc với chúng tôi trong suốt thời gian qua, chúng tôi chưa từng thấy cuối trang hay cuối văn thư mà ngài đề Tổng Giám Mục hay Sứ Thần Tòa Thánh bao giờ. Nhưng luôn khiêm tốn viết: Mến. Pierre Nguyễn văn Tốt.

Dù bận rộn trong những ngày nầy với cương vị Sứ Thần Tòa Thánh, Ngài vẫn liên lạc với chúng tôi ngay cả hôm nay và đã cho người đến khách sạn đưa cho chúng tôi giấy phép được đồng tế với Đức Thánh Cha ngày mai thứ Tư 14.1 và ngài cũng cho linh mục và tài xế đến đưa chúng tôi đi ăn tối và đưa chúng tôi hôm nay và sẽ đưa chúng tôi đến nơi đồng tế với Đức Giáo Hoàng vào sáng ngày mai. Sau khi ĐGH bay sang Phi Luật Tân, thi trưa ngày thứ Năm, Ngài dành cho chúng tôi vinh dự phỏng vấn ngài và được ngài mời ăn trưa trước khi từ giã ngài và đảo quốc tuyệt đẹp Sri Lanka mà ngài được cử sang phục vụ trong chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh.

Một niềm hãnh diện cho Giáo Hội Việt Nam, có những người con ưu việt vì hoàn cảnh của Quê Hương-Giáo Hội đã và đang sống cũng như phục vụ Giáo Hội Mẹ Thánh Hoàn Vũ khắp nơi với lòng nhiệt thành, khiêm nhu, quảng đại và hiếu khách. Luôn luôn hướng về Giáo Hội Mẹ, trong sự cầu nguyện và cùng chung một hoài bão: Ước mong một ngày nào đó, Nguời Cha Phanxicô của Giáo Hội Hoàn Vũ cũng đặt chân lên mãnh đất hình chữ S Việt Nam như Ngài đang đặt chân trên đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan) trong 3 ngày nầy.

Với tâm tình biết ơn và ngưỡng mộ sự khiêm nhường của Đức Tổng Pierre, chúng tôi có thể xác quyết một điều là nếu không có ĐTGM Pierre Nguyễn văn Tốt, Sứ Thần Tòa Thánh tại Đảo Quốc Sri Lanka chúng tôi đã không có mặt trên đảo quốc nầy hôm nay.

Vâng, Đức Sứ Thần mang dòng máu Việt đang cùng với Hàng Giáo Phẩm của Đảo Quốc Sri Lanka đang đóng góp công sức để xây dựng lại quốc gia nội chiến hơn một phần tư thế kỷ trong đó có Giáo Hội Công Giáo, cho dù con số dân Công Giáo không đông (7%) nếu như thánh ý Thiên Chúa muốn 7% Công Giáo nầy sẽ là ‘Men’ làm “Dậy” khối bột 20 triệu dân của Đảo Quốc nầy trong tương lai,.. Đó có thể là ước muốn của Giáo Hội Công Giáo Tích Lan và đó chính là mục đích chính của chuyến viếng thăm ngắn ngủi của người Cha Phanxicô như Ngài đã phát biểu khi vừa bước xuống mảnh đất của hòn đảo này sáng hôm nay mà chúng tôi xin trich lại cho lời kết của bài viết nầy mà Vietcatholic đã đăng trên website của Vietcatholic hôm nay thay cho lời kết:

“Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do duy nhất của chuyến tông du của ngài là “để giúp một quốc gia bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến hơn một phần tư thế kỷ xây dựng lại và lấy lại sự bình an.” Câu nói này làm nhiều người cảm động bất kể là Phật tử, tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Kitô”.

Nhóm Phóng Viên Vietcatholic
Colombo, 13.1.2015
 
(VietCatholic News)

VIDEO GIÁO HỘI NĂM CHÂU 06 - 12.01.2014

VIDEO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA #1

ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐẾN SRI LANKA

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #3

THÁNH LỄ PHONG THÁNH 
CHO CHÂN PHƯỚC JOSEPH VAZ 
TẠI CÔNG VIÊN GALLE FACE GREEN  
THỦ ĐÔ COLOMBO, SRI LANKA

Bắt đầu lúc 07g45 giờ địa phương (09g15 giờ Việt Nam)
Thứ Tư ngày 14.01.2015



VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #2

CUỘC GẶP GỠ LIÊN TÔN TẠI THỦ ĐÔ COLOMBO, SRI LANKA

Bắt đầu lúc 18g10 giờ địa phương (19g40 giờ Việt Nam)  
Thứ Ba ngày 13.01.2015

 

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHILIPPINES #1

NGHI LỄ CHÀO ĐÓN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
TẠI PHI TRƯỜNG COLOMBO, SRI LANKA

Bắt đầu lúc 08g50 giờ địa phương (10g20 giờ Việt Nam)
  Thứ Ba ngày 13.01.2015






THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC TẠI GIÁO XỨ THÁNH GIUSE - GRAND PRAITIE - TEXAS



Vào thứ Bảy vừa qua, ngày 10 tháng Giêng năm 2015, trong lúc các cuộc giao đấu foot ball đang đi vào vòng chung kết sôi nổi, và hầu hết các người trẻ ở Hoa Kỳ cũng hăng say bàn cải và cổ võ cho các thần tượng cuả mình bằng cách mặc trên người bộ đồng phục của đội tuyển nhà… thì âm thầm tại một xứ đạo vùng Dallas-Fort Worth, là Gx Thánh Giuse ở Grand Prairie, Texas, cũng có những người trẻ Việt Nam hăng say dấn mình theo một thần tượng khác, đó là Đức Giêsu Kitô, và họ cổ võ cho thần tượng cuả mình bằng cách thực thi 2 câu châm ngôn trong kinh thánh: Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới (Luca 5:5) và Tình Yêu Đức Kitô thúc bách tôi. (2 Cr 5:14).

Niềm vui của hai người trẻ này là được trở nên tôi tá của Chúa Giêsu Kitô qua thiên chức linh mục, để trở nên cuả lễ hiến tế trên bàn thờ, và để đi rao giảng tin mừng Phúc Âm, mang ơn cứu độ đến cho mọi người.



 
Đó là hai tu sĩ thuộc Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa (Domus Dei Clerical Society Of Apostolic Life,) đã được truyền chức trong một buổi lễ trang trọng do Đức Cha Vincente Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Toronto, Canada, chủ phong. Danh sách hai tân linh mục là:



Tân Linh Mục Gioan Baotixita Kim Quốc Dũng, S.D.D và
Tân Linh Mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Vinh, S.D.D


Hiện diện trong buổi lễ, người ta nhận thấy có quí cha Giuse Phạm Minh Văn, SDD, Bề Trên Hải Ngọai của Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa, Cha Phêro Đòan Hoàng Khôi-Anh, SDD, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse, trên 40 linh mục thuộc Tu đoàn và từ các vùng lân cận đến, nhiều tu-sĩ nam nữ và toàn thể gia quyến cuả hai vị Tân Linh Mục.



 

Cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại đây cũng tụ họp đông đảo để thông công thánh lễ và sau đó là chung vui cùng hai tân linh mục trong một buổi liên hoan tại hội trường mới cuả giáo xứ.

Trần Trọng Long - Trịnh Hiệp - NguyễnVàng
(VietCatholic News)

HÀNG TRIỆU NGƯỜI PHILIPPINE TẠI MANILA THAM GIA CUỘC KIỆU TƯỢNG CHÚA KITÔ VÁC THẬP GIÁ



Hôm thứ Tư 7 tháng Giêng, hơn một triệu người Phi Luật Tân đã đi chân đất tham gia cuộc rước tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Đây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua tại Manila, thủ đô của quốc gia Á Châu có đông người Công Giáo nhất.

Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này. Thể hiện lòng sùng kính nhiệt thành, đám đông vĩ đại gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã hô vang "Viva!" (Vạn tuế!) khi họ diễn hành qua các đường phố trong cuộc rước hàng năm tượng El Nazareno Negro dưới mưa nhẹ.

Tượng El Nazareno Negro là theo tiếng Tây Ban Nha, được biết trong các bản tin Anh Ngữ là Black Nazarene, là một bức tượng to bằng người thật Chúa Giêsu đang vác thánh giá lên đồi Canvê. Bức tượng này được đặt thường xuyên tại nhà thờ Quiapo và hàng năm đúng ngày 7 tháng Giêng thì được rước đi một vòng quanh thủ đô Manila.

Đám rước đã tiến hành suôn sẻ vào buổi trưa sau khi ban tổ chức đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để kiểm soát đám đông khổng lồ lao vào phía bức tượng cố gắng lau khăn tay của mình vào thánh giá. Nhiều thanh niên còn cố lao mình đu vào thánh giá được đặt trên một chiếc xe.

Nhiều người Phi Luật Tân tin rằng bức tượng có sức mạnh chữa lành diệu kỳ và nhiều người thực sự đã được chữa khỏi khiến họ cam kết rằng mỗi năm vào ngày này, nếu còn sống trên đời, họ là tham gia cuộc diễn hành này.

Nhiều người mặc áo T-shirt có hình Chúa Kitô đội mão gai. Isko Moreno, Phó Thị trưởng thành phố Manila, nói với truyền hình ABS-CBN rằng khoảng một triệu người đã tham gia vào lúc bắt đầu cuộc rước, nhưng càng lúc sẽ càng có nhiều người tham gia hơn bức tượng du hành một vòng quanh khu phố cổ của Manila.

Sáng thứ năm 15-1, lúc 8 giờ 15, ngài sẽ kính viếng Nhà Nguyện Đức Mẹ Lanka ở Bolawalana, mạn bắc Colombo, trước khi ra phi trường lúc 9 giờ để đáp máy bay đi Manila, Philippines.

Theo dự trù, Đức Thánh Cha sẽ khởi hành từ Colombo, Sri Lanka lúc 9h sáng ngày thứ Năm 15 tháng Giêng. Ngài sẽ đến sân bay quân sự Villamor ở Manila lúc gần 6 giờ chiều cùng ngày.

Lễ nghi đón tiếp chính thức sẽ diễn ra tại Phủ Tổng Thống lúc 9 giờ 15 sáng hôm sau, thứ Sáu 16 tháng Giêng. Ngài sẽ gặp gỡ tổng thống và các quan chức chính quyền cùng với đoàn ngoại giao.

Ban trưa, lúc 11 giờ 15, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ với các Giám Mục, linh mục, trước sự tham dự của các tu sĩ nam nữ tại Nhà Thờ chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Manila.

Lúc 5 giờ rưỡi chiều cùng ngày ngài sẽ gặp gỡ các gia đình tại Hội trường Asia Arena.

Thứ Bảy 17 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ rời Manila bay tới thành phố Tacloban và dâng thánh lễ tại phi trường quốc tế ở địa phương lúc 10 giờ. Sau đó ngài sẽ dùng bữa trưa với một số những người sống sót trong trận cuồng phong Hải Yến hồi tháng 11 năm 2013.

Ban chiều cùng ngày, lúc 3 giờ, Đức Thánh Cha sẽ làm phép trung tâm cho người nghèo rồi gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và những người sống sót tại nhà thờ chính tòa Palo, rồi trở về Manila.

Sáng Chúa Nhật 18 tháng Giêng, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo ở Đại Học Santo Tomas ở Manila rồi gặp gỡ các bạn trẻ tại Sân thể thao của đại học vào lúc 10 giờ rưỡi.

Ban chiều Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ lúc 3 giờ rưỡi tại Công viên Rizal Park ở Manila.

Sáng thứ Hai, 19 tháng Giêng, sau nghi thức tiễn biệt tại Sân bay quân sự Villamor, Manila, ngài sẽ đáp máy bay lúc 10 giờ sáng để trở về Roma, dự kiến sẽ tới phi trường Ciampino Roma vào lúc 5 giờ 40 phút chiều cùng ngày.


Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

NHỮNG CHÔNG GAI TRONG CHUYẾN TÔNG DU SRI LANKA VÀ PHI LUẬT TÂN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Lúc 19 giờ tối thứ Hai 12 tháng Giêng, theo giờ Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ra phi trường Fiumicino của Rôma để đáp máy bay sang Colombo, thủ đô của Sri Lanka bắt đầu chuyến tông du Á Châu lần thứ hai của ngài, đúng 20 năm sau chuyến tông du của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại hai nước có dân số Công Giáo cực kỳ khác nhau.

Tại Sri Lanka, Đức Thánh Cha sẽ được đón tiếp bởi một vị tổng thống mới lên ngôi được 3 ngày và 4 đêm, ông Maithripala Sirisena, người được xem là có “thành ý” hòa giải với người Tamil nhiều hơn một chút so với cựu tổng thống mới vừa bị đánh bại là Mahinda Rajapaksa.

Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, xin giúp chúng tôi đi tìm công lý

Hầu như chắc chắn là Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đưa ra một thông điệp khích lệ hòa giải giữa người Tích Lan và người Tamil; giữa khối Phật Giáo đa số với các cộng đồng tôn giáo thiểu số Hồi Giáo và Kitô Giáo.

Ông Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc đưa ra năm 2011 cho biết có tới 40,000 thường dân Tamil vô tội đã bị giết chủ yếu là trong năm 2009.

Liệu Đức Thánh Cha có đặt vấn đề này với tổng thống mới toanh Maithripala Sirisena hay không là một câu hỏi của nhiều người, nhưng trong những vùng phía Bắc Colombo, trên các vỉa hè đường phố người Tamil bày la liệt ảnh của người thân kế bên một tấm chân dung to gần bằng người thật của Đức Thánh Cha Phanxicô với một tấm bảng “Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, xin giúp chúng tôi đi tìm công lý cho những người thân yêu đã bị mất tích”.


Hành hương đến vùng “Hổ Tamil”

Trong một cử chỉ đầy biểu tượng, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đáp trực thăng lên phía Bắc đến vùng chiến khu xưa của “Hổ Tamil”, vùng mà người lính Sri Lanka nghe đến phải lạnh tóc gáy, để cầu nguyện tại đền thờ Đức Mẹ Madhu.

Đền thờ này được tôn kính bởi cả người Tamil và người Tích Lan; cả người Công Giáo lẫn người Phật Giáo và Hồi Giáo; cung cấp một bối cảnh hoàn hảo cho Đức Thánh Cha khuyến khích hòa giải trong một phần đất hết bị tàn phá bởi chiến tranh lại rơi vào xung đột tôn giáo.

"Đó là một cử chỉ rất mạnh mẽ," Cha Bernardo Cervellera, giám đốc Thông Tấn Xã Công Giáo AsiaNews nói: "Ngài sẽ đi đến khu vực nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã không thể đến được vì chiến tranh."

Giáo Hội Công Giáo coi mình là một động lực độc đáo cho sự hiệp nhất tại Sri Lanka “bởi vì Giáo Hội có cả các tín hữu Tích Lan lẫn các tín hữu Tamil. Họ thờ phượng chung với nhau, và đa số các nghi lễ thường xen kẽ giữa hai ngôn ngữ,” linh mục tiến sĩ Prasad Harshan, người Sri Lanka, dạy tại Đại học Giáo Hoàng Thánh Giá ở Rôma nói.

Cha Prasad nói thêm: "Ngài đã thực hiện một nỗ lực phi thường để đến khu vực này, và để gặp gỡ những nạn nhân. Đó sẽ là một dấu hiệu tuyệt vời của tinh thần đoàn kết."

Sáng ngày thứ Tư trên bãi biển lộng gió Galle Face Green, Đức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho vị Thánh đầu tiên của xứ sở này là cha Joseph Vaz, một biểu tượng hiệp nhất của quốc gia này. Nhà truyền giáo sống ở thế kỷ 17 này được coi là người đã làm sống lại đức tin Công Giáo trong bối cảnh đàn áp dã man của nhà cầm quyền thuộc địa Hà Lan. Ngài hình thành các cộng đoàn gồm cả các tín hữu Tích Lan lẫn các giáo dân Tamil.


Phật Giáo cực đoan

Khi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Sri Lanka vào năm 1995, ngài cũng đã cố gắng mang lại một thông điệp của lòng khoan dung, nhưng gặp phải sự tẩy chay quyết liệt của các nhà lãnh đạo Phật giáo tại đảo quốc này, nơi người Phật tử chiếm 70 phần trăm dân số.

Các đại diện Phật giáo đã được dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp liên tôn, nhưng không ai xuất hiện để phản đối sự chỉ trích các học thuyết của Phật giáo về sự cứu rỗi của Đức Gioan Phaolô II.

Trào lưu Phật giáo cực đoan bây giờ còn lớn hồi 20 năm trước nữa, với một chủ trương sẵn sàng dùng bạo lực để “bảo vệ Phật Pháp”, thể hiện nơi hàng loạt những cuộc biểu tình và một chiến dịch bạo lực chống lại người Hồi giáo.

Tháng Hai năm 2004, các nhà sư Phật Giáo hình thành và trực tiếp lãnh đạo đảng “Jathika Hela Urumaya - JHU”, nghĩa là “Di sản quốc gia” coi Phật Giáo là quốc giáo và những tôn giáo khác là ngoại lai, đe dọa đến di sản dân tộc.

Đầu năm 2012, hai nhà sư là Kirama Wimalajothi và Galagoda Aththe Gnanasaara tách ra khỏi đảng JHU vì chê JHU không đủ cứng rắn để bảo vệ Phật Pháp – và cũng là di sản quốc gia.

Hội nghị đầu tiên diễn ra vào ngày 28 tháng 7 năm 2012 đã đưa những quyết định rất bạo lực. Tờ Times của Hoa Kỳ nhận xét BBS là thế lực Phật Giáo mạnh nhất tại Sri Lanka được chế độ của cựu tổng thống Rajapaksa ngầm ủng hộ.

Tuy BBS ra mặt tẩy chay chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô, hai đại diện ôn hoà hơn của Phật giáo có thể sẽ chào đón ngài trong một cuộc họp liên tôn lúc 18:15 ngày thứ Ba 13 tháng Giêng, tức là ngày đầu tiên của chuyến viếng thăm.

"Tôi không biết là sẽ có những tiếng nói chống đối nơi này nơi khác, lúc này, lúc khác hay không" phát ngôn viên Vatican, cha Federico Lombardi nói "Chúng ta sẽ phải chờ xem."

Trong dịp gặp gỡ với cựu tổng thống Rajapaksa hôm 3 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng lên án sự gia tăng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan tại Sri Lanka nhằm thúc đẩy "một cảm giác sai lầm về đoàn kết dân tộc dựa trên một bản sắc tôn giáo duy nhất. "

Trước đó, trong một cuộc họp với các giám mục Sri Lanka hồi tháng Năm, Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội địa phương phải tiếp tục tìm kiếm "những đối tác trong hòa bình và những người biết lắng nghe trong đối thoại" bất chấp bạo lực và đe dọa từ những kẻ cực đoan tôn giáo.


An ninh của Đức Thánh Cha

Như với bất kỳ chuyến tông du nào của Đức Giáo Hoàng, an ninh sẽ được thắt chặt ở cả Sri Lanka và Philippines, ngay cả đối với một vị giáo hoàng sẵn sàng lao vào đám đông và lái xe xung quanh họ trên một chiếc xe mui trần không có kính chống đạn.

Liệu một tổng thống mới lên ngôi được 3 ngày và 4 đêm có bảo đảm được an ninh cho chính mình hay không đã là một vấn đề. Cho nên, kết quả bầu cử tổng thống hôm thứ Sáu 9 tháng Giêng đã làm bùng lên một sự dè dặt về an ninh cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong mấy ngày tông du tại Sri Lanka.

Mối quan tâm tại Phi Luật Tân, quốc gia đa số là người Công Giáo, cũng không thể xem thường. Khi Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đến Manila vào năm 1970, ngay lập tức ngài đã bị một tên sát thủ ăn mặc như một linh mục đâm vào bụng và cổ. Các vết thương chỉ ở ngoài da, và kẻ tấn công bị vật ngay xuống đất, nhưng máu Đức Giáo Hoàng đã đổ ra.

Tháng Mười vừa qua, chiếc áo vấy máu mà Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã mặc hôm đó đã được chọn làm di tích trong lễ phong chân phước cho ngài tại Vatican.

Một tuần trước khi Tháng Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Phi Luật Tân vào tháng Giêng năm 1995, nhà chức trách phát hiện ra một âm mưu của những kẻ cực đoan Hồi giáo muốn giết Đức Giáo Hoàng sau khi một đám cháy nhà tình cờ đã giúp họ phát hiện ra nơi ẩn náu của một bọn khủng bố trong một căn hộ tại Manila, nơi họ tìm thấy những hóa chất chế tạo bom, hình ảnh của Đức Giáo Hoàng, các bản đồ cho thấy các tuyến đường, nơi ngài sẽ vượt qua và cả một biên nhận của một tiệm may áo linh mục.


Việc kiểm soát đám đông

Chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1995 đã hình thành một kỷ lục chưa có vị Giáo Hoàng nào qua mặt được: đó là thánh lễ với khoảng 5 triệu người đứng chật công viên Rizal Manila và lan rộng ra hàng dặm về mọi hướng.

Các đại lộ đã quá kẹt đến mức Đức Giáo Hoàng phải dùng trực thăng để đến lễ đài trễ hơn một giờ bởi vì đoàn xe của ngài đơn giản là không thể tới gần bàn thờ được.

Hôm thứ Tư 7 tháng Giêng, hơn một triệu người Phi Luật Tân đã đi chân đất tham gia cuộc rước tượng Chúa Giêsu vác thánh giá. Đây là một truyền thống đã có từ hơn một thế kỷ qua tại Manila.

Diễn biến này xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy một tuần trước khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm quốc gia này. Thể hiện lòng sùng kính nhiệt thành, đám đông vĩ đại gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã hô vang "Viva!" (Vạn tuế!) khi họ diễn hành qua các đường phố trong cuộc rước hàng năm tượng El Nazareno Negro dưới mưa nhẹ.

Tượng El Nazareno Negro là theo tiếng Tây Ban Nha, được biết trong các bản tin Anh Ngữ là Black Nazarene, là một bức tượng to bằng người thật Chúa Giêsu đang vác thánh giá lên đồi Canvê. Đám rước đã tiến hành suôn sẻ vào buổi trưa sau khi ban tổ chức đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để kiểm soát đám đông khổng lồ lao vào phía bức tượng cố gắng lau khăn tay của mình vào thánh giá. Nhiều thanh niên còn cố lao mình đu vào thánh giá được đặt trên một chiếc xe. Hai người đã phải thiệt mạng, có lẽ là vì bịnh tim trong lúc chen lấn.

Trước những chông gai đang chờ đón Đức Giáo Hoàng trong chuyến tông du Á Châu lần thứ hai, ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng, Chúa gìn giữ người tăng gấp sinh lực và ban cho người đời nay hạnh phúc và đừng trao người cho ác tâm quân thù.  


Đặng Tự Do
(VietCatholic News)

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

AUDIO THÁNH LỄ CN CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA 11-01-2015

Audio Thánh Lễ CN Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
05g30 Chúa Nhật ngày 11-01-2015.
Cha khách dâng Lễ.
Ca đoàn Cécilia hát Lễ.



Hữu Toàn.

VIDEO TRỰC TIẾP ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ĐỌC KINH TRUYỀN TIN VỚI KHÁCH HÀNH HƯƠNG TRƯA CHÚA NHẬT 11.01.2015

Bắt đầu lúc 12g00 giờ Vatican (18g00 giờ Việt Nam)
Chúa Nhật ngày 11.01.2015

VIDEO TRỰC TIẾP THÁNH LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA DO ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHỦ SỰ VÀ RỬA TỘI MỘT SỐ TRẺ NHỎ

Bắt đầu lúc 09g30 giờ Vatican (15g30 giờ Việt Nam)
Chúa Nhật ngày 11.01.2015


VIDEO TRUNG TÂM THÁNH MẪU TÀPAO SÁNG 13.12.2014

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ GÌ ?

LINH MỤC, NGƯỜI LÀ GÌ ?

Linh Mục, người Cha tinh thần hay cha linh hồn, người sinh cho Chúa nhiều con cái qua bí tích Rửa Tội, nhưng nhiều khi được gọi CHA làm tôi dễ thấy mình cao cả và quên đi vai trò hy sinh, dang tay cứu độ mà Đức Kitô, Linh Mục Thượng phẩm đã chọn gọi tơi để thi hành.

Một sáng sớm mùa Đông Canada, tuyết vẫn còn phủ trắng, cao đến mắt cá chân trên các lối đi. Bà Catherine, bà bếp Cha Sở bước chầm chậm và cẩn thận quay về nhà xứ sau Thánh Lễ ban sáng. Vừa đặt chân trên bậc thềm nhà xứ, thấy tôi đang quét tuyết, bà vui vẻ chào tôi và bảo: "Peter, mang cây chổi quét tuyết tới đây !" Tôi tươi cười tiến tới gần bà với cây chổi quét tuyết đu đưa trên tay, chưa đón ra ý bà muốn nhờ tôi chuyện gì. Bà Catherine tự nhiên kéo váy đầm cao lên một chút và chìa đôi giày bám đầy tuyết, thản nhiên bảo tôi: "Lấy chổi phủi dùm tuyết bám giày, để tôi đi vào không làm dơ thảm nhà xứ !"

Nụ cười vụt tắt trên môi. Tôi không nghĩ là mình không hiểu tiếng Anh. Rõ ràng quá mà: Lấy chổi phủi sạch tuyết bám giày bà đầm Catherine. Tôi cúi mặt chần chừ. Bà Catherine vẫn giữ cao váy đầm, giơ đôi giày bám đầy tuyết, thúc giục: "Phủi dùm mau đi để tôi còn kịp vào chuẩn bị cà phê sáng cho Đức Ông Robert !" Im lặng và cẩn thận, tôi cầm chổi, nhẹ nhàng phủi tuyết bám giày bà Catherine, từng chếc một. Bà cười mãn nguyện, cám ơn tôi và nhanh nhẹn đẩy cửa bước vào nhà xứ.

Cửa chánh nhà xứ đóng ‘rầm’ một tiếng chận đứng ánh mắt buồn của tôi đang dõi theo bà Catherine. Tôi xấu hỗ cúi xuống đưa mắt nhìn lại chính mình, lần dò xuống tận bàn chân. Dù khoát chiếc áo Mùa Đông để ra ngoài trời quét tuyết, nhưng bên trong tôi vẫn đàng hoàn nghiêm túc với tu phục Linh Mục: áo sơ mi dài tay màu đen, cổ côn trắng hẳn hoi, quần đen ủi thẳng nếp, giày da mùa Đông loại đắt tiền cổ cao, đế dày. Tôi học và chịu chức Linh Mục ở Canada, dáng vẻ phong thái lịch lãm không kém người da trắng. Nếu hoàn cảnh đất nước cho phép, tôi về lại quê nhà, chắc sẽ được đánh giá cao, không thua các Linh Mục được du học ngày xưa. Tôi nghĩ vậy.

Cái nhục phủi tuyết bám giày bà đầm len vào máu, bốc cao tận đỉnh đầu. Ném chổi quét tuyết trả lại góc tường nhà xứ. Lặng lẽ, tôi trở lại phòng làm việc, đóng cửa khá mạnh tay, để toàn thân rơi phịch nặng nề trên chiếc ghế bành làm việc. Tại sao bà Catherine không gọi tôi là CHA ? Vì tôi mới làm Linh Mục và còn làm phó cho Đức Ông Robert chăng ? Tại sao bà Catherine dám bảo một Linh Mục phủi tuyết bám giày bà ? Bà là bà đầm da trắng, còn tôi là tên tóc đen, da vàng đến từ một nước nghèo chăng ? Da màu phải phục vụ da trắng hay người nghèo phải phủi tuyết bám giày người giàu chăng ? Nhiều câu hỏi tương tự quanh đi quẩn lại trong tôi.

Cái nhục của một Linh Mục đã phủi tuyết bám giày bà đầm được tô đậm nét. Lòng tự ái dân tộc, niềm tự hào nòi giống rực lửa trong tôi. Tôi mạnh dạn, hung hăng đứng lên, định đi tìm bà Catherine và Đức Ông Robert để làm lớn chuyện, làm cho ra lẽ. Bà Catherine phải xin lỗi tôi về chuyện đã không gọi tôi là Cha và vì đã dám bảo một ông Cha phủi tuyết bám giày bà. Gọi một Linh Mục bằng tên, thiếu lòng đạo đức rõ ràng. Bảo một Linh Mục phủi tuyết bám giày, thiếu lòng kính trọng chức thánh không thể chối cãi.

Cái đứng dậy quyết liệt, cái vung tay tức giận làm văng cây Thánh Giá trên bàn làm việc xuống sàn nhà. Ảnh Chúa Chuộc tội từ lâu vẫn đứng vô tri trên bàn làm việc, ngay trước mặt tôi, rất kề cận, nhưng nhiều khi tôi đã không thấy, hay thấy như một thứ trang trí tôn giáo cần thiết trong phòng làm việc của một Linh Mục. Tôi bước đến, chậm rãi cúi nhặt ảnh Thánh Giá lên. Chúa nằm úp mặt trên sàn thảm, một cánh tay gảy lìa thân. Chúa trông thảm hại hơn bình thường. Cánh tay gảy lìa còn tòong teng nhờ đinh đóng chặt. Im lặng nhìn Thánh Giá, cố ráp cánh tay gảy của tượng Chúa vào thân, đặt trở lại trên bàn làm việc. Tôi quay lại ghế ngồi, ánh mắt vẫn không rời Thánh Giá. Tủi nhục và thảm hại của Thánh Giá làm cái tủi nhục phủi tuyết bám giày bà đầm lắng xuống dần. Ý nghĩa về chức Linh Mục của Chúa Giêsu dâng cao, lấn chiếm tôi.

Ánh mắt vẫn không rời tượng Chúa Giêsu chết treo trên Thánh Giá. Ngài là Linh Mục Thượng Tế, đang giang tay tế lễ trên Thánh Giá. Chính Ngài lập Bí Tích Truyền Chức Thánh để thông ban cho tôi chức Linh Mục của Ngài. Không ai gọi Ngài là CHA cả, nhưng gọi là Chúa và là Thầy (x. Ga 13, 13). Vậy tiếng CHA dùng để gọi các Linh Mục, tiếng ĐỨC CHA dành để gọi các Giám Mục, tiếng ĐỨC THÁNH CHA dùng để gọi Giáo Hoàng La Mã đến từ đâu ? Không đến trực tiếp từ Chúa. Chính Chúa đã có lần dạy các Tông Đồ là ‘đừng tôn xưng ai dưới đất là Cha, vì chúng con chỉ một Cha duy nhất trên trời" (Mt 23, 9). Nói thế, Chúa không có ý chỉ thị rõ ràng rằng ‘đừng gọi các Linh Mục Công Giáo là Cha’ như người Tin Lành suy diễn nhằm chỉ trích Linh Mục Công Giáo. Chúa đã khiển trách môn đệ mình vì chuyện ‘tranh chức’ đòi làm lớn, ngồi chỗ nhất giống như người Biệt Phái và dạy họ rằng: "Ai muốn làm lớn phải làm đầy tớ anh em mình." (Mt 20, 24-27), cũng như dừng bao giờ tự tôn mình lên ngang hàng với Chúa, vì chúng ta chỉ có một Chúa, người Cha duy nhất trên Trời. 

Tiếng gọi CHA dành cho Linh Mục, ĐỨC CHA dành cho Giám Mục hay ĐỨC THÁNH CHA, dành cho Giáo Hoàng được sử dụng trên toàn thế giới, đến từ truyền thống của Giáo Hội nhằm tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ những người có Chức Thánh Linh Mục. Từ việc tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế, là Linh Mục Thượng Tế, Kitô hữu đem lòng mộ mến, kính trọng Linh Mục, Giám Mục và Giáo Hoàng. Họ được coi như những người thông phần với chức Linh Mục của Chúa Kitô, như những người hy sinh và hiến tế đời mình cho phần rỗi nhân loại.

Phaolô nói khá nhiều về chức Linh Mục thượng phẩm của Chúa Kitô (Thư Do Thái 4, 14 - 5, 1-10) cũng như về vai trò trung gian giữa Trời và Đất đã ảnh hưởng sâu đậm nơi những kẻ tin. Người tin Chúa Kitô được dạy để đồng hoá Linh Mục với Chúa Kitô. Linh Mục là hiện thân của Chúa Kitô, là một Chúa Kitô khác, là người CHA tinh thần, người CHA chăm sóc phần hồn cho các tín hữu, người tái sinh chúng ta qua bí tích rửa tội. 

Cũng rất có thể nó đến từ cách xưng hô kính trọng dành cho những bô lão, những bậc đứng tuổi, đáng kính trong Giáo Hội sơ khai. Từ Presbyteroi, nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là người đứng tuổi, bậc đáng kính, được dùng để chỉ Linh Mục ngay từ buổi đầu. 

Bà Catherine thiếu lòng kính trọng thánh chức Linh Mục vì đã không gọi tôi, một Linh Mục là CHA. Tôi thấy mình thiếu lý chứng để kết án bà. Người Tây Phương đặt tên để gọi. Họ thích được gọi đích danh. Một Linh Mục biết nhiều tên của nhiều người và gọi đúng tên, bất luận già trẻ lớn bé, sẽ được Giáo Dân quý mến đặc biệt. Khi được gọi đúng tên, người Tây Phương cảm thấy mình thực sự được quan tâm.

Người Á Đông, đặc biệt Việt Nam mình, đặt tên để tránh gọi tên hay đặt tên để giấu tên. Gọi tên ‘cúng cơm’ một người lớn, chuyện bất kính, không thể chấp nhận được. Người mình thường xưng hô bằng ngôi thứ: Bác Ba, Cô Chín, Cậu Út thay cho tên. Trong những Xứ Đạo người Bắc, chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ được gọi là Ông Chánh hay Chánh Trương. Giáo lý viên dạy kinh bổn được gọi là Bà Quản hay Quản Giáo. Người xướng kinh trong Nhà Thờ được gọi là Ông Trùm. Người chăm sóc việc nhà thờ, nhà Cha được gọi là Ông Bõ. Việc tránh gọi tên đi đến kết quả: không còn ai biết tên thật của nhau. Cách nào đó đã thiếu quan tâm đến cá nhân, đến hữu thể mà chỉ chú trọng đến ngôi thứ, chức vụ hay địa vị là cái tùy thể, tháp gắn vào hữu thể.

Năm 1974, tôi biết rõ một thiếu tá quận trưởng mất chức vì dám gọi vị Giám Mục Công Giáo là "Ông Đạo". Ai cũng cho là đáng đời, vì làm tới quận trưởng mà không biết gọi Giám Mục là Đức Cha. Cũng là những kết án không hợp lý và bất lợi: Một quận trưởng không Công Giáo, làm sao biết được cách xưng hô kiểu Công Giáo ? Người ngoài Công Giáo và nếu chịu ảnh hưởng Khổng Giáo chút ít, khó có thể gọi một ai khác ngoài cha đẻ của họ ở nhà là cha. Vị quận trưởng bị cất chức nầy có nhận ra lỗi "ăn nói vô đạo" của mình không ? Không ! Ông ta đâu có lỗi để nhận ra. Nhưng trên thực tế, ông ta đã nhận một bất công.

Gánh chịu bất công dễ đưa lòng người tới oán hận. Phải thú nhận rằng trong quá khứ, chúng ta, do hoàn cảnh đưa đẩy, đã sống theo kiểu "làm cha thiên hạ" hay "lấy thịt đè người". Chúng ta đòi người khác cho cái mà họ không có và không buộc phải cho. Chúng ta nghĩ thế nào, dễ hay khó, tự nhiên hay bất thường khi nghe một cụ già bảy mươi tuổi, trong tiếp xúc xã giao thường ngày, gọi một Linh Mục trẻ mới ba mươi tuổi là cha và xưng là con?

Bà Catherine đã gần bảy mươi tuổi, sấp xỉ tuổi mẹ tôi ở quê nhà. Chưa một lần xác định bằng lời, nhưng xem chừng bà thay Mẹ tôi chăm sóc cho tôi trong mấy tháng qua: Bà nấu cơm cho tôi, giặt giũ cho tôi, bà pha chế những món ăn hoà hợp giữa khẩu vị Tây-Ta cho tôi vừa miệng. Bà hay dò hỏi xem Mẹ tôi làm gì cho tôi khi tôi đau ốm hay khi tôi buồn. Bà nhắc tôi đi ngủ sớm và dâng thánh lễ chậm rải, sốt sắng. Bà thương chỉ bảo cho tôi phát âm từng chữ tiếng Anh cho đúng giọng và chính xác. Bà cũng hay nhờ tôi khuân vác hay di chuyển những vật nặng trong nhà xứ giống như Mẹ tôi ở nhà vậy. Chuyện bà gọi tôi bằng tên cũng là chuyện tự nhiên như Mẹ gọi con. Có bà mẹ nào, trong sinh hoạt thường nhật, gọi con mình làm Linh Mục là cha bao giờ ? Chuyện bà nhờ tôi phủi tuyết bám giày sáng nay, trong trí bà, có thể không như chuyện Giáo Dân nhờ Linh Mục, nhưng là chuyện mẹ nhờ con. Thật đơn giản !

Hơn bao giờ hết, tôi thấy mình thật cận kề với Chúa Giêsu chịu đóng đinh đang đặt trước mặt tôi, trên bàn làm việc. Chúa Kitô, Linh Mục thượng phẩm, đang dang tay, hiến tế chính thân mình trên Thánh Giá. Tôi, một Linh Mục, một Chúa Kitô khác, tôi dang tay dâng lễ hàng ngày trên bàn thờ. Tay dang, nhưng không dâng hiến, không ban phát, không cho đi, nhưng đòi hỏi: đòi được kính trọng đặc biệt, đòi được gọi bằng CHA mới thoả lòng. Tôi làm Linh Mục, một Chúa Kitô khác, nhưng đôi khi tôi thật khác Đức Kitô: Chúa Kitô, đến để phục vụ, còn tôi, tôi sôi máu tức giận khi phải phục vụ. 

Tôi đứng lên, tìm bà Catherine trò chuyện. Bà đang ở nhà bếp chuẩn bị cơm trưa. Tôi vui vẻ đến gần hỏi xem bà có cần tôi giúp chuyện chi không. Bà Catherine vui vẻ nhờ tôi chuẩn bị salad và cà chua. Tôi vừa làm giúp bà vừa hát nho nhỏ trong miệng. Bà Catherine đến gần, ngọt giọng bảo tôi: "Peter, you look so happy today !" Lại cũng Peter suông ! Nhưng tôi lại yêu nó. Tôi mỉm cười đắc ý trả lời: "Yes, Mom, I deeply realize that I am a priest forever !" Chữ "Linh Mục" tôi nhấn mạnh và kéo dài. Suốt năm tháng qua, từ ngày chịu chức, tôi đã làm CHA và buồn vì không được gọi là Cha. Hôm nay, tôi mới thực sự làm Linh Mục, làm người được chia sẻ chức Linh Mục với Chúa Kitô, Đấng đến dang tay tế chính thân mình cho phần rỗi của những người con. 

Bà Catherine ơi ! Cám ơn bà thật nhiều ! Bà đã không kêu tôi bằng Cha, nhưng bằng tên và đã nhờ tôi phủi tuyết bám giày bà. Bà không thật sự thiếu lòng kính trọng tôi, hay coi thường chức Linh Mục trong tôi. Nhưng bà cho tôi cơ hội nếm và sống ý nghĩa chức Linh Mục. Linh Mục, kẻ dang tay để tế lễ, để dâng hiến, để cho đi, để ban phát và phục vụ như một Đức Kitô khác. Bà thật sự giúp tôi khước từ ước vọng làm CHA hay thích được gọi là CHA theo ý nghĩa muốn được nâng cấp, mang tính ích kỷ thu gom của mình. Linh Mục, người Cha tinh thần hay cha linh hồn, người sinh cho Chúa nhiều con cái qua bí tích Rửa Tội, nhưng nhiều khi được gọi CHA làm tôi dễ thấy mình cao cả và quên đi vai trò hy sinh, dang tay cứu độ mà Đức Kitô, Linh Mục Thượng phẩm đã chọn gọi tôi để thi hành.

Lm. TRẦN TUYÊN, Canada.
(gpphanthiet.com)

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM B (Mc 1, 7-11)